Thứ Tư 27/8/2008 – Loạt bài cho Năm Thánh Phaolô Bài Giáo Lý 2

 

Đời Sống Thánh Phaolô

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Trong buổi Giáo Lý trước những ngày nghỉ lễ – hai tháng trước đây, vào đầu tháng 7 – tôi đã bắt đầu một loạt bài mới về những đề tài nhân dịp Năm Thánh Phaolô, khi khảo sát thế giới Thánh Phaolô đã sống thời ấy. Hôm nay tôi muốn tái tấu và tiếp tục chia sẻ về Vị Tông Đồ Dân Ngoại này, cho thấy vắn tắt về tiểu sử của ngài. Vì chúng ta sẽ giành ngày Thứ Tư tuần tới cho biến cố đặc biệt xẩy ra trên đường Damasco, biến cố trở lại của Thánh Phaolô, một khúc quanh quyết liệt trong đời sống của ngài sau cuộc gặp gỡ Chúa Kitô, mà hôm nay chúng ta chỉ nói ngắn gọn tới đời sống chung chung của ngài thôi. Chúng ta thấy được những chi tiết về tiểu sử của ngài thích đáng trong Bức Thư gửi cho Philemon, trong đó, ngài nói ngài là ‘một người già’ (Phlm 9 - presbytes), và trong cuốn Tông Vụ, vào lúc ném đá Stephanô, ngài được diễn tả là ‘một nam nhân trẻ trung’ (7:58 - neanías). Cả hai lời diễn tả này rõ ràng là có tính cách chung chung, thế nhưng, theo những tính toán xa xưa thì một người ở vào khoảng 30 thì được gọi là ‘trẻ’ trong khi đó họ được gọi là ‘già’ khi họ ở vào tuổi 60. Ngày sinh của Thánh Phaolô phần lớn lệ thuộc vào ngày tháng của Bức Thư gửi cho Philêmon. Theo truyền thống thì ngài được cho rằng đã viết bức thư này trong thời gian bị giam cầm ở Rôma vào khoảng giữa thập niên 60. Thánh Phaolô có thể được sinh vào khoảng năm thứ 8. Bởi thế ngài ở vào khoảng 30 lúc Thánh Stephanô bị ném đá. Đây phải là niên đại chính xác và chúng ta đang cử hành Năm Thánh Phaolô thực sự theo niên đại này. Năm 2008 được chọn theo ngày sinh của ngài được nghĩ là ở vào khoảng năm thứ 8. Dù sao thì ngài đã được sinh ra ở Tarsus,  Cilicia (cf Acts 22:3). Tỉnh này là thủ đô quản trị của miền ấy và vào năm 51 B.C. đã có một vị Thống Đốc là chính Marcus Tullius Cicero, và 10 năm sau, năm 41 B.C., Tarsus đã là nơi gặp gỡ lần đầu tiên giữa Mark Anthony và Cleopatra. Là một người Do Thái lưu vong, ngài đã nói tiếng Hy Lạp mặc dù tên của ngài có nguồn gốc Latinh. Ngoài ra, danh xưng này cũng được lấy từ âm điệu theo gốc Do Thái của ngài Saul/Saulos, và ngài là một người công dân Rôma (cf Acts 22:25-28). Bởi thế, Thánh Phaolô xuất thân ở giao điểm của 3 nền văn hóa – Rôma, Hy Lạp và Do Thái – và có lẽ vì thế mà một phần nào ngài đã có sẵn mầm mống của một khuynh hướng cởi mở đại đồng hiệu năng, của một thứ môi giới giữa các nền văn hóa, của một tính chất toàn cầu thực sự. Ngài cũng đã học một thứ nghề chân tay, có lẽ từ cha của ngài, thứ nghề ‘làm lều bạt’ (Acts 18:3 – Skenopoios). Nghề này có thể được hiểu là một công nhân lấy lông dê chưa đan hay sợi vải để làm thành những cái chiếu nệm hay những lều bạt (cf Acts 20:33-35). Ở vào độ tuổi 12 tới 13, một lứa tuổi mà một em trai Do Thái trở thành một bar mitzvah (‘đứa con của giới luật’), Thánh Phaolô đã bỏ Tarsus mà chuyển lên Gi6rusalem để học hỏi nơi Tôn Sư Gamaliel Lão Thành, một người cháu của đại Tôn Sư Hillel, theo những tiêu chuẩn ngặt nghèo nhất của thành phần Pharisiêu hầu đạt được lòng nhiệt thành mạnh mẽ đối với Bộ Ngũ Kinh Moisen (cf. Gal 1: 14; Phil 3: 5-6; Acts 22: 3; 23: 6; 26: 5).

 

Trên căn bản của cái Chính Thống sâu xa ngài học hỏi trong trường Hillel ở Giêrusalem ấy, ngài đã thấy phong trào mới liên quan tới Giêsu Nazarét là một cái gì nguy hại, một đe dọa cho căn tính của người Do Thái, cho tính cách Chính Thống thực sự của cha ông. Điều này là những gì cho thấy rằng ngài đã hãnh diện ra tay ‘bách hại Giáo Hội Chúa’ như ngài đã thú nhận 3 lần trong các Bức Thư của ngài (1Cor 15:9; Gal 1:13; Phil 3:6). Mặc dù khó có thể tưởng tượng ra được những gì thực sự xẩy ra trong cuộc bách hại này, nhưng thái độ của ngài là một thái độ bất khoan nhượng. Chính ở chỗ này mới xẩy ra biến cố Damasco; chúng ta sẽ trở lại với biến cố này vào buổi Giáo Lý tới đây. Một điều chắc chắn đó là từ lúc ấy đời sống của Thánh Phaolô đã biến đổi và ngài đã trở thành một vị tông đồ Phúc Âm không biết mệt mỏi. Thật vậy, Thánh Phaolô đã đi làm lịch sử về những gì ngài đã thực hiện với tư cách là một Kitô hữu, thực sự là một Tông Đồ, hơn là một người thuộc phái Pharisiêu. Theo truyền thống thì hoạt động tông đồ của ngài được phân chia theo 3 cuộc hành trình truyền giáo của ngài, những cuộc hành trình có thể được thêm cuộc thứ tư là chuyến đi của ngài đến Rôma như là một tù nhân. Tất cả những cuộc hành trình này đầu được Thánh Luca trình thuật trong cuốn Tông Vụ. Tuy nhiên, về 3 cuộc hành trình truyền giáo ấy thì cần phải phân biệt cuộc hành trình đầu tiên với hai cuộc hành trình sau đó.

 

Thật vậy, Thánh Phaolô đã không trực tiếp có trách nhiệm với cuộc hành trình đầu tiên (cf Acts 13-14), một cuộc hành trình được úy thác cho Thánh Barmabê thành Cypriot. Các vị cùng đi thuyền với nhau từ Antioch ở Orontes River, được sai đi bởi Giáo Hội ở đó (cf. Acts 13:1-3) và đã đi thuyền từ cảng Seleucia ở vùng duyên hải Syria, băng qua đảo Cyprus từ Salamis tới Paphos; từ đó, các vị tiến đến những vùng duyên hải miền nam của Anatolia, ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ, và băng ngang qua những thành phố Attalia, Perga ở Pamphylia, Antioch ở  Pisidia, Iconium, Lystra và Derbe, từ đó các vị trở về điểm xuất phát. Như thế mới xuất hiện Giáo Hội của dân chúng, Giáo Hội Dân Ngoại. Trong khi đó, nhất là ở Giêrusalem, một cuộc bàn cãi đã bùng nổ, kéo dài cho tới khi, để thực sự tham dự vào những lời hứa hẹn của các vị tiên tri và hiệu nghiệm tiến vào gia sản của Yến Duyên, thành phần Kitô hữu xuất thân từ ngoại giáo buộc phải tuân giữ đời sống và lề luật của Yến Duyên (những tuân thủ và những qui định làm cho Yến Duyên khác biệt với thế giới). Để giải quyết vấn đề nghiêm trọng này cho việc hạ sinh của Giáo Hội tương lai, một công đồng chung được gọi là Công Đồng Chư Vị Tông Đồ đã gặp nhau ở Giêrusalem để ổn định về một giải pháp là những gì chi phối việc hạ sinh hiệu năng của một Giáo Hội hoàn vũ. Và vấn đề được quyết định là không được áp đặt việc tuân giữ Lề Luật Moisen trên những người dân ngoại hoán cải (cf. Acts 15:6-30), tức là họ không bị ràng buộc bởi những luật lệ của Do Thái Giáo. Chỉ có một điều cần duy nhất đó là thuộc về Chúa Kitô, là sống với Chúa Kitô và tuân giữ lời của Người. Như thế, khi thuộc về Chúa Kitô là họ cũng thuộc về Abraham và thuộc về Thiên Chúa, và là những người thừa hưởng tất cả mọi lời hứa. Sau biến cố hệ trọng này, Thánh Phaolô tách khỏi Thánh Barnabê, đã chọn Sila và bắt đầu thực hiện cuộc truyền giáo thứ hai của mình (Acts 15:36-18:22). Khi vượt ra ngoài cả Syria và Celicia, một lần nữa ngài đã gặp lại thành Lystra là nơi ngài đã được thêm Timothy (mộït nhân vật rất quan trọng trong Giáo Hội sơ khai, con trai của một phụ nữ Do Thái và một người dân ngoại), nhân vật ngài đã cắt bì cho; ngài đã băng qua miền  Trung Anatolia và tiến đến thành Troas ở miền duyên hải phía bắc Biển Aegean. Và ở đây một biến cố quan trọng khác xẩy ra, đó là, trong một giấc mơ, ngài đã thấy một người Macedonia từ bên kia biển, tức là ở Âu Châu, nói rằng: ‘Xin hãy đến giúp chúng tôi!’ Chính một Âu Châu của tương lai đã ngỏ lời xin ánh sáng và sự trợ giúp của Phúc Âm. Được tác động bởi thị kiến này, ngài đã đi thuyền đến Macedonia nhờ đó tiến vào Âu Châu. Xuống thuyền ở Neapolis, ngài đã đến Philippi là nơi ngài đã thành lập một cộng đồng tuyệt vời. Thế rồi ngài đã hành trình đến Thessalonica. Sau khi rời bỏ nơi này vì các vấn đề rắc rối do những người Do Thái gây ra cho ngài, ngài đã băng ngang qua Beroea đến Nhã Điển. Ở thủ đô của nền văn hóa cổ Hy Lạp này, ngài đã giảng dạy cho dân ngoại và những người Hy Lạp, trước hết là ở Agora rồi ở Areopagus. Bài diễn từ ở Areopagus, được cuốn Tông Vụ đề cập tới, là kiểu mẫu cho việc làm thế nào để chuyển dịch Phúc Âm sang văn hóa Hy Lạp, làm thế nào để những người Hy Lạp hiểu được rằng Vị Thiên Chúa của những người Kitô hữu và Do Thái không phải là vị Thiên Chúa xa lạ với nền văn hóa của họ mà là Vị Thiên Chúa vô danh họ đang mong đợi, là giải đáp đích thực cho những vấn nạn sâu xa nhất nơi nền văn hóa của họ. Thế rồi từ Nhã Điển ngài đã đến Côrintô là nơi ngài đã ở một năm rưỡi. Ở đây, chúng ta có một biến cố rất đáng tin cậy theo biên niên. Đó là một ngày hết sức đáng tin trong tất cả tiểu sử của ngài, vì trong thời gian ở Côrintô lần đầu tiên này, ngài đã buộc phải xuất hiện trước vị Thống Đốc ở Khu Vực Nghị Viên Achaia, đó là vị Toàn Quyền Gallio, người đã tố cáo ngài về tội thờ tự bất hợp pháp. Ở Corintô có một câu khắc cổ xưa, được tìm thấy ở Delphi, đề cập tới nhân vật Gallio này cùng thời đoạn đó. Câu khắc này cho biết Gallio là Thống Đốc ở Corintô giữa những năm 51 và 53. Như thế chúng ta có được một ngày tháng hết sức chắc chắn. Thánh Phaolô đã ở Corintô vào những năm này. Do đó chúng ta có thể cho rằng ngài đã đến đó vào khoảng năm 50 và ở đó cho tới năm 52. Đoạn từ Côrintô, băng ngang qua Cenchreae, hải cảng của phía đông của thành phố ấy, ngài đã đi thuyền đến Palestine và đến Caesarea Marittima. Từ đó ngài đã đi thuyền đến Giêrusalem trước khi trở về Antioch ở Orontes.

 

Cuộc hành trình truyền giáo thứ ba (cf Acts 18:23-21:16), như tất cả mọi cuôc hành trình của ngài, được bắt đầu ở Antioch, nơi đã trở thành tâm nguyên của Giáo Hội Dân Ngoại, của sứ vụ truyền  giáo cho Dân Ngoại, và cũng là nơi xuất phát tiêág ‘Kitô hữu’. Thánh Luca đã nói với chúng ta rằng chính ở đó mà thành phần môn đồ của Chúa Giêsu lần đầu tiên được gọi là ‘Kitô hữu’. Từ Antioch, Thánh Phaolô tiến đến Epheso, thủ đô của Khu Vực Á Châu là nơi ngài đã ở 2 năm, thi hành một thừa tác vụ mang lại dồi dào hoa trái cho khắp vùng này. Chính từ Epheso mà Thánh Phaolô đã viết những Bức Thư cho những tín hữu ở Thessalonica và Côrintô. Tuy nhiên, dân chúng ở thành phố này lại bị thành phần thợ bạc địa phương xui khiến chống lại ngài, vì họ thấy lợi tức của họ bị suy giảm trước con số thấp hơn của những người thờ thần Artemis (đền thờ được dâng hiến cho vị nữ thần này ở Epheso là Artemysion, một trong 7 kỳ công thời thế giới cổ xưa); bởi thế Thánh Phaolô buộc phải thoát thân lên miền bắc. Ngài đã băng ngang qua Macedonia một lần nữa và trở về với người Hy Lạp, có thể ngài đã đến Côrintô, nơi ngài đã ở lại 3 tháng và viết Bức Thư nổi tiếng cho tín hữu Rôma.

 

Từ đó ngài đã đi lại những nơi ngài đã đi qua: ngài đã quay lại qua Macedonia, tới Troas bằng thuyền, và rồi, ở đó một thời gian rất ngắn trên những hải đảo Mitylene, Chios và Samos, đã đến Miletus, nơi ngài đã cống hiến một bài nói quan trọng với các vị lão thành thuộc Giáo Hội Epheso, phác tả bức chân dung về một vị Mục Tử thực sự của Giáo Hội (cf. Acts 20). Từ đây, ngài đã đi thuyền tới Tyre và từ đây ngài đã đến caesarea Marittima, trong cuộc hành trình của ngài về Giêrusalem. Ở đây ngài đã bị giam giữ vì bị hiểu lầm. Một số người Do Thái đã hiểu lầm những người Do Thái khác gốc Hy Lạp Dân Ngoại, thành phần được Thánh Phaolô đem vào một khu vực đền thờ chỉ giành riêng cho người Do Thái. Ngài đã thoát khỏi bản án tử hình không thể tránh được nhờ sự can thiệp của viên quan Rôma canh giữ khu vực Đền Thờ (cf. Acts 21:27-36); vụ này xẩy ra trong khi viên Biện Lý của đế quốc đang ở Giuđêa là Antonius Felix. Sau một thời gian ngắn ở trong tù (kéo dài bao lâu là những gì vẫn còn tranh cãi), và vì Thánh Phaolô là công dân Rôma đã khiếu nại lên  hoàng đế (bấy giờ là Nero), vị Biện Lý sau này là Porcius Festus, đã gửi ngài tới Rôma,có quân đội hộ tống.

 

Cuộc hành trình đến Rôma bao gồm cả việc ghé ngang qua các hải đảo Địa Trung Hải Crete và Malta, rồi tới các thành phố Syracuse, Rhegium Calabria và Puteoli. Thành phần Kitô hữu Rôma đã đến Appian Way để gặp ngài ở Appii Forum (cách thủ đô khoảng 70 cây số), và những người khác đến từ xa như ở Three Taverns (c. 40 cây số). Ở Rôma, ngài đã gặp gỡ những vị đại biểu của cộng đồng Do Thái, thành phần được ngài cho biết là chính vì ‘niềm hy vọng của Yến Duyên’ mà ngài đã phải mang xiềng xích (Acts 28:20). Tuy nhiên, trình thuật của Thánh Luca đã chấm dứt bằng việc đề cập tới việc Thánh Phaolô bị quản thúc hai năm ở Rôma. Thánh Luca không đề cập gì tới bản án của hoàng đề (Nero) hay ít là cái chết của kẻ bị tố cáo này hết. Các truyền thống sau đó nói về việc ngài được giải phóng là biến cố thuận lợi cho hành trình truyền giáo đến Tây Ban Nha hay một giai đoạn sau đó ở Miền Đông, nhất là ở Crete, Epheso và Nicopoli ở Epirus. Cũng vẫn theo một giả thuyết khác thì ngài lại bị bắt và bị tù lần hai ở Rôma (nơi ngài được cho là đã viết 3 bức thư được gọi là những Thư Mục Vụ, tức là hai thư cho Timothêu và 1 cho Titô), với một cuộc xét xử lần thứ hai tỏ ra bất lợi cho ngài. Tuy nhiên có cả một loạt những lý do khiến cho nhiều học giả về Thánh Phaolô kết thúc tiểu sử của ngài theo trình thuật của Thánh Luca trong cuốn Tông Vụ.

 

Chúng ta sẽ trở về với cuộc tử đạo của ngài trong chu kỳ của những buổi Giáo Lý của chúng ta. Trong khi chờ đợi, qua việc liệt kê ngắn ngủi về những cuộc hành trình của Thánh Phaolô đã đủ cho thấy ngài đã dấn thân biết bao cho việc rao giảng Phúc Âm, không ngần ngại tiêu hao sức lực, đương đầu với hàng loạt những thử thách trầm trọng đã được ngài để lại cho chúng ta một bản liệt kê trong Thư Thứ Hai gửi giáo đoàn Côrintô (cf. 11:21-28). Ngoài ra, chính ngài đã viết rằng: ‘tôi làm tất cả mọi sự vì Phúc Âm’ (1Cor 9:23), bằng việc thực hiện một cách hoàn toàn quảng đại là những gì được ngài gọi là ‘nỗi lo lắng cho Giáo Hội’ (2Cor 11:28). Chúng ta thấy được một cuộc dấn thân chỉ có thể giải thích bởi một tâm hồn thực sự bị thôi miên bởi ánh sáng Phúc Âm, bởi kính mến Chúa Kitô, một tâm hồn được vững vàng bởi một niềm xác tín sâu xa; cần mang ánh sáng của Chúa Kitô đến cho thế giới, cần loan báo Phúc Âm cho tất cả mọi người chúng ta. Đối với tôi thì những gì còn lại cho chúng ta từ việc vắn tắt ôn lại những cuộc hành trình này của Thánh Phaolô đó là thấy được cái say mê của ngài đối với Phúc Âm, nhờ đó thấu triệt được tính chất cao cả, mỹ miều, thật sự là thấu triệt được nhu cầu sâu xa của Phúc Âm đối với tất cả chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Chúa là Đấng đã làm cho Thánh Phaolô thấy được ánh sáng của Người, Đấng làm cho ngài nghe thấy lời của Người và tác động mãnh liệt tâm can của ngài, cho chúng ta cũng được thấy ánh sáng của Người, để lòng của chúng ta cũng được tác động bởi Lời của Người, nhờ đó chúng ta cũng cống hiến ánh sáng Phúc Âm và sự thật về Chúa Kitô cho thế giới ngày nay đang khao khát nó.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/audiences/2008/documents/hf_ben-xvi_aud_20080827_en.html