Thánh Phaolô – Truyền Thống

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 24/9/2008 – Loạt bài cho Năm Thánh Phaolô Bài Giáo Lý 5

 

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Hôm nay tôi muốn nói về mối liên hệ giữa Thánh Phaolô và các vị tông đồ theo Chúa Giêsu trước ngài. Những mối liên hệ này bao giờ cũng được đánh dấu bằng tấm lòng sâu xa trọng kính cũng như bằng tấm lòng thẳng thắn được Thánh Phaolô bày tỏ trong việc bênh vực cho chân lý Phúc Âm. Mặc dù trên thực tế ngài là một con người đồng thời với Chúa Giêsu Nazarét, nhưng ngài chưa bao giờ có cơ hội gặp Người trong đời sống công khai của Người. Vì thế, sau biến cố ánh sáng chói lòa trên đường đi Damascus, ngài đã thấy nhu cầu cần phải tham vấn cùng các vị môn đệ tiên khởi của Vị Tôn Sư, những vị đã được Chúa Kitô chọn để rao giảng Phúc Âm cho tới tận cùng trái đất.

 

Trong bức Thư gửi cho tín hữu Galata, Thánh Phaolô đã tỉ mỉ nói tới một tường trình quan trọng về những mối liên hệ với một số trong 12 Vị: trước hết với Thánh Phêrô, vị đã được chọn làm Cephas, tiếng Aramaic nghĩa là đá là những gì nền tảng cho Giáo Hội (cf. Gal 1:18), với Thánh Giacobê là ‘người anh em của Chúa’ (cf Gal 1:19), cũng như với Thánh Gioan (cf. Gal 2:9). Thánh Phaolô không ngần ngại nhìn nhận các vị là ‘những trụ cột’ của Giáo Hội. Quan trọng đặc biệt là cuộc gặp gỡ với Cephas (Peter), xẩy ra ở Giêrusalem. Thánh Phaolô ở với vị này 15 ngày ‘để tham vấn’ (cf. Gal 1:19), tức là để được chỉ giáo về đời sống trần gian của Đấng Phục Sinh, Đấng đã ‘chiếm đoạt’ ngài trên đường đi Damascus và đã hoàn toàn biến đổi đời sống của ngài, từ một tên bách hại Giáo Hội Chúa đến một nhà truyền bá phúc âm hóa về đức tin vào Đấng Thiên Sai tử giá và là Con Thiên Chúa, Đấng trong quá khứ ngài đã muốn hủy diệt (cf. Gal 1:23).

 

Thánh Phaolô đã được chỉ giáo ra sao về Chúa Giêsu trong 3 năm sau cuộc gặp gỡ ở Damascus? Trong bức Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Corintô của ngài, chúng ta thấy đươc 2 đoạn cho thấy Thánh Phaolô đã học biết và là những gì được làm nên những yếu tố nền tảng của truyền thống Kitô giáo, một truyền thống chủ yếu. Ngài đã truyền đạt những yếu tố ấy bằng môi miệng, đúng như ngài đã lãnh nhận, bằng một công thức rất trang trọng là: ‘Tôi truyền đạt cho anh chị em … những gì tôi cũng đã được lãnh nhận’. 

 

Như thế, ngài đã nhấn mạnh đến việc trung thành với những gì chính ngài đã lãnh nhận và trung thành truyền đạt cho thành phần tân Kitô hữu. Chúng là những yếu tố cấu trúc chủ yếu và là những gì liên quan tới Thánh Thể và Phục Sinh. Chúng là những bản văn đã được hình thành ở vào thập niên 30. Nhờ đó chúng ta mới biết tới cuộc tử nạn, an táng trong lòng đất và phục sinh của Chúa Giêsu (cf 1Cor 15:3-4).

 

Chúng ta hãy đi từng vấn đề một: những lời của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly (cf. 1Cor 11:23-25) đối với Thánh Phaolô thực sự là tâm điểm của đời sống Giáo Hội. Giáo Hội được xây dựng từ tâm điểm này, nhờ đó mới là Giáo Hội. Ngoài tâm điểm Thánh Thể này là nơi Giáo Hội luôn được hạ sinh – đối với tất cả khoa thần học của Thánh Phaolô, với tất cả tư tưởng của ngài – những lời của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly ấy đã có một tầm ảnh hưởng đáng kể nơi mối liên hệ giữa ngài với Chúa Giêsu. Một mặt chúng chứng thực rằng Thánh Thể là những gì làm sáng giá cái tai họa của thập giá, khi biến nó thành một phúc lành (Gal 3:13-14), chúng còn cho thấy chiều sâu của chính cái chết và cuộc phục sinh của Chúa Giêsu. Trong các bức thư của mình, cụm từ ‘cho các con’ của lời thiết lập Thánh Thể chẳng những đã trở thành ‘cho con’ (Gal 2:20), một cách riêng tư hóa, vì ngài biết rằng trong cái ‘các con’ ấy chính bản thân ngài được Chúa Giêsu nhận biết và yêu thương, mà còn ‘vì tất cả’ (2Cor 5:l14): cái ‘cho các con’ trở thành ‘cho tôi’ và ‘cho Giáo Hội’ (Eph 5:25), tức là, cũng ‘cho tất cả’ việc hy tế xóa tội của thập giá (cf Rm 3:25). Nhờ Thánh Thể và nơi Thánh Thể, Giáo Hội được xây dựng và nhận biết mình như là ‘Thân Mình Chúa Kitô’ (1Cor 12:27), được hằng ngày nuôi dưỡng bằng sức mạnh của Thần Linh Đấng Phục Sinh.

 

Đoạn văn khác, đoạn về cuộc Phục Sinh, một lần nữa truyền đạt cho chúng ta cùng một công thức của sự trung thành: ‘Vì tôi chuyển tới anh chị em những gì quan trọng nhất tôi cũng đã lãnh nhận, đó là Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi của chúng ta theo Thánh Kinh, Người đã chịu chôn táng, Người đã sống lại vào ngày thứ ba theo lời Thánh Kinh, và Người đã hiện ra với Cephas, đoạn với 12 Vị’ (1Cor 15:3-5). Cũng trong những gì được truyền đạt cho Thánh Phaolô này, ngài một lần nữa lại đề cập tới lời phát biểu ‘vì tội lỗi của chúng ta’, một lời phát biểu nhấn mạnh đến tặng ân Chúa Giêsu hiến mình cho Chúa Cha để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Từ tặng ân ban mình này của Người, Thánh Phaolô đã bày tỏ mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa Giêsu một cách hết sức cảm động và ngỡ ngàng bàng hoàng như sau: ‘Vì chúng ta mà Đấng làm cho Người vốn không biết đến tội lỗi trở thành tội lỗi, để trong Người chúng ta được trở nên sự công chính của Thiên Chúa’ (2Cor 5:21). ‘Vì anh chị em quá rõ về ân huệ của Chúa đối với chúng ta đó là mặc dù Người là Đấng giầu sang nhưng vì chúng ta đã trở nên nghèo nàn, để nhờ đó, nhờ sự bần cùng của Người mà anh chị em được trở nên giầu có’ (2Cor 8:9). Cũng nên nhắc lại ở đây lời dẫn giải được một đan sĩ dòng Thánh Âu Quốc Tinh là Martin Luther bày tỏ kèm theo những lời phát biểu nghịch thường này của Thánh Phaolô: ‘Đây là một mầu nhiệm cao cả của ân sủng thần linh đối với thành phần tội nhân: ở chỗ, bằng một cuộc trao đổi tuyệt vời, tội lỗi của chúng ta không còn là của chúng ta nữa, mà là của Chúa Kitô, và sự công chính của Chúa Kitô không còn là của Chúa Kitô nữa mà là của chúng ta (Commentary on the Psalms from 1513-1515). Và vì thế chúng ta đã được cứu độ. 

 

Nơi chữ kerygma chính gốc – hay loan báo – tức được truyền đạt bằng miệng lưỡi, cũng nên đề cập tới việc sử dụng động từ ‘vẫn sống lại’ (has risen), thay vì ‘đã sống lại’ (rose) hợp lý hơn với động từ ‘đã chết’ (died) và ‘đã được mai táng’ (was buried). Thể động từ ‘vẫn sống lại’ được chọn để nhấn mạnh tới tầm ảnh hưởng việc phục sinh của Chúa Kitô nơi cuộc sống của người tín hữu cho tới hiện tại, ở chỗ, chúng ta có thể truyền đạt cuộc phục sinh này như ‘vẫn sống lại và tiếp tục sống động’ nơi Thánh Thể trong Giáo Hội. Như thế tất cả Thánh Kinh đều chứng thực cho cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô, vì – như Hugh of Saint Victor đã viết – ‘tất cả Thánh Kinh thần linh chỉ làm nên một cuốn duy nhất, và cuốn này là Chúa Kitô, vì toàn thể Thánh Kinh đều nói về Chúa Kitô và nên trọn nơi Chúa Kitô’ (De Arca Noe, 2, 8). Nếu Thánh Ambrose thành Milan có thể nói rằng: ‘chúng ta đọc Chúa Kitô trong Thánh Kinh’ thì chính vì Giáo Hội của những cội nguồn đã đọc lại tất cả Thánh Kinh của dân Do Thái bắt đầu từ Chúa Kitô và qui về Chúa Kitô. 

 

Việc liệt kê về những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh cho Cephas, cho 12 Vị, cho trên 500 người anh  em, và cho Giacôbê, được kết thúc bằng chi tiết liên quan tới việc hiện ra riêng tư với Thánh Phaolô trên đường Damascus: ‘Sau cùng, như một kẻ sinh non, Người cũng đã hiện ra với tôi’ (1Cor 15:8). Vì ngài đã bách hại Giáo Hội Chúa, ngài đã bày tỏ trong việc tự thú này về sự bất xứng của ngài khi được kể là tông đồ, ngang hàng với những vị trước ngài: thế nhưng ơn Chúa đã không bị vô bổ nơi ngài (1Cor 15:10). Bởi thế, việc hiên ngang khẳng định này về ân sủng thần linh đã liên kết Thánh Phaolô với những vị chứng nhân tiên khởi về cuộc phục sinh của Chúa Kitô. ‘Dù là tôi hay các vị ấy, chúng tôi đều là những người rao giảng để anh chị em tin’ (1Cor 15:11). Cái căn tính và mối hiệp nhất của việc loan truyền Phúc Âm là những gì hệ trọng: cả các vị ấy và tôi đều giảng dạy cùng một đức tin, cùng một Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh, Đấng đã ban mình nơi Thánh Thể cực thánh. Tầm quan trọng mà ngài đã giành cho Truyền Thống sống động của Giáo Hội, một truyền thống được Giáo Hội truyền đạt cho các cộng đồng của mình, chứng tỏ cho thấy cái sai lầm nơi quan niệm cho rằng Thánh Phaolô là người sáng chế ra Kitô giáo: Trước khi loan truyền Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô, ngài đã gặp Người trên đường đi Damascus, và đã gặp Người nơi Hội Thánh, sống theo gương 12 Vị cũng như những ai đã theo Người trên những nẻo đường Galilê. Trong các buổi giáo lý tới đây, chúng ta sẽ có dịp để đi sâu hơn vào những gì Thánh Phaolô đóng góp cho Giáo Hội của những thuở ban đầu; tuy nhiên, sứ vụ ngài đã lãnh nhận từ Đấng Phục Sinh để truyền bá phúc âm hóa Dân Ngoại là những gì cần phải khẳng định và bảo đảm bởi những ai chấp nhận ngài và Thánh Barnabas, chấp nhận vai trò tông đồ và truyền bá phúc âm hóa của các vị, và chấp nhận trong một mối hiệp thông duy nhất của Giáo Hội Chúa Kitô (cf Gal 2:9).

 

Như thế, chúng ta hiểu rằng lời phát biểu: ‘bởi vậy, từ nay trở đi, chúng tôi không nhận định về ai theo quan điểm loài người; cho dù chúng tôi đã từng nhận định về Chúa Kitô theo quan điểm loài người, chúng tôi không còn nhận định về Người như thế nữa’ (2Cor 5:16) – không có nghĩa là đời sống trần gian của Người ít thích hợp với việc trưởng thành của chúng ta về đức tin, thế nhưng từ giây phút Phục Sinh, cách thức chúng ta liên hệ với Người đã đổi thay. Người đồng thời cũng là Con Thiên Chúa, ‘Đấng là giòng dõi Đavít theo xác thịt và được ấn định là Con Thiên Chúa trong quyền năng của Thần Linh thánh đức nhờ việc Người phục sinh từ kẻ chết’, như Thánh Phaolô đã nhắc lại ở đầu Thư gửi tín hữu Rôma (1:3-4).

 

Chúng ta càng cố gắng theo Chúa Giêsu Nazarét trên các nẻo đường Galilê chúng ta sẽ càng hiểu rằng Người đã mặc lấy nhân tính của chúng ta, thông phần với chúng ta trong hết mọi sự ngoại trừ tội lỗi. Đức tin của chúng ta không xuất phát từ một thứ huyền thoại nào đó hay một ý tưởng nào đó, mà là từ một cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh, trong đời sống của Giáo Hội.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 21/9/2008

(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)