Thánh Phaolô và Các Bí Tích
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 10/12/2008 – Bài Giáo Lý 16 trong Loạt bài cho Năm Thánh Phaolô
Anh Chị Em thân mến:
Tiếp tục với Thánh Phaolô, trong bài giáo lý Thứ Tư tuần trước, chúng ta thấy có hai điều. Điều thứ nhất đó là lịch sử loài người của chúng ta ngay từ ban đầu đã bị ô nhiễm bởi việc lạm dụng tự do được ban tặng, một thứ tự do cố gắng thoát ly khỏi Ý Muốn Thần Linh. Lịch sử không thấy được một thứ tự do đích thực nhưng là một thứ tự do nghịch lại với sự thật, do đó đã làm cho các thực tại của con người trở thành sai trái lệch lạc. Trước hết nó làm sai lệch đi những mối liên hệ cốt yếu: mối liên hệ với Thiên Chúa, mối liên hệ giữa nam nữ, và mối liên hệ giữa con người và trái đất này. Chúng ta đã nói rằng cái ô nhiễm này của lịch sử chúng ta đang lan tràn khắp mọi tầng lớp của nó, và cái hư hoại bẩm sinh này đã gia tăng và hiện nay trở thành tỏ tường ở khắp mọi nơi. Đó là diều thứ nhất. Điều thứ hai là thế này: Nhờ Thánh Phaolô chúng ta đã biết được rằng trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng là con người và là Thiên Chúa, có một khởi nguyên mới trong lịch sử và của lịch sử. Với Chúa Giêsu, Đấng từ Thiên Chúa mà đến, một lịch sử mới đã bắt đầu được thành hình nhờ tiếng “vâng” của Người với Cha, và vì vậy nó mới không còn được xây dựng trên cái kiêu hãnh của một cuộc giải phóng sai lầm mà là trên yêu thương và chân lý.
Tuy nhiên, giờ đây vấn đề được đặt ra là: làm sao chúng ta có thể tiến vào cuộc khởi nguyên mới này, tiến vào lịch sử mới này? Làm thế nào lịch sử ấy chạm tới chúng ta? Nơi giòng lịch sử đầu tiên bị ô nhiễm, chúng ta không thể nào tránh được mối liên hệ về hậu duệ thuộc sinh lý, tất cả chúng ta đều thuộc về một thân mình của nhân loại. Thế nhưng, làm thế nào hiện thực được mối hiệp thông với Chúa Giêsu, việc tái sinh trở thành một yếu tố của một tân nhân loại? Chúa Giêsu đến với đời sống của tôi, với hữu thể của tôi như thế nào? Câu giải đáp sâu xa của Thánh Phaolô, cũng là câu giải đáp của toàn thể Tân Ước, đó là Người đến bằng quyền năng của Thánh Thần. Nếu giòng lịch sử đầu có theê nói trải qua theo sinh lý, thì giòng lịch sử thế hai cũng trải qua trong Thánh Linh như vậy, vị Thần Linh của Chúa Kitô Phục Sinh. Vào Lễ Ngũ Tuần, vị Thần Linh này đã tạo dựng nên một khởi nguyên mới cho một tân nhân loại, cho một tân cộng đồng là Giáo Hội, Thân Mình Chúa Kitô.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải đi sâu vào thực tế hơn nữa: Làm thế nào vị Thần Linh này của Chúa Kitô, Vị Thánh Linh, trở thành vị Thần Linh của tôi? Câu trả lời đó là việc này xẩy ra bằng 3 cách hết sức sâu xa gắn bó với nhau. Cách thứ nhất dó là: Thần Linh của Chúa Kitô kêu gọi trước cửa ngõ tâm can của tôi, chạm tới nội tâm của tôi. Tuy nhiên, nếu tân nhân loại này cần phải là một thân mình thực sự, nếu vị Thần inh này cần phải mang chúng ta lại với nhau và thực sự tạo nên một cộng đồng, nếu đặc tính của cuộc tân khởi nguyên này là việc thắng vượt những thứ chia rẽ và tạo nên việc triệu tập những ai bị phân tán, thì Vị Thần Linh này của Chúa Kitô sử dụng tới hai yếu tố hữu hình của việc tập họp, đó là Lời Chúa và các phép bí tích, nhất là phép rửa và Thánh Thể. Trong Thư gửi giáo đoàn Rôma, Thánh Phaolô nói: “Nếu môi miệng anh chị em tuyên xưng rằng Chúa Giêsu Kitô là Chúa và trong lòng tin rằng Thiên Chúa đã phục sinh Người từ trong kẻ chết thì anh chị em sẽ được cứu độ” (10:9), thì anh chị em sẽ tiến vào giòng lịch sử mới của sự sống chứ không phải sự chết. Thế rồi Thánh Phaolô tiếp tục viết: “Thế nhưng, làm thế nào con người có thể kêu lên Đấng mà không họ tin tưởng? Và làm thế nào họ tin vào Đấng họ chưa bao giờ nghe thấy? Và làm sao họ có thể nghe thấy mà lại không có người rao giảng? Và làm sao con người có thể rao giảng trừ phi họ được sai đi?” (10:14-15). Trong câu sau đó ngài lập lại một lần nữa là: “đức tin xuất phát từ việc giảng dạy” (10:17). Đức tin không phải là một sản phẩm của những gì chúng ta nghĩ ra, những gì chúng ta suy niệm; nó là một cái gì đó mới mẻ chúng ta không thể sáng chế ra mà chỉ lãnh nhận như là một tặng ân, như là một cái gì mới do Thiên Chúa làm. Và đức tin không xuất phát từ việc đọc sách mà từ việc nghe được. Nó không phải là một cái gì đó thuần nội tâm mà là một liên hệ với Ai Đó. Nó bao hàm một cuộc hội ngộ với việc loan báo, nó bao hàm việc hiện hữu của con người loan báo và làm nên mối hiệp thông.
Và sau hết là việc loan báo: Vị loan báo không nói về những gì của mình, mà là về vị sai khiến. Họ ở trong một cấu trúc truyền giáo được bắt đầu nơi Chúa Giêsu do Cha sai đến, truyền sang cho các Tông Đồ – tiếng “tông đồ” tức là “sai đi” – và tiếp tục nơi thừa tác vụ, nơi những sứ vụ được các Tông Đồ truyền đạt. Cơ cấu mới của lịch sử xuất hiện nơi cấu trúc này của các sứ vụ, trong đó chúng ta nghe thấy thực sự là chính Thiên Chúa nói, lời bản thân của Ngài, Người Con nói với chúng ta, đến với chúng ta. Lời đã hóa thành nhục thể là Chúa Giêsu thực sự thiết lập nên một tân nhân loại. Vì thế lời được loan báo trở thành bí tích thánh tẩy, đó là việc tái sinh bởi nước và Thần linh, như Thánh Gioan nói tới. Trong đoạn thứ sáu Thư gửi giáo đoàn Rôma, Thánh Phaolô nói một cách rất sâu xa về phép rửa. Chúng ta đã nghe đoạn này, thế nhưng có lẽ cần phải lập lại nó: “Anh chị em không biết rằng tất cả chúng ta đều được rửa trong Chúa Giêsu Kitô là rửa trong sự chết của Người hay sao? Bởi thế, qua phép rửa chúng ta đã được chôn táng với Người trong sự chết, nhờ đó, như Chúa Kitô đã sống lại từ trong kẻ chết nhờ vinh quang của Cha thế nào, cả chúng ta nữa cũng bước đi trong đời sống mới như vậy” (6:3-4).
Dĩ nhiên, trong bài giáo lý hôm nay, tôi không thể sâu xa dẫn giải đoạn thư khó khăn này. Tôi muốn chỉ vắn tắt vạch ra 3 điểm mà thôi. Thứ nhất, “chúng ta đã được lãnh nhận phép rửa” là câu ở thể thụ động. Không ai có thể tự làm phép rửa cho mình, mà cần người khác. Không ai có thể tự mình trở nên Kitô hữu. Là Kitô hữu là một tiến trình thụ động. Chúng ta chỉ có thể trở thành Kitô hữu nhờ nhau mà thôi. Và cái “khác” này làm chúng ta nên Kitô hữu, cống hiến cho chúng ta tặng ân đức tin, trước hết là cộng đồng tín hữu, là Giáo Hội. Chúng ta lãnh nhận đức tin, lãnh nhận phép rửa của Giáo Hội. Nếu chúng ta không để cho mình được hình thành bởi cộng đồng này chúng ta không thể nào là Kitô hữu. Một thứ Kitô giáo tự động, tự sinh xuất, là một thứ tự mình phản khắc. Ở trường hợp thứ nhất, cái “khác” này là cộng đồng tín hữu, là Giáo Hội, nhưng ở trường hợp thứ hai, kể cả cộng đồng này nữa cũng không tự mình tác hành, theo ý nghĩ hay ước muốn riêng của mình. Cộng đồng này cũng sống cùng một ý nghĩa thụ động, ở chỗ, chỉ mình Chúa Kitô mới có thể tạo nên Giáo Hội. Chúa Kitô là vị đích thực trao ban các phép bí tích. Vậy điểm đầu tiên là thế này: Không ai tự làm phép rửa cho mình, không ai làm cho mình thành Kitô hữu. Chúng ta trở nên thành phần Kitô hữu.
Điểm thứ hai là ở chỗ: Phép Rửa không phải chỉ là việc thanh tẩy. Nó là sự chết và sự sống lại. Chính Thánh Phaolô, khi nói trong Thư gửi Giáo Đoàn Galata về vấn đề thay đổi nơi đời s61ng của ngài nhờ cuộc hội ngộ với Chúa Kitô Phục Sinh, đã diễn tả như thế này: tôi đã chết đi. Vào giây phút ấy ngài thực sự bắt đầu một cuộc sống mới. Việc làm người Kitô hữu không phải chỉ là một thứ hoạt động và hoạt động có tính cách thẩm mỹ thêm thắt cho đẹp một sự sống đã trọn vẹn không nhiều thì ít. Nó là một khởi nguyên mới, nó là một cuộc tái sinh: sự chết và sự phục sinh. Hiển nhiên là trong cuộc phục sinh thì những gì là tốt lành ở cuộc sống trước đó sẽ được tái hiện.
Yếu tố thứ ba là thế này, đó là chất thể làm nên yếu tố của bí tích. Kitô giáo không phải là một thực tại thuần thiêng. Kitô giáo có cả thân mình. Kitô giáo bao gồm vũ trụ này. Kitô giáo vươn tới đất mới và trời mới. Chúng ta hãy trở lại với lời của đoạn văn Thánh Phaolô: ngài nói, nhờ đó chúng ta có thể “sống một đời sống mới”. Yếu tố của việc xét lương tâm này đối với tất cả chúng ta đó là sống một đời sống mới. Đời sống mới này là nhờ phép rửa.
Giờ đây chúng ta trở về với bí tích Thánh Thể. Tôi đã chứng tỏ ở những bài giáo lý khác liên quan tới việc Thánh Phaolô hết sức trân trọng truyền đạt bằng miệng truyền thống về Thánh Thể ngài đã lãnh nhận từ chính các vị chứng nhân trong đêm sau hết. Ngài đã truyền đạt những lời này với cả một kho tàng quí báu được ký thác cho sự trung thành của ngài. Nhờ đó chúng ta mới thực sự nghe thấy nơi những lời này các vị chứng nhân của đêm cuối cùng ấy. Chúng ta hãy nghe những lời của vị Tông Đồ này: “Vì tôi đã lãnh nhận từ Chúa những gì tôi cũng truyền đạt cho anh chị em, đó là Chúa Giêsu, trong đêm Người bị nộp, đã cầm lấy bánh, sau khi tạ ơn, Người đã bẻ ra mà nói: ‘Này là mình Thày cho các con. Hãy làm việc này mà nhớ đến Thày’ (1Cor 11:23-25). Đây là một đoạn không thể khai thác hết được. Ở đây cũng thế, trong bài giáo lý này, tôi chỉ có hai nhận định ngắn. Thánh Phaolô truyền đạt những lời của Chúa về chén máu thế này: chén này là “tân ước trong máu Thày”. Chất chứa nơi những lời này là một qui chiếu về hai đoạn trong Cựu Ước. Qui chiếu thứ nhất đó là lời hứa về một giao ước mới trong sách Tiên Tri Giêrêmia. Chúa Giêsu nói với các môn đệ và nói với chúng ta rằng: giờ đây, trong giờ khắc này đây, giao ước mới này được hiện thực nơi Thày và bằng cái chết của Thày; lịch sử mới của nhân loại bắt đầu trên thế giới này nhờ máu của Thày. Tuy nhiên, nơi những lời ấy còn có cả một qui chiếu về giây phút giao ước ở trên Núi Sinai nữa là nơi Mosen đã nói rằng: “Này đây máu của một giao ước được Chúa thiết lập với các người hợp với tất cả những lời ấy” (Ex 24:8). Đó là vấn đề máu của các thú vật. Máu của các thú vật chỉ có thể là một bày tỏ của lòng muốn, niềm hy vọng của một hy tế mới, của việc tôn thờ mới. Với tặng ân của chén Chúa ban cho chúng ta hy tế thật sự. Hy tế thật sự duy nhất là tình yêu của Người Con. Nhờ tặng ân yêu thương này, một tình yêu hằng hữu, Lời đã tiến vào với giao ước mới. Việc cử hành Thánh Thể nghĩa là Chúa Kitô ban chính mình cho chúng ta, ban tình yêu của Người, để làm cho chúng ta nên giống Người và như thế kiến tạo nên một thế giới mới.
Khía cạnh quan trọng thứ hai của tín lý về Thánh Thể xuất hiện cũng trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, nơi Thánh Phaolô đã nói: ‘Chén chúc tụng mà chúng ta chúc tụng không phải là việc tham dự vào máu của Chúa Kitô hay sao? Vì chỉ có một tấm bánh duy nhất, chúng ta tuy nhiều cũng chỉ là một thân thể duy nhất, vì tất cả chúng ta đều lãnh nhận một tấm bánh duy nhất’ (10:16-17). Nơi những lời này tính chất cá thể và xã hội của Thánh Thể cũng xuất hiện nữa. Chúa Kitô đích thân liên kết mình với từng người chúng ta, với nhau. Chúng ta lãnh nhận Chúa Kitô khi rước lễ, thế nhưng Chúa Kitô liên kết mình với cả anh chị em của tôi nữa. Chúa Kitô và tha nhân bất khả phân ly nơi Thánh Thể. Và bởi thế chúng ta chỉ có một tấm bánh duy nhất, một thân thể duy nhất. Thánh Thể mà thiếu tình đoàn kết với người khác là việc lạm dụng Thánh Thể. Đến đây chúng ta đang ở tận nguồn gốc và tâm điểm của tín lý về Giáo Hội như Thân Mình của Chúa Kitô, của Chúa Kitô Phục Sinh.
Chúng ta cũng thấy được tất cả những gì là thực tiễn của tín lý này. Chúa Kitô hiến cho chúng ta thân mình Người nơi Thánh Thể, Người hiến bản thân mình nơi thân thể của Người nhờ đó làm cho chúng ta trở thành thân mình của Người, Người liên kết chúng ta với thân thể phục sinh của Người. Nếu con người ăn bánh thường thì bánh này theo tiến trình tiêu hóa trở thành một phần của chúng ta, được biến thành bản chất của sự sống con người. Thế nhưng, nơi việc Hiệp Lễ, tiến trình đảo ngược lại xẩy ra. Chúa Kitô đồng hóa chúng ta với chính bản thân của Người, dẫn chúng ta tới với Thân Mình hiển vinh của Người nhờ đó tất cả chúng ta cùng trở nên Thân Mình của Người. Những ai chỉ đọc đoạn 12 của Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Corintô và Chương 12 của Thư gửi giáo đoàn Rôma có thể nghĩ rằng lời nói về Thân Mình Chúa Kitô như là một cơ cấu về đặc sủng thì chỉ là một loại dụ ngôn có tính cách thần học xã hội. Thật vậy, theo khoa học chính trị của người Rôma thì lời về thân thể này cùng với những phần thể khác nhau làm nên một sự duy nhất được chính nước này sử dụng, để nói rằng quốc gia là một cơ cấu trong đó mỗi phần tử đều có phận vụ của mình, trong đó tính chất đa số và đa dạng của các phận vụ làm nên một thân thể và mỗi người đều có chỗ của mình. Đọc Đoạn 12 của Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô người ta có thể nghĩ rằng Thánh Phaolô đã hạn chế mình vào việc chuyển điều này cho Giáo Hội, rằng đây chỉ là một thứ xã hội học của Giáo Hội. Thế nhưng, khi lưu ý tới Đoạn 10 này chúng ta mới thấy rằng chiều hướng thực tiễn này của Giáo Hội rất khác, sâu xa và chân thực hơn chủ nghĩa thực tiễn của quốc gia nữa. Vì Chúa Kitô thật sự ban cho chúng ta thân mình của Người và làm cho chúng ta thành thân mình của Người. Chúng ta thực sự được liên kết với thân thể phục sinh của Chúa Kitô, nhờ đó chúng ta được liên kết với nhau. Giáo Hội không phải chỉ là một đoàn thể như quốc gia; Giáo Hội là một thân mình. Giáo Hội không phải chỉ là một tổ chức mà là một cơ thể thực sự.
Sau hết, tôi muốn nói mấy lời rất ngắn về bí tích hôn phối. Trong lúc ở Thư gửi tín hữu Côrintô chỉ có mấy nhận định mà thôi, thì trong Thư gửi giáo đoàn Êphêsô cả một thần học sâu xa về hôn nhân được khai triển. Ở đây, Thánh Phaolô diễn tả hôn nhân như là một “mầu nhiệm cao cả”. Ngài nói như thế “ám chỉ đến Chúa Kitô và đến Giáo Hội của Người” (5:32). Đặc biệt ở nơi đoạn văn này là một thứ hỗ tương được định dạng theo chiều ngang. Việc thuận phục nhau cần phải thông qua ngôn ngữ của tình yêu, một tình yêu theo mẫu mực của mình nơi tình yêu của Chúa Kitô đối với Giáo Hội của Người. Mối liên hệ Chúa Kitô và Giáo Hội làm cho khía cạnh thần học của tình yêu hôn nhân nên chính yếu, nó thăng hoa mối liên hệ tình cảm giữa vợ chồng. Một cuộc hôn nhân đích thực sẽ tồn tại tốt đẹp nếu trong sự tăng trưởng liên lỉ về nhân bản và tình cảm có được một nỗ lực gắn bó cách hiệu nghiệm với Lời Chúa và ý nghĩa của phép rửa. Chúa Kitô đã thánh hóa Giáo Hội, thanh tẩy Giáo Hội bằng nước rửa kèm theo Lời Chúa. Việc tham dự vào mình và máu Chúa chính là chất keo gắn chắc cho mối hiệp nhất trở nên hữu hình và bất khả phân ly nhờ ân sủng.
Sau hết chúng ta hãy nghe lời Thánh Phaolô gửi tín hữu Philiphê là “Chúa gần đến rồi” (4:5). Tôi nghĩ rằng chúng ta đã hiểu là nhờ Lời Chúa và các bí tích mà Chúa gần tới trong suốt cuộc đời của chúng ta. Chúng ta hãy xin với Người để chúng ta được sự gần gũi của Người chạm tới thâm cung của chúng ta, nhờ đó niềm vui mới xuất phát – một niềm vui xuất phát khi Chúa Giêsu thực sự gần kề.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 10/12/2008
(những chỗ được in đậm lên là do tự ý của người dịch trong việc làm nổi bật những điểm chính yếu quan trọng)
Trong bài giáo lý hôm nay ĐTC đã ứng khẩu gần như 2/3 bài, không theo những gì đã được viết ra, và hình như ngài bắt đầu ứng khẩu từ đoạn dẫn giải về ý nghĩa sâu xa của phép rửa, rồi sau đó tới ý nghĩa của Thánh Thể và cuối cùng tới cả ý nghĩa của bí tích hôn phối kết bài. Chỗ ngài bắt đầu ứng khẩu hình như từ câu “dĩ nhiên, trong bài giáo lý hôm nay, tôi không thể …”
|