Một Phát Súng Trúng Sáu Con Chim

Cha Georges Cottier Nhà thần học dòng Đa Minh người Thụy Sĩ cố vấn cho Đức Giáo Hoàng đã nhận định về việc kiến thiết Iraq qua cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo Ý Avvenire được Zenit phổ biến ngày 15/4/2003 như sau:

Vấn     Trong việc tái thiết Iraq cần phải thực hiện những gì?

Đáp     Chúng ta vừa cử hành mừng kỷ niệm 40 năm ban hành Thông Điệp “Hòa Bình trên Thế Gian”. Đức Gioan XXIII đã nêu lên 4 cột trụ hòa bình là tự do, công lý, sự thật, và yêu thương. Tất cả là ở chỗ đó. Trong việc xây dựng hòa bình cũng như trong việc tôn trọng các thứ nhân quyền của mình, con người không được quên những thứ quyền lợi của con người mà còn cả các quyền lợi của các dân tộc nữa. Các thứ quyền lợi của các nhóm thiểu số ở Iraq chẳng hạn. Nó sẽ là một cuộc kiến thiết khó khăn; có lẽ bây giờ mới bắt đầu một trận chiến thật sự.

Vấn     Để đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, hàng triệu người đã cầu nguyện cho hòa bình. Lời cầu nguyện của họ đã được Chúa nhận lời hay chăng?

Đáp     Nếu là bởi Thiên Chúa? Tôi nghĩ là có. Ngài lắng nghe những gì chúng ta nói, nhưng đường lối Ngài đáp lại lại là một điều khác. Chúng ta mong thấy được những kết quả thực sự và lập tức, những chúng ta không được nghĩ rằng đó là đường lối Chúa tác hành.

Vấn     Vậy thì tại sao phải cầu nguyện?

Đáp     Hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện… vì người ta tin tưởng một cách mạnh mẽ là hòa bình hầu như vượt khỏi tầm tay của con người. Tất cả chúng ta lúc nào cũng sẵn sàng choảng lại, cũng sẵn sàng lấn lướt, cũng sẵn sàng bừng hận. Cầu nguyện là tặng ân của Thiên Chúa. Bởi thế chúng ta phải nguyện cầu để Ngài biến đổi chúng ta thành những người xây dựng hòa bình. Như thế là Ngài đã đáp lại lời nguyện cầu của chúng ta rồi vậy. Qua chiến tranh, chúng ta đi sâu vào một thảm kịch làm tổn thương đến nhiều nạn nhân. Có lẽ chúng ta sắp sửa thấy nó chấm dứt, nhưng chúng ta hãy nghĩ đến thành phần bị thương, thành phần tử thương, nghĩ đến tình trạng sức khoẻ bị thảm hại, nghĩ đến những gia đình bị mất gốc. Chắc chắn là Thiên Chúa đều thăm viếng tất cả mọi linh hồn. Đây là thứ hoạt động vô hình của Thiên Chúa chúng ta không thấy được bằng hiểu biết song lại có thực.

Vấn     Giờ đây phải xây dựng hòa bình ở Iraq.

Đáp     Yêu chuộng hòa bình tức là xây dựng hòa bình. Vậy Thiên Chúa phải ban ơn khôn ngoan cho những ai có trách nhiệm trong việc tái thiết này, một nỗ lực có thể là gay go. Trước hết, vì chúng ta thấy đó là một xứ sở tan hoang, nơi không thỏa mãn với những nhu cầu cấp thời, và tình trạng bất mãn từ chính sách độc tài có thể sẽ bùng nổ dữ dội. Tất cả những điều ấy làm suy yếu hẳn đi những nền tảng hòa bình về nhân bản ở Iraq cũng như trên khắp thế giới. Hơn nữa, tôi không biết chiến thắng của “Người Tây Phương Bắc Mỹ” có phải là một thứ chiến thắng về luân lý hay chăng. Để đi xây dựng hòa bình có nghĩa là làm cho mình được mến chuộng, nên tôi sợ rằng những đám người Hồi Giáo đông đảo, vì bị hạ nhục bởi cuộc thảm bại nhanh chóng này, sẽ càng trở nên hận thù hơn nữa đối với Tây Phương. Đối với nhiều người trong họ thì Tây Phương nghĩa là Kitô Giáo. Chúng ta cần phải lo lắng về điều ấy.

Vấn     Vậy thì người ta cần phải hành động ra sao?

Đáp     Chúng ta cần nguyện cầu để xin ơn khôn ngoan, can đảm và quảng đại. Dĩ nhiên, những tình nguyện viên, việc dấn thân cho tình đoàn kết, và cho đức bác ái sẽ là những gì không thể thiếu. Có thế chúng ta mới giúp được cho Liên Hiệp Quốc. Không thể nào thiếu được công việc của Liên Hiệp Quốc, nhưng tổ chức này không thể nào quán xuyến hết được. Nó cần đến sự hợp tác của chúng ta.

Vấn     Cha nói rằng Thiên Chúa không vắng mặt, thế nhưng nhiều người đã coi cái câm lặng của Ngài như là một gánh nặng.

Đáp     Việc thinh lặng của Thiên Chúa là gì? Thiên Chúa bao giờ cũng lặng thinh. Ngài nói ở tận đáy cõi lòng. Ngài tác động chúng ta qua Thánh Thần – chúng ta hãy nghĩ đến nhiều người trong những ngày này đây hằng nguyện cầu và kêu lên Thiên Chúa. Bởi thế, tôi không nói là Ngài vắng bóng. Ngài đã thặng thinh vì chúng ta ồn ào quá. Chiến tranh là một thứ inh ỏi, một bộc phát của náo động. Làm sao chúng ta có thể nghe thấy Thiên Chúa được khi chúng ta đang bị dội bom đây? Ngài để cho nhân loại tự mình nếm trải sự dữ. Đó là một cách gián tiếp Ngài muốn nói với chúng ta. Chỉ cần đọc những cuốn sách sử ký của Cựu Ước sẽ thấy dân Do Thái luôn trải qua kinh nghiệm bị tàn phá, bị đầy ải. Trong hết mọi sự, điều chủ yếu là vấn đề xét lại lương tâm, ở chỗ đặt vấn đề: “Chúng ta đã làm gì? Phải chăng chúng ta đã gây cho chính mình sự dữ?” Đó là bước đầu tiên tiến đến chỗ hoán cải vậy.

Vấn     Đức Giáo Hoàng này tiếp tục nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải giáo dục về hòa bình.

Đáp     Có lòng yêu chuộng hay cảm mến hòa bình mà thôi chưa đủ. Còn có cả một khía cạnh về chính trị nữa, một thứ khoa học thực sự về hòa bình. Giáo Hội không thôi nói rằng tình trạng bần cùng ở Miền Nam của trái đất này là một trong những lý do gây ra những cuộc xung đột. Một phần nhân loại phải chịu hụt hẫng về công lý. Và công lý bao gồm cả các thể chế và luật lệ là những gì không thể bị suy kém đi. Đó cũng là lý do tại sao Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Liên Hiệp Quốc, một cơ cấu chắc chắn vẫn hết sức bất toàn nhưng nó lại là thực thể thẩm quyền trên hết trong việc hành sử chung các vấn đề rắc rối. Rồi tới vấn đề giáo dục, một vấn đề đưa đến chỗ yêu chuộng hòa bình. Nó bắt đầu từ trẻ em. Chúng là những người phải được dạy cho biết vẻ đẹp của hòa bình.
 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu do Zenit phổ biến ngày 15/4/2003
 

Thoidiemmaria.net:

Theo chiều hướng những gì được nhà thần học trân đây liên quan đến “hoạt động vô hình của Thiên Chúa” cũng như đến thái độ “Thiên Chúa bao giờ cũng lặng thinh”, tôi thấy mình có một tư tưởng tương tự, đó là tư tưởng về một “phát súng trung sáu con chim” liên quan đến cuộc Hoa Kỳ bạo lực giải giới Iraq sau đây.

Nếu bắn trúng một con chim đang bay trên trời đã là thiện xạ thì bắn một phát trúng hai con chim một lúc lại càng tài tình hơn nữa. Đằng này, trong cuộc chiến tranh ở Iraq xẩy ra vào Mùa Chay của Giáo Hội Công Giáo vừa rồi có một nhà thiện xạ đã trổ tài bắn một phát súng mà lại trúng tới sáu con chim. Thật là tài tình quá sức tưởng tượng, quá sức tự nhiên, vô tiền khoáng hậu. Không có một tay thiện xạ nào trong lịch sử loài người có thể làm được như vậy, trừ khi sử dụng thứ vũ khí đại công phá, một loại vũ khí Iraq bị Hoa Kỳ tố cáo là đã ngấm ngầm chế tạo, lưu trữ, có thể gây nguy hiểm cho các cuộc khủng bố, nên đã bị Hoa Kỳ bất chấp Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tự động mang quân nhào vô đánh phá, trong khi nhân viên thanh tra Liên Hiệp Quốc chưa hoàn tất nhiệm vụ khám xét của mình xem Iraq quả thực có những thứ vũ khí đại công phá ấy hay chăng, theo quyết định 1441 của hội đồng này do chính Hoa Kỳ phác họa. Đúng vậy, Thiên Chúa, Đấng Quan Phòng Vô Cùng Khôn Ngoan và Toàn Năng, chính là Nhà Đại Thiện Xạ thiên hạ đệ nhất này, Nhà Thiện Xạ Thần Linh này đã bắn một phát súng trúng 5 con chim liền. Thật không? Bằng cách nào và như thế nào? Nếu không phải ở chỗ, Ngài đã để cho cỏ lùng ngang nhiên lấn át lúa mạch (x Mt 13:28-30), không kể gì đến ý định muốn nhổ cỏ lùng đi của thành phần bày tôi của Ngài (ibid câu 27).

Đúng thế, trong cuộc chiến tranh bạo lực Hoa Kỳ giải giới Iraq, không phải hay sao, Thiên Chúa đã bất chấp tất cả mọi nỗ lực trần gian trong việc muốn ngăn chặn chiến tranh xẩy ra bao nhiêu có thể, và đã để cho nó xẩy ra, thậm chí xẩy ra một cách hết sức bất chính và ngông cuồng nữa? “Bất chính” ở chỗ bất chấp thẩm quyền quốc tế của Liên Hiệp Quốc! Và “ngông cuồng” ở chỗ bất chấp tất cả mọi can thiệp chính đáng của cả đời lẫn đạo. Về đời có phe phản chiến là Pháp-Đức-Nga đã phản đối chiều hướng muốn sử dụng quân sự để giải giới Iraq trong khi chưa hoàn thành quyết định 1441 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (xin xem lại các văn liệu bằng Việt ngữ liên quan đến vấn đề này trong http://www.thoidiemmaria.net, nhất là Bản Tuyên Ngôn Phản Chiến của phe này ngày 10/2/2003 và bản Phụ Đính của họ ngày 24/2/2003). Về đạo, Giáo Hội Công Giáo nói riêng, qua các Hội Đồng Giám Mục khắp nơi trên thế giới, nhất là Âu Mỹ, đã lên tiếng cảnh giác, như của Hội Đồng Giám Mục Mỹ qua vị chủ tịch ngày 13/9/2002, của HĐGM Đức ngày 21/1/2003, của HĐGM Canada ngày 23/1/2003, và của HĐGM Hoa Kỳ lần nữa ngày 26/2/2003 (cũng xin xem các văn liệu này trong cùng màn điện toán trên); nhất là qua chính Vị Lãnh Đạo Tối Cao là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị đã gửi sứ giả đến trao tận tay cho Tổng Thống Bush bức thư của Ngài vào chính Ngày Thứ Tư Lễ Tro (xin xem lời tuyên bố của Đức Hồng Y sứ giả này ngày 5/3/2003 trong cùng màn điện toán trên).

Ngoài ra, về phía tôn giáo, Thiên Chúa đã như bất chấp cả những nỗ lực nguyện cầu thiết tha của chung những người lòng ngay và của riêng Giáo Hội Công Giáo dâng lên Ngài. Ít là hai biến cố được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô thực hiện và Kitô hữu Iraq đã làm trước khi chiến tranh xẩy ra sau đây: “Anh Chị Em thân mến! Nhiều tháng nay cộng đồng thế giới đã sống trong một tình trạng hết sức lo âu trước cơn nguy hiểm xẩy ra một cuộc chiến tranh có thể làm rối loạn toàn vùng Trung Đông và càng làm tăng thêm căng thẳng bất hạnh thay đã xẩy ra ngay từ đầu kỷ nguyên này. Nhiệm vụ của tín hữu, bất kể theo tôn giáo nào, là tuyên bố cho thấy rằng chúng ta sẽ không bao giờ hạnh phúc được nếu chúng ta cứ kình chống nhau, tương lai của nhân loại sẽ không bao giờ được bảo đảm bằng nạn khủng bố và lý lẽ chiến tranh. Đặc biệt là Kitô hữu chúng ta được kêu gọi để làm những người bảo hộ hòa bình ở những nơi chúng ta sống và hoạt dộng. Chúng ta cần phải tỉnh táo để lương tâm không lùi bước trước khuynh hướng vị ngã, sai lầm và bạo lực. Bởi thế, Tôi mời gọi tất cả mọi người Công Giáo hãy tha thiết hiến ngày 5/3 tới đây, Ngày Thứ Tư Lễ Tro, để cầu nguyện và chay tịnh cho hòa bình, nhất là ở vùng Trung Đông. Trước hết, chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ban ơn hoán cải cho các tâm hần và có một cái nhìn rộng lượng ở những quyết định chính đáng để giải quyết bằng những phương tiện xứng hợp và ôn hòa các thứ tranh đối làm cản bước hành trình của nhân loại trong thời đại của chúng ta…”
 

Không ngờ sáng kiến này đã được các vị lãnh đạo Do Thái Giáo và Hồi Giáo hưởng ứng và cám ơn Ngài về sáng kiến ấy. Vị chủ tịch Hiệp Hội Các Cộng Đồng Hồi Giáo ở Ý Quốc là Mohammed Nour Dachan đã nói với Đài Phát Thánh Vatican rằng “vào lúc này đây, cũng như vào các lúc khác từ ngày 11/9, Đức Giáo Hoàng đã thực hiện những lời kêu gọi chính đáng và xác đáng. Tôi nghĩ rằng Ngài có một chủ trương mà chúng ta hoàn toàn đồng ý, đó là không ai được sử dụng tôn giáo cho những mục tiêu khác, nhất là những mục tiêu hướng chiều về đánh đấm. Chay tịnh là một cái gì rất đẹp. Trong Hồi Giáo có câu ‘Chay tịnh là một điều bí mật giữa một người tôi tớ với Chúa của mình’, vì không ai có thể biết được tôi ăn hay không ăn – nó là một điều bí mật”. Vị phó chủ tịch Hội Nghị Do Thái Âu Châu là bà Tullia Zevi cũng cho Đài Phát Thanh Vatican biết rằng bà ủng hộ Ngày Thứ Tư Lễ Tro như được Đ Gioan Phaolô II đề nghị. Theo bà, “Cuộc xung khắc hôm nay đây khó có thể chỉ gói gọn vào Iraq. Nói chung, các quan sát viên phỏng định là cuộc mở màn chiến tranh đánh Iraq có thể sẽ lan khắp cả vùng Trung Đông. Tôi cũng biết rằng ở Do Thái, đại đa số các quốc gia đều bị rùng mình bởi những cuộc khủng bố tấn công phạm đến thành phần dân sự là những gì tạo nên tình trạng khó khăn (đối với những biện pháp phòng vệ)”.

Tờ Nhật San Quan Sát Viên của Tòa Thánh phát hành ngày Thứ Sáu 21/3/2003 đã kêu gọi tín hữu khắp thế giới cầu Kinh Mân Côi trong vòng 24 tiếng đồng hồ tới để cầu nguyện hòa bình ở Iraq. Cũng chính trong Ngày Thứ Sáu của Tuần Thứ Hai Mùa Chay này, Công Giáo và Kitô Giáo Iraq, vào lúc 6 giờ chiều, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Giuse ở thủ đô Baghdad, Vị Thánh vào chính ngày lễ kính Ngài ở Hoa Kỳ thì Hoa Kỳ tấn công Iraq, đã dâng hiến nước Iraq cho Trinh Nữ Maria. Và vào những ngày sau đó, Kitô hữu ở Baghdad tập trung cầu nguyện chung quanh tượng Trinh Nữ thánh du ở nhiều nhà thờ khác nhau trong thủ đô. Tượng Mẹ thánh du này đã tới Iraq từ năm 1998. Thông báo hiến dâng này được phổ biến từ Chúa Nhật 16/3/2003, chính ngày xẩy ra cuộc họp thượng đỉnh của phe chủ chiến và trước ngày Tổng Thống Bush đọc bài diễn văn khai chiến. Cuộc hiến dâng nước Iraq này cho Mẹ Maria được cả các vị đại diện Công Giáo và các Giáo Hội Kitô Giáo khác nhau cùng thực hiện, gồm có ĐGM Shlemon Warduni và Emmanuel-Karim Delly thuộc Tòa Thượng Phụ Chaldean; ĐTGM Jean Benjamin Sleiman thuộc Giáo Hội Công Giáo Latinh; ĐTGM Athanasius Matti Shaba Matoka thuộc Giáo Hội Công Giáo Syria; ĐTGM Paul Coussa thuộc Giáo Hội Công Giáo Armenia; ĐTGM Saverius Jamil Hawa thuộc Giáo Hội Chính Thống Syria; và ĐTGM Ghevargese Warda Daniel Sliwa thuộc Giáo Hội Assyria.

Trước tất cả mọi nỗ lực trần gian về đời lẫn đạo ở khắp nơi như thế, Thiên Chúa là Đấng làm chủ lịch sử nhân loại vẫn cứ để cho chiến tranh xẩy ra, vẫn cứ để cho bạo lực Hoa Kỳ giải giới Iraq, một cuộc chiến tranh có thể, theo dự đoán của cả đạo lẫn đời trước đó là, cái lợi (giải giới để tránh hiểm họa khủng bố theo phe chủ chiến tưởng nghĩ) sẽ không sánh bằng cái tai hại về cả vật chất lẫn tinh thần gây ra cho riêng dân Iraq, cho cả vùng Trung Đông, cho đụng độ văn hóa (Ả Rập và Tây Phương) và nhất là cho xung khắc tôn giáo (Hồi Giáo và Kitô Giáo).

Thế nhưng, tình hình hậu chiến hiện nay cho thấy Ngài quả thực đã nhiệm mầu nhúng tay vào lịch sử loài người. Ở chỗ, bằng một phát súng là chiến tranh bạo lực Hoa Kỳ giải giới Iraq, trước hết, “Ngài đã ra tay uy quyền đánh tan người kiêu ngạo với những ý nghĩ kiêu căng của họ; Ngài đã hạ kẻ quyền hành xuống khỏi bệ cao” (Lk 1:51-52) đó là một Hoa Kỳ (con chim thứ nhất) đã theo chiều hướng luật lệ của sức mạnh (the law of force), hơn là sức mạnh của luật lệ (the force of law), trong việc dùng bạo lực giải giới Iraq mà lại chẳng thấy những gì mình cần phải giải giới. Nhờ đó, Ngài đã cứu được thế giá của Liên Hiệp Quốc (con chim thứ hai), một tổ chức đang thanh tra vũ khí ở Iraq và đã cho thế giới thấy (vào ba lần tường trình là ngày 27/1/2003, 14/2/2003 và 7/3/2003) quả thực họ chẳng thấy những thứ vũ khí cấm ở nước này, và việc Hoa Kỳ qua mặt Liên Hiệp Quốc là bậy, cần phải xét lại trong những trường hợp khác. Tuy nhiên, qua hành động hung hăng của phe chủ chiến, Thiên Chúa đã thực sự cứu nhân dân Iraq (con chim thứ ba) khỏi chế độ độc tài, đúng như lòng họ mong ước qua việc họ hiến dâng đất nước của họ cho Mẹ Maria. Và nhà độc tài Sađam Hussein (con chim thứ bốn), như bài “Ai Thắng Ai Thua trong cuộc chiến giải giới Iraq” được phổ biến trên màn điện toán thoidiemmaria.net và dongcong.net ngày Thứ Năm 10/4/2003, ngày pho tượng Sađam Hussein ở công trường chính thủ đô Baghdad bị giật đổ tượng trưng cho một chế độ cũ qua đi, nếu quả thực không có những loại vũ khí đại công phá, thì thế giới dầu sao cũng phải công nhận rằng ông đã thành thực, trong vấn đề nói không có những thứ vũ khí cấm là không có. Phần Giáo Hội Công Giáo (con chim thứ năm), Thiên Chúa cũng đã cứu vãn tình thế để đáp lại lo âu của Giáo Hội về một tình hình thế giới hỗn loạn hơn, nhất là về cuộc chiến tranh tôn giáo có thể xẩy ra giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo. Thế còn (con chim thứ sáu) là gì? Đó là thế giới Tây Phương nói riêng và thế giới loài người nói chung, đã tránh được một Thế Chiến Thứ Ba, một trận chiến giữa Tây Phương (Âu Châu và Bắc Mỹ) và Hồi Giáo (56 quốc gia).

Tóm lại, nếu Thiên Chúa không thực sự nhúng tay vào cuộc bạo chiến này, thì, như bài “Trật Tự Mới của Thế Giới Toàn Cầu Hóa: Tư Bản kiểu Cộng Sản” được viết vào chính đêm Tổng Thống Bush ra lệnh tấn công Iraq ngày Lễ Thánh Giuse 19/3/2003, và phổ biến trên cả màn điện toán thoidiemmaria.net và dongcong.net ngày Thứ Bảy 22/3/2003:

“Việc Hoa Kỳ tấn công Iraq bất chấp Liên Hiệp Quốc đã là một điều hết sức sai lầm và tệ hại, mà nếu Iraq, một khi bị dồn đến đường cùng, lại sử dụng đến các thứ đại công phá mà họ tuyên bố là hoàn toàn không có và các thanh tra viên Liên Hiệp Quốc chưa tìm thấy, thì đại họa sắp xẩy đến cho thế giới. Đại họa này không phải là chiến tranh nguyên tử, mà là một trật tự mới của thế giới toàn cầu hóa sẽ được thành hình, một trật tự thế giới toàn cầu hóa tư bản kiểu cộng sản.

“Tại sao? Làm sao có thể xẩy ra điều này?

“Theo tôi, vấn đề có thể sẽ xẩy ra là: thứ nhất, Hoa Kỳ sẽ tự đại cho rằng Liên Hiệp Quốc chẳng làm gì được Iraq, chỉ có Hoa Kỳ mới lật được mặt nạ giả dối của Iraq. Bởi thế, việc Hoa Kỳ sử dụng võ lực qua mặt Liên Hiệp Quốc là chính đáng, vì mang lại kết quả tốt. Như thế, tóm lại, hai điều xác tín sẽ được chủ trương như sau: thứ nhất, chỉ có võ lực mới là biện pháp duy nhất và trên hết để giải quyết tất cả mọi vấn đề gai góc hóc búa nhất trên thế giới này, và chỉ cần một chính phủ duy nhất, một đảng phái duy nhất, thậm chí một cá nhân duy nhất, mới có thể làm được việc này, chứ nhiều thày sẽ thối ma như đã điển hình xẩy ra cả sáu tháng trời ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc”.

Bởi thế, nếu con người thực sự thành tâm tìm Chúa như ba nhà đạo sĩ chiêm gia Đông Phương trước ngôi sao lạ (x Mt 2:2), họ chắc chắn sẽ thấy được “những dấu chỉ thời đại” (Mt 16:3) cũng như thấy được rằng quả thực “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1:23; x Jn 1:14), chẳng những thế, Ngài còn có quyền năng biến sự dữ của con người thành sự lành cho con người, như Ngài đã trao nộp Con Ngài vào tay kẻ gian ác vì tội lỗi của loài người chúng ta (x Rm 8:32; 5:8) nhưng cũng chính là Đấng đã khiến Con Ngài phục sinh từ trong kẻ chết (x Acts 2:23-24; 10:40) cho phần rỗi của những ai tin vào Ngài, vào Tin Mừng Sự Sống (x Mk 16:15-16)!

Chúa Nhật Phục Sinh, 20/4/2003
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL