TÌNH HÌNH IRAQ VÀ THẾ GIỚI
 

TRƯỚC QUYẾT ĐỊNH CỦA LIÊN HIỆP QUỐC
 

 

 

Sau biến cố 911 đúng một năm, người Hoa Kỳ đã kỷ niệm biến cố Khủng Bố Tấn Công Hoa Kỳ này đặc biệt đến nỗi, có thể nói còn long trọng hơn bất cứ một ngày Holiday lễ nghỉ hằng năm nào ở Hoa Kỳ. Qua truyền thông, chúng ta đã biết được thêm nhiều chi tiết mới mẻ bí mật trong cuộc khủng bố này, như sự kiện Tòa Bạch Ốc biết trước khủng bố sẽ xẩy ra nhưng vẫn cứ để xẩy ra, hay như việc tổng thống Bush ra lệnh bắn chiếc máy bay bị không tặc ở vùng Tây Nam Pennsylvania v.v. Không biết đây có phải là một khổ nhục kế Hoa Kỳ muốn dùng để có thể danh chính ngôn thuận trước thế giới nhào vô một thị trường khổng lồ với 1 tỉ 200 triệu người thuộc Khối Ả Rập Hồi Giáo là thế giới khép kín trước văn minh Tây Phương và vẫn hết sức căm thù Mỹ hay chăng? Tuy nhiên, từ việc tấn công A Phú Hãn để bắt trọn ổ bọn khủng bố quốc tế, nhất là tên đầu đàn của họ, không thành công, (hay không muốn thành công để tiếp tục có cớ nhúng tay quân sự và kinh tế vào vùng này, như trường hợp của một Saddam Hussein 11 năm trước đây), nay lại đến việc dự định tấn công Iraq với đủ mọi lý do viện dẫn biện minh cho việc làm của mình. Thế nhưng, việc Hoa Kỳ dự định tấn công Iraq có chính đáng hay không?

 

 

Tổ Chức Bác Ái (Caritas) Quốc Tế lên tiếng về dự án tấn công Iraq


Theo tin từ Màn Điện Toán Zenit đề ngày 7/11/2002 ở Rôma, thì Tổ Chức Bác Ái Quốc Tế, một cơ cấu điều hợp các cơ quan hỗ trợ thuộc các hàng giáo phẩm Công Giáo trên khắp thế giới đã phổ biến một văn thư nhấn mạnh đến việc phải triệt để tránh đừng để xẩy ra đụng độ với bất cứ giá nào. Ước nguyện này phát xuất từ những cuộc viếng thăm gần đây của phái đoàn đại diện thuộc tổ chức quốc tế này, một cuộc viếng thăm cho thấy tình hình hết sức khốn khó của nhân dân Iraq. Vị lãnh đạo phái đoàn đại diện này là ông Julian Filochowski đã phát biểu thế này: “Những cuộc dội bom và việc xâm chiếm sẽ làm tăng thêm cái giá kinh hồn phải trả, còn ghê gớm hơn cả cái giá của Cuộc Chiến Vùng Vịnh năm 1991 nữa, không phải vì hậu quả không thể tránh khỏi sẽ xẩy ra cho các vùng phụ cận, nhất là Baghdad, mà còn vì phần lớn các điều kiện sống đã thua sút rất nhiều so với 12 năm trước đây”.Bản văn của tổ chức này cho biết trong số từ 14 đến 16 triệu người Iraq, có 2/3 dân cư sống hoàn toàn lệ thuộc vào các phần ăn được phân phát cho hằng tháng. Thêm vào đó, trong tình trạng bị cấm vận kinh tế, các hệ thống về vệ sinh, điện nước vẫn còn thiếu thốn. Bản văn ước lượng sẽ có 10 ngàn người dân bỏ mạng nếu chiến tranh xẩy ra, và con số này có thể tăng lên gấp 10 lần. Ông Jacques Bertrand của tổ chức này cho biết: “Những người dân này tiếp tục chống chọi mọi ngày để ý thức nhân phẩm của mình, cho dù có bị đe dọa xâm chiếm đi nữa. Dân chúng lấy làm lo sợ. Họ biết rằng lưỡi gươm Damocles của một cuộc tấn quốc bằng quân sự đang treo lủng lẳng trên đầu họ”. Tổ chức quốc tế này đang tìm đủ cách để giúp cơ quan Bác Ái Iraq trong tình trạng chiến tranh xẩy ra. 13 trung tâm dinh dưỡng, những trung tâm có thể tăng gấp hai thành những trạm cứu thương rải rắc khắp Iraq.

 

Iraq ra lệnh trục xuất CNN và các ký giả ngoại quốc


Hôm Thứ Năm 24/10/2002, chính phủ Iraq nói rằng họ đang trục xuất trưởng phòng CNN ở Baghdad, Jane Arraf cùng với các kỷ giả ngoại quốc, cũng như đang ban hành những giới hạn nghiêm ngặt về vấn đề nhập cảnh trong tương lai. Arraf là người Tây Phương duy nhất có cơ sở vĩnh viễn ở Baghdad là nơi CNN đã tồn tại cả 12 năm nay. Arraf và 5 ký giả nữa được lệnh phải rời Iraq cùng lắm vào Thứ Hai tuần tới, 28/10/2002. Lý do CNN bị trục xuất là vì, theo các viên chức chính phủ, CNN đã tường trình vụ xuống đường chống chính phủ chưa từng có ở Baghdad vừa qua. Những viên chức này còn cho biết họ cũng hết sức chống lại việc CNN có mặt và tường trình ở miền bắc nước Iraq là nơi họ đang kiểm soát người Kurt. Chính phủ Iraq đã kêu gọi hằng trăm ký giả ngoại quốc hãy tường trình về vụ trưng cầu dân ý ngày 15/10/2002 liên quan đến cầu bầu cử Tổng Thống Saddam Hussein. Trong tương lai, Iraq sẽ giới hạn cho mỗi cơ quan một phóng viên ngoại quốc mà thôi, và người phóng viên này chỉ được ở Iraq tối đa 10 năm là cùng. Eason Jordan, trưởng ban tin tức của CNN đã cho biết là “biện pháp bạo ngược này sẽ càng làm cho thế giới biết được một cách nhanh chóng hơn những gì đang xẩy ra ở Iraq”. Vị này phủ nhận những tố cáo của chính quyền Iraq cho rằng CNN là dịch vụ tuyên truyền cho chính phủ Hoa Kỳ: “CNN vẫn quyết tâm tường trình hết sức mình từ Iraq, CNN vẫn không chịu dung hòa những nguyên tắc ký giả của mình để được đi vào bất cứ một quốc gia nào”.

 

Khủng Bố chiếm bắt con tin ở Moscow


Tối Thứ Tư 23/10, vào lúc 9 giờ 5 phút, có cả trăm cảnh sát và công an cùng nhiều xe cứu thương đến Tòa Nhà Văn Hóa Podshipnikov Zavod có khoảng 700 người bấy giờ đang bị một bọn khoảng 15-30 người võ trang súng ống bắn chỉ thiên và không cho một người lớn nào ra khỏi tòa nhà ấy. Thành phần bị bắt làm con tin này đã gọi điện thoại cầm tay ra đài phát thanh cho biết rằng nếu cảnh sát bắn vào tòa nhà giết một người trong đám người này thì họ sẽ bắn chết 10 con tin trả đũa. Đám người ấy cũng cho cảnh sát biết rằng họ có cả lựu đạn nữa. Đám người này đã thả 18-20 em nhỏ ra khỏi tòa nhà. Vào lúc lộn xộn ban đầu, 75 người không phải người Nga và nhóm nhân viên hành sự đã tìm cách thoát thân. Một phụ nữ nói cùng CNN rằng đám người này tự xưng họ là những người Chechens.


Thứ Năm, 24/10, cảnh sát Moscow cho biết nhóm tấn công Tòa Nhà Văn Hóa Podshipnikov Zavod này nhiều lắm là 50 tên, trong đó có những người đàn bà không thuộc những quốc gia của giống dân Slav. Người phát ngôn viên cho biết “Họ đang đòi giải quyết tình hình ở Cộng Hoà Chechen, nhất là việc đám quân Nga phải rút khỏi đó”. Một phụ nữ thoát khỏi tòa nhà này đã cho biết chi tiết: “Khi bắt đầu màn trình diễn thứ hai thì có những người hóa trang như nhau nhảy lên sân khấu và bắt đấu bắn Kalashnikovs… Có một phụ nữ người Georgia. Họ cho bà ta đi… Hình như họ không bắn vào dân chúng, họ dường như đánh đập dân chúng. Bà ta nói máu đổ đầy ở những lối ra vô”. Một chuyên viên trị bịnh tim cho rẻ em là bà Maria Shkolnikova đã dùng điện thoại cầm tay gọi cho đài truyền thanh Ekho Moskvy và cơ quan thông tấn Reuters cho biết là: “Một đống những chất nổ đã được dặt ở khắp nơi”, như các lối ra vào, trên các ghế ngồi, thậm chí gài vào chính mình những con tin nữa. “Họ nói rằng ‘các người đã ngồi ở đây cả 10 tiếng rồi mà chính phủ của các người chẳng làm gì để bảo đảm cho việc thả các người ra hết’ Vấn đề chính yếu là phải rút quân hay là họ bắt đầu bắn dân chúng”. Hai tường trình viên thuộc cơ quan thống tấn Ansa của Ý được thả ra nói rằng tên trưởng toán đã dọa sẽ giết 10 người nếu những gì hắn đòi hỏi không thực hiện trong vòng một tiếng nữa. Hai người này cũng thuật lại lời của một con tin là “Chúng tôi có thể chịu đựng bao lâu chúng tôi muốn. Chúng tôi sẵn sàng chết, chúng tôi muốn hoàn toàn chấm dứt chiến tranh và quân đội Nga rút khỏi Chechnya”.


Màn Điện Toán tin tức Chechen www.kavkaz.org đã phổ biến lời tuyên bố của tên làm đầu cuộc tấn công là Movsar Marayev như sau: “Có cả hơn ngàn người ở đây. Không ai sẽ thoát khỏi chỗ này mà còn sống và họ sẽ chết chung với chúng tôi nếu xẩy ra bất cứ một cuộc tấn công nào vào tòa nhà đây”. Những viên chức của các tòa lãnh sự có quốc dân (Đức, Áo, Thụy Sĩ, Úc Châu, Hiệp Vương Quốc, Hiệp Chủng Quốc, Nertherlands) của mình bị bắt làm con tin cũng có mặt tại hiện trường. Gần trưa Thứ Năm, nhóm bắt giữ con tin cho tiếp nước vào bên trong và cho cả truyền hình vào quay. Sau đó không bao lâu, 3 vị đại diện cho Ủy Ban Hội Hồng Thập Tự Thế Giới cũng được vào cùng với một phần tử của quốc hội. Tiếp theo là một em gái và một người đàn ông khoảng lục tuần được thả ra. Tất cả chừng 41 người đã được thả ra. Một cảnh thảm thiết nữa xẩy ra là, chừng hai tiếng đồ hồ sau, ShkoInikova đã được bước ra ngoài nhà hát lớn để đọc lời kêu gọi Tổng Thống Vladimir Putin chấm dứt hành động quân sự ở Chechnya: “Chúng tôi xin Tổng Thống Vladimir Putin hãy ngưng những hành động chiến tranh ở Chechnya. Những người này rất nghiêm trọng, họ không nói láo và có thể bắt đầu thực hiện những cuộc khủng bố khắp cả nước Nga”.


Nước Chechnya là một miền đầy dầu hỏa thuộc phía bắc Rặng Núi Caucasus ở miền nam Nước Nga, rộng 7.720 dặm vuông, khoảng bằng tiểu bang New Jersey, với khoảng 1 triệu 2 dân, hầu hết là Hồi Giáo rất mạnh tin. Năm 1859, sau mấy thập niên chiến tranh, đã bị quân đội của Nga Hoàng đánh bại, nhưng không bao giờ qui thuận Nga Sô. Sau Thế Chiến Thứ II, bị nhà độc tài Stalin bắt đi đầy sang Kazakhstan, một số chết, số còn lại trở về nước vào thập niên 1950 sau khi Stalin qua đời. Tổng Thống nước này là Dzhokhar Dudayev đã tuyên bố độc lập năm 1991. Quân đội Nga đã xâm chiếm nước này để lật đổ vị tổng thống ấy vào tháng 12/1994, mở màn một cuộc chiến làm thiệt mạng 30 ngàn người. Quân đội Nga đã rời Chechnya năm 1996 sau hai năm chiến tranh tàn hại, nhưng họ đã trở lại vào năm 1999 sau những cuộc nổi dậy tấn công một vùng lân cận. Chính quyền Nga đã qui trách cho những cuộc nổi dậy này một loạt những vụ nổ bom ở Nga làm thiệt mạng hơn 300 người.


Theo cảnh sát thì nhóm người khủng bố này cho mình là thành phần thuộc Quân Đoàn 29 của quân đội Chechen. Một Màn Điện Toán ủng hộ quật khởi đã cho biết là những người Nga có 7 ngày để bắt đầu rút quân hay nhà hát lớn cùng với những con tin bị tan xác. Ông Ahmad Kadirov, vị lãnh đạo chính quyền Chechen cho biết là ông đã nhận được nhiều điện thoại từ những người Chechens ở Moscow đang sợ sẽ có những cuộc nổi dậy tấn công họ. Ông nói: “Những kẻ ấy là đám băng đảng khủng bố và tôi tôi rằng người ta không thể giải quyết được vấn đề bằng cách khiêu chiến ở một vùng khác. Làm sao họ có thể đến đó được? Đó là vấn đề làm tôi quan tâm”.


Sau hai ngày bị công hãm, tình trạng bên trong càng trở nên tệ hơn. Ống nước nóng được tin là đã vỡ và nước lụt đầy sàn nhà. Tệ hơn nữa là những người bị bắt giữ phải dùng địa điểm của dàn nhạc trong tòa nhà này để làm nhà cầu. Những tay khủng bố nhận những tiếp vận ý tế từ bên ngoài nhưng không nhận các thức ăn. Thành phần con tin nói rằng họ không được ăn uống gì cả.


Thứ Sáu, những nhân viên của đài truyền hình NTV được phép theo một bác sĩ vào bên trong, đó là bác sĩ Keonid Roshal, giám đốc Trung Tâm Y Khoa Chữa Trị Những Tai Biến. Theo vị bác sĩ này thì thành phần con tin đang cố giữ mình trầm lặng, chỉ có hai ba người là bị bấn loạn mà thôi. “Nói chung tình hình đang lắng đọng”. Sau khi các viên chức Hồng Thập Tự điều đình lại với nhóm người khủng bố này, thì 8 trẻ em từ 6 đến 12 tuổi được thả ra, sau 7 người công dân Nga được thả. Tất cả số được thả và trốn thoát là 52 người.


Nhóm khủng bố này dọa sẽ giết con tin vào Thứ Bảy này nếu Moscow không hạ lệnh rút quân khỏi đất nước của họ. 75 người không thuộc quốc tịch Nga đã bị thả hụt vì các nhà ngoại giao của các nước ấy đến hiện trường muộn mất 2 tiếng hôm Thứ Năm vừa rồi. Hiện nay nhóm khủng bố muốn giữ những người ngoại quốc này để các nước khác chú ý đến tình hình vào nước Chechen của họ, ông Matthew Chance của CNN đã cho biết như thế. Một phụ nữ khoảng 20 tuổi đã bị bắn vào ngực chết. Những ngón tay của nạn nhân bị gẫy chứng tỏ chị đã bị giết vì cố trốn thoát. Tổng Thống Putin nói rằng tình trạng bắt giữ con tin này đã “được mưu đồ từ hải ngoại” bởi “cùng những tay tội hình đã khủng bố Chechnya nhiều năm”. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm Thứ Năm cũng đã đồng thanh lên án nhóm khủng bố này ở Moscow và đòi họ phải “thả ngay lập tức và vô điều kiện” tất cả mọi con tin. Tối Thứ Sáu lại có thêm 4 người dân Azerbaijani được thả, gồm ba bà và một ông.


Hàng lãnh đạo Chính Thống Giáo và Công Giáo ở Moscow đã lên án việc bắt giữ 600 người của nhóm Chechen và kêu gọi các nhà lãnh đạo Hồi Giáo cộng tác giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng này.


ĐTGM Tadeusz Kondrusiewicz, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Nga đã lên tiếng như sau:


“Dân chúng vô tội của nhiều quốc tịch khác nhau, nhiều niềm tin khác nhau, những người công dân Nga và ngoại quốc, những người đang vui vẻ giải trí ở Tòa Nhà Văn Hóa đã trở thành đối tượng cho hành động khủng bố. Trong một tình trạng đáng thương và nguy hiểm như thế, Giáo Hội Công Giáo ở Nga cầu xin để những người bị bắt làm con tin được mau chóng và an toàn thả ra. Chúng tôi kêu gọi những vị có thẩm quyền quốc gia, kêu gọi cộng đồng quốc tế, kêu gọi các vị lãnh đạo tôn giáo, nhất là hàng giáo sĩ Hồi Giáo, cũng như kêu gọi những nhân vật chính trị: Hãy tìm cách giải tỏa thảm trạng này theo trọng trách, bằng đối thoại, điều đình, phi võ lực hay gây đổ máu. Tôn giáo chân chính bao giờ cũng là một lời mời gọi sống hòa bình và yêu thương lẫn nhau, và dân chúng của các quốc gia khác nhau vẫn có thể sống với nhau như anh chị em”.


Trong khi đó, Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga Alexy II cũng đã lên tiếng như sau:


“Tôi xin các nhà lãnh đạo Hồi Giáo cả ở Nga cũng như trên thế giới hãy tác dụng ảnh hưởng của mình trên lương tâm của những người này và khẩn cầu họ đừng giết hại dân chúng vô tội. Trong tình trạng hết sức phức tạp này, tôi kêu gọi các vị có thẩm quyền quốc gia hãy hành động một cách hữu trách và khôn ngoan, hãy hành động làm sao để lấy cứu mạng sống con người, nhất là làm sao để tình trạng này đừng bao giờ tái diễn tại thành phố của chúng ta cũng như ở khắp Nước Nga”.

 

Thứ Bảy, 26/10/2002, theo ông Vladimir Vasilyev, quyền vị bộ nội vụ, thì vào lúc 5 giờ 30 sáng địa phương, lực lượng đặc biệt của chính phủ, Lực Lượng An Ninh Liên Bang, đã tấn công vào tòa nhà văn hóa này, sau khi nhóm khủng bố bắt đầu hành quyết đám con tin của họ như họ đã nói trước. Tên đầu đảng là Movsar Barayev đã bị chết. Ông này bày tỏ đau buồn về cái chết của 67 người, trong đó không có một trẻ em và người ngoại quốc nào, nhưng mừng vì đã cứu được hơn 750 người khác. Có hai tên khủng bố trốn thoát, nhưng chắc chỉ ẩn trốn lẩn quẩn đâu đó thôi.


Nhiều con tin có vẻ ngẩn ngơ hay run rẩy khi được đưa lên xe buýt hay xe cứu thương. 40 người đã được đưa đến nhà thương vì tình trạng nguy ngập bởi hơi độc của lực lượng đặc biệt thả vào tòa nhà này. Cảnh tượng bên trong tòa nhà văn hóa này cho thấy có những thi thể chết gục trên ghế ngồi hay đầu gục xuống cánh tay. Các trái lựu đạn đang nằm trên ghế hay vẫn dính vào thắt lưng của những người nữ khủng bố.


Một viên chức cho biết khi lực lượng đặc biệt tiến vào tòa nhà này thì nghe thấy những tiếng nổ và súng bắn ào ào. Vì nhóm khủng bố đã tuyên bố họ sẵn sàng chết với càng nhiều “tội nhân” bao nhiêu càng tốt. Sau khi hai người con tin bị nhóm khủng bố bắt đầu hành quyết thì một số con tin tìm đường thoát thân nên đã bị bắn xối xả. Vào lúc ấy lực lượng đặc biệt mới bắn để giúp cho những người con tin tẩu thoát. Thế là cuộc bắn nhau hết cỡ đã xẩy ra sau đó. Đầu tiên là một phát nổ, rồi cả một loạt các phát nổ ở các nơi khác nhau, cùng với các loạt súng tự động bắn trong vòng 15 phút.


Vào Sáng Chúa Nhật, 27/10, tổng số con tin bị chết là 118 người, trong khi mới có 10 người vào hôm qua. Vấn đề được đặt ra là phải chăng con số thương vong này đã do hơi độc của lực lượng đặc biệt gây ra? Nhóm khủng bố đã chết 50 người, 32 nam và 18 nữ, trong đó có cả tên đầu đảng khoảng giữa khoảng 20-30 tuổi. Tổng thống Putin đã ngỏ lời trên đài truyền hình: “Xin tha thứ cho chúng tôi… Những hình ảnh tưởng nhớ đến các nạn nhân phải liên kết tất cả chúng ta lại với nhau… Chúng ta đã chứng tỏ là Nga sẽ không chịu quì xuống đâu”. Tường trình của Matthew Chance CNN từ thủ đô Nga Sô thì “Đại đa số những người bị thương tích, theo bác sĩ, là do bởi hít phải hơi lạ”.


Olga Chernyak, một trong những con tin còn sống sót đêm hôm qua đã nói với đài truyền hình Nga là “Tôi bất tỉnh nhân sự và tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trong phòng cấp cứu… Tất cả chúng tôi đều chờ chết. Chúng tôi biết rằng họ sẽ không để chúng tôi thoát thân sống sót… Họ giết hai người, một phụ nữ và một đàn ông. Họ bắn người đàn ông vào mắt, máu chảy đầm đià”. Thế nhưng, chị này cho biết, sở dĩ nhóm khủng bố bắn là vì một em trai giở chứng chạy ra exit: “Em chạy ào đến lối ra hô lên ‘Má ơi, con không biết phải làm sao đây’. Họ bắn vào em nhưng hụt và thay vào đó trúng vào những người đang ngồi”.

 

Bác sĩ Christopher Holstege, giám đốc y khoa độc tố ở Đại Học Virginia cho hãng thông tấn Associated Press là hơi độc lạ này có thể là aerosolised Valium. Khoa học gia Lev Fyodorov đã từng làm việc cho ngành vũ khí hóa học của Nga cho biết trên đài truyền hình là “loại hơi này không ngửi thấy”. Một vị bác sĩ đã bày tỏ nỗi chán nản trong việc cứu chữa các nạn nhân với tờ nhật báo Nezavisimaya Gazet như sau: “Tôi không thấy những vết thương bị súng bắn. Những người chết đã nuốt những gì họ nôn mửa hay lưỡi hoặc tim của họ ngừng hoạt động. Giá mà chúng tôi biết trước! Giá họ cho chúng tôi biết trước rằng chúng tôi sẽ có một số đông người bị ngất đi hay tim ngưng hoạt động thì có thể đã xẩy ra hơi khác rồi”.


Việc bơm hơi lạ vào tòa nhà văn hóa này bằng các luồng dẫn khí để làm cho nhóm khủng bố không còn sức phản ứng sử dụng vũ khí nhưng hậu quả đồng thời cũng đã gây thiệt mạng cho nhiều người con tin. Bác sĩ trưởng thủ đô Moscow là Andrei Seltsovky hôm Chúa Nhật 27/10 đã cho biết 63 nam và 54 nữ con tin đã chết, 150 người khác đang ở trong tình trạng nguy kịch trên 36 tiếng sau khi được mang vào nhà thương từ sáng sớm Thứ Bảy. Thành phần con tin vừa sợ, vừa đói, vừa mệt, nên đã bị hơi lạ tấn công, thứ hơi lạ vẫn còn bị chính quyền bưng bít chưa chịu cho biết là gì. Nhưng các chuyên viên y khoa cho biết loại hơi này sẽ gây ra các triệu chứng rắc rối cho phổi, tim, gan và thận. Chính vì chưa rõ loại hơi nào nên việc chữa trị cho 650 người bị bắt làm con tin vừa rồi vẫn còn gặp rắc rối. Hai trong 71 con tin không phải người Nga đã chết, một phụ nữ Dutch và một đàn bà Áo. Tổng thống Putin tuyên bố Thứ Hai 28/10 sẽ là ngày cả nước để tang, nhưng theo Mike Hanna của CNN thì dân chúng đang hận tức về những bí mật chưa được tiết lộ liên quan đến các nạn nhân con tin được cứu, nhất là thân nhân của họ.


Trong Huấn Từ Truyền Tin sáng Chúa Nhật 27/10, ĐTC Gioan Phaolô II đã kêu gọi cầu nguyện cho chung vụ khủng bố và cho riêng các nạn nhân của vụ khủng bố ở Nga này như sau: “Hôm nay chúng ta hãy đặc biệt kêu xin Vị Trinh Nữ rất được dân Nga mến yêu chuyển cầu, những người dân trong những ngày qua đã chịu quá nhiều đau khổ. Trong khi cầu nguyện cho các nạn nhân của cuộc thử thách đau thương vừa rồi, chúng ta cũng hãy cầu xin Đức Trinh Nữ cho những biến cố ấy đừng xẩy ra nữa”. Vị giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh cho biết ĐTC đã theo dõi sát vụ này qua Đức Ông Celestino Migliore, phụ tá phụ trách bang giao các nước của Tòa Thánh, vị đang có mặt tại thủ đô Nga.

 

Tại thủ đô này, cũng vào Ngày Chúa Nhật 27/10, ĐTGM Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Nga cũng lên tiếng một lần nữa như sau: “Hôm nay, tất cả mọi giáo xứ Công Giáo Nga dâng lời nguyện lên Chúa vô cùng nhân hậu để cầu cho sự nghỉ ngơi của các linh hồn những người đã chết, cầu ơn an ủi cho thân nhân bạn hữu của họ, cầu cho các người bị thương mau phục hồi, cầu xin ơn sức mạnh cho những người sống sót trước một hành động tội ác hết sức kinh hoàng, cũng như cầu xin ơn phục hồi hòa bình và cảm thông ở Nga”. ĐTGM kêu gọi nhân dân Nga “hãy kiềm chế những xúc động của mình và đừng vì nỗi đớn đau của mình mà hận thù những người anh chị em vô tội khác lịch sử và văn hóa của chúng ta”. Vị lãnh đạo Công Giáo ở Nga này cũng kêu gọi đặc biệt chính quyền “hãy làm hết sức mình để chặn đứng mức leo thang của tình trạng căng thẳng nơi xã hội về những lãnh vực chính trị, liên tôn và thiểu số”. ĐTGM kết thúc sứ điệp của mình như sau: “Chớ gì Đấng Tạo Hóa duy nhất ban cho tất cả chúng ta ơn khôn ngoan và niềm hy vọng, chớ gì Ngài gìn giữ xứ sở chúng ta khỏi những biến cố kinh khủng như vậy, và đưa chúng ta vào con đường hòa bình và hạnh phúc”.

 

Sáng Thứ Hai 28/10/2002, Tổng Thống Putin đã nói với thành phần trong chính phủ của mình trong một cuộc họp là “việc khủng bố thế giới càng ngày càng bất khôn và dã man. Những cuộc đe dọa sử dụng những phương tiện vũ khí công phá hàng loạt đang xẩy ra ở các nơi khác nhau trên thế giới. Nếu kẻ nào cố gắng áp dụng phương tiện này cho xứ sở của chúng ta, Nga sẽ đáp lại bằng những biện pháp tương xứng với những đe dọa ở tất cả những địa điểm của các tay khủng bố, những địa điểm thuộc tổ chức của họ hay những địa điểm của những kẻ xúi giục về ý hệ và tài trợ của họ”.

 

Cái Trục Gian Ác


Các phạm nhân Iraq: Mới cuối tuần vừa rồi cả 10 ngàn tù nhân (không còn một ai trong tù) được Tổng Thống Saddam Hussein thả ra để gọi là biết ơn nhân dân đã tin tưởng ông và 100% đã bầu ông làm tổng thống thêm nhiệm kỳ nữa, một biến cố chưa từng có trong 23 năm cai trị của vị tổng thống này, thì đột nhiên cũng xẩy ra một biến cố chưa từng có, đó là một cuộc công khai xuống đường hôm Thứ Ba 22/10/2002 trước Bộ Thông Tin để hạch hỏi chính quyền về những người thân của họ không thấy đâu sau thời gian bị tù. Họ tản ra sau khi nghe tiếng vũ khí tự động nổ trên không trung gần đó, nhưng sau đó một số trở lại với những người khác để tiếp tục cuộc xuống đường phản đối và ghi tên của những người thân của họ bị mất tích. Hôm Thứ Bảy 19/10/2002 vừa qua, một viên chức Hoa Kỳ đã cho biết theo sắc lệnh đã được tổng thống Bush ký, với số tiền là 92 triệu Mỹ Kim, thì Ngũ Giác Đài sẽ bắt đầu vào tháng tới huấn luyện cho cả mấy ngàn quân nhân Iraq vốn chống chế độ Saddam Hussein và vì thế họ đã bị đầy ra hải ngoại mà nơi chính yếu là ở Luân Đôn. Vào tuần này phân bộ Quốc Phòng và Nội Vụ phải trình bày đại quan về những dự án huấn luyện cho những sĩ quan Iraq này những khả năng hướng đạo và cố vấn trận chiến cho bộ binh của Hoa Kỳ v.v. Trong thời tổng thống Clinton 140 quân nhân Iraq đã được huấn luyện một phần nào rồi.


Bom nguyên tử Bắc Hàn: Sau khi bị lộ tẩy, Bắc Hàn mới tự thú nhận đã ngầm chế tạo bom nguyên tử và muốn nói chuyện với Hoa Kỳ. Việc thú nhận này xẩy ra trong cuộc họp hôm Thứ Sáu mùng 4-10-2002 giữa phái đoàn của Hoa Kỳ do ông James Kelly, phụ tá thứ trưởng nội vụ về Á Châu Vụ và viên chức cao cấp nhất của Bắc Hàn (được cho như cánh tay phải của Kim Jong II) là ông Kang Suk Ju. Trong buổi gặp gỡ cao cấp lần đầu tiên giữa hai nước trong hai năm vừa qua, ông Kelly nói với ông Kang là Hoa Kỳ đã biết được rằng Bắc Hàn đã thực hiện một chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử với “kỹ thuật khác” với những kỹ thuật được sử dụng trước năm 1994, năm Bắc Hàn đồng ý với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn là sẽ hủy bỏ dự án chế tạo nguyên tử và Hoa Kỳ đồng ý giúp Bắc Hàn về năng lực, và Bắc Hàn đã có đủ chất Plutonium cho ít nhất là hai trái bom nguyên tử. Bấy giờ viên chức cao cấp của Bắc Hàn đã làm cho ông Kelly giật mình khi viên chức ấy nhìn thắng vào ông mà nói: “’Tổng thống của quí vị đã cho chúng tôi là một phần tử của cái trục gian ác’… Quân quốc của quí vị đang dàn trận trên đảo Đại Hàn…. Dĩ nhiên là chúng tôi có một chương trình chế tạo bom nguyên tử”. Quả thực đầu năm nay tổng thống Bush ghép Đại Hàn với Iraq và Iran như cái trục gian ác. Một bản tường trình của Tình Báo Hoa Kỳ trong Tháng Giêng 2002 đã cho biết là vào cuối nửa năm vừa rồi Bắc Hàn “đã tiếp tục nỗ lực thu thấp kỹ thuật khắp thế giới để thực hiện chương trình chế tạo nguyên tử của họ…. Chúng tôi ước lượng là Bắc Hàn đã sản xuất đủ chất Plutonium cho ít là một, có thể hai trái bom nguyên tử”. Thánh 8/1988, Bắc Hàn đã bắn một phi đạn bay sang Nhật Bản làm cho Nhật Bản bắt đầu chuyện làm thuẫn chống phi đạn, một dự án đã được Hoa Kỳ đồng ý. Theo vị trưởng phái đoàn đại biểu của Nam Hàn là ông Jeong Sehyun, sau ngày họp với Bắc Hàn, thì Bắc Hàn đã sẵn sàng để nói chuyện với Hoa Kỳ về việc họ vi phạm những gì họ đã thỏa hiệp năm 1994. Ông Kim đã phát biểu là “Chúng tôi thấy tình hình vừa rồi nghiêm trọng. Nếu Hoa Kỳ sẵn sàng rút lại chính sách thù hận của mình đối với Bắc Hàn thì Bắc Hàn sẵn sàng giải quyết những quan tâm về an ninh bằng việc đối thoại”. Thượng Nghị Sĩ Bob Graham, D-Florida, chủ tịch ủy ban tình báo của thượng viện, đã cho đài truyền hình CBS hôm Chúa Nhật 20/10/2002 biết rằng ông coi những tham vọng nguyên tử của Bắc Hàn và khả năng về phi đạn của họ là một mối đe dọa cho Hoa Kỳ còn lớn hơn cả Iraq nữa, nên ông khuyên Tòa Bạch Ốc hãy xét lại những ưu tiên của mình. Thế nhưng bà Rice, cố vấn của tổng thống Bush cho rằng: “Hai tình trạng này không thể nào so sánh với nhau được. Cả hai đều nguy hiểm. Thế nhưng chúng ta tin rằng chúng ta có các phương cách khác nhau thành công ở Bắc Hàn mà lại rõ ràng là đã không và sẽ không thành công ở Iraq”.


Khủng bố Đông Nam Á: Một số tay hoạt động của nhóm al Qaeda đã tiết lộ bí mật về vụ khủng bố tấn công ở Bali và các quán cũng như các hộp đêm ở Đông Nam Á. Những tay hoạt động này đang bị nhốt ở Hoa Kỳ, như Mohammed Mansour Jabarah, người đã thú nhận với FBI là đã hoạch định những cuộc tấn công tự sát bằng bom vào các tòa lãnh sự Hoa Kỳ ở Singapore và Phi Luật Tân. Jabarah hoạt động với một tay khác trong nhóm al Qaeda là Omar Al Faruq, tháng vừa qua, người này đã cho Tình Báo Mỹ biết về dự án phá hủy một số tòa lãnh sự của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á. Tay hoạt động thứ ba không bị tù là Riduan Isamuddin, tự Hambali. Những thẩm quyền tình báo nói rằng Hambili giữ vai trò quyền vị và trưởng ban hoạt động của nhóm Jemaah Islamiya (JI), một nhóm Hồi Giáo hiếu chiến bị nghi ngờ là có dính dáng đến vụ nổ bom ở Bali cũng như các vụ khủng bố tấn công gần đây ở Phi Luật Tân. Jabarah nói với nhân viên phỏng vấn FBI là Hambali đã hoạch định “thực hiện những cuộc nổ bom nhỏ ở các quán nhậu, quán cà phê hay hộp đêm thường được các người tây phương lui tới ở Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Phi Luật Tân và Nam Dương”. Một viên chức cao cấp đã cho hãng thông tấn CNN biết rằng chính phủ Bush dự định đưa JI vào danh sách của các tổ chức khủng bố quốc tế của mình tuần này.

 

Các Giám Mục Pháp chống lại chiến tranh Iraq, coi cuộc chiến này như là “một cuộc thám hiểm không lối thoát”


Bản tin Zenit Chúa Nhật 20/10/2002 loan tin rằng Hội Đồng Thường Trực của Hàng Giám Mục Công Giáo Pháp đã công khai lên tiếng bằng một bản tuyên ngôn chống lại cuộc chiến tranh tấn công Iraq, trong đó có chữ ký của ĐTGM chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp, Jean-Pierre Ricard TGP Bordeaux, và ĐHY Jean-Marie Lustiger, TGM Paris và là thành viên của hội đồng này. Sau đây là những lời phát biểu trong bản tuyên ngôn ấy:


“Môi trường bạo động chúng ta đang bị lún xuống bởi các cuộc tấn công ở những phần đất khác nhau trên thế giới khiến chúng ta tái xác nhận là việc tôn trọng sự sống của hết mọi con người là điều kiện tạo lập hòa bình.


“Đối diện với việc Liên Hiệp Quốc từ từ tiến đến những hành động quân sự chống lại Iraq, chúng tôi cảm thấy mình có một phần nào sứ vụ cần phải nhắc nhở là để giải quyết những khác nhau giữa các dân nước, không thể coi chiến tranh như là một trong những phương tiện, một phương tiện có thể sử dụng theo những cân nhắc về lợi lộc hay cơ hội.


“Đối với Bản Hiến Chương của Liên Hiệp Quốc cũng như đối với truyền thống đạo lý của Công Giáo thì tất cả những việc sử dụng bạo lực bằng vũ khí, ngay cả nó có mục tiêu đáng làm vì công ích đi nữa, cũng tạo nên một quyết định nghiêm trọng ở chỗ người ta không thể sử dụng nó, trừ khi trong trường hợp cực khẩn cấp và sau khi đã hội đủ những điều kiện ngặt nghèo.


“Hiện nay, tín liệu cần có không cho phép khẳng định là đã hội đủ điều kiện – như được tóm tắt trong Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo (số 2309) – Chúng tôi có cùng một cảm nhận với những hội đồng giáo phẩm đã bày tỏ về vấn đề này cũng như với vị quan sát viên của Tòa Thánh Vatican ở Liên Hiệp Quốc.


“Mặc dù bị kết án về những vi phạm nhân quyền trong nước và luật quốc tế ngoài nước, chế độ Iraq có trở thành một mối đe dọa cấp bách và tức thời, đến độ được quyền tự vệ hợp pháp hay chăng? Nếu Iraq thực sự trở thành một mối đe dọa thì đã sử dụng tất cả mọi phương tiện phi quân sự để loại trừ mối đe dọa này hay chưa?


“Những hậu quả của cuộc ‘mạo hiểm không lối thoát’ này, một cuộc mạo hiểm vốn là bản chất của mọi cuộc chiến, đang làm cho công luận lo âu.


“Cuộc đối chọi giữa một nước Ả Rập và Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ sẽ làm kiên cố hơn lập luận của thành phần Hồi Giáo cực đoan trong việc làm bừng dậy lòng hận thù của những đám người thiếu chế ngự và thiếu hiểu biết chống lại ‘Tây Phương’ (được đồng hóa một cách sai lầm với Liên Hiệp Quốc) cũng như chống lại những giá trị dân chủ và nhân nhượng.


“Một trận chiến đào rộng thêm cái hố vốn đã sâu giữa dân chúng của chúng ta và dân chúng của miền đất ấy, nơi mà chúng ta còn có nhiều người anh em trong Chúa Kitô của chúng ta nữa, một cái hố sâu xa cái cảm giác hơn nữa khi thấy có những đại quyền lực sử dụng ‘hai biện pháp nặng cân khác nhau’ trong việc áp dụng những giải quyết của Liên Hiệp Quốc ở miền đất này.


“Giờ đây, hơn bao giờ hết, công lý là nền tảng và là điều kiện của hòa bình vậy”.

 

Trong chính ngày Thứ Tư 16/10, khi Iraq công bố cuộc thắng cử 100% của tổng thống Iraq thì hai vị lãnh đạo Hoa Kỳ Bush và Do Thái Sharon gặp nhau. Được biết tổng thống Bush muốn trực tiếp gặp thủ tướng Do Thái này để cho thấy rằng Hoa Kỳ không hài lòng về việc Do Thái công hãm tổng hành dinh của Thẩm Quyền Palestine ở Ramallah. Nhưng ông Sharon nói rằng Do Thái cần phải có những đáp ứng cần thiết đối với những cuộc khủng bố tấn công. Vị thủ tướng này còn nhấn mạnh là Do Thái không chịu nhường bước như hồi Chiến Tranh Vùng Vịnh 1991 nữa, lần này, nếu Iraq bắn phi đạn vào Do Thái, Do Thái bắt buộc sẽ phản ứng. Hoa Kỳ không dám đề cập đến vần đề phản ứng của Do Thái này trước trong buổi gặp gỡ này, vì tổng thống Bush chưa dứt khoát về vấn đề tấn công Iraq, và xin Do Thái đừng nói công khai kẻo gây thiệt hại cho việc ngoại giao của Hoa Kỳ tại các nước Ả Rập.

 

Những cuộc khủng bố tấn công vào và sau ngày diễn văn của Tổng Thống Bush.


Vào ngày Thứ Hai 7/10/2002, ngày Tổng Thống Bush đọc bài diễn văn kêu gọi chung quốc dân Hoa Kỳ và riêng Quốc Hội Hoa Kỳ cho phép ông được sử dụng lực lượng quân sự để tấn công Iraq, cũng là ngày kỷ niệm đúng một năm Hoa Ký bắt đầu tấn công khủng bố, một chiếc tầu chở dầu của Pháp tự nhiên bị bùng cháy ở ngoài khơi Yemen, gây thiệt mạng cho một thủy thủ.


Hai ngày sau vụ này, tức vào ngày Thứ Tư 9/10/2002, một người hải quân Hoa Kỳ bị một số người bắn chết và một người khác bị thương ở Đảo Failaka ngoài khơi Kuwait City. Các viên chức Kuwait cho rằng những tay súng này có liên hệ với tổ chức khủng bố al Qaeda.


Ba ngày sau vụ thứ hai, tức vào tối ngày Thứ Bảy 12/10/2002, một vụ khủng bố tấn công vào một hộp đêm ở Bali Nam Dương gây thiệt mạng trên 180 người và trên 200 người bị thất tung. Bộ trưởng quốc phòng Nam Dương đã cho biết hôm Thứ Hai, 14/10 là “Chúng tôi chắc là al Qaeda đang có mặt ở đây. Cuộc nổ bom ở Bali có liên hệ tới al Qaeda qua việc hợp tác của các tên khủng bố địa phương”.


Về những cuộc khủng bố tấn công này, có những câu nói xuất hiện trên màn điện toán vốn dính dáng với al Qaeda trong quá khứ, những câu nói được cho là của Osama bin Laden, những câu nói ca tụng những cuộc khủng bố tấn công này, nhất là vào dịp kỷ niệm đúng một năm Hoa Kỳ tấn công khủng bố ở A Phú Hãn.


“Chúng tôi chúc mừng Quốc Gia Hồi Giáo trong những cuộc hành quân thánh chiến (jihad Hồi Giáo) hào hùng mãnh liệt mà con cái của quốc gia ấy… nhóm giải phóng quân (the mujahedeen) ở Yemen chống lại chiếc tầu chở dầu của nước thánh chiến quân (crusader Pháp) cũng như ở Kuwait chống lại những đội lính thù địch cũng như chống lại việc đóng quân của Hoa Kỳ”. Những lời này còn đe dọa là sẽ không có hòa bình “cho đến khi họ rút tay ra khỏi quốc gia Hồi Giáo và ngưng tấn công chúng ta cũng như hỗ trợ cho các kẻ thù của chúng ta”. Lời phát biểu cho biết hết mình liên kết với những hiếu chiến quân ở Nam Dương, ở Kashmir, A Phú Hãn, Phu Luật Tân, cũng như ở cuộc xung đột Do Thái Palestine.


Ở Phi Luật Tân, ngày 2/10, một vụ nổ bom ở Zamboanga đã làm cho 4 người chết, trong đó có một người Hoa Kỳ, và làm cho trên 20 người bị thương. Vụ này có thể do tên Abu Sayyaf gây ra, người một tuần trước đã đe dọa sẽ tấn công thường dân, quân đội và Hoa Kỳ để trả thù cho việc chính phủ liên tục chống lại những cuộc nổi dậy ở miền nam Phi Luật Tân. Một cuộc tấn công khác xẩy ra cũng thuộc miền nam Phi Luật Tân ở Kidapaqan City tại một trạm xe buýt đông người, đã làm thiệt mạng 6 và bị thương 10 người khác. Cuộc nổ bom tại Zamboanga ngày 17/10 cũng gây thiệt mạng cho 7 người cùng với 140 người bị thương. Một cuộc nổ bom khác ở Manila ngày hôm sau 18/10 đã làm chết 1 người và bị thương 20 người. Các viên chức cho biết người chết có thể là người mang bom trong người trong một cái bao và ngồi ở cuối xe buýt. Bom nổ từ cuối xe trong khi xe đang chạy trên xa lộ chính ở phía bắc Manila.


Riêng vụ nổ ở Bali Nam Dương, cảnh sát cho biết đã tìm thấy dấu vết của những mảnh plastic, cùng loại plastic được sử dụng hai năm trước đây ở Jakarta liên quan đến nhóm Nam Dương cực đoan Jemaah Islamiah có liên hệ với al Qaeda.

 

Chuyên Viên Trung Đông nhận định về tình hình Iraq


Camille Eid, một chuyên gia người Lebanon về Trung Đông từng viết cho tờ báo Avvenire của Ý đã trả lời một cuộc phỏng vấn sau ngày vị phóng viên này gặp gỡ ĐGM Jean Benjamin Sleiman ở Baghdad. Hôm Thứ Năm 10/10/2002, vị phóng viên này cũng tham dự cuộc bàn bạc về vấn đề “Những Chân Trời Cuộc Chiến Tranh ở Iraq: Phải chăng ngăn ngừa tốt hơn là chữa trị?”, do Đại Học Đa Kỹ Thuật Milan Ý tổ chức.


Vấn     Ở Iraq có vấn đề tự do tôn giáo hay chăng?


Đáp     Người Công Giáo cần phải đi lễ được tự do làm điều này; họ được tự do xây cất nhà thờ. Tuy nhiên, các trường học Kitô giáo, nhất là Công Giáo, đã được quốc hóa cả thập niên trước đây. Tương đối có tự do. So với các quốc gia Vùng Vịnh thì Iraq là nước dẫn đầu. Nếu đối chiếu đời sống ở đây với ở Ý thì thực sự cần phải đạt tới tình trạng tự do thực sự hơn nữa.


Vấn     Vậy người Công Giáo sống trong hoàn cảnh này như thế nào?


Đáp     Điều làm cho Giáo Hội chịu cực hình hiện nay đó là vấn đề Kitô hữu xuất ngoại. Hơn một nửa Giáo Hội Assyrian không phải Công Giáo đang sống ở Detroit Hoa Kỳ. Nhiều người thuộc Giáo Hội Chaldeans đã bỏ xứ sở trong 10 năm qua. Nhiều người trong họ thoạt tiên sang Jordan, rồi từ đó sau này họ đi sang Úc Châu, Canada và các xứ sở khác.


Vấn     Tình trạng này có xẩy ra cho thảm cảnh của các người Kitô hữu ở Thánh Địa hay chăng?


Đáp     Thật vậy, như đã xẩy ra cho những người Kitô hữu Palestine và Labanon, trong tất cả ở Trung Đông, Kitô giáo đã bị diệt trừ. Ở Iraq vẫn còn một thứ Kitô giáo hiện hữu cả ngàn năm. Thế nhưng nói chung tình trạng thực là thảm hại.


Vấn     Có thể nào củng cố lực lượng chống đối nội bộ ở Iraq để ngăn ngừa một cuộc chiến từ bên ngoài chăng?


Đáp     Có từ 3 đến 4 triệu người Iraq sống ở hải ngoại; có những nhóm chống đối. Nhưng không biết những nhóm này được ủng hộ đến đâu trong quốc nội. Theo những tường trình của báo chí thì họ đã lập được một vị lãnh đạo là ông Ahmed Chalabi, một đối thủ có thế giá, nhưng ông phải kết hợp tất cả những người Kurds, những người Shiites lại với nhau nữa mới được.


Vấn     Liệu có thể nào tránh được chiến tranh xẩy ra hay chăng?


Đáp     Chúng ta cần phải nhìn vào những nguyên nhân của nó. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã vạch ra phương thế trị liệu, đó là để tránh chiến tranh cần phải loại trừ đi tình trạng bất công trên thế giới. Không ai chối cãi chế độ của Saddam là nhẫn tâm. Việc ông làm sao để nắm được tuyệt đỉnh quyền bính vào năm 1979 đã quá rõ ràng. Trong cuộc họp với 200 người, ông đã nêu lên tên tuổi của những người cần phải được loại trừ. Điều chúng ta phải đối đầu đây là phương thức. Chúng ta cần có một quan điểm chính yếu; chúng ta có những nguyên tắc. Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ muốn thiết lập các thứ quyền trị – cũng được đi, họ có thể làm như thế. Nhưng họ cần phải áp dụng việc ấy đối với tất cả mọi quốc gia, chứ không phải ở đây thì làm còn ở kia thì không. Điều làm tôi ngỡ ngàng là cách đây mấy tuần, bà Condoleezza Rice, cố vấn của Tổng Thống Bush, nói rằng chiến tranh chống Iraq cuối cùng sẽ mang lại nền dân chủ cho tất cả các quốc gia Ả Rập; bởi thế, nó là một cửa ngỏ để vào. Thì chúng ta cũng cứ hy vọng vậy đi, vì Iraq dầu sao cũng đang bị vây bủa bởi các quốc gia độc tài, dù là bạn hay thù của Hoa Kỳ. Ba ngày trước đây, một vị đại diện Do Thái từ Washington về đã tiết lộ cho biết những chi tiết cuộc họp của bá với chính quyền Hoa Kỳ. Theo bà đại diện này, có người đã nói cho bà hay rằng, một khi Saddam Hussein bị lật đổ thì những người Hoa Kỳ sẽ đặt một tay độc tài khác thay thế trong vòng từ 5 đến 6 năm, người đó nói thêm: ‘Điều này tốt cho cả quí vị lẫn chúng tôi’. Người ta không thể nào không tự hỏi tại sao lại như vậy? Trước hết, quí vị nói về dân chủ, về nhân quyền, về tự do của nhân dân Iraq, rồi quí vị nói đến những tay độc tài khác là làm sao.

 

Các Giám Mục Anh Giáo Phản Đối Việc Đơn Phương Tấn Công Iraq


50 Vị Giám Mục Anh Giáo đã đồng thanh nhận định và tuyên bố hôm Thứ Tư 9/10/2002 như sau:


“Chúng tôi công nhận chính sách được Chính Quyền tuyên bố về việc giải giới Iraq những thứ vũ khí công phá hàng loạt. Những viên thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc cần phải được tự nhiên và tự do đi lại để dễ dàng tìm kiếm và hủy hoại những thứ vũ khí công phá hàng loạt của Iraq, theo đúng tất cả những quyết định hiện tại của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.


“Chúng tôi cho rằng mối quan tâm chính yếu của thế giới vẫn là việc Iraq tỏ ra coi thường Liên Hiệp Quốc và quyền bính của tổ chức này như đã được bày tỏ trong những quyết định hiện nay của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Bất cứ hành động đơn phương nào bắt buộc Iraq phải tuân theo những quyết định như vậy đều có thể đưa đến việc làm tiêu hao uy tín và thẩm quyền của Liên Hiệp Quốc”.

 

Phản ứng về bài diễn văn của tổng thống Bush: Tại Iraq và Vùng Vịnh


Ở Iraq, những phần tử trong quốc hội đã lên tiếng phản đối tổng thống Bush hết sức kịch liệt. Ông Abdul Aziz Kailani, vị lãnh đạo của ủy ban tôn giáo vụ trong quốc hội, đã nói với hãng thông tấn Reuters rằng: “Bush ơi, lời lẽ của ông toàn là dối trá và đầy những luận điệu vô lý… Ông giống hệt như một con mãnh thú chỉ muốn ăn nuốt những xứ sở nhỏ bé, trong khi ông cần phải giúp đỡ họ thì ông lại muốn hủy diệt họ… Tôi muốn hỏi Ông Bush một câu, đó là từ Hiệp Chủng Quốc đến Iraq bao xa? Rất là xa với nơi đây… cả một đại dương, với những quốc gia rộng lớn ở giữa chúng ta, vậy thì làm sao chúng tôi có thể đe dọa Hoa Kỳ được nhỉ?”


Một viên chức khác trong quốc hội, ông Abdul Aziz Shwaish, lãnh đạo ủy ban về tài chính, thương vụ và hoạch định, cho rằng Washington gán ghép cho Iraq có những thứ vũ khí công phá hàng loạt để viện cớ tấn công Iraq:


“Chúng tôi không có những thứ vũ khí công phá hàng loại và cả thế giới biết rằng ông Bush muốn áp đặt quyền lợi quốc gia của mình trên thế giới và bắt Iraq phải qui phục quyền cai trị của mình… Chúng tôi không hề có liên hệ gì với al Qaeda, không ai tin được những lời của ông Bush về vấn đề này”.


Trong khi đó, 500 vị giáo sĩ và trí thức Hồi Giáo họp nhau ở Baghdad đã ban hành một sắc lệnh tôn giáo kêu gọi các người Hồi Giáo hãy bắt đầu một cuộc thánh chiến chống lại Hiệp Chủng Quốc nếu nước này dám tấn công Iraq. Bản sắc lệnh tuyên bố: “Nếu Thiên Chúa không ngăn cản mà để cho cuộc tấn công xẩy ra thì việc tuyên bố Thánh Chiến chống lại chính phủ Hoa Kỳ gian ác là nhiệm vụ của mọi người Hồi Giáo có khả năng. Nếu họ cố tấn cống họ sẽ thấy nơi từng hạt cát, từng núi non, đồng bằng và thung lũng ngọn lửa đốt cháy trái đất này ở dưới chân họ”.


Hôm Thứ Ba 8/10/2002, sau cuộc họp với Tổng Thống Ai Cập Hosni Mubarak và ông Jack Straw, thứ trưởng ngoại vụ Hiệp Vương Quốc, bộ trưởng Ngoại Giao Ai Cập là ông Ahmed Maher nói rằng: “Những thanh ra viên phải trở lại sớm bao nhiêu có thể. Không cần gì phải làm cản trở việc họ trở lại cả”. Trong khi cả Hiệp Chủng Quốc (US) và Hiệp Vương Quốc (UK) không muốn cho các thanh ra viên trở lại trước khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua quyết nghị của hai nước này về việc sử dụng hành động quân sự nếu các viên chức Iraq gây rắc rối cho việc thanh tra vũ khí. Ông ngoại trưởng Ai Cập này còn nói rằng: “Viết lại những qui luật vào giữa cuộc chơi không phải là một giải pháp tốt nhất. Điều quan trọng là hãy để cho các thanh ra viên vũ khí trở lại. Tôi không nghĩ rằng cấn phải thay đổi qui luật”.


Còn ông thứ trưởng Straw sở dĩ đến Ai Cập đêm Thứ Hai hôm trước, là để thực hiện chuyến đi một vòng Trung Đông và Vùng Vịnh với mục đích thuyết phục các nhà lãnh đạo trong vùng này về mối đe dọa gây ra bởi Iraq có thể đưa đến một cuộc chiến tranh chính đáng. Chuyến đi này xẩy ra sau diễn văn của Tổng Thống Bush. Trước khi đến Ai Cập, ông này đã ở Paris mấy tiếng đồng hồ để dượt qua sứ điệp của mình. Tại Paria, ông nói rằng: “Đây là một vấn đề trước hết là cha các nước láng giềng của Saddam. Đừng quên rằng trong vòng 20 năm qua, hắn đã xâm chiếm hai nước láng giềng của hắn và đã bắn phi đạn tấn công 5 nước… mối đe dọa lớn nhất hắn gây ra là vùng mà hắm ở”.


Những nhà lãnh đạo trong vùng, bao gồm cả Tổng Thống Ai Cập Mubarak và Vua Jordan Abdullah đều cảnh giác về mối nguy cơ nổi dậy nếu Tây Phương tấn công Iraq hay tìm cách lật đổ vị lãnh đạo nước này bằng võ lực. Đã có những cuộc biểu tình chống đối diễn ra ở bên ngoài Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Cairo. Tổng thống Ai Cập kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới hãy tìm cách giải quyết cuộc xung khắc giữa Do Thái và Palestine trước khi vướng vào vấn đề Iraq.


Trong khi đó, ở Damascô, khi nói với các phóng viên ở cuộc họp các nhà trí thức và chính trị Ả Rập họp lại chống đối Hoa Kỳ, ông Quyền Vị Thủ Tướng Iraq là Tareq Aziz cảnh giác các nước Ả Rập là việc Hoa Kỳ tấn công Baghdad sẽ ảnh hưởng đến cả các nước trong vùng như sau: “Không một quốc gia Ả Rập nào sẽ thoát khỏi bị đe dọa cả, cho dù họ có về phe Hoa Kỳ trong việc tấn công Iraq đi nữa. Đừng nghĩ rằng họ an toàn nếu họ bày tỏ những ời phát biểu hay ho hay cống hiến cho Hoa Kỳ những địa điểm. Khi tội ác lên đến tột đỉnh thì họ sẽ bị qui phục Hoa Kỳ và phong trào phục quốc Do Thái Zionism”. Một số nước Vùng Vịnh như Qatar, Saudi Arabia và Kuwait đang để cho Hoa Kỳ dùng làm cứ điểm. Ông Aziz nói rằng việc Hoa Kỳ tấn công Iraq là dạo khúc để thực hiện việc Do Thái thi hành “dự án thay chuyển” đã được tiết lộ là đẩy những người Palestine sang Nước Jordan bên cạnh để lập quốc thay vì lập quốc ở ngay Palestine. Đây là vòng thứ hai ông Aziz đã thực hiện trong vùng này. Iraq cũng gửi Bộ Trưởng Ngoại Giao của mình là ông Naji Sabri đi một vòng các nước Vùng Vịnh, nhắc nhở các nước này là cuộc chiến trang chống Iraq cũng gây ảnh hưởng lũng đoạn cả miền Ả Rập nữa. Ông đã viếng thăm các nước Bahrain, Oman, Qatar và United Arab Emirates.


Hôm Thứ Năm 10/10/2002, ông Abdul Tawab Mullah, vị phụ trách những chương trình vũ khí của Iraq, đã nói với cuộc họp báo là xứ sở của ông không chế tạo các thứ vũ khí hóa học, vi trùng hay hạch nhân. Trái lại, ông cho biết những địa điểm nghi ngờ thực sự chỉ là những cơ xưởng về kim loại, những địa điểm Hoa Kỳ đã không bị Hoa Kỳ hủy hoại hay được tái thiết với mục đích nghiên cứu. Ông nhấn mạnh là: “Chúng tôi chuẩn bị mở cửa cho những cuộc viếng thăm cấp thời, hầu chúng tôi có thể làm sáng tỏ tình hình này và chứng tỏ cho thấy cái dối trá đến nực cười sai lầm do Hoa Kỳ nói mà chẳng có gì làm bằng… Nếu chính phủ Hoa Kỳ đang cố gắng điều ra sự thật họ tuyên bố thì họ hãy để cho những thanh tra viên Liên Hiệp Quốc trở lại kiểm soát những địa điểm này. Tôi bảo đảm là họ sẽ thấy rằng chúng tôi có những thứ vũ khí công phá hàng loạt hay chăng”.


Bộ Trưởng Ngoại Giáo Hiệp Vương Quốc Jack Straw cũng vừa kết thúc 4 ngày viếng thăm các nước Ai Cập, Jordan, Kuwait và Iran cũng như Pháp Quốc. Tuy nhiên, vị này đã gặp phản ứng mạnh mẽ ở Iran. Ngoại Trưởng Iran là ông Kamal Kharrazi đã cho biết nhận định như sau: “Tất cả các nước thuộc thế giới Hồi Giáo chống lại những chính sách đơn phương của Hiệp Chủng Quốc và đó là lý do đủ để khắp các nước Hồi Giáo hết sức thù hận”.


Phản ứng về bài diễn văn của tổng thống Bush: Tại Quốc Hội Hoa Kỳ


Quốc Hội đã có chương trình bàn luận về việc giải quyết vụ Iraq vào ngày Thứ Ba, 8/10/2002 và thông qua vào chiều Thứ Tư hay vào ngày Thứ Năm.


Đúng thế, hôm Thứ Sáu, 11/10/2002, Hạ Viện đã bỏ phiếu 296/133 và Thượng Viện đã bỏ phiếu 77/23 cho Tổng Thống Bush có quyền đem quân đi bắt Iraq phải tuân hành những quyết định của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong việc buộc Iraq phải hủy bỏ những loại khí giới công phá hàng loạt. Tất cả có 215 vị trong đảng Cộng Hòa và 81 vị trong đảng Dân Chủ bỏ phiếu thuận cho quyết định này. Tại Thượng Viện, đảng Dân Chủ tỏ ra không đồng nhất với nhau ở số phiếu 29 thuận và 21 chống. Quyết định này của Quốc Hội đòi Tổng Thống Bush phải loan báo cho Quốc Hội biết trước 48 tiếng hay trong vòng 48 tiếng sau khi bắt đầu hành động quân sự vì những nỗ lực ngoại giao để bắt buộc Iraq tuân hành những quyết định của Hội Đồng này không thành công. Tổng Thống Bush đồng thời cũng phải bảo đảm là hành động chống lại Iraq không được làm ngăn trở những nỗ lực theo dõi hoạt động khủng bố của al Qaeda đã tấn công Nữu Ước và Washington năm vừa rồi. Chính phủ Bush cũng phải tường trình cho Quốc Hội biết tiến trình về chiến ranh với Iraq mỗi 60 ngày. Cuộc bỏ phiếu lần này có một khoảng cách lớn hơn cuộc bỏ phiếu năm 1991 (Hạ Viện 250/183 và Thượng Viện 52/47) trước Cuộc Chiến Vùng Vịnh cho phép Tổng Thống Bush cha dùng võ lực để đẩy Iraq ra khỏi Kuwait.


Hôm Thứ Năm 10/10/2002, ông Quyền Vị Thủ Tướng Iraq Abdul Tawab Al-Mulah Huwaish đã cho những cáo buộc của Hoa Kỳ là “gian dối”, và sẵn sàng để cho các viên chức Hoa Kỳ thanh tra những khu vực họ cho là đang được sử dụng để chế tạo các thứ vũ khí nguyên tử, vi trùng và hóa học: “Nếu chính phủ Hoa Kỳ muốn kiểm soát những nơi này thì họ cứ việc đến mà coi tận mắt cho biết”. Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc lập tức không chấp nhận lời thách thức này, nói rằng vấn đề tùy ở Liên Hiệp Quốc chứ không phải ở Iraq.


Thái độ của Tổng Thống Nga sau bài diễn văn của tổng thống Bush


Hôm Thứ Sáu, 11/11/2002, sau khi đã nói chuyện với Thủ Tướng Tony Blair của Hiệp Vương Quốc tại chòi săn của tổng thống ở gần sông Volga bên ngoài thủ đô Moscow, Tổng Thống Nga Putin đã cho các phóng viên biết rằng “Chúng ta không loại trừ cơ hội tiến đến có cùng một chủ trương trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc”. Thế nhưng, Vị tổng thống này đã trực tiếp tỏ ra trái ngược lại với Hiệp Vương Quốc cho rằng Saddam Hussein có các thứ vũ khí hóa học, vi trùng và hạch nhân: “Nga không nắm được một dữ kiện thực sự nào về việc Iraq có những thứ vũ khí nguyên tử hay bất cứ loại vũ khí công phá hàng loạt nào”. Tổng thống Putin kêu gọi hãy mau thực hiện viên thanh tra vũ khí và cho rằng không cần có quyết định mới: “Chúng ta tin rằng không có những lý lẽ về pháp quyền chính thức nào thay thế được quyết định của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cả”. Tổng thống Putin còn làm sáng tỏ những gì Thủ Tướng Blair nói trên chuyến máy bay đến Nga là vấn đề chính ông sẽ nói chuyện với tổng thống Putin là vấn đề về những lợi ích kinh tế của Nga. Tổng thống Putin cho biết là việc không đống ý với giải quyết của Liên Hiệp Quốc sử dụng võ lực đe dọa Iraq không dính dáng gì đến những nỗ lực lấy lại 7 tỉ nợ nần Iraq phải trả cho Nga cả. Cho tới nay ông vẫn chưa có đủ chứng cớ về các thứ vũ khí công phá hàng loạt của Iraq, đó là lý do việc thanh tra vũ khí cần phải được thực hiện sớm bao nhiêu có thể.


Phản ứng về bài diễn văn của tổng thống Bush: Từ chính quyền Iraq


Quốc Hội Iraq được lệnh họp khẩn vào ngày Thứ Bảy 12/10/2002. Lời của ông Quyền Vị Thủ Tướng Tariq Aziz đã được báo chí phổ biền hôm Thứ Bảy 12/10 như sau: “Hoa Kỳ thách thức chúng ta – chứ không phải chúng ta thách thức Hoa Kỳ”.


Phó tổng thống Iraq đã trả lời một cuộc phỏng vấn của tờ Der Spiegel nguyệt san tin tức của Đức hôm Thứ Bảy 12/10/2002 là Baghdad đã sẵn sàng cho phép các thanh tra viên Liên Hiệp Quốc đếm thăm 8 dinh thự của tổng thống là những địa điểm Hoa Kỳ lấy làm nghi ngờ thắc mắc: “Những thanh tra viên có thể tìm kiếm và kiểm soát bất cứ cách nào và bất cứ ở đâu họ muốn”. Ông Arraf nói rằng ngày Thứ Bảy 12/10, các viên chức Iraq đã dẫn các phóng viên Tây Phương đến một số nơi khả nghi, kể cả cơ sở được cho là nơi chế tạo vũ khí nguyên tử ở phía nam thủ đô Baghdad, và các phóng viên này cho biết đó chỉ là những nơi sản xuất dụng cụ radar.


Cũng vào Ngày Thứ Bảy 12/10/2002, chính quyền Iraq đã gửi một bức thư đến những viên chức có trách nhiệm về chương trình thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc, nhắc lại lời hứa cho pháp các thanh tra viên hoạt động trong xứ sở này theo những điều kiện của Liên Hiệp Quốc.


Thứ Ba 8/10/2002, hai vị lãnh đạo cơ quan IAEA và UNMOVIC (the United Nations Monitoring, Verification and Inspection Commission) là ông Mohamed ElBaradei và Hans Blix đã gửi cho tướng Iraq là ông Amir al-Saadi, vị lãnh đạo phái đoàn Iraq trong cuộc họp ở Vienna Áo Quốc, một bức thư xác nhận bản chất của phiên họp ở Vieanna Áo hai tuần trước. Tướng Al-Saadi đã trả lời bằng một bức thư hôm Thứ Năm 10/10 nói rằng Iraq đã sẵn sàng tiếp đón những thanh tra viên vũ khí của Liên Hiệp Quốc “sớm bao nhiêu có thể”. Trong bức thư trả lời ngày Thứ Ba 8/10, ông Blix đã trích lại việc Iraq đồng ý “cách thức trực tiếp, vô điều kiện và không giới hạn” ở các địa điểm, chẳng hạn như chấp nhận việc phỏng vấn các viên chức Iraq hay khoa học gia Iraq cũng như chấp nhận những chuyến bay thám thính U-2. Nhưng tướng Al-Saadi nói rằng Baghdad khó lòng mà tuân giữ được một số yêu cầu của ông Blix, như bảo đảm sự an toàn của các thanh tra viên ở những vùng cấm bay mà hiện nay đang được những phản lực cơ Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc tuần tiểu. Vị tướng này đề nghị trong bức thư là “Nếu hủy bỏ những vùng cấm bay bất hợp pháp thì chúng tôi sẽ không gặp khó khăn trong việc bảo đảm cho hai cơ quan này về sự an toàn của các cuộc không vận trên toàn không phận Iraq”.


Về những phản ứng này của Iraq, một viên chức trong chính phủ Hoa Kỳ nói với CNN rằng: “Đây là một điều nữa của cùng một trò chơi họ đã chơi trong 10 năm qua. Họ tiếp tục chơi những trò chối bỏ và lừa bịp”; “Chúng tôi không lấy gì làm lạ lùng cả. Rõ ràng là những người Iraq muốn trì hoãn và lừa đảo mà”.

 

Trước bài diễn văn của tổng thống Bush ngày 7/10/2002 trước cuộc bầu cử Quốc Hội bán phần một tháng


Dân chúng Hoa Kỳ, qua một cuộc hỏi ý kiến của viện Gallup từ ngày 3-6/10/2002 và được viện này phổ biến vào chính ngày Tổng Thống Bush đọc bài diễn văn, 7/10/2002, trong số 1502 người, một nửa đã cho biết một nửa thuận ý với dự án sử dụng võ lực ra tay tấn công Iraq trước của ngành hành pháp Hoa Kỳ hiện nay. Sau đây là kết quả:


Bộ binh của Hoa Kỳ xâm chiếm Iraq để lật đổ Saddam Hussein?

40% chống, 53% ưng; 7% trống;


Hoa Kỳ xâm chiếm Iraq với số người Mỹ bị thương vong:

100: ưng 51%, chống 42%; 1000: ưng 46%, chống 48%; 5000: ưng 33%, chống 60%


Thẩm quyền tối hậu để quyết định trong việc xâm chiếm Iraq?
Tổng Thống Bush: 40%; Quốc Hội: 54%; Không trả lời: 6%


Hoa Kỳ làm tất cả những gì có thể để giải quyết vấn đề Iraq bằng đường lối ngoại giao

Nên: 46%; Không cần: 49%; Trống: 5%


Thượng nghị sĩ John Edwards, D-North Corolina, cực lực phê bình đường lối của ngành hành pháp Bush đối với vấn đề dự án này là: “Chúng ta dường như muốn một mình hành động chỉ vì muốn hành động một mình, một đường lối dễ dàng đạt được những mục tiêu ngắn hạn của chúng ta, thế nhưng nó sẽ không bao giờ mang lại an ninh dài hạn cả”. Vị này nhận định là tổng thống Bush đang cho thấy “cái ngông cuồng vô định” thay vì như tổng thống nói “nhắm đích mà không ngông”.


Những thượng nghị sĩ Dân Chủ như Edward Kennedy, D-Massachusetts và Robert Burd, D-W.Virginia, đã cho biết ngành hành pháp của tổng thống Bush đã không chứng tỏ cho thấy rằng Iraq là mối nguy hiểm xẩy ra bất cứ lúc nào cho Hoa Kỳ cả. Ông Burd nói tổng thống Bush cần phải cho dân chúng Hoa Kỳ về “những gì thực sự Hiệp Chủng Quốc đang dự tính thực hiện. Chứ đừng chỉ nghe về Saddam Hussein mà thôi – chúng t6oi đã nghe về hắn đủ rồi – những gì chúng tôi cần nghe từ tổng thống là những câu trả lời cho các vấn nạn của chúng tôi về những gì ông dự định làm ở Iraq. Chúng tôi cần biết lý do tại sao tổng thống lại đòi Quốc Hội phải hành động ngay bây giờ”.


Nhiều viên chức quốc hội thuộc đảng Cộng Hòa tỏ ra sát cánh với tổng thống Bush, chẳng hạn thượng nghị sĩ Jon Kyl, R-Arizona, khi ông này cho rằng Hoa Kỳ “không thể chờ đợi cho đến khi chúng ta nắm chắc Iraq có một thứ vũ khí nguyên tử và sắp sửa sử dụng nó”.


Iraq phủ nhận việc họ có những thứ vũ khí công phá hàng loạt. Vị Lãnh sự của họ ở Liên Hiệp Quốc là ông Mohammed Aldouri đã cho biết hôm Chúa Nhật 6/10/2002 là quốc gia của ông có thể cho những nhân viên thanh tra đến khám xét vũ khí kể cả ở những khu vực của tổng thống ở nữa.


Cuốn Băng Hăm Dọa Khủng Bố Hoa Kỳ


Có một cuốn băng âm thanh đã được công bố hôm Thứ Ba, 8/10/2002, trong đó, người nói hăm dọa sẽ có những cuộc tấn công mới vào Hiệp Chủng Quốc, vào ngành kinh tế và đồng minh của Hiệp Chủng Quốc. Người này đã đề cập đến một số những biến cố hiện nay, bao gồm cả việc kỷ niệm một năm biến cố 11/9 và việc Hoa Kỳ có thể tấn công Iraq. Người phát ngôn còn cho biết cả bin Laden và nhà lãnh đạo Taliban là Mullah Omar “cả hai đều vẫn mạnh khỏe”. Sứ điệp của cuốn băng này đã được phổ biến hôm Chúa Nhật 6/10/2002, với tiếng nói là al Qaeda đang sửa soạn những cuộc tấn công vào những mục tiêu kinh tế của Hiệp Chủng Quốc: “Tôi hứa cùng các người là giới rẻ Hồi Giáo đang sửa soạn cho các người những gì sẽ làm cho lòng các người đầy khiếp hãi, và họ sẽ nhắm đến những trung tâm kinh tế của các người cho đến khi các người ngưng lộng hành bạo ngược và khủng bố, cho đến khi một trong hai trong chúng ta phải chết… Hoa Kỳ và các các đồng minh của nước này phải biết rằng những tội ác của họ sẽ không thoát khỏi bị trừng phạt đâu. Chúng tôi khuyên họ hãy mau mau rút khỏi Palestine, Vùng Vịnh Ả Rập, A Phú Hãn và những nước Ả Rập còn lại trước khi họ mất hết tất cả… (Hoa Kỳ) sẽ phải trả giá. Việc thanh toán món nợ quá khổng lồ này thực sự là nặng đấy. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục, nếu Allah cho phép, hủy hoại nền kinh tế Hoa Kỳ”. Sứ điệp của cuốn băng âm thanh này còn cho biết mưu đồ của Hoa Kỳ ở A Phú Hãn “chưa đạt được mục đích của mình”, và việc Hoa Kỳ vận động chống Iraq sẽ là một cuộc tấn công cả thế giới Ả Rập. Giọng nói của cuốn băng này, theo một viên chức Hoa Kỳ, là của Ayman al-Zawahin, tay khủng bố đệ nhị sau Osama bin Laden, và cuốn băng mới thu không quá 6 tháng, tức mới vào Tháng Bảy vừa rồi.


Lưỡng Viện Hoa Kỳ muốn thành lập một Ủy Ban Tình Báo độc lập điều tra vụ 911


Hôm Thứ Năm 10/10/2002, hai ủy ban Tình Báo của Hạ Viện và Thượng Viện đã gặp các vị giám đốc CIA và FBI, bàn về việc điều tra kẻ chủ mưu hai vụ không tặc ngày 11/9. Các nhà lập luật của lưỡng viện vẫn gặp rắc rối bởi việc điều tra vụ này và những khó khăn của họ trong việc thu thập tín liệu về vụ ấy. Một ủy ban tình báo độc lập đã được công bố trong một cuộc họp báo. Thế nhưng, Tòa Bạch Ốc và các vị lãnh đạo đảng Cộng Hòa tỏ ra quan tâm về ủy ban này. Dân Biểu Tim Roemer, D-Indiana tuyên bố: “Tôi lo là Tòa Bạch Ốc đang cố gắng lấy tấm thảm phủ lên ủy ban độc lập này, từ từ cuốn nó lại rồi giết nó chết”. Sáng Thứ Năm, những nhà lập luật nói rằng việc nói chuyện với Tòa Bạch Ốc không thành công. Thế nhưng, vào buổi chiều, họ cho biết rằng các nhà lãnh đạo ủy ban tình báo đã phác họa một hợp đồng giữa họ với nhau, một thỏa thuận mà họ cố gắng thêm vào dự luật cho quyền thực hiện những chương trình tình báo năm 2003. Thế nhưng Tòa Bạch Ốc nói là không có một thỏa thuận nào đạt được với những vị ấy. Theo dự án được loan báo hôm Thứ Năm 10/10, thì ủy ban tình báo này bao gồm 10 phần tử với hai vị đồng chủ tịch, một do tổng thống chỉ định, một do vị lãnh đạo đảng Dân Chủ Thượng Viện, nhiệm kỳ 2 năm. Phận sự của ủy ban này là đi sâu vào những vấn đề như tình báo, ngành hàng không thương vụ và di dân. Các ủy ban tình báo của hai viện được bắt đầu hành sự từ Tháng Hai 2002 và chỉ chú trọng đến vấn đề tình báo mà thôi. Tuy nhiên, nhiều nhà lập luật đã than phiền là công việc của các ủy ban này đã bị ngăn trở bởi khó lòng thu lượm được những tín liệu từ các cơ quan của ngành tình báo.

 

Diễn Tiến Về Dự Án Tấn Công Iraq sau Cuộc Họp Ở Vienna

Năm quốc gia có quyền veto trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vẫn chia rẽ nhau. Nga, Tầu và Pháp vẫn không đồng ý với Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc về giải pháp cứng tay với Iraq của Hoa Kỳ. Trong khi Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc nhất định muốn Liên Hiệp Quốc phải chấp thuận giải quyết mới do họ phác họa bắt ép Iraq phải cho thanh tra tất cả mọi nơi trong nước không trừ chỗ nào, thì ba nước còn lại vẫn cứ muốn thực hiện dự án hai giai đoạn của Pháp là cứ thanh tra đã rồi nếu cần mới tiến đến biện pháp quân sự sau.

Hôm Thứ Năm 3/10/2002, vị Đại Diện Bộ Ngoại Giao Nga là Alezander Saltanov đã tuyên bố là “chúng tôi không chấp nhận những nỗ lực làm cho Liên Hiệp Quốc ra tay tự động sử dụng võ lực tấn công Iraq… Những gì mà người Đại Anh và Hoa Kỳ đã trình bày cho chúng tôi thấy chỉ làm cho chúng tôi thêm cương quyết hơn trong việc theo đúng quan điểm của mình, đó là cần phải tái tấu việc kiểm soát hay thanh tra chế độ ở Iraq, và cần phải có một giải quyết chính trị mà không cần đến việc tự động sử dụng võ lực”.

Trong khi đó, trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ đầu tháng 10 của ông Mikhail Margelov, trưởng ủy ban quốc tế vụ thuộc Hội Đồng Liên Bang Nga, hình như đã cho các nghị viên quốc hội Hoa Kỳ biết lý do sâu xa của Nga trong việc Nga cương quyết chống đường lối của Hoa Kỳ về việc tự động dùng võ lực tấn công Iraq khi ông bày tỏ như sau: “Chúng tôi có những lợi lộc nơi mỏ dầu hỏa của nền kinh tế Iraq. Khi nói những lợi lộc đây tôi không có ý nói đến việc chỉ tôn trọng những hợp đồng đang hiện hành, mà còn nói đến một cơ hội cộng tác bình đẳng và hiệu quả giữa các công ty dầu hỏa quốc tế với các công ty dầu hỏa của Nga trong tương lai, nhất là trong việc cho các công ty này có quyền khai thác mỏ dầu hỏa Iraq”. Ông nói thêm, mỏ dầu hỏa của Iraq không phải chỉ được chia chác bởi một hay hai quốc gia mà “cuộc tranh đua phải được mở ra cho hết mọi người”. Ông này còn cho biết việc giải quyết nước Iraq đối với Nga có liên quan đến bốn vấn đề: thứ nhất là món nợ của Iraq đối với Nga (từ 7 đến 12 tỉ), thứ hai là dầu hỏa, thứ ba là mối đe dọa về một cuộc xung đột bùng nổ giữa người Arab và Kurdish, và thứ tư là những nhóm Hồi Giáo cực đoan sẽ lên nắm quyền sau Saddam Hussein.

Trước khi ông Saltanov tuyên bố chủ trương của Nga như rên, tổng thống Pháp Jacques Chirac và thủ tướng Đức Gerhard Schroeder cũng đã tái xác nhận hôm Thứ Tư 2/10/2002 về việc họ chống lại sách lược sử dụng quân sự can thiệp vào vụ Iraq. Hai vị lãnh tụ này đã họp nhau ở Paris và đã tuyên bố như vậy qua vị thủ tưởng Đức mới tái cử như sau: “Chúng tôi đã xác định chủ trương của chúng tôi trước cuộc bầu cử thế nào thì sau cuộc bầu cử cũng không có gì thay đổi cả”. Cuộc chia rẽ này chẳng những đã thấy xẩy ra trước cuộc họp ở Vienna mà còn tiếp tục kéo dài sau cả cuộc họp này nữa. Tổng thống Pháp xác nhận rằng Pháp, cũng như Nga, Hiệp Vương Quốc và Hiệp Chủng Quốc, là một thành viên có quyền veto trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, sẽ phủ quyết bất cứ một giải pháp nào được coi như mở đường cho Hoa Kỳ hành động quân sự không được Liên Hiệp Quốc chuẩn ưng: “Chúng tôi hoàn toàn chống lại bất cứ giải quyết nào cho phép từ lúc này có tính cách tự động can thiệp bằng quân sự”.

Tổng thống Bush hôm Thứ Tư 2/10/2002 tuyên bố là cuộc chiến với Baghdad có thể “không thể nào tránh khỏi” nếu Saddam Hussein không giải giới. Thủ Tướng Hiệp Vương Quốc Tony Blair hôm Thứ Năm 3/10/2002 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy đoàn kết chứ đừng tỏ ra những “dấu hiệu lộn xộn” nữa. Ông dám nói rằng nếu việc ngoại giao không thành công thì sẽ phải dùng võ lực để giải giới Saddam Hussein: “Nếu vấn đề này không xẩy ra một cách ngon lành thì nó phải được xẩy ra bằng võ lực… hắn không thể nào thoát được vấn đề giải giới đâu… Thế giới cần phải làm cách nào để có thể trọn vẹn, không bị trói buộc, không bị mập mờ trong việc thực hiện những dự định hủy hoại các loại vũ khí có sức tàn phá hàng loạt của Iraq. Chúng tôi cần có một giải quyết mạnh mẽ, mới mẻ của Liên Hiệp Quốc cũng như cần thảo luận về những gì ở vào giai đoạn quan trọng đây và chúng tôi tiếp tục làm việc này. Cách thức chúng tôi đòi hỏi đây phải bao gồm cả những dinh thự của tổng thống. Chẳng có lợi tí nào cả khi để cho các thanh tra viên được đến 99% địa điểm ở Iraq trong khi các thứ vũ khí phá hoại hàng loạt thực sự lại được cất giấu… ở 1% còn lại”.

Trong khi những thanh tra viên vũ khí đã giành ngày 19/10 là ngày trở lại Iraq sau 4 năm vắng bóng, thì trưởng ban thanh tra là ông Blix đã nói với Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc rằng “Thật là không khéo tí nào nếu chúng ta thực hiện những việc thanh tra, rồi lại ra chỉ thị mới với những điều chỉ dẫn mới mẻ đổi thay”.

Tình trạng chia rẽ này cũng xẩy ra nơi 15 quốc gia thành viên có chân trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nữa. Syria, Mexico và Mauritius cho rằng các vị thanh tra viên vũ khí có thể bắt đầu việc của họ bây giờ theo những giải quyết đang có, những giải quyết đó là Iraq phải công bố hoạt động của họ về những thứ vũ khí hạch nhân, hóa học và sinh học trong vòng 30 ngày, và nếu Iraq không tuân theo Hoa Kỳ được quyền sử dụng “tất cả mọi phương tiện có thể” đối với Iraq. Đức lên tiếng chống lại việc sử dụng hành động quân sự.

Tổng thống Bush cảnh giác Liên Hiệp Quốc rằng LHQ được quyền “chọn lựa… để chứng tỏ mình giải quyết vấn đề” và “vấn đề chọn lựa cũng tùy vào việc Saddam Hussein giữ lời hắn nói… Nếu không có ai trong họ tỏ thái độ gì thì Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ sẽ tự ý lãnh đạo một nhóm liên minh đi tước đoạt những thứ khí giới tai họa nhất thế giới khỏi một tay lãnh đạo đồi bại nhất thế giới”.

 

Tòa Thánh đặt 3 Câu Hỏi với Hoa Kỳ về Dự Án Tấn Công Iraq


Bản tin Zenit ngày 3/10/2002 cho hay ĐHY Roberto Tucci, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Đài Phát Thanh Vatican, vị đã đi khắp thế giới trong 23 năm qua với tư cách là người tổ chức các cuộc tông du cho ĐTC, đã kêu gọi các nhà lãnh thế giới chỉ chú trọng đến giải quyết quân sự mà không cần đến sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc hãy suy nghĩ đến những ngầm ý nơi hành động như vậy. Sau đây là ba câu hỏi của ngài:


“Những thẩm quyền phải đi đến chỗ quyết định 3 điều đã thẩm lượng những hậu quả sẽ gây ra cho thành phần dân sự Iraq hay chưa?


“Họ đã suy nghĩ đến sự kiện là nếu làm như vậy họ đang làm triệt tiêu thẩm quyền quốc tế của Liên Hiệp Quốc, một thẩm quyền duy nhất ở một nghĩa nào đó có thể giúp vào việc đạt được hòa bình phi chiến hay chưa?


ĐHY xin các nhà lãnh đạo quốc tế “suy nghĩ cẩn thận về sự kiện là một số chủ trương của Hoa Kỳ hiện đang chiếm ưu thế sẽ đưa đến hậu quả là làm cho thế giới Ả Rập tái hợp lại với nhau, bao gồm cả Hồi Giáo, khiến mãi mãi sẽ kéo dài tình trạng lan tràn việc khủng bố tấn công cũng như việc đối chọi với khủng bố.


“Chúng ta phải cầu nguyện. Hãy cầu nguyện để con người biết suy nghĩ. Lý trí có vẻ xa lạ nhưng đức tin thường tăng thêm sức mạnh cho lý trí”.

 

Kết quả cuộc họp ở Vienna Áo Quốc: Ban thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc được trở lại Iraq

Sau hai ngày gặp gỡ giữa vị trưởng ban thanh tra và các giới chức Iraq, kết quả là Iraq đã đồng ý để ban thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc trở lại khám xét vũ khí ở Iraq ở tất cả những nơi ban này muốn tới, trừ dinh tổng thống, và ban thanh tra dự định sẽ thực hiện điều này trong hai tuần nữa, vào khoảng giữa tháng 10/2002. Vị trưởng ban thanh tra tuyên bố kết quả trên đây hôm Thứ Ba 1/10/2002, đồng thời cũng cho biết 8 khu vực thuộc vị trí của tổng thống Saddam Hussein này cần phải được trình lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Tướng Powell, bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng Hoa Kỳ không muốn những thanh tra viên vũ khí trở lại Iraq trước khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua bản nghị quyết mới nêu lên những “hậu quả” xẩy ra nếu Iraq ngăn trở những nỗ lực của họ. Theo vị bộ trưởng ngoại giao này thì Iraq sẽ tiếp tục đánh lừa các thanh tra viên nếu không có một bản nghị quyết mới đề cập tới vấn đề đe dọa bằng võ lực. Ông nói, Hoa Kỳ đang chờ vị trưởng ban thanh tra này trình bày với Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào Thứ Năm 4/10/2002. Một viên chức cao cấp của bộ Nội Vụ cho biết Hoa Kỳ sẽ ngăn cản việc ban thanh tra trở lại Iraq trước khi có bản nghị quyết mới. Còn tổng thống Bush tuyên bố sẽ tự mình tiến đến chỗ đẩ đẩy Saddam đi nếu Liên Hiệp Quốc không chịu ra tay hành động.

Iraq cho biết sẽ không chấp nhận những giải quyết mới của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Cuộc họp của Bộ Nội Các Iraq hôm Thứ Ba 1/10/2002 đã đặt vấn đề về việc cần phải có giải quyết mới này. Lời tuyên bố sau cuộc họp này là: “Chúng ta nói một cách tỏ tường cùng những kẻ xấu… là nếu họ tưởng rằng tiếng trống trận họ đang đánh lên… có thể đẩy Iraq đến chỗ chấp nhượng các quyền lợi của quốc gia mình, cũng như những gì đã được bảo toàn bởi hiến chương Liên Hiệp Quốc và bởi những quyết định của Hội Đồng Bảo An hiện hành, thì họ đã nhầm rồi. Nếu họ nghĩ rằng việc gây áp lực xấu xa của họ ép Iraq chấp nhận những gì bất khả chấp, kể cả điều giải quyết mới, được nêu lên bởi áp lực của Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc… thì họ lại càng nhầm to”. Nga hoan hô thành quả của cuộc họp ở Vienna. Ông Tariq Aziz, Đại Diện Thủ Tướng, đã cho biết: “Những người Hoa Kỳ đang đẩy mạnh quyết định mới có tính cách hiếu chiến là những gì cho thấy những ý đồ thực sự của họ. Tôi luôn nói rằng vấn đề Hiệp Chủng Quốc và Hiệp Vương Quốc nêu lên các loại vũ khí có sức tàn phá hàng loạt chỉ là cái bình phong … để có thể biện minh cho cuộc tấn công bất chính của họ vào Iraq mà thôi. Nếu họ thực sự quan tâm thì họ phải tỏ ra hoan hỉ khi thấy Iraq và ông Blix đã tiến tới chỗ đồng ý tái thực hiện việc thanh tra mới phải chứ”.

 

28/9 Thứ Bảy

 

Biểu Tình Chống Dự Án Quân Sự Tấn Công Iraq

Đoàn biểu tình ở London, thủ đô của Hiệp Vương Quốc (UK: United Kingdom hay Great Britain) được cảnh sát cho CNN biết khoảng 150 ngàn người, nhưng ban tổ chức cho biết gấp hai như vậy nữa, một con số biểu tình chống chiến tranh chưa từng có trong lịch sử Âu Châu. Tổ chức cuộc biểu tình này là Liên Minh Chặn Đứng Chiến Tranh và Hiệp Hội Hồi Giáo Hiệp Vương Quốc. Trong đoàn biểu tình này có cả thị trưởng London là ông Ken Livingstone và được ông trưởng ban thanh tra vũ khí trước đây là Scott Ritter ngỏ lời. Còn ở Rôma, ban tổ chức cho biết con số lên đến 100 ngàn người, do đảng Tái Lập Cộng Sản cực tả tổ chức.

 

Sáng Thứ Bảy 28/9/2002, đoàn biểu tình ở London tập trung tại Embankment, gần Sông Thames, để diễn hành qua thành phố Westminster tới Công Viên Hyde. Những tấm bảng có những hàng chữ “Đừng tấn công Iraq” hay “Đừng nhân danh tôi”. Em gái Irial Eno 12 tuổi mang tấm bảng đề là “Khoan đã Bush. Iraq không phải là kẻ thù của chúng ta”, và đã nói với Associated Press rằng: “Iraq đã gặp quá nhiều trục trặc rồi. Tôi không nghĩ rằng ông Bush lại phải dội bom họ. Rất nhiều người sẽ chết chỉ vì một con người duy nhất”. Ông Ritter là trưởng ban thanh ra vũ khí trước đây cho CNN biết rằng: “Không có lý do gì – ngoài sự suy diễn – cho rằng Iraq là một mối đe dọa”. Phát ngôn viên của ban tổ chức cuộc biểu tình này là ông Andrew Burgin cho CNN biết rằng: “Cuộc thăm dò ý kiến cho thấy rằng từ 65 đến 70% dân chúng hiện đang chống đối việc tấn công Iraq. Dân chúng không thấy lý do nào để tấn công Iraq cả, nó như một ngọn sóng đang dâng cao. Người lãnh đạo của một quốc gia sẽ bất khôn khi đem xứ sở của mình đi đánh nhau ngược lại với ý muốn của dân chúng của mình”. Bà Mo Mowlam, nguyên thủ tướng Hiệp Vương Quốc trước đương kim Tony Blair rất ủng hộ cuộc biểu tình này, và sứ điệp bà gửi đã được đọc trước đoàn biểu tình: “Hãy tiến lên. Cứ tiếp tục tranh đấu. Nó là một vấn đề quan trọng đối với tương lai xứ sở của chúng ta, đến niềm tự trọng của chúng ta cũng như đến nền quân chủ của chúng ta”.

Ở Rôma, trưởng ban tổ chức của đoàn biểu tình là ông Fausto Bertinotti đã nói với hãng thông tấn Reuters rằng: “Bush bị cô lập, nhưng buồn thay cái cô lập này lại có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh. Chiến tranh sẽ đẩy thế giới vào tình trạng hỗn loạn”. Tuần vừa rồi thủ tướng Ý kêu gọi quốc hội của ông ủng hộ dự án của tổng thống Bush. Nhưng cuộc thăm dò ý kiến cho thấy 70% dân chúng chống lại tư tưởng tấn công Iraq.

 

27/9 Thứ Sáu


ĐHY McCarrick nhận định về dự định tấn công Iraq của chính phủ Bush


ĐHY TGM Washington đã nói với đài truyền thanh WTOP là: “Hiện nay chúng tôi nghĩ rằng chỉ được phép thực hiện chiến tranh tự vệ ở một số trường hợp mà thôi. Vào trường hợp của Iraq, tôi nghĩ rằng nếu tổng thống thực sự có tín liệu cho thấy chúng ta đang thực sự bị Iraq gây nguy hiểm đến nơi, thì bấy giờ mới là trường hợp quí vị cần phải quan tâm. Tôi không nghĩ rằng các vị giám mục cảm thấy trường hợp này đã xẩy ra. Đó là lý do tại sao chúng tôi xin hãy từ từ đã, hãy cố thấy được tường tận tình hình ra sao trước khi chúng ta ra tay làm một điều gì mà chúng ta phải nói rằng nó không hợp với luân lý”. ĐHY còn nói, ngay cả khi xẩy ra chiến tranh tự vệ, quốc gia cũng phải theo những qui luật về sự tương hợp của phương tiện cũng như về việc tránh gây thương tổn cho dân sự. ĐHY còn thêm là việc ra tay tấn công trước rất là khó biện minh, nếu không biết rõ về những thứ khí giới sinh học. “Tôi nghĩ rằng những gì các vị giám mục hy vọng đó là khi tổng thống và Quốc Hội nói đến vấn đề này, thì chúng ta có cơ hội để cân nhắc theo những giá trị về luân lý, những giá trị họ cũng sẽ chú ý đến nữa”.


Tình Hình Giải Quyết Vấn Đề Iraq


Tổng Thống Bush đã gọi điện thoại cho Tổng Thống Pháp Jacques Chirac để kêu gọi ủng hộ việc chính phủ của ông thúc đẩy Liên Hiệp Quốc giải quyết nạn Iraq bằng hành động quân sự. Thư ký văn phòng báo chí của Tòa Bạch Ốc là Ari Fleischer cho biết tổng thống rất hài lòng về cú điện thoại này, song không cho biết kết quả ra sao. Tuy nhiên, bà Catherine Colonna, phát ngôn viên của Tổng Thống Chirac nói rằng nhà lãnh đạo Pháp đã nói với tổng thống Hoa Kỳ rằng ông vẫn thích con đường hai lối bước: bước thứ nhất là giải pháp trở về với việc thanh tra vũ khí, và giải pháp thứ hai sẽ được phác họa chỉ khi nào Baghdad không chấp nhận việc thanh tra này. “Tổng thống của chúng tôi đã tái xác nhân chủ trương của Pháp với tổng thống Bush là cấn phải giải giới Iraq nhưng phải được thực hiện trong phạm vị của Liên Hiệp Quốc. Tổng Thống Bush đang cố gắng thuyết phục ba nước trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc có quyền veto là Pháp, Trung Hoa và Nga để đưa đến giải pháp dùng hành động quân sự tấn công Iraq nếu Iraq không chịu để cho Liên Hiệp Quốc thanh tra vũ khí của họ.


Tổng Thống Saddam Hussein đã đồng ý cho những thanh tra viên của Liên Hiệp Quốc trở lại Iraq vô điều kiện sau gần 4 năm vắng bóng. Trong khi đó, trong một buổi phát hình toàn quốc ở Iraq qua đài Al-Shabab hôm Thứ Năm 26/9/2002, con trai của Tổng Thống Saddam là Uday đã tuyên bố rằng Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ tìm cách đẩy lui chính quyền của cha mình là cố ý chiếm lấy những mỏ dầu lớn của nước Iraq: “Đừng tưởng rằng những người Hoa Kỳ sẽ để quí vị yên đâu nhé, vì quí vị đang ngồi rên một mỏ dầu lớn nhất thế giới”. Iraq cho thấy mình có một mỏ dầu với dung tích chừng 113 tỉ thùng dầu, chỉ thua Saudi Arabia, và có thể có 220 tỉ thùng dầu.


Một nhà ngoại giao của Liên Hiệp Quốc cho biết đã được thấy bản thảo chung của Hiệp Chủng Quốc (US) và Hiệp Vương Quốc (UK), một bản thảo là kết quả của những tuần bàn thảo giữa các viên chức của hai nước này. Sau đây là những điểm chính trong bản thảo đó: Cho phép Saddam Hussein 7 ngày để chấp nhận những điều kiện theo giải pháp mới của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc; Iraq đã “thực sự phạm lỗi” về những hứa quyết trước đây với Liên Hiệp Quốc; Iraq phải để cho các thanh tra viên về vũ khí xem xét tất cả mọi nơi, kể cả dinh tổng thống, xem có các loại vũ khí bị cấm hay chăng; cộng đồng thế giới có thể sử dụng “tất cả mọi phương tiện cần thiết” nếu Iraq không tuân hành; Baghdad có 30 ngày từ khi nhận được bản quyết nghị để “công bố đầy đủ, hết mọi và hoàn toàn” tất cả mọi thứ vũ khí sinh học, hóa học và phóng tỏa; nếu Iraq “khai man trá” hay “giấu diếm” sẽ vi phạm một lần nữa.

 

Thứ Năm 26/9

Những lý lẽ chính đáng của chính phủ Bush để có thể tấn công Iraq.

Hôm Thứ Tư 25/9/2002, cố vấn an ninh quốc gia là bà Condoleezza Rice đã tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với PBS rằng chính phủ Hoa Kỳ đã biết rõ “trong quá khứ đã từng có những liên hệ giữa các viên chức kỳ cực của Iraq và các phần tử của nhóm Al Qaeda qua một thời gian rất lâu. Chúng tôi biết rằng có một số những người bị giam giữ, nhất là một số cao cấp bị giam giữ, đã nói rằng Iraq đã thực hiện một số cuộc huấn luyện cho Al Qaeda về việc chế tạo các loại vũ khí hóa học. Đúng, thế là đã có những liên hệ giữa Iraq và Al Qaeda. Chúng tôi biết rằng Saddam Hussein nói chúng đã có một lịch sử dài với vấn đề khủng bố. Và có một số nhân viên Al Qaeda đã đến ẩn nấp ở Baghdad. Rõ ràng là có những liên hệ giữa Al Qaeda và Iraq có thể được ghi nhận”. Tuy nhiên, bà cũng nhận rằng: “không ai đang cố gắng tranh luận về vấn đề Saddam Hussein đã điều hành một cách nào đó những gì xẩy ra vào Ngày 11/9… Đây là chuyện chưa rõ ràng và đang sáng tỏ, chúng tôi đang tìm hiểu thêm…Khi nào bức ảnh rõ nét chúng tôi sẽ tiết lộ tất cả sự thật”.

Vì đang kiếm đủ lý do chính đáng để có thể danh chính ngôn thuận tấn công Iraq trước mặt thế giới, chính phủ Bush cố điều tra xem giữa Đảng khủng bố Al Qaeda và Tổng Thống Saddam Hussein có dính dáng gì với nhau chăng. Cũng hôm Thứ Tư 25/9, Tổng Thống Bush đã đi đến chỗ cho rằng: “Cần phải đương đầu với cả hai. Quí vị không thể phân biệt giữa Al Qaeda và Saddam khi quí vị nói về chiến tranh chống khủng bố”. Đối với đảng Dân Chủ đang chống lại dự án này của mình, Tổng Thống Bush đã phải viện lý chính đáng là: “Tôi thấy trách nhiệm chính của tôi – đó là bảo vệ nhân dân Hoa Kỳ”. Vì Thượng Nghị Sĩ Daschle thuộc đảng Dân Chủ đã tố giác Tòa Bạch Ốc đã làm bùng lên mối đe dọa chiến tranh của Iraq để muốn chiếm thắng lợi về chính trị và đòi vị tổng thống này phải xin lỗi. Ông nói: “Chúng ta cần phải tiến đến một mức độ cao hơn nữa. Các vị cha ông lập quốc của chúng ta sẽ cảm thấy hổ ngươi về những gì chúng ta đang thấy diễn tiến đây. Những người đã chết hy sinh kmạng sống của mình cho những gì tốt đẹp hơn là những gì chúng ta đang cống hiến hiện nay”. Buổi tối cùng ngày, trong bữa tối gây qũi của Đảng Cộng Hòa, Tổng Thống Bush đã lên tiếng nhữ để trả lời về việc yêu cầu xin lỗi của Đảng Dân Chủ như sau: “Rất tiếc, một số ở Thượng Viện, chứ không phải là tất cả ở Thượng Viện, muốn lấy đi quyền hạn mà tất cả mọi vị tổng thống có được từ tổng thống Jimmy Carter, tôi sẽ không chịu như vậy đâu. Thượng Viện phải nghe điều này là, vì nhân chúng Hoa Kỳ hiểu biết, họ không đáp ứng những khuynh hướng ở Washington DC. Họ phải đáp ứng cho khuynh hướng này, đó là khuynh hướng bảo vệ nhân dân Hoa Kỳ tránh khỏi những cuộc tấn công sau này”.

Cũng vào hôm Thứ Tư 25/9, Bộ Trưởng Ngoại Giao Nga là ông Igor Ivanov đã nhận định về tập hồ sơ của Thủ Tướng Tony Blair liên quan đến bí mật quân sự ở Iraq như sau: “Tôi tin rằng chỉ có những chuyên viên và các nhà thông thạo mới có thể phán quyết về vấn đề Iraq có những thứ khí giới hủy diệt hàng loạt hay không. Tuần vừa rồi, Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga là Sergei Ivanov nói rằng ông tin tưởng vào việc “dễ dàng thiết lập” những nhóm chuyên viên kiểm soát quốc tế. Ý nghĩ này của ông nghịch với ý nghĩ của Tổng Thư Ký Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ là Donald Rumsfeld là vị ông gặp hôm Thứ Năm cũng tuần vừa rồi, vị không tin rằng những kiểm soát viên quốc tế có thể đi sâu vào những nơi Iraq giấu diếm vũ khí bị cấm.

Trong khi đó, giới trí thức Hoa Kỳ, kể cả thành phần Kitô hữu có tiếng, như George Weigel thuộc Trung Tâm Qui Chế Đạo Đức Và Công Cộng ở Washington, và Robert Royal thuộc Viện Đức Tin và Lý Trí, cũng có khuynh hướng ủng hộ dự định tấn công Iraq của chính phủ Bush.

Trong cuộc phỏng vấn với Màn Điện Toán Zenit và được cơ quan này phổ biến ngày 22/9/2002, George Weigel chủ trương như sau:

“Thật là vô nghĩa về luân lý khi nói rằng Hiệp Chủng Quốc hay cộng đồng quốc tế chỉ có thể ra tay bằng lực lượng quân sự khi đầu đạn nguyên tử của Iraq chất chứa một thứ vũ khí hủy hoại hàng loạt đã được lệnh phóng đi, hay đang chờ lệnh phóng đi… Mới đây có người nói rằng Hoa Kỳ hay khối liên minh không được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chấp nhận trước mà tấn công Iraq để giải giới các thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt tức là thay thế luật lệ quốc tế bằng thứ ‘luật mạnh được yếu thua’. Tôi thực sự không đồng ý… Tôi đã đề cập đến việc cần phải hoàn chỉnh lại những gì chúng ta có ý nói đến vấn đề gọi là ‘bảo vệ trước cuộc tấn công’ trong một thế giới có những tổ chức khủng bố quốc tế và những quốc gia xảo quyệt, cũng như vấn đề về ‘quyền bính hợp pháp’ trong một thế giới có những khí cụ mới hiện hữu nhưng thường vô hiệu cho việc xây dựng một rật tự thế giới… Tiêu chuẩn về thứ chiến tranh chính đáng liên quan đến ‘biện pháp cuối cùng’ cũng cần phải được hoàn chỉnh nữa: chẳng hạn như, có nghĩa là gì khi nói rằng đã vận dụng tất cả mọi hành động phi quân sự nhưng không thành công khi chúng ta phải đương đầu với một thứ diễn viên quốc tế mới mẻ gây ra chết chóc, một thứ tổ chức khủng bố không cần biết đến một hình thức quyền lực nào ngoài bạo lực, và là một tổ chức khủng bố hầu như bằng chân như vại trước những áp lực về ngoại giao và kinh tế có thể áp đặt trên các quốc gia?”

Trong cuộc phỏng vấn với Màn Điện Toán Zenit và được cơ quan này phổ biến ngày 26/9/2002, Robert Royal, chủ trương như sau:

“Cuộc bùng nổ ngày 11/9 đã cho thấy tất cả những gì là nguy hiểm mới… Chúng ta có thể nói với một xác tín về luân lý ở một cấp độ cao là Saddam Hussein không cần những loại vũ khí như vậy để tự vệ đối với những cuộc tấn công của các nước Hồi Giáo chung quanh hay của Do Thái. Hắn rõ ràng là tiến hành việc đe dọa nhiều mạng sống con người ở Trung Đông, rồi không lâu đến Âu Châu và những mục tiêu xa hơn nữa, mà thậm chí chẳng cần đến việc ra tay khủng bố nữa. Bởi vậy các quốc gia trên thế giới cần phải quyết chọn: một là chúng ta ra tay bây giờ để ngăn ngừa việc đi đêm sau này, việc tấn công hay việc chuyển các loại vũ khí có sức tàn phá hàng loạt cho các bạn bè của Saddam thuộc nhóm khủng bố, hai là chúng ta chờ cho đến khi mối đe dọa đến nơi rồi mới ra tay? Quí vị có quyền tin tưởng là trong khoảng thời gian chờ đợi này có thể tìm thấy những cách thức nào đó để điều đình làm giảm bớt những thứ căng thẳng, nhưng những cuộc thương thảo và trừng phạt chống lại những chế độ như Cuba, Sudan và Iraq sẽ chẳng bao giờ có công hiệu cả, vì những kẻ hung bạo cùng nhóm môn đồ của họ đâu có hứng thú nhiều vào những gì cả thế giới hiểu về công lý hay hòa bình. Chế độ ở Iraq cần phải được thay đổi vì thiện ích của thế giới. Những ai muốn chờ đợi có thể có những lý do về luân lý cao cả hơn là những người thấy trước được rằng việc ra tay bây giờ là một cuộc can thiệp dễ dàng loại trừ hơn… Thế nhưng, Kitô hữu ít nhận ra rằng đôi khi những chế độ hay các nhà cai trị là xấu, hay tối thiểu, việc họ muốn sử dụng những thứ phương tiện xấu để đạt mục đích của họ mà một thế giới văn minh không thể nào chấp nhận được. Đó là một trong những thành quả bất hạnh khi sống trong một thế giới sa đọa này, tuy nhiên, chúng ta không được để cho vấn đề lưỡng lự chần chờ một cách thích đáng trong việc sử dụng võ lực, trừ khi cần thiết, làm cho chúng ta thiếu tin tưởng rằng có những lúc khi mà chỉ có biện pháp sử dụng đến võ lực mới hoàn tất các trách nhiệm Kitô hữu của chúng ta mà thôi”.

 

Phản Ứng của Thế Giới đối với dự định tấn công Iraq của Mỹ.


Đối với việc Mỹ dự định ra tay tấn công Iraq để ngăn ngừa nước này có thể gây nguy hiểm đến nền hòa bình thế giới với các loại vũ khí có sức tàn phá hàng loạt hiện có trong tay của họ, thế giới có những phản ứng phò và chống như sau:


Trước hết là Thủ Tướng Blair của Hiệp Vương Quốc (Great Britian) hôm Thứ Ba 24/9/2002, cho quốc hội của ông biết những chi tiết về Nước Iraq như sau: thứ nhất, Tổng Thống Saddam Hussein chỉ còn một hay hai năm nữa thôi là có thể có bom nguyên tử; thứ hai, tổng thống này có “những dự án quân sự” trong việc sử dụng các loại vũ khí hóa học và sinh học “có thể nổ trong vòng 45 phút khi được lệnh sử dụng chúng”, và thứ ba, Baghdad đang “mua” từ các nước Phi Châu chất uranium để chế bom nguyên tử.


Trong khi đó, bộ nội các của Tổng Thống Saddam Hussein hôm Thứ Tư 25/9/2002, nói rằng hồ sơ của vị Thủ Tướng Blair tuyên bố về kế hoạch vũ khí của Iraq “đang năng động và phát triển” là “dối trá và vô bằng”: “Hồ sơ này đầy những tuyên truyền sai lạc thiếu hẳn những chứng cớ về chất liệu và hợp lý”. Lời tuyên bố của bộ nội các của Tổng Thống Saddam Hussein đã được tuyền hình toàn quốc của nước này phổ biến.


Tiếp theo là Thủ Tướng Silvio Berlusconi của Ý cũng hôm Thứ Tư 25/9/2002 đã trình bày với quốc hội của mình về nạn Iraq để kêu gọi ủng hộ Tổng Thống Bush của Hoa Kỳ: “Lối sống của chúng ta, định mệnh của chúng ta, vừa là những người Âu Châu vừa là những người Ý Quốc, đều gắn liền với lối sống và định mệnh của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ”, ông nói. Ngoài ra, ông còn kêu gọi Liên Hiệp Quốc phải có những giải pháp “mới mẻ, mạnh mẽ, rõ ràng và thúc buộc” về nạn Iraq đến độ có thể ra lệnh sử dụng võ lực nếu Baghdad không tuân lệnh. Ông nói cộng đồng thế giới không thể bất động trước chết độ của Saddam Hussein, nhưng ông không hề đề cập gì đến việc Ý có nhúng tay vào hành động quân sự hay chăng. Ông đã ví chế độ của Saddam Hussein với chế độ Nazi ở Đức trong thời Thế Chiến Thứ II xưa.


Thế nhưng, các quốc gia Âu Châu và thế giới đã tỏ ra hững hờ với những tiết lộ của Thủ Tướng Blair. Chẳng hạn như Pháp và Trung Hoa đều nói rằng bất cứ hành động nào chống lại Tổng Thống Iraq Saddam Hussein đều phải được Liên Hiệp Quốc thông qua. Riêng Pháp còn đòi “nghiên cứu” bản hồ sơ của vị Thủ Tướng này nữa. Hy Lạp chống lại với bất cứ hình thức đơn phương tấn công Iraq, như Thủ Tướng nước này là ông Costas Simitis tuyên bố sau cuộc họp hai ngày giữa Khối Hiệp Nhất Âu Châu và các nhà lãnh đạo Á Châu ở Copenhagen. Đức cũng bất đồng về chiến tranh chống Iraq, như Thủ Tướng của nước này là ông Gerhard Schroeder mới được tái cử hôm Chúa Nhật 22/9/2002 tuyên bố. Quốc Hội Hiệp Vương Quốc tối hôm Thứ Ba 24/9/2002 cũng tỏ ra chống đối thứ chiến tranh này. Cũng như nhiều nước đồng minh thuộc khối NATO, Nga cũng không đồng ý với cuộc đơn phương tấn công Iraq, dù Hoa Kỳ có vận động để Nga nhào vô đẩy Liên Hiệp Quốc ra tay mạnh đối với nạn Iraq.


Chưa hết, các báo chí Âu Châu cũng có những nhận định bất thuận lợi về bản hồ sơ của Thủ Tướng Hiệp Vương Quốc. Chẳng hạn tờ Thời Điểm Tài Chánh cho biết là bản hồ sơ này không có những chứng cớ chắc chắn cho thấy cần phải lập tức thực hiện hành động quân sự. Tờ Giải Phóng của Pháp nhận định về cuộc liên hệ giữa Tổng Thống Bush và Thủ Tướng Blair như sau: “Tony Blair đi đến chỗ hết sức liều mình khi gắn liền số phận của mình với số phận của Bush”. Tờ nhật báo này còn cho biết thêm “ở Hiệp Vương Quốc, những kẻ chống đối việc can thiệp bằng võ lực còn nhiều hơn cả thời xẩy ra cuộc khủng hoảng ở Kosovo nữa, và việc thiếu những mục tiêu chính trị cũng như quân sự rõ ràng trở lại với đường lối của một chiến tranh Vùng Vịnh mới thậm chí còn hơn gấp hai lần”. Ở Đức, tờ Berliner Morgenpost cho rằng bản hồ sơ này “không cung cấp những chi tiết tin tức khách quan”. Ở Tây Ban Nha, tờ El Pais đã gọi bản hồ sơ này như sau: “Bản tường trình thực ra chỉ thể hiện những mối liên hệ công khai trong việc tỏ ra hỗ trợ chủ trương của Bush”. Ở Dublin, tờ Irish Independent mang tựa đề: “Cái chết của 500 ngàn trẻ em Iraq là một tội ác chiến tranh thực sự”, đã viết “’bản hồ sơ’ của Tony Blair về Iraq là một bản văn kiện nẩy lửa. Đọc bản văn kiện này một con người đứng đắn chỉ có thể cảm thấy hổ nhục và uất hận mà thôi”.

Số Phận Kitô Hữu trước cuộc Tây Phương Tấn Công Iraq

Theo tờ nhật báo Ý Avvenire, 24/9/2002 Thứ Ba, vị giám mục người Chaldean là Đức Cha Phụ Tá Jshlemon Warduni ở Baghdad đã cảnh giác là việc tấn công Iraq sẽ liên quan đến Kitô hữu, thành phần đã bị đa số cho rằng có dính dáng với Tây phương và Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Theo ngài, “Là một Giáo Hội địa phương, chúng ta phải làm hết sức có thể để việc tấn công này không xẩy ra, một cuộc tấn công sẽ là một thảm kịch về nhân đạo mới… Trong việc chúng ta dấn thân phục vụ xã hội, chúng ta không phân biệt thành phận hưởng lợi, bất kể tôn giáo hay sắc tộc của họ”. Đối với Saddam Hussein, ĐGM cắt nghĩa là Giáo Hội Công Giáo, nhất là Tòa Thượng Phụ Chaldean, “theo phúc ấm và hợp với huấn quyền của ĐTC Gioan Phaolô II chống lại tất cả mọi thứ chiến tranh và tấn công. Nếu chúng ta không bênh vực nhân quyền, thì thử hỏi chúng ta phải bênh vực ai đây? Không phải là con cái của chúng ta là những nạn nhân đầu tiên của chiến tranh hay sao? Không phải là thành phần già lão và yếu đau, không được chăm sóc và nâng đỡ, có lẽ giống như trường hợp của anh em hay sao? Đối với việc trang bị vũ khí có sức tiêu diệt hàng loạt thì chính quyền Iraq nói rằng họ không có những thứ ấy. Chúng ta không biết điều ấy có đúng hay không, đó không thuộc thẩm quyền của chúng ta để nói lên vấn đề ấy. Trách nhiệm của chúng ta là hoạt động cho hòa bình và sự bảo toàn của các quyền lợi thuộc tất cả mọi người… Chúng ta tin tưởng nơi Thiên Chúa, Đấng sẽ ban cho chúng ta hòa bình và chúng tôi xin tất cả moị Giáo Hội trên thế giới hãy cầu nguyện với chúng tôi xin Chúa soi sáng cho thành phần lãnh đạo các quốc gia hành động theo công bình chính trực”.


Tòa Thánh Vatican Kêu Gọi Những Giải Pháp Thay Thế Giải Pháp Quân Sự Tấn Công Iraq

Hôm Chúa Nhật 22/9/2002 vừa rồi, ở Florence Ý Quốc, ĐTGM Diamuid Martin, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh Vatican ở các văn phòng Liên Hiệp Quốc đã ngỏ lời với một hội nghị gồm 60 hiệp hội, nhóm đoàn và phong trào của Giáo Hội là “Chúng ta thiên về việc đối thoại song cũng tôn trọng luật quốc tế nữa”. ĐTGM tiếp tục nhận định trước hội nghị bàn về chủ đề “Hòa Bình: Điều Kiện Thiết Yếu cho Việc Phát Triển Toàn cầu” là “có khoản luật về việc sử dụng võ lực, nhưng quyết định áp dụng khoản luật này chỉ thuộc về Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mà thôi… Lúc này đây cảm quan trách nhiệm cần hơn bao giờ hết. Việc sử dụng đến võ lực lúc nào cũng vậy và bằng cách nào cũng là một thảm bại”. Viên chức Tòa Thánh này cũng vạch ra rằng Liên Hiệp Quốc “không được trở thành dụng cụ cho những lợi ích của một phía. Cản trở tổ chức này hoàn thành sứ vụ của mình sẽ gây nguy hiểm cả thể cho tất cả đôi bên. Trong những lúc khó khăn này, những ai bác bỏ việc sử dụng võ lực cũng có trách nhiệm cho biết phải làm sao để có thể tránh sử dụng võ lực”. Trong việc chống chọi với khủng bố, ĐTGM kết luận, cần phải “tôn trọng tình trạng về luật lệ và việc chung sống của các dân tộc”.

ĐHY Thánh Bộ Trưởng Tín Lý Đức Tin Ratzinger tuyên bố việc đơn phương tấn công Iraq là bất chính

 

"Quan niệm về một ‘thứ chiến tranh ngăn ngừa’ không có trong Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo"


Bản tin của Màn Điện Toán Zenit Ngày Chúa nhật 22/9/2002 loan tin rằng, ĐHY Thánh Bộ Trưởng này nhìn nhận rằng những vấn đề chính trị không thuộc phạm vi thẩm quyền của mình: “Liên Hiệp Quốc là tổ chức phải đi đến chỗ quyết định. Cộng đồng các quốc gia, chứ không phải một quyền lực riêng biệt nào, cần phải đi đến chỗ quyết định… Sự kiện Liên Hiệp Quốc đang tìm cách tránh né chiến tranh đối với tôi dường như cho thấy đủ chứng cớ là việc thiệt hại sẽ lớn hơn những giá trị người ta hy vọng sẽ ra tay cứu lấy… (Dù) Liên Hiệp Quốc có thể bị phê phán, nhưng tổ chức này là một khí cụ được thiết lập sau chiến tranh để điều hợp chính trị, kể cả luân lý… Quan niệm về một ‘thứ chiến tranh ngăn ngừa’ không có trong Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo… Người ta không thể nói một cách đơn giản rằng giáo lý không cho chiến tranh là hợp lý. Thế nhưng giáo lý thật sự đã đưa ra một tín lý, một đàng, không loại trừ sự kiện về những giá trị cũng như về những con người cần phải được bênh vực ở một số trường hợp; đàng khác, giáo lý cũng nêu lên một tín lý rất chính xác về những giới hạn của những cơ hội này… Bản Thập Điều không phải là sản vật tư riêng của những người Kitô Giáo hay Do Thái. Nó là một biểu hiệu cao quí của lý lẽ về luân lý mà nhờ đó nó cũng được thấy cả ở nơi sự khôn ngoan của các nền văn hóa khác. Thật là thiết yếu trong việc phục hồi lý lẽ bằng việc tái qui chiếu về Bản Thập Điều này”.

 

Bức Thư của Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ gửi Tổng Thống Mỹ về Trận Đánh Araq.

 

Tuần trước, người Hoa Kỳ vừa kỷ niệm biến cố Khủng Bố Tấn Công Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9, một tưởng niệm có thể nói còn long trọng hơn bất cứ một ngày Holiday lễ nghỉ hằng năm nào ở Hoa Kỳ. Qua truyền thông, chúng ta đã biết được thêm nhiều chi tiết mới mẻ bí mật trong cuộc khủng bố này, như sự kiện Tòa Bạch Ốc biết trước khủng bố sẽ xẩy ra, hay như việc tổng thống Bush ra lệnh bắn chiếc máy bay bị không tặc ở Pennsylvania v.v. Không biết đây có phải là một khổ nhục kế Hoa Kỳ muốn dùng để có thể danh chính ngôn thuận trước thế giới nhào vô một thị trường khổng lồ với 1 tỉ 200 triệu người thuộc Khối Ả Rập Hồi Giáo vẫn hết sức căm thù Mỹ hay chăng? Tuy nhiên, từ việc tấn công A Phú Hãn để bắt trọn ổ bọn khủng bố quốc tế, nhất là tên đầu đàn của họ, không thành công, (hay không muốn thành công để tiếp tục có cớ nhúng tay quân sự và kinh tế vào vùng này, như trường hợp của một Saddam Hussein 12 năm trước đây), nay lại đến việc dự định tấn công Iraq với đủ mọi lý do viện dẫn biện minh cho việc làm của mình. Thế nhưng, việc Hoa Kỳ dự định tấn công Iraq có chính đáng hay không? Câu trả lời dứt khoát đã được phân tích và khẳng định rõ trong bức thư của ĐGM Gregory, đại diện Hàng Giáo Phẩm Hoa Kỳ gửi tổng thống Bush sau đây.


 

11/9 Thứ Tư


ĐTC Gioan Phaolô II với ngày kỷ niệm đầy năm Biến Cố 911 Hoa Kỳ


1.- Vô số người trên khắp thế giới hôm nay nghĩ đến thành phố Nữu Ước, nơi vào ngày 11 tháng 9 năm trước đây, ngọn cao ốc tháp đôi của Trung Tâm Thương Vụ Thế Giới đã bị sụp đổ bởi một cuộc tấn công rùng rợn, chôn vuì dưới cảnh tàn rụi của nó nhiều anh chị em vô tội của chúng ta.


Một năm sau, chúng ta nhớ đến những nạn nhân của vụ khủng bố này một lần nữa, và phó dâng họ cho lòng nhân lành của Thiên Chúa. Đồng thời chúng ta cũng muốn bày tỏ một lần nữa sự hỗ trợ về tinh thần của chúng ta đối với gia đình và những người thân yêu của họ. Thế nhưng, chúng ta cũng muốn thách đố lương tâm của những người đã âm mưu và thực hiện một ý đồ dã man tàn bạo như vậy.


Một năm sau Ngàu 11 Tháng 9 Năm 2001, chúng ta cần lập lại với nhau rằng không một tình trạng bất công nào, không một cảm quan muốn ngăn ngừa chặn đứng nào, không một triết lý hay tôn giáo nào có thể biện minh cho một hành động lệch lạc như vậy. Hết mọi con người có quyền được tôn trọng sự sống và phẩm giá của họ là những sự thiện bất khả xúc phạm. Thiên Chúa đã phán dạy điều này, luật lệ quốc tế đã thừa nhận điều ấy, lương tri con người cũng truyền dạy như thế, cuộc sống chung dân sự cũng đòi hỏi như vậy.


2.- Việc khủng bố là và bao giờ cũng là một biểu lộ cho thấy cái tàn bạo vô nhân bản, mà chính vì thế, nó không thể nào giải quyết được những xung khắc giữa con người với nhau. Uất hận, võ trang bạo động và chiến tranh là những chọn lựa chỉ gieo rắc và làm phát sinh ra thù ghét và chết chóc mà thôi. Chỉ có lý trí và tình yêu mới là những đường lối chắc chắn để thắng vượt và giải quyết những khác nhau giữa con người cũng như giữa các dân tộc với nhau mà thôi.


Vẫn cần thiết và khẩn trương trong việc phải có một nỗ lực đồng tâm và dứt khoát đảm nhận những công tác mới về chính trị và kinh tế có khả năng giải quyết những tình trạng bất công và đàn áp làm gương mù này, những tình trạng tiếp tục gây khốn khổ cho rất nhiều phần tử của gia đình nhân loại, tạo nên những điều kiện thuận lợi cho oán thù dai dẳng bùng nổ không thể nào tránh được. Thật là dễ dàng bị rơi vào những cám dỗ của lòng hận thù và việc bạo động khi những quyền lợi căn bản bị vi phạm. Cần phải cùng nhau xây dựng một văn hóa đoàn kết toàn cầu, một thứ văn hóa mang lại hy vọng về tương lai cho giới trẻ.


3.- Tôi xin lập lại cùng tất cả mọi người những lời Thánh Kinh là: “Chúa… đến cai trị trái đất, cai trị thế giới bằng đức công minh và cai trị các dân tộc bằng lòng tín trung” (Ps 95[96]:13). Tự do và hóa bình chỉ có thể phát xuất từ chân lý và công lý mà thôi. Chỉ có thể xây dựng một cuộc sống xứng đáng với con người trên những giá trị này mà thôi. Ngoài ra, chỉ có tàn rụi và hủy diệt.


Vào dịp kỷ niệm rất buồn thảm này, chúng ta dâng lên Thiên Chúa lời nguyện cầu của chúng ta: chớ gì yêu thương thay thế hận thù, và với cố gắng của tất cả mọi người thiện chí, chớ gì thuận hòa và đoàn kết được thiết lập trên khắp trái đất này.


(ĐTC đã kết thúc buổi triều kiến chung hằng tuần vào ngày thư thư trúng vào ngày kỷ noệm biến cố 911 hôm nay bằng lời nguyện sau đây:)


Lạy Cha Thánh, Thiên Chúa là lòng xót thương vô cùng, xin đoái nhìn tới rất nhiều những cái bất chính bôi nhọ lương tâm con người. Xin hãy thổi vào cõi lòng của hết mọi con người nam nữ hơi thở mãnh lực của Thánh Thần Cha, để cùng nhau, ngày qua ngày, họ được lớn lên trong hòa thuận và làm nên một đại gia đình, nơi mà tất cả mọi người đều được chấp nhận và nhìn nhận là con cái của Cha. Chúng con xin điều này nhờ Chúa Giêsu Kitô, Con Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Tội, Chúa chúng con, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.


Các Vị Giám Mục Hoa Kỳ với việc chống khủng bố


Vào ngày áp kỷ niệm biến cố 911, ủy ban quản trị Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã phổ biến những lời phát biểu nhắc lại thảm cảnh này như sau:


“Ngày 11 Tháng 9. Cái ngày tiêu biểu này giờ đây đã thay đổi cuộc sống của chúng ta, thay đổi quốc gia của chúng ta, thay đổi thế giới của chúng ta cũng như thay đổi cộng đồng đức tin của chúng ta biết bao. Ngày 11 Tháng 9 đã trở thành một biểu hiệu cho một sự dữ khôn tả cũng như một mất mát sâu đậm, cho sự hy sinh kinh khủng cùng với đức tin cao cả, cũng như cho những thách đố mà chúng ta với tư cách là một dân tộc đang phải tiếp tục đương đầu.


Việc sát hại rất nhiều con người vô tội của rất nhiều quốc gia đòi quốc gia chúng ta phải ra tay hành động, và đòi dân tộc chúng ta phải cống hiến một sự ủi an và nâng đỡ liên tục. Việc mất mát sự sống ở Afghanistan, cho dù là nhân viên quân đội Hoa Kỳ hay những người nam nữ và trẻ em Afghan, cũng đều đè nặng trên chúng ta. Đức tin của chúng ta nói với chúng ta rằng hết mọi sự sống đều quí giá, dù là một người làm việc ở Trung Tâm Thương Vụ Thế Giới hay ở Ngũ Giác Đài, hoặc ở trên chuyến bay bị rơi nát ở Shanksville, tiểu bang Pennsylvania, hay sống ở Afghanistan…


Quốc gia của chúng ta vẫn cần phải mạnh mẽ quyết tâm bênh vực sự sống vô tội và công ích khỏi bị nạn khủng bố tấn công. Trong việc làm cần thiết này, chúng ta phải bảo đảm làm sao để giới hạn việc sử dụng lực lượng quân sự, chú trọng đến việc cần phải tuân giữ những qui chuẩn luân lý truyền thống liên quan đến tác động chiến tranh cũng như đến việc bảo vệ thành phần vô tội. Thứ ‘chiến tranh chống khủng bố’ này phải được chiến đấu với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cũng như tối thiểu bằng những phương tiện phi quân sự, bằng cách không cho thành phần khủng bố có những nguồn lợi, dịp tuyển mộ và các cơ hội để thực hiện các hành động gian ác của họ.


Chúng ta cũng cần phải làm sao bảo đảm là thành phần dân chúng nghèo tại quốc nội cũng như trên khắp thế giới không bị vác những gánh nặng bất cân xứng nơi những hy sinh trước mắt này. Khi chúng ta đối đầu với những hành động gian ác, những hành động bất khả biện minh, thì ‘thứ chiến tranh chống khủng bố’ này không được làm cho chúng ta xao lãng việc bền bỉ dấn thân chế ngự tình trạng bần cùng, xung khắc và bất công, nhất là ở Trung Đông cũng như ở vùng thế giới đang phát triển, vùng có thể trở thành mảnh đất phì nhiêu với đầy những thất vọng và khủng bố. Đức tin của chúng ta kêu gọi chúng ta chẳng những tìm cách xây dựng một thế giới an toàn hơn, mà còn là một thế giới chân chính và bình an cho tất cả mọi người con cái của Thiên Chúa nữa”.

 

“Cách duy nhất để chiến đấu với sự dữ là tìm kiếm Chúa Kitô”


ĐGM Chủ Tịch Hội Đồng Hoa Kỳ, Gregory ở Belleville, Illinois, trong bài giảng tại Đền Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Washington để tưởng niệm Biến Cố Khủng Bố Tấn Công 911


“Vậy thì đâu là lý do khiến cho những người đàn ông đã lái các chiếc máy may đầy xăng đâm vào những cao ốc đầy người một năm trước đúng vào ngày hôm nay đây? Lý do là vì họ đã thua trận: trận chiến của lòng người, ở chỗ, họ đã ôm lấy bóng tối của tử thần và đã quay lưng lại với ánh sáng rạng ngời. Chúng ta thường nhìn vào những căn nguyên gây ra chiến tranh ‘bên ngoài’ như vậy. Đó là những gì tương đối dễ làm. ‘Chính những kẻ dữ gây ra những sự dữ’. Thế nhưng, Thánh Giacôbê đã nói với chúng ta rằng không phải những yếu tố ngoại tại đã gây ra chiến tranh, mà là ‘những đam mê nơi các phần thể của anh em’, hay, theo lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, ‘cõi lòng của con người có những vực thẳm từ đó đôi khi nổi lên những mưu đồ dã man chưa từng thấy’… Thế nên, không bao giờ chiến tranh lại bị khống chế bởi những ai nắm trong tay những thứ khí giới mãnh lực nhất hay có lợi điểm về chiến lược hay nhất. Đường lối duy nhất mà anh chị em và tôi bao giờ cũng có thể chiến thắng bạo lực đó là nhận biết Chúa Kitô, là nhận lấy Người nơi Thánh Thể, là yêu mến Người, và muốn sống trong Người. Bấy giờ chúng ta mới nếm hưởng được thứ ‘bình an thế gian thế gian không thể ban’ và cùng với Chúa Kitô chúng ta mới là men hòa bình trong một thế giới đầy bạo loạn và hận thù. Như thế cách duy nhất để chiến đấu với sự dữ là tìm kiếm Chúa Kitô. Là đi sâu hơn nữa vào việc chúng ta cử hành những mầu nhiệm thánh này, những mầu nhiệm biến đổi cái bần cùng của chúng ta thành sự phong phú thiêng liêng, những mầu nhiệm làm thỏa cơn đói khát của chúng ta, những mầu nhiệm lau khô nước mắt của tất cả nhũng ai than khóc, và biến thù ghét thành niềm vui”.

 

Vị Lãnh Sự của Hoa Kỳ tại Tòa Thánh Vatican nhận định về biến cố 911


Ông James Nicholson cùng với phu nhân đã tham dự cuộc tưởng niệm ở Vatican hôm nay do ĐTC Gioan Phaolô II chủ sự để cầu nguyện cho các nạn nhân của thảm cảnh một năm trước. Sau đây là cuộc phỏng vấn của Đài Phát Thanh Vatican với vị lãnh sự này:


Vấn     Trên Truyền Hình cũng như trên Điện Lưới Toàn Cầu mấy tuần qua tất cả chúng ta, theo tôi nghĩ, đã sống lại thảm cảnh đó cũng như biến cố đau lòng Ngày 11 Tháng 9. Những hồi niệm nào đối với ngài sống động nhất?


Đáp     Một trong những hồi niệm này là việc tôi được gặp gỡ Đức Giáo Hoàng chỉ sau biến cố 11 Tháng 9 hai ngày. Tôi đã gặp Ngài ngày 13/9; Ngài bấy giờ vẫn còn hết sức sầu thảm, như chúng tôi cũng như trên khắp thế giới vậy.


Ngài nói với tôi rằng điều này chắc chắn không phải chỉ tấn công Hiệp Chủng Quốc – mà là tấn công nhân loại. Ngài nhìn nhận việc chúng ta sẽ ra tay để hoàn tất những việc bó buộc chúng tôi phải tự vệ, thế nhưng Ngài xin chúng tôi hãy gắn bó với thể chế công lý làm chúng tôi nổi tiếng, và tôi đã bảo đảm với Đức Giáo Hoàng rằng chúng tôi sẽ và tôi sẽ thông đạt điều này cho tổng thống của chúng tôi, điều tôi đã thực sự làm – và chúng tôi đã thực hiện như vậy.


Tổng thống của chúng tôi đã thực hiện vấn đề này một cách đặc biệt. Ông đã không nói với nhân dân Hoa Kỳ bằng những lời thù ghét và căm hận. Đó là một bài diễn từ kêu gọi họ trước hết là hãy cầu nguyện, sau đó đưa họ đến ngày cầu nguyện ở Vương Cung Thánh Đường ở Washington. Ngoài ra, ông còn nói rằng anh chị em đừng động một tí là uất hận và thù ghét; anh chị em chỉ có thể phát triển như là một xã hội và như là một dân tộc trên thế giới nhờ hiểu biết, hy vọng và nguyện cầu mà thôi.


Thế rồi ông đã đến ngôi đền thờ Hồi Giáo và thăm ngôi đền này, và vấn đề ở đây là ông đã đi trước và đã mở lời. Đây không phải là một cuộc tấn công một xã hội, chống lại Hoa Kỳ; đây là một hành động của một iùt kẻ quá khích biệt lập dường như có bệnh thù ghét Tây phương cũng như thù ghét Hiệp Chủng Quốc. Chúng tôi không thể phản ứng chống lại một tôn giáo nào đó, một xã hội nào đó.


Vấn     Sau biến cố khủng bố tấn công Ngày 11 Tháng 9, các người Hoa Kỳ đã tự hỏi rằng “tại sao lại chúng ta?” Họ đã tìm thấy được thật sự những câu giải đáp nào cho những vấn nạn ấy hay chăng?


Đáp     Dĩ nhiên là từ biến cố ấy đã có rất nhiều điều cần phải trầm tư mặc tưởng, nó vẫn có đó và vẫn còn đang diễn tiến. Thế nhưng người Hoa Kỳ đã thấy rằng họ vẫn có một thứ cảm quan sâu xa về lòng ái quốc cũng như về lòng yêu mến nhau cùng với sự quí chuộng quyền tự do là những gì quí vị cảm thấy cần phải có trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong đời sống của quí vị, cho đến khi có một cái gì đó đe dọa nó xẩy ra như biến cố khủng bố tấn công Ngày 11 Tháng 9. Nhưng biến cố này đã làm bùng lên một cuộc gắn bó với nhau ở xứ sở của chúng tôi… cũng như nó đã làm cho chúng tôi thêm ý thức rằng đây không phải là cuộc tấn công Hoa Kỳ mà là toàn thế giới, thế giới tự do, thành phần yêu mến văn minh, nguyên tắc luật pháp đã bị nó đe dọa và chỉ cần một số nhỏ con người ta cũng đủ để làm lũng đoạn cái tự do này, cái cuộc sống văn minh mà con người đang hoan hưởng và đã từng có được.


Vấn     Tuần vừa qua ĐGH Gioan Phaolô II đã gặp vị tân lãnh sự Hiệp Vương Quốc là Kathryn Colvin. Ngài đã nói với bà rằng con người thất vọng đâm liều có thể sử dụng việc khủng bố khi họ thấy có những bất công và đàn áp. Ngài đã nhấn mạnh là không gì có thể biện minh cho việc khủng bố hay bạo lực, thế nhưng “việc làm cho khủng bố bùng lên dễ xẩy ra hơn ở nơi những miền mà nhân quyền của con người bị chà đạp”. Chúng ta dường như thấy rằng rất nhiều tiền của được tiêu xài vào vấn đề chiến tranh chống khủng bố mà lại thấy rất ít tiền của được đầu tư vào việc nhổ tận gốc cái cảnh bí quá hóa liều của nhiều người được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói đến ở đây. Phải chăng Hoa Kỳ đang dẫn đầu một cuộc đổi thay trong việc kiến tạo công lý của xã hội trên thế giới hay chăng?


Đáp     Hoa Kỳ đang làm điều này. Tỉ dụ trường hợp của A Phú Hãn đòi phải có một nỗ lực của quãng 90 đảng phái chính trị, cùng với 20 quốc gia khác nhau tham gia quân lực. Thế nhưng một mình Hoa Kỳ chúng tôi đã bỏ ra 400 triệu cho việc tái thiết tình trạng các phần của toàn khối của xứ sở này, được bắt đầu rất sớm từ những trường học ở A Phú Hãn… Hoa Kỳ bảo đảm có một kỷ lục rất đáng khen trong nỗ lực mang lại tự do, dân chủ và hy vọng cùng với thời cơ cho dan chúng trên thế giới.


Hành động vào Ngày 11 Tháng 9 đã được thực hiện bởi những người được giáo dục rất khá, thành phần thuộc loại trung lưu. Đó là một vấn đề khác liên quan đến hành động này cần phải suy nghĩ hơn nữa, vấn đề may thay chỉ có ở nơi một số tương đối ít người mà thôi. Thế nhưng, mối hận thù dị thường họ đã tỏ ra với Tây phương, với Hoa Kỳ và với Do Thái… chính là cái chúng ta cũng cần phải ra tay hành động nữa, để nhổ tận gốc, để cố gắng thay đổi lòng trí của họ, đồng thời cũng để bảo vệ chúng ta khỏi bàn tay họ.

Vấn     Giờ đây chính Osama bin Laden đã liên kết cuộc khủng bố tấn công Ngày 11 Tháng 9 với tình trạng xung khắc giữa Do Thái và Palestine, và những gì ông ta cũng như nhiều người Ả Rập thấy là Hoa Kỳ đã tỏ ra thiên lệch về qui chế trong vụ xung khắc này. Vậy Hoa Thịnh Đốn có thể nào đẩy mạnh áp lực hơn nữa trên cả hai phe đến tiến đến hòa bình hay chăng?


Đáp     Chắc chắn Hoa Thịnh Đốn đang năng nổ hoạt động trong việc cố gắng giải quyết tình trạng khó khăn này ở Trung Đông. Tổng Thống Bush đã nói một cách tỏ tường là chúng ta cần phải thiết lập một quốc gia Palestine. Thậm chí tổng thống còn xin chúng tôi làm sao để có thể thực hiện những cuộc bầu cử ở các phần đất Palestine trước cuối năm nay.


Chúng tôi đã từng bỏ ra một số tiền rất lớn trong việc cố gắng tái thiết xã hội mới có thể sẽ là một tân quốc gia Palestine này từ Dự Án Marshall. Chúng tôi đã từng được các đồng minh và thân hữu quyết tâm góp phần vào nỗ lực này để dân chúng ở đó là một dân tộc có quốc gia, có căn tính riêng biệt, có hy vọng, có sự sống như là những phần tử của một xứ sở bừng nở, có thể nói như thế.


Đó là mục tiêu của chúng tôi, được nhiều đồng mình của chúng tôi, nhiều cộng đồng trên thế giới chia sẻ. Thế nhưng, quí vị biết đó không dễ gì lọt vào đấy được. Vấn đề thật là giằng co rắc rối. Có nhiều thứ phong tục, lịch sử diễn tiến ở nơi đây, nhưng chắc chắn là chúng tôi đang thực hiện mục tiêu của mình.


Vấn     Hiện nay vấn đề được chú trọng là có thể xẩy ra chiến tranh đánh Iraq là quốc gia Hoa Thịnh Đốn cho rằng đang tiếp tục sản xuất các thứ vũ khí tàn phá hàng loạt, bao gồm cả loại vũ khí nguyên tử. Dân chúng Âu Châu nói chung đã được báo động bởi một thứ luận cứ – không nghĩ rằng Baghdad sẽ gây ra một sự đe dọa trực tiếp nào. Vậy mà Tổng Thống Bush lại mang trường hợp này đến Liên Hiệp Quốc vào Thứ Năm ngày mai để trình bày lý do tại sao ông muốn dùng quân sự để can thiệp vào Iraq. Nếu ông không được Liên Hiệp Quốc ủng hộ như ông muốn thì những gì sẽ xẩy ra? Liệu Hoa Kỳ có dám một mình ra tay hay chăng?


Đáp     Tôi không nghĩ về những gì có thể xẩy ra theo nghĩa giả thuyết. Vấn đề rõ ràng là tổng thống Bush đang tìm kiếm sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, bằng việc chia sẻ tín liệu chúng tôi biết được về nước Iraq, cũng như biết được qua các nguồn tình báo của chúng tôi.


Thế nhưng, những gì đang xẩy ra là hiện nay có rất nhiều cuộc trao đổi và bàn luận về vần đề này, mà, hôm nay, nếu chú ý, quí vị thấy có một bản tường trình của báo chí thế giới, phát xuất từ một tổ chức được gọi là Học Viện Quốc Tế Về Những Nghiên Cứu Sách Lược, một bản tường trình xác nhận phần lớn về những gì Tổng Thống Bush đã từng nói liên quan đến khả năng Iraq có được để thực hiện một cuộc tàn phá rộng lớn, chẳng những ở Hiệp Chủng Quốc mà còn ở nhiều xứ sở khác nữa, cũng như liênq uan đến việc họ có thể chiếm được một lực lượng nguyên tử kèm theo lực lượng về các loại khí giới sinh chất và hóa học họ vốn có.


Đó là một sự kiện mới rất đáng lo ngại vừa xuất hiện trên diễn trường, từ một khối tư tưởng của phe thứ ba rất có thế giá. Bởi vậy những gì quí vị đang thấy là một cuộc leo thang trong vụ rất nguy hiểm này, cần phải làm sao đó để đối phó với nó.


Tổng thống Bush sẽ nói một bài chính thức tại Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước vào Ngày Thứ Năm. Ông sẽ vạch ra vụ này. Ông sẽ xin dân chúng hợp với chúng tôi trong trường hợp không ai muốn ra tay, thế nhưng quí vị không thể nhắm mắt làm ngơ khi quí vị thấy một điều gì đó hết sức nguy hiểm ở trong tay của một con người mà chúng tôi biết chắc là sẽ sử dụng những loại vũ khí này. Hắn đã làm điều ấy rồi – hắn đã sử dụng chúng vào trường hợp dân của hắn. Hắn đã giết 5000 người dân của hắn trong một ngày bằng chất hơi độc.


Vấn     Nhiều người Hoa Kỳ nói rằng họ cảm thấy mỏi mệt trong vai trò làm cảnh sát viên thế giới. Lý do nào đã khiến cho Hiệp Chủng Quốc cần phải tỏ ra mình là một người bảo vệ hòa bình và nền dân chủ ở một tầm mức quốc tế như vậy?


Đáp     Chắc chắn là Hiệp Chủng Quốc muốn đón nhận sự giúp đỡ về vai trò lãnh đạo nơi nhiều quốc gia khác mà chúng tôi có thể nhận được.


Quí vị biết đó, tôi là một vị lãnh sự ở Tòa Thánh Vatican, sống ở Ý, và tôi đã trực tiếp thấy được báo chí cùng với các phản ứng của cấp lãnh đạo Ý, làm tôi có thể vui mừng nói được rằng họ rất ủng hộ và cởi mở về vấn đề này.


Nhân dân Hiệp Chủng Quốc là một nhân dân an bình. Họ không thích chiến ranh. Và nhân dân ít thích chiến tranh nhất rồi cũng lại là nhân dân phải đối đầu với nó, và tôi đã thực hiện điều này với tư cách là một sĩ quan Quân Đội tám năm trời, bởi thế chắc chắn đây không phải là những gì Hiệp Chủng Quốc chúng tôi lấy làm thích thú. Thế nhưng, như quí vị biết, Phúc Âm có nói: “kẻ nào được ban cho nhiều thì cũng bị đòi lại nhiều”.


Chúng tôi là một quốc gia giầu thịnh, chúng tôi có một lực lượng quân đội hùng mạnh, chúng tôi là một đối thủ tranh đấu cho tự do trên thế giới, và đó là những gì khiến cho chúng tôi cảm thấy có một trách nhiệm nào đó, mà chúng tôi biết được tình trạng này, thì chúng tôi không thể nào lại có thể vùi đầu xuống cát.


Vấn     Bản thân của ngài là một người Công Giáo rất nhiệt tâm. Việc khủng bố nhân danh tôn giáo đã được sử dụng để gieo rắc sợ hãi, chia rẽ và hận thù. Thành phần Kitô hữu chúng ta có thể làm những gì để thực hiện mối cảm thông và bao dung hơn nơi dân chúng trên thế giới này?


Đáp     Dù sao tôi bao giờ cũng là một người tín hữu rất tin tưởng nơi mãnh lực khủng khiếp của việc nguyện cầu chúng ta có thể thực hiện – không riêng gì Kitô hữu chúng ta, mà tất cả dân Thiên Chúa có thể cầu nguyện cho hòa bình thế giới, cầu nguyện cho việc hòa giải, cầu nguyện để chúng ta không còn những cuộc thương lượng về những thứ khí giới hủy diệt hàng loạt này nữa. Chúng ta biết rằng các xứ sở hùng mạnh như Khối Hiệp Nhất Nga với tất cả những thứ khí giới nguyên tử ấy hiện nay cũng đã trở thành một diễn viên góp phần xây dụng hòa bình thế giới, thật là phi thường. Bởi thế, lời cầu nguyện vẫn có thể tiếp tục làm việc.


Vấn     Ngài cho rằng đó là do lời cầu nguyện mà ra hay sao?


Đáp     Tôi không biết nữa. Tôi nghĩ rằng đó là thành quả của nhiều sự. Thế nhưng, tôi nhớ là, khi còn là một đứa con trai, người ta vẫn kết thúc việc lần chuỗi Mân Côi bằng câu: “Cầu cho hòa hình ở Nước Nga”. Thế nhưng, tôi nghĩ rằng đó cũng là việc làm của tổng thống Ronald Reagan nữa, trong việc bảo đảm võ bị cho Hiệp Chủng Quốc và Tây Âu; Đức Thánh Cha đây, theo tôi, cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc Ngài rất ủng hộ Hiệp Chủng Quốc cũng như ủng hộ chúng tôi trong việc tái võ bị Âu Châu, như thể là việc nhìn thẳng vào những người Nga mà nói rằng: “Quí vị sẽ không thống trị nổi chúng tôi đâu, quí vị sẽ không làm cho chúng tôi phải khiếp sợ đâu”.


Chúng ta vui hưởng quyền tự do của chúng ta cũng như nền dân chủ của mình, và chúng ta sẽ vì những điều này mà chiến đấu. Và tôi nghĩ rằng chúng ta cũng phải làm tương tự như thế đối với hạng người như Saddam Hussein.


Tấn Công Khủng Bố Phải Tôn Trọng Luật Lệ


Đức Ông Ettore Balestrero, vị lãnh đạo phái đoán đại biểu của Tòa Thánh Vatican, trong cuộc họp hai tuần thường niên của Cơ Quan Phụ Trách An Ninh Và Hợp Tác Ở Âu Châu (OSCE), được bắt đầu từ hôm Thứ Hai 12/9 vừa rồi tại Warsaw Balan về nhân quyền, trước 500 tham dự viên thuộc 55 quốc gia hội viên, đã nhắn nhở cộng đồng thế giới rằng không thế tấn công khủng bố bằng việc vi phạm các luật lệ và nền tảng của thể chế dân chủ.


“Không thể nào nói cho có kết quả về cái tai ương khủng bố mà lại không nói đến cái qui tắc tác hành của luật pháp. Cần phải tránh cái nguy hiểm đang lung lay tận nền tảng thể chế dân chủ và qui tắc luật pháp, cho dù với lý do tự vệ”.


Đức ông này cũng nêu lên “Thập Giới Hòa Bình” được các vị lãnh đạo tôn giáo công bố ở Assissi, Ý, ngày 24 Tháng Giêng/2002, một văn kiện phủ nhận và lên án “hết mọi việc sử dụng bạo lực và chiến tranh nhân danh Thiên Chúa hay tôn giáo”. Đức ông nhấn mạnh rằng không một “luật dân sự về các cộng đồng tôn giáo có thể được sử dụng trong việc giới hạn những hoạt động diễn đạt quyền tự do tôn giáo của những cộng đồng này cũng như của các phần tử của các cộng đồng ấy. Vì thế, các quốc gia hội viên của OSCE phải loại trừ bất cứ một áp lực nào gây ra… bởi bất cứ niềm tin tôn giáo nào, cho dù , có thể gây tổn hại đến việc diển đạt quyền tự do tôn giáo của các cộng đồng tôn giáo khác. Những áp lực này thật sự cho thấy việc thiếu dung nhượng và có thể làm cản trở việc kiến tạo nền hòa bình chân chính”.