C H A M Ẹ H I Ề N L À N H
ĐỂ ĐỨC CHO CON
Trần Mỹ Duyệt
“Trồng ớt thì ăn ớt. Trồng cam thì ăn cam”. Một câu nói tuy đơn sơ nhưng mang nhiều ý nghĩa trong tương quan cuộc sống của mỗi người xét về mặt tâm lý giáo dục. Đối với tâm lý đạo đức, câu nói ấy cũng diễn đạt ý nghĩa theo quan niệm đạo đức xã hội người Việt Nam: “Cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Tôi nhớ mãi câu nói này vì tôi đã được nghe nó trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Hơn thế, chính người nói đã chứng minh cho tôi ý nghĩa câu nói ấy bằng với cả cuộc sống thực tế của mình.
Thời gian còn làm tại bệnh viện Pacifica ở Hungtington Beach, California, tôi có một bệnh nhân rất quí tôi. Bà ở tuổi bát tuần, cái tuổi gần đất xa trời. Bà không có thân nhân. Bà phải lệ thuộc hoàn toàn vào sự giúp đỡ của chính phủ, của nhà thương. Một hôm, khi tôi ghé thăm bà vào giờ ăn trưa, trong câu truyện trao đổi, tự nhiên bà như nghẹn ngào và nói với tôi: “Trồng ớt thì ăn ớt. Trồng cam thì ăn cam. Hoàn cảnh tôi hôm nay cũng là cám ơn Trời, Phật lắm. Tôi không hận đời, tôi không trách đời, nhưng tôi chỉ trách tôi. Phải chi lúc còn xuân sắc tôi biết suy nghĩ hơn một chút nữa, thì bây giờ hoàn cảnh có thể khác hơn. Dầu sao tôi cũng bằng lòng về số phận hiện nay”. Rồi để chứng minh cho tôi điều bà muốn nói, hôm sau, bà đã tìm gặp tôi và đưa cho tôi xem cuốn album mà bà gói kỹ trong một bọc nylong. Bà đã cẩn thận chỉ cho tôi xem từng tấm hình, và giải thích ý nghĩa và hoàn cảnh mỗi tấm hình ấy: “Đây là hình lúc còn con gái có nhiều chàng theo tán tỉnh. Đây là hình lúc tuổi ba mươi, xuân sắc và làm nghề may hái ra tiền. Đây là hình lúc chủ hôn cho đứa con nuôi. Và đây là hình bác sĩ chụp tôi vào dịp chương trình tổ chức tiệc Xuân”. Cứ thế, bà miên man nói về quá khứ, về những chuyện tình đã qua, và lý do nào mà bà không lấy chồng, không có con. Để kết luận bà nói: “Tôi đã bỏ qua thời con gái, và đã bỏ qua nhiều cơ hội tốt để có một cuộc sống hôn nhân, gia đình hạnh phúc. Tôi đã ý thức được những mất mát ấy, nhưng khi nhận ra mình như thế thì đã quá muộn. Bây giờ tôi chỉ còn biết chấp nhận với thực tế của mình, cảm ơn Trời, Phật và không dám kêu ca. Trồng ớt thì ăn ớt. Trồng cam thì ăn cam”. Khi hay tin bà qua đời sau đó ít tháng, tôi đã đến nhà quàn nhìn bà lần chót, và đã bùi ngùi nhớ lại lời bà lúc sinh tiền.
Thực tế, không biết đã có bao nhiêu người trồng ớt nhưng lại muốn có cam ăn. Hoặc ngược lại, đã có bao nhiêu người trồng cam mà phải ăn ớt. Nhưng chắc một điều là cây cam chỉ có thể cho những trái cam hoặc ngọt hoặc chua chứ không thể cho những trái ớt. Và cây ớt thì cũng chỉ cho những trái ớt hoặc cay, thơm theo mùi vị của ớt chứ không thể cho được một trái cam, dù là trái cam chua. Triết lý sống ấy theo bà cụ mà tôi vừa kể trên đã được chứng minh một cách rõ rệt không những trong cuộc đời bà, mà còn trong rất nhiều trường hợp khác nhau của nhiều người. Có thể bà đã trồng cây cam, nhưng vì không chăm bón kỹ, nên cuối cuộc đời, bà tuy có cam ăn, nhưng chỉ là loại cam chua. Dầu sao thì cũng đỡ hơn ăn ớt.
Nêu lên câu truyện trên để bàn về những vấn đề thuộc thế thái nhân tình, tôi lại nghĩ tới hằng ngày mình đang phải chứng kiến rất nhiều cảnh cam, ớt lẫn lộn, và trong mỗi cảnh ngộ ấy kết quả của nó thật thương tâm. Đây, một người mà có lẽ suốt đời anh, anh không bao giờ biết đến ai ngoại trừ chính anh. Trong cuộc sống của anh không có hai chữ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm đối với con cái. Ngay trong thời gian vợ anh còn sống và bây giời sau khi vợ anh qua đời, anh vẫn công khai những chuyện tình cảm lăng nhăng của anh và bỏ mặc ba đứa con ở tuổi vị thành niên. Và đây nữa, một người mẹ mà theo tôi cũng được xếp vào số những phụ huynh vô trách nhiệm. Sau khi ly dị chồng, bà đã dan díu với nhiều đàn ông khác, mỗi một cuộc tình đều để lại cho bà một đứa con. Kết quả là bà không cần đi làm vì mỗi đứa con đều có tiền phụ cấp của bố chúng. Phần bà, ngày đêm vùi đầu vào các sòng bài. Hơn thế nữa, bà còn đích thân dẫn đứa con gái lớn đi vào những chốn ăn chơi, bài bạc. Không biết đây là cam hay là ớt, nhưng chỉ biết rằng, người con gái lớn ấy cũng hệt như mẹ. Nó tuy không biết đến học hành, nhưng lại rất sành sỏi về bài bạc, và nghiện hút.
Người Mỹ có câu ngạn ngữ rất hay: “Trái táo không thể rụng xa gốc táo”. Câu nói này cũng cùng một ý nghĩa với câu nói của người Việt Nam: “Rau nào, sâu nấy”. Nó đem lại cho ta một suy tư về trách nhiệm, về bổn phận, và tư cách làm chồng, làm vợ, làm cha, và làm mẹ. Nó cũng gợi lên ý nghĩa trách nhiệm và bổn phận giáo dục con cái của bậc phụ huynh. Trong các cuộc nói truyện và thuyết trình đây đó, tôi đã đưa ra một nhận định mà có lẽ nhiều phụ huynh không hài lòng, đó là “hầu hết các vụ lộn xộn trong gia đình, và những lần con cái bỏ nhà đi hoang, hư hỏng thì cha mẹ có trách nhiệm một phần lớn nếu không muốn nói là hoàn toàn có trách nhiệm”.
Tư tưởng trên tuy được căn cứ vào những kết quả khảo cứu của tâm lý giáo dục và xã hội, nhưng nhiều lần đã gặp những chống đối của thính giả. Đa số những người chống đối đều viện dẫn rằng tại luật pháp Hoa Kỳ không cho cha mẹ dậy dỗ con cái nên con họ đã hư. Những phụ huynh này muốn ám chỉ rằng tại Hoa Kỳ họ không được đánh con họ tùy ý như ở Việt Nam, mà họ cho rằng đó là một phương pháp giáo dục hữu hiệu. Đối với họ, đánh đập, chửi bới là giáo dục. Phương pháp “cả vú lấp miệng em” này vừa nhàn, vừa dễ áp dụng, và một hình thức nào đó tạo cho họ cái quyền uy trên con cái. Đối với những người này, cha mẹ không cần phải có bổn phận làm gương sáng. Đã là cha mẹ thì muốn làm gì thì làm. Muốn nói gì thì nói. Muốn chửi thề, văng tục, hoặc ăn nhậu, bồ bịch, mèo chuột, cờ bạc sao cũng được. Những chuyện lễ phép, chịu khó, vâng lời, là bổn phận của những người con, của những đứa trẻ. Chính vì thế mà tại nhiều gia đình từ cha mẹ đến con cái ai cũng biết chửi thề và văng tục. Bố mẹ rượu chè, thuốc xái, con cái cũng rượu chè, thuốc xái. Bố mẹ cờ bạc, con cái cũng cờ bạc. Và bố mẹ lăng nhăng tình cảm, nên con cái cũng lăng nhăng tình cảm.
Cũng có phụ huynh cho rằng họ đi chùa, đi nhà thờ. Họ đọc kinh, xem lễ, tụng niệm, cúng dường, và chay tịnh nhưng tại sao con cái vẫn hư, vẫn băng đảng, vẫn biếng nhác và bê bối. Điều này không khó hiểu, và cũng không khó trả lời, vì cây cam dù ngọt ngào mấy chắc chắn cũng cho một ít trái chua. Điều này tùy vào việc chăm bón, và vun tưới của chủ vườn và vào yếu tố thời tiết nắng, mưa. Tuy nhiên, việc trồng tiả và chăm bón một cây cam, khác với việc huấn luyện một con người. Người chủ cây cam muốn hay không muốn cũng không thể ảnh hưởng được tới thời tiết, tới việc côn trùng cắn nụ, cắn hoa cây cam và do đó, ảnh hưởng đến mùa cam cũng như sự ngọt hay chua của những trái cam. Nhưng cha mẹ thì vẫn có thể ảnh hưởng và thay đổi được con cái. Và nếu con cái hư hỏng, thì đó là vì cha mẹ đã không chịu khó theo dõi, huấn luyện và gieo ảnh hưởng tốt nơi con cái. Hoặc vì họ chỉ phó thác mặc cho Trời, cho Phật, hay cho thầy cô, và cho xã hội. Cũng có thể vì họ đã quá nuông chiều con cái.
Trường hợp của bà cụ mà tôi vừa đề cập tới ở trên, rõ ràng là chính bà đã nhận cái khuyết điểm về phần mình. Bà đã phàn nàn vì không ra công tưới bón cây cam cuộc đời bà. Kết qủa là bà đã chỉ nhận được những trái cam chua, nhưng dầu sao chưa đến nỗi phải ăn ớt. Nhưng còn trường hợp của người cha và người mẹ trên thì sao? Họ đã chẳng trồng cây ớt cuộc đời mình là gì? Vậy nếu sau này họ phải ăn ớt mà muốn tìm trái cam nơi cây ớt của mình, thì đó là một việc làm ngớ ngẩn, và vô lý. Dĩ nhiên, dù lúc ấy họ có muốn một trái cam chua cũng không có, vì họ đã chỉ trồng ớt.
Đề cập đến những liên quan mật thiết giữa bổn phận và trách nhiệm làm cha mẹ, và mối tương quan giáo dục, cũng chính là đề cập đến một vấn nạn lớn lao mà hầu hết các gia đình ngày nay thường vấp phải. Nhưng nếu ảnh hưởng giáo dục có thể bắt nguồn từ trong môi trường gia đình, thì việc làm cần thiết mà cha mẹ phải làm là chăm lo giáo dục con cái. Và cách giáo dục tốt nhất vẫn là gương sáng của chính cha mẹ. Hơn thế nữa, giáo dục phải được bắt đầu từ khi con cái còn thơ trẻ, đợi khi con cái đã bước vào tuổi dậy thì tức lứa tuổi 12 hoặc 13, thì lúc đó e đã quá trễ: “Trồng ớt thì ăn ớt. Trồng cam thì ăn cam”.