Công Đồng Chung Vaticanô II
đã gây lộn xộn Phụng Vụ của Giáo Hội?
(cảm nhận từ Bức Tông Thư của ÐTC GPII về Hiến Chế Phụng Vụ Thánh của CÐVII nhân dịp 40 năm ban hành Văn Kiện này, 4/12/1963-2003)
Vào ngày Thứ Bảy Đầu Tháng 10/2002, tại Pomona, TGP/LA, trong 1 buổi học hỏi của các em Thiếu Nhi Fatima sau giờ Đền Tạ và Thánh Lễ Đầu Tháng, có một em huynh trưởng nam hỏi tôi một câu về phụng vụ căn cứ vào một tài liệu em đã đọc, tờ tài liệu sau đó em đưa cho tôi coi được in ấn đàng hoàng đầy hai mặt với nhan đề “Những Cái Xấu Xa của Thứ Phụng Vụ Mới” (The Evils of The New Liturgy), do Our Lady of the Rosary Library ở 4016 Preston Hwy - Louisville, KY 40213 phổ biến. Những vấn nạn về phụng vụ được em huynh trưởng này đặt ra hỏi tôi được căn cứ vào tài liệu em đọc và em cảm thấy có lý khi cho rằng phụng vụ cũ đúng hơn và tốt hơn phụng vụ mới, vì thực tế cho thấy phụng vụ mới chẳng những gây ra nhiều thứ lộn xộn về phụng vụ mà còn làm cho đời sống thiêng liêng của con người bị sa sút, xa Chúa hơn là gần Ngài v.v. Tôi đã cho em biết 3 điều căn bản tối thiểu sau đây:
Điều thứ nhất, đó là phụng vụ mới như chúng ta đang áp dụng hiện nay là do Công Đồng Vaticanô II (11/10/1962-8/12/1965) canh tân, hay nói cách khác, là do Chúa Thánh Thần linh ứng để các vị Nghị Phụ Công Đồng cùng với Đức Thánh Cha quyết định đi đến chỗ canh tân phụng vụ theo nhu cầu thời đại;
Điều thứ hai, một khi đã được Thánh Thần linh ứng thì tất cả những gì phụng vụ được Công Đồng canh tân đều hợp ý Chúa và có lợi cho các linh hồn trong thời đại mới, chẳng hạn như đi sâu vào Thánh Kinh nhiều hơn qua các bài đọc trong Thánh Lễ, hay như việc cử hành bằng tiếng địa phương để giáo dân có thể tham dự một cách ý thức và chủ động hơn, hoặc như việc làm lễ quay xuống theo chiều hướng nhập thể và nhập thế của Chúa Giêsu Kitô hay theo tư thế Chúa Giêsu đối diện với các tông đồ để cử hành việc Người lập Bí Tích Thánh Thể v.v.
Điều thứ ba, sở dĩ có những lộn xộn về phụng vụ, đến nỗi đã làm mất đi tính cách tôn nghiêm, uy nghi và sốt sắng của phụng vụ, là do việc con người lạm dụng phụng vụ hay không thi hành phụng vụ đúng chiều hướng hay tinh thần canh tân phụng vụ của Công Đồng Chung Vaticanô II mà thôi, chứ không phải bởi những gì Công Đồng đã canh tân phụng vụ. Tôi đã dẫn một chứng cớ rất cụ thể là ĐHY Mahony, TGP/LA, vào Tháng Tư năm 1999, đã gửi cho mỗi vị linh mục thuộc thẩm quyền của mình 1 bức thư, trong đó, một trong những điều ngài đề cập tới là vấn đề không được cầm tay nhau khi đọc Kinh Lạy Cha trong Thánh Lễ nữa. Thế mà có một số giáo xứ vẫn không chịu tuân theo. Trong khi đó, chính giáo xứ không được quí vị có thẩm quyền nhắc bảo cần phải tuân giữ theo ý Đấng bản Quyền địa phương này, khi ĐHY đến làm Phép Thêm Sức, lại không có một vị linh mục nào trên bàn thờ dám nắm tay nhau khi đọc Kinh Lạy Cha cả! Như thế thì vấn đề lộn xộn trong phụng vụ bởi đâu mà ra?
Tờ Truyền Đơn đả phá Thánh Lễ MớiSau buổi học hỏi Thứ Bảy Đầu Tháng này, tôi đã bỏ giờ ra đọc tờ tài liệu nhận được từ em huynh trưởng nêu lên vấn nạn về phụng vụ mới thì thấy rằng em đã bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng tuyên truyền sai lầm sâu hiểm và cực thủ này. Ngay câu đầu tiên của tờ truyền đơn đả phá phụng vụ mới đã tóm gọn tất cả nội dung của nó: “Bài viết này có ý cho những người Công Giáo tân thời biết về những cái xấu xa cùng với những hậu quả tàn hại của ‘Thứ Thánh Lễ Mới’, bằng việc nhìn đến lịch sử và bản chất của Phụng Vụ Mới, nhìn đến lời tiên tri nói về thứ phụng vụ mới này của một bí nhiệm gia ở Pháp, cũng như nhìn đến những gặt hái của thứ phụng vụ mới này”.
Về lịch sử, ngoài vấn đề nêu lên một số thay đổi như làm lễ quay xuống, rước lễ bằng tay, thừa tác viên Thánh Thể, nữ nhi giúp lễ, bài đọc bằng thổ âm v.v., bài viết này trích lại lời của Thánh Giáo Hoàng Piô IX trong lời công bố văn kiện Quo Primum năm 1570 về Thánh Lễ Latinh Truyền Thống, tức về Thánh Lễ được Giáo Hội Hoàn Vũ cử hành trước Công Đồng Vaticanô II, như sau: “Bất cứ lúc nào trong tương lai sau này không một vị linh mục nào, dù là triều hay dòng, có thể bị buộc phải sử dụng một cách nào khác trong việc dâng Thánh Lễ. Vậy để loại trừ những điều lương tâm bối rối cũng như những nỗi sợ hãi bị giáo hội trừng phạt và kiểm soát, chúng tôi tuyên bố ở đây là, bằng Tông quyền của mình chúng tôi truyền chỉ và qui định rằng lệnh truyền và sắc lệnh của chúng tôi đây là những gì vĩnh viễn và không bao giờ được vãn hồi hay tu chính về pháp lý sau này…”. Chúng ta nên biết rằng sở dĩ Thánh Giáo Hoàng Piô IX cần phải dùng những từ ngữ cương quyết và mạnh mẽ như thế là vì liên quan đến Phong Trào Cải Cách của anh chị em Thệ Phản Tin Lành mới bùng lên trước đó nửa thế kỷ, tấn công Giáo Hội về những lạm dụng Thánh hồi bấy giờ, chứ Ngài không hề có ý truyền một điều gì trái với nguyên tắc và vượt quá thẩm quyền của Ngài, như những gì được Đức Thánh Cha Piô XII nói đến trong Thông Điệp Mediator Dei về Phụng Vụ Thánh dưới đây.
Về hậu quả tàn hại của phụng vụ mới, bài viết này đưa ra các thứ thống kê cho thấy Giáo Hội đang bị khủng hoảng trầm trọng về ơn gọi linh mục và tu sĩ, cũng như về việc giảm sút đi tham dự Thánh Lễ, về tình trạng tín hữu không chấp nhận giáo lý của Giáo Hội về vấn đề ly dị và ngừa thai, về niềm tin vào Chúa Giêsu Thánh Thể. Vấn đề ở đây là, theo bản văn này, tình trạng khủng hoảng được họ dẫn chứng và được họ cho là hậu quả trực tiếp của vấn đề canh tân phụng vụ: “Đó là những hoa trái của một thứ Tân Phụng Vụ … được nhóm giám mục và thần học gia tân tiến của Công Đồng Vaticanô II phác họa… Cuộc khủng hoảng này nơi Giáo Hội sẽ tiếp tục tàn hại hơn cho đến khi chúng ta trở về với chính thống và kỷ cương… Thánh Lễ Mới không thể từ Thiên Chúa mà ra… Con đường an toàn duy nhất để theo đó là tham dự Thánh Lễ Truyền Thống bằng bất cứ giá nào… Liều mình mất linh hồn đời đời thật là phí phạm. Muốn biết Thánh Lễ Truyền Thống gần mình nhất ở đâu xin gọi chúng tôi ở số…” Tóm lại, theo chiều hướng và chủ trương của bản văn cực thủ tuyên truyền này thì ai xem lễ mới đều bị mất linh hồn.
Có cái lạ ở đây là tại sao bàn tay viết lên những luận điệu này không nêu thêm một lý do nữa cho độc giả suy nghĩ xem sao liên quan đến tình trạng khủng hoảng đức tin của Giáo Hội hiện nay. Lý do đó là chính vì đức tin con người đã bị yếu kém mới xẩy ra tình trạng khủng hoảng sống đạo như thế, và cũng chính vì để cứu vãn tình trạng khủng hoảng này mà Giáo Hội đã phải canh tân phụng vụ để đem con người thời đại về với cảm nghiệm thần linh qua những thích ứng về phụng vụ. Tiếc thay, vì con người không biết trở về với Chúa bằng cảm nghiệm thần linh qua phụng vụ, họ lại càng xa Ngài hơn nữa, điển hình như những gì đã xẩy ra được tờ truyền đơn chống phụng vụ mới liệt kê.
Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây về chiều hướng và tinh thần của Công Đồng Chung Vaticanô II liên quan đến Phụng Vụ để thấy được tầm quan trọng của việc Giáo Hội canh tân phụng vụ này. Tất cả những gì Công Đồng của đầu hậu bán thế kỷ 20 này chủ trương và công bố đều được chất chứa trong 16 văn kiện (4 hiến chế, 9 sắc lệnh và 3 tuyên ngôn). Xét về giá trị theo bản chất của mình thì các văn kiện về Hiến Chế là những văn kiện quan trọng nhất, nồng cốt nhất của Công Đồng, vì liên quan đến các vấn đề trọng yếu. Trong 4 Hiến Chế này có hai Hiến Chế về Giáo Hội, 1 Hiến Chế về Phụng Vụ và 1 Hiến Chế về Mạc Khải. Căn cứ vào số lượng 2 trong 4 Hiến Chế về Giáo Hội cũng đủ cho thấy Công Đồng Chung Vaticanô II là Công Đồng về Giáo Hội.
Thật vậy, theo chiều hướng của Công Đồng, Giáo Hội phải là hay phải trở thành Vui Mừng và Hy Vọng (Gaudium et Spes, tên của Hiến Chế mục vụ về Giáo Hội ban hành ngày 7/12/1965) trong Thế Giới Tân Tiến Ngày Nay. Nhưng muốn được thế, Giáo Hội cần phải nhận thức được bản chất “Ánh Sáng Muôn Dân” (Lumen Gentium, tên của Hiến Chế tín lý về Giáo Hội ban hành ngày 21/11/1964) của mình, với vai trò là bí tích cứu độ, là phương tiện hiệp nhất, là dấu hiệu hiệp thông (x. Lumen Gentium, 1). Và Giáo Hội chỉ có thể làm sáng tỏ bản chất “Ánh Sáng Muôn Dân” này của mình để có thể thực sự mang lại “Vui Mừng và Hy Vọng” cho Thế Giới Tân Tiến Ngày Nay, chỉ duy bằng Cảm Nghiệm Thần Linh mà thôi, đó là nhờ Lời Chúa (Dei Verbum, tên của Hiến Chế về Mạc Khải ban hành ngày 18/11/1965) và nơi Phụng Vụ Thánh (Sacram Liturgiam, tên của Hiến Chế về Phụng Vụ được ban hành ngày 25/1/1964). Việc Công Đồng công bố Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh đầu tiên và Hiến Chế mục vụ về Giáo Hội cuối cùng có một ý nghĩa hết sức sâu xa, đó là Giáo Hội Trong Thế Giới Tân Tiến Ngày Nay trước hết phải làm sao được tràn đầy Cảm Nghiệm Thần Linh, vì “Phụng Vụ là tột đỉnh qui về của hoạt động Giáo Hội, đồng thời cũng là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội” (Sacram Liturgiam, 10).
Ý thức được chiều hướng của Công Đồng Chung Vaticanô II về vấn đề chú trọng tới việc canh tân phụng vụ đầu tiên, chúng ta mới thấy được cái thiển cận của tờ truyền đơn. Sở dĩ tôi cho rằng bản văn đả phá Thánh Lễ Mới là tuyên truyền, là vì ngoài lời lẽ và chủ trương quá khích chất chứa trong đó, còn ở chỗ tác giả của bài viết (cá nhân hay một nhóm nào đó bí mật) chỉ trích lại những gì hợp với chủ trương ủng hộ Thánh Lễ Truyền Thống mà thôi, chứ không hề khách quan đề cập tới những tài liệu nói hay, nói tốt, nói có lợi cho Thánh Lễ mới cả, kể cả những văn kiện của chính các Đức Giáo Hoàng. Chẳng lẽ thành phần viết tờ tuyên truyền đả phá Thánh Lễ Mới này lại kém học thức đến như thế, đến nỗi không hề biết đến các văn kiện khác của Giáo Hội về Thánh Lễ Mới, đã dám dại dột và hồ đồ công khai lên tiếng phê bình chỉ trích một Giáo Hội “thánh thiện, duy nhất, công giáo và tông truyền” của mình?!?
Trong cộng đồng Công Giáo Việt Nam cũng đã có một số “trí thức” cũng bị ảnh hưởng bởi những thứ tuyên truyền này và đã cộng tác để tiếp tay tuyền truyền theo chiều hướng như thế trong cộng đồng của mình. Điển hình nhất là một vị ở San Dimas TGP/LA, chủ trương tờ Bản Tin Hoa Kỳ vào giữa thập niên 1990, và một ở San Jose chủ trương tập san Tiếng Loa Cảnh Báo. Hai vị biết 3 ngôn ngữ Anh-Pháp-La này đều gửi những văn bản “nghiên cứu” của mình mang danh xưng trên đây cho tôi. Trong cả hai loại văn bản tuyên truyền chống Giáo Hội và đả phá Thánh Lễ Mới này, vì tinh thần xây dựng cho nhau, nhất là để bảo vệ thế giá của Giáo Hội, tôi đã thẳng thắn và chân tình trực tiếp viết thư gửi cho từng vị. Với vị chủ trương tờ Bản Tin Hoa Kỳ, vị cho rằng Thánh Lễ Mới bị ảnh hưởng của Tin Lành, tôi đã trích lại nguyên văn lời của một trong những vị mục sư Tin Lành đã tham dự Công Đồng Chung Vaticanô II trong Nguyệt San 30 Days cho biết Công Đồng không hề bị Tin Lành chi phối gì cả, để rồi sau đó tôi không còn nhận được Bản Tin Hoa Kỳ như trước nữa. Với vị chủ trương tập san Tiếng Loa Cảnh Báo, vị đã viết thư mời tôi cộng tác cũng là vị cho rằng Đức Phaolô VI sai lầm, tôi đã thẳng thắn nhắc khéo ông là nếu Đức Thánh Cha Phaolô VI trọng vọng, tài đức, khôn ngoan theo bậc của Ngài như thế mà còn sai lầm thì thành phần nhỏ dại, dốt nát, hèn kém như chúng ta sẽ sai lầm đến đâu (tôi cố ý nói đến việc sai lầm phê bình ĐTC!) Tuy nhiên, sau đó tôi vẫn nhận được Tiếng Loa Cảnh Báo thêm mấy số nữa, rồi không bao giờ còn dịp để tiếp tục cho những thứ tuyên truyền chẳng những thiếu tính cách xây dựng mà còn công khai đả phá gây thiệt hại cho biết bao tâm hồn nhẹ dạ này vào chỗ xứng đáng của chúng nữa.
Đó là lý do tôi cảm thấy đã đến lúc, nhân cơ hội bức Tông Thư của ĐTC Gioan Phaolô II về Phụng Vụ Thánh của Công Đồng Chung Vaticanô II 40 năm trước, cần phải trích lại ở đây một số đoạn văn kiện rất quan trọng của Huấn Quyền, hoàn toàn ngược lại với chủ trương chống Thánh Lễ Mới của riêng bản văn trên đây cũng như của chung những người vốn nghĩ Công Đồng Chung Vaticanô II đã sai lầm trong việc canh tân phụng vụ. Trước hết là Thông Điệp Mediator Dei về Phụng Vụ Thánh của ĐTC Piô XII ban hành ngày 20/11/1947, sau đó là Tông Thư Dominicae Cenae của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 24/2/1980 về Mầu Nhiệm và Việc Tôn Thờ Thánh Thể. Xin đọc kỹ những điều được chọn lọc và trích lại ở đây để phân biệt rõ phải trái, để bảo vệ đức tin của mình cũng như của anh em đồng đạo của mình, nhất là để thấy được rằng những lời khẳng định chí lý của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ở đoạn áp cuối (15) trong Tông Thư về Hiến Chế Phụng Vụ Thánh của Công Đồng Vaticanô II dịp kỷ niệm 40 năm Công Đồng đã ban hành bản văn kiện đầu tiên này:
• “Nếu không tôn trọng qui chuẩn phụng vụ, có những lúc thậm chí người ta tiến đến chỗ thực hiện những lạm dụng trầm trọng làm lu mờ đi thực tại của mầu nhiệm và tạo nên tình trạng phiền toái cũng như căng thẳng nơi Dân Chúa. Những lạm dụng như vậy không hề có liên quan gì tới tinh thần đích thực của Công Đồng hết, và là những lạm dụng cần phải được Các Vị Mục Tử sửa chữa bằng một thái độ mạnh mẽ khôn khéo”.
(Những chỗ in đậm nơi những lời của Huấn Quyền trên đây hay dưới đây là do người dịch tự ý nhấn mạnh)
Thông Điệp Mediator Dei về Phụng Vụ Thánh của ĐTC Piô XII50. Phụng Vụ Thánh thật sự bao gồm cả yếu tố thần linh cũng như nhân loại. Yếu tố thần linh, do Thiên Chúa thiết định, con người không được thay đổi bất cứ cách nào. Thế nhưng, các yếu tố về nhân loại có thể được phép làm, tùy theo nhu cầu thời đại, theo đòi hỏi về hoàn cảnh và lợi ích của các linh hồn, cũng như theo Thẩm Quyền Giáo Hội dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần…
58. Chỉ có một mình Giáo Hoàng mới được quyền công nhận và thiết lập việc thi hành nào liên quan đến vấn đề tôn thờ Thiên Chúa, đến vấn đề phác họa hay chuẩn nhận những nghi thức mới, cũng như đến vấn đề điều chỉnh những nghi thức Ngài phán đoán thấy cần phải hoàn chỉnh. Về phần mình, các vị Giám Mục có quyền và nhiệm vụ cẩn thận coi sóc việc tuân giữ chính xác những qui định theo qui điển thánh xứng với việc tôn thờ thần linh. Bởi thế, cá nhân, cho dù là giáo sĩ, không được quyền tự quyết định về những vấn đề linh thánh kính tôn này…
60. … Việc sử dụng tiếng Latinh, quen thuộc lâu đời trong Giáo Hội, là một dấu hiệu hiệp nhất tỏ tường và tuyệt vời, cũng là một chất kháng độc hữu hiệu đối với bất cứ vấn đề hư hoại nào về sự thật thuộc tín lý. Tuy nhiên, việc sử dụng tiếng mẻ đẻliên quan đến một số lễ nghi có thể lại sinh nhiều lợi ích cho con người…
61. Một số người có khuynh hướng muốn phục hồi lại hết tất cả bất cứ một lễ nghi cũng như những nghi thức cũ nào. Phụng vụ của các thời xưa thực sự rất đáng được tôn trọng mọi bề. Tuy nhiên không được cho rằng việc sử dụng cổ thức ấy thích hợp và xứng hợp hơn, dù theo quyền lợi hay tính cách quan trọng của việc này, đối với những thời gian hay những tình trạng mới mẻ sau đó, chỉ vì việc sử dụng cổ thức giữ được hương vị và hương thơm của cổ nhân. Những lễ nghi phụng vụ cận đại cũng đáng được tôn kính và tôn trọng. Những lễ nghi này cũng được linh ứng bởi Thánh Thần, Đấng hỗ trợ Giáo Hội ở mọi thời đại cho tới tận thế. Những lễ nghi cận đại này cũng là những nguồn thiêng được Hiền Thê uy nghi của Chúa Giêsu Kitô sử dụng để cổ võ và chiếm được sự thánh thiện cho con người.
62. … Việc phục hồi mọi sự để quay về với cổ thức bằng mọi cách là những gì bất khôn và là những gì bất xứng…
63. … Thật là bất khôn và lầm lẫn đối với lòng nhiệt thành của con người về những vấn đề phụng vụ khi họ muốn trở lại với các lễ nghi và việc sử dụng cổ thức, bằng cách loại trừ những kiểu cách mới mẻ được ấn định bởi Đấng Quan Phòng Thần Linh hầu đáp ứng những đổi thay của hoàn cảnh và trường hợp.
Tông Thư Dominicae Cenae của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về Mầu Nhiệm và Việc Tôn Thờ Thánh Thể.
11. Trong những năm gần đây, chúng ta còn thấy một hiện tượng khác. Đôi khi, đúng hơn, rất thường xẩy ra, mọi người tham dự cử hành thánh thể đều lên Hiệp Lễ; vào một số trường hợp như vậy, theo kinh nghiệm của các vị chủ chăn xác nhận, việc đến với bí tích Thống Hối để thanh tẩy lương tâm của mình không được chú trọng. Dĩ nhiên điều này có nghĩa là những người tiến đến bàn Tiệc của Chúa thấy lương tâm của mình không có gì cả, theo luật khách quan của Thiên Chúa, để giữ họ khỏi hành động cao trọng và vui mừng trong việc được kết hợp với Chúa Kitô. Thế nhưng, có những lúc, ở đằng sau hành động này ít nhất còn nấp một tư tưởng nữa, đó là tư tưởng cho Thánh Lễ chỉ là một bữa tiệc (x.Instituto Generalis Missalis Romano, 7-8) mà người ta tham dự bằng việc nhận lãnh mình Chúa Kitô để biểu lộ trước hết mối hiệp thông huynh đệ. Cộng với những lý do này cũng có thể kể đến thể diện trần thế nào đó và đến việc chỉ biết 'hùa theo'...
Theo lời khuyến dụ (trong lễ nghi chịu chức linh mục), thái độ của linh mục trong việc tiếp xúc với bánh và rượu đã trở nên mình máu Đấng Cứu Chuộc phải xứng đáng. Bởi vậy, tất cả chúng ta là những thừa tác viên Thánh Thể cần phải cẩn thận xét lại những tác động của mình nơi bàn thờ, nhất là cách thức chúng ta tiếp xúc với của ăn và thức uống là mình và máu của Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở trong tay của chúng ta: đó là cách thức chúng ta trao Mình Thánh; cách thức chúng ta tráng chén sau khi cho rước lễ.
Tất cả những động tác này có một ý nghĩa riêng của chúng. Dĩ nhiên phải tránh việc quá kỹ càng tỉ mỉ, nhưng Thiên Chúa muốn chúng ta tránh tác hành một cách thiếu kính trọng, tránh vội vàng quá đáng, tránh hấp tấp gây nên gương mù gương xấu...
Ở một số xứ sở, việc Rước Lễ bằng tay được ban phép. Việc này do các hội đồng giám mục riêng xin và được Toà Thánh chấp thuận. Tuy nhiên, có những trường hợp cho thấy thiếu trọng kính đáng tiếc đối với các hình thánh thể, những trường hợp đáng trách chẳng những về phía các cá nhân có hành động lầm lỗi như vậy, mà còn về phía cả các vị chủ chăn của giáo hội nữa, những vị không đủ tỉnh táo trước thái độ của tín hữu đối với Thánh Thể. Có trường hợp còn xẩy ra là, ở những nơi được phép cho Rước Lễ bằng tay lại không tôn trọng tự do của những người thích chịu Thánh Thể bằng lưỡi...
12. Nhân danh bản thân mình cũng như nhân danh tất cả quí huynh, những người anh em đáng kính và yêu dấu trong hàng giám mục, Tôi muốn xin được thứ tha về mọi sự mà, bất cứ vì lý do gì, bởi bất cứ yếu đuối nhân loại nào, hấp tấp hay bất cẩn, cũng như bởi cả những lần áp dụng lệch lạc, một chiều và lầm lẫn những chỉ thị của Công Đồng Chung Vaticanô II, có thể đã gây ra gương mù và lộn xộn liên quan đến việc cắt nghĩa giáo điều và tôn kính xứng hợp với bí tích cao trọng này. Và Tôi cầu xin Chúa Giêsu để chúng ta, trong tương lai, tránh được, theo cách thức chúng ta đối với mầu nhiệm linh thánh này, những gì có thể làm yếu kém và sai lệch, bất cứ cách nào, ý nghĩa về việc tôn kính và yêu mến vẫn có nơi các người tín hữu.
13. Trên hết, Tôi muốn nhấn mạnh là những vấn đề của phụng vụ, nhất là của Phụng Vụ Thánh Thể, không được trở thành một dịp gây chia rẽ các người Công Giáo và đe dọa đến việc hiệp nhất của Giáo Hội... Làm sao có thể được, Thánh Thể, một bí tích trong Giáo Hội là sacramentum pietatis, signum unitatis, vinculum catitatis (Thánh Augustinô), trong lúc này, lại tạo nên giữa chúng ta một mấu chốt chia rẽ và là một nguồn mạch lệch lạc về tư tưởng cũng như hành vi, thay vì là một điểm tựa và một nhân trung, đúng như yếu tính của mình, cho mối hiệp nhất của chính Giáo Hội?
"...Nhân danh sự thật này và tình yêu này, nhân danh Chúa Kitô tử giá và Mẹ Người, Tôi xin anh em, và Tôi van anh em: Chúng ta hãy loại trừ tất cả mọi chống đối và chia rẽ, và chúng ta tất cả hãy hiệp nhất trong sứ vụ cứu độ cao cả này, là giá cả cũng là hoa trái ơn cứu chuộc của chúng ta".
Riêng tôi, được sống 20 năm ở vào thời Giáo Hội còn tham dự Thánh Lễ Cũ trước khi Thánh Lễ Mới được chính thức áp dụng (từ năm 1968-1970, tùy địa phương được Tòa Thánh công nhận bản dịch Sách Lễ và Sách Bài Đọc sớm hay muộn), tôi tự nhiên cảm thấy hết sức bồi hồi khi được dịp tham dự Thánh Lễ Cũ này hai lần nữa, một vào dịp Giáng Sinh Năm Thánh 2000, và một vào Lễ Phục Sinh 2001, ở một nhà thờ (Sacred Heart) gần nhà tôi nhất thuộc Giáo Phận San Bernadino California. Tất cả mọi sự vẫn y hệt như hơn 30 năm về trước: cũng có linh mục đội mũ gầu và bưng chén lễ đậy khăn tiến ra từ phòng áo, cũng có cảnh cả chủ tế lẫn giúp lễ cúi mình thống hối trước bàn thờ bằng việc thú nhận “mea culpa” (lỗi tại tôi) 3 lần, cũng có hai bài Evan (Phúc Âm) trong lễ, cũng nâng gấu áo lễ của cha khi cha nâng Mình Thánh và Máu Thánh lên cao sau lời truyền phép, cũng quì dọc trước cung thánh để chịu lễ, cũng có đĩa hứng khi cho chịu lễ, cũng có các bài bình ca Latinh rất uy nghi hùng tráng, cũng có các phụ nữ tham dự đồng loạt đội khăn trên đầu v.v.
Bấy giờ tự nhiên tôi thầm nghĩ và ước mong có một sự dung hòa nào đó giữa Thánh Lễ Cũ và Thánh Lễ Mới. Theo tôi, chẳng hạn phần Phụng Vụ Lời Chúa thì quay xuống và bằng tiếng địa phương, phần Phụng Vụ Thánh Thể (cho tới khi hiệp lễ) thì quay lên và bằng tiếng Latinh, tuy nhiên, phần hiệp lễ (từ lúc chúc bình an) cho tới hết lễ thì quay xuống và bằng tiếng địa phương. “Gió muốn thổi đâu thì thổi…nhưng không biết sẽ đi về đâu” (Jn 3:8).
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL