|
SỐNG ĐỘNG LÀ TĂNG TRƯỞNG TẦM VÓC
Trứng có trước hay gà có trước?
Phải chăng trong sự sống đã có tầm vóc?
Phải chăng tầm vóc là sự sống phát triển?
Tầm vóc đích thực và thành toàn của con người là gì?
1. Trứng gà có trước hay con gà có trước?
Vấn đề “trứng gà có trước hay con gà có trước” là một vấn đề đã làm cho
nhiều người buồn cười. Vì nó có vẻ trẻ con – chỉ có trẻ con mới hỏi những
câu ngớ ngẩn như thế! Thế nhưng, nếu để tâm suy nghĩ, vấn đề cũng có thể
làm cho một số người chỉ biết cười trừ. Vì không biết trả lời sao cho
đúng. Đằng nào cũng có lý cả: gà phải có trước mới sinh ra trứng, nhưng
nếu không có trứng thì cũng chẳng có gà. Thì ra, cái vấn đề ngớ ngẩn của
trẻ con này cũng đã làm cho nhiều bộ óc người lớn bị nhức đầu. Cũng đã gây
ra những cuộc tranh cãi nẩy lửa giữa người lớn với nhau song họ vẫn chẳng
giải quyết được gì. Đến nỗi họ đã phải gạt đi không suy nghĩ nữa. Bởi nó
giống như bài toán phi đáp số đối với họ. Hay như một thứ bát quái trận
lọt vào thì dễ mà thoát lại rất khó. Thế nhưng, theo tôi, chính vì con
người văn minh hầu như tuyệt đỉnh ngày nay không thể giải quyết được vấn
đề trẻ con “trứng gà có trước hay con gà có trước” hết sức ngây ngô này,
mà xã hội đầy tiện nghi vật chất của họ đã bị tẩu hỏa nhập ma về phương
diện tâm lý và luân lý.
Thật vậy, không phải hay sao, theo trào lưu pro choice phò quyền tự quyết
của mình, một chủ trương đã được pháp luật công nhận, và quyền phá thai đã
chính thức được phép tại thế giới Âu Mỹ từ đầu thập niên 1970, thì con
người tân tiến cho rằng con gà phải có trước trứng gà. Bởi vì, theo khuynh
hướng pro choice, thai nhi được sinh ra hay chăng là do quyền chọn lựa của
người mẹ, bà có muốn giữ thai nhi và sinh ra thai nhi thì thai nhi mới còn
tồn tại và mới có thể ra chào đời, bằng không, nó chỉ là một cục thịt dư,
sẽ bị trục ra khỏi bụng dạ của bà bất cứ lúc nào. Thế nhưng, vấn đề ở đây
là, khi phá thai, thai mẫu đã tỏ ra muốn chặn đứng tiến trình Làm Người
của thai nhi. Nghĩa là, bà đã không cho cục thịt dư trong lòng dạ của bá
đó, dù mới là một thai bào nguyên sơ, có cơ hội tăng trưởng tầm vóc cho
đến khi thành hình một con người, như chính bà đã từ từ thành hình Làm
Người trong lòng mẹ của bà trước kia. Như vậy, gián tiếp và mặc nhiên,
theo nguyên tắc, con người làm mẹ phá thai này cũng công nhận là trứng gà
phải có trước con gà. Ở chỗ, bà sợ rằng nếu không phá đi thì thai bào sẽ
tăng trưởng tầm vóc trong lòng dạ của bà và sẽ trở thành một con người,
lại càng nặng gánh cho bà!
Đúng thế, theo khả năng truyền sinh thì con gà phải có trước trứng gà,
nhưng theo tiến trình phát triển thì trứng gà phải có trước con gà. Trước
hết, theo triết học, vì không phải là Đấng Hóa Công, Đấng Tự Hữu và Hiện
Hữu, Toàn Hảo và Toàn Thiện, tất cả mọi tạo vật, nhất là sinh vật, không
thể nào toàn hảo ngay lập tức. Trái lại, nó phải trải qua một tiến trình
phát triển, từ khởi điểm bất toàn đến đích điểm vẹn toàn. Thần học cũng
xác nhận nhận định này của triết học. Trong cuốn Sáng Thế Ký, cuốn sách
đầu tiên của Bộ Thánh Kinh Do Thái Giáo, trình thuật về cuộc sáng tạo của
Giavê Thiên Chúa cũng đã cho thấy tiến trình phát triển của chung tạo vật
cũng như của riêng con người theo đường lối trứng gà phải có trước con gà.
Đó là lý do, sau mỗi ngày trong sáu ngày tạo dựng, Sáng Thế Ký ghi rằng
“xẩy ra một buổi tối và một buổi sáng, đó là ngày thứ nhất, thứ hai, thứ
ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu.” (Gen 1:5,8,13,19,23,31). Tại sao một ngày
tạo dựng lại được bắt đầu bằng “một buổi tối” trước “một buổi sáng”, hoàn
toàn khác ngược với ngày sống của chúng ta hiện nay “sáng” trước “tối”
sau? Nếu không phải, trứng gà phải có trước con gà, tức là tiến trình phát
triển phải đi từ tối, biểu hiệu cho bất toàn, đến sáng, biểu hiệu cho vẹn
toàn. Đó là lý do, cũng theo cuốn Sáng Thế Ký thuật lại, tiến trình của
Sáu Ngày Tạo Dựng liên quan đến sự sống cũng đi từ bất toàn đến vẹn toàn
như sau: sự sống thực vật được dựng nên ở vào ngày tạo dựng thứ ba, sự
sống động vật (chim trời cá nước) được dựng nên ở vào ngày tạo dựng thứ
năm, và sự sống thú vật rồi đến nhân vật được dựng nên ở vào ngày tạo dựng
thứ sáu (xem Gen 1:11-12, 20-21, 24-26). Riêng con người, loài được dựng
nên sau cùng, vì là loài có sự sống cao nhất các sinh vật trên trái đất
này, sự sống thể lý có trước sự sống tâm linh, và sự sống cá nhân có trước
sự sống xã hội (xem Gen 2:7,21-24).
Tóm lại, theo tôi, nếu con gà là biểu hiệu cho tầm vóc thì trứng gà là
biểu hiệu cho sự sống. Sự sống phải có trước tầm vóc, có trước hình hài
hay hữu thể của sinh vật thế nào thì trứng gà cũng phải có trước con gà
như thế.
2. Phải chăng trong sự sống đã có tầm vóc?
Nếu trứng gà có trước con gà, hay sự sống có trước tầm vóc, thì quả thực
trong sự sống đã có tầm vóc, hay tầm vóc đã được tiềm ẩn nơi sự sống rồi
vậy. Chẳng hạn, sự sống nhân vật, vì đã có sẵn những nguyên tố Làm Người,
nên sẽ phát triển thành tầm vóc loài người; sự sống động vật, vì đã có sẵn
những nguyên tố làm thú, nên sẽ phát triển thành tầm vóc loài vật; và sự
sống thực vật, vì đã có sẵn những nguyên tố làm cỏ cây, nên sẽ phát triển
thành tầm vóc loài thảo mộc. Không thể nào sự sống loài thú lại phát triển
thành tầm vóc loài người, như giả thuyết tiến hóa của Darwin chủ trương
trong cuốn Nguồn Gốc Các Giống Loại của ông, một tác phẩm đã được xuất bản
vào cuối năm 1859. Vậy lịch sử của riêng loài sinh vật, trong đó có loài
người, chẳng qua chỉ là tiến trình sự sống phát triển thành tầm vóc. Nếu
kể chung tất cả mọi sự trong trời đất, thì lịch sử được bắt đầu từ khi mới
hình thành sự sống, nghĩa là được bắt đầu trước khi có cả sự sống nữa, tức
được bắt đầu từ giai đoạn thiên nhiên mới xuất hiện những yếu tố tạo nên
sự sống, như đất nước và khí trời, những yếu tố được Sách Sáng Thế Ký của
Do Thái Giáo cho biết thuộc về Ngày Tạo Dựng Thứ Ba, trước khi sự sống của
loài thực vật xuất hiện (xem Gen 1:9-10).
Thế nhưng, nếu sự sống nào phát triển thành tầm vóc ấy, thì nơi sự sống
chẳng những có nguyên tố làm nên tầm vóc sinh vật theo giống loại của nó,
như vừa nhận định và phân tích, mà nơi sự sống còn chất chứa cả bản chất
của sinh vật chuyên biệt theo giống loại ấy nữa. Nghiã là, sự sống chất
chứa cả chính cái thực tại của sinh vật, chất chứa cả chính cái bản chất
của sinh vật, chính cái Là của sinh vật nữa. Nói dễ hiểu hơn, vì Là Người,
nên sự sống có sẵn những nguyên tố Làm Người, và mới phát triển thành tầm
vóc loài người. Hay nói ngược lại và thực tế hơn, sở dĩ con người Có Bản
Tính hay Có Hữu Thể, bao gồm cả xác chất và hồn thiêng để Làm Người, hoàn
toàn khác với loài động vật và thực vật, chỉ vì họ Là Người. Tức trước khi
Có Hữu Thể hay Có Bản Tính chuyên biệt để Làm Người, con người đã Là
Người, và chính vì Là Người họ mới Có Hữu Thể, Có Bản Tính Làm Người. Tiến
trình phát triển sự sống chính là tiến trình phát triển cái Bản Chất Là
này, là tiến trình làm cho cái Là trở thành hiện thực, trở thành hình thù
đích thực và trọn vẹn của sự sống. Bởi thế, nếu không Là Người thì thai
bào trong bụng thai mẫu có thể từ từ phát triển để Có Hữu Thể, với những
bộ phận và hình thù Làm Người chuyên biệt của mình được chăng? Mà nếu ngay
từ giây phút đầu tiên thai bào đã Là Người, thì không phải phá thai chính
là Giết Người, chứ không phải chỉ đơn thuần là việc trục xuất một cục thịt
dư ra khỏi tử cung, một bộ phận vì Là Mẹ nên mới Có để Làm Mẹ hay sao?
Kinh nghiệm cho thấy, trong tất cả mọi loài sinh vật hữu hình thuộc thế
giới thiên nhiên vạn vật này, sự sống loài người thực sự là sự sống cao
nhất. Vì nơi sự sống loài người có một yếu tố làm cho họ vượt trên loài
thực vật và động vật, đó là hồn thiêng. Như chính sự sống, hồn thiêng cũng
là một thực tại linh thiêng vô hình không thấy được, ngoại trừ qua các dấu
hiệu hay tác động của nó, được tỏ hiện nơi thân xác của con người, như qua
lời ăn tiếng nói hay hành vi cử chỉ khôn ngoan khéo léo của họ. Chính
những diễn đạt khôn ngoan khéo léo, nhờ yếu tố hồn thiêng nơi sự sống con
người và là yếu tố để họ Làm Người như thế, đã cho thấy con người chẳng
những có tâm linh, biết mình biết người, tri kỷ tri bỉ, mà còn có cả quyền
năng tự do để chọn lựa và xoay sở biến báo nữa, chứ không phải chỉ sống
theo định luật thiên nhiên như loài thực vật, hay chỉ sống theo bản năng
như loài động vật. Đúng thế, chính yếu tố tâm linh khiến con người biết ý
thức và tự do hành động như thế đã làm cho họ trở thành một Ngôi Vị, một
Person, chứ không phải chỉ là một khối đồng loạt, một khối đồng nhất như
nơi loài thú, một khối sinh vật về chủ quan, chẳng biết mình là ai, về
khách quan, hình thù dung mạo hầu như giống hệt nhau, không có những nét
đặc thù, những nét căn tính, những nét ID làm nên cá thể như nơi con
người, loài sinh vật mà mỗi cá nhân đều có nét mặt, tiếng nói và chỉ tay
riêng biệt, không ai giống ai, trong cả muôn vàn triệu tỉ con người vô số
kể từ khi họ mới xuất hiện trên mặt đất này.
Nếu mỗi một con người là một Ngôi Vị, hoàn toàn đặc thù và chuyên nhất như
thế, cả về hình thù lẫn tầm vóc, thì phương pháp cloning tạo sinh phi tính
dục, phương pháp tạo nên hai sinh vật giống hệt nhau, như đã xẩy ra ở
trường hợp loài cừu bên Tô Cách Lan ngày 22/2/1997, thì phương pháp này,
nếu áp dụng vào loài người, chẳng những phản luân lý mà còn phản cả tâm
lý, triết lý và thần học nữa. Theo tôi, dù văn minh tột đỉnh và cố gắng
hết sức, chắc chắn con người sẽ không thể nào và không bao giờ thực hiện
được việc thử nghiệm tạo sinh con người theo phương pháp cloning phi tính
dục như lòng mong ước. Bởi vì, nơi sự sống đã có tầm vóc, nơi sự sống con
người đã có một Ngôi Vị linh thiêng vô cùng cao quí vậy.
3. Phải chăng tầm vóc là sự sống phát triển?
Nếu nơi sự sống đã có sẵn tầm vóc của sinh vật và sẽ phát triển thành hình
hài của sinh vật, thì sự sống, như đã nhận định và xác tín trên đây, chính
là bản chất của sinh vật. Đúng thế, sự sống là một thực tại chứ không phải
là hiện tượng. Bởi thế, nếu chúng ta chỉ thấy được lá rung, chỉ thấy được
bụi bay là chúng ta biết gió thế nào, thì chúng ta cũng không thấy được
chính sự sống, mà chỉ thấy được hiện tượng sự sống hay dấu hiệu của sự
sống thôi. Tuy nhiên, dấu hiệu của sự sống, hay hiện tượng của sự sống,
cũng không phải chỉ là sự việc chuyển động. Bằng không, gió cũng là sự
sống, và các hành tinh quay chung quang mặt trời cũng là sự sống. Mà là sự
việc phát triển. Phát triển chính là dấu hiệu và là hiện tượng chứng tỏ
thực tại sự sống. Hay hiện tượng phát triển chính là sự việc tỏ hiện thực
tại sự sống vậy. Bởi thế, vẫn biết tác động thở làm cho sinh vật sống,
nhưng nếu không có sự sống, hay không còn sự sống, sinh vật cũng chẳng
biết thở là gì, và không cũng chẳng còn khả năng để thở nữa, nghĩa là tắt
thở, là chết. Vì tác động thở không phải là thực tại sự sống hay làm nên
sự sống, mà chỉ là dấu hiệu và là hiện tượng cho thấy sự sống hay thể hiện
thực tại sự sống, nên chết đi không phải chỉ là việc tắt thở, mà là ở chỗ
sự sống đã hết thời của nó. Tức là, một khi sự sống hết thời thì sinh vật
tận số, là sinh vật tắt thở, là sinh vật chết đi. “Cùng tất biến” là như
thế: sự sống cùng thì tầm vóc biến.
Tuy nhiên, vì sự sống là một thực tại bất biến, chứ không phải là một hiện
tượng đổi thay, do đó, không phải tầm vóc biến là sự sống cùng. Nếu bóng
tối là hiện tượng và sẽ bị ánh sáng xua tan thế nào, sự chết cũng chỉ là
một hiện tượng và sẽ bị sự sống đổi mới như vậy. Đó là ý nghĩa của xuân
sang đông tàn. Xuân đến làm cho không gian tươi trẻ, thời gian mới mẻ và
nhân gian vui vẻ, sau một mùa đông không gian tàn héo, thời gian tối tăm
và nhân gian co quắp. Một ngày sống của con người cũng thế, cũng có bốn
mùa xuân hạ thu đông: xuân vào buổi sáng đẹp, hạ vào buổi trưa nóng, thu
vào buổi chiều tàn và đông vào buổi tối đen. Thế nhưng, nếu theo tiến
trình trứng gà có trước con gà, tiến trình phát triển của trời đất theo
Thánh Kinh Do Thái Giáo, ở chỗ “xẩy ra một buổi tối và một buổi sáng”, một
tiến trình từ hiện tượng biến loạn bất toàn (chaotic/ in disorder) tới
thực tại thái hòa vẹn toàn (peaceful/ in order), thì lịch sử của sinh vật
không phải chỉ là “tiến trình sự sống biến thành tầm vóc”, như đã nói đến
ở trên, mà còn là “tiến trình sự sống biến đổi sự chết”, là tiến trình
“cải lão hoàn đồng” nữa vậy.
Như thế, tầm vóc của sự sống không phải chỉ là hiện tượng vóc dáng của
sinh vật hay nơi sinh vật, một hiện tượng vóc dáng sẽ theo định luật đào
thải đổi thay, “trẻ dôi ra già cọp lại”, nếu không muốn nói là theo định
luật trời đất tuần hoàn, “tre già măng mọc”. Cho dù trong tiến trình tuần
hoàn “tre già măng mọc” đi nữa, thì măng cũng là tre sẽ già và tre cũng
chỉ là măng chưa lớn. Vậy thì sự sống chỉ là tiến trình tuần hoàn thôi
sao, chứ không phải là tiến trình phát triển cho đến khi đạt đến tầm vóc
viên trọn bất biến của nó? Nếu có thì tấm vóc viên trọn của sự sống ở đâu,
là gì, và như thế nào?
4. Tầm vóc đích thực và thành toàn của con người
như thế nào?
Có thể nói, tầm vóc viên trọn của sự sống trong thiên nhiên vạn vật này ở
nơi con người, là chính tâm linh ý thức của con người, một ý thức tâm linh
được tỏ ra bằng việc họ nhận biết nguồn gốc, thân phận và Ơn Gọi Làm Người
của họ, cho tới khi họ đạt được Thực Tại Chân Thiện Mỹ tối thượng là cùng
đích của họ. Đó chính là lý do nơi con người mới là một hữu thể vừa hữu
hình vừa vô hình, mới chất chứa tất cả mọi sự trong trời đất này, đến nỗi,
chính họ đã nhận thấy mình “con người là một tiểu vũ trụ”. Không phải hay
sao, nơi con người có cả các thứ khoáng chất, có sự sống thực vật cũng như
có sự sống động vật? Xương thịt của họ không phải đã được làm nên bởi các
thứ khoáng chất là gì, như chất vôi (calcium) làm nên xương và chất đạm
(protein) làm nên thịt? Họ đã không có sự sống thực vật nơi sinh hoạt nội
tạng hay sao, như sinh hoạt tuần hoàn, hô hấp và tiêu hóa? Họ cũng không
có sự sống động vật nơi sinh hoạt tồn sinh liên hệ với ngoại cảnh hay sao,
như sinh hoạt cầu thực và tự vệ?
Đó là lý do, theo Sách Sáng Thế Ký của Do Thái Giáo, Đấng Hóa Công dựng
nên loài người với mục đích cho họ quyền làm chủ trái đất, cai quản mọi
loài (xem Gen 1:26-28)? Nghĩa là tất cả muôn loài tạo vật thuộc hạ giới
này đều thuộc về quyền sở hữu của con người và nhờ con người mà được nên
trọn. Với tư cách này, con người chính là cái thang được bắc từ đất lên
trời, đúng hơn là cái cầu vồng. Ở chỗ, vì vai trò làm chủ của mình, nếu
loài người băng hoại, thiên nhiên tạo vật sẽ bị hướng hạ, ngược lại, nếu
loài người hoàn thiện, thiên nhiên tạo vật cũng được hướng thượng. Đó là
một sự thật đã được Thánh Kinh Tân Ước của Kitô Giáo xác nhận trong Bức
Thư Gửi Kitô Hữu Rôma ở đoạn 8 câu 20-21: “Thiên nhiên tạo vật bị bắt làm
tôi cho hư hoại, không phải do tự chúng muốn thế, mà là do bởi Đấng đã bắt
chúng phải chịu số phận như vậy, song không phải là vô vọng, vì chính thế
giới sẽ được giải thoát khỏi tình trạng làm nô lệ cho hư hoại mà được
thông hưởng vào niềm tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa”.
Nếu “chết là hết”, thì “hết” ở đây không phải chỉ là “hết” tồn tại, là
“cùng tất biến”. Vì mọi sự đã hiện hữu thì không bao giờ trở về với hư
không nữa. Nên “hết” ở đây nghĩa là không còn biết gì nữa, không còn biết
sinh hoạt theo bản tính sinh vật của mình nữa. Bởi thế, nếu “chết là hết”
thì sống là còn, “sống còn” là như thế, tức “còn” biết cử động, tác động,
phản ứng, sinh tồn, nhất là “còn” biết mình, như nơi loài đệ nhất sinh vật
“nhân linh ư vạn vật”. Nếu biết mình là kiến thức cao nhất nơi sinh vật
thì tầm mức thành toàn của chung thiên nhiên tạo vật cũng như của riêng
loài người, đó là Ý Thức Làm Người. Ở chỗ, con người đáp ứng Ơn Gọi Làm
Người, sống đúng với Sự Thật Là Người hay ở trong Sự Thật Là Người của
mình, một Sự Thật sẽ giải thoát họ, một Sự Thật mà ở đó, họ sẽ gặp được
tất cả tha nhân đồng loại của mình, nhờ đó, được hiệp thông với Sự Thiện
Tối Cao là Sự Thật Tuyệt Đối, là Thực Tại Thần Linh!
Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh
(bài Phát Thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 8, 10/3/2002: www.tinmungsusong.org và
bài cho mục Hội Ngộ Tâm Linh của www.thoidiemmaria.net)
|