NIỀM TIN

Trong cuộc sống

Trần mỹ Duyệt



Niềm tin là một vấn đề rất quan trọng trong cuộc của con người. Nó quan trọng vì dường như sự thành tín, và tin tưởng đang mất dần ảnh hưởng trong lòng nhiều người cũng như trong những giao dịch giữa con người với con người. Điều này cũng xẩy ra trong thế giới tâm linh, khi con người đánh mất sự giao hảo với Thượng Đế.

Có lẽ chưa bao giờ nhân loại văn minh như ngày nay. Chưa bao giờ cộng đồng nhân loại có nhiều cuộc hội nghị, thương thảo, và trao đổi có tầm mức quốc gia và quốc tế. Nhưng cũng chưa bao giờ nhân loại trải qua nhiều cuộc chiến tâm lý, nhiều cuộc chiến ý thức hệ, nhiều chém giết, và đổ máu như hiện nay. Chưa bao giờ hai chữ thành tín, tin tưởng bị phản bội, bị lợi dụng như ngày nay. Trước những xáo trộn và đổ nát ấy, nhiều người muốn tìm hiểu và phân tích nguyên nhân. Tại sao lại xẩy ra những biến cố và sự kiện như thế?! Câu trả lời rất giản dị, đó là vì con người đã đánh mất niềm tin.

Thật vậy, thế giới tân tiến hiện nay với những phát minh tân kỳ con người có thể đi vào không gian, lặn sâu xuống lòng biển cả. Người ta cũng có thể đo lường chiều kích thước của bầu khí quyển, của thái dương hệ bao la, cũng như những tế bào thật nhỏ bé. Nhưng tất cả đều phải có những mã số, những mật mã, hoặc chià khóa để đề phòn khỏi bị ăn cắp, hoặc sao bản. Riêng trong lãnh vực giao tiếp hằng ngày, con người đòi phải có giấy tờ để chứng minh. Giấy hôn thú, giấy khai sinh, giấy ủy quyền. Văn bằng cũng bằng giấy, tiền tệ cũng bằng giấy, thẻ tín dụng cũng bằng giấy. Tất cả đều phải tùy thuộc vào những tấm giấy.

Giấy và chìa khóa. Điều này cho ta một cảm nghĩ rất khôi hài nhưng cũng rất mỉa mai, đó là người không tin người mà tin tấm giấy. Mà giấy tờ, chìa khóa, mã số lại do chính con người làm ra. Bản thân người đang đứng trước mặt không tin, lại tin vào chữ ký hoặc tấm thẻ của họ. Nhưng cũng dễ hiểu thôi, vì một khi con người đã đánh mất đi bản chất và căn cước sống của mình, thì con người đã làm mất niềm tin nơi ngay bản thân mình. Và vì họ không còn tin vào mình, nên người khác cũng có quyền nghi ngờ họ cũng như chính họ nghi ngờ họ. Sống trong một thế giới mấtụ niềm, đương nhiên con người phải dùng đến thủ đoạn, đến lừa lọc để tự vệ, và để mưu sống theo cái mà bản năng sinh tồn đòi hỏi. Kết quả là con người không còn tin tưởng nhau, vì vậy, cái chìa khóa, cái mã số, và tấm giấy thông hành sẽ thay thế cho chính bản vị và niềm tin của mỗi người.

Theo tâm lý, khi một người không còn là mình nữa. Khi người đó đánh mất đi niềm tin nơi chính mình, họ sẽ sống trong hốt hoảng, trong sợ hãi, trong lo âu, và trong tâm thức ngờ vực. Tinh thần người ấy lúc đó sẽ trở thành bạc nhược, tiêu cực, và chán nản. Nếu trong những lúc buồn bực, chán nản ấy mà phải đối đầu với những thử thách thì thất vọng càng trở nên não nề, có thể đưa tới tuyệt vọng. Phản ứng của họ lúc ấy sẽ trở thành hung dữ, tàn bạo và có thể làm bất cứ một chuyện gì, dù chuyện đó là xấu. Gần đây hiện tượng các em mang súng đến trường bắn xối xả vào bạn hữu, vào thầy cô rồi lại quay súng vào mình tự sát đang giải thích cho tâm lý tiêu hốt hoảng và tiêu cực này. Chính vì tự ty mặc cảm và cho rằng mình bị bạn bè, thầy cô coi thường mà các em tự cảm thấy chán ghét mình, chán ghét số mệnh cuộc đời mình. Từ sự chán ghét ấy, các em trở thành những kẻ căm thù đời, hận đời, hận người, và đi tới những hành động tâm bệnh như thế.

Thế giới của những người lớn cũng tương tự. Sở dĩ có những lừa lọc, lường gạt về tình yêu, tình cảm, về địa vị và quyền lợi cũng chỉ vì những người làm những chuyện ấy tự cảm thấy niềm tin của mình bị hụt hẫng, hoặc chao đảo. Đã mất niềm tin mà lại bị thu hút bởi ảo giác quyền lực, giầu sang, thành công hay tình cảm, thì chỉ còn một cách thức duy nhất là dùng thủ đoạn, mưu mánh, hoặc nếu cần cả đến những phương tiện tồi tệ nhất miễn sao khỏa lấp được cơn khát quyền lực, thành công, hay ái tình trong tâm mình.

Trong cái nhìn của tâm lý học, kẻ ôm bom tự sát. Người nhẩy lầu tự tử. Hoặc kẻ dùng sức mạnh, quyền lực để cưỡng bức niềm tin của kẻ khác, chưa hẳn là những anh hùng, có hành động cao cả. Ngược lại, cũng có thể là những người mang ảo giác và ảo tưởng về hành động của mình. Họ là những người hụt hẫng và thiếu tự tin, vì đối với những người này không còn con đường nào tốt hơn, không còn phương pháp nào đẹp đẽ hơn để tạo cho mình một chỗ đứng trong xã hội, và trong niềm tin tưởng của những người chung quanh. Như người đang bị lún sâu trong vũng bùn lầy, họ càng cựa quậy, càng cuống quít, giẫy dụa, càng bị chìm sâu. Cũng vậy, khi một người đã đánh mất niềm tin nơi mình, nơi những người chung quanh, thì mỗi lúc họ càng lún sâu vào mặc cảm tự ty và tiêu cực. Dần dà có thể đưa tới thù ghét xã hội, và hận đời.

Theo tâm lý đạo đức, niềm tin còn là một đòn bẩy, một cái đà để đưa con người lên khỏi những nghi hoặc, ngờ vực và mặc cảm. Niềm tin theo Abert Ellis, có một sức mạnh phi thường, và chi phối toàn bộ suy tư của con người. Va chạm đến niềm tin là va chạm vào một sức đối kháng không thể thắng nổi. Chủ nghĩa Cộng Sản rồi ra cũng phải dừng bước trước sức mạnh này. Vì thế, mới có những người dám chết cho niềm tin của mình, và những trận thánh chiến nhân danh niềm tin và tôn giáo bao giờ cũng là những trận chiến hết sức kinh khủng.

Nếu tựỉ tin, tự hào về mình chính là sức mạnh tâm lý giúp ta có thể sống vui, sống thoải mái, và sống hạnh phúc với mình cũng như với kẻ khác, thì mỗi người đều phải có quyền lợi và trách nhiệm đối với niềm tin của mình. Điều cần lưu ý là tự tin, tự trọng, và tự biết mình không phải là tự tôn, tự đại, hoặc tự ái. Người tự tin và tự trọng phải là người dám làm, dám chịu, dám đi vào những thách đố cuộc đời bằng thái độ trưởng thành, và với tinh thần lạc quan, tin tưởng vào cuộc đời, vào tương lại. Một người như thế và một cuộc sống như thế chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc, chỉ cần là khi tin tưởng mình, tự tin nơi chính mình, tin vào đời, con người cũng nên biết rằng tất cả niềm tin ấy cần phải dùng để vượt ra khỏi sự u minh của trí tuệ, nhờ đó ta dễ nhận ra rằng trên tất cả còn có Đấng Tối Cao.