KHÔNG GIAN VÀ Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI


Trần Mỹ Duyệt

 


Ngày 20 tháng 7 năm 1969, phi hành gia Neil Alden Armstrong đã đặt chân lên mặt trăng. Biến cố này là một thành công lớn của nhân loại trong tiến trình chinh phục không gian. Nó cũng đã phá vỡ huyền thoại về chị hằng, cung quảng, ngọc thỏ, hay hằng nga trước đó; đặc biệt, đối với người Trung Hoa và Việt Nam.

Những gì con người biết được về mặt trăng sau biến cố này hoàn toàn trái ngược với những gì đã được hàng ngàn văn gia, thi sĩ ca tụng. Mặt của chị hằng không mịm màng nhưng là gồ ghề, lồi lõm với những miệng núi lửa, bình nguyên, thung lũng hay đồi núi. Da dẻ chị cũng không nõn nà, tươi mát những trái lại cực nóng về ban ngày, và lạnh buốt về ban đêm. Nét lộng lẫy và kiêu sa của chị, chẳng qua là mượn từ ánh sáng mặt trời và phản chiếu lại khiến cho người dưới đất tưởng nhầm rằng chị đẹp, chị xinh và thơ mộng. Khuôn mặt của chị cũng chỉ tròn trĩnh sơ sơ với đường kính 2.160 dặm. Chị chỉ nhẹ hơn trái đất chúng ta có 81,5 lần, và bẽn lẽn đứng cách xa trái đất với khoảng cách nhỏ nhoi trong không gian là 238.857 dặm. Tuy chỉ với khoảng cách như thế, nhưng nếu con người muốn lên thăm chị thì chỉ bằng cách nhìn lên chị vào những đêm rằm, hoặc mơ mộng vẽ vời qua trí tưởng tượng, chứ cho đến nay vẫn không có xe hơi, hoặc phản lực nào có thể chở chúng ta lên được. Riêng với một số khoa học gia đã mạo hiểm trong công tác kiếm tìm và chinh phục không gian, đã thực hiện giấc mộng của họ bằng những phương tiện tốn kém và rất giới hạn như vệ tinh, và phi thuyền, và phải vòng vòng du hành trong không gian qua những ngã khác nhau mà ta gọi là những quĩ đạo trái đất và quĩ đạo mặt trăng.

Chị hằng đẹp nhờ vào ánh sáng của mặt trời. Tuy có hơi tò mò, nhưng cho đến nay con người chưa dám nghĩ tới việc lên thăm ông mặt trời. Thứ nhất, vì ông chỉ là một khối lửa hừng hực bốc cháy. Sức nóng ngoài mặt của ông cũng hơn 1 triệu độ, và sức nóng sâu trong bụng ông tăng dần lên cả mấy triệu độ. Tóm lại, sức nóng của ông đủ để thiêu rụi tất cả những người và vật muốn đến gần ông. Từ trái đất đến nhà ông đường xa 93 triệu dặm. Câu truyện Lưu Nguyễn nhập thiên thai có thể đem sánh ví với trường hợp nếu con người lên thăm ông mặt trời rồi trở lại trái đất. Vì con đường ngàn dặm sơn khê này nếu vừa đi vừa về dù chỉ một lần thì cũng mất cả hàng thế kỷ. Lúc ấy sẽ chẳng ai nhận ra chúng ta nữa, vì tất cả những người ở vào thế hệ chúng ta khi rời trái đất đều đã thành người thiên cổ. Xa nhau như thế, mà đôi lần ông nổi khùng, hục hoặc một chút là trái đất thấy nóng ran. Điển hình là miền xích đạo của trái đất vì hơi xích lại gần ông một chút mà từ người đến vật gần như bị đốt cháy đen thui. Ở đó, dĩ nhiên là không ai phải lo mua máy sưởi, mà chỉ cần máy lạnh.

Trở về trái đất của chúng ta với đường kính bán cầu 7.900 dặm, và đường kính xích đạo 7.926 dặm. Với một khoảng cách xa mặt trời như vừa kể, để du hành một vòng quanh ông, trái đất phải phiêu bồng trong không gian 365,26 ngày. Còn như nếu chị hằng muốn lởn vởn quanh trái đất chúng ta, thì chị cũng phải đi mất 29,53 ngày.

Để có một cái nhìn bao quát về sự bao la của vũ trụ, ta chỉ cần nhìn vào thái dương hệ mặt trời là đủ. Thái dương hệ mặt trời là một hệ thống hành tinh và vệ tinh xoay quanh mặt trời gồm 4 hành tinh gần với trái đất là: Mercury (Thủy Tinh), Venus (Kim Tinh), Trái đất, và Mars (Hỏa Tinh. 4 hành tinh lớn xa khỏi với mặt trời là: Jupiter (Mộc Tinh), Saturn, Uranus (Thiên Vương Tinh), và Neptune (Hải Vương Tinh). Ngoài ra còn có Pluto, một hành tinh xa nhất tính từ khoảng cách mặt trời, và hơn 60 vệ tinh là những hành tinh nhỏ quay quanh các hành tinh vừa kể. Thí dụ, mặt trăng là một vệ tinh của trái đất. Tất cả hợp thành thái dương hệ theo thứ tự tính từ mặt trời:

* Mercury (Thủy Tinh): Hành tinh thứ nhất thuộc hệ thống mặt trời. Đường kính 3.000 dặm. Khoảng cách mặt trời 36.000.000 dặm, một khoảng cách ngắn nhất so với các hành tinh khác. Qũy đạo du hành quanh mặt trời 88 ngày.

* Vernus (Kim Tinh): Hành tinh thứ hai. Đường kính 7.700 dặm. Khoảng cách mặt trời 67.000.000 dặm. Qũy đạo du hành 225 ngày.

* Trái đất: Hành tinh thứ ba. Đường kính bán cầu 7.900 dặm, và đường kính xích đạo 7.926 dặm. Khoảng cách mặt trời 93 triệu dặm. Qũy đạo du hành 365,26 ngày.

* Mars (Hỏa Tinh): Hành tinh thứ bốn. Đường kính 4.230 dặm. Khoảng cách mặt trời 142.000.000 dặm. Qũy đạo du hành 686.9 ngày.

* Jupiter (Mộc Tinh): Hành tinh thứ năm. Hành tinh lớn nhất của thái dương hệ. Đường kính 88.640 dặm. Khoảng cách mặt trời 483.000.000 dặm. Qũy đạo du hành 11,86 năm.

* Saturn: Hành tinh thứ sáu. Đường kính 72.000 dặm. Khoảng cách mặt trời 886.000.000 dặm. Qũy đạo du hành 29,5 năm.

* Uranus (Thiên Vương Tinh): Hành tinh thứ bẩy. Đường kính 30.880 dặm. Khoảng cách mặt trời 1.783.000.000 dặm. Qũy đạo du hành 84,04 năm.

* Neptune (Hải Vương Tinh): Hành tinh thứ tám. Đường kính 39.930 dặm. Qũy đạo du hành 164,8 năm.

* Pluto: Hành tinh thứ chín. Đường kính nhỏ hơn trái đất. Khoảng cách mặt trời 3.671.000.000. Qũy đạo du hành 248,42 năm.

Khoảng cách hàng tỷ dặm trong thái dương hệ cũng chỉ là số không so với triệu triệu các tinh thể và tinh cầu ngoài không gian nếu chúng ta nhìn lên bầu trời vào những đêm thanh, và tìm hiểu về thuyết lỗ hổng đen của vũ trụ. Theo đó, hệ thống thái dương hệ chỉ là một phần rất nhỏ của ngân hà, mà trong không gian lại có hàng tỉ tỉ ngân hà như thế, và lỗ hổng không gian là một khoảng cách mịt mùng có khả năng nuốt trọn và cuốn hút những giải ngân hà. Cũng chính vì sự lớn lao của vũ trụ như vậy, mà các nhà thiên văn học đã phải dùng đến quang niên, tức là năm ánh sáng để đo đếm khoảng cách từ ngôi sao này đến ngôi sao khác. Chúng ta biết mỗi giây ánh sáng đi được 300.000 cây số. Mà mỗi giờ có 60 phút, và mỗi phút có 60 giây. Cứ như vậy, nhân lên một ngày có 24 giờ và một năm có 365 ngày, thì một năm ánh hay một quang niêm có chiều dài không gian đo được 5.878.000.000.000 dặm. Aáy thế, mà trong không gian, người ta phải dùng đến hàng tỉ năm ánh sáng để đi từ một hành tinh này đến một hành tinh khác, điều đó đủ cho biết vũ trụ bao la và trái đất của chúng ta, con người của chúng ta nhỏ bé đến đâu giữa cái mênh mông, bao la ấy. Cũng chính vì thế, nhiều người còn nghĩ đến giả thuyết người không gian, hoặc người vũ trụ. Tuy nhiên, qua các thiên lý kính tối tân nhất thế giới, và khả năng dò tìm sự sống nơi những hành tinh gần gũi với trái đất đều cho thấy không đâu ngoài trái đất có sự sống.

Cái bao la, lớn rộng của không gian thể lý như vừa trình bày, nếu đem so sánh với khoảng cách của không gian tâm lý thì còn kinh khủng hơn nữa. Thí dụ, hai kẻ yêu nhau và ở xa nhau, tuy thân xác ở cách xa, nhưng tình cảm và tình yêu như gần gũi, gắn bó. Ngược lại, nếu tình cảm và tình yêu ấy ở vào trạng thái xung khích nhau, thì dù ở ngay bên nhau, con người cũng thấy một khoảng cách không thể bù đắp được. Việt Nam ta có câu: “Đồng sàng, dị mộng”, để diễn tả cái tâm lý cách biệt này. Và từ ý niệm không gian tâm lý này, con người có thể kéo lại gần mình tất cả những gì mình muốn. Hoặc ngược lại, trở thành một hành tinh lạc lõng giữa cái bao la của vòm trời nhân sinh.

Tóm lại, đứng trước sự bao la của vũ trụ và của tâm lý, cách riêng sự bao la của vũ trụ mà thôi, con người không khỏi thắc mắc, ai đã làm nên con tầu vũ trụ này? Nó to lớn như thế nào? Nguồn năng lượng nào làm cho bộ máy vũ trụ ấy vận hành? Đối với những câu hỏi như thế, tự nhiên con người cảm thấy như Thượng Đế cũng đang muốn hỏi mình:

“Ngươi ở đâu khi Ta đặt nền móng trái đất?
Nói đi nếu ngươi biết.
Ai đã đặt kích thước cho nó, ngươi có biết không?
Ai đã giăng giây đo lường nó.
Đế của nó đã chìm sâu trên điểm tựa nào?
Và ai đã đặt viên đá đầu tiên xây cất nó,
giữa tiếng nhạc hòa vui của sao mai,
giữa tiếng reo vui của con cái Chúa”
(Jb 38:4-7).

Đến đây thì câu trả lời của con người coi như bế tắc. Và sự tìm tòi của trí óc con người coi như đã bị giới hạn. 17 năm trước, phi thuyền Challenge đưa 7 phi hành gia vào không gian đã nổ tung sau khi vừa rời dàn phóng tại Florida khiến cho cả thế giới thương tiếc và ngậm ngùi. Ngày 1 tháng 2 năm 2003 vừa qua, phi thuyền Columbia vừa từ vùng quĩ đạo trở về mang theo cũng 7 phi hành gia sau một chuyến thực hành những thí nghiệm trên đó, nhưng chỉ 16 phút trước khi chạm đất, nó cũng đã phát nổ và đưa tất cả 7 phi hành gia vào một cuộc du hành vĩnh viễn. Khả năng con người xem ra chỉ vỏn vẹn đến thế, nhưng nếu ngông cuồng, tự đại muốn làm chủ vũ trụ này e sẽ gặp rắc rối.

Trước cái bao la của vũ trụ, và trước sự nhỏ bé của trái đất cũng như con người, có lẽ chúng ta phải trở về với câu nói bất hủ của Pascal Blaise (1623-1662), một triết gia và toán học gia người Pháp: “Khoa học tinh thông làm cho con người gần Thượng Đế. Khoa học nông cạn làm cho con người xa Thượng Đế”, để biết ơn Thượng Đế về cuộc sống, và về vũ trụ bao la mà Ngài đã tạo dựng cho con người do lòng thương yêu vô biên của Ngài, và để sống nên, sống xứng đáng với ơn gọi làm người của mình.


 

Không Gian

 

Không Gian là gì?

Nói đến không gian người ta thường nghĩ đến, trước hết là không trung vũ trụ, thứ hai là địa điểm nơi chốn, và thứ ba là tầm vóc kích thước.

Trước hết, không gian liên quan đến không trung vũ trụ, được gọi là một không khoảng hay khoảng không (space) bao la vĩ đại hầu như vô cùng bất tận, vượt ra ngoài trí óc tượng tượng của con người và khả năng khám phá của khoa học đối với cấu tạo khôn thấu và tầm kích khôn lường của nó, đến nỗi, có thể nói không trung bầu trời là một mầu nhiệm, mầu nhiệm không gian, một mầu nhiệm tự nhiên mà dù con người có đóng vai làm chủ trái đất cũng không thể nào làm chủ không gian. Chiếc phi thuyền Columbia của Hoa Kỳ bị tan tành, với 7 mạng người 2 nữ và 5 nam phi hành gia trẻ trung trong đó, khi bắt đầu trở về với bầu khí quyển của trái đất vào chính ngày mùng một Tết Quí Mùi Âm Lịch, 1/2/2003, vừa rồi là một thí dụ điển hình. Hiện nay khoa học mới chỉ ước lượng một cách chung chung là có cả hằng triệu, hằng tỉ hành tinh hệ (galaxies) trong vũ trụ này, trong đó có một hành tinh hệ gần thái dương hệ nhất được gọi là Giải Ngân Hà (Milky Way), và có ba hành tinh hệ gần Giải Ngân Hà nhất mà con người không cần viễn vọng kính cũng có thể nhìn thấy từ trái đất, đó là, nếu nhìn từ Bắc Cực, hành tinh hệ Andromeda Nebula, cách trái đất 2 triệu năm ánh sáng, và nếu nhìn từ Nam Cực, hai hành tinh hệ nhỏ hơn, Magellanic Clouds, cách trái đất từ 160 đến 180 ngàn năm ánh sáng. Riêng nội bộ cấu trúc của mỗi hành tinh hệ, nếu nhỏ cũng rộng tới mấy ngàn năm ánh sáng, trong khi một tinh hệ lớn có thể rộng tới cả nửa triệu năm ánh sáng. Nếu theo khoa học, mỗi giây vận tốc ánh sáng đi được 186.282 dặm hay 299.792 cây số, tức mỗi giây (hay mỗi tiếng tíc tắc của đồng hồ) ánh sáng đi được 7 vòng rưỡi trái đất (với chu vi từ đông sang tây rộng 24.901 dặm, hay 40.075 cây số, tương đương với một chiếc xe chạy 366 ngày không ngừng với tốc độ 68 dặm một giờ), thử hỏi một ngày có 24 tiếng (tức có 86.400 giây) ánh sáng sẽ đi được bao xa, một tháng có 30 ngày ánh sáng còn đi xa tới đâu, và một năm có 365 ngày ánh sáng đi xa tới cỡ nào. Cứ nghĩ đến 2000 năm lịch sử Kitô Giáo thôi con người đã thấy lâu lắm rồi, xưa lắm rồi, cổ lắm rồi, đằng này ánh sáng phải đi hết 2 triệu năm ánh sáng mới từ trái đất tới được hành tinh hệ Andromeda Nebula, thì thử hỏi vũ trụ không gian với cả tỉ hành tinh hệ khác nhau như thế không bao la bát ngát hầu như vô cùng bất tận hay sao?

Sau nữa, không gian liên quan đến địa điểm nơi chốn là những gì ngôn ngữ loài người thường diễn tả bằng những trạng từ vị trí, như trên, dưới, trong, ngoài, đây, đó, xa, gần, đông, tây, nam, bắc v.v. Nghĩa là, không gian ở đây liên quan đến môi trường, đến hoàn cảnh. Về không gian theo nghĩa thứ hai, nghĩa môi trường này, con vật tự nhiên có một cảm quan, một trực giác bén nhậy hơn hẳn con người, ở chỗ, loài vật (như đàn chim, đàn ong, đàn kiến) không bao giờ bị đi lạc, dù thỉnh thoảng có con bị lạc đàn, trong khi đó, dù có địa bàn hay hải bàn, con người vẫn hay bị lạc đường, lạc hướng. Cảnh sát ngày nay đã không phải dùng đến chó săn để truy lùng thủ phạm hay sao? Con người ngày xưa đã không dùng chim bồ câu để đưa thư hay sao? Con người mù lòa ngày nay đã không nhờ chó dẫn đường đi nước bước hay sao? Thế nhưng, đối với con người, không gian theo nghĩa môi trường này còn có tính chất phức tạp hơn nữa, tính chất chẳng những liên quan đến thể lý, mà còn liên quan đến cả tâm lý nữa. Bởi thế mới có câu: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”. Tức là, một khi yêu nhau thì xa cũng gần, trái lại, không yêu nhau thì gần cũng xa. Hai vợ chồng dù nằm cùng một giường, nhưng nếu không gắn bó với nhau thì cái giường phu thê đó là một không gian “nghìn trùng xa cách”. Xa xôi cách trở mà lúc nào cũng nhớ thương nhau không hơn là đoàn tụ gia đình rồi tan vỡ hôn nhân hay sao. Thế nhưng, theo tâm lý tự nhiên, đã yêu nhau bao giờ cũng muốn, cũng thích ở gần nhau, ở bên nhau. Tình yêu chân chính chẳng những làm cho mọi sự gần gũi nhau, mà còn làm cho tất cả nên một với nhau, dù xung khắc nhau. Theo nghĩa này, có thể nói gia đình là một không gian yêu thương. Thậm chí chính tâm lý của con người cũng là một không gian. Vì con tim con người có thể ôm ấp tất cả những gì con người yêu thích nhất, ký ức của con người có thể “chất chứa” tất cả những biến cố hay sự vật liên quan đến cuộc đời buồn vui của họ. Có nghĩa là tất cả mọi sự trên đời này, xẩy ra trong thời gian và không gian, đều có thể được lưu trữ “trong” tâm khảm của con người. Giống như một cái băng hay đĩa điện toán có khả năng chứa được một số tín liệu khổng lồ thay chỗ cho cả một bộ tự điển bách khoa hay thậm chí cho cả thư viện “rộng lớn”. Như thế, cái đĩa hay cái băng điện toán nhỏ bé này là một không khoảng hay một không gian có sức dung chứa bằng một thư viện, một tủ sách. Ngày nay, chính nhờ phương tiện truyền thông đại chúng tối tân mà thế giới con người đã trở thành một ngôi lành hoàn vũ “global village”. Có thể nói, nếu gia đình là không gian yêu thương thì phương tiện truyền thông là không gian hội ngộ.

Sau hết, không gian liên quan đến tầm vóc kích thước, như được diễn tả qua những tĩnh từ to, bé, cao, thấp, rộng, hẹp, dài, ngắn, sâu, cạn v.v. Nghĩa là một không gian về hình học, một không gian được gọi là ba chiều, chiều dài, chiều rộng và chiều cao. Thế nhưng, tầm vóc kích thước được gọi là không gian ba chiều theo hình học này chỉ mới diễn tả được kích thước và tầm vóc bề ngoài của mỗi sự vật mà thôi, chứ chưa diễn tả được chiều sâu của nó, nếu thiếu chiều kích thời gian, một chiều kích làm cho không gian trở thành một thứ không gian bốn chiều. Tuy nhiên, không gian bốn chiều ở đây, nếu được áp dụng vào riêng lãnh vực của không trung vũ trụ, thì muốn biết không trung vũ trụ này lớn đến cỡ nào, dài rộng bao nhiêu, khoa học gia cần phải dùng đến thời gian, như đã đề cập đến trên đây. Nếu được áp dụng cho tất cả mọi sự, kể cả không trung vũ trụ, thì chiều kích thời gian đây được áp dụng cho việc phát triển của sinh vật, thay đổi của khoáng vật, và giới hạn của mọi vật. Chẳng hạn một sinh vật lúc còn nhỏ khác với lúc trưởng thành về tầm vóc và kích thước, lớn hơn về chiều cao, to hơn về chiều rộng v.v. Cái khoảng cách cách biệt về tầm vóc và kích thước giữa hai thời kỳ phát triển của sinh vật đây không cho thấy chiều kích thời gian nơi không gian sinh vật hay sao? “Nước chảy đá mòn” cũng không cho thấy chiều kích thời gian nơi không gian khoáng chất hay sao? Mọi sự vật đều tồn tại đến một thời gian nào đó thôi, rồi qua đi, rồi biến dạng hay biến thể theo định luật tuần hoàn của trời đất, không cho thấy chiều kích thời gian nơi không gian vạn vật hay sao? Vậy nếu thời gian là một chiều kích của không gian, chiều kích thứ bốn của không gian, thì không gian đây đồng nghĩa với thế gian, một thực tại bao gồm cả ba phạm trù không gian, thời gian và nhân gian. Nhưng, nếu không gian lại bị giới hạn trong thời gian, thì không gian đây là tất cả thiên nhiên tạo vật hữu hình, có hình hài, tầm vóc, kích thước, hiện hữu trong thời gian, bao gồm cả khoáng vật, như khí, kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, lẫn sinh vật, như thực vật, động vật và nhân vật. Có thể ví không gian trong thời gian đây là chính bộ mặt của thế gian, là chân dung thế gian.

Không Gian từ đâu mà có?

Thế nhưng, nếu không gian là tất cả thiên nhiên tạo vật hữu hình hiện hữu trong thời gian thì vấn đề được đặt ra ở đây là, không gian (tức không trung vũ trụ bao gồm cả hành tinh trái đất có sinh vật này) từ đâu mà có? Theo khoa học, lý thuyết về việc xuất hiện của không gian vũ trụ được hầu hết các khoa học gia công nhận, đó là thái dương hệ được phát triển từ một thiên tinh vân (nebula), một thiên tinh thể đầu tiên chất chứa cả một đám mây khí cùng với những mảnh thiết thạch li ti. Mặt trời có thể đã được hình thành từ tâm điểm của thiên tinh thể đầu tiên này. Khi thiên tinh vân này chuyển động chung quanh nhân của nó là mặt trời thì nó từ từ bị san bằng. Những phần của đám mây khí ấy bắt đầu xoay giống như những cái xoáy (eddies) trong giòng thủy triều. Hơi khí và bụi tụ lại gần tâm điểm của những cái xoáy ấy. Việc tụ hợp của hơi khí và bụi được phát triển bằng cách thu hút những phân tử chất thể ở gần đó. Việc tụ hợp này dần dần phát triển để trở thành những hành tinh xoay xoay mà hiện nay đang quay quanh mặt trời. Riêng hành tinh trái đất được hình thành đầu tiên từ hơi khí chuyển sang thể lỏng để trở thành thể đặc, sau 4 tỉ rưỡi năm.

Ngoài ra, một trong những thuyết có lý nhất để cắt nghĩa về việc hình thành của vũ trụ, những gì đã xẩy ra cho vũ trụ trong quá khứ cũng như tương lai, theo các khoa học gia, đó là thuyết “tưng bừng khai trương” (big bang). Theo thuyết này thì không gian vũ trụ được bắt đầu xuất hiện từ một cuộc bùng nổ xẩy ra khoảng từ 10 đến 20 tỉ năm trước đây. Ngay sau cuộc bùng nổ này, vũ trụ không gian chỉ có một thứ phóng xạ mạnh. Thứ phóng xạ này hình thành một điểm phát triển nhanh chóng được gọi là hỏa cầu nguyên khởi (primordial fireball). Sau đó khoảng mấy trăm năm, thì hỏa cầu này có phần chính là chất thể, chính yếu ở dạng khinh khí, và một ít chất hơi nhẹ khác như Helium của khí cầu. Cũng như chất phóng xạ, chất thể của hỏa cầu tiếp tục bớt đi tỉ trọng của nó, để rồi qua thời gian, nó vỡ ra thành những khối khổng lồ, đó là những hành tinh hệ, trong đó, những khối nhỏ hơn trở thành những hành tinh. Trong ít là một thuộc những khối này trở thành một nhóm hành tinh được gọi là thái dương hệ. Các thái dương hệ vẫn đang chuyển vận xa nhau hơn nữa, và có thể trong vòng 70 tỉ năm nữa, chúng lại tụ hợp lại với nhau, bấy giờ tất cả mọi chất thể của vũ trụ này sẽ bùng nổ một lần nữa để vũ trụ giống như hiện nay tiến vào một giai đoạn mới.

Phải, về nguồn gốc của không gian vũ trụ này, theo khả năng và lãnh vực của mình, cho đến nay, khoa học chỉ có thể khám phá và giải thích được đến thế. Còn về vấn đề từ đâu xuất hiện thiên tinh vân đầu tiên và tại sao lại có cuộc bùng nổ ban đầu là những gì (bao gồm cả chất liệu đệ nhất và tác động đệ nhất) khơi nguồn nên không gian vũ trụ này, thì phải nhờ đến khả năng của triết học. Theo triết học cũng như lập luận tự nhiên, một lập luận triết học dầu sao cũng được dựa vào khoa học, vào những quan sát thực tế, thì thiên nhiên tạo vật không thể nào tự mình mà có, bằng không nó đã là và chính là Thượng Đế Tối Cao, là Thực Tại Thần Linh bất biến, là Nguyên Lý Đệ Nhất tác động, là Sự Hữu Toàn Hảo vĩnh hằng. Nếu thiên nhiên tạo vật thực sự được dựng nên mới có, thì, theo Mạc Khải Do Thái Giáo, qua chương đầu tiên của Sách Sáng Thế Ký, một Mạc Khải được khoa thần học Kitô Giáo giảng dạy về tín lý rằng, tất cả mọi sự, mọi tạo sinh đều bởi không mà có, tức đều được Đấng Tạo Hóa vô cùng toàn năng dựng nên từ hư vô. Như thế, theo triết học, nhất là theo thần học thì không gian này bởi không mà có, tức bởi Tạo Hóa mà có. Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Tạo Hóa đã dựng nên thiên nhiên tạo vật? Một phần của câu giải đáp cho vấn nạn tại sao liên quan đến nguồn gốc hiện hữu của thiên nhiên tạo vật này được tìm thấy nơi mục đích hiện hữu của không gian, của thiên nhiên tạo vật. Vậy, không gian hiện hữu để làm gì?

Không gian hiện hữu để làm gì?

Mục đích hiện hữu của thiên nhiên tạo vật, của không gian vũ trụ này có liên hệ mật thiết đến giá trị phổ quát của nó nói chung, nhất là đến giá trị đặc thù của loài người nói riêng. Trước hết, giá trị của tất cả mọi sự trong thiên nhiên tạo vật này, kể cả con người là đệ nhất tạo vật đi nữa, đều ngang hàng với nhau, đều bình đẳng như nhau, đều có giá trị bằng nhau, bởi vì, tất cả đều là tạo vật trước nhan Đấng Hóa Công, đều là tạo vật của Ngài, đều từ hư vô mà có, đều bất toàn chứ không toàn hảo như Ngài, đều hữu hạn chứ không vô hạn như Ngài. Tuy nhiên, vì thiên nhiên tạo vật có một cấp trật đàng hoàng, từ loài khoáng chất vô hồn, như các chất khí, lỏng và đặc trong trời đất, đến loài sinh vật, như loài thực vật có sinh hồn, loài động vật có giác hồn, và loài nhân vật có linh hồn, mà giá trị của mỗi loài đều khác nhau, trong đó, loài có giá nhất là loài người, loài làm chủ trái đất, loài được quyền sử dụng tất cả mọi nguồn lợi thiên nhiên chung quanh mình để chẳng những sinh tồn mà còn phát triển nữa. Như thế, giá trị thứ hai của tất cả mọi sự đây liên quan đến con người, có thể gọi là giá trị nhân bản. Đó là giá trị lợi dụng. Vật gì con người thích nhất (như kim cương hay vàng bạc), hay làm lợi cho con người nhất (như tài liệu hay tiện nghi), hoặc cần thiết cho con người nhất (như bát cơm hay ly nước khi sắp chết đói chết khát) là có giá nhất.

Tuy nhiên, không phải vì thế, vì giá trị nhân bản, giá trị lợi dụng nơi thiên nhiên tạo vật mà con người muốn sử dụng chúng thế nào cũng được. Như hành hạ xúc vật vô cớ. Đốt rừng bừa bãi. Bởi vì, trước hết, môi sinh được dựng nên cho chung nhân loại chứ không phải cho riêng một cá nhân hay tập đoàn nào. Cho dù, theo địa dư hay pháp lý, cá nhân hay quốc gia nào có làm chủ một sản vật gì đi nữa, cũng là để sinh lợi chung cho nhân quần xã hội. Như thế, giá trị của thiên nhiên tạo vật là giá trị phục vụ loài người chứ không phải giá trị để cho loài người hưởng thụ vị kỷ. Con người không được lạm dụng, tác hại hay tàn phá môi sinh, thiên nhiên tạo vật, hay không gian, sau nữa, là vì giá trị tự tại của chúng, nghĩa là chúng có giá trị tự bản chất của chúng, chứ không phải khi nào con người lợi dụng chúng hay khi chúng làm lợi hoặc cần thiết cho con người chúng mới có giá trị. Chẳng hạn một bông hoa, không phải nó chỉ đẹp khi sắc của nó được lọt vào mắt người ta, hay thơm vì người ta ngửi thấy hương của nó. Không phải sầu riêng làm cho nhiều người phải bịt mũi lắc đầu thì tự bản chất của nó chẳng có giá trị gì, đáng đổ đi v.v.

Tóm lại, theo giá trị của mình, giá trị tạo vật, giá trị nhân bản và giá trị tự tại, thiên nhiên tạo vật sở dĩ hiện hữu là để phục vụ, phục vụ đệ nhất tạo vật của chúng là con người. Kể cả vầng dương cũng hiện hữu để phục vụ loài người, ở chỗ làm cho mọi vật tồn tại và sinh động bởi ánh sáng và nhiệt năng của nó, nhờ đó con người mới có thể lợi dụng môi sinh cho việc phát triển xã hội loài người của mình. Đó là lý do, một khi con người lạm dụng thiên nhiên tạo vật, tàn phá môi sinh, trong đó có cả sự sống của con người, những mầm thai trong bụng mẹ, là con người đang đi đến chỗ tự hủy diệt mình vậy. Nếu con người lạm dụng thiên nhiên tạo vật càng ngày càng đi đến chỗ tự diệt như thế thì đó không phải là dấu chứng tỏ cho thấy con người không phải là chủ nhân ông của thiên nhiên tạo vật, mà chỉ là quản lý cho Đấng Hóa Công, Đấng đã dựng nên họ để họ thay Ngài làm chủ trái đất, ở chỗ sinh lợi những gì Ngài đã ban cho họ để họ làm vốn kinh doanh theo ý định thần linh của Ngài. Như thế, vì thiên nhiên tạo vật được Tạo Hóa dựng nên vì con người và cho con người thì chúng cũng chỉ được nên trọn nhờ con người và bởi con người mà thôi. Ở chỗ, con người biết sử dụng chúng theo ý Đấng đã ban chúng cho họ. Một khi con người biết sử dụng tất cả mọi sự với tư cách làm chủ chứ không phải làm tôi cho tạo vật, thì chẳng những chính họ đạt đến tầm vóc viên trọn của mình, mà còn làm cho tất cả mọi sự nên trọn theo ý định thần linh nữa. Đó là tiến trình về nguồn của riêng nhân loại cũng như của chung thiên nhiên tạo vật vậy.

Không gian sẽ đi về đâu?

Vấn đề không gian sẽ đi về đâu đã được giải đáp ngay ở câu cuối cùng trên đây, tức là sẽ đi về nguồn, về với ý định thần linh của Đấng đã tạo dựng nên mình. Đó là lý do không gian có tính cách giới hạn. Giới hạn của không gian ở đây như thế không phải chỉ ở tại thể chất hữu hình của không gian trong thời gian, mà còn ở tại tiến trình qui đạt của không gian nữa. Một khi không gian đạt đến cùng đích của mình thì nó sẽ qua đi hay nên trọn. Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là phải chăng không gian qua đi là nên trọn, hay nên trọn rồi mới qua đi? Qua đi ở đây là gì và như thế nào?

Thực tế cho thấy, trong sinh vật, cả thực vật, động vật lẫn nhân vật, đều có những vật chết non, chết yểu. Bởi vậy, qua đi như thế không phải là nên trọn, theo nghĩa đạt được tầm vóc toàn hảo của mình. Ngược lại, kể cả trường hợp chết già song cũng vẫn chưa nên trọn, vì chính cái chết là thực tại cho thấy sinh vật đi đến chỗ suy thoái, băng hoại, rữa nát. Do đó, về thể lý của chung sinh vật, cách riêng về cả tâm lý nơi con người, càng già càng xấu, càng yếu v.v. Tuy nhiên, theo luật tuần hoàn tự nhiên của thời tiết cho thấy, sau khi thiên nhiên tạo vật vào thu tàn tạ và vào đông chết chóc, thì nó lại sang xuân tươi mới và sang hạ hoạt năng thế nào, chắc chắn không gian vũ trụ này, một ngày kia, sau ngày cùng tháng tận được gọi là tận thế, nó sẽ được canh tân đổi mới.

Đúng thế, theo thần học và niềm tin Kitô Giáo, tất cả mọi sự Thiên Chúa đã dựng nên từ hư vô sẽ không trở về với hư vô sau khi chết. Đó là lý do, ở lễ nghi an táng của Giáo Hội Công Giáo, vị linh mục chủ tọa bao giờ cũng đọc câu: “sự sống thay đổi chứ không mất đi”. Chẳng những Kitô giáo mà bất cứ một đạo giáo nào thực sự tin có Thần Linh, có Đấng Tối Cao, có một Quyền Lực Cứu Độ vô song, đều tin tưởng có đời sau, có sự sống vĩnh cửu. Bằng không, con người sống ở trên trần gian này, và tất cả mọi sự trong thiên nhiên tạo vật này, đều hiện hữu một cách vô nghĩa, chết là hết, chẳng có một giá trị hiện hữu nào cả. Như thế, không gian qua đi ở đây, trước hết là về nguồn, là đạt tới cùng đích của mình, sau nữa, bằng cách được biến đổi, một cuộc biến đổi được hiện thực ngay lúc chúng còn hiện hữu trong thời gian, khi chúng phản ánh ý định thần linh của Đấng Tối Cao, một phản ánh có tác dụng biến đổi tình trạng từ bất toàn nên hoàn toàn, từ vật chất nên linh thiêng, từ hữu hạn thành vô hạn, tức là một cuộc biến đổi nên giống như Đấng Tự Hữu và Toàn Hữu mà con người linh ư vạn vật là tạo vật duy nhất trong không gian đã được dựng nên theo hình ảnh của Ngài, ở chỗ họ có hồn thiêng bất tử, và được dựng nên tương tự như Ngài, ở chỗ có ý thức tâm linh và tự do tác hành.
 

Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh, BVL
(Bài chia sẻ cho buổi phát thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 56, 9/2/2003)