VĨNH HẰNG VÀ Ý NGHĨA CUỘC SỐNG

 


Trần Mỹ Duyệt


 


Từ “vĩnh hằng” hay “đời đời” mới nghe qua cũng đủ thấy nó mang tính chất tâm linh và triết học.

Thông thường khi nghe nói đến đời đời, vô cùng, mãi mãi, vô tận, hay một hình thức nào đó để diễn tả cái không cùng, không tận của thời gian và không gian, tự nhiên trí khôn con người cảm thấy như ngừng đọng, và nhỏ bé lại. Ngay cả các cổ thụ triết học lẫy lừng như Plato, Socrates, Aristotle thì cũng chỉ đề cập đến cái tận cùng kia qua sự diễn đạt rất giới hạn của trí khôn và cũng rất mông lung trìu tượng qua triết học. Đối với những khoa học gia nổi tiếng như Einstein, thì cũng chỉ đến thuyết “tương đối” là cùng. Như vậy có nghĩa là gì? Có nghĩa là trí khôn con người không có thể đo lường được cái vô cùng, hay vĩnh cửu. Điều này chỉ có Thượng Đế mới có câu trả lời và định nghĩa đầy đủ về vĩnh hằng, đời đời, và trường sinh. Vì Ngài vô cùng từ nguyên thủy. Ngài hiểu thế nào là vĩnh hằng, thế nào là đời đời, và thế nào là vĩnh cửu.

Gần đây, Nietzsche (1844-1900) đã lếu láo cấp giấy khai tử cho Thượng Đế khi tuyên bố “Thượng Đế đã chết”. Thế nhưng chưa thấy Ngài chết, mà Nietzsche thì đã ra người thiên cổ từ lâu rồi. Thượng Đế chưa chết, vĩnh hằng, đời đời, và trường cửu vẫn còn đó. Vũ trụ, trăng, sao, vẫn đều đều vận hành theo đúng chu kỳ và qui luật của thiên nhiên do Ngài sáng tạo. Khi tìm tài liệu để viết bài này, tôi đã vào thư viện và đọc một nghiên cứu về vũ trụ. Điều làm tôi ngạc nhiên rất nhiều là các nhà thiên văn học khi phải đo lường kích thước của vũ trụ đã phải dùng đến đơn vị là năm ánh sáng. Một năm ánh sáng thì đường dài của nó khủng khiếp đến như vô tận, vì chiều dài không gian của nó đo được 5.878.000.000.000 dặm. Thế mà khi nhìn từ đầu này đến đầu kia của một ngân hà gần nhất đối với trái đất, các thiên văn gia đã đo được khoảng cách là 10 triệu năm ánh sáng. Mười triệu năm ánh sáng cho một chiều dài của ngân hà, nhưng trong vũ trụ này lại có hàng tỉ, tỉ ngân hà. Chỉ duy cái nhìn sơ khởi như thế cũng đủ cho thấy cái vĩ đại, bao la của đời đời, và của vĩnh hằng, vì cái mà con người có thể đo đếm được mà đã không làm được, thì cái mà con người không thể đo đếm được sẽ mãi mãi là vĩnh hằng. Đến đây, ta chắc phải nhớ lại 2 câu thơ vừa cay cú vừa ngạo đời của một thi sĩ Việt Nam:

“Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười”.

Cái phù du của kiếp người nay còn mai mất, chỉ đo đếm trong vòng ba vạn, sáu ngàn ngày, thế mà đối với nhiều người đã tưởng chừng như thiên thu, nhưng có sánh gì với hai chữ vĩnh cửu, đời đời, hay vĩnh hằng. Đến đây thì triết học, tâm lý học, hay khoa học phải dừng lại và nhường bước cho niềm tin, cho tôn giáo, cho đạo đức để nói chuyện đời đời, chuyện vĩnh cửu, và chuyện trường sinh bất tận. Vì ngoài ý nghĩa của tôn giáo và qua cái nhìn tôn giáo, cả triết học, tâm lý học, hay khoa học cũng thất bại khi diễn tả hai chữ vĩnh cửu. Đã có ông hay bà triết gia, tâm lý gia, hay khoa học gia nào đến được vĩnh hằng rồi về lại trái đất mà viết thành sách đâu. Ngay cả Tông Đồ Phaolô, người cho mình đã lên đến tầng trời thứ ba, nhưng khi ông nói về điều này, thì cũng chỉ như một trẻ em ấp úng, với vài nét đan thanh như sau: “Mắt chưa hề xem, tai chưa hề nghe, lòng trí chưa hề tưởng tượng” (1 Cor 2:9).

Vì thế, khi trình bày về vĩnh hằng, về đời đời thì niềm tin là cốt lõi. Chỉ có niềm tin, chỉ có tôn giáo mới giải thích được vĩnh cửu, đời đời như thế nào. Thật vậy, các tôn giáo bao giờ cũng đề cao vĩnh cửu, và con đường các đạo giáo bao giờ cũng là con đường dẫn về vĩnh hằng. Vĩnh hằng, trường cửu trở thành một niềm mơ ước của kiếp người cho cả kẻ khổ sầu lẫn người hạnh phúc. Người đau khổ mong thoát khỏi cảnh lầm than mà đến nơi cực lạc. Người hạnh phúc mong sao cho niềm vui và hạnh phúc mình có kéo dài đến bất tận. Tóm lại, ai cũng mong được hạnh phúc, nhất là được đời đời hạnh phúc. Toma A’quinas, một triết gia và thần học gia bậc thầy của thế giới, đã diễn tả đời đời và trường cửu bằng một thí dụ rất đơn sơ nhưng cũng thâm thúy như sau:

Giữa tôi và bạn là hai người đang có những tư tưởng đối nghịch về đời đời. Tôi tin là có đời đời, còn bạn thì không tin. Nhưng mình hãy đánh cá với nhau về niềm tin ấy. Và nếu xẩy ra như những gì tôi và bạn đang tin tưởng, thì tôi sẽ có một đời đời hạnh phúc; còn bạn, bạn sẽ phải chịu một đời đời bất hạnh trong hỏa ngục.

Hãy cho rằng tôi là người thua cuộc trước. Vậy khi tôi thua bạn về niềm tin của mình, thì tôi thua bạn những gì, và bạn được tôi những gì. 100 năm hạnh phúc của trần gian thôi. Hãy cứ cho là tôi thua bạn 100 năm hạnh phúc trần gian, nhưng có phải là bạn không gặp đau khổ, buồn phiền, bệnh tật trong cái thời gian 100 năm ấy đâu. Và chắc chắn rằng bạn cũng không được hưởng tất cả những gì bạn muốn trong 100 năm ấy. Ngược lại, tôi cũng không phải là mất tất cả, và không bao giờ được hưởng một hạnh phúc nào trong suốt 100 năm.

Nhưng nếu tôi thắng, thì lúc ấy sự thay đổi sẽ là vô cùng khác nhau. Bạn hãy nhớ tới hai chữ đời đời, hoặc hai chữ vĩnh cửu. Như vậy thì tốt hơn là tôi tin. Tôi tin có vĩnh cửu, có đời đời bên kia thế giới.

Tư tưởng của Toma cho ta một suy tư về cuộc đời, về vĩnh hằng, và về giá trị cuộc sống của con người. Con người ngày nay, có lẽ phần đông đang muốn chối bỏ cái ý nghĩ vĩnh cửu để tự chôn bám vào cái tạm bợ của 100 năm trần thế. Nhưng như Toma đã phân tách, nào có được hưởng trọn vẹn và tuyệt đối cái hạnh phúc 100 năm ấy đâu, vậy sao đành bỏ mặc và không bao giờ nghĩ tới vĩnh cửu, nghĩ tới đời đời. Điều làm cho con người ngày nay không muốn nghĩ tới vĩnh cửu, nghĩ tới đời đời phải chăng vì họ đang bị cuốn hút vào cái mù mịt và độc hại của thứ văn minh sự chết như Đức Gioan Phaolô II đã từng cảnh cáo. Vậy ta hãy sống trọn vẹn với thân phận con người trong tâm tưởng và hành động hướng về chân, thiện, mỹ, và suy nghĩ để tìm gặp vĩnh hằng trong những giá trị thực tiễn của kiếp người.

 

 

 

 

Trường Sinh Vinh Phúc

 



Một Ước Mơ…

Có một điều không ai có thể chối cãi, dù là người chủ trương vô thần hay duy vật, đó là tự nhiên ai cũng sợ chết. Chính tâm trạng sợ chết nơi con người đã cho thấy, tận thâm tâm của mình, con người thực sự muốn được sống, hết sức muốn sống, một sự sống chẳng những trường sinh bất tử, mà còn là một sự sống phúc vinh vô tận, toàn hảo viên mãn nữa. Đó là lý do, thực tế cho thấy, cuộc đời con người thực sự là một cuộc tranh đấu liên lỉ, một cuộc tranh sống, một cuộc vượt qua sự chết mà vào sự sống, một cuộc tìm kiếm và chiếm đạt cho bằng được trường sinh vinh phúc. Chính ước vọng muốn được trường sinh vinh phúc này đã minh nhiên hay mặc nhiên chi phối, thúc đẩy và nâng đỡ con người hết sức kiên trì tranh đấu về mọi lãnh vực, nhất là lãnh vực luân lý khi họ còn sống trong thực trạng “đời là bể khổ” theo nhân sinh quan của Phật Giáo, hay trong thế gian được gọi là “thung lũng nước mắt” theo nhân sinh quan của Kitô Giáo. Thậm chí cho dù con người có đi tìm kiếm những gì là phản luân thường đạo lý và phi nhân bản đi nữa, những tâm tưởng và hành vi tội lỗi xấu xa tác hại của họ, ở một khía cạnh nào đó, cũng tỏ tường cho thấy là họ muốn đốt giai đoạn trong việc hoan hưởng hạnh phúc. Bởi thế, thực tế đã xẩy ra có những cuộc đổi đời, những vụ hoán cải về nguồn sau khi không thấy hạnh phúc chân thật nơi những gì con người nông nổi nhất thời hoan hưởng, những cuộc trở về với Chân Thiện Mỹ. Kể cả trường hợp con người tuyệt vọng đến tự tử đi nữa, cũng chứng tỏ con người khao khát và tìm kiếm hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật sự, một thứ hạnh phúc phản ảnh những gì là trường sinh bất diệt, một thứ hạnh phúc siêu việt họ không thể nào tìm được trong không gian, thời gian và nhân gian hữu hình và hữu hạn này.

Thế nhưng, vấn đề hết sức khẩn thiết và vô cùng quan trọng liên quan đến tất cả ý nghĩa và giá trị của đời sống con người trên trần gian được đặt ra ở đây là trường sinh có phải là một thực tại hay chăng, nói cách khác, có vấn đề trường sinh chăng, hay trường sinh chỉ là những gì do con người vì cảm thấy quá khổ hay vui ít khổ nhiều trên đời đã mơ tưởng vậy thôi? Nếu trường sinh quả là một thực tại thì phải chăng tất cả những gì loài người có tâm linh siêu việt tự nhiên tưởng nghĩ, ước mơ và tìm kiếm đều có thật, đều là sự thật?? Nếu tất cả những gì loài người mơ ước đều có thật, đều là sự thật thì phải chăng con người không cần phải vất vả và lang thang tìm kiếm đâu xa, cứ trở về với tâm linh của mình là thấy ngay thiên đường, là tới được niết bàn, là vào cõi sống trường sinh vinh phúc???

Thật vậy, từ khi lịch sử con người bắt đầu cho tới năm cùng tháng tận, không ai trong loài người đang sống trong thời gian và không gian như chúng ta đây lại có thể tận mắt chứng kiến thấy hay đụng chạm tới một thực tại mà ai trong họ cũng tự nhiên hướng về, hết sức khao khát, nỗ lực kiếm tìm và cho là trường sinh vinh phúc này. Chính không gian vũ trụ sờ sờ trước mắt đây mà con người vẫn còn chưa khám phá ra tất cả sự thật của nó, huồng hồ là thực tại siêu hình siêu việt trường sinh vinh phúc nếu có. Như con người, căn cứ vào thuyết tiến hóa của hóa chất trên trái đất, đã thắc mắc không biết ngoài hành tinh trái đất là hành tinh thứ ba cách mặt trời này có sự sống ở các hành tinh khác nữa chăng, nhất là ở hai hành tinh Kim Tinh và Hỏa Tinh: Kim Tinh hay Venus là hành tinh thứ hai cách mặt trời, và Hỏa Tinh hay Mars là hành tinh thứ tư cách mặt trời, tức hai hành tinh thuộc thái dương hệ gần hành tinh trái đất của con người nhất. Cho dù những cuộc thám hiểm không gian của Hoa Kỳ và Nga Sô vào thập niên 1960 cho thấy hành tinh Venus không có sự sống, cũng như qua cuộc thám hiểm không gian của Hoa Kỳ bằng phi thuyền Viking I và Viking II năm 1976 cho thấy hành tinh Mars cũng không có sự sống, các chuyên viên sinh chất không gian (exobiologist) vẫn phỏng đoán rằng sự sống có thể hiện hữu ở nhiều tinh tú ngoài thái dương hệ của loài người chúng ta đây, nhưng vì quá xa xôi chúng ta không tới được nên không biết chắc đó thôi. Vì không biết được tất cả sự thật về không gian hữu hình và hữu hạn ngay trước mắt mình như thế mà thậm chí đã có những lần con người bị lầm lẫn hết sức tai hại, chứng tỏ con người quê mùa khờ khạo chẳng khác gì như đám người mù rủ nhau sờ voi để định nghĩa về voi, điển hình nhất là thuyết mặt trời quay chung quanh trái đất ngày xưa hoàn toàn phản khoa học, phản với những gì khám phá thấy thuyết trái đất quay chung quanh mặt trời ngày nay. Con người đã lầm lẫn về thuyết không gian này gần 2 ngàn năm, từ thời của nhà thiên văn học Ptolemy chủ trương thuyết nhân trung (homocentric) ở vào thế kỷ 150 trước công nguyên cho tới thế kỷ 16, thời được nhà thiên văn Nicolaus Copernicus ở Balan tung ra tác phẩm vào năm 1543 mang tựa đề Về Những Chuyển Động Trên Các Thiên Cơ (On the Revolutions of the Heavenly Spheres).

… Một Thực Tại

Phải, như trên đã nhận định, “chính không gian vũ trụ sờ sờ trước mắt đây mà con người vẫn còn chưa khám phá ra tất cả sự thật của nó, huồng hồ là thực tại siêu hình siêu việt trường sinh vinh phúc nếu có”. Thế nhưng, cũng chính vì trường sinh vinh phúc chẳng những là đối tượng của tâm linh con người tự nhiên mà còn là thực tại của niềm tin nơi con người đạo nghĩa nữa mà con người tự nhiên không thể với tới. Tuy nhiên, dù siêu việt, thực tại trường sinh vinh phúc vẫn có thể biết được bằng lý trí tự nhiên của con người, ít là về sự hiện hữu của thực tại này cũng như về mặt trái chân dung của nó. Thật vậy, vấn đề then chốt ở đây là sự sống. Nói đến trường sinh chính là nói đến sự sống. Mà sự sống, tự bản chất của nó, là một thực tại chứ không phải là một hiện tượng, tức không phải là những gì thay đổi và qua đi như hiện tượng, song bất biến và bất diệt. Đó là lý do không ai có thể tận diệt sự sống. Dù con người ta từ khi có luật phá thai đến giờ, như hằng năm tại Hoa Kỳ có một triệu rưỡi vụ đi nữa, cũng không tận diệt được sự sống. Sự sống chỉ không còn tồn tại nơi sinh vật khi hết thời của sinh vật ấy mà thôi. Cá thể sinh vật nào đó có qua đi thì sự sống vẫn cứ tiếp tục hiện diện nơi loài sinh vật của nó cũng như ở các loài sinh vật khác. Thậm chí cho dù tất cả mọi sinh vật trong thiên nhiên vũ trụ này có qua đi, như sẽ xẩy ra vào thời điểm được đức tin Kitô Giáo coi là tận thế chăng nữa, sự sống vẫn tồn tại. Nói cách khác, tự mình, sự sống không bao giờ cùng, không bao giờ chết; chết chỉ xẩy ra nơi cơ cấu, nơi xác chất của sinh vật mà thôi.

Điều cần phân biệt rất quan trọng ở đây nữa là “sự sống” khác với “sinh động”, “sống động” hay “sống”. “Sinh động”, “sống động” hay “sống” chỉ là tác động của sự sống chứ không phải là chính sự sống. Bởi thế, dù sinh vật không còn sống, tức không còn sinh động, không còn sống động, qua những tác động của nó, như tuân theo định luật tự nhiên nơi loài thực vật có sinh hồn, hay tuân theo bản năng tự nhiên nơi loại động vật có giác hồn, hoặc tuân theo lý trí lương tri nơi loài nhân vật có linh hồn, sự sống vẫn tồn tại, vẫn là một thực tại bất biến. Đó là lý do, “sống”, “sống động” hay “sinh động”, được thể hiện rõ ràng nhất qua trạng thái hay tiến trình phát triển, cũng chỉ là hiện tượng chứ tự chúng không phải là thực tại bất biến như chính sự sống. Nói cách khác, “sống động” là dấu hiệu của thực tại sự sống, cho thấy sinh vật còn “sự sống”, hoàn toàn trái lại với tình trạng tuyệt đối bất động là dấu hiệu của sự chết nơi sinh vật, dấu hiệu cho thấy sinh vật hoàn toàn và vĩnh viễn không còn biết gì nữa, tức không còn hồn sống nữa.

Phải, cái hồn nơi mỗi loài sinh vật chính là nguyên lý sống của chúng. Vì nhờ cái hồn ấy, sinh vật mới biết sinh động và tác động theo bản tính của mình. Chết là tình trạng hồn lìa xác. Mất sinh hồn, cây cỏ không biết hút nhựa nữa, tự nhiên chết đi. Mất giác hồn, con vật không biết sống để mà ăn nữa, tự nhiên chết đi. Mất linh hồn, con người không biết ăn để mà sống nữa, cũng tự nhiên chết đi. Như thế, cái hồn sống vô hình nơi sinh vật đây, dù tự mình không phải là chính sự sống, nó cũng là nguyên lý sống động nơi sinh vật. Và chính vì hồn sống nơi sinh vật là nguyên lý sống động của sinh vật mà hồn sống này có một liên hệ mật thiết với thực tại sự sống.

Đúng thế, cái hồn làm cho sinh vật sống đây không là gì khác ngoài tác động biết của sinh vật và nơi sinh vật. Ở chỗ, sinh vật biết sống động theo bản tính của mình, tức là biết tuân theo những định luật thiên nhiên để có thể sinh tồn, phát triển và truyền giống, bằng không, một khi đi trái với định luật thiên nhiên, hay làm gì quá sức tự nhiên (cũng là tác động trái với định luật tự nhiên nơi bản thân mình), sinh vật sẽ chết đi, không tồn tại nữa. Như thế, một khi sinh vật mất đi hồn sống, hay mất đi yếu tố làm cho sinh vật trực tiếp gắn liền với thực tại sự sống là sinh vật chết. Hồn sống thực sự chính là yếu tố hay khả năng làm cho sinh vật có thể trực tiếp gắn liền với thực tại sự sống, một thực tại trước hết được hiện thân qua các định luật tự nhiên, một thứ định luật chi phối tất cả mọi sự nói chung, kể cả thời gian và không gian hầu như vô cùng bất tận, và sinh vật nói riêng, nhất là loài người. Chính vì định luật tự nhiên là hiện thân của thực tại sự sống bất biến mà định luật tự nhiên này phải có ngay từ ban đầu, có trước hết mọi sự, thậm chí có trước cả thời gian, để chi phối tất cả mọi sự. Đó là lý do, hiện tượng big bang từng bừng khai trương của thiên nhiên vũ trụ vạn vật ngay từ tích tắc đầu tiên của thời gian, nếu có, cũng chỉ xẩy ra theo định luật tự nhiên. Nguồn gốc sự sống, một nguồn gốc theo khoa học tìm hiểu vào thập niên 1920 cho biết sự sống được bắt đầu hình thành từ phản ứng tự nhiên của hóa chất dưới ảnh hưởng của nhiệt năng trong trời đất, cũng không ngoại lệ, tức cũng xẩy ra theo định luật tự nhiên.

Một Thần Linh…

Thế nhưng, vấn đề cần phải giải quyết ở đây là cái định luật tự nhiên tối hậu này, cái định luật tự nhiên chi phối tất cả mọi sự này, cái định luật tự nhiên có trước cả thời gian này, bởi đâu mà có, nếu không phải nó phát xuất từ Nguyên Lý Đệ Nhất hay phản ảnh Sự Thật Tuyệt Đối cũng được gọi là Thực Tại Thần Linh. Tất cả mọi sự trong thiên nhiên tạo vật, từ đại không gian đến tiểu vũ trụ, được hình thành và xuất hiện trong thời gian vào đúng thời điểm của chúng, với tất cả những đặc thù của từng loài tùy vật, nhưng tất cả lại hoàn toàn liên hệ với nhau và liên thuộc vào nhau một cách lạ lùng khôn tả, trước mắt của những tấm lòng thành tâm tìm kiếm chân thiện mỹ, đều là những dấu chứng hiển nhiên và sống động cho thấy có một Đấng Tối Cao, một Đấng Toàn Tri khôn ngoan thông biết mọi sự, một Đấng Toàn Năng có thể làm được tất cả mọi sự, và một Đấng Toàn Hảo vô cùng viên mãn chỉ biết thông ban chứ không nhận lãnh. Đấng Tối Cao vô cùng toàn tri, toàn năng và toàn hảo này, theo Thánh Kinh Do Thái Giáo, tự xưng mình là Đấng Có, Đấng Hiện Hữu (xem Sách Xuất Ai Cập 3:14). Tức Ngài là Hữu Thể Đệ Nhất, tự mình mà có, không ai dựng nên Ngài. Vì là Đấng Tự Hữu, nên Ngài cũng Thuần Hữu, vô thủy vô chung, và Toàn Hữu, tự mình viên mãn. Vậy nếu hoàn toàn viên mãn và vô cùng trọn hảo như thế Đấng Tối Cao này lại còn dựng nên trời đất muôn vật, nhất là dựng nên loài người trong không gian vũ trụ đây làm gì, nếu không phải Đấng Tối Cao này còn cảm thấy thiếu thốn một cái gì đó ư? Chẳng hạn Ngài còn cảm thấy cần phải được loài người linh ư vạn vật nhận biết. Ngoài ra, nếu Ngài là Đấng Toàn Tri, Toàn Năng và Toàn Thiện thì làm sao lại có sự dữ xẩy ra nơi những gì Ngài làm, đặc biệt xẩy ra cho con người, đến nỗi đã khiến họ phải thốt lên “ông trời không có mắt”, “trời ơi là trời” v.v.

Quả thực, theo đức tin Kitô Giáo, con người được dựng nên là để nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, Đấng vô cùng toàn thiện, được thể hiện qua việc Ngài chẳng những đã dựng nên con người mà còn quan phòng gìn giữ từng người, cứu chuộc và thần linh hóa con người nữa, tức làm cho con người nên giống Ngài, được hoàn toàn hiệp thông với Ngài. Việc sự dữ xẩy ra cho con người cũng là những gì Thiên Chúa quan phòng để xẩy ra, nhờ đó, sự dữ trở thành khí cụ Thiên Chúa lợi dụng để cứu độ và thánh hóa con người, làm cho con người được siêu thoát ở đời này và được tận hiệp với Ngài ở đời sau. Đó là lý do Thập Giá chính là biểu hiệu cứu độ của Kitô Giáo. Trước mắt thế gian, Thập Giá là một thảm bại và ô nhục, và trong thời đế quốc Rôma xưa, Thập Giá là biểu hiệu cho tộỉi lỗi và sự chết, thế nhưng, chính vì toàn tri, toàn năng và toàn thiện, Thiên Chúa đã dùng chính những gì xấu dữ nhất ấy để làm ích cho con người, biến nó thành nguồn phát sinh ân sủng và sự sống.

Dân Do Thái đã cảm thấy rất rõ đường lối cứu chuộc này của Thiên Chúa Giavê qua suốt giòng Lịch Sử Cứu Độ của họ. Ở chỗ, mỗi lần họ bỏ Ngài là Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ, Vị Thiên Chúa đã tỏ mình cho tổ phụ cha ông họ, Vị Thiên Chúa đã hứa ban mảnh đất Palestine hiện nay cho họ, và quả thực Ngài đã dùng Moisen để giải thoát họ khỏi cảnh làm tôi Ai Cập cho đến khi đưa họ vào tới mảnh đất hứa, Thiên Chúa đã luôn dùng sự dữ chính trị là để họ bị thù địch khống chế, cho đến khi họ ăn năn thống hối quay về nhận biết kêu xin Ngài thì Ngài ra tay cứu họ. Bởi thế, đối với dân Do Thái, Vị Thiên Chúa Giao Ước, Thiên Chúa Chân Thật Duy Nhất, Thiên Chúa Toàn Năng Toàn Thiện của họ phải là Đấng Cứu Độ. Cho đến nay, họ vẫn trông đợi một Đấng Thiên Sai, một Vị Cứu Thế. Rất tiếc, họ không công nhận Đấng Thiên Sai là Giêsu Kitô, Vị Sáng Lập Kitô Giáo, vì Đấng này chỉ là một con người như họ, nhưng lại là một con người lộng ngôn phạm thượng, ở chỗ, là loài người mà lại dám cả gan cho mình ngang hàng với Thiên Chúa toàn năng, nhưng cuối cùng khi con người huyênh hoang ngạo nghễ này bị đế quốc Rôma đóng đanh vào thập giá lại không thể xuống khỏi thập giá, mà nếu không thể tự cứu được mình thì còn cứu ai được, còn làm Đấng Cứu Thế được hay sao?

Thế nhưng, sự kiện thực tế lại xẩy ra là, trong khi đế quốc Rôma đã nhúng tay vào việc đóng đanh nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét thời tổng trấn Philatô ở Giuđêa đã sụp đổ vào thế kỷ thứ 5 (bên phía Tây) và 15 (bên phía Đông), và trong khi dân Do Thái, qua hàng lãnh đạo của họ thời bấy giờ, đã tìm cách triệt hạ Vị Giáo Tổ Kitô Giáo này cho bằng được, đã bị quân đế quốc Rôma đến tàn phá và bắt đầu bị phân tán khắp thế giới từ năm 70, thì Kitô Giáo lại càng ngày càng phát triển tới tận cùng trái đất, đến nỗi, càng bị bắt bớ tử đạo từ ban đầu cho tới nay, ở khắp nơi trên thế giới, Kitô Giáo chẳng những không bị tiêu diệt, trái lại, càng phát triển và góp phần vào việc canh tân bộ mặt trái đất theo tinh thần của Vị Sáng Lập, một tinh thần phục vụ không hưởng thụ, điển hình nhất qua đủ mọi hoạt động bác ái xã hội, một tinh thần yêu thương thứ tha, điển hình nhất qua những cuộc tử đạo chẳng những để làm chứng cho đức tin mà còn để bênh vực công lý và hòa bình cho con người.

… Một Tinh Thần


Phải, theo Kitô Giáo, tất cả mọi sự sẽ qua đi, nhưng tình yêu sẽ không bao giờ qua đi, trái lại, nó sẽ vô cùng bất tận như chính Thiên Chúa được Thánh Kinh của họ định nghĩa là Tình Yêu (xem Thư 1 của Gioan 4:8,16). Thật vậy, nếu sự sống chỉ thấy được qua việc phát triển của sinh vật và được thể hiện nơi tấm vóc thành toàn của nó theo bản tính của mỗi loài sinh vật thế nào, thì sự sống nơi loài linh ư vạn vật là con người cũng được phát triển và đạt đến tầm vóc thành toàn của mình nơi một con người có một tình yêu trọn hảo như vậy. Tình yêu trọn hảo chính là tầm vóc trọn hảo của thực tại sự sống, là chính sự sống hiện thân, vì tình yêu mạnh hơn sự chết và bất biến như sự sống. Thế nhưng, trong tất cả mọi sinh vật hiện hữu ở thời gian và không gian này tình yêu chỉ hiện hữu nơi duy loài người, vì họ có hồn thiêng, với một tâm linh biết ý thức và tự do chọn lựa. Như thế, tâm linh con người chính là mầm mống trường sinh nơi con người, một mầm mống sẽ triển nở trong thời gian và không gian bằng những tác động yêu thương chân chính và trọn hảo của họ, một thứ tình yêu trọn hảo đến độ khiến con người có thể thắng vượt mọi sự dữ, kể cả hận thù và sự chết, một tình yêu biến đổi con người trở thành đại đồng (universal), trở thành tất cả, trở thành mọi sự cho mọi người.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, theo bản tính tự nhiên, con người không thể nào có một tình yêu trọn hảo này, nhờ đó có thể đạt đến tầm vóc thành nhân của mình được, tức đạt đến trường sinh vinh phúc. Đó là lý do, chính Tình Yêu đã hóa thân làm người, qua việc Thiên Chúa là Thần Linh nhập thể, một biến cố được Kitô Giáo long trọng cử hành hằng năm vào ngày Lễ Giáng Sinh, để qua bản tính loài người của Ngài giống như họ, con người có thể được thông hiệp với Thần Tính vô cùng trọn hảo và viên mãn của Ngài. Thật thế, với bản tính loài người, Vị Thiên Chúa Nhập Thể nơi con người Giêsu Nazarét tỏ cho họ biết Tình Yêu trọn hảo phải như thế nào, ở chỗ chẳng những đã trở nên bình đẳng với người yêu là con người tạo sinh vô cùng thấp hèn qua việc Nhập Thể hóa thân làm người, mà còn hiến mạng sống mình cho con người tội lỗi xấu xa nữa, qua việc Ngài Tử Nạn trên Thập Giá, một biến cố được Kitô Giáo hết sức long trọng cử hành vào dịp Lễ Phục Sinh hằng năm. Đó là lý do, theo kinh nghiệm tâm lý và bản chất yêu thương, bất cứ khi nào con người yêu nhau không coi nhau như bản thân mình và không hy sinh cho nhau đến tận cùng, họ sẽ không bao giờ có thể nên một với nhau, không bao giờ có thể đạt đến tầm vóc thành toàn của mình, trái lại, họ sẽ luôn ở trong tình trạng bất toàn và bất hạnh, thậm chí đi đến chỗ chia rẽ là chết, như hiện nay đang xẩy ra nơi hiện tượng ly dị và phá thai, kể cả nơi lãnh vực chính trị có tính cách tân thực dân theo chiều hướng của một thứ văn hóa sự chết.

Như thế, để có thể đạt đến tầm vóc thành nhân của mình là tình yêu trọn hảo, con người cần sống Tinh Thần của Vị Thiên Chúa Làm Người nơi Con Người Giêsu Nazarét, một Con Người chẳng những là chính thực tại Sự Sống hiện thân, mà còn là Đạo Lộ dẫn con người đi vào cõi trường sinh vinh phúc nữa. Nếu Con Người lịch sử Giêsu Nazarét chính là nơi gặp gỡ giữa vĩnh hằng và thời gian, giữa Thần Linh và nhân gian như thế, thì có thể khẳng định là trong cả không gian vũ trụ bao la hầu như vô tận này, chỉ có trái đất mới có con người và bởi thế, tất cả thiên nhiên tạo vật hữu hình và hữu hạn này, kể cả không gian và thời gian là môi trường sống của con người, cũng chỉ được tham hưởng trường sinh vinh phúc ở một cấp độ nào đó với con người, nơi con người và nhờ con người, một loài duy nhất có hồn thiêng là mầm mống bất tử và có khả năng tâm linh giao tiếp với Thần Linh và được Thần Linh Hóa để trở thành toàn hào và bất biến như Ngài là Thần Linh. Vậy, là phản ảnh Thần Linh, qua hồn thiêng có tâm linh ý thức và tự do của mình, con người chỉ có thể trở thành Thần Linh nơi Con Người Giêsu Nazarét bằng một Tình Yêu Trọn Hảo mà thôi.

Tóm lại, chỉ có con người nào được Tình Yêu Trọn Lành, một tình yêu viên mãn sự sống, bất biến và toàn năng có thể thắng vượt tất cả mọi sự dữ lẫn sự chết này chiếm đoạt và điều khiển, là họ được siêu thoát và được tận hiệp với Thực Tại Thần Linh, với Thiên Chúa Toàn Thiện, được thực sự nếm hưởng sự sống trường sinh vinh phúc ngay ở đời này. Đó là lý do, Thánh Kinh Kitô Giáo, qua cảnh chung thẩm trong ngày tận thế, đã mạc khải cho biết con người chỉ được hưởng cõi phúc trường sinh khi có một đức bác ái trọn hảo (xem Phúc Âm Mathêu 25:31-46). Đối với thành phần Kitô hữu thực sự sống đức ái trọn hảo này, điển hình là một Têrêsa Calcutta của hậu bán thế kỷ 20, hay thành phần thiện chí đang thực sự thành tâm nỗ lực tìm kiếm đức ái trọn hảo này, bằng những hành động từ bi hỉ xả, bằng những việc cứu nhân độ thế, bằng những hoạt động tề gia trị quốc bình thiên hạ để mang lại công lý và hòa bình cho đại gia đình nhân loại, thì cái chết chính là cửa ngõ để họ, sau một kiếp đời nỗ lực sống trọn ơn gọi làm người, vĩnh viễn đi vào cõi phúc trường sinh là Thực Tại Thần Linh Toàn Chân, Toàn Thiện và Toàn Mỹ!


 


Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh, BVL
(Bài chia sẻ cho buổi phát thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 58, 23/2/2003)