ƠN GỌI LÀM NGƯỜI

Con người có ơn gọi hay chăng?
Nếu không: tại sao không? Nếu có, làm sao biết được?
Nếu con người quả thực có ơn gọi thì Ơn Gọi của con người là gì?
Làm sao con người có thể đạt được Ơn Gọi Làm Người của mình?
Nếu không đạt được Ơn Gọi Làm Người của mình
thì thân phận hay số phận con người sẽ ra sao?



1. Con người có ơn gọi hay chăng? Nếu không: tại sao không? Nếu có, làm sao biết được?

Mọi sự hiện hữu đều có mục đích và sứ vụ của mình. Bầu sáng nóng mặt trời hiện hữu là để chiếu soi và tỏa nhiệt. Nước hiện hữu là để dinh dưỡng và thanh tẩy. Cả nước lẫn mặt trời hiện hữu là để giúp cho sự sống có thể nẩy nở, phát triển và sinh hoạt. Ánh sáng sẽ mất hết ý nghĩa nếu không xua tan tăm tối. Muối sẽ chẳng còn lý do tồn tại nếu mất đi bản chất mặn mà. Nếu loài vô tri hiện hữu còn có mục đích và sứ vụ của mình như thế, thì con người là loài có lý trí hiện hữu lại càng phải có mục đích và sứ vụ của mình hơn bất cứ một hữu thể nào trong vũ trụ này, hơn bất cứ một loài sinh vật nào trên mặt đất này. Với khả năng hiểu biết của lý trí, cũng như với cảm nhận của tâm linh, mục đích và sứ vụ làm người chính là ơn gọi của con người. Càng tăng trưởng về thể lý và tâm lý, con người càng nhận ra Ơn Gọi Làm Người của mình, và càng cảm thấy rằng mình chẳng những có một Ơn Gọi Làm Người phổ quát chung cho tất cả mọi người, mà còn có một Ơn Gọi Làm Người chuyên biệt riêng tư của bản thân mình nữa. Nếu không nhận ra Ơn Gọi Làm Người của mình, hay không sống theo Ơn Gọi Làm Người của mình, con người chẳng khác nào như một hành tinh lạc loài bay ngoài quĩ đạo của mình, mất hút vào không gian vô tận.

Như thế, đã là một loài “linh ư vạn vật” sống trên trần gian này, hết mọi người đều có ơn gọi, đều nhận ra và hướng về Ơn Gọi Làm Người này bàèng tâm linh của mình.

Thật vậy, tâm linh của con người đã không nhận ra Ơn Gọi Làm Người của mình là gì, khi họ cảm thấy, cho dù không được giáo dục hay học hành gì đi nữa, tận thâm tâm của họ có một tiếng nói linh thiêng đầy uy quyền và mãnh lực dạy họ phải làm lành lánh dữ. Dạy họ lánh dữ ở chỗ không được trộm cắp giết người, không được sống theo đam mê nhục dục, không được gian dâm ngoại tình, không được bất chấp thủ đoạn, không được đối xử với người khác những gì mình không muốn người khác đối xử với mình. Trái lại, dạy họ làm lành ở chỗ, hãy làm cho người những gì mình muốn họ làm cho mình, hãy ái nhân như kỷ, yêu người như thể thương thân, hãy làm phúc bố thí, lá lành đùm lá rách, hãy xả kỷ vị tha, một nhịn chín lành v.v. Thế nhưng, thực tế cho thấy, con người thường lại xu hướng về việc làm dữ lánh lành hơn là làm lành lánh dữ. Tuy nhiên, chính cái mặc cảm tội lỗi khi làm dữ lánh lành cũng là một dấu chứng hùng hồn nhất cho thấy con người được kêu gọi sống Ơn Gọi Làm Người, chứ không phải sống như loài cầm thú, sống theo luật rừng, mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé, sống theo bản năng sinh tồn, “sống để mà ăn” chứ không phải “ăn để mà sống”. Nói chung, loài người đã thực sự ý thức được Ơn Gọi Làm Người của mình. Nếu văn hóa là chủ trương làm người và là đường lối làm người của con người, được thể hiện hay tỏ ra qua những cử chỉ giao tế, qua cách ăn cách mặc, qua những tục lệ luật phép, qua những văn học nghệ thuật, qua những kỹ thuật phát minh v.v. thì văn hóa quả thực là những gì cho thấy con người thực sự đã và đang hết sức cố gắng sống xứng đáng với Ơn Gọi Làm Người cao quí và trọng đại của mình.

Như thế, nhờ tâm linh, con người đã nhận ra Ơn Gọi Làm Người của mình, và con người sống Ơn Gọi Làm Người của mình theo lương tâm, không ngừng thể hiện Ơn Gọi Làm Người của mình nơi văn hóa.

2. Nếu con người quả thực có ơn gọi thì Ơn Gọi của con người là gì?

Nếu ơn gọi của con người là Ơn Gọi Làm Người thì “Làm Người” chính là ơn gọi của con người. Tức là, làm gì thì làm, trước tiên và trên hết, con người cũng phải Làm Người đã, bằng không, mọi việc con người làm sẽ mất hết ý nghĩa và giá trị nhân bản chân chính của nó. Chẳng hạn, trong việc ăn uống, con người cũng phải Làm Người mà ăn, chứ không phải ăn uống theo kiểu cầm thú, ăn cho đã thèm, ăn ngấu ăn nghiến, ăn không cho người khác ăn, “bay chết mặc bay”, ăn cả phần của người khác, đến nỗi đi đến chỗ giết nhau vì miếng ăn, thậm chí ăn thịt của nhau khi đói quá không còn gì để ăn, như đã từng xẩy ra giữa thuyền nhân Việt Nam với nhau v.v. Thế nhưng, “Người” đây là gì? Phải chăng “Người” chỉ là một loài “linh ư vạn vật”, và vì thế, con người sống Ơn Gọi Làm Người của mình là con người chỉ cần sống khác với loài hoang thú hay cầm thú, sống vượt trên con vật, chẳng hạn như trong việc ăn uống trên đây, là đủ, là đã sống trọn Ơn Gọi Làm Người của mình?

Rất tiếc, thực tế phũ phàng cho thấy, chính vì con người “linh ư vạn vật”, có lý trí, biết suy tư và tinh khôn mà nhiều lúc con người đã trở nên vô cùng hiểm ác, độc hại và dữ dằn hơn loài hoang thú, đến nỗi mất cả tính người, hành động còn thua loài vật. Không phải hay sao, trong khi con vật chỉ tìm đến với nhau theo giống đực cái, thì con người văn minh lại cho nhau quyền đồng tính hôn nhân và làm tình với nhau, như trào lưu đồng tính luyến ái ngày nay, hay trong khi con vật chỉ liên hệ xác thịt với nhau để truyền sinh, thì con người lại theo đam mê nhục dục mù quáng của mình đã đi đến chỗ hiếp nhau rồi phũ phàng giết chết nạn nhân, như nạn hải tặc Thái Lan đối với thuyền nhân Việt Nam trong thập niên 1980? Không phải hay sao, trong khi con vật chỉ ăn tươi nuốt sống nhau khi đói, hay có những phản ứng sát hại khi cần phải tự vệ, thì con người lại theo lòng tham lam vô độ hay hận thù ghen ghét nhau đã đi đến chỗ tàn sát nhau, tru diệt cả một dân tộc của nhau, như Hitler và Đức Quốc Xã đối với dân tộc Do Thái trong Thế Chiến Thứ Hai? Không phải hay sao, trong khi con vật sinh con đẻ cái và hết sức bênh vực cho con cái của chúng, thì con người lại đi bán con, sát hại con ngay trong lòng mình, như hiện tượng phá thai từ thập niên 1970 đến nay cho thấy?

Vẫn biết cái làm cho con người khác với con vật và vượt trên con vật là ở lý trí của họ, khả năng giúp con biết suy tư, phán đoán và nhận thức, để nhờ đó họ có thể đạt được Ơn Gọi Làm Người của mình, nhưng không phải bất cứ việc gì con người làm theo lý trí đều là những việc họ làm theo Ơn Gọi Làm Người của họ. Chẳng hạn, có thời, như thời triết lý Hy Lạp trước Công Nguyên mấy trăm năm, con người đã thần tượng lý trí đến nỗi tỏ ra khinh thường tất cả những gì là xác thể tầm thường, coi đàn bà như hạng thứ yếu trong xã hội, coi việc chân tay lao động là của thành phần đầy tớ nô lệ, và coi những người thiếu trí thức là thành phần hạ lưu, hèn hạ, đáng khinh. Ngược lại, cũng có thời, như thời Minh Tri ở thế kỷ 17, thời sau cuộc cách mạng tôn giáo ở thế kỷ 16, và trước cuộc cách mạng kỹ nghệ ở thế kỷ 18, con người lại quay ra tôn sùng lý trí, đến nỗi đi đến chỗ duy lý, phủ nhận tất cả những gì là linh thiêng, chỉ tin vào những gì mình nghĩ, coi mình là “duy ngã độc tôn”. Để rồi, lịch sử đã cho thấy những gì xẩy ra, nếu không phải một chủ nghĩa Cộng Sản xuất hiện vào giữa thế kỷ 19, hai cuộc Thế Chiến I và II xẩy ra vào tiền bán thế kỷ 20, và sau đó cả một trận cuồng phong khủng hoảng ý hệ nổi lên, từ hậu bán thế kỷ 20 cho tới nay, tàn phá văn hóa của loài người, nhất là truyền thống gia đình và thực tại sự sống.

Như thế, nếu tất cả những gì phi nhân bản, nghịch với con người, như thái độ kỳ thị, quyền đồng tính luyến ái, việc tạo thai ngoại nhiên v.v. đều là những gì xấu xa, hay tất cả những gì phản nhân bản, phạm đến con người, như quyền phá thai, quyền trợ tử nhân đạo v.v. đều là những gì tội lội, thì tất cả những gì phù hợp với nhân bản, như tôn trọng phẩm vị và quyền lợi của con người, và thăng tiến nhân bản, như phục vụ và đáp ứng nhu cầu của con người, đều là những gì thể hiện và hoàn trọn Ơn Gọi Làm Người.

3. Làm sao con người có thể đạt được Ơn Gọi Làm Người của mình?

Nếu “tất cả những gì phù hợp với nhân bản, như tôn trọng phẩm vị và quyền lợi của con người, và thăng tiến nhân bản, như phục vụ và đáp ứng nhu cầu của con người, đều là những gì thể hiện và hoàn trọn Ơn Gọi Làm Người”, thì quả thực Ơn Gọi Làm Người chính là Sống Yêu Thương, là Hiệp Nhất Nên Một với tất cả mọi người.

Thật vậy, con người trọn lành nhất chính là con người có một tình yêu tuyệt hảo, dù họ có xấu xí về dung mạo, có bần cùng về vật chất, có hạ lưu trong xã hội, có kiến thức thật tối thiểu và tài năng thật vụng về. Thế nhung, chính tình yêu tuyệt hảo mới biến đổi diện mạo xấu xí của họ thành một chân dung con người sắc nét nhất và sống động nhất in sâu trong tâm trí của con người. Chính tình yêu làm cho hoàn cảnh bần cùng về vật chất của họ nên phong phú về tinh thần, viên mãn đến nỗi họ có thể cho đi hơn nhận lãnh, và cho đi tất cả những gì mình có, thậm chí, nếu cần cả mạng sống mình cho đồng loại. Chính tình yêu làm cho thân phận hạ lưu trong xã hội của họ trở thành thượng lưu trong lòng cảm mến, kính phục và ngưỡng mộ của con người. Chính tình yêu làm cho kiến thức tối thiểu của họ trở thành tinh khôn trong việc họ tự nhiên có thể thấu suốt được ước vọng của lòng người, và tài năng vụng về của họ trở nên lanh lợi trong việc họ kịp thời đáp ứng những nhu cầu thực tiễn của tha nhân.

Thế nhưng, không phải con người khi vừa được sinh vào đời là có tình yêu tuyệt hảo ngay, nghĩa là đã đạt được Ơn Gọi Làm Người ngay. Kinh nghiệm cho thấy, nếu cuộc đời của con người trên trần gian này là một hành trình đi tìm hạnh phúc, và nếu con người nhờ tâm linh mới có thể từ từ nhận ra Ơn Gọi Làm Người của mình, thì, để lên đến tuyệt đỉnh của tình yêu, để đạt đến tuyệt đỉnh hạnh phúc, đạt đến tuyệt đỉnh Ơn Gọi Làm Người của mình, con người cần phải hết sức nỗ lực hy sinh bỏ mình, đến nỗi, họ không còn sống cho chính mình nữa, mà là sống cho tha nhân, là trở nên mọi sự cho mọi người, là trở nên một con người quốc tế, một con người của mọi người và cho mọi người. Như thế, chính khi con người bỏ mình đi là họ gặp lại bản thân của họ, một bản thân bấy giờ không còn là một tiểu ngã nữa, mà là một Đại Ngã, tầm vóc của một con người thành toàn. Họ như một hạt lúa miến mục nát đi trong lòng đất, lòng đời, nhưng nhờ đó họ mới được biến hình, được biến từ một hạt mầm bé nhỏ ẩn thân kín đáo thành một cây lúa vươn cao, vươn lên trên khỏi mặt đất và trổ sinh muôn vàn hoa trái.

Vậy, để có thể đạt được Ơn Gọi Làm Người của mình là Sống Yêu Thương, là Hiệp Nhất Nên Một với tất cả mọi người, con người cần phải thực hiện một cuộc Vượt Qua, vượt qua sự chết là tất cả những gì phi nhân bản và phản nhân bản mà vào sự sống là yêu thương và hiệp nhất. Kinh nghiệm cho thấy, sông ngòi tuôn ra biển cả thế nào, thì để tiểu ngã trở thành Đại Ngã, để đạt tới Ơn Gọi Làm Người phổ quát này, con người cần phải chu toàn Ơn Gọi Làm Người cá biệt của mình. Chính Ơn Gọi Làm Người cá biệt này chẳng khác gì như những con sông tiểu ngã tuôn chảy ra biển cả Đại Ngã vậy. Thế nên, chính lúc con người chu toàn Ơn Gọi Làm Người cá biệt tiểu ngã của mình là lúc họ đạt đến Ơn Gọi Làm Người phổ quát đại đồng của nhân loại vậy. Bởi vì, Ơn Gọi Làm Người Đại Ngã đã bao gồm tất cả mọi Ơn Gọi Làm Người tiểu ngã, như Ơn Gọi Làm Người Nam hay Nữ, Ơn Gọi Làm Người Vợ hay Chồng, Ơn Gọi Làm Người Cha Mẹ hay Con Cái, Ơn Gọi Làm Người Việt Nam hay Hoa Kỳ, Ơn Gọi Làm Người Da Trắng hay Da Đen, Ơn Gọi Làm Người Bác Sĩ hay Bệnh Nhân, Làm Người Luật Sư hay Bị Cáo, Làm Người Giáo Sư hay Học Sinh, Làm Người Chính Khách hay Dân Gian, Làm Người Nhạc Sĩ hay Ca Sĩ, Làm Người Thương Gia hay Khách Hàng, Làm Người Trí Thức hay Quê Mùa, Làm Người Chủ hay Thợ, Làm Người Tu Hành hay Tín Đồ, Làm Người Lành Mạnh hay Tật Nguyền, Làm Người Phật Giáo hay Ấn Giáo, Hồi Giáo hay Tây Phương, Khổng Giáo hay Lão Giáo, Kitô Giáo hay Do Thái Giáo v.v.

4. Nếu không đạt được Ơn Gọi Làm Người của mình thì thân phận hay số phận con người sẽ ra sao?

Nếu “để có thể đạt được Ơn Gọi Làm Người của mình là Sống Yêu Thương, là Hiệp Nhất Nên Một với tất cả mọi người, con người cần phải thực hiện một cuộc Vượt Qua, vượt qua sự chết là tất cả những gì phi nhân bản và phản nhân bản mà vào sự sống là yêu thương và hiệp nhất”, thì nếu con người không chịu vượt qua hay không thể thực hiện cuộc Vượt Qua quyết liệt này, con người tất nhiên vẫn sống trong sự chết, một sự chết làm chủ con người họ và chi phối cuộc đời họ. Dĩ nhiên, sự chết ở đây không phải là sự chết về thể lý mà là sự chết về tinh thần. Tuy nhiên, sự chết về tinh thần này lại mang tất cả những tính chất của sự chết về thể lý. Thật vậy, một thân xác còn sống và một xác chết khác nhau ra sao, nếu không phải là nơi thây ma chỉ có hiện tượng lạnh ngắt, cứng đơ và nặng trịch?

Trước hết, về đặc tính chết chóc ở chỗ “lạnh ngắt” như nơi một thi thể vô hồn, con người ở trong sự chết về tinh thần cũng thế, lòng họ cũng lạnh ngắt trước khổ đau của tha nhân là gì, khi cuộc sống của họ được may mắn dư dật hơn người một chút thì họ lại đem tiến cúng cho những sòng bài, hay cho những màn trình diễn, những máy móc tân kỳ, những kiểu y phục thời trang đắt giá? Ngoài ra, họ cũng không lạnh ngắt là gì là gì khi động một tí là mang nhau ra tòa ly dị, bất cần đến thiện ích của con cái của mình, mặc nhiên cho hôn nhân là một trò chơi và con cái là một thứ đồ chơi v.v.

Sau nữa, về đặc tính chết chóc ở chỗ “cứng đơ” như nơi một thi thể vô hồn, con người ở trong sự chết về tinh thần cũng thế, lòng họ cũng cứng đơ trước tiếng thúc giục làm lành lánh dữ của lương tâm. Thậm chí họ không còn nghe thấy tiếng lương tâm nữa, như một tử thi không còn biết cảm động trước tiếng kêu gào khóc lóc thảm thiết của thân nhân thương tiếc mình nữa. Thậm chí trong thời văn minh duy nghiệm này đã có nhiều tử thi hóa thành ma, biến ảo khôn lường. Đó là hiện tượng tinh thần của con người ngày nay, chẳng những đã cứng đơ không còn nghe thấy tiếng lương tâm nữa, mà còn tự động phong thần cho mình, bằng việc tự quyết định lành dữ lấy cho mình như một vị chúa tể càn khôn. Hầu như tất cả những gì tự bản chất tốt xấu theo truyền thống và nguyên tắc luân lý phổ quát, đều đã bị ý hệ văn minh duy nhân bản của con người ngày nay thay đổi, lành thành dữ, phúc thành họa, như sự sống và con cái đã trở thành gánh nặng cần tẩy chay, và dữ thành lành, họa thành phúc, như ly dị, phá thai, đồng tính luyến ái đều đã được luật pháp công nhận và cho phép làm v.v.

Sau hết, về đặc tính chết chóc ở chỗ “nặng trịch” như nơi một thi thể vô hồn, con người ở trong sự chết về tinh thần cũng thế, lòng họ cũng nặng trịch khi phải làm những gì trái ý họ hay những gì họ không thích, dù những điều ấy tự bản chất tốt lành và thiện ích cho bản thân họ cũng như cho cộng đồng xã hội đi nữa. Mỗi sáng thức dậy, thân xác của họ cảm thấy nặng nề uể oải không muốn bước xuống khỏi giường thế nào, quyết định và hoạt động của con người còn ở trong sự chết về tinh thần cũng thế, một khi họ phải chấp nhận hay dấn thân làm những gì không có lợi cho riêng bản thân họ. Động lực có thể đẩy con người này mau mắn nhẩy xuống khỏi giường là giờ giấc của công ăn việc làm không thể không đi kẻo bị đuổi, là một cuộc du ngoạn hào hứng trong ngày, là một cuộc hẹn hò không thể bỏ lỡ, là bị động đất v.v. thế nào, thì con người chết về tinh thần cũng chỉ mau mắn tránh những gì tác hại mình và linh hoạt với những gì mưu lợi cho mình mà thôi, ngoài ra, không gì có thể dễ dàng thúc đẩy hay lôi kéo họ đi được. Chính vì thế, những gì vì nể nang mà làm hay bất đắc dĩ phải làm, không sớm thì muộn họ đều tìm cách rút êm v.v

Như thế, môt con người không đạt đến, hay ít là không nỗ lực vươn đến Ơn Gọi Làm Người của mình là Yêu Thương Trọn Lành, là Đại Kết Nhân Sinh, thì họ vẫn còn sống trong sự chết, vẫn bị sự chết làm chủ, một sự chết có thể khiến họ đi đến chỗ làm bất cứ điều gì xấu xa phi nhân bản hay tội lỗi phản nhân bản. Như trường hợp Ơn Gọi Làm Người Bác Sĩ, thay vì cứu sống theo ơn gọi đích thực của nghề nghiệp mình, thì lại lạm dụng nghề nghiệp của mình để cộng tác vào việc phá thai, trợ tử. Hay như trường hợp Ơn Gọi Làm Người Luật Sư, thay vì biện hộ cho công lý theo ơn gọi đích thực của nghề nghiệp mình, thì lại lạm dụng nghề nghiệp của mình để cộng tác vào việc ly dị, để bênh chữa những kẻ gian ác tác hại xã hội. Hoặc trường hợp Ơn Gọi Làm Người Chính Khách, thay vì dùng quyền dân cử của mình để phục vụ công ích theo ơn gọi đích thực của nghề nghiệp mình, thì lại lạm dụng nghề nghiệp của mình để phê chuẩn những đạo luật bất chính. Hay trường hợp Ơn Gọi Làm Người Tín Đồ, thay vì sống niềm tin chân chính của mình để cứu độ chính mình và tha nhân, thì lại nhân danh niềm tin của mình để khủng bố, sát hại v.v. Nghĩa là, bất cứ việc gì không phát xuất từ Yêu Thương Trọn Lành và không hướng về Đại Kết Nhân Sinh đều là những cái nghịch thường, mâu thuẫn, bất ổn, không hợp với Ơn Gọi Làm Người phổ quát, chắc chắn sẽ đi đến chỗ diệt vong.

Thật vậy, con người không đạt được Ơn Gọi Làm Người của mình, hay ít là không nỗ lực vươn đến Ơn Gọi Làm Người của mình, chẳng những họ sống trong sự chết trên đời này, mà còn, sau khi qua đi, họ sẽ chẳng khác gì như một hành tinh bay ra ngoài quĩ đạo, mất hút vào không gian vô tận, hoàn toàn và vĩnh viễn đánh mất bản thân mình. Bởi vì, Sống Ơn Gọi Làm Người cũng chính là Trở Về Cội Nguồn, trở về với Quyền Linh Tối Thượng, một Quyền Linh đã chẳng những remote control con người bằng bộ phận viễn khiến là tiếng lương tâm nơi con người, mà còn là một Quyền Linh đã cho con người có tâm linh để họ có thể nhận thức được thân phận Làm Người của họ, và nhờ đó họ có thể tìm kiếm và tiến đến cùng đích Làm Người của họ nữa, một thân phận và cùng đích đã được chất chứa nơi Ơn Gọi Làm Người.

Tóm lại, nếu một con người không đạt đến Ơn Gọi Làm Người của mình, họ sẽ sống trong sự chết ngay trên đời này và hoàn toàn đánh mất bản thân mình sau khi qua đi thế nào, thì một con người hoàn trọn Ơn Gọi Làm Người, hay ít ra đã nỗ lực thực hiện Ơn Gọi Làm Người của mình, sẽ Sống Yêu Thương Trọn Lành và Đại Kết Nhân Sinh trên đời, để rồi, sau khi qua đi, họ sẽ được Viên Mãn Hiệp Thông trong ci trường sinh vĩnh hằng. Vì Tình Yêu mạnh hơn sự chết, không bao giờ qua đi, đời đời là một Thực Tại Thần Linh vậy.
 

Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh
(bài Phát Thanh Vui Mừng Và Hy Vọng 6, 24/2/2002: www.tinmungsusong.org)