GIÁO HỘI SẼ ĐI VỀ ĐÂU?

(Hướng về Sinh Nhật 82 tuổi của ĐTC Gioan Phaolô II 5/1920-2002)


Năm nay có hai hội nghị về chủ đề “Giáo Triều Gioan Phaolô II: Những Thành Đạt và Hướng Đi”, một vào hai ngày 21-22/2 tại Regina Apostolorum Pontificate Athenaeum, và một vào ngày 18-19/4/2002. Bởi thế, nguồn tin Zenit hôm 7/3/2002 đã phổ biến cuộc phỏng vấn của mình với tác giả cuốn “Chứng Nhân Hy Vọng” là George Weigel, một trong những tham dự viên của hai cuộc hội nghị này, về Tình Hình Giáo Hội Sẽ Đi Về Đâu.
Trong tác phẩm Witness to Hope nổi tiếng của mình, khổ 6 x 10 inches, dầy 992 trang, do Cliff Street Books xuất bản năm 1999, ở phần Tri Ân Cảm Tạ, dài 3 trang, 957-960, George Weigel đã liệt kê danh sách vô số kể tên tuổi của những người đã giúp ông thực hiện cả về nội dung lẫn hình thức tác phẩm hết sức giá trị về lịch sử này. Trong mấy trang cảm tạ tri ân này, chúng ta thấy những gì được viết trong tác phẩm về thân thế của một vị thời danh trong lịch sử hiện đại ấy chẳng những được tác giả căn cứ vào 10 cuộc trực tiếp phỏng vấn chính ĐTC, và trên 20 lần đàm đạo riêng khi ăn uống với Ngài tại tư dinh của Ngài, mà còn được tác giả căn cứ vào những nguồn tài liệu và tín liệu từ các viên chức trong Tòa Thánh sát cận với ĐTC nhất, điển hình như ĐGM Stanislaw Dziwisz, thư ký của ĐTC, và Tiến Sĩ Joaquín Navarro-Valls, giám đốc văn phòng báo chí của Tòa Thánh. Chưa hết, những gì được viết trong tác phẩm Chứng Nhân Hy Vọng còn được căn cứ vào tất cả những người thân quen ở tất cả mọi nơi nhân vật chính trong câu truyện đã sinh sống và hoạt động khi còn ở trong quốc nội Balan.
Người dịch bài phỏng vấn này đã say mê đọc hết tác phẩm tuyệt vời này trong Năm Thánh 2000, sau khi đã phải mất công chờ đợi tác phẩm tái bản, vì nó vừa xuất bản đã được tiêu thụ hết liền. Vì thế giá và kiến thức của vị tác giả nổi tiếng đã từng viết về ĐTC Gioan Phaolô II từ ngày Ngài lên làm Giáo Hoàng này, cũng như vì vấn đề được phỏng vấn đây rất hay, rất có ích và đầy thú vị, nên Màn Điện Toán thoisiemmaria.net mới nỗ lực chuyển dịch và phổ biến để cống hiến quí thân hữu điện toán mến yêu.


1. Vấn: Làm sao chúng ta có thể tóm lược được tầm quan trọng của giáo triều Gioan Phaolô đệ nhị theo quan điểm lịch sử?

Đáp: Một số người cho rằng chúng ta đang sống trong một giáo triều hữu hiệu nhất từ Thời Cải Cách tới nay. Một số khác gọi giáo triều này là giáo triều quan trọng nhất của thiên kỷ thứ hai. Tuy nhiên, khi thẩm định về tầm vóc thành đạt của ĐTC mới thấy r là Giáo Hội Công Giáo và thế giới sẽ sống một cách tốt đẹp trong đệ tam thiên kỷ của lịch sử Giáo Hội với những hoa trái về tri thức, về tu đức cũng như về mục vụ của giáo triều này.

2. Vấn: Vai trò của Gioan Phaolô đệ nhị với Công Đồng Vatican II như thế nào?

Đáp: Khác với các công đồng trước, Công Đồng Chung Vaticanô II không đưa ra “những điểm chính” cho giáo huấn của mình, bằng hình thức tuyên tín, lệnh truyền hay án quyết. Công Đồng này đã được thẩm quyền giáo triều Gioan Phaolô đệ nhị dẫn giải, một việc mà vị Giáo Hoàng này vẫn thực hiện bằng huấn quyền của mình, cũng như bằng những văn kiện giáo huấn phản ảnh những hội luận của Thượng Hội Giám Mục Thế Giới.

3. Vấn: Quan điểm của vị Giáo Hoàng này như thế nào về Công Đồng Chung Vaticanô II?

Đáp: Như Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII, Đức Gioan Phaolô đệ nhị cũng nghĩ rằng Công Đồng Chung Vaticanô II như là một Lễ Hiện Xuống mới, tức là một thời khắc hồng ân để Thánh Linh sửa soạn cho Giáo Hội đi vào một mùa xuân truyền bá phúc âm hóa. Ngược lại với cảm nghĩ chung chung về ý nghĩa của Công Đồng Chung Vaticanô II nơi cả thành phần Công Giáo bảo thủ cũng như cấp tiến, Đức Gioan Phaolô đệ nhị đã nhấn mạnh rằng công đồng này thật ra không phải chú trọng đến vấn đề phân phối quyền bính và việc tài phán trong nội bộ Giáo Hội. Trái lại, công đồng này nhắm đến việc làm tái sinh trong Giáo Hội một cảm quan sâu xa về chính mình như là một bí tích cứu độ thế giới, tức như là một “mối hiệp thông” chúng ta cảm nghiệm được ngay trên đời này đây, một nếm hưởng trước những gì Thiên Chúa muốn nhân loại được đời đời hoan hưởng. Theo kinh nghiệm của Karol Wojtyla về công đồng này với tư cách là một trong những Nghị Phụ sinh động nhất, cũng như theo việc dẫn giải uy tín về công đồng với tư cách là Giáo Hoàng, thì Công Đồng Chung Vaticanô II là để sửa soạn cho Giáo Hội, cả ở phương diện thần học lẫn tu đức, có thể tái nhận thức về mình như là một phong trào phúc âm chính yếu trong lịch sử, bằng việc loan truyền cho thế giới biết sự thật về bản vị con người, về cộng đồng con người, về nguồn gốc con người cũng như về định mệnh con người.

4. Vấn: Theo ông dự phóng Minh Tri (Enlightenment project), một thí nghiệm kéo dài trong việc cố kiến tạo nên một “con người tự động” ở ngoài Thiên Chúa, đang đi đến hồi kết thúc, tức đi đến chỗ thất bại. Vậy bắt đầu từ đây chúng ta sẽ đi về đâu?

Đáp: Khi mà khuynh hướng hoài nghi phương pháp luận phản ảnh quá nhiều tư tưởng Minh Tri trở thành cấp tiến đến nỗi cho rằng không thể nào biết được sự thật của bất cứ một cái gì, tức khi mà chính ý niệm về sự thật trở thành một cái gì buồn cười, thì chúng ta có lý để mà tin rằng dự phóng tri thức được bắt đầu từ Descartes đang đi đến chỗ tự hủy diệt vậy. Tuy nhiên, khi khuynh hướng hậu tân tiến bị tan biến vào những miền thâm u thuộc lãnh giới đang tiềm tàng những lực lượng tri thức tàn bại khác, thì vết tích sâu xa của văn hóa vẫn còn đó. Các triết gia có thể chấp nhận thách đố của thông điệp “Đức Tin và Lý Trí” mà hướng những việc tra vấn tri thức của mình một lần nữa về sự thật của các vật. Thế nhưng, cũng có một số thế hệ thuộc các dân Tây Phương đã được lớn lên với niềm tin tưởng rằng, nếu có vấn đề “sự thật của anh” và “sự thật của tôi” thì không có và không thể nào lại có vấn đề “sự thật” như thế được cả, và đó là những thế hệ mà Giáo Hội của thế kỷ 21 phải truyền giảng cho họ về một Chúa Giêsu Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúng ta phải làm việc này ra sao đây? Biến cố 911 đã làm sáng tỏ vấn đề này rất nhiều. Một trong những điều mà bất cứ một con người nghiêm chỉnh sống theo luân lý nào, khi chứng kiến thấy cảnh sụp đổ khói lửa ở Lower Manhattan, đều phải nhìn nhận, đó là sự thật nơi giáo huấn của thông điệp “Rạng Ngời Chân Lý” về những qui luật luân lý không thể châm chước. Có những cái tỏ tường và thực sự là sự dữ. Thế nhưng, một số thế hệ của những dân Tây Phương đã đi đến chỗ tin tưởng rằng chủ nghĩa luân lý tương đối là vấn đề thiết yếu cho việc đa diện, dung thứ và dân chủ. Thậm chí còn có những người không ngại nói rằng việc tàn sát những kẻ vô tội vì những mục tiêu chính trị là gian ác cũng không biết biện chứng cho phán đoán của mình nữa. Giáo Hội làm sao để có thể loan truyền sự thật về thiện ác, một vấn đề cũng thiết yếu cho việc rao giảng Phúc Âm trong những hoàn cảnh văn hóa như thế này đây?

5. Vấn: Nếu chúng ta, vào một lúc nào đó, có thể chuyển hướng, ở chỗ, theo đà phát triển của Giáo Hội, không kể đến vấn đề hồng y, ra bên ngoài Tây Âu, thì việc đổi thay này sẽ ra sao đối với tương lai của Giáo Hội?

Đáp: Nếu Công Giáo luôn luôn cho tính cách đại đồng là một trong những đặc điểm của mình, thì Giáo Hội Công Giáo hiện nay là một “Giáo Hội thế giới” theo một đường lối mới mẻ. Tâm điểm cho khối dân số của thế giới Công Giáo đã nghiêng hẳn về phần đất Tân Thế Giới, và cũng có thể nghĩ rằng trung tâm nẩy sinh những sáng kiến về tri thức và mục vụ trong Giáo Hội thế giới cũng đang quay theo hướng này nữa. Một số cộng đồng Công Giáo sinh động nhất trên thế giới hiện nay xuất hiện ở nơi những cộng đồng Công Giáo trẻ nhất trên thế giới, đó là ở Phi Châu và Á Châu. Trong khi đó, Công Giáo ở nơi trung tâm điểm lịch sử Tây Âu của mình lại đang phải thở bằng phương pháp trợ sinh nhân tạo (on life-support), cho dù vào ngay lúc chính Tây Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu xa về dân số cũng như về văn hóa. Trong thế kỷ 21, Trung Hoa, hôm nay đây còn là một miền đất bị bách hại, miền đất của giáo hội hầm trú và của các vị tự đạo, có thể sẽ trở thành cánh đồng rộng lớn nhất cho việc Kitô hữu truyền giáo kể từ cuộc Âu Châu khám phá ra Mỹ Châu. Đồng thời còn có những thách đố trầm kha mới đối với thần học, đúng ra đối với tính cách tông truyền Kitô giáo, đang nổi lên từ các Giáo Hội thuộc miền nam Phi Châu và đông nam Á. Tất cả những vấn đề Đức Gioan Phaolô đệ nhị đang phải gánh vác này là những gì chúng ta cần phải thực hiện.

6. Vấn: Hàng giáo phẩm đã sẵn sàng thực hiện việc truyền bá phúc âm hóa mới chưa?

Đáp: Cho dù đang trở thành một Giáo Hội thế giới hơn bao giờ hết, Giáo Hội Công Giáo cũng vẫn tiếp tục tranh luận để hiểu biết chính mình. Điều này xẩy ra rất r ràng trong Thượng Hội Giám Mục vào Tháng Mười năm vừa rồi, một thượng hội với những bàn luận phân chia, không phải phân chia giữa cấp tiến và bảo thủ như báo chí thường nhấn mạnh, mà theo tôi, phân chia giữa các vị giám mục thiên về cơ cấu tổ chức và các vị giám mục thiên về việc truyền bá phúc âm. Các vị giám mục thiên về cơ cấu tổ chức quan tâm chính yếu đến vấn đề thi hành quyền bính và quyền tài phán trong giáo hội; các ngài hình như nhấn mạnh đến vấn đề cơ cấu như là cùng đích của nó. Các vị giám mục thiên về việc truyền bá phúc âm quan tâm chính yếu đến việc rao giảng Phúc Âm; các vị có khuynh hướng cho rằng cơ cấu tổ chức là phương tiện để đạt được mục tiêu truyền giáo này. Giáo Hội dĩ nhiên vừa là cùng đích vừa là phương tiện, nhưng có thể không đến nỗi bất công khi nói rằng những vị hết sức quan tâm đến vấn đề cơ cấu tổ chức thường là những vị thuộc về Giáo Hội địa phương, nơi Giáo Hội không còn là một phương tiện hiệu nghiệm cho việc loan truyền tin mừng và làm chứng nhân nữa. Thế nên mới có những vấn đề dính dáng đến mối liên hệ giữa Giáo Hội hoàn vũ, mà quyền bính được tập trung nơi Ngai Tòa Thánh Phêrô, và các Giáo Hội địa phương. Một phần trong công cuộc Đức Gioan Phaolô đệ nhị sẽ để lại cho chúng ta làm đó là việc giải quyết một số những vấn đề lớn chưa được ổn định bởi tình hình biến đổi nơi giáo hội học, một tình hình biến đổi được khởi đi từ phong trào phụng vụ trước đó và từ thông điệp “Nhiệm Thể” là những gì làm nên giáo huấn phức tạp của Công Đồng Chung Vaticanô II về Giáo Hội, và tình hình biến đổi nơi giáo hội học này cũng đã cho thấy có nhiều đặc tính bất ổn nơi việc chấp nhận công đồng nữa.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL