(10)

Thiên Chúa là Tình Yêu,

Chân Lý tột đỉnh của Đức Tin

 

 

T

hiên Chúa là tình yêu...”. Những lời này được chứa đựng ở một trong những cuốn sách Tân Ước cuối cùng, đó là Bức Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan (4:16). Chúng là nguyên tố chính yếu của sự thật về Thiên Chúa. Sự thật này được mạc khải bằng nhiều lời nói và nhiều biến cố cho tới khi nó đạt tới một niềm tin hoàn toàn vững chắc nơi việc Chúa Kitô xuất hiện, nhất là nơi thập giá và cuộc phục sinh của Người. Những lời này âm vang nguyên vẹn chính lời của Chúa Kitô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến ban Con Một mình, để ai tin vào Con thì không phải chết song được sự sống đời đời” (Jn.3:16).

            Đức tin của Giáo Hội tiến đến tuyệt đỉnh của mình nơi sự thật cao cả này: Thiên Chúa là tình yêu! Nơi thập giá và cuộc phục sinh của Đức Kitô, Thiên Chúa cuối cùng đã tỏ mình ra như là tình yêu. “Chúng ta nhận biết và tin tưởng tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu, ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong họ” (1Jn.4:16).

            Chân lý Thiên Chúa là tình yêu làm nên đích điểm của tất cả những gì đã được mạc khải, “qua các tiên tri và trong những ngày sau hết này qua Người Con” như được phát biểu trong Bức Thư gửi giáo đoàn Do Thái. Chân lý này soi sáng tất cả những gì chứa đựng trong mạc khải thần linh, nhất là thực tại mạc khải về việc tạo dựng cũng như việc thiết lập giao ước. Việc tạo dựng tỏ lộ quyền toàn năng của Thiên Chúa Hóa Công. Thế nhưng, việc thực hiện quyền toàn năng này hoàn toàn là vì yêu thương. Thiên Chúa đã tạo thành vì Ngài có thể làm như vậy, vì Ngài toàn năng. Tuy nhiên, quyền toàn năng của Ngài đã được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan và được thúc đẩy bởi tình yêu. Đó là công việc tạo thành. Công việc cứu chuộc còn hùng hồn hơn nữa và hiến cho chúng ta một biểu chứng sâu vững hơn nữa. Tình yêu vẫn là một diễn đạt của quyền toàn năng đối diện với sự dữ, đối diện với tội lỗi của các thụ sinh. Chỉ có tình yêu toàn năng mới có thể rút được sự lành từ sự dữ, sự sống mới từ tội lỗi và sự chết thôi.

            Tình yêu như một quyền lực ban sự sống và làm sinh động. Tình yêu hiện diện trong toàn thể mạc khải. Thiên Chúa hằng sống, vị Thiên Chúa ban sự sống cho tất cả mọi hữu thể sống động, là Đấng được Thánh Vịnh nói rằng: “Tất cả đều ngước trông lên Ngài để Ngài đến bữa cho ăn. Khi Ngài ban cho thì chúng thu lượm lấy; khi Ngài mở tay ra thì chúng no đầy điều thiện hảo. Khi Ngài khuất diện thì chúng chới với; khi Ngài lấy hơi thở của chúng thì chúng chết đi và trở về tro bụi” (Ps.104:27-29). Hình ảnh này được rút ra từ trọng tâm của việc tạo thành. Bức tranh này có những đặc tính nhân thể học (như nhiều bản văn Thánh Kinh khác). Thế nhưng, khuynh hướng nhân thể học này được khơi dậy từ thánh kinh. Thấy con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự như Ngài thì cũng có lý do để nói rằng Thiên Chúa “theo hình ảnh và tương tự như” con người. Tuy nhiên, khuynh hướng nhân thể học này không làm lu mờ siêu việt tính của Thiên Chúa. Nó không kéo Thiên Chúa xuống tầm kích loài người. Nó tuân giữ tất cả mọi đường lối của việc so sánh và ngôn ngữ của việc so sánh, cũng như những đường lối của việc so sánh nơi đức tin.

            Thiên Chúa tỏ mình ra trong việc thiết lập giao ước, trước hết, với dân tuyển chọn của Ngài. Vị Thiên Chúa của giao ước tỏ lộ những đặc tính của Hữu Thể Ngài, theo thứ tự tiến trình của nghệ thuật giáo huấn. Những đặc tính này thường được gọi là các ưu phẩm của Ngài. Trước hết chúng là những ưu phẩm thuộc về cấp trật luân lý, một cấp trật luân lý được Thiên Chúa là tình yêu sử dụng để dần dần tỏ mình ra. Thiên Chúa tỏ mình ra - đặc biệt nơi giao ước núi Sinai - như một nhà lập luật, một tối thượng nguyên của lề luật. Quyền bính lập pháp này được trọn vẹn diễn đạt và vững chắc nơi các ưu phẩm của tác động thần linh được Thánh Kinh tỏ cho chúng ta thấy.

            Các cuốn sách thần hứng của Cựu Ước đã cho chúng ta thấy các ưu phẩm này. Chẳng hạn, chúng ta đọc trong Sách Khôn Ngoan: “Sức mạnh của Ngài là nguồn mạch công chính, và quyền thống trị của Ngài ở trên tất cả mọi sự khiến Ngài khoan dung với tất cả...Ngài là Đấng thống trị bằng sức mạnh phân xử dịu hiền, và Ngài cai quản chúng tôi bằng lượng cả bao dung; vì Ngài có quyền làm bất cứ khi nào Ngài muốn” (Wis.12:16-18).

            Còn nữa: “Ai có thể đo được quyền năng cao cả của Ngài? Và ai có thể kể lại trọn vẹn các việc Ngài xót thương?” (Sir.18:5).

            Các bản văn Cựu Ước nhấn mạnh đức công minh của Thiên Chúa, cả lòng từ ái và xót thương của Ngài.

            Các bản văn này nhấn mạnh đặc biệt đến lòng trung thành của Thiên Chúa đối với giao ước là một phương diện của “tính chất bất biến dịch” nơi Ngài (x.Ps.111:7-9; Is.65:1-2,16-19).

            Các bản văn này cũng nói về việc Thiên Chúa thịnh nộ, song việc thịnh nộ này luôn luôn là việc thịnh nộ chính đáng của một vị Thiên Chúa là Đấng “chậm bất bình và giầu lòng nhân ái” (Ps.145:8). Chúng luôn luôn cho thấy, theo quan niệm nhân thể học đã được đề cập đến ở trên, “việc hờn ghen” của Thiên Chúa đối với dân Ngài trong việc họ không giữ giao ước của Ngài. Thế nhưng, chúng luôn luôn trình bày việc hờn ghen này như là một ưu phẩm của tình yêu: “Nhiệt tình của Chúa các đạo binh” (Is.9:7).

            Chúng ta đã nói rằng các ưu phẩm của Thiên Chúa không khác biệt với yếu tính của Ngài. Thế nên, nói cho đúng hơn thì không phải chúng ta nói về một Thiên Chúa công chính, trung thành, từ ái mà là về Thiên Chúa, Đấng là sự công chính, trung thành, từ ái, xót thương - giống như Thánh Gioan đã viết “Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn.4:16) vậy.

            Cựu Ước, với vô số đoạn văn thần hứng, đã sửa soạn cho mạc khải tối hậu của Thiên Chúa như là tình yêu. Nơi một trong những đoạn văn này, chúng ta đọc thấy: “Ngài xót thương tất cả mọi người, vì Ngài có thể làm tất cả mọi sự... Ngài yêu thương tất cả mọi sự hiện hữu và không gớm ghét một sự gì Ngài đã dựng nên, bởi nếu Ngài ghét bất cứ sự gì thì Ngài đã không dựng nên nó. Cái gì có thể bền vững nếu Ngài không còn muốn nó nữa?... Ngài khoan dung với tất cả mọi sự vì chúng là của Ngài, Oâi Chúa là Đấng yêu thương sinh linh” (Wis.11:23-26).

            Những lời của Sách Khôn Ngoan này đã không có ý nói rõ ràng hay sao Thiên Chúa là Đấng là tình yêu (Amor-Caritas) bởi “Hữu Thể” tạo hóa của Thiên Chúa?

            Thế nhưng, chúng ta cũng thấy các bản văn khác, như các đoạn Sách Giona: “Vì tôi biết rằng Ngài là Thiên Chúa khoan hậu và xót thương, chậm bất bình và giầu lòng nhân ái” (Jon.4:2).

            Hay Thánh Vịnh 145 cũng thế: “Chúa khoan hậu và xót thương, chậm bất bình và giầu nhân ái. Chúa thiện hảo với tất cả mọi người, lòng nhân hậu của Ngài ở trên tất cả những gì Ngài làm nên” (Ps.145:8-9).

            Chúng ta càng đọc các bản văn của các tiên tri chính, khuôn mặt của Thiên Chúa yêu thương càng tỏ hiện ra cho chúng ta. Chúa đã nói với dân Yến Duyên qua miệng tiên tri Giêrêmia: “Ta đã yêu thương ngươi bằng một tình yêu vĩnh cửu; thế nên, Ta vẫn tiếp tục trung thành với ngươi” (hesed tiếng Do Thái) (Jer.31:3).

            Để trích những lời của tiên tri Isaia: “Thế nhưng, Sion nói: ‘Chúa đã bỏ rơi tôi, Chúa của tôi đã lãng quên tôi’. ‘Có thể nào một người mẹ quên được con mình,  không thương đứa con bởi lòng dạ của mình chăng? Cho dù bà có quên đi nữa, Ta sẽ không thể quên ngươi’” (Is.49:14-15).

            Những trích dẫn về tình yêu từ mẫu nơi các lời của Thiên Chúa có một tầm vóc quan trọng biết bao. Tình thương của Thiên Chúa đã tỏ cho thấy nơi sự dịu dàng không ngang hàng với tình của một người làm mẹ, cũng như đã được tỏ ra cho chúng ta thấy nơi tình phụ tử. Tiên tri Isaia còn viết: “Các núi có thể rời đi và đồi có thể chuyển chỗ, nhưng tình yêu kiên trung của Ta sẽ không bao giờ rời xa ngươi, và giao ước an bình của Ta sẽ không bao giờ bị dẹp bỏ, Chúa là Đấng cảm thương ngươi phán” (Is.54:10).

            Việc sửa soạn tuyệt vời do Thiên Chúa thực hiện nơi lịch sử Cựu Ước này, nhất là bởi các vị tiên tri, đã đợi chờ việc hoàn tất tối hậu của nó. Lời nói cuối cùng của Thiên-Chúa-Tình-Yêu thốt lên ở nơi Chúa Kitô. Lời này không phải chỉ được thốt lên, mà là được sống động trong mầu nhiệm vượt qua của thập giá và cuộc phục sinh. Thánh Phaolô đã loan báo lời này trong Thư gửi giáo đoàn Eâphêsô: “Thiên Chúa, Đấng giầu tình thương, bởi tình yêu cao cả mà Ngài đã yêu thương chúng ta, ngay cả khi chúng ta còn chết trong tội lỗi của mình, thì Ngài đã làm chúng ta cùng sống với Đức Kitô (bởi ân sủng anh em đã được cứu rỗi)” (2:4-5).

            Thật vậy, chúng ta có thể hoàn toàn tuyên xưng đức tin của chúng ta nơi “Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, Đấng Tạo Thành trời đất” bằng câu định nghĩa hết sức tuyệt vời của Thánh Gioan: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn.4:16).

                        (Bài Giáo Lý ngày 2 tháng 10 năm 1985)