(18)

Phân Biệt Mối Tương Hệ

nơi Thiên Chúa Ba Ngôi

 

 

M

ột Thiên Chúa duy nhất Ba Ngôi…

Các câu định nghĩa của các Công Đồng cho thấy kết qủa của một giai đoạn suy tư dài bởi các vị Giáo Phụ Hội Thánh. Giáo Hội nói về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần như là ba “Bản Vị”, những bản vị tự tại trong sự hiệp nhất của một bản thể thần linh đồng nhất.

            Nói đến “bản vị” là nói đến một hữu thể riêng biệt có một bản tính biết suy luận, như Boethius đã làm sáng tỏ qua câu định nghĩa thời danh của mình (“Persona proprie dicitur rationalis naturae individua substantia” trong De duabus naturis et una persona Christi, PL 64, 1343 D). Thế nhưng, Giáo Hội ngày xưa ấy đã phải đính chính ngay là bản tính thông minh nơi Thiên Chúa không tăng bội lên theo các Bản Vị. Bản tính thông minh này vẫn là một, nhờ đó, tín hữu mới có thể cùng với Kinh Tin Kính Quicumque tuyên xưng rằng: “Không phải là ba Thiên Chúa nhưng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất”.

            Mầu nhiệm sâu xa là ở chỗ này – có ba Bản Vị riêng biệt mà lại chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Sao lại có thể như thế được? Trí khôn hiểu là không có sự mẫu thuẫn nào cả, ở chỗ, về Bản Vị thì có ba ngôi và về Bản Tính thần linh thì hiệp nhất. Thế nhưng, hóc búa vẫn còn đó. Mỗi Bản Vị cũng là một Thiên Chúa. Vậy thì các Bản Vị thực sự khác biệt với nhau ra sao?

            Lý trí của chúng ta có thể bập bẹ trả lời theo ý niệm của “mối tương hệ”. Ba bản vị thần linh được phân biệt chỉ bằng mối tương hệ với nhau – chính là mối tương hệ giữa Cha với Con, giữa Con với Cha; mối tương hệ giữa Cha và Con với Thần Linh, giữa Thần Linh với Cha và Con. Bởi thế, nơi Thiên Chúa, Cha thuần túy ở vai trò làm Cha, Con thuần túy ở vai trò làm Con và  Thánh Linh thuần túy ở “Mối Yêu Thương” giữa Cha và Con, có thế những phân biệt về bản vị mới không chia lìa cùng một bản tính thần linh chuyên nhất của cả ba.

            Công Đồng Tôlêđô 11 (675) đã làm sáng tỏ đích xác rằng: “Vì Cha là Cha không phải đối với mình mà là đối với Con, và Con là Con không phải đối với mình mà là trong tương hệ với Cha; cũng thế, Thánh Linh không qui về mình mà được liên hệ với Cha và Con, vì Ngài được gọi là Thần Linh của Cha và của Con” (DS 528).

            Mối tương hệ phân biệt Cha, Con và Thánh Linh, cũng là mối tương hệ thực sự liên kết các Ngài lại với nhau trong cùng một hữu thể của các Ngài, mang trong mình tất cả mọi sự phong phú của ánh sáng và sự sống nơi bản tính thần linh mà các Ngài hoàn toàn đồng nhất với. Các Ngài là một mối tương hệ “tự tại”, theo hấp lực tương hệ sống động, tiến đến gặp nhau trong mối hiệp thông được tạo nên do việc mỗi vị hoàn toàn cởi mở với nhau. Mối hiệp thông yêu thương này là mẫu thức tối hậu cho lòng chân thành và niềm tự do thiêng liêng làm nên đặc tính cho các mối tương hệ liên bản vị nơi loài người, các mối tương hệ luôn luôn cách biệt với mẫu thức siêu việt ấy.

            Về vấn đề này, Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhận định: “Chúa Giêsu Kitô, khi cầu nguyện với Cha, ‘để tất cả được nên một… như Chúng Ta là một’ (Jn.17:21-22) đã mở ra những viễn tượng gần gũi với lý trí con người, vì Người đã cố ý nói đến một sự tương tự nào đó giữa việc hiệp nhất của các Bản Vị thần linh với việcï hiệp nhất của con cái Thiên Chúa trong chân lý và đức ái. Cái tương tự này cho thấy rằng, con người, một tạo vật duy nhất trên mặt đất được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ, không thể hoàn toàn tìm thấy mình, ngoại trừ họ ban tặng chính bản thân mình” (Hiến Chế Gaudium et Spes, đoạn 24).

            Sự hiệp nhất hoàn hảo nhất nơi ba Bản Vị là tột đỉnh siêu việt soi sáng cho mọi thể thức hiệp thông đích thực giữa loài người chúng ta. Chúng ta thường phải hướng tâm tưởng của mình chiêm ngưỡng mầu nhiệm này, một mầu nhiệm hay được Phúc âm nói đến. Nếu cần phải nhớ lại thì đây là những lời của Chúa Giêsu: “Tôi và Cha là một” (Jn.10:30); lại nữa: “Ít nhất qúi vị hãy tin vào những việc Tôi làm, để qúi vị có thể nhận biết và hiểu được rằng Cha ở trong Tôi và Tôi ở trong Cha” (Jn.10:38). Chúng ta đọc thấy ở một trường hợp khác: “Những lời Thày nói với các con không phải là Thày lấy quyền riêng của mình mà nói. Cha là Đấng ở trong Thày thực hiện công việc của Ngài. Các con hãy tin vào Thày là Thày ở trong Cha và Cha ở trong Thày” (Jn.14:10-11).

            Các tác giả xưa kia của Giáo Hội thường viết về mối đồng thâm nhập nhau nơi các Bản Vị thần linh. Các tác giả Hy Lạp xác định mối đồng thâm nhập nhau này như là perichóresis, các tác giả Tây phương (nhất là từ thế kỷ 11) xác định như là circumincessio (tương nhập) hay curcuminsessio (tương ngụ). Công Đồng Florence đã diễn đạt chân lý Ba Ngôi này bằng những lời sau đây: “Nhờ việc hiệp nhất ấy… Cha hoàn toàn ở trong Con và hoàn toàn ở trong Thánh Linh; Con hoàn toàn ở trong Cha và hoàn toàn ở trong Thánh Linh; Thánh Linh hoàn toàn ở trong Cha và hoàn toàn ở trong Con” (DS 1331). Ba Bản Vị thần linh khác biệt này, mặc dầu có các mối tương hệ như thế, vẫn chỉ là một Hữu Thể, một Sự Sống, một Thiên Chúa.

            Lý trí hèn mọn của chúng ta bị phiêu lạc trước mầu nhiệm hiệp thông chói ngời này. Đột nhiên môi miệng chúng ta lập lại câu tuyên dương trong phụng vụ:

            Gloria Tibi Trinitas, aequalis, una Deitas et ante omnis saecula, et nunc et in perpetuum”.

            “Vinh danh Ngài, Ba Ngôi Chí Thánh, bằng nhau nơi Bản Vị, là một Thiên Chúa duy nhất, có trước tất cả mọi thế hệ, giờ đây và cho đến muôn đời” (Bài Xướng Ca mở đầu của Giờ Kinh Tối vọng Lễ Trọng Kính Thiên Chúa Ba Ngôi).

(Bài Giáo Lý ngày 4 tháng 12 năm 1985)