(19)

Thiên Chúa Ba Lần Thánh

 

 

“T

hánh, Thánh, Thánh, Chúa là Thiên Chúa quyền năng và mãnh lực, trời đất đầy vinh quang Chúa” (Phụng Vụ Thánh Thể).

            Ngày nào Giáo Hội cũng tuyên xưng sự thánh thiện của Thiên Chúa. Việc tuyên xưng này được thực hiện đặc biệt trong phụng vụ Thánh Lễ, sau Kinh Tiền Tụng, lúc bắt đầu Kinh Nguyện Thánh Thể. Dân Thiên Chúa dâng lời chúc tụng lên Thiên Chúa Ba Ngôi và tuyên xưng sự siêu việt tối cao cùng sự hoàn hảo khôn đạt của Ngài, bằng việc lập đi lập lại ba lần chữ “thánh”.

            Những lời của Phụng Vụ Thánh Thể được lấy từ Sách Tiên Tri Isaia, những lời diễn tả cho thấy việc tỏ hiện của thần tính trọn hảo mà vị tiên tri đã được phép chiêm ngưỡng. Vị tiên tri đã trông thấy sự uy linh cao cả  của vinh quang Thiên Chúa để đem loan báo cho dân chúng:

“Tôi đã thấy Chúa ngồi trên ngai tòa cao thẳm… có các thần Seraphim chầu chực bên trên Ngài… các vị  kêu gọi chúc tụng rằng: ‘Thánh, thánh, thánh Chúa các đạo binh; toàn trái đất đầy vinh quang Chúa’” (Is.6:1-3).

Sự thánh thiện của Thiên Chúa cũng đồng nghĩa với vinh hiển của Ngài (kabod Yahweh), một hiển vinh chất chứa trong mầu nhiệm nội tại của thần tính Ngài, đồng thời cũng chiếu tỏa ra toàn thể tạo thành.

Sách Khải Huyền, cuốn sách cuối cùng của Tân Ước, đã lấy nhiều yếu tố từ Cựu Ước. Cuốn Sách này đã lập lại “Ba Lần Thánh” của Tiên Tri Isaia, cùng với các yếu tố lấy từ cuộc thần hiển khác được thấy trong Sách Tiên Tri Eâzêkiên (Ez.1:26). Nơi mối tương quan này, chúng ta lại được nghe thấy một lời tuyên dương mới:

“Thánh, thánh, thánh, Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng đã có, đang có và sẽ đến!” (Rev.4:8).

Trong Cựu Ước, chữ “thánh” tương đương với tiếng “gados” của Do Thái. Nguyên ngữ của nó bao gồm ý tưởng về ánh sáng – “được soi sáng, sáng soi”. Các cuộc thần hiển Cựu Ước chứa đựng yếu tố lửa, như cuộc tỏ hiện thần tính cho Mosen (Ex.3:2), và cuộc thần hiển ở Núi Sinai (Dt.4:12). Những cuộc thần hiển này cũng phản ánh ý tưởng về một ánh sáng chói lòa, như thị kiến của Tiên Tri Eâzêkiên (1:27-28), thị kiến của tiên tri Isaia được đề cập đến trên đây (6:1-3), và thị kiến của Tiên Tri Habacúc (3:4). Trong bản văn Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp thì chữ “hagios” tương đương với chữ “thánh”.

Nguyên ngữ học của Cựu Ước ấy cũng làm sáng tỏ câu sau đây của Thư gửi Do Thái: “Thiên Chúa của chúng ta là một ngọn lửa thiêu” (12:29; x.Dt.4:24), cũng như những lời của Thánh Gioan ở Sông Dược Đăng liên quan đến Đấng Thiên Sai: “Người sẽ rửa các người trong Thánh Linh và trong lửa” (Mt.3:11). Chúng ta cũng đã biết, trong việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ xẩy ra nơi Nhà Tiệc Ly ở Gialiêm, “đã có các lưỡi như lửa xuất hiện” (Acts 2:3).

Các học giả tân tiến về môn triết giáo (như Rudolph Otto) thấy nơi cảm nghiệm của con người về sự thánh thiện của Thiên Chúa những yếu tố “thu hút” và “cung kính”. Điều này được xác nhận bởi cả nguyên ngữ học của từ vựng Cựu Ước, như đã nhắc đến, cũng như bởi cả các cuộc thần hiển trong Thánh Kinh có yếu tố lửa. Lửa biểu hiệu cho sự rạng ngời, sự chiếu tỏa của vinh quang Thiên Chúa (fascinosum). Nó cũng biểu hiệu cho nhiệt năng thiêu đốt, và theo một nghĩa nào đó, xua tan nỗi sợ hãi gây ra từ sự thánh thiện (cung kính) của Ngài. Chữ “gados” trong Cựu Ước bao gồm cả “sự thu hút” hấp dẫn cũng như cả nỗi “sợ hãi” dội lại bằng việc tỏ ra “tách biệt” do đó có cả tính cách bất khả đạt thấu.

Đã có một đôi lần trong loạt bài giáo lý này, chúng ta nói đến cuộc thần hiển của Sách Xuất Hành. Ở chân Núi Horeb trong sa mạc, Moisen đã thấy một bụi cây cháy mà không bị thiêu rụi (x.Ex.3:2). Khi ông tiến đến gần bụi cây thì nghe thấy tiếng nói: “Ngươi chớ có đến gần; hãy cởi giầy của ngươi ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh” (Ex.3:5). Những lời này nhấn mạnh đến sự thánh thiện của Thiên Chúa. Từ bụi cây cháy, Thiên Chúa đã mạc khải danh xưng của Ngài ra cho Moisen: “Ta là Đấng hiện hữu”. Nhân danh này, Thiên Chúa đã sai Moisen đi giải phóng Yến Duyên khỏi đất Ai Cập. Cuộc tỏ hiện này đã chất chứa một yếu tố “sợ hãi”. Sự thánh thiện của Thiên Chúa đối với con người vẫn khôn đạt thấu – “ngươi chớ có đến gần”. Ngoài ra, toàn cục diện của việc thiết lập giao ước ở Núi Sinai (Ex.19-20) cũng có những đặc tính tương tự như vậy.

Sau đó, trong giáo huấn của các tiên tri, đặc tính này nơi sự thánh thiện của Thiên Chúa, bất khả thấu đối với con người, nhường lối cho việc Thiên Chúa “đến gần gũi”, cho tính cách khả đạt của Ngài, cho việc hạ mình của Ngài.

Chúng ta đọc thấy nơi Tiên Tri Isaia:

“Vì vậy Đấng cao vời phán,

ai ở trong vĩnh hằng thì tên của vị ấy là Thánh:

‘Ta ngự ở nơi cao cả và thánh hảo,

cũng ở với ai có tâm thần thống hối khiêm cung,

để hồi sinh tinh thần cho kẻ thấp kém,

phục hồi tâm can cho kẻ ăn năn’” (Is.57:15).

Cũng tương tự như thế nơi Tiên Tri Hôsêa:

“Ta là Thiên Chúa chứ không phải loài người, là Đấng Thánh ở giữa các ngươi, và Ta đến không phải để hủy hoại” (Hos.11:9).

Thiên Chúa đã ban cho chúng ta chứng cớ cao cả nhất của việc Ngài gần gũi chúng ta bằng cách sai Lời của Ngài đến trần gian. Ngôi thứ hai của Ba Ngôi Chí Thánh mặc lấy xác thể như chúng ta để đến sống giữa chúng ta.

Bằng tấm lòng biết ơn về việc hạ mình này của Thiên Chúa, Đấng muốn sát gần lại với chúng ta, Ngài không chỉ nói với chúng ta qua các tiên tri, mà còn nói với chúng ta nơi ngôi vị của Con duy nhất Ngài, chúng ta hãy lấy đức tin khiêm hạ và hân hoan lập lại rằng: “Tu solus Sanctus…” “Lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa là Đấng Thánh, chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Đấng Tối Cao, cùng với Chúa Thánh Thần trong vinh quang Thiên Chúa Cha. Amen”.

 

(Bài Giáo Lý ngày 11 tháng 12 năm 1985)