(2)

Thiên Chúa tỏ mình ra

tuyệt đỉnh nơi Chúa Giêsu Kitô

 

Đ

ức tin - được gồm tóm trong lời tuyên xưng “tôi tin kính” - có liên hệ chính yếu với mạc khải. Việc đáp ứng đối với sự việc Thiên Chúa mạc khải “bản thân mình” cho con người - đồng thời tỏ cho họ biết mầu nhiệm của ý định muôn đời của Ngài trong việc cứu độ con người qua việc “chia sẻ bản tính thần linh” - là việc con người “phó mình cho Thiên Chúa”. Đức tin là sự tuân phục của trí khôn và lòng muốn đối với Thiên Chúa là Đấng tỏ mình ra. Việc tuân phục này, trên hết mọi sự, đó là việc chấp nhận những gì Thiên Chúa mạc khải “như là một chân lý”. Con người vẫn hòa hợp với lý trí tự nhiên của mình trong việc chấp nhận nội dung của mạc khải. Thế nhưng, bởi đức tin, con người phó toàn thân mình cho vị Thiên Chúa là Đấng tỏ mình ra cho họ này - để rồi, trong khi họ nhận được tặng ân “từ trên cao”, họ đáp lại Thiên Chúa bằng việc trao tặng nhân tính của mình. Như thế, bằng việc tuân phục của lý trí và lòng muốn cho Thiên Chúa là Đấng tỏ mình ra, một đường lối hiện hữu mới trong mối liên hệ với Thiên Chúa được bắt đầu cho cả toàn thân con người.

            Mạc khải - mà theo đó là đức tin - “vượt ra ngoài” con người, vì mạc khải mở ra cho họ những nhãn quan siêu nhiên. Thế nhưng, trong những nhãn quan này có chất chứa cả niềm mãn nguyện sâu xa nhất của các  khao khát và ước vọng bắt nguồn từ bản tính linh thiêng của con người - sự thật, sự thiện, yêu thương, niềm vui, an bình. Thánh Augustinô đã diễn tả thực tại này bằng một câu nói thời danh: “Lòng chúng con khắc khoải cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa” (Tự Thú, I,1). Thánh Tôma đã dùng tất cả các vấn nạn thứ nhất trong phần hai của bộ Tổng Luận Thần Học của mình để trình bày, như thể muốn khai triển tư tưởng của Thánh Augustinô, sự thể hiện trọn vẹn tầm mức hoàn hảo của con người mà vì thế định mệnh của con người chỉ có nơi nhãn quan và tình yêu Thiên Chúa. Bởi lý do này, mạc khải thần linh gặp gỡ, trong đức tin, khả năng siêu việt của tâm linh con người mở ra trước Lời Thiên Chúa.

            Hiến Chế Công Đồng Dei Verbum nhận định rằng “công cuộc mạc khải” này đã được khai triển ngay từ ban đầu của lịch sử loài người. Công cuộc mạc khải này “được hiện thực bởi những việc làm và lời nói sâu xa hòa hợp với nhau: những việc làm do Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu rỗi tỏ ra và xác nhận giáo huấn cùng các thực tại được biểu hiệu bằng các lời nói, trong khi các lời nói công bố các việc làm và làm sáng tỏ mầu nhiệm hàm chất trong các việc làm” (đoạn 2). Chúng ta có thể nói rằng công cuộc mạc khải chứa đựng một “giáo huấn thần linh” đặc biệt. Thiên Chúa từ từ “mạc khải mình ra” cho con người, dẫn họ từng bước đến “mạc khải bản thân” siêu nhiên của Thiên Chúa, cho đến tột đỉnh là Chúa Giêsu Kitô.

            Toàn thể công cuộc mạc khải đồng thời cũng được thể hiện như một lịch sử cứu độ. Tiến trình này thấm nhập lịch sử của con người ngay từ đầu. “Thiên Chúa, Đấng đã tác tạo mọi sự nhờ Lời” (x.Jn.1:3) và đã giữ cho chúng hiện hữu, ban cho con người một chứng cớ kéo dài về mình nơi các thực tại tạo thành (x.Rm.1:19-20). Trong dự án tỏ cho thấy con đường cứu rỗi cao cả, Ngài đã đi xa hơn, và ngay từ khởi sự, đã tỏ mình cho các vị cha mẹ đầu tiên của chúng ta” (Hiến Chế Dei Verbum, đoạn 3).

            Như từ đầu “chứng cớ nơi các thực tại tạo thành” nói với con người, kéo tâm trí họ hướng về Đấng Hóa Công vô hình, thì cũng từ đầu, kéo dài trong lịch sử nhân loại, việc Thiên Chúa mạc khải mình ra, một mạc khải cần được đáp ứng xứng hợp bằng lời “tôi tin kính” của con người. Mạc khải này không bị tội lỗi của các vị cha mẹ đầu tiên của chúng ta làm gián đoạn. Thực sự, Thiên Chúa, “sau khi họ sa ngã, lời hứa cứu chuộc của nNgài đã gợi lên trong họ niềm hy vọng được cứu rỗi (x.Gn.3:15), và từ lúc đó trở đi, Ngài đã không ngừng chăm sóc loài người, ban sự sống đời đời cho những ai kiên trì làm lành để tìm kiếm ơn cứu độ (x.Rm.2:6-7). Thế rồi, Ngài đã vừa chọn và gọi Abraham để từ ông làm nên một dân tộc lớn (x.Gn.12:2). Nhờ các tổ phụ, và sau họ đến Moisen và các tiên tri, Ngài đã dạy dân tộc này công nhận Ngài như Thiên Chúa hằng sống và chân thật duy nhất, là Cha quan phóng và là thẩm phán công minh, cũng như dạy họ đón chờ Đấng Cứu Tinh Ngài hứa ban. Theo cách thức này, Ngài đã dọn đường cho Phúc Aâm qua các thế hệ” (Hiến Chế Dei Verbum, đoạn 3).

            Đức tin như là việc đáp ứng lời mạc khải thần linh đã đi vào giai đoạn sau cùng nơi việc Chúa Kitô đến, khi Thiên Chúa “nói với chúng ta qua Con Ngài trong thời sau hết này” (Heb.1:1-2).

            “Thế nên, Chúa Giêsu Kitô, Lời đã hóa thành nhục thể, được sai đến như ‘một con người nói với loài người’. Người ‘nói những lời của Thiên Chúa’ (Jn.3:34), và hoàn tất việc cứu độ mà Cha Người đã truyền Người làm (x.Jn.5:36;17:4). Thấy Chúa Giêsu là thấy Cha Người (Jn.14:9). Vì lý do này Chúa Giêsu đã hoàn trọn mạc khải bằng cách chu tất mạc khải này qua tất cả việc Người hiện diện và tỏ mình ra - nơi lời nói và hành động, nơi các dấu lạ và sự lạ của Người, nhất là nơi sự chết và phục sinh vinh hiển từ trong cõi chết của Người, sau cùng nơi việc sai Thần Chân Lý đến. Hơn nữa, Người còn xác nhận bằng chứng cớ thần linh điều mạc khải đã loan báo - đó là Thiên Chúa ở với chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết, cũng như để nâng chúng ta lên đến sự sống đời đời” (Hiến Chế Dei Verbum, đoạn 4).

            Theo ý nghĩa của Kitô giáo thì “tin tưởng” nghĩa là chấp nhận việc Thiên Chúa mạc khải mình ra tối hậu nơi Đức Giêsu Kitô, bằng việc đáp lại mạc khải này ở chỗ “phó mình cho Thiên Chúa”, một việc phó mình có chính Đức Kitô là nền tảng, là mẫu gương sống động và là Đấng trung gian cứu độ.

            Một đức tin như vậy bao gồm việc chấp nhận toàn thể “công cuộc (cứu độ) của Kitô giáo” như một giao ước mới và tối hậu “sẽ không bao giờ qua đi”. Như Công Đồng Chung Vaticanô II dạy: “Hiện nay chúng ta không còn đợi chờ một mạc khải chung mới nào nữa trước khi Chúa Giêsu Kitô của chúng ta vinh quang tỏ hiện” (Hiến Chế Dei Verbum, đoạn 4).

            Như thế là Công Đồng, qua Hiến Chế Dei Verbum trình bày một cách tóm gọn song đầy đủ cho chúng ta toàn bộ “giáo huấn” của mạc khải thần linh, đồng thời cũng dạy cho chúng ta đức tin là gì. Công Đồng dạy “tin tưởng” là gì, nhất là “tin tưởng như những người Kitô hữu”, như để đáp lại lời yêu cầu của chính Chúa Giêsu: “Các con hãy tin tưởng vào Thiên Chúa và hãy tin tưởng nơi Thày” (Jn.14:1).

 

(Bài Giáo Lý ngày 3 tháng 4 năm 1985)