(20)

Thiên Chúa là

Đấng Tạo Thành Trời Đất

 

 

S

ự thật về việc tạo thành là đối tượng và là nội dung của đức tin Kitô giáo. Sự thật này thể hiện một cách rõ ràng theo mạc khải mà thôi. Ngoài Thánh Kinh ra, nó chỉ được thấy một cách lờ mờ theo các truyền thuyết thần thoại về nguồn gốc của vũ trụ. Nó cũng không được bàn đến bởi các triết gia cổ thời, ngay cả các vị đại triết gia như Plato và Aristote, cho dù họ có vươn tới một ý niệm về Thiên Chúa như là một Hữu Thể toàn hảo, một Tuyệt Đối Thể. Lý trí tự nhiên của con người có thể tiến đến việc lập luận để thấy được một sự thật là thế giới và các hữu thể tùy thuộc (như các hữu thể không tất yếu hiện hữu) đều lệ thuộc vào Tuyệt Đối Thể. Tuy nhiên, việc lập luận về tình trạng lệ thuộc như của “tạo thành” này – được căn cứ nơi sự thật về việc tạo dựng – theo nguồn gốc của mình, có liên quan đến mạc khải thần linh, thế nên nó cũng là một chân lý của đức tin.

            Chân lý đức tin này đã được tuyên xưng ngay đầu của các bản tuyên xưng đức tin, mở màn là những bản tuyên xưng xưa nhất, như Kinh Tin Kính của Các Tông Đồ: “Tôi tin kính Thiên Chúa… Đấng Tạo Thành trời đất”. Cũng thế, Kinh Tin Kính của hai Công Đồng Chung Nicêa và Contantinopoli cũng nói lên rằng: “Tôi tin kính Thiên Chúa… Đấng Tạo Thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình”. Sau hết là Kinh Tin Kính của Dân Thiên Chúa do Đức Phaolô VI ban bố tuyên xưng rằng: “Chúng tôi tin kính một Thiên Chúa duy nhất… Đấng Tạo Thành các vật hữu hình, như thế gian này là nơi cuộc sống tạm bợ của chúng tôi qua đi, cũng như các vật vô hình, như những thuần linh thể được gọi là các thiên thần, và là Đấng Tạo Thành nơi mỗi một người linh hồn thiêng liêng và bất tử cho họ” (L’Osservator Romano, ấn bản Anh ngữ, 11/7/1968, trang 4).

            Vì nội dung phong phú của mình, sự thật về việc Thiên Chúa tạo dựng nên thế gian và con người chiếm một chỗ căn bản nơi niềm tin Kitô giáo. Nó không phải chỉ nói đến nguồn gốc của thế gian như thành qủa của việc Thiên Chúa tạo thành, mà còn tỏ cho thấy Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa nữa. Thiên Chúa đã nói qua các tiên tri và trong những ngày sau hết này qua Người Con (x.Heb.1:1). Ngài đã tỏ mình ra cho những ai chấp nhận mạc khải của Ngài, không phải ở chỗ Ngài thực sự là Đấng đã tạo thành thế gian, mà trên hết, ở chỗ Đấng Tạo Thành là ai.

            Sách Thánh (Cựu Ước cũng như Tân Ước) đầy những sự thật về việc tạo thành và về Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành. Cuốn sách đầu tiên của bộ Thánh Kinh, Sách Khởi Nguyên, bắt đầu bằng việc xác định sự thật này: “Từ khởi nguyên Thiên Chúa đã tạo nên các tầng trời và đất” (Gen.1:1). Nhiều đoạn thánh kinh khác cũng lập lại sự thật đó, cho thấy nó đã ăn sâu vào niềm tin của dân Yến Duyên là chừng nào. Chúng ta hãy nhắc lại ít là mấy chỗ như sau. Chúng ta đọc thấy nơi các Thánh Vịnh: “Trái đất là của Chúa cùng với sự tròn đầy của nó, cả thế gian và những ai ở đó; vì Ngài đã tạo lập nên nó trên các biển khơi” (24:1-2). “Các tầng trời là của Chúa, đất cũng là của Chúa; thế gian và tất cả những gì ở đó cũng thế, vì Chúa đã tạo lập nên chúng” (89:11). “Biển khơi là của Chúa, vì Ngài đã tạo nên nó; vì bàn tay Ngài đã tạo thành đất khô” (95:5).

            “Đất tràn đầy những việc Thiên Chúa bền vững yêu thương. Bởi lời Chúa mà các tầng trời đã được tạo thành… vì Ngài phán thì nó thành nên; Ngài truyền khiến thì nó hiện thân” (33:5-6,9). “Chớ gì các người được Chúa là Đấng tạo thành trời đất chúc lành” (114:15). Cùng sự thật này cũng đã được tác giả Sách Khôn Ngoan  tuyên xưng như sau: “Oâi Thiên Chúa cha ông của tôi và là Chúa tình thương, Đấng đã tạo tác tất cả mọi sự bằng lời của mình…” (9:1). Tiên tri Isaia, khi nói theo ngôi thứ nhất, đã dùng lời của Thiên Chúa Hóa Công thế này: “Ta là Chúa, Đấng tạo nên tất cả mọi sự” (44:24).

            Những chứng cớ nơi Tân Ước cũng không kém phần sáng tỏ. Chẳng hạn, đoạn Tiền Ngôn của Phúc Aâm Thánh Gioan đã nói lên rằng: “Từ khởi nguyên đã có Lời… tất cả mọi sự nhờ Người mà được tạo thành, ngoài Người ra không có một sự gì thành nên” (1:1,3). Thư gửi giáo đoàn Do Thái phát biểu thế này: “Nhờ đức tin, chúng ta hiểu được rằng thế gian đã được lời Thiên Chúa tạo thành, để điều được trông thấy xuất phát từ những sự không có” (11:3).

            Sự thật về việc tạo thành nói lên ý tưởng là mọi sự hiện hữu ngoài Thiên Chúa đã được Ngài làm cho hiện hữu. Trong Sách Thánh, chúng ta thấy các bản văn đã nói rõ về điều này.

            Sách Macabê ghi lại trường hợp của người mẹ có bảy đứa con trai. Đối diện với sự đe dọa của tử thần, bà đã phấn khích đứa con trẻ nhất tuyên xưng niềm tin của Yến Duyên khi nói với nó rằng: “Con hãy nhìn các tầng trời và đất… Thiên Chúa đã không tạo nên chúng từ những gì đã có. Loài người có được cũng như thế đó” (2Mac.7:28). Chúng ta đọc trong Thư gửi giáo đoàn Rôma: “Abraham đã tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng ban sự sống cho kẻ chết và làm hiện hữu những vật chưa hiện hữu” (4:17).

            “Tạo thành” bởi thế có nghĩa là tạo nên từ hư không, là làm cho hiện hữu, tức là tạo thành một hữu thể từ hư không. Ngôn ngữ thánh kinh đã cho chúng ta một thoáng nhìn về điều quan trọng này nơi những lời mở đầu của Sách Khởi Nguyên: “Từ khởi nguyên Thiên Chúa đã tạo dựng nên các tầng trời và đất”. Lời “đã tạo dựng nên” được chuyển dịch từ chữ bara của Do Thái, một chữ nói lên tác động của một quyền năng phi thường chỉ một mình Thiên Chúa mới là chủ thể của nó. Việc suy tư sau cuộc lưu đầy đã mang lại một sự hiểu biết khá hơn về tầm quan trọng của việc thần linh tự động can thiệp vào. Cuốn Sách Macabê Thứ Hai cuối cùng đã cho thấy tác động thần linh này như là một công cuộc “không phải từ những gì đã hiện hữu” (7:28). Các vị Giáo Phụ của Hội Thánh và các nhà thần học đã làm sáng hơn ý nghĩa của tác động thần linh khi nói về việc tạo dựng “từ hư không” (Creation ex nihilo; chính xác hơn là ex nihilo sui et suoàecti).

            Nơi tác động tạo thành, Thiên Chúa là nguyên lý duy nhất và trực tiếp cho một hữu thể mới, không lệ thuộc bất cứ một tiền hữu thể nào.

            Là Đấng Tạo Thành, ở một nghĩa nào đó, Thiên Chúa “ở ngoài” hữu thể tạo thành, cũng như cái được tạo thành “ở ngoài” Thiên Chúa. Đồng thời tạo vật lại trọn vẹn và hoàn toàn mắc nợ Thiên Chúa về việc hiện hữu của mình (tức về hữu thể hiện hữu của mình), vì tạo vật đã trọn vẹn và hoàn toàn xuất thân từ quyền năng của Thiên Chúa.

            Qua quyền năng (quyền toàn năng) tạo thành này, Thiên Chúa ở trong thụ tạo và thụ tạo ở trong Ngài. Tuy nhiên, việc hòa nhập thần linh này không thể nào làm giảm thiểu siêu việt tính của Thiên Chúa đối với mọi sự Ngài đã làm cho hiện hữu.

            Khi Tông Đồ Phaolô đặt chân đến Areopagus của thành Nhã Điển, ngài đã nói với những người tụ hội ở đó như sau: “Khi tôi đi ngang qua và quan sát thấy những vật thờ phượng của qúi vị, tôi thấy có một bàn thờ có hàng chữ đề ‘Kính vị thần vô danh’. Tôi xin công bố cho qúi vị biết về điều vô danh qúi vị tôn thờ. Đó là Thiên Chúa, Đấng tạo thành thế gian và mọi sự trong thế gian, là Chúa trời đất…” (Acts 17:23-24).

            Có điều lạ ở đây là các người thành Nhã Điển , thành phần chân nhận nhiều vị thần (thuyết đa thần ngoại giáo), được nghe những lời về một Thiên Chúa duy nhất là Đấng Hóa Công này mà không tỏ ra chống đối gì cả. Điều này cho thấy rằng sự thật về việc tạo dựng đã thành một điểm gặp gỡ giữa những người tuyên xưng các niềm tin khác nhau. Có lẽ sự thật về việc tạo thành đã được đâm rễ sâu trong các tôn giáo khác biệt bằng một đường lối bẩm sinh và sâu xa, cho dù họ không có những ý niệm rõ ràng một cách đầy đủ như những ý niệm được chứa đựng trong Sách Thánh.

           

(Bài Giáo Lý ngày 15 tháng 1 năm 1986)