(21)

Trong việc tạo dựng

Thiên Chúa làm cho thế gian

hiện hữu từ hư không

 

 

S

ự thật tuyên xưng Thiên Chúa tạo dựng – tức Ngài đã làm cho tất cả mọi sự ngoài Ngài hiện hữu, cả thế gian và con người – đã được nói đến ở ngay trang nhất của Sách Thánh, mặc dù ý nghĩa của chân lý này chỉ được nên trọn nơi tiến trình mạc khải sau đó.

            Sách Khởi Nguyên mở đầu bằng hai trình thuật về việc tạo dựng. Các học giả thánh kinh cho rằng trình thuật thứ hai xưa hơn. Nó có một đặc tính bóng bảy và cụ thể hơn; nó xưng với Thiên Chúa bằng tên gọi “Giavê”, và vì thế nó được coi là “nguồn trình thuật Giavê”.

            Trình thuật thứ nhất, theo thời gian được viết sau, lại có hệ thống và tính cách thần học hơn. Nó dùng chữ “Elohim” để chỉ Thiên Chúa. Nó phân chia công cuộc tạo dựng ra một loạt sáu ngày. Các học giả đã kết luận rằng bản văn này có nguồn gốc theo ảnh hưởng tư tế và phượng tự, vì ngày thứ bảy được trình bày như là ngày Thiên Chúa nghỉ ngơi. Nó cho con người lao công thấy mẫu gương của Thiên Chúa Đấng Tạo Thành. Tác giả của chương nhất Sách Khởi Nguyên muốn xác nhận giáo huấn của Mười Điều Răn, bằng việc nhấn mạnh đến việc bắt buộc phải giữ thánh hảo ngày thứ bảy.

            Trình thuật về công cuộc tạo dựng xứng đáng được đọc và suy niệm thường xuyên trong phụng vụ cũng như ngoài phụng vụ. Về từng ngày tạo dựng riêng biệt, người ta khám phá thấy giữa đoạn này với đoạn kia có một sự liên tục chặt chẽ và tương đồng rõ ràng. Trình thuật bắt đầu với những lời: “Từ khởi nguyên Thiên Chúa đã dựng nên các tầng trời và đất”, tức là, toàn thể thế giới hữu hình. Đoạn tả đến từng ngày một thì diễn tả thế này: “Thiên Chúa phán: Hãy có…”. Bằng quyền năng của lời Tạo Hóa phán này – “fiat, hãy có”, thế giới hữu hình dần dần hiện lên. Từ khởi nguyên đất còn “vô thể và trống không”. Sau đó, theo tác động của lời Thiên Chúa sáng tạo, nó bắt đầu trở nên xứng hợp với sự sống và tràn đầy những hữu thể sống động, cây cối và thú vật, trong số các hữu thể sống động này, Thiên Chúa cuối cùng đã dựng nên con người “theo hình ảnh Ngài” (Gn.1:27).

            Trước hết, đoạn văn này có một tầm quan trọng về đạo giáo và thần học. Nó không bao gồm những yếu tố theo quan điểm khoa học tự nhiên. Việc tìm kiếm về nguồn        gốc và phát triển của từng giống loại trong thiên nhiên không hề tìm thấy trong đoạn diễn tả này bất cứ một tiêu chuẩn nhất định nào hay những đóng góp tích cực thực sự có lợi nào. Thật vậy, lý thuyết về việc tiến hóa tự nhiên, hiểu theo ý nghĩa của nó, nếu không loại trừ nguyên tố thần linh, thì theo nguyên tắc, không phản lại với sự thật về việc tạo dựng của thế giới hữu hình, như Sách Khởi Nguyên diễn trình.

            Nhìn tổng quát, hình ảnh thế gian được ngòi bút của vị tác giả hứng khởi phác họa với những đặc tính của nguồn gốc vũ trụ theo thời gian. Nơi những đặc tính này, tác giả đã chen tính chất nguồn gốc tuyệt đối vào sự thật về việc Thiên Chúa duy nhất tạo dựng mọi sự – đây là một chân lý mạc khải. Đoạn văn thánh kinh này xác nhận việc thế giới hữu hình hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa, Đấng là Hóa Công có toàn quyền năng trên mọi thụ tạo (dominum altum).  Nó tỏ cho thấy giá trị của tất cả mọi tạo vật trước con mắt Thiên Chúa. Vào cuối mỗi một ngày tạo dựng, nó đầu lập lại câu: “Thiên Chúa thấy là tốt lành”. Vào ngày thứ sáu, sau khi tạo nên con người, trung tâm của vũ hoàn, chúng ta đọc thấy: “Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm nên rất là tốt lành” (Gn.1:31).

            Việc kinh thánh diễn tả công cuộc tạo dựng có một đặc tính siêu hình học, tức là nói về hữu thể. Đồng thời việc diễn tả này cũng có đặc tính thẩm vị học vì nó minh chứng cho giá trị. Bằng việc tạo dựng nên thế gian như để biểu lộ sự thiện hảo vô cùng của mình, Thiên Chúa đã dựng nên nó tốt lành. Giáo huấn chính yếu này chúng ta học được từ nguồn gốc của vũ trụ theo thánh kinh, và nhất là từ đoạn diễn tả mở đầu của Sách Khởi Nguyên.

            Cùng với tất cả những gì Sách Thánh nói về việc tạo dựng cũng như về Thiên Chúa Hóa Công ở nhiều nơi khác nhau, đoạn văn diễn tả này cho phép chúng ta đặt ra một số yếu tố sau đây:

1)  Thiên Chúa đã tự mình tạo dựng nên thế gian. Quyền năng tạo dựng này là một quyền năng bất chuyển nhượng – incommunicabilis.

2) Thiên Chúa đã tạo dựng nên thế gian không bởi một thúc đẩy bên ngoài nào hay bởi một bó buộc bên trong nào.

3) Thế gian đã được Thiên Chúa dựng nên theo thời gian, bởi thế, nó không vĩnh hằng. Nó được bắt đầu trong thời gian.

4) Thế gian do Thiên Chúa dựng nên được liên lỉ tồn hữu bởi Hóa Công. “Việc bảo tồn” này, theo một nghĩa nào đó, là một việc tạo dựng liên tục (conservatio est continua creatio).

Qua gần hai ngàn năm, Giáo Hội nhất trí tuyên xưng và công bố sự thật việc tạo dựng thế giới hữu hình và vô hình là công cuộc của Thiên Chúa. Việc tuyên xưng và công bố này là việc tiếp nối đức tin mà dân Yến Duyên, Dân của Thiên Chúa trong cựu ước, tuyên xưng và công bố. Giáo Hội cắt nghĩa và khảo sát toàn bộ sự thật này bằng việc sử dụng đến triết thuyết hữu thể, và Giáo Hội bảo vệ sự thật này khỏi bị lệnh lạc theo tư tưởng của con người qua giòng thời gian của lịch sử. Ơû Công Đồng Chung Vaticanô I, để đáp lại các xu hướng phiếm thần và tư tưởng duy vật của thời bấy giờ, Huấn Quyền của Giáo Hội đã long trọng mạnh mẽ xác nhận sự thật về việc tạo thành là công cuộc của Thiên Chúa. Những chiều hướng tương tự như vậy cũng đang luân lưu trong thế kỷ của chúng ta đây, nơi một số phát tiển của các khoa học thực nghiệm cũng như các ý hệ vô thần.

Trong Hiến Chế Dei Filius của Công Đồng Chung Vaticanô I, chúng ta đọc thấy: “Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất này, theo sự thiện hảo và ‘quyền toàn năng’ của mình, không phải để tăng thêm hạnh phúc cho riêng mình, cũng không phải để đạt tới mà là biểu hiện sự toàn hảo của mình qua tặng ân Ngài ban phát cho các tạo vật, bằng một quyết định tuyệt đối tự do, ‘từ khởi đầu thời gian, đã cùng một lúc, kéo ra khỏi hư không cả tạo vật này lẫn tạo vật kia, vô hình lẫn hữu hình, tức là, thần thiêng lẫn vật thể, rồi đến tạo vật loài người, thành phần được thực sự thông phần vào cả hai cấp trật, gồm cả tinh thần lẫn thể xác’ (Conc.Lat.IV)’” (DS 3002).

Theo “các khoản” được thêm vào bản văn giáo huấn này, Công Đồng Chung Vaticanô I đã xác nhận các chân lý sau đây:

1) Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất là Tạo Hóa và là Chúa “của các vật hữu hình và vô hình” (DS 3021).

2) Nếu nhận rằng chỉ có vật chất mới hiện hữu (chủ nghĩa duy vật) là phản lại đức tin (DS 3022).

3) Nếu cho rằng Thiên Chúa thực sự đồng nhất với thế gian (thuyết phiếm thần) là trái với đức tin (DS 3023).

4) Nếu chủ trương rằng các tạo vật, dù thần thiêng đi nữa, là phóng thể của bản thể thần linh, hay nếu thừa nhận rằng Hữu Thể thần linh trở thành mọi sự khi tỏ mình ra hay tiến hóa, là phản nghịch với đức tin.

5) Nếu nghĩ rằng Thiên Chúa là một hữu thể phổ quát và bất định, một khi trở nên nhất định, hữu thể đã cấu tạo nên vũ hoàn thành giống, loại và cá thể, cũng nghịch với đức tin (DS 3024).

6) Nếu chối bỏ thế gian và tất cả mọi sự trong thế gian, dù thần thiêng hay vật thể, trong toàn bản thể của mình, đã được Thiên Chúa dựng nên từ hư không, cũng  ngược với đức tin (DS 3025).

Việc bàn đến cùng đích của công cuộc tạo dựng thì cần phải bàn đến riêng. Vấn đề này đã chiếm nhiều chỗ trong mạc khải, trong Huấn Quyền của Giáo Hội cũng như trong thần học.

Tạm thời, để kết thúc suy niệm của chúng ta, cần phải nhắc đến đoạn Sách Khôn Ngoan tuyệt vời, một đoạn chúc tụng Thiên Chúa về tình yêu mà Ngài đã thương tạo dựng nên vũ trụ và bảo tồn cho nó hiện hữu:

“Vì Ngài yêu thương tất cả mọi sự hiện hữu,

không ghê tởm một sự gì

Ngài đã tạo nên,

Ngài đã không tạo nên bất cứ sự gì

Ngài ghét bỏ.

Sự gì có thể tồn tại được

nếu Ngài không muốn có?

Hay sự gì Ngài không gọi đến tên

lại được bảo trì?

Ngài bao dung với tất cả mọi sự, vì chúng là của Ngài,

            Oâi Chúa là Đấng yêu thương sinh linh”

(Wis 11:24-26)

            (Bài Giáo Lý ngày 29 tháng 1 năm 1986)