(24)

Thiên Chúa đã dựng nên

con người là một hữu thể

có hồn thiêng và xác chất

 

Đ

ược dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, con người là một hữu thể vừa có hồn thiêng vừa có xác chất. Dù thuộc về thế giới ngoại tại, con người cũng trổi vượt hơn nó. Ngoài việc là một tạo vật xác phàm, con người còn là một bản vị như thần linh. Chân lý về con người này là đối tượng của đức tin, như chân lý thánh kinh về hữu thể của con người được cấu tạo nên theo “hình ảnh và tương tự như” Thiên Chúa. Nó là một sự thật được Huấn Quyền liên lỉ truyền dạy qua các thế kỷ.

            Theo giòng lịch sử, sự thật ấy đã không ngừng là đối tượng cho việc tìm hiểu về kiến thức, cả ở lãnh vực triết học cũng như ở nhiều khoa học nhân bản khác nữa. Tóm lại, nó là đối tượng của nhân loại học.

            Con người là một thần linh nhập thể, hay nếu muốn chúng ta cũng có thể nói, là một xác thể được truyền khiến bởi một linh thể bất tử. Sự thật này, một cách nào đó, có thể suy ra từ trình thuật tạo dựng trong Sách Khởi Nguyên, đặc biệtø trong trình thuật “Giavê”. Trình thuật Giavê đã sử dụng đến một cảnh trí và những hình ảnh nhân thể học. Chúng ta đọc thấy rằng: “Chúa là Thiên Chúa đã hình thành con người từ bụi đất, và đã thở hơi sống vào mũi con người; và con người đã trở nên một hữu thể sống động” (Gn.2:7). Bản văn thánh kinh liên tục giúp chúng ta hiểu rõ ràng là, được dựng nên như thế, con người nổi vượt trên toàn thể thế giới hữu hình, nhất là thế giới thú vật. “Hơi sống” đã làm cho con người có khả năng biết được các hữu thể loài vật này, biết đặt tên cho chúng, và biết nhận ra mình khác với chúng (x.Gn.2:18-20). Trình thuật “Giavê” không nói đến “linh hồn”. Tuy nhiên, chúng ta có thể dễ dàng suy diễn từ trình thuật này là sự sống được ban cho con người qua tác động tạo thành vượt trên lãnh vực thuần thể chất (một lãnh vực xứng hợp với loài thú). Vượt trên chất thể, sự sống ấy vươn tới lãnh vực thần linh, một lãnh vực có nguồn gốc sâu xa nơi “hình ảnh Thiên Chúa”, như Sách Khởi Nguyên đoạn 1 câu 27 cho thấy về con người.

            Con người là một đơn vị. Họ tự mình là một. Thế nhưng, tình trạng đơn nhất này lại kép đôi. Sách Thánh đã cho thấy về tình trạng vừa đơn nhất (bản vị) lại vừa kép đôi (xác hồn) này. Người ta nghĩ đến Sách Huấn Ca có câu: “Chúa đã dựng nên con người từ bụi đất và trả họ về đất bụi”; rõ hơn nữa: “Ngài tạo nên con người với miệng lưỡi, mắt nhìn, tai nghe, và ban cho chúng một con tim hiểu biết. Ngài làm cho chúng đầy khôn ngoan và kiến thức; Ngài tỏ cho chúng thấy sự lành sự dữ” (17:1, 5-6).

            Theo quan điểm này thì đặc biệt phải nói đến Thánh Vịnh 8. Trong việc tôn vinh con người, câu Thánh Vịnh đã thân thưa cùng Thiên Chúa những lời sau đây: “Loài người là chi mà Ngài nghĩ tới, hay con cái loài người là gì mà Ngài phải chăm nom? Ngài đã dựng nên họ kém thiên thần một chút, và đã đội triều thiên vinh quang và vinh dự cho họ. Ngài đã ban cho họ quyền cai trị trên các công cuộc tay Ngài làm ra, khi đặt tất cả mọi sự ở dưới chân của họ” (5-7).

            Truyền thống thánh kinh thường đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng đơn nhất bản vị của hữu thể con người, bằng việc sử dụng từ ngữ “xác thể” để chỉ toàn thể con người (x.Ps.145:21, Jl.3:1; Is.66:23; Jn.1:14). Nhận định này chính xác. Thế nhưng, ngoài tình trạng đơn nhất bản vị của hữu thể con người này, tình trạng kép đôi nơi con người cũng được truyền thống thánh kinh cho thấy, đôi khi rất rõ ràng. Những lời của Chúa Kitô đã cho thấy truyền thống thánh kinh này: “Các con đừng sợ những kẻ sát hại được thân xác mà không hủy hoại được linh hồn. Hơn là hãy sợ Đấng có thể hủy diệt được cả hồn lẫn xác trong Hỏa Ngục” (Mt.10:28).

Các nguồn kinh thánh cho phép chúng ta thấy con người vừa là một đơn nhất bản vị vừa là một hiệp nhất hồn xác. Quan niệm này đã được diễn đạt bởi toàn thể Truyền Thống và giáo huấn của Giáo Hội. Giáo huấn này chẳng những hòa hợp những nguồn thánh kinh, mà còn hòa hợp cả những diễn giải thần học nữa, những dẫn giải thần học này có được là nhờ việc khai triển những phân tách của một số trường phái triết học Hy Lạp (như trường phái triết học Aristote). Việc khai triển này là một việc liên lỉ  ngẫm nghĩ từ từ. Nhờ ảnh hưởng của Thánh Tôma Aquinô, việc khai triển này đã thực sự đạt tới việc Công Đồng ở Viên (1312) công bố, gọi linh hồn là “mô thể” của thân xác: forma corporis humani per se et essentialiter (DS 902). Là một yếu tố làm nên bản thể hữu thể “con người”, “mô thể” có một bản chất linh thiêng. “Mô thể” linh thiêng là linh hồn này thì bất tử. Về sau, Công Đồng Lateranô V (1513) đã lấy quyền phán quyết về điều ấy – linh hồn thì bất tử, ngược với thân xác thì phải chết (x.DS 1440). Trường phái Thánh Tôma đồng thời cũng nhấn mạnh rằng, bởi việc hiệp nhất thực sự của xác và hồn mà linh hồn, ngay cả sau khi con người chết, cũng không thôi “muốn” được tái hợp với thân xác. Điều này được xác nhận bởi chân lý mạc khải về cuộc phục sinh của thân xác.

Ngữ học có tính cách triết lý được sử dụng để diễn đạt tình trạng đơn nhất và phức hợp (kép đôi) nơi con người đôi khi cũng bị chỉ trích. Thế nhưng, chắc chắn một điều là giáo lý về tình trạng đơn nhất của bản vị con người, cũng như về tình trạng kép đôi của con người, vừa linh thiêng vừa thể chất, hoàn toàn được bắt nguồn từ Thánh Kinh và Thánh Truyền. Niềm xác tín con người là “hình ảnh Thiên Chúa”, vì có linh hồn, thường hay được nói đến. Thế nhưng, giáo lý truyền thống không phải là không xác tín rằng thân xác cũng được tham phần vào phẩm vị là “hình ảnh Thiên Chúa”, theo cách thức riêng của nó, như nó tham dự vào phẩm vị của con người vậy.

Vào thời buổi tân tiến, thuyết tiến hóa đã gây khó khăn cho giáo lý mạc khải về việc tạo dựng con người như là một hữu thể được cấu tạo bởi cả hồn lẫn xác. Bằng các phương pháp riêng của mình, nhiều khoa học gia về phương diện tự nhiên đã tìm hiểu vấn đề nguồn gốc sự sống con người trên trái đất này. Một số chủ trương, hoàn toàn trái ngược với đồng nghiệp của mình, chẳng những về sự hiện hữu liên kết giữa con người với đại đồng thiên nhiên, mà còn về sự phát xuất của con người từ các giống vật cao đẳng. Vấn đề này đã làm bận tâm các khoa học gia thế kỷ vừa rồi, và cũng đã kéo theo biết bao nhiêu là tầng lớp ý kiến công khai.

Huấn Quyền đã trả lời trong thông điệp Humani Generi của Đức Piô XII năm 1950. Chúng ta đọc thấy trong bức thông điệp này là: “Huấn Quyền của Hội Thánh không chống lại thuyết tiến hóa đang là đối tượng nghiên cứu và bàn cãi của các nhà chuyên môn. Ơû đây, thuyết tiến hóa được hiểu như là một cuộc tìm xét về nguồn gốc của thân thể con người từ vật sống có trước nó, vì đức tin Công Giáo buộc chúng ta phải chấp nhận rằng linh hồn được Thiên Chúa trực tiếp dựng nên…” (DS 3896).

Bởi thế, có thể nói rằng, theo quan điểm giáo lý đức tin, thì không khó khăn gì trong việc nhờ thuyết tiến hóa để giải thích về nguồn gốc con người liên quan đến thân xác của họ. Thế nhưng, cũng phải thêm rằng, giả thiết này chỉ đưa ra một tính chất khả thể mà thôi, chứ không phải là một xác đáng về khoa học. Tuy nhiên, giáo lý đức tin xác nhận nguyên vẹn là hồn thiêng của con người được Thiên Chúa trực tiếp dựng nên. Theo giả thiết được nhắc đến, thân xác của con người có thể, theo cấp độ về các thứ nhiệt năng của sự sống do Thiên Chúa ấn định, có thể đã được tuần tự sửa soạn nơi các hình thể của các hữu thể sống động trước mình. Tuy vậy, linh hồn con người là yếu tố làm nên nhân tính của con người, không thể nào phát sinh từ vật chất, vì linh hồn có một bản chất linh thiêng.

Tổng hợp về việc tạo dựng đúng đắn như trên đây đề cập đến cũng được Công đồng Chung Vaticanô II nhắc nhở: “Mặc dù được dựng nên có xác thể và hồn thiêng, con người cũng chỉ là một. Nhờ cấu trúc thân xác của mình, con người tụ hợp cho mình những yếu tố của thế giới vật chất; như thế, nhờ con ngườiù, những yếu tố này đạt tới tuyệt đỉnh của mình” (Hiến Chế Gaudium et Spes, đoạn 14). Tiếp theo đó, Công Đồng còn nói: “Con người cũng không sai lầm khi coi mình cao cả hơn những giá trị vật thể, khá hơn vụn vặt thiên nhiên hay hơn là một phần tử vô danh tiểu tốt trong xã hội loài người. Vì, bởi các tính chất nội tại của mình, con người qua mặt toàn khối thuần vật thể” (cùng đoạn 14 trên).

Vậy, như thế là cùng một sự thật về tình trạng đơn nhất và kép đôi (phức hợp) nơi bản tính con người có thể được diễn đạt bằng một ngôn ngữ gần gũi hơn với ý hệ tân tiến.

 

(Bài Giáo Lý ngày 16 tháng 4 năm 1986)