(28)

Thiên Chúa quan phòng

Tự Do của Con Người

T

 

rong cuộc hành trình tiến sâu vào mầu nhiệm Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng, chúng ta thường đụng phải vấn nạn này: nếu Thiên Chúa hiện diện và hoạt động nơi mọi sự thì con người có tự do thế nào được? Tự do của con người trước hết mang một ý nghĩa và tác hành ra sao? Theo ý nghĩa của Việc Quan Phòng thần linh, chúng ta phải hiểu thế nào về hoa trái xấu xa của tội lỗi phát hiện từ việc lạm dụng tự do?

            Chúng ta hãy lập lại lời tuyên xưng long trọng của Công Đồng Chung Vaticanô I: “Tất cả mọi sự Thiên Chúa đã dựng nên thì Ngài bảo tồn và điều khiển bằng Việc Quan Phòng của Ngài ‘một cách quyền năng cho đến tận biên cương bờ cõi và quản trị tất cả mọi sự đâu vào đó” (x.Wis.8:1). ‘Tất cả mọi sự phơi bầy và hiện lộ trước mắt của Ngài’ (x.Heb.4:13), ngay cả những gì sẽ xẩy ra bởi việc khơi động tự do nơi tạo vật” (DS 3003).

            Mầu nhiệm của Việc Quan Phòng thần linh đã được in sâu vào toàn thể công cuộc tạo dựng. Với tư cách biểu hiện cho sự khôn ngoan đời đời của Thiên Chúa, dự án Quan Phòng có trước công cuộc tạo dựng. Với tư cách biểu hiện cho quyền năng hằng hữu của Ngài, Việc Quan Phòng này chi phối công cuộc tạo dựng và làm cho công cuộc tạo dựng hiệu thành. Theo một ý nghĩa nào đó, có thể nói rằng, Việc Quan Phòng được hiện thực nơi công cuộc tạo dựng. Việc Quan Phòng này là một Việc Quan Phòng siêu việt, đồng thời cũng có sẵn nơi các sự vật, nơi tất cả mọi sự. Theo bản văn của Công Đồng chúng ta vừa đọc, điều này đặc biệt đúng trong trường hợp của tạo vật được ban cho minh trí và ý muốn tự do.

            Trong khi dung hòa “một cách quyền năng và đặt định đâu vào đó” toàn thể tạo thành, thì Việc Quan Phòng lại đặc biệt ôm ấp những thụ tạo được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa. Họ tham hưởng, nhờ niềm tự do được Tạo Hóa ban cho, “việc tự lập của các hữu thể tạo thành”, hiểu theo ý nghĩa của Công Đồng Chung Vaticanô II (x.Hiến Chế Gaudium et Spes, đoạn 36). Các hữu thể được tạo dựng có bản tính thuần linh cũng bao gồm trong khối những tạo vật này. Chúng ta sẽ nói về các vị này sau. Các vị làm nên thế giới vô hình. Trong thế giới hữu hình, con người là đối tượng được Việc Quan Phòng thần linh đặc biệt chú trọng. Theo giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II thì con người “là tạo vật duy nhất trên thế gian này được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ” (Hiến Chế Gaudium et Spes, đoạn 24), và cũng chính vì lý do này mà “con người… không thể nào hoàn toàn tìm thấy chính mình trừ phi ban tặng bản thân mình” (cùng đoạn trên).

            Sự kiện thế giới hữu hình được vinh vang bởi việc con người tạo thành đã mở ra trước mắt chúng ta những nhãn quan hoàn toàn mới mẻ về mầu nhiệm của Việc Quan Phòng thần linh. Nhãn quan hoàn toàn mới mẻ này được đề cập đến nơi câu tuyên ngôn tín lý của Công Đồng Chung Vaticanô I, ở cho, câu này nhấn mạnh đến trường hợp, trước con mắt khôn ngoan và hiểu biết thần linh, tất cả mọi sự đều được phơi “trần ra” (“mở ra”), và trần trụi, ở một nghĩa nào đó – cho dù loài tạo vật có lý trí tác hành theo tự do của mình. Điều này bao gồm những gì gây ra bởi việc chọn lựa có ý thức và bởi việc quyết định tự do của bản vị con người. Ngay cả về lãnh vực này, Việc Quan Phòng thần linh cũng vẫn đóng vai trò là nguyên nhân sáng tạo và điều hành theo thượng  quyền của mình. Thượng quyền này là một thượng quyền siêu việt của Sự Khôn Ngoan yêu thương, và bởi yêu thương đã tác hành một cách mãnh liệt và từ  ái.  Việc Quan Phòng này là một Việc Quan Phòng quan tâm bằng tình phụ tử, một Việc Quan Phòng rất sâu xa nơi tạo vật song vẫn tôn trọng tự do của tạo vật, trong việc hướng dẫn, đỡ nâng và dìu dắt tạo vật của mình đến đích điểm của chúng.

            Ơû nơi điểm gặp gỡ này, giữa dự án sáng tạo hằng hữu của Thiên Chúa với niềm tự do của con người, bừng lên một mầu nhiệm không thể hồ nghi, vừa khôn thấu, vừa đáng tôn thờ. Mầu nhiệm này là ở mối liên hệ thâm sâu, trước hết về siêu hình rồi đến tâm lý, giữa tác động thần linh và việc con người tự quyết. Chúng ta biết rằng, việc tự do quyết định này liên quan đến sinh hoạt tự nhiên của loài tạo vật có lý trí. Theo kinh nghiệm, chúng ta cũng biết đến sự kiện về niềm tự do của con người, một tự do đích thực, cho dù nó có bị thương tích và yếu đuối. Về vấn đề liên hệ giữa niềm tự do này của con người với nguyên nhân thần linh, tốt nhất là nhắc lại việc Thánh Tôma Aquinô nhấn mạnh đến ý niệm về Việc Quan Phòng như là một thể hiện của Sự Khôn Ngoan thần linh trong việc sắp xếp sao cho tất cả mọi sự đạt đến đích điểm xứng hợp của chúng: ratio ordinis rerum in finem, “việc sắp xếp hợp lý cho các sự vật hướng về đích điểm của chúng” (x. Summa Theol., I, 22, 2). Tất cả những gì Thiên Chúa tạo thành đều có cùng đích này, và vì thế đã trở nên đối tượng của Việc Quan Phòng thần linh (x.Summa Theol., I, 22, 2). Nơi con người – là loài được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa – toàn thể tạo vật hữu hình phải được kéo đến gần Thiên Chúa, tìm thấy ở nơi họ, một lần nữa, đường lối của tình trạng vẹn toàn cuối cùng của mình. Tư tưởng này là một trong những tư tưởng khác đã được Thánh Irênêô nói đến  (Adv. Haer., 4, 38; 1105-1109). Nó được vang vọng nơi giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II về công cuộc phát triển thế giới nhờ việc làm của nhân loại (x.Hiến Chế Gaudium et Spes, đoạn 7). Con người được kêu gọi để thực hiện trên thế giới một cuộc phát triển thực sự. Việc phát triển này phải có một đặc tính không phải chỉ thuần “kỹ thuật”, mà nhất là phải “đạo đức”, để làm cho vương quốc của Thiên Chúa trị đến trong thế giới tạo sinh (x. Hiến Chế Gaudium et Spes, đoạn 35, 43, 57, 62).

            Được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa, con người là một tạo vật hữu hình duy nhất mà Tạo Hóa đã “muốn dựng nên cho chính họ” (Hiến Chế Gaudium et Spes, đoạn 24). Trong một thế giới lệ thuộc vào sự khôn ngoan và quyền năng siêu việt của Thiên Chúa, con người cũng là một hữu thể, một hữu thể lấy mình làm đích điểm, cho dù họ vẫn nhắm đến cùng đích của mình nơi Thiên Chúa. Là một bản vị, con người có cùng đích riêng của mình (auto-teleology), vì thế họ mới hướng đến việc tự nhận thức bản thân. Con người được phong phú bởi tặng ân làm nên nhiệm vụ của họ. Họ được bao phủ trong mầu nhiệm của Việc Quan Phòng thần linh. Chúng ta đọc thấy trong Sách Huấn Ca:

            “Chúa đã dựng nên con người từ bụi đất…

            Ngài đã ban cho họ quyền bính

            Trên các vật ở trái đất này…

            Ngài làm cho con người có miệng lưỡi, mắt, tai,

            Và ban cho chúng một con tim hiểu biết;

            Ngài làm cho chúng đầy khôn ngoan và hiểu biết;

            Ngài tỏ cho chúng  thiện ác.

            Ngài thích thú nhìn đến tâm can chúng,

            Và tỏ cho chúng các việc hiển vinh của Ngài…

            Ngài bầy ra trước chúng kiến thức,

            Một lề luật sống như gia nghiệp của chúng…”

(Sir.17:1-2,5-7,9).

            Được trang bị bằng một hành trang “hiện hữu” như thế, con người bắt đầu cuộc hành trình của mình trên thế gian. Họ khởi sự viết lên giòng lịch sử của mình. Việc Quan Phòng thần linh đi kèm với họ trong suốt cuộc hành trình của họ. Chúng ta đọc lại Sách Huấn Ca:

            “Đường lối chúng vẫn hiện tỏ trước nhan Ngài,

            Chúng không thể ẩn khuất trước mắt của Ngài…

            Tất cả các tác động của chúng đều sáng tỏ như ban ngày trước nhan Ngài,

            Con mắt của Ngài vẫn hằng theo dõi chúng”

(Sir.17:13,15).

Tác giả Thánh Vịnh cũng nói lên một cách cảm kích cũng sự thật này như sau:

            “Cho dù tôi có cất cánh hừng đông,

            cho tôi có ở chân trời góc biển,  

            thì ở đó tay Ngài cũng sẽ dẫn dắt tôi,

            tay phải của Ngài nắm giữ lấy tôi”.

 (Ps.139:14-15)

            “Ngài quá rõ biết tôi;

            Xương cốt tôi cũng không dấu được Ngài…”

(Ps.139:14-15)

            Như thế thì Việc Quan Phòng thần linh tỏ mình ra nơi lịch sử loài người, trong lịch sử tâm tư và tự do, trong lịch sử tim óc và lương tri. Nơi con người và với con người, tác động của Việc Quan Phòng cần có một chiều kích “lịch sử”. Tác động Quan Phòng cần có một chiều kích lịch sử như vậy, ở chỗ, tác động này chiều theo nhịp điệu cùng hòa mình với lề luật phát triển bản tính con người, trong khi siêu việt tính tối thượng nơi hữu thể tự tại của mình vẫn không bị đổi thay và không thể thay đổi. Việc Quan Phòng là một hiện diện vĩnh hằng nơi lịch sử nhân loại – lịch sử cá nhân cũng như cộng đồng. Lịch sử của các dân tộc và của toàn thể nhân loại mở ra dưới “con mắt” của Thiên Chúa và chịu ảnh hưởng tác động quyền năng của Ngài. Tất cả những gì được tạo dựng đều “được chăm sóc” và quản trị bởi Đấng Quan Phòng. Đầy lòng quan tâm phụ tử, quyền bính của Thiên Chúa bao hàm việc hoàn toàn tôn trọng tự do đối với các hữu thể có lý trí và tự do. Trong thế giới tạo thành, niềm tự do này là một biểu hiệu cho hình ảnh của và nét tương tự như chính Hữu Thể thần linh, chính tự do thần linh.

Việc tôn trọng niềm tự do đã ban cho tạo vật thiết yếu đến nỗi, trong Việc Quan Phòng của mình, Thiên Chúa đã từng cho phép con người sa ngã phạm tội (kể cả tội của các thiên thần). Trổi vượt hơn tất cả mọi loài song vẫn luôn luôn bị hạn hữu và bất toàn, tạo vật minh trí có thể lạm dụng tự do và có thể dùng nó phản lại Thiên Chúa, Đấng Hóa Công. Nó là một vấn đề đau thương cho tâm trí con người, và Sách Huấn Ca đã suy tư về vấn đề này bằng những lời sâu thẳm sau đây:

“Khi Thiên Chúa dựng nên con người từ ban đầu,

Ngài đã dựng nên họ được quyền tự do chọn lựa.

Nếu ngươi muốn ngươi có thể giữ các giới lệnh;

Đó là việc trung thành làm theo ý Ngài.

Trước mặt ngươi là lửa và nước;

Hãy đưa tay ra chọn những gì ngươi muốn.

Sự khôn ngoan của Chúa thì vô biên;

Ngài mãnh lực trong quyền năng, và toàn tri.

Mắt của Thiên Chúa nhìn thấy tất cả những gì Ngài đã làm nên;

Ngài hiểu biết mọi việc con người làm.

Ngài không truyền cho ai phạm tội,

Ngài không ban sức cho ai gian dối”

(Sir.15:14-20)

“Ai có thể khám phá những sơ xuất?”, tác giả Thánh Vịnh đã hỏi như thế (x.Ps.19:13). Tuy nhiên, Việc Quan Phòng thần linh đã sáng soi cho ngay cả việc sơ xẩy (bởi tội lỗi) thầm kín này của con người, để chúng ta biết tránh lánh vấp phạm.

Tội lỗi chẳng những có thể xẩy ra trên thế gian này, nơi con người được dựng nên như một hữu thể có lý trí và tự do, nó còn là một sự kiện có thật “từ ngay ban đầu”. Tội lỗi là việc thật sự chống lại Thiên Chúa. Nó dứt khoát và tuyệt đối không phải là do Thiên Chúa muốn có. Tuy nhiên, Ngài đã cho phép nó, bằng việc dựng nên những hữu thể tự do, bằng việc dựng nên loài người. Ngài đã để xẩy ra tội lỗi là hậu qủa của việc lạm dụng niềm tự do được ban tặng. Sự kiện này được mạc khải cho thấy, cũng như được kinh nghiệm bởi những hậu qủa của nó. Từ tội lỗi, chúng ta có thể suy ra rằng, theo quan điểm Khôn Ngoan siêu việt của Thiên Chúa, căn cứ vào nhãn giới về cùng đích của toàn thể tạo vật, thì việc cần phải có tự do trong thế giới tạo thành này, dù nó có thể bị lạïm dụng, vẫn quan trọng hơn là không ban cho thế gian được tự do để loại trừ tận gốc rễ dịp tội.

Tuy nhiên, theo Việc Quan Phòng của Thiên Chúa, nếu một đàng Ngài đã cho phép tội lỗi xẩy ra, thì đàng khác, theo sự quan tâm ưu ái phụ tử của mình, Ngài cũng đã từ đời đời thấy trước được đường lối lấy yêu thương thực hiện việc đền bồi, cứu chuộc, công chính hóa và cứu độ. Không có tự do không thể nào có yêu thương. Trong việc xung khắc giữa thiện và ác, giữa tội lỗi và cứu chuộc, tình yêu bao giờ cũng là tiếng nói cuối cùng.

           

 

             (Bài Giáo Lý ngày 21 tháng 5 năm 1986)