(29)

Thiên Chúa Tiền Định

trong Chúa Kitô

 

V

ấn đề định mệnh riêng của người ta là một mối quan tâm sâu xa nơi lòng trí con người. Nó là một vấn nạn cả thể, khó khăn, nhưng quyết liệt: “Cái gì sẽ xẩy ra cho tôi mai này?”. Các câu trả lời có thể nguy hiểm khi dẫn đến những hình thức của định mệnh thuyết, những hình thức tuyệt vọng, hay ngay cả dẫn đến một cảm quan tự hào sai lầm về sự an toàn. “Đồ ngốc! Đêm nay ngươi sẽ phải trả lại linh hồn mình”, Thiên Chúa cảnh giác như vậy (Lk.11:20). Thế nhưng, ân sủng của Việc Quan Phòng thần linh vô tận đã tỏ hiện chính là ở chỗ này. Chúa Giêsu đã chiếu lên một ánh sáng cần thiết. Nói về Việc Quan Phòng thần linh trong Bài Giảng Trên Núi, Người đã kết thúc bằng lời huấn dụ sau đây: “Các con trước hết hãy tìm kiếm vương quốc của Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, rồi tất cả mọi sự ấy cũng sẽ là của các con” (Mt.6:33; x.Lk.12:31). Trong các bài giáo lý trước đây, chúng ta đã suy niệm về mối liên hệ sâu xa giữa Việc Quan Phòng của Thiên Chúa với tự do của con người. Chúa Giêsu đã nói những lời ấy, trước tiên với chính con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, về vương quốc của Thiên Chúa và về việc con người trước hết cần phải tìm kiếm vương quốc này trên hết mọi sự khác.

Mối liên kết giữa Việc Quan Phòng và mầu nhiệm vương quốc Thiên Chúa hướng tư tưởng của chúng ta về sự thật của định mệnh con người – tức là việc tiền định của con người trong Chúa Kitô. Việc tiền định của con người và của thế gian trong Chúa Kitô, Con hằng hữu của Chúa Cha, đã làm cho toàn bộ giáo lý về Việc Quan Phòng thần linh có một đặc tính cứu độ và cánh chung quyết liệt. Chính Vị Sư Phụ Thần Linh đã đề cập đến vấn đề này trong cuộc nói chuyện với Nicôđêmô: “Vì Thiên Chúa qúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một mình, để ai tin vào Con thì không phải chết nhưng được sự sống đời đời” (Jn.3:16).

Những lời Chúa Giêsu nói đây đã làm nên trọng tâm của giáo lý về việc tiền định, một vấn đề mà chúng ta tìm thấy trong giáo huấn của các tông đồ, nhất là trong các thư của Thánh Phaolô.

Chúng ta đọc thấy trong Thư gửi giáo đoàn Êphêsô:

“Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta… đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo thành thế gian, để chúng ta được thánh hảo và vô trách cứ trước nhan Ngài trong yêu thương, khi nhờ Chúa Giêsu Kitô đã ấn định chúng ta được làm con cái của Ngài theo mục đích của ý Ngài muốn, để chúc tụng ân sủng hiển vinh của Ngài” (1:3-6).

Những lời phát biểu sáng tỏ này đã giải thích một cách chuyên chính và có thế giá về vấn đề tiền định là ở chỗ nào. (Ngôn ngữ Kitô giáo gọi “việc tiền định” này theo chữ praedestinatio trong Latinh). Cần phải làm sáng tỏ chữ này cho khỏi những ý nghĩa sai lạc, hay kể cả ý nghĩa không chính xác và không chính yếu, những ý nghĩa đã trở thành thường dùng – chẳng hạn vấn đề tiền định được coi như đồng nghĩa với “định mệnh mù quáng” hay với “cơn giận” bất thường của một thần tính đầy uất hận. Theo mạc khải thần linh, chữ “tiền định” nghĩa là việc chọn lựa đời đời của Thiên Chúa, một chọn lựa phụ tử, khôn ngoan và tích cực, một chọn lựa do tình yêu thúc động.

Cùng với quyết định làm cho việc chọn lựa thành tựu, tức là, thành dự án tạo dựng và cứu chuộc, việc chọn lựa này liên quan đến sự sống nội tại của Ba Ngôi chí Thánh. Việc chọn lựa này được Chúa Cha cùng với Chúa Con trong Chúa Thánh Thần quyết định. Đó là một chọn lựa, theo Thánh Phaolô, có trước việc tạo dựng thế gian, (“trước khi tạo thành thế gian” – Eâph.1:4), cũng như trước khi tạo thành nhân loại trên thế gian. Ngay cả trước khi được tạo dựng, con người “đã được chọn” bởi Thiên Chúa. Việc chọn lựa này xẩy ra trong Người Con hằng hữu (“trong Người” – Eâph.1:4), tức là trong Lời của Trí Khôn vĩnh hằng. Con người được chọn trong Con để tham dự vào cùng một phận làm con cái bằng việc thừa nhận. Yếu tình của mầu nhiệm tiền định là ở chỗ này. Nó bộc lộ tình yêu vĩnh hằng của Chúa Cha (“trong yêu thương, đã ấn định chúng ta được làm con cái của Ngài nhờ Chúa Giêsu Kitô” – Eâph.1:4-5). Việc tiền định bao gồm ơn gọi đời đời của con người trong việc tham dự vào chính bản tính của Thiên Chúa. Nó là một ơn gọi sống thánh thiện, nhờ ơn thừa nhận làm con cái (“để nên thánh hảo và vô trách cứ trước nhan Ngài” – Eâph.1:4).

Theo ý nghĩa này thì việc tiền định có trước khi “thế gian được tạo thành”, tức là, có trước việc tạo dựng, vì việc tạo dựng được hiện thực liên quan đến việc tiền định của con người. Aùp dụng những sánh ví tạm thời của ngôn ngữ loài người này vào sự sống thần linh, chúng ta có thể nói rằng, Thiên Chúa “đầu tiên” muốn thông thông bản thân nơi thần tính của mình cho loài người, đã dựng nên họ theo hình ảnh và tương tự như Ngài nơi thế giới tạo thành. “Trước tiên”, Ngài đã chọn con người trong Người Con hằng hữu đồng bản với mình, để nhờ ân sủng họ được thông phần vào thân phận làm con cái của Ngài. Chỉ “sau đó” Thiên Chúa mới thực hiện việc tạo dựng (“khi đến lượt nó”); Ngài muốn có thế gian là nơi nhân loại thuộc về. Như thế, mầu nhiệm tiền định, theo một nghĩa nào đó, đã “một cách lớp lang” đi vào toàn bộ dự án của Việc Quan Phòng thần linh. Mạc khải về dự án này đã mở ra trước nhãn quan của chúng ta một vương quốc Thiên Chúa, và dẫn chúng ta tới tâm điểm của vương quốc này, nơi chúng ta khám phá ra cùng đích tối hậu của việc tạo thành.

Chúng ta đọc trong Thư gửi giáo đoàn Côlôsê: “Anh em hãy hân hoan cảm tạ Chúa Cha, Đấng đã làm cho chúng ta xứng hợp để thông phần vào gia nghiệp của các thánh trong ánh sáng. Ngài đã giải cứu chúng ta khỏi quyền thống trị của tối tăm và mang chúng ta tới vương quốc của Người Con yêu dấu Ngài, Đấng mà trong Người chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Col.1:12-14). Vương quốc của Thiên Chúa là vương quốc của “Người Con yêu dấu” trong dự án đời đời của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sở dĩ có như vậy, đặc biệt là vì “việc cứu chuộc” và “việc thứ tha tội lỗi” được hoàn thành bởi Người Con. Những lời của Thánh Tông Đồ cũng nhắc đến “tội lỗi” của con người. Thế nên, việc tiền định, tức việc thừa nhận làm con cái của Người Con hằng hữu, hoạt động chẳng những liên hệ tới việc tạo dựng thế gian, mà còn liên quan đến việc cứu chuộc được Người Con là Chúa Giêsu Kitô thực hiện nữa. Việc cứu chuộc đã trở thành một thể hiện của Việc Quan Phòng, tức của việc Thiên Chúa là Cha tỏ ra chăm sóc và quản trị, đặc biệt đối với các thụ tạo có tự do.

Trong Thư gửi cho giáo đoàn Côlôsê, chúng ta thấy rằng, sự thật của “việc tiền định” trong Chúa Kitô gắn liền với sự thật của “việc tạo dựng trong Chúa Kitô”. Thánh Phaolô viết: “Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử của tất cả mọi tạo sinh; vì trong Người tất cả mọi sự được dựng nên…” (Col.1:15-16). Như vậy, thế gian được tạo thành trong Chúa Kitô là Người Con hằng hữu, từ ban đầu, mang nơi chính mình, như tặng ân đầu tiên của Đấng Quan Phòng, lời mời gọi, hay lời đoan nguyền, của việc tiền định trong Chúa Kitô. Gắn liền với việc tiền định trong Chúa Kitô này là việc thế gian kết thúc như việc hoàn thành ơn cứu độ cánh chung tối hậu, ơn cứu độ nhân loại trước nhất. “Vì trong Người (Chúa Kitô) tất cả tầm vóc viên trọn của Thiên Chúa vui ngụ” (Col.1:19). Việc hoàn toàn kết thúc thế gian, nhất là con người, xẩy ra chính là bởi tầm vóc viên trọn nơi Chúa Kitô này. Chúa Kitô là tầm vóc viên trọn ấy. Theo một nghĩa nào đó thì việc kết thúc thế gian được hoàn tất nơi Người. Bởi thế, Việc Quan Phòng thần linh mới chăm sóc và quản trị mọi sự trên thế gian, nhất là con người, cuộc sống và lịch sử của họ trên thế giới.

Như thế, chúng ta hiểu biết thêm một phương diện khác của Việc Quan Phòng thần linh – việc kết thúc ơn cứu độ. Thiên Chúa “muốn tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tim.2:4). Theo nhãn giới này thì cần phải nới rộng thêm quan niệm của tự nhiên thuyết về Việc Quan Phòng, một quan niệm chỉ thu hẹp  việc quan phòng vào việc quản trị thế giới vật lý, hay ngay cả việc quản trị hành vi cử chỉ luân lý tự nhiên, cho tốt đẹp. Thực tế thì Việc Quan Phòng thần linh lại thể hiện mình trong việc đạt được các đích nhắm hợp với dự án cứu độ đời đời. Trong tiến trình này, nhờ “tầm vóc viên trọn” của Chúa Kitô, tội lỗi bị chế ngự nơi Người và bởi Người. Tội lỗi thực sự chống lại việc kết thúc ơn cứu độ thế gian, việc thành toàn cuối cùng mà thế gian cùng với nhân loại có được trong Thiên Chúa. Nói về tầm vóc viên trọn nơi Chúa Kitô, Thánh Tông Đồ đã tuyên xưng: “Vì trong Người tất cả tầm vóc viên trọn của Thiên Chúa vui ngự, và nhờ Người, bằng máu của thập gía Người, Thiên Chúa hòa giải tất cả mọi sự, ở dưới đất hay ở trên trời, với mình” (Col.1:19-20).

Căn cứ vào những suy tư được rút ra từ các thư của Thánh Phaolô ấy, lời huấn dụ của Chúa Kitô trở nên rõ ràng hơn, lời huấn dụ về Việc Quan Phòng của Cha trên trời bao gồm mọi sự (x.Mt.6:33-34 và Lk.12:22-31). Người nói: “Trước hết hãy tìm kiếm vương quốc của Thiên Chúa và sự công chính của Ngài đã, rồi tất cả những sự ấy cũng sẽ là của các con nữa” (Mt.6:33; x.Lk.12:31). Chúa Giêsu muốn nói đến cái “trước tiên” này là cái chính Thiên Chúa muốn “trước nhất” – tức là cái mà Ngài đầu tiên có ý định trong việc tạo nên thế gian cũng như trong cả việc tận cùng của chính thế gian. Đó là “vương quốc của Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (sự công chính của Thiên Chúa). Toàn thể thế gian được dựng nên liên quan đến vương quốc này, để vương quốc này trở thành hiện thực nơi con người cũng như nơi lịch sử. Với “vương quốc” ấy cùng với “sự công chính” ấy, việc tiền định đời đời mà thế gian và con người có trong Chúa Kitô được hoàn tất.

Những lời của Thánh Phêrô cũng hợp với cái nhìn của Thánh Phaolô về việc tiền định này:

“Chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ tình thương cao cả của Ngài, chúng ta đã được tái sinh cho một niềm hy vọng của sự sống nhờ cuộc phục sinh từ trong kẻ chết của Chúa Giêsu Kitô, cũng như cho một gia nghiệp không hư nát, không tì ố và không tàn tạ ở trên trời dành cho anh em, thành phần, với đức tin, được quyền năng Thiên Chúa canh giữ ơn cứu độ, một ơn cứu độ đã sẵn sàng để được tỏ hiện ra vào thời điểm sau hết” (1Pt.1:3-5).

Thực vậy, “chúc tụng Thiên Chúa”, Đấng đã tỏ cho chúng ta thấy Việc Quan Phòng của Ngài là việc Ngài không ngừng lưu ý can thiệp vào ơn cứu rỗi của chúng ta là chừng nào. Việc can thiệp không chán chê mê mỏi này hoạt động cho đến khi chúng ta tiến đến “thời điểm sau hết”. Bấy giờ, “việc tiền định trong Chúa Kitô” từ ban đầu sẽ được hoàn toàn thành đạt “nhờ cuộc phục sinh trong Chúa Giêsu Kitô”, Đấng là “Alpha và  Omega” (Rev.1:8) của lịch sử nhân loại chúng ta.

 

(Bài Giáo Lý ngày 28 tháng 5 năm 1986)