(33)

Thiên Chúa dựng nên

 Thiên Thần là các hữu thể tự do

 

H

ôm nay, chúng ta tiếp tục bài giáo lý của chúng ta về các thiên thần là thành phần, bởi tác động yêu thương đời đời của Thiên Chúa, cũng đã được hiện hữu, như chúng ta tuyên xưng bằng những lời kinh Tin Kính Nicêa-Contantinôpôli: “Tôi tin kính một Thiên Chúa, là Cha Toàn Năng, Đấng Tạo Thánh trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình”.

            Ngay từ ban đầu, bởi minh trí của mình, cũng như theo tính chất hoàn hảo của bản tính thiêng liêng của mình, các thiên thần được kêu gọi để nhận biết sự thật và yêu mến sự thiện mà các ngài nhận biết trong sự thật một cách trọn vẹn và trọn hảo hơn loài người có thể. Tình yêu này là một tác động của ý muốn tự do, và vì thế, đối với các thiên thần, tự do cũng bao hàm khả năng chọn lựa theo hay chống Sự Thiện là chính Thiên Chúa mà các vị biết được. Cần phải lập lại ở chỗ này những gì chúng ta đã nói đến trước đây liên quan đến con người – về vấn đề Thiên Chúa, bằng việc dựng nên các hữu thể tự do, muốn rằng thế gian cần phải có tình yêu thực sự là những gì chỉ khả thủ nếu được tự do mà thôi. Đó là lý do Ngài muốn tạo vật, được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Tạo Hóa, phải hết sức có thể hiến trao bản thân giống như Thiên Chúa ‘là tình yêu” (1Jn.4:16) của mình. Bằng việc dựng nên các vị thuần linh như là những hữu thể tự do, Thiên Chúa, theo Quan Phòng, không thể nào không thấy trước việc sa ngã phạm tội của các thiên thần. Thế nhưng, chính vì Việc Quan Phòng là việc khôn ngoan của lòng yêu thương đời đời mà Thiên Chúa đã có thể rút ra từ sự kiện tội lỗi, một thứ tội lỗi thực sự hơn hết vì nó là tội lỗi của một loài thuần linh, này sự thiện tối hậu cho toàn thể vũ trụ tạo thành.

            Mạc khải cho thấy rõ ràng là thế giới thuần linh được chia làm hai thành phần, thần lành và thần dữ. Việc phân chia này không phải là công việc tạo thành của Thiên Chúa, mà là bởi tự do xứng với bản tính linh thiêng của mỗi một vị. Việc phân chia này là kết qủa của việc chọn lựa nơi các hữu thể thuần linh, có khả năng chọn lựa thực sự hơn cả việc chọn lựa nơi loài người, và việc phân chia này không thể cứu vãn được nữa, vì cấp độ minh trí của các vị trong việc trực giác thấy được sự thiện cũng như thông thấu sự thiện. Về vấn đề này cũng cần phải nói là các vị thuần linh đã phải trải qua một cuộc thử thách có tính chất luân lý. Đây là một cuộc thử thách quyết liệt liên quan trước hết đến chính Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa thực sự và trực tiếp tỏ mình ra cho các vị hơn là cho loài người, một vị Thiên Chúa ban cho các hữu thể linh thiêng này tặng ân được tham dự vào bản tính thần linh của Ngài, trước cả khi Ngài ban tặng ân ấy cho loài người.

            Trong trường hợp của các vị thuần linh, việc chọn lựa dứt khoát, chấp nhận hay chối bỏ của các vị, một cách thực sự và trực tiếp hơn trường hợp tác động ý muốn tự do nơi loài người, trước hết có liên quan đến chính Thiên Chúa, một Sự Thiện đệ nhất và tối cao. Các vị thuần linh có được một kiến thức về Thiên Chúa hoàn toàn hơn kiến thức nơi loài người. Với khả năng thông minh của mình, không bị lệ thuộc và giới hạn bởi môi giới cảm nhận giác quan, các vị thấy được một cách sâu xa sự cao cả của Hữu Thể vô cùng, của đệ nhất Sự Thật, của Sự Thiện tối cao. Thiên Chúa đã tỏ mầu nhiệm thần tính của Ngài cho khả năng kiến thức cao vời nơi các vị thuần linh này biết, nhờ đó đã làm cho các vị thông phần vào vinh quang vô cùng của Ngài. Chính vì là những hữu thể có bản tính linh thiêng mà các vị, nơi trí tuệ của mình, có một khả năng, một ước muốn đối với việc siêu thăng Thiên Chúa đã mời gọi các vị. Khả năng để ước muốn này làm cho các vị, trước loài người xa, nên “thành phần tham dự vào bản tính thần linh” (2Pt.1:4), thành phần tham dự vào sự sống thân tình của Đấng là Cha và Con và Thánh Thần, của Đấng “là tình yêu” (1Jn.4:16) trong cuộc hiệp thông của ba Bản Vị thần linh. Thiên Chúa đã cho tất cả các vị thuần linh tham dự vào cuộc hiệp thông yêu thương đời đời trước loài người và ở một cấp độ cao vượt  hơn loài người.

            Việc thế giới các vị thuần linh chọn lựa, căn cứ vào sự thật về Thiên Chúa, một sự thật biết được một cách rõ ràng hơn nhờ minh trí tỏ tường của mình, đã phân chia các vị ra làm hai thành phần, thần lành và thần dữ. Thần lành, nhờ trí tuệ được mạc khải sáng soi, đã chọn Thiên Chúa như là một Sự Thiện tối cao và tối hậu. Để chọn Thiên Chúa tức là các vị hướng về Ngài bằng cả nội lực tự do của mình đó là tình yêu. Thiên Chúa trở nên tất cả đích nhắm sau cùng cho việc hiện hữu linh thiêng của các vị. Còn các vị kia lại trở mặt với Thiên Chúa, phản nghịch với sự thật mà kiến thức cho các vị biết Ngài là tất cả sự thiện tối hậu. Việc các vị chọn lựa đã đi ngược lại với mạc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa, ngược lại với ân sủng làm cho các vị nên thành phần tham dự vào Ba Ngôi và vào cuộc thân tình đời đời trong Thiên Chúa, qua cuộc hiệp thông với Ngài bằng lòng yêu thương. Bằng niềm tự do được ban cho mình, các vị đã thực hiện một việc chọn lựa vững vàng và bất khả vãn hồi, tương đương với việc chọn lựa của các thần lành, song hoàn toàn ngược nhau. Thay vì chấp nhận một vị Thiên Chúa đầy yêu thương thì các vị lại chối bỏ Ngài. Các vị bị một cảm thức tự mãn sai lầm xui khiến, một cảm thức ác cảm, thậm chí hận ghét đến biến thành phản loạn.

            Chúng ta hiểu thế nào về việc đối đầu và phản loạn chống lại Thiên Chúa nơi các hữu thể có một trí khôn sâu xa và sáng tỏ như thế? Cái gì đã là động lực khiến cho các vị quyết định chống lại Thiên Chúa một cách nặng nề và bất khả vãn hồi như vậy? Phải chăng chỉ vì lòng hận ghét qúa sâu đậm đã biến thành một thứ hoa trái dại khờ? Các Giáo Phụ và thần học gia không ngần ngại nói đến một “sự mù quáng” phát sinh từ việc tự cao về tình trạng hoàn hảo của hữu thể các vị, khiến các vị phủ nhận tối thượng quyền của Thiên Chúa, một tối thượng quyền đòi phải có một tác động thuận phục đơn sơ và dễ dậy. Tất cả được tóm gọn trong những lời: “Tôi không muốn phục vụ” (Jer.2:20), những lời nói lên việc chối từ thật sự và bất khả vãn hồi trong cuộc tham phần vào công tác xây dựng vương quốc của Thiên Chúa trên thế gian. Satan, tên thần phản loạn, muốn có một vương quốc riêng, không phải là vương quốc của Thiên Chúa. Hắn nổi lên như “đối thủ” đầu tiên của Đấng Tạo Hóa, đối phương của Việc Quan Phòng và là địch thủ cho sự khôn ngoan yêu thương của Thiên Chúa. Từ việc phản loạn và tội lỗi của Satan, cũng như từ việc phản loạn và tội lỗi của con người, chúng ta phải kết luận bằng cách chấp nhận cảm nghiệm khôn ngoan của Sách Thánh trong câu: “Kiêu hãnh đưa đến tiêu vong” (Tob.4:13).

 

(Bài Giáo Lý ngày 23 tháng 7 năm 1986)