(35)

Thiên Chúa và việc sa ngã

của các Thần phản loạn

 

H

ôm nay, chúng ta tiếp tục đề tài của các bài giáo lý lần trước, những bài giáo lý được chú trọng tới chi tiết đức tin liên quan đến các thiên thần là một loài tạo vật của Thiên Chúa. Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu đi sâu vào mầu nhiệm tự do mà một số trong các vị đã quay lại chống đối Thiên Chúa cùng dự án cứu rỗi nhân loại của Ngài.

            Như Thánh Ký Luca chứng nhận, khi các môn đệ trở về với Thày của mình, trong lòng vui mừng hớn hở về những kết qủa các vị gặt hái được trong nỗ lực truyền giáo đầu tiên của mình, Chúa Giêsu đã thốt lên một câu rất đáng suy nghĩ: “Thày đã thấy Satan từ trời rơi xuống như chớp” (Lk.10:18). Với những lời này, Chúa Giêsu đã khẳng định việc loan báo vương quốc của Thiên Chúa luôn luôn là một cuộc chiến thắng thần dữ. Khi chúng ta xét đến điều ấy, như chúng ta dự tính chia sẻ ở bài giáo lý hôm nay đây, thì cũng có nghĩa là chúng ta đang  trang bị để sẵn sàng đối chọi, một cuộc đối chọi làm nên đặc tính của cuộc sống Giáo Hội trong thời điểm cuối cùng của lịch sử cứu độ (như Sách Khải Huyền chủ trương – xem 12:7). Ngoài ra, việc chúng ta xét đến ý nghĩa của lời Chúa Giêsu nói trên đây còn làm cho đức tin chân thực của Giáo Hội được sáng tỏ, ngược lại với những ai muốn làm lệch lạc đi ý nghĩa này, bằng việc qúa đề cao vai trò quan trọng của ma qủi, hay bằng việc chối bỏ hoặc coi thường quyền lực quái gở của hắn.

            Các bài giáo lý trước đây về các thiên thần đã sửa soạn cho chúng ta để hiểu được sự thật như Sách Thánh tỏ ra, cũng như Thánh Truyền của Giáo Hội lưu lại về Satan, tức là về một thiên thần sa ngã, thiên thần gian ác, cũng được gọi là ma qủi hay thần dữ.

            Việc “sa ngã” này mang tính cách chối bỏ Thiên Chúa mà hậu qủa là tình trạng “trầm luân”. Nó ở tại việc các thần linh tạo sinh tự do, một cách hoàn toàn và không ân hận, quyết định chối bỏ Thiên Chúa và vương quốc của Ngài, bằng việc tiếm quyền thống trị của Ngài và bằng nỗ lực phá hoại công cuộc cứu độ cũng như trật tự của toàn thể tạo sinh. Chúng ta thấy thái độ này phản ánh qua những lời tên cám dỗ nói với hai vị cha mẹ đầu tiên của chúng ta: “Các ngươi sẽ nên giống như Thiên Chúa” hay “như các thần linh” (x.Gn.3:5). Như thế, tà thần đã cố gắng gieo vào nhân loại tinh thần nổi loạn, bất phục và chống đối Thiên Chúa, một tinh thần thực sự đã là động lực sống cho Satan.

            Trong Cựu Ước, đoạn kể về việc con người sa ngã như Sách Khởi Nguyên thuật lại chứa đựng một ám chỉ về thái độ của khuynh hướng đối đầu mà Satan muốn truyền đạt cho con người để làm cho họ phạm tội (Gn.3:5). Cả trong Sách ông Gióp cũng thế, chúng ta đọc thấy Satan tìm cách gây ra phản loạn nơi con người đang chịu khổ đau (x.Jb.1:11,2:5-7). Trong Sách Khôn Ngoan (x.2:24), Satan được tỏ cho thấy như một tên lành nghề giết chóc, một sự chết chóc đã cùng với tội lỗi đi vào lịch sử con người.

Ở Công Đồng Chung Latêranô IV (1215), Giáo Hội đã dạy rằng, ma qủi (hay Satan) và các thần dữ khác “được Thiên Chúa dựng nên tốt lành, song đã trở nên xấu bởi ý muốn riêng của mình”. Chúng ta đọc trong Thư của Thánh Giuđa: “Các thiên thần mà không giữ phẩm vị riêng, song rời bỏ chỗ ở của mình, đều bị Chúa xiềng trói nhốt giam trong tăm tối chờ phán quyết trong ngày trọng đại” (Jude 6). Cũng thế, trong Thư Thứ Hai của Thánh Phêrô, chúng ta nghe về “các thiên thần sa ngã phạm tội” và là thành phần Thiên Chúa “đã không dung tha, song… quẳng vào vực thẳm âm u hỏa ngục dành cho họ chờ đến lúc phán quyết” (2Pt.2:4). Rõ ràng  sở dĩ Thiên Chúa “không dung tha” tội lỗi cho các thiên thần bởi vì họ sống trong tội lỗi của mình. Họ đời đời “bị xiềng trói” bởi việc chọn lựa mà họ đã quyết định lúc ban đầu, trong việc chối bỏ Thiên Chúa, nghịch lại với sự thật về Sự Thiện tối cao và tối hậu là chính Thiên Chúa. Theo ý hướng này Thánh Gioan đã viết “ma qủi đã phạm tội ngay từ đầu…” (1Jn.3:8). Hắn cũng là tên sát nhân “từ ban đầu” và “đã không ở trong sự thật, vì nơi hắn không có sự thật” (Jn.8:44).

Những đoạn văn này giúp chúng ta hiểu được bản chất và chiều kích của tội lỗi Satan. Nó ở tại việc chối bỏ sự thật về Thiên Chúa là Sự Thiện vô cùng, là Tình Yêu và là Sự Thánh Thiện tự tại, như hắn được tỏ cho biết bằng ánh sáng của minh trí cũng như của mạc khải. Tội lỗi này lại càng nặng hơn nữa, ở chỗ hắn được hoàn bị hơn về phương diện linh thiêng và có một trí tuệ thiên thần hiểu biết sắc bén hơn, lại có tự do và được gần gũi với Thiên Chúa hơn. Bằng tác động của ý muốn tự do, khi hắn phủ nhận sự thật mà hắn biết về Thiên Chúa, thì Satan đã trở thành trùm “láo khoét và là cha của những sự dối trá” (Jn.8:44). Vì lý do này, hắn sống trong tình trạng chối bỏ Thiên Chúa thực sự và không hối hận, cùng tìm cách áp đặt trên tạo sinh – trên các hữu thể khác được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nhất là trên người ta – “cái dối trá (thê hại của mình) về sự thiện” là Thiên Chúa. Trong Sách Khởi Nguyên, chúng ta thấy một việc trình bày xác đáng cái gian dối và làm sai lệch đi sự thật về Thiên Chúa ấy, một sự thật mà Satan (dưới hình thù của một con rắn) đã cố truyền sang cho các vị đại diện đầu tiên của loài người – ở chỗ các vị nghĩ rằng Thiên Chúa lo ngại bị mất đặc quyền của Ngài nên Ngài muốn áp đặt các giới hạn trên con người (x.Gn.3:5). Satan đã xui bẩy con người tự giải thoát mình khỏi những áp đặt gông cùm này, bằng việc tự làm cho mình “nên giống như Thiên Chúa”.

Sống trong tinh thần lầm lạc này, Satan, theo Thánh Gioan, cũng trở thành tên “giết người”. Tức hắn là một kẻ phá diệt sự sống siêu nhiên Thiên Chúa từ ban đầu đã ban cho hắn cũng như cho các tạo sinh được dựng nên “tương tự như Thiên Chúa” – là các thuần linh khác và loài người ta. Satan muốn hủy diệt sự sống sống theo sự thật, một sự sống tràn đầy sự thiện, một sự sống siêu nhiên trong ân sủng và yêu thương. Tác giả Sách Khôn Ngoan đã viết: “Sự chết đã nhập vào thế gian bởi ghen hờn của ma qủi, và những ai thuộc về hắn đều cảm nghiệm thấy sự chết này” (Wis.2:24). Chúa Giêsu Kitô đã cảnh giác trong Phúc Aâm: “Tốt hơn các con hãy sợ Đấng có quyền hủy diệt cả linh hồn lẫn thân xác trong Hỏa Ngục” (Mt.10:28).

Bởi hậu qủa tội lỗi của hai vị cha mẹ đầu tiên  chúng ta, thiên thần sa ngã này đã chiếm được quyền thống trị trên con người ở một mức độ nào đó. Đây   giáo lý đã được Giáo Hội liên lỉ tuyên xưng và công bố, và được Công Đồng Chung Triđentinô xác nhận trong phần nói về nguyên tội (x.DS 1511). Giáo lý này còn được tỏ bày long trọng trong phụng vụ bí tích rửa tội, khi người dự tòng được yêu cầu từ bỏ ma qủi và tất cả các lời hứa của hắn.

Trong Sách Thánh, chúng ta thấy có các chi tiết nói lên quyền chi phối này của thần sa ngã trên con người cũng như trên những cơ cấu về tinh thần (và về thân xác của họ). Thánh Kinh cho thấy Satan được gọi là “vương chủ thế gian này” (x.Jn.12:31,14:30,16:11), thậm chí được gọi là “chúa của thế gian này” (2Cor.4:4). Chúng ta còn thấy nhiều tên gọi khác nói lên mối liên hệ độc hại của hắn đối với loài người: “Beelzebul” hay “Belial”, “thần ô uế”, “tên cám dỗ”, “tên gian ác” hay ngay cả đến “tên Phản Kitô” (1Jn.4:3). Hắn được so sánh với “sư tử” (1Pt.5:8), với “con rồng” (trong Khải Huyền) và với “con rắn” (Gen.3). Thường thì hắn được gọi bằng tên “ma qủi”, từ tiếng Hy Lạp diaballein (nên mới thành chữ diabolos). Tên này có nghĩa là “gây hủy hoại, chia rẽ, bịa đặt, lừa đảo”. Thực thế, tất cả những điều này đã xẩy ra ngay từ ban đầu qua việc làm của thần dữ, thành phần được Sách Thánh cho thấy như là một bản vị, thành phần Sách Thánh còn bảo là không phải chỉ có một mình hắn. “Chúng tôi có đông đảo”, như các qủi đã kêu lên với Chúa Giêsu ở địa hạt Gerasênê (Mk.5:9); và Chúa Giêsu, khi nói đến việc phán xét sau này, cũng đã nói đến “ma qủi và các thần của hắn” (x.Mt.25:41).

Theo Sách Thánh, nhất là Tân Ước, thì quyền thống trị và tầm ảnh hưởng của Satan cũng như của các thần dữ khác bao gồm toàn thể thế gian. Chúng ta có thể nghĩ đến dụ ngôn của Chúa Kitô về cánh đồng (thế gian), về hạt giống tốt và về hạt giống xấu do ma qủi gieo vào giữa lúa để tìm cách lấy đi khỏi lòng trí kẻ lành cái đã “được gieo” nơi họ (x.Mt.13:38-39). Chúng ta cũng có thể nghĩ đến những câu nói mạnh mẽ của Chúa Giêsu: “Thứ  qủi ma này không thể nào trừ khử được ngoại trừ bằng việc cầu nguyện” (Mk.9:29). Hoạt động của Satan chính yếu ở tại việc cám dỗ con người hành ác, bằng khêu gợi lên trí tưởng của họ cũng như các tài năng cao hơn nơi họ, để kéo họ ra khỏi lề luật Thiên Chúa. Satan thậm chí cám dỗ cả Chúa Giêsu (x.Lk.4:3-13), bằng một hết sức nỗ lực phá hỏng những gì cần cho công cuộc cứu độ theo như Thiên Chúa tiên định.

            Ở một số trường hợp, thần dữ còn có thể đi xa hơn nữa trong việc thực hiện ảnh hưởng của hắn trên các vật thể, ngay đến cả trên thân xác con người, để người ta có thể nói rằng đó là việc “qủi ám” (x.Mk.5:2-9). Không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra yếu tố bất thường tác động nơi các trường hợp này, và Giáo Hội cũng không dễ dàng chấp nhận khuynh hướng gán cho tác động của qủi ma nhiều thứ. Thế nhưng, theo nguyên tắc, cũng không thể nào chối bỏ được việc Satan có thể đi đến chỗ tỏ hiện tột độ trượng quyền của hắn theo ý hắn để tác hại và dẫn đến gian ác.

            Để kết luận, chúng ta cần phải thêm những lời đáng nhớ của tông đồ Gioan là “toàn thể thế gian ở dưới quyền lực của tên gian ác” (1Jn.5:19) cũng ám chỉ đến việc hiện diện của Satan trong lịch sử nhân loại. Việc hiện diện này trở nên càng rõ nét hơn khi con người và xã hội rời xa Thiên Chúa. Aûnh hưởng của thần dữ tự nó có thể kín mật bằng một đường lối ngấm ngầm và tác hiệu hơn. Theo “khuynh hướng của mình”, hắn muốn dấu mình đi. Trên thế gian Satan khôn khéo dụ hoặc người ta chối bỏ việc có mặt của hắn, nhân danh duy lý thuyết cũng như các triết thuyết khác trong việc tìm mọi cách để tránh né nhận ra hoạt động của hắn. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là loại trừ đi ý muốn tự do và trách nhiệm của con người, hay làm suy bại đi tác động cứu độ của Chúa Kitô. Trái lại, đây là một cuộc đối chọi giữa quyền lực tối tăm và quyền lực cứu độ. Những lời Chúa Kitô nói với Thánh Phêrô vào lúc cuộc Khổ Nạn của Người bắt đầu về cuộc đối chọi này đã rõ ràng: “Này Simon, Satan đã tìm cách để sàng con như sàng gạo; thế nhưng, Thày đã cầu nguyện cho con để con không bị mất đức tin” (Lk.22:31).

            Lời ấy giúp chúng ta hiểu tại sao Chúa Giêsu, trong lời kinh “Lạy Cha” Người dạy chúng ta, kết thúc kinh này một cách không xuôi mấy, khác hẳn với nhiều kinh nguyện vào thời của Người, bằng việc nhắc nhớ chúng ta về thân phận của chúng ta dễ sa vào các chước cám dỗ và lọt vào tay tên gián ác. Với Thần Linh của Chúa Giêsu, khi cầu khấn cùng Chúa Cha và nguyện cầu cho vương quốc của Ngài, Kitô hữu kêu lên bằng quyền lực đức tin: xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ, khỏi tên gian ác. Oâi lạy Chúa, xin chớ để chúng con trở thành bất trung khi chúng con bị tên bất trung từ ban đầu dụ dỗ.

 

(Bài Giáo Lý ngày 13 tháng 8 năm 1986)