(36)

Thiên Chúa chế ngự sự dữ

bằng chiến thắng của Chúa Kitô

 

C

ác bài giáo lý của chúng ta về Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành “các vật vô hình” đã phục hồi ánh sáng và sức mạnh cho đức tin của chúng ta, về sự thật liên quan đến tên gian ác hay Satan. Chắc chắn việc hắn gian ác không phải bởi Thiên Chúa, Đấng là tình yêu và thiện hảo tuyệt đối, cho bằng Việc Quan Phòng khôn ngoan và quyền lực của Ngài, biết làm thế nào để hướng dẫn cuộc sống của chúng ta cho đến khi chúng ta chiến thắng tên vương chủ tối tăm. Hắn chỉ là một tạo vật – có quyền năng vì là thuần linh, song vẫn là một tạo vật theo giới hạn của mình, phải tùy thuộc vào ý muốn và quyền thống trị của Thiên Chúa. Nếu vì hận ghét Thiên Chúa và vương quốc của Ngài, Satan có hoạt động trên thế gian cũng là do Việc Quan Phòng thần linh để xẩy ra như vậy. Thiên Chúa hướng dẫn lịch sử nhân loại và thế giới bằng quyền năng và thiện hảo (fortier et suaviter). Không thể chối cãi được hoạt động của Satan gây ra nhiều thiệt hại cho cá nhân cũng như xã hội, cả những thứ về tinh thần cũng như gián tiếp về vật chất. Thế nhưng, hắn không thể nào tuyệt đối vô hiệu hóa cùng đích tối hậu là Sự Thiện mà con người và toàn thể tạo vật phải hướng tới. Hắn không thể nào ngăn cản được việc kiến tạo vương quốc của Thiên Chúa, một vương quốc mà vào lúc kết thúc sẽ hoàn toàn hiện thực đức công chính và tình yêu của Chúa Cha đối với thành phần thụ tạo từ đời đời “được tiền định” trong Chúa Giêsu Kitô, Con Ngài và là Lời của Ngài. Thật vậy, cùng với Thánh Phaolô, chúng ta có thể nói rằng, việc của tên gian ác đã cộng tác vào việc làm ích cho kẻ lành (x.Rm.8:28), và giúp chúng ta trong việc kiến tạo vinh quang của những kẻ “được chọn” (x.2Tim.2:10).

            Bởi thế, toàn thể lịch sử nhân loại có thể được coi như giúp vào việc hoàn thành ơn cứu chuộc, tức là giúp vào việc Chúa Kitô chiến thắng “tên vương chủ của thế gian này” (Jn.12:13,14:30,16:11). “Ngươi chỉ phải cúi phục trước Chúa là Thiên Chúa của ngươi mà thôi, ngươi phải thờ lạy một mình Ngài” (Lk.4:8), Chúa Kitô đã vĩnh viễn nói với Satan như thế. Vào giây phút bi thảm trong việc thi hành sứ vụ của mình, khi Người công khai bị tố là liên hiệp với qủi cả Beelzebul mà trừ qủi, Chúa Giêsu đã đáp lại bằng những lời lẽ vừa nghiêm trọng vừa an ủi như sau: “Vương quốc nào chia rẽ thì diệt vong, không một thành nào hay nhà nào chia rẽ mà lại có thể tồn tại. Vậy nếu Satan trừ khử Satan thì hắn tự mình chia rẽ. Thử hỏi như thế thì vương quốc của hắn có thể nào đứng vững được chăng?… Mà nếu chính bởi Thần Linh Thiên Chúa mà Tôi trừ qủi thì vương quốc Thiên Chúa thực sự đã đến giữa qúi vị rồi đó” (Mt.12:25-26,28). “Một người khỏe mạnh, võ trang đàng hoàng, mà canh giữ nhà thì tất cả mọi sản vật của họ được bảo toàn. Bằng nếu có một người mạnh khỏe hơn họ đến kiềm chế họ thì người này sẽ tước hết vũ khí họ tin tưởng và phân chia chiến lợi phẩm của họ” (Lk.11:21-22). Những lời Chúa Kitô nói về tên cám dỗ đã được nên trọn nơi lịch sử, ở thập giá và cuộc phục sinh của Đấng Cứu Chuộc. Như chúng ta đọc thấy trong Thư gửi giáo đoàn Do Thái thì Chúa Kitô đã trở nên một người chia sẻ với bản tính nhân loại cho đến chết trên thập giá, “để bằng cái chết của mình, làm vô hiệu hóa năng lực của ma qủi là kẻ có quyền trên sự chết… mà nhờ đó giải cứu những ai… bị cầm buộc trong cảnh nô lệ” (Heb.2:14-15). Đó là điều chắc chắn của đức tin Kitô giáo – “tên vương chủ thế gian này đã bị xét xử rồi” (Jn.16:11); “Con Thiên Chúa đã xuất hiện để hủy diệt các công việc của ma qủi” (1Jn.3:8), như Thánh Gioan cho biết. Bởi thế, chính Chúa Kitô tử giá và phục sinh là Đấng đã tỏ mình ra như là “một người mạnh khỏe hơn”, Đấng đã kiềm chế “người khỏe mạnh” là ma qủi và đã hạ hắn xuống khỏi ngai tòa của hắn.

            Giáo Hội thông phần vào việc Chúa Kitô chiến thắng ma qủi này, vì Chúa Kitô đã ban cho các môn đệ của Người quyền lực khu trừ ma qủi (x.Mk.10:1 và các dụ ngôn; Mk.16:17). Giáo Hội sử dụng quyền năng vinh thắng ấy bằng đức tin vào Chúa Kitô và bằng việc cầu nguyện (x.Mk.9:29; Mt.17:19ff), một việc được thể hiện qua việc trừ tà trong một số trường hợp đặc biệt.

            Việc loan báo và khởi sự cho cuộc chiến thắng cuối cùng là Parousa bắt đầu từ giai đoạn Chúa Kitô chiến thắng này. Đây là lần đến thứ hai và cuối cùng của Chúa Kitô vào lúc lịch sử hạ màn, và cuộc sống Kitô hữu cũng hướng đến việc Chúa Kitô đến lần thứ hai và cuối cùng này. Cho dù lịch sử trần gian có thực sự diễn tiến theo ảnh hưởng của “thần trí hiện nay đang hoạt động nơi thành phần phản loạn” đi nữa, như Thánh Phaolô nói (Eph.2:2), các tín hữu cũng biết rằng họ được kêu gọi để tranh đấu cho cuộc chiến thắng tối hậu của kẻ lành. “Bởi vì cuộc chiến của chúng ta không phải là chống lại các tạo sinh có huyết nhục, mà là chống lại các thiên phủ và quyền linh, với thành phần làm chủ thế gian tăm tối này, với những thần dữ chốn linh thiêng” (Eph.6:12).

            Càng gần đến lúc cuộc tranh đấu này hạ màn thì, ở một nghĩa nào đó, cuộc đấu tranh lại càng trở nên dữ dội hơn, như Khải Huyền, cuốn sách cuối cùng của Tân Ước, đã đặc biệt cho thấy (x.12:7-9). Thế nhưng, chính cuốn sách này cũng nhấn mạnh đến một sự chắc chắn chúng ta có được từ tất cả mạc khải thần linh, đó là cuộc tranh đấu ấy sẽ chấm dứt bằng cuộc chiến thắng cuối cùng của kẻ lành. Trong cuộc chiến thắng này, một cuộc chiến thắng có sẵn mầm mống nơi mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, sẽ là một cuộc hoàn tất cuối cùng lời loan báo đầu tiên ở Sách Khởi Nguyên, một cuốn sách đáng được gọi là Phúc Aâm Tiền Sơ, lúc Thiên Chúa cảnh báo con rắn: “Ta sẽ gây thù hận giữa ngươi và người nữ” (Gn.3:15). Trong giai đoạn cuối cùng ấy, Thiên Chúa sẽ hoàn tất mầu nhiệm Quan Phòng phụ tử của Ngài, “sẽ giải thoát khỏi quyền lực tối tăm” cho những ai từ đời đời Ngài “đã tiền định trong Chúa Kitô”, và sẽ “mang họ vào vương quốc Con yêu dấu của Ngài” (x.Col.1:13-14). Bấy giờ, Con sẽ qui thuận toàn thể vũ trụ về cho Cha, để “Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (x.1Cor.15:28). (Người dịch có ý in đậm hơn những lời Thánh Kinh được Đức Thánh Cha dùng để đúc kết toàn bộ giáo lý về Thiên Chúa Cha của ngài. Như thế, nhan đề “Là Tất Cả Trong Mọi Sự” rất thích đáng cho cuốn sách bao gồm 36 bài giáo lý về Chúa Cha này vậy. Tạ ơn Chúa).

 

 Tổng Kết:

 

           

Đ

ến đây chúng ta chấm dứt loạt bài giáo lý về Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành “những vật hữu hình và vô hình”, những bài giáo lý, theo như chúng ta sắp xếp, được liên kết với sự thật về Việc Quan Phòng thần linh. Tín hữu đã thấy rõ được rằng, mầu nhiệm khởi nguyên của thế gian cũng như của lịch sử được gắn liền một cách bất khả phân ly với mầu nhiệm tận kết, là một mầu nhiệm bao gồm việc nên trọn cuối cùng của tất cả những gì được tạo thành. Bản tuyên xưng đức tin nối kết nhiều sự thật lại với nhau một cách gắn bó như thế, đến độ, bản tuyên xưng này thực sự trở thành như một vương cung thánh đường đức tin mỹ lệ.

            Lạ lùng nói không nên lời, chúng ta đã có thể mở miệng ca tụng, một cách tuần tự như tiến, mầu nhiệm cao cả của minh trí và tình yêu Thiên Chúa, Đấng mà qua việc tạo dựng, Ngài đã hướng dẫn vũ trụ, hướng dẫn loài người và hướng dẫn thế giới thuần linh. Chúng ta đã xét đến nguồn gốc Ba Ngôi nơi tác động quan phòng này, cùng với việc dẫn đàng chỉ lối của tác động quan phòng ấy đối với cuộc sống của con người, thành phần thực sự “là hình ảnh Thiên Chúa”. Phần họ, họ được kêu gọi để khám phá ra một cách trọn vẹn phẩm vị của mình trong việc chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa. Chúng ta đã được soi sáng về một trong những vấn nạn lớn nhất từng làm con người xao xuyến, song cũng nói lên đặc tính tìm kiếm sự thật nơi họ – đó là vấn nạn về khổ đau và sự dữ. Tận gốc rễ sâu xa của vấn nạn này thì không hề có vấn đề Thiên Chúa nhầm lẫn hay quyết định xấu xa, hơn là bởi việc Ngài chọn lựa – ở một nghĩa nào đó Ngài phải chấp nhận cả nguy cơ của việc mình chọn lựa này – dựng nên chúng ta tự do, để lấy chúng ta làm bạn hữu. Sự dữ cũng bởi tự do mà có. Thế nhưng Thiên Chúa không bỏ cuộc, Ngài tiền định cho chúng ta, theo đức khôn ngoan siêu việt của Ngài, trở nên con cái của Ngài trong Đức Kitô, dẫn dắt tất cả bằng sức mạnh và dịu hiền, để kẻ lành không bị sự dữ chế ngự.

            Giờ đây, chúng ta phải để cho mạc khải thần linh hướng dẫn mình, trong việc khai phá những mầu nhiệm cứu độ khác của chúng ta. Hiện nay chúng ta đã chấp nhận sự thật rất là hệ trọng đối với mọi Kitô hữu – đó là sự thật về việc hiện hữu của các thuần linh tạo vật Thiên Chúa, đầu tiên tất cả đều tốt lành, sau đó, vì một chọn lựa tội lỗi, được dứt khoát chia thành cá thần sáng láng và các thần tối tăm. Việc hiện hữu của các thần gian ác đòi hỏi chúng phải tỉnh thức để không chiều theo những lời hứa hẹn hão huyền của họ. Tuy nhiên, chúng ta phải tin tưởng rằng, quyền lực chiến thắng của Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc đã bao che cho cuộc sống của chúng ta, nhờ đó chính chúng ta mới có thể chế ngự được các thần tối tăm ấy. Trong điều này, chúng ta được các thần lành mãnh liệt hỗ trợ, những vị sứ giả của tình yêu Thiên Chúa, những vị mà truyền thống Giáo Hội đã dạy chúng ta dâng lời nguyện cầu: “Xin thiên thần của Thiên Chúa là bản mệnh tôi sáng soi, canh giữ, chăm sóc và dẫn dắt tôi là kẻ đã được lòng lành thiên quốc trao phó cho ngài. Amen”.

(Bài Giáo Lý ngày 20 tháng 8 năm 1986)