(5)

Thiên Chúa

Vô Cùng Uy Linh Cao Cả

 

 

C

húng ta tin rằng Vị Thiên Chúa đặc thù này tuyệt đối duy nhất nơi yếu tính vô cùng thánh hảo của Ngài cũng như nơi tất cả mọi sự toàn thiện của Ngài, trong quyền toàn năng của Ngài, trong tình yêu vô cùng của Ngài, trong sự quan phòng của Ngài, trong ý muốn của Ngài và trong tình yêu của Ngài. Ngài là Đấng hiện hữu như chính Ngài tỏ mình cho Moisen. Ngài là tình yêu, như tông đồ Gioan dạy chúng ta. Hai danh xưng này, Hiện Hữu và Tình Yêu, nói lên một cách khôn tả thực tại thần linh của Ngài, Đấng muốn tỏ mình cho chúng ta, và Đấng, trong ánh sáng khôn thấu, tự mình vượt trên mọi danh hiệu, trên  hết mọi sự và trên mọi trí tuệ tạo vật” (Insegnamenti di Paolo VI, VI; 1968; 302).

            Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói những lời này vào dịp mừng kỷ niệm 1900 năm tử đạo của hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, 30/6/1968, trong bản tuyên xưng đức tin được gọi là Kinh Tin Kính của Dân Chúa. Những lời này diễn tả, dài hơn những kinh tin kính cũ, nhưng một cách gẫy gọn và tổng hợp, chân lý về Thiên Chúa mà Giáo Hội tuyên xưng từ ban đầu nơi kinh tin kính: “Tôi tin kính Thiên Chúa”. Ngài là Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra, Thiên Chúa của đức tin chúng ta. Danh Ngài, “Ta là Đấng Hiện Hữu”, đã tỏ cho Moisen từ trong bụi cây cháy ở chân núi Horeb, vẫn còn vang vọng trong kinh tin kính của ngày hôm nay. Đức Phaolô VI đã nối kết tên này - danh xưng “Hiện Hữu” - với danh xưng “Tình Yêu” (theo diễn tả của Bức Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan). Hai danh xưng này nói lên sự thật về Thiên Chúa một cách chính thực nhất. Chúng ta còn phải trở về với hai danh xưng này khi, tự hỏi mình về yếu tính của Thiên Chúa, chúng ta tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề: Thiên Chúa là ai?

            Đức Phaolô đã trích dẫn danh xưng của Thiên Chúa, “Ta là Đấng hiện hữu”, một danh xưng được thấy ở trong Sách Xuất Hành. Theo truyền thống giáo lý và thần học qua nhiều thế kỷ, ngài thấy nơi danh xưng này mạc khải về Thiên Chúa như là “Hữu Thể” - một Hữu Thể tự tại, mà theo ngôn ngữ triết lý về hữu thể (bản thể học hay siêu hình học) được Thành Tôma Aquinô sử dụng, nói lên yếu tính của Thiên Chúa. Người ta phải thêm rằng việc giải thích triệt để theo ngôn ngữ về những lời “Ta là Đấng hiện hữu” cũng cho thấy những ý nghĩa khác mà chúng ta sẽ nói đến sau. Những lời của Đức Phaolô VI đã đủ rõ ràng là Giáo Hội, để trả lời cho vấn đề “Thiên Chúa là Ai?”, theo truyền thống thần học và giáo phụ lâu đời, vẫn tiếp tục lấy “hữu thể” (esse) làm khởi điểm. Người ta không thể tạo nên một câu trả lời nào có thể chắc ăn và hiểu được ngoài đường lối nào khác.

            Lời Thiên Chúa dùng để tỏ mình ra bằng việc tự diễn tả theo “ngôn từ của hữu thể” cho thấy có một liên hệ đặc biệt giữa ngôn ngữ của mạc khải với ngôn ngữ của kiến thức loài người về một thực tại được cổ thời gọi là “đệ nhất triết học”. Ngôn ngữ của đệ nhất triết học này giúp cho người ta, bằng một cách nào đó, tiến đến danh xưng của Thiên Chúa như danh xưng “Hữu Thể”. Tuy nhiên - như một vị tiêu biểu nhất của trường phái Tôma trong thời chúng ta nhận định, âm vang lại chính Thánh Tôma (x.Contra Gentes, 1,cc.14,30) - thì ngay cả việc sử dụng thứ ngôn ngữ ấy chúng ta vẫn có thể vận dụng hết sức mình để “bập bẹ” danh xưng mạc khải nói lên yếu tính của Thiên Chúa này (x.E.Gilson, Le Thomisme, Paris 1944, ed. Vrin, trang 33,35,41,155-156). Ngôn ngữ loài người không đủ để diễn tả một cách xứng hợp và toàn vẹn Thiên Chúa là “Đấng Hiện Hữu”! Các ý niệm của chúng ta và từ ngữ của chúng ta liên quan đến Thiên Chúa chỉ nói lên được cái Ngài không là hơn cái Ngài là (x.Summa Theologica 1,q.12,a.12).

            “Ta là Đấng hiện hữu”. Thiên Chúa, Đấng trả lời cho Moisen bằng những lời này cũng là “Đấng Tạo Thành trời đất”. Ở đây trong lúc hướng về điều chúng ta sẽ nói đến vào những bài giáo lý tiếp theo liên quan đến chân lý mạc khải về việc tạo dựng, tiện thể cũng nên nhận định rằng, theo cách cắt nghĩa chung, thì từ ngữ “tạo dựng” có nghĩa là “làm cho hiện hữu từ vô hữu”, tức là, từ “hư không”. Được tạo dựng không có nghĩa là tự mình là nguồn gốc, là lý do cho việc hiện hữu của mình, mà nhận được nó “từ một khác thể”. Điều này được diễn tả tổng tắt trong cụm từ Latinh ens ab alio. Ngài, Đấng tạo dựng - Hóa Công - có sự hiện hữu nơi chính mình và từ mình (ens a se).

            Hiện hữu liên quan đến bản thể của Ngài: deu tính của Ngài là hiện hữu. Ngài là hữu thể tự tại (esse subsistens). Chính vì lý do này Ngài không thể không hiện hữu, Ngài là hữu thể “tất yếu”. Khác với Thiên Chúa là “hữu thể tất yếu”, các sự vật là những gì lãnh nhận sự hiện hữu từ Ngài, tức các tạo vật, có thể là vô hữu. Việc hiện hữu không làm nên yếu tính của chúng; chúng là những hữu thể “tùy thuộc”.

            Những cứu xét liên quan đến chân lý mạc khải về việc tạo dựng thế giới giúp chúng ta hiểu Thiên Chúa là “Hiện Hữu”. Chúng cũng giúp cho việc liên kết Đấng “Hiện Hữu” này với câu trả lời cho Moisen về danh xưng của Thiên Chúa: “Ta là Đấng hiện hữu”. Theo ý nghĩa của những suy tư này, những lời nói trịnh trọng của Thánh Catarina Sienna trở nên hoàn toàn rõ ràng: “Con là vô hữu, Cha là hiện hữu” (Thánh Catarina, Legenda Major, 1,10). Đây là yếu tính của Thiên Chúa, danh xưng của Thiên Chúa, hãy đọc lên từ đáy đức tin được linh ứng bởi việc Ngài tỏ mình ra, được xác nhận trong ý nghĩa của chân lý nền tảng nơi ý niệm về việc tạo dựng.

            Khi chúng ta nói về Thiên Chúa thì nên viết chữ hoa “Ta Hiện Hữu” và “Ngài Hiện Hữu”, dành chữ thường cho tạo vật. Việc này cũng nói lên đúng cách suy tư về Thiên Chúa theo các thứ loại “hữu thể”.

            Vì Ngài là “ipsum Esse Subsistens” - tức là Toàn Hữu và vì thế cũng toàn hảo - Thiên Chúa hoàn toàn siêu vượt đối với thế giới. Bởi yếu tính của mình, tức bởi thần tính của mình,  Ngài “vượt ngoài” và đời đời “trổi vượt” hết mọi tạo thành - cả từng tạo vật, dù hoàn hảo mấy đi nữa, lẫn đồng nhóm tạo vật, các hữu thể hữu hình và vô hình.

            Vậy thì rõ ràng Thiên Chúa của đức tin chúng ta, Đấng hiện hữu là Thiên Chúa vô cùng uy linh cao cả. Sự uy linh cao cả này là vinh hiển của Hữu Thể thần linh, vinh hiển của danh xưng Thiên Chúa, sự uy linh cao cả nhiều lần đã được cử hành trong Sách Thánh.

            “Oâi Chúa là Thiên Chúa của chúng tôi,

            danh Ngài uy linh biết bao trên toàn cõi đất!” (Ps.8:2).

            “Vì Ngài cao cả và thực hiện những sự diệu kỳ,

            nên chỉ có mình Ngài là Thiên Chúa” (Ps.86:10).

            “Không có một ai giống như Chúa, Oâi Chúa...” (Jer.10:6).

            Trước Thiên Chúa vinh quang cao cả chúng ta không thể nào không qùi gối xuống với một thái độ khiêm cung và hân hoan tôn thờ, hợp cùng phụng vụ lập lại ca khúc Te Deum: “Pleni sunt caeli et terra maiestatis gloriae tuae... Te per orbem terrarum sancta confitetur Ecclesia: Patrem immensae maiestati”. “Các tầng trời và trái đất tràn đầy uy linh và hiển vinh Chúa... và cho đến tận cùng trái đất Hội Thánh Chúa tuyên xưng đức tin của mình nơi Chúa là Cha, Đấng uy linh cao cả vô biên”.

           

            (Bài Giáo Lý ngày 7 tháng 8 năm 1985)