(8)

Thiên Chúa là Cha Toàn Năng

 

 

“T

ôi tin kính Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, Đấng tạo thành trời đất...”

 

Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra, Thiên Chúa của đức tin chúng ta, là một thần linh vô cùng trọn hảo. Chúng ta đã nói về điều này ở bài giáo lý lần trước. Là thần linh vô cùng trọn hảo nên Ngài cũng vô cùng Toàn Chân và Toàn Thiện, và Ngài muốn ban chính mình Ngài. Sự Thiện vươn mình ra: bonum est diffusivum sui (Summa Theol., I, q.5,a.4,ad2).

            Các kinh Tin Kính diễn đạt, theo một nghĩa nào đó, chân lý về Thiên Chúa được chiêm ngắm như là vô cùng Toàn Thiện này. Các kinh Tin Kính diễn tả chân lý này bằng việc xác nhận Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất, tạo thành tất cả mọi vật hữu hình cũng như vô hình. Ở đây, nhân tiện, theo ánh sáng mạc khải, suy xét về những gì nơi Thiên Chúa có liên quan đến mầu nhiệm tạo dựng, mặc dù chúng ta sẽ bàn đến vấn đề chân lý tạo dựng này sau.

            Giáo Hội tuyên xưng Thiên Chúa toàn năng (“Tôi tin kính Thiên Chúa là Cha Toàn Năng”) vì Ngài là thần linh vô cùng toàn hảo. Thiên Chúa cũng toàn tri, tức là Ngài thấu suốt mọi sự.

            Vị Thiên Chúa toàn năng và toàn tri này có quyền năng tạo dựng, quyền năng hiện hữu hóa vô hữu từ hư không. Chúng ta đọc thấy trong Sách Khởi Nguyên 18:24: “Đối với Chúa có gì là không thể hay chăng?”

            Sách Khôn Ngoan (11:21) viết: “Ngài luôn chứng tỏ sức mạnh cả thể bằng quyền năng Ngài, và ai có thể chịu nổi mãnh lực của cánh tay Ngài?” Sách Esther cũng tuyên xưng cùng một đức tin bằng những lời: “Lạy Chúa là Vua cai trị vũ trụ, tất cả mọi sự ở trong quyền năng của Chúa, không ai có thể chống lại Chúa” (4:17b). Tổng Thần Gabiên nói cùng Đức Maria Nazarét vào Ngày Truyền Tin: “Đối với Thiên Chúa không gì mà lại không có thể” (Lk.1:37).

            Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra qua miệng các tiên tri, là Đấng toàn năng. Những chân lý này trải dài khắp cả mạc khải, mở màn bằng những lời đầu tiên trong Sách Khởi Nguyên: “Thiên Chúa phán: ‘Hãy có...’” (Gn.1:3). Tác động tác tạo được biểu lộ như lời toàn năng của Thiên Chúa: “Vì Ngài phán là nó thành nên...” (Ps.33:9). Bằng việc dựng nên mọi sự từ hư vô, dựng nên hữu thể từ vô thể, Thiên Chúa tỏ mình ra như sự vô cùng toàn thiện vươn mình ra. Đấng hiện hữu, Hữu Thể Tự Tại, Hữu Thể vô cùng toàn hảo, ở một nghĩa nào đó, ban chính mình nơi cái “có” đó, bằng việc hiện hữu hóa, ở ngoài Ngài, một vũ trụ hữu hình và vô hình - những hữu thể tạo thành. Bởi việc tạo thành các vật, Ngài bắt đầu lịch sử hoàn vũ. Bởi việc tạo dựng nên con người có nam có nữ, Ngài bắt đầu lịch sử loài người. Là Đấng Tạo Hóa, Ngài là Chúa của lịch sử. “Có nhiều công việc khác nhau, song chỉ cùng một Thiên Chúa là Đấng thực hiện chúng nơi mọi người” (1Cor.12:6).

            Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra như Tạo Hóa và  như Chúa của lịch sử thế gian cùng lịch sử nhân loại, là Thiên Chúa toàn năng, Thiên Chúa hằng sống... Theo Công Đồng Chung Vaticanô I: “Giáo Hội tin tưởng và công nhận có một Thiên Chúa toàn năng chân thật và hằng sống duy nhất, là Đấng Hóa Công và là Chúa trời đất” (DS 3001). Vị Thiên Chúa này, một vị thần linh vô cùng trọn hảo và toàn tri, là Thiên Chúa tuyệt đối tự do và độc lập cho dù ở ngay trong chính tác động tạo dựng của Ngài. Trước hết, nếu Ngài là Chúa của tất cả những gì Ngài đã tạo nên thì Ngài cũng là Chúa ý muốn của Ngài trong việc tạo thành. Ngài tạo dựng vì Ngài muốn tạo dựng. Ngài tạo dựng vì việc này hợp với sự khôn ngoan vô cùng của Ngài. Trong việc tạo dựng, Ngài tác hành với tất cả tự do khôn thấu của mình, theo tình yêu vĩnh cửu thúc đẩy.

            Đoạn văn Hiến Chế Dei Filius của Công Đồng Chung Vaticanô I, đã được trích dẫn một số lần, nhấn mạnh đến tự do tuyệt đối của Thiên Chúa trong việc tạo dựng cũng như trong mọi tác động của Ngài. Thiên Chúa “hết sức hạnh phúc nơi chính mình Ngài và tự mình Ngài”. Ngài có tất cả trọn vẹn sự thiện hảo và hạnh phúc nơi chính mình Ngài và tự mình Ngài. Ngài không hiện hữu hóa thế gian để hoàn tất hay làm nên sự thiện hảo Ngài có. Ngài tạo dựng chỉ vì và hoàn toàn vì mục đích  trao ban cho thế giới vô hình cũng như hữu hình sự thiện hảo của việc hiện hữu đa diện. Đó là một việc tham dự  bội phần và khác nhau vào sự thiện hảo chuyên nhất, vô cùng và vĩnh hằng, một sự thiện hảo tương đồng với chính Hữu Thể của Thiên Chúa.

            Thiên Chúa tuyệt đối tự do và độc lập trong công cuộc tạo dựng. Ngài tiếp tục hoàn toàn độc lập với vũ trụ tạo thành. Điều này không có ý nói rằng Ngài lãnh đạm đối với tạo thành. Trái lại, Ngài hướng dẫn chúng như Đấng Khôn Ngoan Hằng Hữu, như Tình Yêu và như Đấng Quan Phòng Toàn Năng.

            Sách Thánh nói lên sự kiện là trong việc tạo dựng này chỉ có một mình Thiên Chúa mà thôi. Theo tiên tri Isaia: “Ta là Chúa, Đấng tạo nên tất cả mọi sự, Đấng một mình mở rộng các tầng trời, Đấng trải dài trái đất - ai đã ở với Ta?” (Is.44:24). Sự tự do độc lập của Thiên Chúa và quyền toàn năng thân phụ của Ngài đứng biệt lập “một mình” trong công cuộc tạo thành.

            “Thiên Chúa, Đấng đã hình thành và tạo tác trái đất cùng thiết dựng nó, đã không tạo dựng nên nó như một hỗn độn mà hình thành nó để làm nơi cư trú” (Is.45:18).

            Giáo Hội, ngay từ ban đầu, đã tuyên xưng đức tin của mình vào “Cha Toàn Năng”, Đấng Tạo Thành trời đất, Đấng Tạo Thành tất cả mọi sự hữu hình và vô hình. Giáo Hội tuyên xưng như vậy theo ánh sáng của Thiên Chúa mạc khải chính mình, Đấng “đã nói qua các tiên tri và trong những ngày sau hết này... đã nói qua Người Con” (Heb.1:1-2). Vị Thiên Chúa toàn năng này cũng là vị Thiên Chúa toàn tri và toàn hiện nữa. Hay đúng hơn, người ta có thể nói rằng, là một thần linh vô cùng trọn hảo, Thiên Chúa đồng thời cũng Toàn Năng, Toàn Tri và Toàn Hiện.

            Trước hết Thiên Chúa toàn hiện đối với chính mình Ngài - nơi Một Thần Tính Ba Ngôi. Ngài cũng hiện hiện trong vũ trụ Ngài đã tạo thành. Sự hiện diện của Ngài là kết quả của việc tạo thành bằng quyền năng sáng tạo của Ngài (per potentiam), một quyền năng thể hiện chính Yếu Tính siêu việt của Ngài (per essentiam). Sự hiện diện này vượt trên thế gian, thấu nhập nó và giữ cho nó tồn hữu. Việc Thiên Chúa hiện diện bằng kiến thức của Ngài cũng thế, một kiến thức như là ánh mắt vô cùng nhìn thấy, thấu nhập và thông suốt mọi sự (per visionem or per scientiam). Sau hết, Thiên Chúa hiện diện một cách đặc biệt nơi lịch sử loài người, cũng là lịch sử cứu độ. Việc hiện diện này (nếu người ta có thể nói như thế) là một việc Thiên Chúa hiện diện “riêng tư” nhất - việc Ngài hiện diện qua ân sủng mà nhân loại đã lãnh nhận trọn vẹn nơi Chúa Giêsu Kitô (x.Jn.1:16-17). Chúng ta sẽ nói về mầu nhiệm đức tin cuối cùng này trong một bài giáo lý sắp tới đây.

            “Oâi Chúa, Ngài tìm kiếm con và Ngài biết con...” (Ps.139:1).

Chúng ta hãy cùng nhau, hợp với toàn thể Dân Thiên Chúa ở khắp nơi trên thế giới, lập lại những lời Thánh Vịnh thần hứng này, để tuyên xưng đức tin của chúng ta vào sự toàn năng, toàn tri và toàn hiện của Thiên Chúa là Tạo Hóa của chúng ta, là Cha và là Đấng Quan Phòng! “Trong Ngài... chúng ta sống, động và có” (Acts 17:28).

 

                        (Bài Giáo Lý ngày 18 tháng 9 năm 1985)