(9)

Thiên Chúa là

Vị Thiên Chúa của Giao Ước

 

 

C

húng ta đã tuần tự tìm cách trả lời trong các bài giáo lý của chúng ta về vấn nạn: Thiên Chúa là Ai? Việc tìm câu trả lời này cần phải có một giải đáp chính đáng, căn cứ vào lời tự mạc khải của Thiên Chúa. Đức tin vững vàng cùng với niềm xác tín của trí khôn được đức tin soi dẫn đã làm nên đặc tính của câu trả lời này.

            Chúng ta một lần nữa hãy trở lại chân Núi Horeb. Moisen bấy giờ đang chăn đoàn vật ở đó. Oâng đã nghe từ giữa bụi cây cháy một giọng nói phán ra: “Hãy cởi giầy của ngươi ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh” (Ex.3:5). Tiếng nói phán tiếp: “Ta là Thiên Chúa của cha ông ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacóp”. Ngài là Thiên Chúa của các vị cha ông, Đấng đã sai Moisen đi giải phóng dân Ngài khỏi cảnh làm tôi người Ai Cập.

            Chúng ta đã biết, sau khi lãnh nhận sứ mệnh này, Moisen đã hỏi Thiên Chúa tên của Ngài. Oâng nhận được câu trả lời: “Ta là Đấng hiện hữu”. Truyền thống dẫn giải thánh kinh, truyền thống thần học và truyền thống huấn quyền của Giáo Hội, theo mạc khải của Thiên Chúa đây, đã hiểu câu trả lời ấy có nghĩa là “Hữu Thể”. Đức Phaolô VI đã lập lại điều cắt nghĩa này trong Kinh Tin Kính của Dân Thiên Chúa (1968).

            Người ta có thể đạt tới một ý niệm phong phú hơn và chính xác hơn, khi căn cứ vào ý nghĩa của lịch sử cứu độ đối với câu Thiên Chúa trả lời này - “Ta là Đấng hiện hữu”. Thiên Chúa - Yahweh - tỏ mình ra trước hết như vị Thiên Chúa của giao ước, bằng việc lấy danh Ngài mà sai Moisen đi: “Ta là Đấng hiện hữu đối với các người; Ta hiện hữu đây như một vị Thiên Chúa muốn thiết lập giao ước và ban ơn cứu độ”, như một vị Thiên Chúa là Đấng yêu thương các người và cứu độ các người.

            Như thế, Thiên Chúa đã tỏ mình ra như là một Hữu Thể, Đấng là một Ngôi Vị. Ngài tỏ mình cho những con người, thành phần Ngài đối xử như những con người. Thiên Chúa, ở một nghĩa nào đó, đã vươn ra từ “nỗi độc thân” của Ngài đến việc thông mình Ngài ra, trong việc đã tạo thành nên thế gian, bằng việc cởi mở với thế gian, nhất là với con người được dựng nên theo hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài (x.Gn.1:26). Việc mạc khải danh xưng “Ta là Đấng hiện hữu” (Yahweh), như cho thấy một cách đặc biệt chân lý Thiên Chúa là một Hữu-Thể-Ngôi-Vị, Đấng nhận biết, yêu thương và lôi kéo tất cả mọi người đến cùng Ngài, một vị Thiên Chúa của giao ước.

            Thiên Chúa sửa soạn một giai đoạn mới của giao ước, một giai đoạn mới của lịch sử cứu độ trong cuộc nói chuyện với Moisen. Việc Thiên Chúa khởi xướng việc lập giao ước đã đánh dấu lịch sử cứu độ qua nhiều biến cố, như Kinh Nguyện Thánh Thể số bốn nói lên bằng những lời: “Cha đã lập đi lập lại giao ước với con người”.

            Thiên-Chúa-Yahweh tỏ mình như “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp” trong cuộc nói chuyện với Moisen ở chân Núi Horeb. Ngài là vị Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với Abraham (x.Gn.17:1-14), cũng như với miêu duệ của ông, với các tổ phụ, các tổ tộc của dân được tuyển chọn, thành phần đã trở nên Dân của Thiên Chúa.

            Tuy nhiên, việc xướng xuất của vị Thiên Chúa giao ước còn được thực hiện trước cả thời Abraham nữa. Sách Khởi Nguyên đã đề cập đến việc thiết lập giao ước với Noe sau trận hồng thủy (x.Gn.9:1-17). Người ta còn có thể kể đến giao ước khai trước cả nguyên tội (x.Gn.2:15-17). Chúng ta có thể nói rằng, theo quan điểm cứu độ, Thiên Chúa đã muốn thiết lập giao ước với dân Ngài từ khi bắt đầu lịch sử loài người.

            Ơn cứu độ là việc hiệp thông với sự sống vô tận của Thiên Chúa. “Cây sự sống” (x.Gn.2:9) trong địa đàng là biểu hiệu cho ơn cứu độ này. Tất cả mọi giao ước Thiên Chúa đã ký kết với loài người sau tội Adong đều xác nhận sự thật là Thiên Chúa muốn cứu độ con người. Vị Thiên Chúa của giao ước là vị Thiên Chúa “ban mình” bằng một đường lối huyền nhiệm - tức là vị Thiên Chúa của mạc khải và là vị Thiên Chúa của ân sủng. Ngài chẳng những tỏ mình cho con người mà Ngài còn làm cho họ thành một người thông phần vào bản tính thần linh nữa (2Pt.1:4).

            Việc thiết lập giao ước đạt đến giai đoạn tuyệt đỉnh của mình nơi Chúa Giêsu Kitô - “giao ước mới”, “giao ước vĩnh cửu” (Heb.12:24,13:20). Việc thiết lập giao ước chứng tỏ một cách trọn vẹn căn nguyên của sự thật về vị Thiên Chúa mà chúng ta tuyên xưng nơi kinh tin kính Kitô giáo. Trong thời ngoại đạo cổ xưa, thần tính là đối tượng cho khát vọng của con người. Mạc khải trong Cựu Ước, và hơn nữa trong Tân Ước, đã cho thấy Thiên Chúa là Đấng tìm kiếm con người, Đấng kéo họ lại gần mình. Chính Thiên Chúa là Đấng muốn thiết lập giao ước: “Ta sẽ là Thiên Chúa của các người và các người sẽ là dân của Ta” (Lv.26:12); “Ta sẽ là Thiên Chúa của họ và họ sẽ là dân của Ta” (2Cor.6:16).

            Việc thiết lập giao ước, giống như việc sáng tạo, là một sáng kiến thần linh hoàn toàn tự do và độc lập. Thế nhưng, việc thiết lập giao ước còn tỏ cho thấy một cách tuyệt vời hơn nữa tầm quan trọng và ý nghĩa của việc sáng tạo trong chiều sâu của tự do thần linh. Sự khôn ngoan và tình yêu, những yếu tố hướng dẫn tự do siêu việt của vị Thiên-Chúa-Tạo-Hóa, lại càng nổi bật hơn nơi niềm tự do siêu việt của vị Thiên Chúa giao ước.

            Qua việc thiết lập giao ước, nhất là việc thiết lập giao ước trọn vẹn cuối cùng nơi Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa, một cách nào đó, đã hòa nhập với thế gian. Tuy nhiên, Ngài vẫn hoàn toàn giữ được sự siêu việt của mình. Vị Thiên Chúa nhập thể, nhất là vị Thiên Chúa tử giá, vẫn là một Thiên Chúa khôn thấu và khôn tả. Thế nhưng, đối với chúng ta, Ngài lại càng trở nên thực sự khôn thấu và khôn tả hơn nữa, đến độ Ngài đã tỏ lộ ra như là một vị Thiên Chúa của tình yêu vô cùng và khôn dò.

            Chúng ta không nên đi trước các đề tài của những bài giáo lý tới đây. Một lần nữa, chúng ta hãy trở về với Moisen. Việc mạc khải danh xưng của Thiên Chúa ở chân Núi Horeb đã sửa soạn cho giai đoạn giao ước mà Thiên Chúa của các vị cha ông muốn thiết lập với dân Ngài ở núi Sinai. Việc mạc khải này đã cho thấy một cách vững chắc và rõ ràng cảm thức độc thần nơi kinh tin kính được căn cứ vào việc thiết lập giao ước: “Tôi tin kính một Thiên Chúa!” Thiên Chúa duy nhất, Ngài là Đấng độc nhất. Sách Xuất Hành viết: “Ta là Chúa, Thiên Chúa của các người, Đấng đã đem các người ra khỏi đất Ai Cập, ra khỏi nhà nô lệ. Các người sẽ không có các thần linh nào khác trước Ta” (Ex.20:2-3). Chúng ta thấy mẫu thức căn bản của niềm tin Cựu Ước được diễn đạt nơi những lời của Sách Nhị Luật: “Hỡi Yến Duyên, hãy  nghe đây: ‘Chúa, Thiên Chúa của chúng ta, là Chúa duy nhất’” (Dt.6:4; x.Dt.4:39-40).

            Tiên tri Isaia đã hiến cho niềm tin độc thần của Cựu Ước này một diễn đạt tiên tri sáng ngời: “Các ngươi là những chứng nhân của Ta - Chúa phán - những người đầy tớ Ta tuyển chọn, để các người có thể nhận biết và tin tưởng Ta, rồi các người hiểu được rằng Ta là Ngài. Trước Ta không có Thiên Chúa nào hết, cả sau Ta cũng thế. Ta, Ta là Chúa, ngoài Ta ra không còn vị cứu tinh nào khác... Các người là chứng nhân của Ta - Chúa phán - Ta là Thiên Chúa, từ đời đời luôn mãi không thôi” (Is.43:10-13). “Hãy trở về với Ta để được cứu rỗi, hỡi tất cả cùng cõi trái đất, vì Ta là Thiên Chúa, ngoài ra không còn đấng nào khác” (Is.45:22).

            Chân lý về Thiên Chúa duy nhất này tạo nên nền tảng sâu xa cho cả hai Giao Ước. Thánh Phaolô đã nói lên điều này trong Tân Ước bằng những lời này: “Thiên Chúa duy nhất và Cha của tất cả mọi sự, Đấng ở trên tất cả, qua tất cả và trong tất cả” (Eph.4:6). Thánh Phaolô cũng là vị đã chiến đấu với chủ trương đa thần của dân ngoại (x.Rm.1:23; Gal.3:8), bằng một nhiệt tình không kém gì nhiệt tình của Cựu Ước. Thánh nhân đã rao giảng cũng không kém mạnh mẽ rằng: vị Thiên Chúa chân thật duy nhất này “là Thiên Chúa của tất cả mọi người, của cả thành phần cắt bì cũng như không cắt bì, của cả dân Do Thái cũng như Dân Ngoại” (x.Rm.3:29-30). Việc mạc khải về một vị Thiên Chúa chân thật duy nhất được tỏ ra cho dân tuyển chọn Yến Duyên trong Cựu Ước cũng nhắm đến cả loài người nữa. Nhân loại tìm thấy nơi chủ thuyết độc thần việc diễn tả cho niềm xác tín mà con người có thể đạt tới ngay cả bằng ánh sáng của lý trí. Nếu Thiên Chúa thiện hảo, vô cùng, là Hữu Thể tự tại, thì Ngài cũng phải là Đấng Duy Nhất. Chân lý được mạc khải trong Cựu Ước này đã nhờ Chúa Giêsu Kitô trở nên đức tin của Giáo Hội hoàn vũ trong tân ước. Giáo Hội tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa”.

 

                        (Bài Giáo Lý ngày 25 tháng 9 năm 1985)