Bài 1

Tôi Tin Kính

Chúa Thánh Thần

T

 

rong loạt bài suy niệm của chúng ta về Kinh Tin Kính của Các Thánh Tông Đồ, đến đây, từ những tín điều về Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người vì phần rỗi chúng ta, chúng ta tiến sang phần tín điều về Chúa Thánh Thần mà đức tin của chúng ta tuyên xưng. Chu kỳ Kitô học được tiếp nối bởi chu kỳ được gọi là thánh linh học. Kinh Tin Kính của Các Thánh Tông Đồ đã diễn tả tín điều này một cách gọn đủ bằng những lời này: “Tôi tin kính Chúa Thánh Thần”.

            Kinh Tin Kính của Công Đồng Chung Nicea và Contantinopoli khai triển tín điều này dài hơn: “Tôi tin kính Chúa Thánh Thần là Chúa và là Đấng ban sự sống, Đấng nhiệm xuất bởi Chúa Cha và Chúa Con. Ngài cùng được phụng thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con. Ngài đã phán dạy qua các vị tiên tri”. Kinh tin kính, một bản tuyên xưng đức tin được giáo hội hình thành, đưa chúng ta trở về với các nguồn thánh kinh, nơi mà Chúa Thánh Thần được trình bày liên quan với mạc khải của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh linh học của Giáo Hội được dựa trên Sách Thánh, nhất là Tân Ước, mặc dầu Cựu Ước có bao gồm Tân Ước cách nào đó.

            Nguồn thứ nhất chúng ta cần trở về là bài từ giã của Chúa Kitô nói với các môn đệ của Người vào ngày trước cuộc khổ nạn và tử giá của Người trong Phúc Aâm thánh Gioan. Chúa Giêsu nói về việc Chúa Thánh Thần đến liên quan tới việc “ra đi” của Người, bằng việc loan báo Thần Linh đến (hay xuống) trên các thánh tông đồ: “Thày bảo thật các con biết, Thày đi thì có lợi cho các con, vì nếu Thày không đi, Đấng Dẫn Dụ sẽ không đến với các con; song nếu Thày đi, Thày sẽ sai Ngài đến với các con” (Jn.16:7).

            Nội dung của đoạn văn này có vẻ mâu thuẫn. Chúa Giêsu, Đấng nhấn mạnh là “Thày bảo thật cho các con biết”, cho rằng việc “ra đi” của Người (tức là cuộc tử nạn và tử giá của Người) là một mối lợi: “có lợi cho các con...“. Tuy nhiên, ngay sau đó Người đã giải nghĩa giá trị cái chết của Người ở chỗ nào. Ở chỗ, chính nhờ cái chết cứu độ là điều kiện hoàn tất dự án cứu độ của Thiên Chúa, một cái chết sẽ được tôn vinh bằng việc Chúa Thánh Thần đến. Bởi thế, cái chết của Người chính là điều kiện cho tất cả những gì, do việc Chúa Thánh Thần đến, gặt hái được cho các tông đồ cũng như cho Giáo Hội sau này, nhờ đó, con người sẽ lãnh nhận một sự sống mới bởi tiếp nhận Thần Linh. Việc Thần Linh đến và tất cả những gì từ việc Ngài đến mà có trên thế giới này đều là hoa trái cứu độ của Chúa Kitô.

            Nếu việc ra đi của Chúa Giêsu xẩy ra qua cái chết của Người trên thập giá thì người ta có thể hiểu được tại sao thánh ký Gioan đã thấy được nơi cái chết này quyền năng và vinh hiển của đấng bị đóng đanh. Tuy nhiên, những lời của Chúa Giêsu cũng ám chỉ cả việc lên cùng Cha là một cuộc vĩnh viễn ra đi của Người nữa (x.Jn.16:10), như chúng ta đọc thấy trong sách Tông Đồ Công Vụ: “Được tôn vinh bên hữu Thiên Chúa, trước hết Người lãnh nhận từ nơi Cha lời hứa ban Chúa Thánh Thần” (2:33).

            Việc Chúa Thánh Thần hiện xuống đã xẩy ra sau khi Chúa Giêsu thăng thiên. Chính vào lúc bấy giờ cuộc tử nạn và cái chết cứu độ của Người mới sinh hoa kết trái trọn vẹn. Chúa Giêsu Kitô là Con Người, vào lúc tột đỉnh sứ vụ thiên sai của mình, đã nhận lãnh đầy Thánh Thần từ Chúa Cha, ở một mức độ Thần Linh này được tràn ban cho các tông đồ cũng như cho Giáo Hội qua mọi thế hệ. Chúa Giêsu đã nói trước: “Khi được treo lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên cùng Tôi” (Jn.12:32). Điều này minh xác tính cách phổ quát của ơn cứu độ, cả về ý nghĩa vươn dài của ơn cứu độ dành cho tất cả nhân loại, lẫn ý nghĩa bao hàm tất cả ân sủng được hiến ban cho thành phần được cứu rỗi. Tuy nhiên, ơn cứu độ phổ quát này phải được hoàn thành bởi Chúa Thánh Thần.

            Chúa Thánh Thần là Đấng đến như kết qủa của việc Chúa Kitô ra đi và bởi việc Chúa Kitô ra đi. Những lời của thánh Gioan đoạn 16 câu 7 đã nói lên mối liên hệ có căn cơ này. Thần Linh được sai đến bởi việc Chúa Kitô hiệu thành ơn cứu chuộc: “Nếu Thày đi, Thày sẽ sai Ngài đến với các con” (x. Thông Điệp Dominum et Vivificantem về Chúa Thánh Thần cũng của Đức Thánh Cha, đoạn 8). Thật thế, “theo dự án thần linh, ‘việc ra đi’ của Chúa Kitô phải là một điều kiện không thể châm chước cho ‘việc sai đến’ và hiện đến của Chúa Thánh Thần, song những lời này cũng có ý nói rằng cái mà giờ đây bắt đầu là việc tự hiến ban một ơn cứu độ mới của Thiên Chúa trong Thánh Thần” (cùng nguồn trích dẫn trên, đoạn 11).

            Qua việc mình bị “treo lên” trên thập giá, Chúa Giêsu Kitô sẽ “kéo mọi người lên cùng Người” (x.Jn.12:32). Theo ý nghĩa của những lời Chúa Giêsu nói trong Bữa Tiệc Ly này, chúng ta hiểu rằng việc “lôi kéo” này được đạt thành nhờ Chúa Kitô vinh hiển bằng việc Người sai Chúa Thánh Linh đến. Chính vì lý do này mà Người phải ra đi. Mầu nhiệm Nhập Thể đạt được hiệu qủa cứu độ của mình nhờ Chúa Thánh Thần. Bằng việc ra đi khỏi thế gian này, Chúa Kitô chẳng những bỏ lại sứ điệp cứu độ của mình, mà còn ban tặng Chúa Thánh Thần nữa, và như thế là công hiệu của sứ điệp và của ơn cứu độ được gắn liền với nhau trong tất cả tầm vóc viên trọn của mình.

            Như được Chúa Giêsu đặc biệt nói đến trong bài Người từ biệt các tông đồ ở nhà tiệc ly, Chúa Thánh Thần hiển nhiên là một Ngôi Vị khác hẳn với chính Người: “Thày sẽ xin Cha và Ngài sẽ ban cho các con một Đấng Dẫn Dụ khác” (Jn.14:6). “Thế nhưng, Đấng Dẫn Dụ là Thánh Thần, Đấng mà Cha nhân danh Thày sai đến sẽ dạy các con mọi sự và sẽ làm cho các con nhớ lại tất cả những gì Thày đã nói với các con” (Jn.14:26). Khi nói về Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu thường dùng đại danh từ riêng “Ngài”.Ngài sẽ làm chứng cho Thày” (Jn.15:26). “Ngài sẽ làm cho thế gian nhận ra tội lỗi” (Jn.16:8). “Khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ hướng dẫn các con vào tất cả sự thật” (Jn.16:13). “Ngài sẽ tôn vinh Thày” (Jn.16:14). Từ những đoạn văn này, Chúa Thánh Thần rõ ràng là một Ngôi Vị, chứ không phải chỉ là một quyền lực tự nhiên phát xuất từ Chúa Kitô (như nơi Phúc Aâm thánh Luca đoạn 6 câu 19: “Quyền năng phát ra từ Người...”). Là một Ngôi Vị, Chúa Thánh Thần có hoạt động riêng theo tính cách cá biệt của mình. Khi nói về Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu nói với các tông đồ rằng: “Các con biết Ngài, vì Ngài ở với các con và sẽ ở trong các con” (Jn.14:17). “Ngài sẽ dạy các con mọi sự, và sẽ làm cho các con nhớ lại tất cả những gì Thày đã nói với các con” (Jn.14:26). “Ngài sẽ làm chứng cho Thày” (Jn.15:26). “Ngài sẽ dẫn các con vào tất cả sự thật. Ngài sẽ nói những gì Ngài nghe” (Jn.16:13). Ngài “sẽ tôn vinh” Chúa Kitô (x.Jn.16:14) và “Ngài sẽ làm cho thế giới nhận thức tội lỗi” Jn.16:8). Phần mình, thánh Tông Đồ Phaolô cho biết là Thần Linh “kêu lên trong tâm can của chúng ta” (Gal.4:6), “Ngài phân phối” các tặng ân của Ngài “cho mỗi một người như Ngài muốn” (1Cor.12:11), “Ngài chuyển cầu cho tất cả các thánh” (Rm.8:27).

            Như thế, Thánh Thần, theo mạc khải của Chúa Giêsu, là một cá thể (Ngôi Ba trong Ba Ngôi) với sinh hoạt riêng của Ngài. Tuy nhiên, cũng trong cùng bài từ biệt này, Chúa Giêsu đã tỏ cho thấy những liên hệ nối kết ngôi vị của Chúa Thánh Thần với Chúa Cha và Chúa Con. Người loan báo việc Chúa Thánh Thần hiện xuống như một mạc khải cuối cùng về Thiên Chúa là Thiên Chúa Ba Ngôi Tam Vị.

            Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ: “Thày sẽ cầu xin Cha và Ngài sẽ ban cho các con một Đấng Dẫn Dụ khác” (Jn.14:6), “Thần Chân Lý nhiệm xuất từ Cha” (Jn.15:26), “Đấng Cha sẽ sai đến nhân danh Thày” (Jn.14:26). Thế nên, Chúa Thánh Thần là một Ngôi Vị khác hẳn với Chúa Cha và Chúa Con, đồng thời lại hiệp nhất thân mật với Chúa Cha và Chúa Con. “Ngài nhiệm xuất” từ Chúa Cha, Chúa Cha “sai” Ngài đến nhân danh Chúa Con, một việc, xét về ơn cứu chuộc, được hiệu thành bởi Chúa Con tự hiến mình trên thập giá. Bởi thế, Chúa Giêsu phán: “Nếu Thày đi, Thày sẽ sai Ngài đến với các con” (Jn.16:7). “Thần Chân Lý nhiệm xuất từ Cha” được Chúa Kitô loan báo như một Đấng Dẫn Dụ, Đấng “Thày sẽ từ Cha sai đến cùng các con” (Jn.15:26).

            Bản văn của thánh Gioan kể lại bài diễn từ của Chúa Giêsu nơi nhà tiệc ly chứa đựng mạc khải tỏ ra tác động cứu độ của Thiên Chúa như là một Thiên Chúa Ba Ngôi. Tôi đã viết trong thông điệp Dominum et Vivificantem: “Chúa Thánh Thần, đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con theo thần tính, là tình yêu và là tặng ân tự tại (uncreated gift) mà từ đó, như từ một nguồn mạch, mới có tất cả mọi ban phát tặng ân liên quan đến các thụ tạo (created gifts): như tặng ân ban cho tất cả mọi sự được hiện hữu nhờ việc tạo dựng; tặng ân ban cho con ngưòi được sủng ái nhờ toàn bộ công cuộc cứu chuộc” (đoạn 10).

            Chúa Thánh Thần mạc khải cho thấy thâm cung của thần tính: đó là mầu nhiệm về Thiên Chúa Ba Ngôi với các Ngôi Vị thần linh sinh tồn song lại là các Ngôi Vị tỏ mình ra cho nhân loại để họ được sự sống và ơn cứu độ. Thánh Phaolô nói về điều này trong Bức Thư Thứ Nhất gửi giáo đoàn Côrintô thế này: “Thần Linh dò thấu mọi sự, ngay cả thâm cung của Thiên Chúa” (2:10).

            (Bài Giáo Lý thứ 1 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 26-4-1989,

trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)