Bài 11

 Thần Linh trong Mầu Nhiệm Phục Sinh

 

 

B

ức Thư thứ nhất của thánh Phêrô viết: “Chúa Kitô cũng đã từng chịu khổ vì tội lỗi, người công chính chịu vì kẻ bất chính, để Người có thể dẫn đưa họ về với Thiên Chúa. Người đã chết theo xác thịt song được hồi sinh trong thần linh” (1Pet.3:18). Thánh Phaolô cũng nói đến sự thật này nơi phần mở đầu cho Bức Thư gửi giáo đoàn Roma của mình, nơi thánh nhân tự xưng mình là người loan báo Phúc Aâm của Thiên Chúa. Thánh nhân viết: “Phúc Aâm về Con Thiên Chúa, theo xác thịt thuộc giòng dõi Đavít, nhưng theo thần linh thánh hảo lại được đặt làm Con Thiên Chúa trong quyền năng qua việc phục sinh từ trong kẻ chết, đó là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm.1:3-4). Bởi thế nên Tôi đã viết trong Thông Điệp Dominum et Vivificantem: “Có thể nói được rằng ‘việc  tiến triển’ vai trò thiên sai của Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần đạt đến tuyệt đỉnh của nó nơi cuộc phục sinh là mầu nhiệm Người đã tỏ mình ra là Con Thiên Chúa ‘đầy quyền năng’” (đoạn 24).

            Các học giả đã cho là đoạn Thư gửi giáo đoàn Rôma này - cũng như đoạn Thư của thánh Phêrô (1Pt.3:18-4:6) - hàm chứa một bản tuyên xưng đức tin ban đầu được hai vị tông đồ lấy từ một nguồn mạch sống là cộng đồng Kitô hữu sơ khai. Trong số những yếu tố được bản tuyên xưng đức tin này nhắc đến có đề cập tới Chúa Thánh Thần hoạt động nơi cuộc phục sinh là “Thần Linh thánh hảo”. Do đó, chúng ta có thể nói rằng Chúa Kitô, Đấng là Con Thiên Chúa từ lúc đầu thai trong lòng Mẹ Maria bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, trong cuộc phục sinh được “làm nên” như nguồn mạch sự sống và thánh thiện, “đầy quyền năng thánh hóa”, nhờ tác động của cùng một Thánh Thần.

            Như thế, ý nghĩa trọn vẹn của tác động mà Chúa Giêsu đã thực hiện vào tối ngày phục sinh, “ngày thứ nhất sau ngày hưu lễ”, đã được sáng tỏ. Hiện ra với các tông đồ, Người cho các vị xem hai bàn tay và cạnh sườn của Người, thở hơi trên các vị mà phán: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần” (Jn.20:22).

            Bức Thư Thứ Nhất của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô về phương diện này rất đáng chú ý. Chúng ta đã thấy trước đây, qua những bài giáo lý về Kitô học, bức thư này chứa đựng những ghi nhận lịch sử đầu tiên các chứng cớ về việc Chúa Kitô phục sinh, mà theo quan điểm của thánh tông đồ, đã thuộc về truyền thống của Giáo Hội: “Vì tôi truyền lại cho anh em như là một điều quan trọng nhất tôi đã lãnh nhận: đó là Đức Kitô, theo Sách Thánh, đã chết vì tội lỗi của chúng ta; Người đã được an táng; Người đã sống lại vào ngày thứ ba như lời Sách Thánh; Người đã hiện ra với Cephas rồi với 12 vị” (15:3-5). Tiếp theo, thánh Tông Đồ liệt kê những lần hiện ra khác của Chúa Kitô sau khi Người sống lại, cuối cùng đề cập đến lần hiện ra sau hết với thánh nhân (x.15:4-11).

            Đây là bản văn rất quan trọng ghi chép lại chẳng những niềm xác tín của những Kitô hữu tiên khởi về việc Chúa Giêsu phục sinh, mà còn cả giáo huấn của các tông đồ, cả việc tiến triển của thánh truyền, cũng như nội dung của một đức tin liên quan đến thánh linh học và cánh chung nơi Giáo Hội sơ khai.

            Trong bức thư này, thánh Tông Đồ nối kết biến cố phục sinh của Chúa Kitô với đức tin vào cuộc phục sinh chung của thân xác và thiết lập mối liên hệ giữa Chúa Kitô với Adong bằng những lời này: “Adong, con người tiên khởi, đã trở nên một hữu thể sống động, Adong mới cũng trở nên một thần linh ban sự sống” (Rm.15:45). Viết về Adong, Đấng đã trở nên một “thần linh sống động”, thánh Phaolô trích lại bản văn Khởi Nguyên, bản văn nói đến việc Adong đã trở nên một “hữu thể sống động” nhờ “hơi thở sự sống” Thiên Chúa “đã thổi vào mũi” (Gn.2:7). Đoạn thánh Phaolô tuyên nhận là Chúa Giêsu Kitô, một con người phục sinh, đã vượt xa Adong. Người có tràn đầy Thánh Thần, Đấng phải ban cho con người sự sống, bằng một cách thức mới, để làm cho họ trở nên một hữu thể thiêng liêng. Nếu vị tân Adong đã trở nên “một thần linh ban sự sống”, không có nghĩa là Người đồng nhất với Chúa Thánh Thần, Đấng “ban sự sống (thần linh)”. Mà chỉ có nghĩa là, như một con người có tràn đấy Thần Linh này, Người ban Thần Linh cho các tông đồ, cho Giáo Hội và cho nhân loại. “Thần Linh ban sự sống” nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, hay nhờ hy tế được hiến dâng trên thập giá.

            Bản văn của thánh Tông Đồ Phaolô này là một phần giáo huấn của thánh nhân về định mệnh của thân xác con người, một thân xác sống động bởi nguyên lý của nó là linh hồn (psyche theo Hy ngữ, nefesh theo Do ngữ: x.Gn.2:7). Linh hồn là một nguyên lý tự nhiên. Thân xác như bị nó rời bỏ vào lúc lâm chung, một biến cố trở thành đối tượng của triết học trong việc tìm hiểu vấn nạn về tình trạng bất tử cũng như vấn nạn hiện hữu trước khi có hữu thể.

            Theo thánh Tông Đồ thì biến cố phục sinh của Chúa Kitô đã giải đáp cho vấn nạn này bằng một đức tin vững chắc. Thân thể của Chúa Kitô, đầy Thánh Thần trong cuộc phục sinh, là nguồn mạch của một sự sống mới đối với các xác thể phục sinh: “Có thân thể tự nhiên được gieo xuống; cũng có thân xác linh thiêng được vươn lên” (1Cor.15:44). Thân xác “tự nhiên” (tức được sinh động bởi spyche) đã được ấn định là phải biến mất để nhường chỗ cho “thân xác linh thiêng”, một thân xác được sinh động bởi pneuma, Thần Linh. Ngài là nguyên lý của sự sống mới, một nguyên lý hiện diện sẵn trong cuộc sống hạn hữu này (x.Rm.1:9,5:5) và sẽ đạt được trọn vẹn hiệu năng của mình sau cái chết. Bấy giờ Ngài sẽ là tác giả của việc thân xác tự nhiên phục sinh trong thực tại hoàn bị của một thân xác linh thiêng, nhờ nên một với Chúa Kitô phục sinh (x.Rm.1:4,8:11), một con người thiên quốc và là “thần linh ban sự sống” (1Cor.15:45-49).

            Thế nên, việc phục sinh sau này của thân xác chúng ta được dính liền với việc linh thiêng hóa nó cho nên giống thân xác của Chúa Kitô là thân xác đã sống dậy nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Đây là câu trả lời của thánh Tông Đồ về vấn nạn chính thánh nhân đặt ra: “Kẻ chết sống lại ra sao? Họ sẽ cải tử hoàn sinh bằng một loại thân xác như thế nào?” (1Cor.15:35). Thánh Phaolô kêu lên: “Anh em sao khờ khạo như thế! Cái anh em gieo sẽ không mang lại sự sống nếu nó không chết đi. Cái anh em gieo không phải là thân xác hiện thực sau này, mà chỉ có thể là mầm mống của một hạt lúa hay của một hạt giống nào đó; nhưng Thiên Chúa sẽ ban cho nó một thân xác như Ngài chọn lựa... Việc phục sinh của kẻ chết cũng như thế... có thân xác tự nhiên được gieo xuống; cũng có thân xác linh thiêng được vươn lên” (1Cor.15:36-44).

            Theo thánh Tông Đồ, sự sống trong Chúa Kitô cũng là sự sống trong Thánh Thần: “Nhưng anh em không ở trong xác thịt; trái lại, anh em ở trong thần linh, nếu một mình Thần Linh của Thiên Chúa ở trong anh em. Ai không có Thần Linh của Chúa Kitô thì không thuộc về (Chúa Kitô)” (Rm.8:9). Tự do thật chỉ có trong Chúa Kitô và trong Thần Linh của Người, “vì luật của thần linh sự sống trong Chúa Giêsu Kitô đã giải thoát anh em khỏi luật tội lỗi và sự chết” (Rm.8:2). Việc thánh hóa trong Chúa Kitô cũng là việc thánh hóa trong Chúa Thánh Thần (chẳng hạn như ở 1Cor.1:2; Rm.15:16). Nếu Chúa Kitô “chuyển cầu cho chúng ta” (Rm.8:34), thì Chúa Thánh Thần cũng “chuyển cầu cho chúng ta bằng những lời than khôn tả... Ngài chuyển cầu cho các thánh theo ý muốn của Thiên Chúa” (Rm.8:26-27).

            Như đã sáng tỏ trong các bản văn trên đây của thánh Phaolô, Chúa Thánh Thần, Đấng đã làm việc nơi cuộc phục sinh của Chúa Kitô, cũng truyền đạt sự sống mới cho Kitô hữu trong tương quan cánh chung của cuộc phục sinh sau này. Có một sự liên tục giữa cuộc phục sinh của Chúa Kitô, một sự sống mới của Kitô hữu được giải thoát khỏi tội lỗi và trở thành người tham phần vào mầu nhiệm vượt qua, với cuộc tái tạo sau này của việc nên một hồn-xác trong cuộc phục sinh của kẻ chết. Chúa Thánh Thần chính là tác giả làm nên tất cả mọi tăng trưởng của sự sống mới trong Chúa Kitô.

            Chúng ta có thể nói rằng sứ vụ của Chúa Kitô thực sự đạt tới tột đỉnh của mình nơi mầu nhiệm vượt qua. Nơi mầu nhiệm vượt qua này, mối liên hệ chặt chẽ giữa Kitô học và thánh linh học đã mở ra một chân trời cánh chung trước mắt tín hữu cũng như đãgợi ý cho các thần học gia tìm tòi học hỏi. Thế nhưng, quan điểm này cũng bao gồm cả tầm mức cánh chung nữa; bởi “Giáo Hội... công bố Đấng ban... sự sống; Thần Linh ban sự sống; Giáo Hội công bố Thần Linh và cộng tác với Thần Linh trong việc ban sự sống. Vì, ‘mặc dù thân xác của anh em đã chết bởi tội lỗi, song thần trí của anh em đang sống bởi sự công chính’ (Rm.8:10), một sự công chính đạt được nhờ Chúa Kitô tử giá và phục sinh. Và nhân danh cuộc phục sinh của Chúa Kitô, Giáo Hội phục vụ sự sống từ Thiên Chúa mà có, trong mối hiệp nhất chặt chẽ với Thần Linh và khiêm tốn phục vụ Thần Linh” (Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 58).

            Ở trọng tâm của việc phục vụ này là Thánh Thể. Nơi bí tích Thánh Thể, tặng ân cứu độ của Chúa Kitô tiếp tục và được tái diễn không ngừng. Bí tích Thánh Thể cũng chất chứa một quyền lực ban sự sống của Chúa Thánh Thần. Bởi thế, Thánh Thể là bí tích mà nhờ đó Thần Linh tiếp tục hoạt động và “tỏ mình” ra như là một nguyên lý nhân loại sống động trong thời gian cũng như trong vĩnh cửu. Thần Linh là nguồn ánh sáng cho tâm trí và là sức mạnh cho hành động, như lời Chúa Giêsu phán ở Caphanaum: “Chính Thần Linh mới là Đấng ban sự sống... Những lời Thày nói với các con” (về “bánh bởi trời xuống”) “là thần linh và là sự sống” (Jn.6:63).

           

            (Bài Giáo Lý thứ 47 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 8-8-1990,

trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)