Bài 15

 Thánh Thần Hiện Xuống:

Một Cuộc Tỏ Hiện Đầy Quyền Năng của Thiên Chúa

 

 

K

iến thức của chúng ta về Chúa Thánh Thần được căn cứ vào những gì Chúa Giêsu nói cho chúng ta hay về Ngài, nhất là khi Chúa Giêsu nói về việc Người ra đi của mình và việc Người trở về cùng Cha Người: “Khi nào Thày ra đi... Thánh Thần sẽ đến cùng các con” (x Jn.16:7). Cuộc “ra đi” của Chúa Kitô vượt qua thập giá, phục sinh và thăng thiên đạt tới tuyệt đỉnh của mình nơi ngày Lễ Hiện Xuống, tức là nơi việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ. Các vị đã “đồng tâm nhất trí chuyên chú nguyện cầu” nơi nhà tiệc ly “cùng với mẹ của Chúa Giêsu” (x.Acts 1:14) cũng như với nhóm người lập thành nhân trung của Giáo Hội nguyên thủy.

            Trong biến cố này, Chúa Thánh Thần vẫn là một Thiên Chúa kín nhiệm (x.Is.45:15), và Ngài cứ như thế qua trọn lịch sử của Giáo Hội cũng như của thế giới. Có thể nói rằng Ngài ẩn mình nơi bóng dáng của Chúa Kitô, Lời Thiên Chúa Ngôi Con, Đấng cùng bản thể với Chúa Cha, Đấng “đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Jn.1:14) trong một dạng thức hữu hình.

            Nơi mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Thánh Thần đã không tỏ mình ra một cách hữu hình - Ngài vẫn là một Thiên Chúa ẩn thân - và Ngài đã bao phủ Mẹ Maria cách mầu nhiệm. Thiên thần đã nói cùng Đức Trinh Nữ, người nữ được đặc tuyển cho việc Thiên Chúa đến với con người là: “Thánh Thần sẽ đến trên trinh nữ và quyền phép của Đấng Tối Cao sẽ bao phủ trinh nữ” (Lk.1:35).

            Tương tự như thế, vào ngày Lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần “bao phủ” Giáo Hội sơ sinh, để, dưới ảnh hưởng của Ngài, Giáo Hội được ban quyền năng để “loan báo những công việc quyền uy của Thiên Chúa” (x. Acts 2:11). Điều đã xẩy ra nơi cung dạ Mẹ Maria trong mầu nhiệm Nhập Thể giờ đây càng được nên trọn. Thần Linh tác hành như một vị “Thiên Chúa ẩn thân”, vô hình theo thân phận của mình.

            Tuy nhiên, Ngày Lễ Hiện Xuống cũng là một cuộc hiển linh, nói cách khác, là một cuộc tỏ hiện thần linh đầy quyền năng. Cuộc tỏ hiện này hoàn tất cuộc tỏ hiện ở núi Sinai, lúc mà dân Yến Duyên sau khi đã được Moisen lãnh đạo giải thoát cho khỏi cảnh làm tôi cho người Ai Cập. Theo truyền thống của dân Do Thái thì cuộc tỏ hiện ở núi Sinai đã xẩy ra 50 ngày sau biến cố Vượt Qua trong cuộc Xuất Ai Cập, đó là Ngày Lễ Ngũ Tuần.

            “Núi Sinai được phủ khói, vì Chúa ở trong lửa mà xuống trên nó; và khói của nó bốc lên như khói của một lò đúc, toàn thể ngọn núi chuyển động mãnh liệt” (Ex.19:18). Sự siêu việt tuyệt đối của “Đấng hiện hữu” (x.Ex.3:14) bấy giờ đã biểu lộ ra. Ở chân Núi Horeb, Moisen đã nghe thấy từ giữa bụi gai cháy những lời: “Chớ đến gần; hãy cởi giầy ra, vì nơi ngươi đang đứng là thánh địa” (Ex.3:5). Giờ đây, tại chân Núi Sinai, Chúa cũng phán cùng ông: “Hãy đi xuống cảnh giác dân chúng kẻo họ tranh nhau nhìn xem Chúa mà phải chết” (Ex.19:21).

            Cuộc hiển linh của Ngày Lễ Ngũ Tuần là cuộc hiển linh cuối cùng trong các cuộc tỏ hiện Thiên Chúa đã tuần tự tỏ mình ra cho con người biết. Với cuộc tỏ hiện này, việc tự mạc khải mình ra của Thiên Chúa đã đạt đến tột đỉnh; nhờ cuộc tỏ hiện này, Ngài muốn làm cho con người tin vào uy linh và sự siêu việt của Ngài, cũng như vào sự hiện diện hòa nhập của Đấng “Emmanuel”, của một vị “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

            Cuộc hiển linh vào Ngày Lễ Hiện Xuống, cùng với Mẹ Maria, đã trực tiếp chạm đến toàn thể Giáo Hộïi nơi những thành phần nồng cốt ban đầu của Giáo Hội, nhờ đó làm hoàn tất cái tiến trình kéo dài được bắt đầu dưới thời cựu ước. Nếu phân tích những chi tiết của biến cố diễn ra tại nhà tiệc ly được sách Tông Đồ Công Vụ (2:1-13) ghi nhận này, chúng ta thấy có những yếu tố khác nhau gợi lại những cuộc hiển linh trước đó, nhất là cuộc hiển linh ở núi Sinai, cuộc hiển linh mà thánh Luca dường như đã liên tưởng đến khi trình thuật lại cuộc hiện xuống của Chúa Thánh Thần. Theo thánh Luca diễn tả thì cuộc tỏ hiện ở nhà tiệc ly đã diễn ra bằng những thể thức của một hiện tượng tương tự như những gì ở núi Sinai: “Đến ngày Lễ Ngũ Tuần, khi mà các vị tất cả đang cùng nhau ở một nơi. Thình lình một tiếng phát ra từ trời như gió thổi mạnh, tràn vào đầy nhà nơi các vị đang ở. Thế rồi có những lưỡi như lửa xuất hiện và tản ra đậu trên mỗi một người trong các vị. Vậy các vị được đầy Thánh Linh và bắt đầu nói tiếng lạ, như Thần Linh cho họ nói” (Acts 2:1-4).

            Ba yếu tố đánh dấu biến cố này là tiếng gió mạnh, những lưỡi như lửa, và đặc sủng nói những ngôn ngữ khác nhau. Tất cả những yếu tố này đều có một giá trị tiêu biểu phong phú cần phải lưu ý. Theo ý nghĩa của những sự kiện này, người ta hiểu rõ hơn điều mà tác giả sách Tông Đồ Công Vụ nghĩ tưởng khi viết rằng những người hiện diện ở nhà tiệc ly bấy giờ “được tràn đầy Thánh Linh”.

            “Một tiếng như gió thổi mạnh”. Theo quan điểm ngôn ngữ học, ở đây có một sự liên hệ giữa gió (hơi gió) và “thần trí”. Theo tiếng Do Thái, cũng như tiếng Hy Lạp, “gió” đồng nghĩa với “thần trí”: “ruah - pneuma”. Chúng ta đã đọc thấy trong sách Khởi Nguyên (1:2): “Thần trí (ruah) của Thiên Chúa bấy giờ chuyển vận trên mặt của các giòng nước”, và trong Phúc Aâm thánh Gioan: “Gió (pneuma) thổi đâu thì thổi” (Jn.3:8).

            Theo Thánh Kinh, luồng gió mạnh “loan báo” sự hiện diện của Thiên Chúa. Nó là dấu hiệu của một cuộc hiển linh. Chúng ta đã đọc thấy trong Quyển Samuen Thứ Hai: “Ngài được thấy trên những cánh gió” (22:11). “Này, một cơn gió mạnh thổi đến từ phía bắc, một đám mây lớn quang tỏa,

một ngọn lửa liên tục chớp chớp” là một cuộc tỏ hiện được diễn tả ngay đầu cuốn Sách Tiên Tri Ezekien (1:4). Hơi gió là một biểu hiệu đặc biệt cho quyền lực thần linh là quyền lực làm cho cuộc biến động trở thành nề nếp tạo dựng (x.Gn.1:2). Nó còn là biểu hiệu cho tự do của Thần Linh: “Gió thổi đâu thì thổi, ông nghe được tiếng nó, song ông không biết nó từ đâu đến và sẽ đi đâu” (Jn.3:8). “Một tiếng như gió thổi mạnh” là yếu tố thứ nhất trong cuộc hiển linh của Ngày Lễ Ngũ Tuần, một cuộc tỏ hiện của quyền năng thần linh tỏ tường trong Chúa Thánh Thần.

            Yếu tố thứ hai của biến cố Lễ Ngũ Tuần là lửa: “Có những lưỡi như lửa xuất hiện” (Acts 2:3). Lửa luôn luôn hiện diện trong các cuộc tỏ hiện của Thiên Chúa nơi Cựu Ước. Chúng ta thấy điều này ở cuộc giao ước giữa Thiên Chúa và Abraham (x.Gn.15:17); cũng thế, khi Thiên Chúa tự tỏ mình cho Moisen trong bụi cây cháy mà không bị thiêu rụi (x.Ex.3:2); rồi trong các cột lửa dẫn dân Yến Duyên qua sa mạc ban đêm (x.Ex.13:21-22). Lửa đặc biệt hiện diện nơi cuộc tỏ hiện của Thiên Chúa ở Núi Sinai (x.Ex.19:18), cũng như ở những cuộc hiển linh được các tiên tri diễn tả (x.Is.4:5,64:1; Dan.7:9 v.v.). Bởi thế, lửa là biểu hiệu cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Ở một vài nơi, Sách Thánh còn nói rằng “Thiên Chúa của chúng ta là một ngọn lửa thiêu” (Heb.12:29; Dt.4:24,9:3). Nơi những lễ nghi toàn thiêu, việc tiêu hủy của vật được hiến dâng không quan trọng bằng mùi thơm ngọt ngào tượng trưng cho việc hiến dâng lễ vật lên Thiên Chúa, trong khi đó, lửa, cũng được gọi là “thừa tác viên của Thiên Chúa” (x.Ps.104:4), biểu hiệu cho việc thanh tẩy sạch tội lỗi của con người, giống như bạc được nung và vàng được thử bằng lửa vậy (x.Zech.13:8-9).

            Nơi cuộc hiển linh ở Ngày Lễ Ngũ Tuần còn có một biểu hiệu là những lưỡi như lửa đậu trên mỗi một người hiện diện tại nhà tiệc ly. Nếu lửa biểu hiệu cho sự hiện diện của Thiên Chúa, thì những lưỡi lửa phân tán và đậu trên đầu của các vị như nói lên việc “ngự xuống” của Thánh Thần Thiên Chúa trên thành phần hiện diện, hiến ban chính mình cho từng người trong các vị để sửa soạn các vị thực hiện sứ vụ của mình.

            Tặng ân của Thần Linh, lửa của Thiên Chúa, mặc lấy một hình thể đặc biệt, đó là hình thể của “lưỡi”.  Ý nghĩa của nó được cắt nghĩa ngay sau đó khi tác giả thêm: “Các vị bắt đầu nói tiếng lạ, như Thần Linh cho các vị nói” (Acts 2:4). Những lời nói phát xuất từ Thánh Linh mà ra thì “như lửa” (x.Jer.5:14,23:29). Chúng có một hiệu năng mà những lời nói thuần túy loài người không có được. Nơi yếu tố thứ ba của cuộc Thiên Chúa tỏ hiện trong Ngày Lễ Ngũ Tuần này, Thánh Thần Thiên Chúa, trong việc ban mình cho con người, đã làm phát sinh nơi họ một hiệu qủa vừa thực hữu vừa biểu trưng. Nó thực hữu ở chỗ nó liên quan đến cơ năng phát ngôn là sở hữu tự nhiên của con người. Tuy nhiên, nó cũng có tính cách biểu trưng vì những con người “từ Galilêa” này, trong khi nói tiếng của họ hay thổ âm của họ, lại nói “bằng những ngôn ngữ khác”, làm cho đám tụ họp càng đông thì mỗi người đều “nghe thấy tiếng của mình”, mặc dù bấy giờ có các đại diện của nhiều dân khác nhau chứng dự (x.Acts 2:6).

            Tính cách biểu trưng của “việc nói nhiều ngôn ngữ” này rất là quan trọng. Theo Thánh Kinh, tình trạng khác biệt nhau về ngôn ngữ là một dấu hiệu tăng thêm các thứ dân và các nước, mà họ đã thực sự tản mác ra sau biến cố xây tháp Babel (x.Gn.11:5-9). Bấy giờ một ngôn ngữ chung mọi người hiểu được bị chia thành nhiều thứ ngôn từ khác nhau, do đó, gây ra tình trạng lầm lẫn trong việc thấu hiểu nhau. Nay tính cách biểu trưng của tháp Babel được thay thế bằng biểu trưng của một thứ ngôn ngữ của Ngày Lễ Ngũ Tuần, một thứ ngôn ngữ ngược lại với tình trạng lầm lẫn trong ngôn từ. Người ta có thể nói rằng nhiều thứ ngôn ngữ không hiểu được đã bị mất đi đặc tính riêng của mình, hay ít là, đã không còn là biểu hiệu cho sự chia rẽ nữa. Chúng đã nhường bước cho công việc mới mẻ của Chúa Thánh Thần, Đấng mà qua các tông đồ và Giáo Hội mang lại sự hiệp nhất linh thiêng cho các dân nước khác nòi giống, ngôn ngữ và văn hóa, theo ý niệm hiệp thông trọn vẹn trong Thiên Chúa như Chúa Giêsu loan báo và nguyện cầu (x.Jn.17:11,21-22).

            Để kết luận chúng ta hãy đọc lại những lời của Công Đồng Chung Vaticanô II qua Hiến Chế về Mạc Khải Thần Linh: “Chúa Kitô đã thiết lập vương quốc của Thiên Chúa trên trái đất, đã tỏ Cha của Người và chính Người ra bằng việc làm cũng như bằng lời nói, và đã hoàn tất công cuộc của Người bằng việc chết đi, phục sinh và thăng thiên vinh hiển của Người, cũng như bằng việc sai đến Chúa Thánh Thần. Được treo lên khỏi mặt đất Người đã kéo tất cả con người lên với Người (x.Jn.12:32), chỉ một mình Người là Đấng có những lời sự sống đời đời (x.Jn.6:68). Mầu nhiệm này đã không được tỏ ra cho các thế hệ nào khác như bấy giờ đã được tỏ ra cho các thánh tông đồ và tiên tri trong Chúa Thánh Thần (x.Eph.3:4-6), để các vị có thể rao giảng Phúc Aâm, khơi lên lòng tin nơi Chúa Giêsu là Đức Kitô và là Chúa, và tụ họp họ lại thành Giáo Hội” (đoạn 17). Đây là một công việc cao cả của Chúa Thánh Thần cũng như của Giáo Hội nơi cõi lòng con người và nơi lịch sử.

                         (Bài Giáo Lý thứ 8 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 12-7-1989,

trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)