Bài 19

Thánh Thần Hiện Xuống:

Dân Chúa, Một Dân Thánh

 

 

V

ào ngày Lễ Ngũ Tuần ở Gialiêm, các tông đồ đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, cùng với cộng đồng môn đệ đầu tiên của Chúa Kitô, tụ họp ở nhà tiệc ly cùng với Mẹ Maria, Mẹ của Chúa. Như thế, đối với các vị, lời Chúa Kitô hứa cùng các vị khi Người bỏ thế gian này trở về cùng Cha được nên trọn. Vào ngày ấy, Giáo Hội, phát sinh từ cái chết của Chúa Cứu Thế, đã tỏ mình ra cho thế giới. Tôi sẽ nói về sự kiện này vào bài giáo lý lần tới.

            Giờ đây Tôi muốn trình bày cho thấy rằng việc Chúa Thánh Thần đến, như việc hoàn tất của giao ước mới nơi máu Chúa Kitô, làm phát sinh một Dân Chúa mới. Đây là cộng đồng của những ai đã được “thánh hóa trong Chúa Giêsu Kitô” (1Cor.1:2); những ai Chúa Kitô đã làm họ nên “một vương quốc tư tế cho Thiên Chúa cũng là Cha của Người” (Rev.1:6; x.5:10; 1Pet.2:9). Tất cả những điều này đã xẩy ra là do Chúa Thánh Thần.

            Để nắm được trọn vẹn tính cách quan trọng của chân lý này, như được các Tông Đồ Phêrô và Phaolô cùng Sách Khải Huyền loan báo, chúng ta phải trở về trong giây lát việc thiết lập giao ước cũ giữa Chúa là Thiên Chúa với dân Yến Duyên. Đại diện là Moisen, vị lãnh đạo của dân Yến Duyên, sau cuộc giải phóng khỏi cảnh làm tôi bên Ai Cập. Những bản văn nói về việc thiết lập cựu ước này xác định rõ ràng là giao ước đúng nghĩa không được giảm thiểu thành một hiệp ước trên căn bản bổn phận song phương. Chính Chúa là Thiên Chúa đã chọn Yến Duyên như dân của Ngài, để dân trở nên sản vật của Ngài, trong khi chính Ngài sẽ là Thiên Chúa của họ từ đấy về sau.

            Bởi thế chúng ta mới đọc thấy rằng: “Vậy nên, giờ đây, nếu các ngươi nghe tiếng của Ta và giữ giao ước của Ta, các ngươi sẽ là gia sản của riêng ta giữa mọi dân nước; vì tất cả trái đất này là của Ta, và các ngươi đối với Ta sẽ là một vương quốc tư tế và là một dân thánh” (Ex.19:5-6). Sách Nhị Luật lập lại và xác nhận điều Thiên Chúa công bố trong sách Xuất Hành. “Vì các ngươi (Yến Duyên) là một dân thánh đối với Chúa là Thiên Chúa các ngươi; Chúa là Thiên Chúa của các ngươi đã chọn các ngươi để làm một dân tộc cho sở hữu riêng của Ngài, hơn hết mọi dân tộc sống trên mặt đất” (Dt.7:6; x.26:18).

            Một chọn lựa như thế về phiá Thiên Chúa chỉ hoàn toàn phát xuất từ tình yêu của Người mà thôi, một tình yêu hoàn toàn nhưng không. Chúng ta đọc thấy: “Không phải vì các ngươi đông nhiều hơn các dân nước khác mà Chúa đã động lòng thương các ngươi và chọn các ngươi, các người chỉ là đám dân ít nhất trong các dân; nhưng chính vì Chúa yêu thương các ngươi và giữ lới hứa mà Ngài đã thề với cha ông các ngươi, đó là, bằng bàn tay dũng mãnh, Chúa mang các ngươi ra khỏi và đã cứu các ngươi khỏi nhà nô lệ” (Dt.7:7-8). Sách Xuất Hành cũng đã nói lên điều này bằng một ngôn ngữ tượng hình: “Các ngươi đã được thấy điều Ta đã làm cho người Ai Cập, và Ta đã mang các ngươi trên cánh phượng hoàng để đem các ngươi đến với Ta ra sao” (Ex.19:4).

            Thiên Chúa đã tác hành vì tình yêu nhưng không. Tình yêu này nối kết Yến Duyên lại với Chúa là Thiên Chúa một cách đặc biệt và phi thường. Bởi tình yêu, Yến Duyên đã trở thành tài sản của Thiên Chúa. Thế nhưng, một tình yêu như vậy lại đòi phải đáp trả, bởi thế, cũng đòi hỏi một đáp ứng yêu thương về phía Yến Duyên: “Các ngươi phải kính mến Chúa là Thiên Chúa các người hết lòng của mình” (Dt.6:5).

            Theo giao ước, một dân mới, Dân Thiên Chúa được hình thành là như thế. Là “tài sản” của Chúa là Thiên Chúa, nghĩa là được thánh hiến cho Ngài, phải là một dân thánh. Đó là điều mà Chúa là Thiên Chúa tỏ ra cho toàn thể cộng đồng dân Yến Duyên qua Moisen: “Các ngươi phải là thánh, vì Ta, Chúa là Thiên Chúa của các ngươi, là thánh” (Lev.19:2). Bằng việc chọn lựa này, Thiên Chúa đã ban mình cho dân của Ngài trong thánh thiện là đặc tính chính của Ngài, và Ngài đòi hỏi sự thánh thiện này nơi Yến Duyên như một tính chất của đời sống.

            Là một dân được thánh hiến cho Thiên Chúa, Yến Duyên được gọi là một dân tư tế: “Các ngươi sẽ được gọi là các tư tế của Chúa; người ta sẽ nói đến các ngươi như những thừa tác viên của Thiên Chúa chúng ta” (Is.61:6).

            Giao ước mới, một giao ước mới mà lại vĩnh cửu, chỉ hình thành “trong máu của Đức Kitô” (x.1Cor.11:25). Nhờ hy hiến này, một “Đấng An ủi khác” (Parákletos) (x.Jn.14:16) - đó là Chúa Thánh Thần - được ban cho những ai được “thánh hóa trong Chúa Giêsu Kitô, gọi là các đấng thánh” (1Cor.1:2). “Cùng tất cả những người yêu dấu của Thiên Chúa ở Rôma, những người được kêu gọi là những vị thánh” (Rm.1:7), đó là lời ngỏ Thánh Phaolô viết gửi cho Kitô hữu ở Rôma. Thánh nhân cũng nói tương tự như thế với giáo đoàn Côrintô: “Cùng Giáo Hội của Thiên Chúa tại Côrintô, cùng tất cả các thánh, những người ở khắp Achaia” (2Cor.1:1); với giáo đoàn ở Philiphê: “Cùng tất cả các thánh trong Chúa Giêsu Kitô, những người ở Philiphê” (Phil.1:1); với giáo đoàn ở Côlôsê: “Cùng các thánh và anh em trung thành trong Đức Kitô tại Côlôsê” (Col.1:2); và với giáo đoàn ở Eâphêsô: “Cùng các thánh, những người ở Eâphêsô” (Eph.1:1).

            Chúng ta còn thấy cùng một cung cách diễn đạt như vậy trong sách Tông Đồ Công Vụ: “Phêrô... cũng đến với các thánh sống ở Lydda” (Acts 9:32; x.9:41; và 9:13 “cùng các thánh của anh em ở Gialiêm”).

            Tất cả những trường hợp này ám chỉ Kitô hữu, hay thành phần tín hữu, đó là thành phần anh em với nhau, những người đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Vị chính tay xây cất   sự thánh thiện này, một sự thánh thiện mà, nhờ việc tham dự vào sự thánh thiện của chính Thiên Chúa, cả đời sống Kitô hữu mới được đắp xây lên: “Anh em đã được thánh hóa... trong Thần Linh của Thiên Chúa chúng ta” (1Cor.6:11; x.Thess 2:13; 1Pet.1:2).

            Cũng phải nói như thế đối với việc thánh hiến mà, nhờ Chúa Thánh Thần, làm cho thành phần lãnh nhận bí tích rửa tội trở nên “một vương quốc tư tế đối với Thiên Chúa cũng là Cha của họ” (x.Rev.1:6,3:10,20:6). Bức Thư thứ nhất của thánh Phêrô hoàn toàn khai triển sự thật này: “Như những viên đá sống động, chính anh em được xây thành một ngôi nhà thiêng liêng, thành một chức phận tư tế thánh hảo, để nhờ Chúa Giêsu Kitô hiến dâng những hy tế linh thiêng đáng Thiên Chúa chấp nhận” (1Pet.2:5). “Anh em là một chủng tộc được tuyển chọn, một giòng dõi tư tế vương giả, một dân tộc thánh hảo, dân riêng của Thiên Chúa, để anh em công bố những việc lạ lùng của Ngài, Đấng đã kêu gọi anh em từ tối tăm ra ánh sáng lạ lùng” (1Pet.2:9). Chúng ta biết rằng: “họ đã được tỏ cho biết” bằng tiếng nói của Phúc Aâm “nhờ Thánh Thần được sai đến từ trời” (1Pet.1:12).

            Hiến Chế Lumen Gentium của Công Đồng Chung Vaticanô II đã diễn đạt sự thật này bằng những lời sau đây: “Chúa Kitô, vị thượng tế được chọn giữa loài người (x.Heb.5:1-5), đã làm cho dân mới thành ‘một vương quốc tư tế cho Thiên Chúa, Cha của Người’ (Rev.1:6;x.5:9-10). Thành phần được rửa tội, nhờ việc tái sinh và xức dầu của Chúa Thánh Thần, được thánh hiến thành một tòa nhà thiêng liêng và một chức phận tư tế thánh hảo, để nhờ tất cả những việc làm là những việc làm của Kitô hữu, họ có thể hiến dâng các hiến tế thiêng liêng và công bố quyền năng của Đấng đã kêu gọi họ từ tối tăm ra ánh sáng lạ lùng (x.1Pet.2:4-10)” (đoạn 10).

            Ở đây chúng ta tiến đến chính yếu tính của Giáo Hội là Dân Thiên Chúa và là một cộng đồng các thánh, một đề tài chúng ta sẽ trở lại vào bài giáo lý lần tới. Tuy nhiên, những câu được trích dẫn ở đây cũng đã làm sáng tỏ việc xức dầu, tức quyền năng và tác động của Chúa Thánh Thần, được thể hiện trong điều kiện thánh thiện và thánh hiến của dân tộc mới.

 

(Bài Giáo Lý 13 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chia sẻ ngày Thứ Tư, 16-8-1989,

trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)