Bài 2

 

Chúa Thánh Thần

theo Kinh Tin Kính

 

 

“T

ôi tin kính Chúa Thánh Thần là Chúa và là Đấng Ban sự sống, Người bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con; Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy”. Bằng những lời này, Kinh Tin Kính Công Đồng Chung Nicêa-Contantinôpôli xác định niềm tin của Giáo Hội về Chúa Thánh Thần, Đấng được công nhận là Thiên Chúa thật cùng với Chúa Cha và Chúa Con, trong sự hiệp nhất ba ngôi nơi Thiên Chúa. Đây là một tín điều đức tin được Công Đồng Chung Contantinôpôli Thứ Nhất (381) phác họa, căn cứ trên bản tuyên xưng trước đó, để hoàn tất Kinh Tin Kính Nicêa (325).        

            Đức tin của Giáo Hội này được liên tục lập lại trong phụng vụ, một việc lập lại không phải chỉ để tuyên xưng mà còn để chứng tỏ đức tin. Việc này, chẳng hạn, đã thể hiện nơi mẫu tuyên ngôn ba ngôi vẫn được dùng để kết thúc các kinh nguyện phụng vụ: “Sáng danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Cũng thế, việc này còn ở nơi các câu nguyện chuyển cầu cùng Chúa Cha: “nhờ Đức Kitô Chúa chúng con, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời”.

            Bài ca “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời” cũng có một kết cấu ba ngôi. Bài ca này giúp chúng ta cử hành vinh quang của Thiên Chúa và của Chúa Con cùng với Chúa Thánh Thần: “Chỉ có Chúa là Đấng Tối Cao, cùng với Chúa Thánh Thần trong vinh quang của Thiên Chúa Cha”.

            Đức tin của Giáo Hội này được bắt nguồn và căn cứ vào mạc khải. Thiên Chúa cuối cùng đã tỏ chính mình ra là Cha nơi Chúa Giêsu Kitô, Người Con đồng bản thể, Đấng nhờ công việc của Chúa Thánh Thần đã làm người và được hạ sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria. Nhờ Chúa Con Chúa Thánh Thần cũng đã được mạc khải. Thiên Chúa duy nhất đã mạc khải mình là Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Lời cuối cùng của Chúa Con được Cha sai đến trần gian là một huấn dụ truyền các tông đồ đi “để giảng dạy các dân tộc, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt.28:19). Chúng ta đã nghe nơi các bài giáo lý trước đây những dẫn chứng mạc khải liên quan đến Chúa Thánh Thần cũng như đến Ba Ngôi theo giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô.

            Chúng ta cũng thấy rằng Chúa Giêsu Kitô đã mạc khải Chúa Thánh Thần khi Người đang thi hành sứ vụ thiên sai của Người. Người đã tuyên bố rằng Người làm việc “với quyền phép của Chúa Thánh Thần” (chẳng hạn trong trường hợp Người khu trừ ma qủi, xem Mathêu 12:28). Nhưng người ta cũng có thể nói rằng mạc khải này được tập trung và tóm gọn vào lúc kết thúc sứ vụ của Người, bằng việc Người loan báo Người trở về cùng Cha. Sau khi Chúa Giêsu ra đi, Chúa Thánh Thần sẽ đến như “một Đấng An Uûi khác”. Đó chính là Ngài, là “Thần chân lý”, Đấng sẽ hướng dẫn các tông đồ và Giáo Hội qua giòng lịch sử: “Thày sẽ xin Cha và Cha sẽ ban cho các con một Đấng An ủi khác để mãi ở với các con, Ngài là Thần chân lý, Đấng mà thế gian không thể nào chấp nhận, vì họ không thấy cũng chẳng biết Ngài” (Jn.14:16-17). Ngài là Đấng sẽ từ Cha mà đến nhân danh Đức Kitô, “sẽ dạy các con mọi sự và sẽ nhắc cho các con tất cả những gì Thày đã truyền dạy các con” (Jn.14:26). Cũng thế, “khi Ngài đến, Ngài sẽ làm cho thế gian nhận thức được những gì liên quan đến tội lỗi, đến sự sông chính và đến việc luận phạt” (Jn.16:8). Đây là một lời hứa. Người ta cũng có thể nói, đây là một ước hẹn, cùng với đức ái và Thánh Thể, Chúa Giêsu để lại cho thành phần thuộc về Người trong Bữa Tiệc Ly.

            Sau cuộc tử nạn, phục sinh và thăng thiên của Chúa Kitô, biến cố Hiện Xuống là việc hoàn thành lời loan báo của Người cho các tông đồ và cũng là khởi đầu cho hoạt động của Người nơi các thế hệ lai thời, vì Chúa Thánh Thần “vĩnh viễn” (Jn.14:16) ở lại với Giáo Hội. Chúng ta đã nói nhiều về điều này ở những bài giáo lý trước đây.

            Câu truyện khởi sự về nguồn gốc của Giáo Hội được sách Tông Đồ Công Vụ ghi lại cho chúng ta thấy rằng các tông đồ “được đầy Thánh Thần” và “hiên ngang công bố lời của Thiên Chúa” (Acts 2:4;4:31). Nó cũng cho chúng ta biết rằng từ thời các tông đồ “thế gian” đã chống lại hoạt động không những của các tông đồ mà còn cả của Đấng tác hành vô hình đang hoạt động qua các vị nữa, như lời các vị tố giác những kẻ bắt bớ mình: “Các người luôn luôn chống lại Thánh Thần” (Acts 7:51). Hiện tượng này cũng xẩy ra cả ở những thời kỳ sau đó. Việc chống lại Thánh Thần này có thể tiến đến chỗ phạm một tội đặc biệt được gọi là tội “lộng ngôn phạm đến Thánh Thần”. Chính Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng đây là tội sẽ không được thứ tha (x.Mt.12:31; Lk.12:10).

            Như Chúa Giêsu tiên báo và đoan hứa, Chúa Thánh Thần đã là một Đấng ban phát tất cả những tặng ân thần linh trong Giáo Hội ngay từ ban đầu và cứ tiếp tục như thế trong Giáo Hội qua mọi thời (Dator munerum, như chúng ta vẫn gọi Ngài trong Ca Tiếp Liên Lễ Hiện Xuống). Ngài là Đấng hướng dẫn cho cả những tặng ân nhắm đến việc trực tiếp thánh hóa cá nhân lẫn những tặng ân được ban cho một số người vì lợi ích của nhau (như trường hợp của một ít đặc sủng). “Thế nhưng, cùng một Thần Linh làm phát sinh tất cả những tặng ân này, phân phối chúng riêng cho từng người như Ngài muốn” (1Cor.12:11). Ngay cả “những tặng ân về phẩm trật”, như chúng ta có thể cùng với Công Đồng Chung Vaticanô II (Hiến Chế LumenGentium, đoạn 4) gọi như vậy, những tặng ân không thể thiếu trong việc hướng dẫn Giáo Hội, cũng từ Ngài mà có (x.Acts 20:28).

            Căn cứ vào mạc khải của Chúa Giêsu được truyền đạt cho các tông đồ, tin tin kính tuyên xưng đức tin vào Chúa Thánh Thần, Đấng được nhận là “Chúa”, như Lời mặc lấy xác thể là Chúa: “Chỉ có Chúa là Chúa... cùng với Chúa Thánh Thần”.  Kinh tin kính còn thêm Chúa Thánh Thần ban sự sống. Chỉ Thiên Chúa mới có thể ban sự sống cho nhân loại. Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa. Và, vì là Thiên Chúa, Thần Linh là tác giả của sự sống con người. Ngài là tác giả của một sự sống mới đời đời do Chúa Giêsu mang đến, đồng thời Ngài cũng là tác giả của sự sống trong tất cả dạng thể của nó: sự sống con người và sự sống của tất cả mọi vật (Creator Spiritus).

            Chân lý này của đức tin được phác họa trong Kinh Tin Kính Nicêa-Contantinôpôli. Nó được hiểu và chấp nhận như mạc khải bởi Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô, và thuộc về “kho tàng mạc khải” được truyền đạt từ các tông đồ cho những cộng đoàn đầu tiên bằng giáo huấn đồng nhất của các Giáo Phụ. Theo lịch sử, người ta có thể nói rằng tín điều này được thêm thắt vào Kinh Tin Kính Nicêa bởi Công Đồng Chung Contantinôpôli Thứ Nhất. Nó đã phải đối đầu với một số người chối bỏ thần tính của Chúa Thánh Thần, cũng như đã phải đối đầu với những người, nhất là phái Ariô, chống lại thần tính của Đức Kitô Lời Ngôi Con. Trong cả hai trường hợp, họ hầu như lạc mất lý trí của mình theo lý luận giả tưởng trước mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi!

            Thành phần đối phương không công nhận thần tính của Chúa Thánh Thần được gọi là “pneumatomachians” (nghĩa là đối phương của Thần Linh), hay “Macedonians” (danh xưng lấy từ Macedonius, tên người xướng phát). Với quyền bính của mình, các vị Đại Giáo Phụ đã phản kháng lại những ý niệm sai lầm này; trong số các vị giáo phụ này có thánh Anathasiô (+373), vị đã xác định, đặc biệt trong Bức Thư gửi cho Serapion, sự bình đẳng giữa Chúa Thánh Thần với hai ngôi vị thần linh kia trong sự hiệp nhất của Ba Ngôi. Thánh nhân chủ trương như thế khi căn cứ vào “truyền thống cổ kính, tín điều và đức tin của Giáo Hội Công Giáo, những gì chúng ta biết là được Chúa ban cho chúng ta, và được các tông đồ rao giảng cùng được các Giáo Phụ bảo trì...” (x. PG 26, 594-595).

            Những vị Giáo Phụ này là những vị đã làm cho giá trị mạc khải chứa đựng trong Sách Thánh được nên trọn với đầy đủ ý nghĩa của nó, chứ không phải chỉ bảo toàn ý niệm chính thực và hoàn toàn về Chúa Ba Ngôi mà thôi. Các vị cũng nhận thấy rằng nếu chối bỏ thần tính của Chúa Thánh Thần, thì việc nâng nhân loại lên để thông phần vào sự sống của Thiên Chúa - tức là việc “thần linh hóa” con người bằng ân sủng - cũng sẽ bị loại bỏ. Theo Phúc Aâm, cả việc thần linh hóa nhân loại này cũng là việc của Chúa Thánh Thần. Chỉ có một mình Đấng là Thiên Chúa mới có thể thực hiện việc thông phần sự sống thần linh này thôi. Theo lời của Chúa Giêsu nói (x.Jn.6:63), Chúa Thánh Thần chính là Đấng “ban sự sống”.

            Chúng ta cần phải nhấn mạnh rằng đức tin nơi Chúa Thánh Thần như một Ngôi Vị thần linh, được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính Nicêa-Contantinôpôli, đã được xác nhận nhiều lần bởi huấn quyền long trọng của Giáo Hội. Chẳng hạn, những khoản của Công Đồng Rôma năm 382 là một bằng chứng. Những khoản này được Đức Giáo Hoàng Đamascô I ban hành, mà chúng ta đọc thấy rằng Chúa Thánh Thần “là bản thể thần linh và là Thiên Chúa thật”, cũng như đọc thấy “như Chúa Con và Chúa Cha, Chúa Thánh Thần cũng có thể làm được hết mọi sự, biết hết mọi sự và toàn hữu” (DS 168-169).

            Mẫu thức ngắn gọn của Kinh Tin Kính năm 381, khi công nhận thần tính của Chúa Thánh Thần thì tuyên xưng “Ngài là Chúa” như Chúa Cha và Chúa Con là Chúa, đã hợp lý thêm câu “Ngài cũng được phụng thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con”. Chúa Thánh Thần là Đấng ban “sự sống”. Nghĩa là, cùng với Chúa Cha và Chúa Con, Ngài cũng có quyền năng sáng tạo, nhất là quyền năng thánh hóa và ban sự sống trong cấp trật siêu nhiên của ân sủng. Quyền năng này được ban cho Ngôi Vị của Ngài. Chính vì thế mà Ngài được phụng thờ và tôn vinh như hai Ngôi Nhất và Hai trong Ba Ngôi, thực tại mà từ đó Ngài nhiệm xuất như tận điểm của tình yêu vĩnh hằng nơi các Vị, hoàn toàn bình đẳng và hiệp nhất bản thể.

            Kinh tin kính còn đặc biệt qui về Ngôi thứ ba trong Ba Ngôi này vai trò là tác giả thần linh của việc nói tiên tri. Ngài là Đấng “vẫn dùng các tiên tri mà phán dạy”. Như thế là công nhận nguồn thần hứng Cựu Ước của các vị tiên tri, kể từ Moisen (x.Dt.34:10) tới hết Malachi. Các vị đã để lại cho chúng ta những huấn dẫn của Thiên Chúa bằng hình thức văn bản. Các vị đã được Chúa Thánh Thần linh ứng. Đavít, vị cũng là một “tiên tri” (Acts 2:30), đã công nhận về mình như thế (2Sam.22:2); Ezekien cũng nói như thế (Ez.11:5). Trong diễn từ đầu tiên của mình, thánh Phêrô đã nói lên cùng một niềm tin này, khi xác quyết rằng “Chúa Thánh Thần đã nói qua miệng của Đavít” (Acts 1:16). Tác giả của Bức Thư gửi giáo đoàn Do Thái diễn tả về mình tương tự như thế (x.Heb.3:7;10:15). Với lòng biết ơn sâu xa, Giáo Hội lãnh nhận các Sách Thánh Kinh tiên tri như một tặng ân qúi giá bởi Chúa Thánh Thần, Đấng vẫn tỏ mình ra rất gần gũi và linh hoạt ngay từ ban đầu của lịch sử cứu độ.

            (Bài Giáo Lý thứ 56 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 31-10-1990,

trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)