Bài 24

Thần Linh: Nguồn Mạch Sự Sống Bí Tích

 

 

T

hánh Thần là nguồn chân lý và là nguyên lý ban sự sống để làm cho Giáo Hội thật sự là một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Thánh Thần cũng là nguồn và là nguyên lý sự sống bí tích, một sự sống bí tích mà nhờ đó Giáo Hội lấy được sức mạnh của Chúa Kitô, thông phần với sự thánh thiện của Người, được nuôi dưỡng bằng ân sủng của Người và tăng tiến trong cuộc hành trình hướng về vĩnh cửu của mình. Chúa Thánh Thần, Đấng là căn nguyên cho việc Nhập Thể của Ngôi Lời, là nguồn sống của tất cả mọi bí tích do Chúa Kitô thiết lập và đang làm việc trong Giáo Hội. Liên kết với Giáo Hội như cộng tác viên trong hoạt động cứu độ, Ngài ban cho con người “sự sống mới” qua chính các bí tích.

            Chúng tôi không có ý giải thích bản chất, đặc tính và tác dụng của các bí tích là những gì, nếu Chúa muốn, chúng tôi sẽ trình bày vào những buổi giáo lý sau này. Thế nhưng, chúng ta vẫn có thể sử dụng câu giáo lý cũ đơn gọn này: “các bí tích là phương tiện ban ân sủng do Chúa Giêsu thiết lập cho phần rỗi của chúng ta”. Chúng ta cũng có thể lập lại một lần nữa rằng Chúa Thánh Thần là tác giả, là dung thể và hầu như là hơi thở ân sủng của Chúa Kitô trong chúng ta. Trong bài giáo lý này chúng ta sẽ thấy, theo các bản văn Phúc Aâm, mối liên kết ấy có thể thấy được nơi mỗi một bí tích.

            Mối liên kết này đặc biệt sáng tỏ nơi Bí Tích Rửa Tội, Bí Tích Chúa Giêsu diễn tả trong cuộc nói chuyện với ông Nicôđêmô như là một việc “được hạ sinh bởi nước và Thần Linh”: “Điều gì sinh bởi xác thịt là xác thịt và điều gì sinh bởi thần linh là thần linh... Qúi vị cũng phải tái sinh từ trên cao” (Jn.3:5-7).

            Thánh Gioan Tẩy Giả đã loan báo và giới thiệu Chúa Kitô như “Đấng rửa trong Thánh Thần” (Jn.1:33), “trong Thánh Thần và trong lửa” (Mt.3:11). Nơi Sách Tông Đồ Công Vụ, và những thư của các tông đồ sự thật này đã được diễn tả một cách khác nhau. Vào Ngày Lễ Hiện Xuống, những ai lãnh nhận sứ điệp của thánh Phêrô đều nghe thấy một lời mời gọi: “Mỗi người trong anh em hãy thống hối và lãnh nhận phép rửa nhân danh Chúa Giêsu Kitô để anh em được thứ tha tội lỗi; rồi anh em sẽ lãnh nhận tặng ân Thánh Thần” (Acts 2:38). Những thư của Thánh Phaolô nói đến một “bồn nước tái sinh và đổi mới trong Thánh Thần” được tuôn dội bởi Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế của chúng ta (x.Titus 3:5-6). Người lãnh nhận phép rửa được nhắc nhớ rằng “anh em đã được rửa sạch, anh em đã được thánh hóa, anh em đã được công chính hóa nhân danh Chúa Giêsu Kitô và trong Thần Linh của Thiên Chúa chúng ta” (1Cor.6:11). Họ còn được bảo cho biết rằng “trong cùng một Thần Linh tất cả (họ) được rửa để làm nên một thân thể” (1Cor.12:13). Theo giáo huấn của thánh Phaolô, cũng như theo Phúc Aâm, Chúa Thánh Thần và danh hiệu của Chúa Giêsu Kitô được liên kết với nhau trong lời công bố Phép Rửa, trong việc ban Phép Rửa và trong việc đề cập đến Phép Rửa như  nguồn mạch thánh hóa và cứu độ - tức đến sự sống mới như Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô.

            Bí Tích Thêm Sức, bí tích gắn liền với Phép Rửa, được sách Tông Đồ Công Vụ trình bày với thể thức đặt tay để các tông đồ nhờ đó thông ban tặng ân Thánh Thần. Thánh Phêrô và Gioan “đã đặt tay trên” những Kitô hữu tân tòng, những người mới lãnh nhận Phép Rửa “và họ đã nhận được Thánh Thần” (Acts 8:17). Sách Tông Đồ Công Vụ cũng nói về thánh Tông Đồ Phaolô như vậy đối với những người tân tòng khác: “Và khi Phaolô đặt tay (mình) trên họ, thì Thánh Thần đến với họ” (Acts 19:6).

            Bởi thế, nhờ đức tin và các bí tích, chúng ta “đã được đóng ấn Thánh Thần hứa ban, Đấng là bảo chứng đầu tiên cho gia nghiệp của chúng ta” (Eph.1:13-14). Thánh Phaolô đã viết gửi giáo đoàn Côrintô: “Thế nhưng, Đấng làm cho chúng tôi cùng với anh em được an toàn trong Đức Kitô và xức dầu cho chúng ta, đó là Thiên Chúa; Ngài cũng đã đóng ấn trên chúng ta và ban Thần Linh cho lòng chúng ta như bảo chứng mở đầu” (2Cor.1:21-22; x.1Jn.2:20,27,3:24). Bức thư gửi cho giáo đoàn Eâphêsô còn thêm lời kêu gọi can hệ là đứng làm buồn lòng Thánh Thần là Đấng nhờ Ngài chúng ta “được niêm ấn cho ngày cứu độ” (Eph.4:30).

            Căn cứ vào sách Tông Đồ Công Vụ chúng ta có thể suy ra rằng bí tích Thêm Sức được ban phát qua việc đặt tay theo sau phép rửa “nhân danh Chúa Giêsu” (x.Acts 8:15-17,19:5-6).

            Nơi bí tích Hòa Giải (hay Thống Hối), sự liên hệ với Chúa Thánh Thần được thiết lập nhờ quyền năng của lời Chúa Giêsu sau khi Người sống lại. Thật thế, thánh Gioan chứng thực rằng Chúa Giêsu đã thở hơi trên các tông đồ má phán: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần; các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha, các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại” (Jn.20:22-23). Những lời này còn có thể chỉ về cả bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, liên quan đến “việc cầu nguyện bởi đức tin” mà chúng ta đọc thấy trong Thư của thánh Giacôbê, cùng với việc được vị tư tế xức dầu “nhân danh Chúa”, “sẽ cứu người bệnh và Chúa sẽ nâng họ lên. Nếu có phạm tội gì họ cũng được thứ tha” (Jas.5:14-15). Truyền Thống Kitô Giáo đã thấy được nơi việc xức dầu và việc cầu nguyện này một thể thức mở đầu cho bí tích (x.St.Thomas, Contra Gentes, IV,C.73). Nhận định này đã được Công Đồng Chung Triđentinô tuyên nhận (x.DS 1695).

            Còn đối với Thánh Thể, theo Tân Ước, mối liên quan với Thánh Thần được ghi nhận, không nhiều thì ít, ngay nơi bản văn của Phúc Aâm thánh Gioan, đoạn kể lại lời loan báo của Chúa Giêsu ở hội đường Caphanaum về việc thiết lập bí tích Mình Máu Người: “Chính Thần Linh mới là Đấng ban sự sống chứ các thịt thì chẳng có ích lợi gì; những lời Thày nói với các con đều là thần linh và là sự sống” (Jn.6:63). Chính bởi Chúa Thánh Thần mà cả lời ban bí tích lẫn bí tích đều có sự sống và mang lại hiệu năng.

            Truyền Thống Kitô Giáo nhận thức được mối liên hệ giữa Thánh Thể và Thánh Thần này, một mối liên hệ được diễn đạt, cho tới ngày hôm nay, trong Thánh Lễ, nơi phần epiklesis Giáo Hội xin ơn thánh hóa những lễ vật được hiến dâng trên bàn thờ: “bởi quyền phép của Thần Linh Chúa” (Kinh Nguyện Thánh Thể III); “xin Thần Linh Chúa xuống trên những lễ vật này” (Kinh Nguyện Thánh Thể II); “xin Chúa chúc lành và chuẩn nhận lễ vẫt của chúng tôi” (Kinh Nguyện Thánh Thể I). Giáo Hội nhấn mạnh đến quyền năng nhiệm mầu của Chúa Thánh Thần trong việc hoàn tất sự thánh hiến Thánh Thể, nơi việc biến đổi bí tích của bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, và nơi việc thông ban ân sủng cho những người thông phần Mình Máu Chúa cũng như cho toàn thể cộng đoàn Kitô hữu.

            Về bí tích Truyền Chức Thánh, Thánh Phaolô nói đến “đặc sủng” (hay tặng ân Thánh Linh) đưa đến việc đặt tay (x.1Tim.4:14; 2Tim.1:6). Thánh nhân tuyên bố mạnh mẽ rằng chính Thánh Thần là Đấng “chỉ định” các vị giám mục trong Giáo Hội (x.Acts 20:28). Ở những đoạn thư Thánh Phaolô cũng như các đoạn sách Tông Đồ Công Vụ khác chứng thực cho một mối liên hệ hòa hợp giữa Chúa Thánh Thần với các vị thừa tác viên của Chúa Kitô, tức là với các tông đồ và các hợp tác viên của các vị, cũng như với thánh phần thừa kế của các vị là các giám mục, linh mục và phó tế. Họ là những người thừa kế chẳng những cho sứ vụ của các vị mà còn cho cả đặc sủng của các vị nữa, như chúng ta sẽ thấy trong bài giáo lý lần tới.

            Sau hết, Tôi muốn ôn lại bí tích Hôn Phối, đây là “mầu nhiệm cao cả... liên quan đến Chúa Kitô và Giáo Hội” (Eph.5:32). Nơi bí tích hôn nhân, nhân danh Chúa Kitô và nhờ Người, một giao ước đã được thiết lập giữa hai người, một nam và một nữ, một cộng đồng yêu thương ban sự sống. Bí tích này là việc con người được thông phần với tình yêu thần linh là những gì “được đổ đầy vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần” (Rm.5:5). Theo Thánh Augustinô, Ngôi Ba trong Ba Ngôi nơi Thiên Chúa là “mối hiệp thông đồng bản thể” (communion consubstantialis) của Chúa Cha và Chúa Con (x.De Trinitate, VI,5.7, PL 42,928). Nhờ bí tích Hôn Phối, Thần Linh hình thành “cộng đồng con người” nhân loại giữa người nam và người nữ.

            Để tóm lại bài giáo lý này, chúng tôi ít nhất đã làm cho thấy được một bố cục đại quan về chân lý đối với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần làm việc nơi sự sống bí tích của Hội Thánh, như chúng ta thấy nơi Thánh Kinh, Thánh Truyền và nhất là nơi phụng vụ bí tích, chúng ta không thể không nhấn mạnh đến sự cần thiết trong việc tiếp tục đào sâu kiến thức về giáo huấn diệu vợi này. Chúng ta cũng không thể bỏ qua việc khuyên giục mọi người thực hành bí tích, một thực hành càng ngày càng dễ dạy và trung thành một cách ý thức hơn đối với Chúa Thánh Thần, Đấng mà, đặc biệt nhờ “những phương tiện cứu rỗi do Chúa Giêsu Kitô thiết lập”, làm hoàn tất sứ vụ đã ủy thác cho Giáo Hội trong việc thực hiện ơn cứu rỗi phổ quát.

 

(Bài Giáo Lý thứ 66 của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 30-1-1991,

trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)