Bài 26

Thần Linh: Nguồn Mạch Sự Sống Mới

 

 

C

húa Thánh Thần, vị khách của linh hồn, là nguồn mạch sự sống mới bên trong đã được Chúa Giêsu thông chia với những ai tin vào Người. Đó là sự sống theo “lề luật của Thần Linh”, tức là một sự sống bằng quyền lực của sự phục sinh đã chế ngự quyền lực tội lỗi và sự chết vẫn hoành hành nơi con người từ cuộc sa phạm nguyên thủy. Chính thánh Phaolô đã nhận mình bị một nỗi giằng co xâu xé giữa cảm nhận nội tâm về điều thiện với sức lôi cuốn của sự dữ, giữa khuynh hướng của “tâm trí” muốn giữ lề luật Thiên Chúa với sức lấn át của “xác thịt” bị lụy thuộc tội lỗi (x.Rm.7:14-23). Thánh nhân than lên: “Tôi là một con người khốn khổ là chứng nào! Ai sẽ cứu tôi khỏi thân xác chết chóc này?” (Rm.7:24).

            Bởi thế đã phát sinh một cảm nghiệm nội tâm mới liên quan đến thực tại về tác động cứu rỗi của ân sủng: “Vì vậy, giờ đây những ai ở trong Chúa Giêsu Kitô thì không bị luận phạt. Vì lề luật của Thần Linh sự sống trong Chúa Giêsu Kitô đã giải thoát anh em khỏi lề luật của tội lỗi và sự chết” (Rm.8:1-2). Đó là một tình trạng mới của sự sống được bắt đầu trong lòng chúng ta “nhờ Thánh Thần là Đấng đã được ban cho chúng ta” (Rm.5:5).

            Tất cả cuộc sống Kitô hữu là sống trong đức tin và đức ái, cũng như trong việc thực hành mọi nhân đức, theo tác động bên trong của Thần Linh canh tân này, Đấng ban ơn công chính, linh hoạt và thánh hóa. Nhờ ơn này đã phát sinh tất cả những nhân đức mới tạo nên nề nếp cho cuộc sống siêu nhiên. Cuộc sống này được tăng trưởng không phải chỉ bởi những tài năng tự nhiên của con người - trí khôn, lòng muốn và cảm quan - mà còn bởi cả những năng lực mới được phú ban cùng với ơn ấy, như Thánh Tôma Aquina dẫn giải (Summa Theol., I-II,q.62,aa.1,3). Những năng lực mới này ban cho trí khôn khả năng gắn bó trong đức tin với Thiên-Chúa-Chân-Lý; cho tâm can khả năng yêu thương trong đức ái, một đức ái nơi con người như là “một việc tham dự vào chính Tình Yêu thần linh là Chúa Thánh Thần” (II-II,q.23,a.3,ad3). Những năng lực mới này cũng ban cho tất cả mọi năng lực của linh hồn, cũng như bằng một cách nào đó cho cả thân xác nữa, được tham dự vào sự sống mới bằng những hành động xứng với một con người đã được nâng lên thông phần với bản tính và sự sống của Thiên Chúa trong ân sủng: consortes devinae narures, như Thánh Phêrô viết (2Pet.1:4).

            Tình trạng này giống như một cơ cấu nội tâm mới để lề luật của ân sủng được tỏ hiện: một lề luật được viết trong lòng hơn là trên các phiến đá hay nơi các văn bản. Thánh Phaolô đã gọi lề luật này, như chúng ta thấy, là “lề luật của Thần Linh sự sống trong Chúa Giêsu Kitô” (Rm.8:2; x. Thánh Augustinô, De Spiritu et Littera, c.24; PL 44:225; Thánh Tôma, Summa Theol., I-II,q.106,a.1).

            Trong loạt bài giáo lý trước đây về ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần nơi đời sống Giáo Hội, chúng ta đã nhấn mạnh đến một số tặng ân khác nhau mà Ngài ban phát để làm cho cả cộng đồng phát triển. Các tặng ân khác nhau này cũng được thể hiện rõ ràng nơi cuộc sống riêng tư của Kitô hữu: mọi người đều nhận được những tặng ân của Chúa Thánh Thần qua những trường hợp sống cụ thể mà họ là nam nhân hay nữ giới trải qua, tùy theo mức độ yêu thương của Thiên Chúa đã làm nên ơn gọi, cuộc hành trình và lịch sử thiêng liêng của mỗi người.

            Chúng ta đọc nơi đoạn về Ngày Lễ Hiện Xuống thấy Chúa Thánh Thần chẳng những tràn đầy toàn thể cộng đồng mà còn từng người có mặt bấy giờ nữa. Nếu gió, biểu hiệu cho Thần Linh, được tả  là “đầy cả nhà nơi các vị đang ở” (Acts 2:2), thì cũng đúng với những lưỡi lửa, một biểu hiệu khác của Thần Linh, “đến đậu trên từng người trong các vị” (2:3); thế là, “tất cả mọi người họ được đầy Thánh Thần” (2:4). Mức độ trọn đầy này được ban cho mỗi một người; mức độ trọn đầy này hàm chứa một số những tặng ân khác nhau đối với hết mọi lãnh vực đời sống cá nhân của con người.

            Trong số những tặng ân này, chúng ta muốn nhắc lại và nhấn mạnh ngắn gọn đến những tặng ân được giáo lý và lưu truyền thần học đặc biệt gọi là các tặng ân của Chúa Thánh Thần. Đúng thế, mọi sự đều là tặng ân, nơi cả cấp trật ân sủng cũng như tự nhiên, nói chung hơn nữa, nơi toàn thể tạo vật. Tuy nhiên, theo ngôn ngữ thần học và giáo lý, danh xưng các tặng ân của Chúa Thánh Thần được dành cho những năng lực thần linh chuyên biệt mà Chúa Thánh Thần tuôn đổ vào linh hồn để kiện toàn những nhân đức siêu nhiên, nhờ đó, tâm linh con người nhận được khả năng tác hành (theo thể thức thần linh) in modo divino (x.Summa Theol., I-II,q.68,aa 1,6).

            Cần phải nói rằng các tặng ân này đầu tiên được nhắc đến và liệt kê trong Cựu Ước, đúng hơn, trong sách Isaia, vị tiên tri đã ghép cho đức vua thiên sai “thần linh khôn ngoan và thâm hiểu, thần linh dẫn dụ và dũng mãnh, thần linh minh luận và kính sợ Chúa”. Thế rồi vị tiên tri gọi tên của tặng ân thứ sáu một lần nữa mà rằng “niềm hân hoan của đức vua là lòng kính sợ Chúa” (Is.11:2-3).

            Bản dịch Bảy Mươi tiếng Hy Lạp cũng như bản dịch Vulgata tiếng Latinh của Thánh Giêrônimô đều tránh việc lập lại này. “Lòng hiếu thảo” được liệt kê như tặng ân thứ sáu thay thế cho tặng ân “kính sợ Chúa”, do đó mà lời tiên tri thành như sau: “thần linh minh luận và thảo hiếu, và ngài được đầy thần linh kính sợ Chúa” (các câu 2-3). Thế nhưng, người ta có thể nói rằng việc lập lại thần linh kính sợ và hiếu thảo này cũng không tách khỏi truyền thống thánh kinh liên quan đến những nhân đức của các đại nhân vật trong Cựu Ước. Theo truyền thống thần học, phụng vụ và giáo lý Kitô giáo, việc lập lại này làm cho lời tiên tri có ý nghĩa hơn khi áp dụng lời tiên tri ấy cho Đấng Thiên Sai cũng như để làm phong phú ý nghĩa từ chương của lời tiên tri. Tại hội đường Nazarét, chính Chúa Giêsu đã áp dụng cho mình một đoạn sách của tiên tri Isaia về đấng thiên sai (x.61:1): “Thần Linh Chúa ngự trên tôi...” (Lk.4:8). Lời Chúa Giêsu áp dụng về mình này tương đương với đoạn đầu của lời tiên tri vừa được trích dẫn, với lời lẽ như sau: “Thần Linh Chúa sẽ ở trên ngài” (Is.11:2). Theo truyền thống được Thánh Tôma sử dụng thì những tặng ân của Chúa Thánh Thần “được Sách Thánh đặt tên như những tặng ân này hiện diện nơi Chúa Kitô, theo như bản văn của tiên tri Isaia”, nhưng những tặng ân phát xuất từ Chúa Kitô này lại gặp nhau một lần nữa nơi linh hồn Kitô hữu (x.Summa Theol., I-II,q.68,a.1).

            Những đoạn thánh kinh vừa trích dẫn đã được so sánh với những cấu tạo căn bản nơi linh hồn con người, liên quan đến việc linh hồn con người được nâng lên tầm mức siêu nhiên và được phú bẩm cho chính các nhân đức. Thế là khoa thần học trung cổ về bảy tặng ân này đã phát triển, cho dù nó chưa hoàn toàn có tính cách tín điều, cũng như chưa xác nhận hẳn con số các tặng ân này và chưa xác nhận cả những phân cấp rõ ràng trong việc phân phối các tặng ân ấy, song đã và vẫn hữu dụng để  chẳng những hiểu được tính cách đa loại của các tặng ân nơi Chúa Kitô cùng các thánh, mà còn tạo nên được một kiến trúc đẹp đẽ cho đời sống tu đức nữa.

            Thánh Tôma (x.I-II,q.68,aa.4,7) và các nhà thần học cũng như chuyên viên giáo lý đã tìm thấy nơi những câu nói của tiên tri Isaia trên đây một bản chỉ nam để có thể sắp xếp các tặng ân theo mối liên hệ của những tặng ân này với đời sống tu đức, bằng một cắt nghĩa có thể được tổng tắt như sau:

            1)         Trước hết là tặng ân khôn ngoan mà Chúa Thánh Thần dùng để soi sáng lý trí. Ngài làm cho lý trí biết được “những lý do sâu xa nhất” của mạc khải cũng như của đời sống tu đức, nhờ đó lý trí có được những phán đoán lành mạnh và chính đáng liên quan đến đức tin và cuộc sống Kitô hữu, chẳng hạn như liên quan đến con người “thiêng liêng” hay ngay cả đến con người “nhục thể” (x.1Cor.2:14-15; Rm.7:14).

            2)         Đến tặng ân thâm hiểu, một sự sâu sắc đặc biệt do Thần Linh ban cho để hiểu ngay được Lời Chúa một cách thấu đáo.

            3)         Tặng ân minh luận là một khả năng siêu nhiên để thấy và xác định một cách đích đáng nội dung của mạc khải, cũng như để phân biệt được những sự thuộc về Thiên Chúa nơi kiến thức về vũ trụ của con người.

            4)         Với tặng ân dẫn dụ, Chúa Thánh Thần ban khả năng siêu nhiên để điều hành cuộc sống cá nhân của con người liên quan đến những việc khó khăn cần phải hoàn thành và đến những chọn lựa khó khăn cần phải quyết định, cũng như để điều khiển và hướng dẫn người khác.

            5)         Với tặng ân dũng mãnh, Chúa Thánh Thần nâng đỡ lòng muốn và khiến nó phản ứng nhanh nhẹn, chủ động và kiên trì đương đầu với những khó khăn thử thách, dù có phải khổ đau đến đâu đi nữa. Điều này đặc biệt xẩy ra nơi việc tử đạo: việc tử đạo bằng máu, kể cả việc tử đạo trong lòng và tử đạo chịu yếu bệnh, yếu đuối và yếu đau.

            6)         Với tặng ân hiếu thảo, Chúa Thánh Thần điểu khiển con tim con người hướng về Thiên Chúa với những cảm xúc, cảm tình, tâm tưởng và nguyện cầu nói lên tình con cái đối với Cha là Đấng được Chúa Kitô mạc khải cho biết. Tặng ân hiếu thảo này khiến cho chúng ta thấu nhập và biến hóa trong mầu nhiệm “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, nhất là trong niềm hiệp nhất với Chúa Kitô, Lời nhập thể, trong mối liên hệ con cái với Đức Trinh Nữ Maria cùng với các thần thánh trên trời, trong mối hiệp thông với Giáo Hội.

            7)         Với tặng ân kính sợ Chúa, Chúa Thánh Linh đặt vào linh hồn Kitô hữu một niềm tôn kính sâu xa đối với lề luật của Thiên Chúa cũng như đối với những đòi hỏi của đời sống Kitô hữu. Tặng ân này giải thoát linh hồn khỏi những chước cám dỗ “sợ hãi của một người tôi tớ”, thay vào đó, thăng tiến linh hồn bằng một “niềm kính sợ của một người con cái” bắt nguồn từ lòng mến yêu.

            Giáo huấn về các tặng ân của Chúa Thánh Thần tiếp tục là một giáo huấn hữu dụng của đời sống tu đức. Giáo huấn này giúp chúng ta hướng dẫn chính mình cũng như huấn luyện người khác, thành phần chúng ta có trách nhiệm đào tạo, bằng một cuộc liên tục đối thoại với Chúa Thánh Thần và bằng một lòng tín thác yêu thương cho sự dẫn dắt của Ngài. Giáo huấn này được nối kết với và luôn luôn qui chiếu về đoạn sách tiên tri Isaia nói về Đấng Thiên Sai. Khi áp dụng vào Chúa Giêsu, giáo huấn này nói đến sự cao cả nơi tầm mức thiện toàn của Người. Khi áp dụng cho linh hồn Kitô hữu, giáo huấn này dạy cho chúng ta biết những giây phút quan trọng nơi sinh hoạt của đời sống nội tâm: để hiểu biết (khôn ngoan, thâm hiểu và minh luận); để quyết định (dẫn dụ và dũng mạnh); để ở lại và tăng tiến trong mối liên hệ riêng tư với Thiên Chúa, trong đời sống cầu nguyện và trong đời sống ngay thẳng theo Phúc Aâm (hiếu thảo và kính sợ Chúa).

            Như thế, thật là quan trọng trong việc cần phải sống hòa hợp với Thần-Linh-Tặng-Ân vĩnh cửu là Đấng phải được nhận biết theo như mạc khải từ Cựu Ước cũng như Tân Ước. Ngài là Tình Yêu chuyên nhất bất tận được ban cho chúng ta bằng muôn vàn hình thức tỏ hiện và tặng ân khác nhau, hợp với chương trình tạo dựng bao quát.

 

(Bài Giáo Lý thứ 71 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 3-4-1991,

trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)