Bài 27

Thần Linh: Nguồn Mạch Sự Sống Nội Tâm

 

 

T

rong bài giáo lý lần trước, Thánh Phaolô đã nói với chúng ta về “lề luật của Thần Linh sự sống trong Chúa Giêsu Kitô” (Rm.8:2). Chúng ta phải sống theo lề luật này nếu chúng ta muốn “theo Thần Linh” (Gal.5:25), hoàn thành những công việc của Thần Linh chứ không phải là những công việc của “xác thịt”.

            Thánh Tông Đồ nhấn mạnh đến sự tương khắc giữa “xác thịt” và “Thần Linh”, cũng như giữa hai loại việc làm, tư tưởng và đời sống từ hai lãnh vực này mà ra: “Đối với những ai sống theo xác thịt thì hứng theo xác thịt, còn những người sống theo Thần Linh thì hứng theo Thần Linh. Hứng theo xác thịt thì chết, còn hứng theo Thần Linh thì sống và bình an” (Rm.8:5-6). 

            Thật là nản khi thấy được “những việc làm của xác thịt” cùng với những tình trạng thoái lui về tâm linh cũng như về văn hóa nơi con người thú tính (homo animalis). Thế nhưng, cái nhìn này dầu sao cũng không được làm cho chúng ta quên rằng thực tại của đời sống “theo Thần Linh” rất khác nhau, một thực tại cũng có mặt trong thế gian và chống lại với việc lan tràn của sự dữ. Thánh Phaolô nói về điều này trong Thư gửi giáo đoàn Galata, khi ngài liệt kê “hoa trái của Thần Linh” phản lại với “những việc làm của xác thịt” là việc làm khiến cho con người bị loại trừ khỏi “vương quốc Thiên Chúa”, những hoa trái đó là “yêu thương, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, từ tâm, quảng đại, trung thành, dịu hiền và tự chủ” (x.5:19-22). Theo Thánh Phaolô, những hoa trái này nơi các tín hữu phát xuất từ bên trong, từ “luật của Thần Linh” (Rm.8:2), một thứ luật ở bên trong người tín hữu và là luật hướng dẫn đời sống nội tâm của họ (x.Gal.5:18,25).

            Vấn đề được nói đến ở đây là nguyên lý của đời sống thiêng liêng cũng như của hành vi Kitô hữu, một nguyên lý vừa nội tại vừa siêu việt, căn cứ vào lời của Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thần Chân Lý, Đấng thế gian không thể tiếp nhận, vì thế gian không thấy cũng chẳng biết Ngài... sẽ ở trong các con” (Jn.14:17). Chúa Thánh Thần từ trên cao xuống nhưng thấu nhập và ở trong chúng ta để làm cho đời sống nội tâm của chúng ta linh động. Chúa Giêsu không chỉ nói: “Ngài ở với các con”, nghĩa là sát với ý nghĩa của một sự hiện diện, nhưng còn nhấn mạnh đó là một sự hiện diện ở trong chúng ta (Jn.14:17) nữa. Phần Thánh Phaolô ước mong các Kitô hữu giáo đoàn Eâphêsô được Chúa Cha làm cho họ “tăng cường bằng Thần Linh ở bên trong mình” (Eph.3:16). Đối với con người, cái đáng kể không phải là sự sống ngoại tại, thường nông nổi, mà là ý hướng sống trong “thâm cung của Thiên Chúa”, nơi Chúa Thánh Thần thấu suốt (1Cor.2:10).

            Việc Thánh Phaolô phân biệt giữa con người “tâm lý” (spychic) với con người “tâm linh” (spiritual) giúp chúng ta hiểu được sự khác nhau và cách biệt giữa sự trưởng thành tự nhiên nơi những năng lực của linh hồn con người với sự trưởng thành Kitô giáo đích thực phát xuất từ sự tăng triển của cuộc sống theo Thần Linh, một sự trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến. Kiến thức về Nguồn Mạch thần linh nơi cuộc sống thiêng liêng này, một nguồn mạch bắt nguồn từ trong linh hồn phát tỏa vào tất cả mọi lãnh vực của cuộc sống, ngay cả những lãnh vực bề ngoài và xã hội, là một phương diện sâu xa và cao cả của nhân loại học Kitô giáo. Cốt lõi của kiến thức này là chân lý  đức tin khiến cho chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần ngự trong tôi (x.1Cor.3:16), cầu nguyện trong tôi (x.Rm.8:26; Gal.4:6), hướng dẫn tôi (x.Rm.8:14) và làm cho Chúa Kitô sống trong tôi (x.Gal.2:20).

            Ngay cả sự so sánh mà Chúa Giêsu đã dùng trong cuộc nói chuyện với người phụ nữ Samaritanô ở bờ giếng Giacóp về nước hằng sống mà Người sẽ ban cho những ai tin vào Người, thì nước “sẽ trở nên nơi họ một mạch nước vọt lên sự sống đời đời” (Jn.4:14), cũng có ý nói đến mạch nước bên trong của đời sống thiêng liêng. Chính Chúa Giêsu đã làm sáng tỏ điều này vào dịp “lễ Lều Tạm” (Jn.7:2), khi Người “đứng mà kêu lên: ‘Ai khát hãy đến cùng Tôi mà uống. Ai tin vào tôi, như Sách Thánh nói (x.Is.55:1), các giòng sông nước hằng sống sẽ từ bên trong lòng họ chảy ra’”. Thánh Gioan chú giải rằng “Người nói điều này ám chỉ Thần Linh mà những ai tin vào Người phải được nhận lãnh” (Jn.7:37-39).

            Nơi người tín hữu, Chúa Thánh Thần khai triển toàn bộ cơ động của ân sủng ban sự sống mới cũng như toàn bộ cơ động của các nhân đức làm cho sức sống này mang lại nhiều hoa trái thiện hảo. Từ “bên trong” người tín hữu, Chúa Thánh Thần cũng hoạt động như một ngọn lửa, theo một so sánh khác Thánh Gioan Tẩy Giả đã ví liên quan đến phép rửa: “Người sẽ rửa qúi vị trong Thánh Thần và trong lửa” (Mt.3:11). Chính Chúa Giêsu cũng sử dụng biểu hiệu lửa trong mối tương quan với sứ vụ thiên sai của Người: “Thày đã đến để đốt lửa trên thế gian” (Lk.12:49). Bởi thế, Thần Linh làm cho đời sống bừng lên lòng sốt sắng, như lời Thánh Phaolô khuyên ở bức thư gửi giáo đoàn Rôma: “Hãy sốt sắng trong Thần Linh” (12:11). Đây là một “ngọn lửa yêu thương sống động” có tác dụng thanh tẩy, soi sáng, nung nấu và thiêu đốt, như Thánh Gioan Thánh Giá đã giải nghĩa rất rõ ràng minh bạch.

            Dước tác động của Chúa Thánh Thần nơi người tín hữu sẽ tiến triển một sự thánh thiện nguyên vẹn đến nỗi có khả năng tiếp thụ, thăng hoa và hoàn hảo, chứ không hủy hoại, cá tính nơi mỗi một người. Bởi thế mọi thánh nhân đều có một bộ mặt riêng biệt. Với Thánh Phaolô chúng ta có thể nói rằng: “Tinh tú tỏa sáng khác nhau” (1Cor.15:41), chẳng những nơi “việc phục sinh sau này”, như được Thánh Phaolô ám chỉ, mà còn nơi tình trạng hiện tại của thành phần con người không còn thuần tâm lý (theo sự sống tự nhiên), song linh thiêng (theo Thánh Thần khơi động) (x.1Cor.15:44ff).

            Sự thánh thiện hệ tại mức độ trọn hảo của tình yêu. Tuy nhiên, sự thánh thiện này được chia ra tùy theo các phương diện khác nhau được tình yêu thể hiện qua một số hoàn cảnh của đời sống cá nhân. Theo tác động của Chúa Thánh Thần, mỗi người dùng tình yêu để chế ngự bản năng của cái tôi, và tăng phát những mãnh lực mạnh nhất theo kiểu cách thế riêng trong việc hy hiến bản thân mình. Khi mãnh lực bộc lộ và trải rộng này trở thành mạnh mẽ đặc biệt thì Chúa Thánh Thần sẽ khiến cho có những nhóm môn đệ và hậu duệ qui tụ lại chung quanh những con người ấy (cho dù có những lúc họ là những con người thầm kín). Thế nên mới có những trào lưu sống thiêng liêng, những trường phái tu đức học và những tổ chức tu trì, với tính cách khác biệt nhau theo tác dụng của ảnh hưởng thần linh. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng làm thực dụng những khả năng của tất cả các thành phần này, nơi những nhân vật và những nhóm hội, nơi những cộng đoàn và những tổ chức, nơi các vị linh mục cũng như nơi giáo dân.

            Giá trị mới của tự do là đặc tính của đời sống Kitô hữu bắt nguồn từ nguồn mạch nội tâm này. Như Thánh Phaolô nói: “Ở đâu có Thần Linh Chúa ở đấy có tự do” (2Cor.3:17). Thánh Tông Đồ đang cố ý nói đến chính niềm tự do mà thành phần theo Chúa Kitô có được so sánh với lề luật Do Thái, hợp với giáo huấn và thái độ của chính Chúa Giêsu. Thế nhưng, nguyên tắc thánh nhân nói đó có một ý nghĩa tổng quát. Thánh nhân thường nói đến tự do như ơn gọi của Kitô hữu: “Anh em ơi, anh em đã được kêu gọi để sống tự do” (Gal.5:13). Và thánh nhân đã cắt nghĩa rõ ràng những gì ngài có ý nói. Theo Thánh Tông Đồ, ai “sống bởi Thần Linh” (Gal.5:16) là sống trong tự do, vì người đó không còn bị áp lực của gông cùm xác thịt nữa: “Hãy theo Thần Linh mà sống thì anh em chắc chắn sẽ không tìm thỏa mãn ước muốn của nhục thể” (Gal.5:16). “Hứng theo xác thịt thì chết, còn hứng theo Thần Linh thì sống và được bình an” (Rm.8:6).

            “Những việc làm của xác thịt”, mà thành phần Kitô hữu trung thành với Thần Linh được giải thoát, là những việc làm của cái tôi và đam mê nhục dục, những việc làm cản trở con người tiến vào vương quốc của Thiên Chúa. Những việc làm của Thần Linh là những việc làm của tình yêu: “Không có luật lệ đối với những điều như vậy” (Gal.5:23).

            Theo Thánh Tông Đồ, những việc làm của Thần Linh sẽ mang lại là “nếu anh em được Thần Linh hướng dẫn, thì anh em không lệ thuộc lề luật” (Gal.5:18). Viết cho Timôthêu, thánh nhân không ngần ngại nói: “Lề luật không có nghĩa gì với một con người chính trực” (1Tim.1:9). Và Thánh Tôma cắt nghĩa: “Lề luật không có mộït mãnh lực áp đặt nào trên người công chính như nơi kẻ gian ác” (Summa Theol., I-II,q.96,a.5 và 1), vì người công chính không làm gì trái với lề luật cả. Trái lại, được hướng dẫn bởi Thánh Thần, họ tự do làm mọi sự như lề luật ấn định (x.Rm.8:4; Gal.5:13-16).

            Đó là một hòa điệu tuyệt vời giữa tự do và lề luật, kết qủa của tác động Thánh Thần nơi người công chính. Tiên tri Giêrêmia và Ezekien đã nói trước điều này, khi loan báo việc nội tâm hóa lề luật của tân ước (x.Jer.31:31-34; Ez.36:26-27).

            “Ta sẽ đặt Thần Linh của Ta trong các ngươi” (Ez.36:27). Lời tiên tri này đã được hiện thực và tiếp tục hoạt động nơi tín hữu cũng như trong cộng đồng Giáo Hội. Chính Thần Linh là Đấng làm cho lời tiên tri này được thực hiện, không phải thành một người thuần túy giữ luật, mà là một người tự do, sốt sắng và trung thành hoàn thành ý định của Thiên Chúa. Họ làm theo tất cả những gì Thánh Tông Đồ nói: “Những ai được Thần Linh dẫn dắt đều là con cái của Thiên Chúa. Vì anh em không lãnh nhận một thần trí nô lệ để lại sống trong lo âu sợ hãi, song anh em lãnh nhận một thần trí thừa nhận để chúng ta kêu lên: ‘Abba, Lạy Cha!’” (Rm.8:14-15). Chúa Giêsu đã công bố niềm tự do của con cái là niềm tự do đích thực (x.Jn.8:36). Nó là một niềm tự do sâu xa ở bên trong, song cũng là một niềm tự do luôn luôn hướng về tình yêu thương, một tình yêu thương có khả năng và hầu như tự động (x.Eph.2:18) dẫn con người đến cùng Chúa Cha trong một Thần Linh duy nhất. Đó là một niềm tự do sáng suốt tỏa ra nơi đời sống của các vị thánh.

           

(Bài Giáo Lý thứ 72 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 10-4-1991,

trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)