Bài 31

Thần Linh: Nguyên Lý Bình An

 

 

H

òa bình là ước vọng rất khát mong của nhân loại ngày nay. Nó hiện thân nơi hai thể thức chính, đó là việc loại trừ chiến tranh như chính sách để giải quyết những tranh chấp giữa các dân nước hay chính quyền, và việc sử dụng công lý để giải quyết những xung đột về xã hội. Ai có thể phủ nhận sự kiện tiến triển trong tâm lý xã hội, trong tâm thức chính trị và trong chính cơ cấu tổ chức song hành giữa quốc gia và quốc tế, được thể hiện là nhờ sự bành trướng của những cảm tình mong ước này? Nhất là đối với những kinh nghiệm bi thảm trước đây, Giáo Hội, với nhiệm vụ giảng dạy và nguyện cầu cho hòa bình, không thể nào không vui mừng khi thấy có những thành đạt mới trong luật lệ, trong các cơ cấu xã hội và chính trị, và nhất là trong chính nhận thức con người về hòa bình.

            Tuy nhiên, những xung đột vẫn còn trên thế giới cho đến ngày hôm nay, và là căn nguyên gây ra nhiều tranh chấp về sắc tộc và văn hóa, thêm vào những tranh chấp về kinh tế và chính trị. Thực tế và thành thực mà nói, người ta không thể không nhận thấy cái khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả, trong việc bảo trì hòa bình mà không cần đến một nguyên lý cao hơn có thể tác động sâu xa trong tâm trí con người bằng quyền lực thần linh.

            Theo giáo huấn mạc khải thì nguyên lý này là Chúa Thánh Thần, Đấng ban bình an thiêng liêng cho mỗi người, một bình an nội tâm là nền tảng cho hòa bình trong xã hội.

            Chính Chúa Giêsu, khi nói với các môn đệ của mình ở nhà tiệc ly, đã loan báo bình an của Người: “Thày ban cho các con bình an của Thày” (Jn.14:27). Bình an này được Người chia sẻ với các môn đệ của Người nhờ tặng ân của Chúa Thánh Thần, Đấng ban cho cõi lòng con người niềm bình an ấy. Theo bản văn của thánh Gioan, lời hứa ban bình an theo sau lời hứa về việc Đấng An Uûi đến (x.Jn.14:26). Công việc tạo bình an của Chúa Kitô được thực hiện do Chúa Thánh Thần, Đấng được sai đến để hoàn tất sứ vụ của Đấng Cứu Thế.

            Nên chú ý là bình an của Chúa Kitô được loan báo và tặng ban cùng với việc thứ tha tội lỗi, như đã thấy qua những lời Chúa Giêsu phục sinh nói với các môn đệ của Người: “Bình an cho các con... Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì họ sẽ được tha tội” (Jn.20:21-23). Bình an này là kết qủa của hiến tế cứu chuộc được hoàn tất trên thập giá, một hiến tế  viên trọn để làm vinh danh Chúa Kitô.

            Đó là kiểu bình an thứ nhất mà con người cần: bình an đạt được bằng việc thắng vượt chướng ngại tội lỗi. Nó là một niềm bình an chỉ Thiên Chúa ban cho mới có, bằng việc Ngài nhờ hy hiến của Chúa Kitô thứ tha tội lỗi. Đối với con người, Chúa Thánh Thần, Đấng thực hiện việc tha tội này nơi mỗi người, là nguyên lý tác động của niềm bình an sâu xa này, một niềm an bình ở tại việc làm hòa với Thiên Chúa.

            Theo Thánh Phaolô, bình an là một “hoa trái của Chúa Thánh Thần” có liên hệ với đức ái: “Hoa trái của Thần Linh là yêu thương, hoan lạc và bình an...” (Gal 5:22). Nó nghịch lại với các việc làm của xác thịt, trong đó, theo thánh Tông Đồ, có “hận thù, cãi cọ, ghen hờn, nổi giận, tranh giành, bất hòa, bè phái, ganh tị...” (Gal.5:20). Đó là danh sách liệt kê những chướng ngại nội tâm căn bản làm cản trở bình an tâm hồn và hòa bình xã hội. Chính Chúa Thánh Thần cũng khơi dậy một thái độ bình an căn bản trên thế giới để biến đổi những tình trạng nội tâm. Thánh Phaolô đã nói về Chúa Kitô rằng “Người là niềm bình an của chúng ta” (Eph.2:14), và cắt nghĩa là Chúa Kitô đã thực hiện niềm bình an bằng việc hòa giải mọi người với Thiên Chúa bằng hy hiến của Người, nhờ đó đã sinh ra một con người mới từ tro bụi bất hòa và thù hận con người. Thế nhưng, chính thánh Tông Đồ nhấn mạnh là niềm bình an này được thành đạt trong Chúa Thánh Thần: “Nhờ Chúa Kitô chúng ta đến cùng Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần” (Eph.2:18). Bao giờ cũng chỉ có một niềm bình an chân thật của Chúa Kitô, song lại được đổ vào lòng và được cảm nghiệm dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần.

            Trong Thư gửi giáo đoàn Philiphê, thánh Tông Đồ nói về niềm bình an này như một tặng vật được ban cho những ai, cho dù gặp những nỗi khó khăn nơi cuộc sống, hướng về Thiên Chúa “bằng mọi kiểu cách nguyện cầu và kêu khấn đầy lòng biết ơn...” Thánh nhân bảo đảm với họ rằng: “Bình an riêng của Thiên Chúa, một bình an ngoài mọi hiểu biết, sẽ canh giữ lòng trí anh em trong Đức Giêsu Kitô” (Phil 4:6-7).

            Đời sống của các thánh là chứng minh và chứng cớ của căn nguyên bình an thần linh. Các ngài cho chúng ta thấy một sự bình lặng giữa những cơn thử thách và bão tố thương đau nhất có thể nhận chìm các ngài xuống. Có một cái gì đó - đúng hơn là Một Ai Đó - đang hiện diện và làm việc nơi họ để bảo vệ họ chẳng những khỏi những cơn sóng của biến cố bên ngoài nổi lên, mà còn khỏi chính nỗi yếu hèn và sợ hãi của họ nữa. Chính Chúa Thánh Thần, Đấng là tác giả của niềm bình an này, niềm bình an là hoa trái của tình yêu Ngài tuôn đổ vào lòng con người (x.Summa Theol., II-II,q.29,aa.3-4).

            Theo Thánh Phaolô, “vương quốc của Thiên Chúa... là sự công chính, niềm bình an và nỗi hoan lạc trong Chúa Thánh Thần” (Rm.14:17). Thánh Tông Đồ phác lên nguyên tắc này khi ngài khuyên răn các Kitô hữu đừng phán đoán những kẻ hèn kém nhất trong họ một cách gắt gao, khi thành phần này không tránh được những việc hãm mình theo chủ trương sai lầm về sự tinh tuyền, chẳng hạn cấm không được ăn thịt và uống rượu là những việc mà một số dân ngoại (như người Pythagoreans) và một số người Do Thái (như nhóm Essenes) vẫn giữ. Thánh Phaolô kêu gọi họ tuân theo lề luật của một lương tâm khôn sáng và vững chắc (x.Rm.14:5-6,23), nhất là được đức ái thúc đẩy, một đức ái phải điều khiển việc làm của kẻ mạnh: “Không gì tự nó là ô uế... Nếu cái anh em ăn lại là cái làm hại đến người khác thì việc làm của anh em không còn hợp với tình yêu thương nhau nữa. Anh em đứng vì của ăn uống của mình mà hủy diệït con người đã được Chúa Kitô chết cho!” (Rm.14:14-15).

            Như thế, lời khuyên của thánh Phaolô là đừng tạo nên rắc rối trong cộng đoàn, đừng khêu lên xung khắc và đừng làm gương mù cho kẻ khác. Thánh nhân huấn dụ: “Vậy chúng ta hãy theo đuổi những gì dẫn đến bình an và xây đắp cho nhau” (Rm.14:19). Mọi người phải quan tâm đến việc bảo trì sự hòa hợp, không phải bằng cách sử dụng tự do xúc phạm hay tác hại đến tha nhân. Nguyên tắc thánh Tông Đồ lập nên này là ở chỗ đức ái phải điều khiển và kèm kẹp tự do. Khi đương đầu với vấn đề chuyên biệt, thánh Phaolô công bố một nguyên tắc chung: “Vương quốc của Thiên Chúa là bình an trong Chúa Thánh Thần”.

            Kitô hữu phải nỗ lực để tuân theo hoạt động của Chúa Thánh Thần, bằng cách nuôi dưỡng trong linh hồn mình “hướng chiều Thần Linh về sự sống và bình an” (Rm.8:6). Đó là lý do làm cho thánh Tông Đồ huấn dụ Kitô hữu nhiều lần là “phải bảo trì niềmï hiệp nhất phát xuất từ Thần Linh và được thắt nối bằng sự bình an” (Eph.4:3); tác hành “với tấm lòng hoàn toàn khiêm tốn, hiền hòa và nhẫn nại, ưu ái chịu đựng lẫn nhau” (Eph.4:2); và tiếp tục tránh lánh “hướng chiều xác thịt đối nghịch với Thiên Chúa” cũng như xung khắc với hướng chiều Thần Linh “về sự sống và bình an” (Rm.8:6-7). Chỉ khi nào được hiệp nhất trong “thắt nối bình an”, Kitô hữu mới “hiệp nhất trong Thần Linh” và mới là môn đồ đích thực của Đấng đã mang bình an đến thế gian.

            Ước mong của thánh Tông Đồ là họ được Thiên Chúa ban cho tặng ân cao cả làm nên yếu tố chính của đời sống trong Thần Linh: “Xin Thiên Chúa của niềm cậy trông làm cho anh em tràn đầy hoan lạc và bình an trong lòng tin tưởng... nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần” (Rm.15:13).

            Để kết thúc bài giáo lý này, Tôi cũng chúc bình an trong Chúa Thánh Thần cho mọi Kitô hữu cũng như cho mọi người. Và Tôi cũng muốn nhắc lại một lần nữa là, theo giáo huấn của thánh Phaolô và chứng tá của các linh hồn thánh thiện, Chúa Thánh Thần làm cho những soi động của Người được nhận biết bằng sự bình an nội tâm mà những soi động của Ngài mang lại cho cõi lòng. Những khơi động của Chúa Thánh Thần hướng đến bình an chứ không phải lo âu, bất hòa, bất mãn và thù hận về điều thiện hảo. Không tránh được có những ý kiến khác nhau sâu xa về những điểm đặc biệt và về đường lối tiến đến công ích, nhưng việc phấn chấn của đức ái được thông phần với Chúa Thánh Thần thì bao giờ cũng hướng chiều về sự hòa hợp và hiệp nhất sâu xa trong sự thiện hảo như Chúa muốn. Thánh Phaolô đã phân biệt: “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của bất hòa mà là của bình an” (1Cor.14:33).

            Điều này rất đúng đối với bình an của tâm trí nơi các cộng đồng Kitô giáo. Thế nhưng, khi Chúa Thánh Thần cai trị cõi lòng, Ngài sẽ khơi dậy ước vọng sử dụng mọi nỗ lực để thiết lập bình an liên quan đến người khác trên mọi lãnh vực: gia đình, dân sự, xã hội, chính trị, sắc tộc, quốc gia và quóc tế (x.Rm.12:18; Heb.12:14). Nhất là, Ngài thúc đẩy Kitô hữu biết suy nghĩ khôn ngoan để hòa giải xung khắc giữa con người và dùng việc đối thoại như phương tiện cần phải có thay cho những cám dỗ cần phải sử dụng đến chiến tranh và hăm dọa chiến tranh.

            Chúng ta hãy cầu nguyện để Kitô hữu, Giáo Hội và tất cả mọi người thiện chí được càng ngày càng trung thành nghe theo Thần Linh bình an hơn nữa.

 

(Bài Giáo Lý thứ 77 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 29-5-1991,

trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)