Bài 33

Thần Linh:

Bảo Chứng của Niềm Hy Vọng Cánh Chung

 

 

H

y vọng là một trong số những tặng ân tồn tại cao cả nhất (tin, cậy, mến), như Thánh Phaolô nói với Kitô hữu giáo đoàn Côrintô (x.1Cor.13:13). Nó đóng một vai trò nền tảng trong đời sống Kitô hữu, cũng như đức tin và đức ái, mặc dầu “cao trọng nhất trong ba là yêu mến” (x.1Cor.13:13). Dĩ nhiên hy vọng không được hiểu theo ý nghĩa hạn hẹp của nó như là một tặng ân chuyên biệt, ngoại lệ được ban cho một số người để mưu ích chung cộng đồng, mà là một tặng ân Chúa Thánh Thần ban cho từng người đang tìm kiếm Chúa Kitô trong đức tin. Tặng ân này phải được chú trọng đặc biệt, nhất là trong thời của chúng ta đây. Ngày nay nhiều người, bao gồm một con số khá đông, đang chới với trong ảo tưởng và hoang đường về khả năng bất tận trong việc tự cứu rỗi mình và tự hoàn thiện mình, cũng như trong chước cám dỗ bi quan khi thấy mình thường bị thất vọng và thua bại.

            Mặc dầu bao gồm cả niềm phấn chấn về tâm lý nơi tâm hồn trong việc nỗ lực hướng về sự thiện khó đạt hơn, niềm hy vọng Kitô giáo vẫn được xây trên tầm mức siêu nhiên của các nhân đức. Nó phát xuất từ  ân sủng (x.Summa Theol., III, q.7,a.2), như một tặng ân Thiên Chúa ban cho tín hữu trong cấp trật của sự sống đời đời. Nó là một nhân đức, một thứ nhân đức của homo viator, tức của con người đang lữ hành, thành phần mà, mặc dầu nhờ đức tin nhận biết Thiên Chúa và ơn gọi đời đời của Ngài, vẫn chưa đạt tới tình trạng hưởng kiến Thiên Chúa. Theo một nghiã nào đó, niềm hy vọng làm cho con người tiến “vào bên trong, vượt bức màn chắn”, như được đề cập đến trong Thư gửi giáo đoàn Do Thái (x.Heb.6:19).

            Tuy nhiên, chiều kích cánh chung mới là chiều kích chính yếu cho nhân đức này. Vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần  đã đến để hoàn tất những lời hứa được gói ghém trong việc công bố ơn cứu độ, như chúng ta đọc thấy trong Sách Tông Đồ Công Vụ: “Được tôn vinh bên hữu Thiên Chúa, (Chúa Giêsu) đã lãnh nhận lời Chúa Cha hứa ban Chúa Thánh Thần và đã tuôn đổ Chúa Thánh Thần xuống” (Acts 2:33). Thế nhưng, việc hoàn tất lời hứa này được dự phóng trên toàn bộ lịch sử, cho đến ngày cùng tháng tận. Đối với thành phần tin vào lời của Thiên Chúa được vang dội nơi Đức Kitô và được các tông đồ rao giảng, thì việc cánh chung đã bắt đầu thực hiện, hay chúng ta có thể nói, đúng hơn nó đã được thực hiện ở một phương diện sâu xa: đó là ở việc hiện diện của Chúa Thánh Thần nơi lịch sử con người, một lịch sử mà kể từ biến cố Hiện Xuống, mang một ý nghĩa và một sinh lực hướng về một mục  đích thần linh dành cho mọi người cũng như cho toàn thể nhân loại. Niềm hy vọng của Cựu Ước, như nguồn gốc của việc cánh chung, chứa đựng lời hứa về sự hiện diện và quan phòng bền bỉ của Thiên Chúa, một sự hiện diện và quan phòng bền bỉ sẽ được biểu hiện nơi Đấng Thiên Sai. Trong Tân Ước, niềm hy vọng đã mang lại cho chúng ta sự ngưỡng vọng đến vinh quang sau này, nhờ ơn Chúa Thánh Thần là nguồn gốc của nó.

            Theo quan điểm này, Thánh Phaolô xác định là tặng ân Thánh Thần giống như lời đoan hứa cho hạnh phúc tương lai. Gửi cho Kitô hữu Ephêsô, thánh nhân viết: “Anh em đã được niêm ấn bằng Thánh Thần hứa ban, Đấng là đệ nhất bảo chứng cho gia nghiệp hướng đến phần rỗi của chúng ta như sở hữu của Thiên Chúa, để chúc tụng vinh quang của Ngài” (Eph.1:13-14; x.4:30; 2Cor.1:22).

            Chúng ta có thể nói rằng nơi cuộc sống Kitô hữu trên trần gian, nó giống như một cuộc khởi hành để tiến vào việc trọn vẹn thông phần với vinh quang của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần kiến tạo nên một sự bảo đảm trong việc chiếm đạt được tầm mức viên trọn của sự sống đời đời, nhờ tác dụng của ơn cứu rỗi, tất cả mọi hậu qủa của tội lỗi, như khổ đau và sự chết, cũng sẽ được chế ngự. Như thế, niềm hy vọng Kitô giáo không phải chỉ là một bảo đảm, mà còn là một ngưỡng vọng về thực tại mai hậu.

            Niềm hy vọng mà Chúa Thánh Thần khêu lên nơi Kitô hữu còn có một chiều kích có thể gọi là vũ trụ, bao gồm cả trời đất, là những gì có thể cảm nghiệm thấy và cũng là những gì ngoài tầm với của chúng ta, những gì được biết đến cũng như không được biết đến. Thánh Phaolô viết: “Chính tạo vật cũng đang thiết tha mong chờ việc tỏ hiện của con cái Thiên Chúa. Tạo vật bị làm cho phải lụy thuộc sự hư hoại, không phải tự nó muốn như thế, mà vì Đấng đã bắt chúng phải lụy thuộc, hy vọng rằng cả tạo vật cũng sẽ được giải cứu cho khỏi tình trạng làm tôi cho sự suy vong và được thông phần tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng toàn thể tạo vật quằn quại rên rỉ cho đến nay; chẳng những tạo vật mà cả chúng ta nữa, những hoa trái đầu mùa của Thần Linh, chúng ta cũng rên xiết nơi bản thân chúng ta khi chúng ta trông đợi được thừa nhận, trông đợi việc cứu độ thân xác của chúng ta” (Rm.8:19-23). Nhận thức được ơn gọi của con người và định mệnh của vũ trụ, Kitô hữu hiểu được ý nghĩa việc thai nghén này của hoàn vũ và biết được rằng nó là một vấn đề của việc thừa nhận thần linh dành cho tất cả mọi người, thành phần được kêu gọi để tham dự vào vinh quang của Thiên Chúa, vinh quang được phản ảnh qua toàn thể tạo vật. Kitô hữu biết rằng họ đã chiếm hữu được những hoa trái đầu mùa của việc thừa nhận này trong Chúa Thánh Thần, và vì thế, với một niềm hy vọng trông mong, họ tin tưởng vào định mệnh thế giới, ngay cả giữa những cơn hoạn nạn của lịch sử.

            Được đức tin soi sáng, Kitô hữu hiểu được ý nghĩa và hầu như cảm được sự thật nơi đoạn thư tiếp theo (đoạn trên đây) trong Thư gửi giáo đoàn Rôma, đoạn Thánh Tông Đồ bảo đảm với chúng ta rằng “Thần Linh đến trợ giúp chúng ta trong nỗi yếu hèn của chúng ta; vì chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào cho đúng như chúng ta phải cầu, song chính Thần Linh chuyển cầu bằng những lời than khôn tả. Đấng dò xét tâm can biết được ý hướng của Thần Linh, vì Ngài chuyển cầu cho các thánh theo ý muốn của Thiên Chúa” (Rm.8:26-28).

            Như anh chị em đã thấy, chính trong nơi thâm cung của linh hồn mà Chúa Thánh Thần sống động, nguyện cầu và làm việc. Ngài làm cho chúng ta càng ngày càng tiến vào, một cách trọn vẹn hơn, quan điểm về cùng đích tối thượng là Thiên Chúa, bằng cách làm cho cả cuộc sống của chúng ta hợp với dự án cứu rỗi của Ngài. Bởi thế, chính Chúa Thánh Thần là Đấng giúp cho chúng ta cầu nguyện, khi Ngài cầu nguyện trong chúng ta, bằng những cảm tình và lời lẽ của những người con cái Thiên Chúa (x.Rm.8:15,26-27; Gal.4:6; Eph.6:18), trong mối liên hệ thiêng liêng sâu xa có tính cách cánh chung với Chúa Kitô, Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa, nơi Người chuyển cầu cho chúng ta (x.Rm.8:34; Heb.7:25; 1Jn.2:1). Như thế là Chúa Thánh Thần đã cứu chúng ta cho khỏi ảo tưởng, cũng như khỏi các con đường cứu độ lầm lạc. Trong khi hướng lòng về mục đích chân thật của cuộc sống, Ngài giải thoát chúng ta khỏi khuynh hướng bi quan và hư vong. Những chước cám dỗ này đang nhiễm hại những ai không bắt đầu bằng căn bản đức tin, hay ít là bằng một ước vọng chân thành trong việc tìm kiếm Thiên Chúa.

            Chúng ta cần phải thêm là thân xác cũng được bao gồm trong chiều kích hy vọng này, một niềm hy vọng Chúa Thánh Thần ban cho loài người. Thánh Phaolô nói với chúng ta như vậy: “Nếu Thần Linh của Đấng làm cho Chúa Giêsu phục sinh từ trong kẻ chết ngự nơi anh em, thì Đấng làm cho Chúa Kitô sống lại từ trong kẻ chết cũng sẽ ban sự sống cho thân xác chết chóc của anh em nữa, nhờ Thần Linh của Ngài ngự trong anh em” (Rm.8:11; x.2Cor.5:5). Chúng ta hãy tạm thời dừng lại đây với những suy diễn về phương diện hy vọng này, theo chiều kích nhân loại học liên quan đến con người, cũng như theo chiều kích vũ trụ cánh chung của nó. Chúng ta sẽ trở lại với phương diện hy vọng này, nếu Chúa muốn, ở những buổi giáo lý mà chúng ta sẽ chú ý đến những tín điều Kitô giáo hấp dẫn và sâu xa: đó là tín điều về việc phục sinh của thân xác và sự sống đời đời của toàn thể con người, bao gồm cả hồn lẫn xác.

            Còn một điều nữa cũng cần phải để ý là: cuộc hành trình trần gian của đời sống sẽ tiến đến tận điểm, một tận điểm mà người nào tiến tới đó còn ơn nghĩa với Thiên Chúa, thì cũng là giây phút đầu tiên của cuộc vĩnh phúc. Cho dù trong cuộc chuyển tiếp về trời này, linh hồn phải chịu thanh tẩy cho sạch mọi vết nhơ cuối cùng nơi luyện ngục, linh hồn cũng đã được tràn đầy ánh sáng, an toàn và hân hoan, vì con người biết rằng họ là người nam hay nữ đã muôn đời thuộc về Thiên Chúa. Vào lúc tối chung này, linh hồn được Chúa Thánh Thần dìu dắt, Ngài là tác giả và là Đấng ban phát, chẳng những “ơn đầu tiên” được công chính hóa, cũng như ơn thánh hóa suốt cả cuộc đời trần gian của con người, mà còn cả ơn vinh hiển trong giờ lâm tử. Đó là ơn kiên trung đến cùng theo giáo huấn của Công Đồng  Orange (x.DS 183,199) và Công Đồng Chung Triđentinô (x.DS 806,809,832). Tín điều này căn cứ vào giáo huấn của các Tông Đồ, mà theo đó thì “muốn và làm” việc lành  (Phil.2:13) phải tùy thuộc vào Thiên Chúa, và con người phải cầu nguyện để được ơn làm lành cho đến cùng (x.Rm.14:4; 1Cor.10:12; Mt.10:22,24:13).

            Những lời của Thánh Tông Đồ Phaolô dạy cho chúng ta thấy được là nơi tặng của Ngôi Ba Thiên Chúa, sự bảo đảm cho việc chúng ta mãn nguyện nơi niềm hy vọng cứu độ: “Niềm hy vọng không làm cho chúng ta bị thất vọng, vì tình yêu của Thiên Chúa đã được tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Đấng đã được ban cho chúng ta” (Rm.5:5). Thế nên, “Cái gì sẽ tách lìa chúng ta khỏi tình yêu của Chúa Kitô?” Câu trả lời là một lời dứt khoát: không có gì “sẽ có thể tách lìa chúng ta khỏi tình yêu Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm.8:35,39). Do đó mà ước muốn của Thánh Phaolô là chúng ta được tràn đầy “niềm hy vọng bởi quyền lực của Chúa Thánh Thần” (Rm.15:13). Đây là nguồn lạc quan Kitô giáo, một lạc quan về định mệnh thế giới, về việc khả thủ ơn cứu độ ở mọi thời, ngay cả trong những thời ngặt nghèo nhất, trong những lúc khó khăn nhất nơi tiến trình lịch sử tiến đến vinh quang trọn hảo của Chúa Kitô (“Ngài - Thánh Thần - sẽ tôn vinh Thày” - Jn.16:14), cũng như tiến đến việc người tín hữu hoàn toàn tham dự vào vinh hiển của con cái Thiên Chúa.

            Theo quan điểm này, Kitô hữu có thể ngước mặt lên cao và hợp tiếng kêu cầu, một tiếng kêu cầu mà, theo Sách Khải Huyền, là một tiếng kêu sâu thẳm nhất được Chúa Thánh Thần làm vang lên qua suốt giòng lịch sử, đó là tiếng kêu: “Thần Linh và Hiền Thê nói, Hãy Đến!” (Rev.22:17). Giờ đây hãy lắng nghe lời mời gọi cuối cùng của Sách Khải Huyền cũng như của toàn thể Tân Ước: “Ai nghe thì hãy nói lên, Xin Hãy Đến! Ai khát thì hãy tiến lên cũng như ai muốn lãnh nhận tặng ân nước ban sự sống... Xin Hãy Đến, lạy Chúa Giêsu!” (Rev.22:17-20).

           

(Bài Giáo Lý thứ 80 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 3-7-1991,

trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)