Bài 5

 Việc Xức Dầu và Nước

Những Biểu Hiệu của Thần Linh trong Thánh Kinh

 

 

 

T

rong bài diễn từ của mình tại hội đường Nazarét vào lúc khởi đầu cuộc sống công khai, Chúa Giêsu đã áp dụng cho mình lời tiên tri Isaia này: “Thần Linh Chúa ở trên tôi, vì Ngài đã xức dầu cho tôi” (Is.61:1; x.Lk.4:18). Đây là một biểu hiệu khác được truyền từ Cựu Ước sang Tân Ước với một ý nghĩa chính xác và mới mẻ hơn. Điều này cũng đã xẩy ra với những biểu hiệu gió, chim bồ câu và lửa; trong những bài giáo lý mới đây, chúng ta đã thấy rằng những biểu hiệu này ám chỉ hoạt động và Ngôi Vị của Chúa Thánh Thần. Cả việc xức bằng dầu nữa, cũng thuộc về truyền thống của Cựu Ước. Các vua, hơn ai hết, đã được xức dầu, cả các tư tế cũng vậy, đôi khi các vị tiên tri nữa. Biểu hiệu xức bằng dầu là để nói lên sức mạnh cần thiết để thực thi quyền bính. Đoạn văn được trích từ tiên tri Isaia về “việc thánh hiến bằng dầu” ám chỉ đến sức mạnh tinh thần cần thiết để thi hành sứ vụ Thiên Chúa trao cho một người mà Ngài chọn và sai đi. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng vị được Thiên Chúa chọn này chính là Người, Đấng Thiên Sai. Mức độ tràn đầy sức mạnh ban xuống cho Người - mức độ tràn đầy Thánh Linh - thuộc về Người là Đấng Thiên Sai (tức là Đấng được Chúa xức dầu, hay là Đức Kitô).

            Trong sách Tông Đồ Công Vụ, thánh Phêrô cũng ám chỉ việc Chúa Giêsu được xức dầu khi ngài gợi lại “Thiên Chúa đã xức dầu cho Chúa Giêsu Nazarét với Chúa Thánh Thần và bằng quyền năng thế nào; Người đã đi làm việc lành và chữa trị mọi người bị ma qủi cầm buộc” (Acts 10:38). Như dầu thấm nhập vào gỗ hay các vật thể khác thế nào, Chúa Thánh Thần cũng thấm nhập toàn hữu thể của Chúa Giêsu Thiên Sai như vậy, ban cho Người quyền năng cứu độ để thể hiện trên cả xác thể lẫn hồn thiêng con người. Qua việc xức dầu với Chúa Thánh Thần này, Chúa Cha đã thực hiện việc thánh hiến Chúa Con.

            Cuộc tham dự vào việc xức dầu trong Chúa Thánh Thần của nhân tính Chúa Kitô được truyền sang cho tất cả những ai chấp nhận Người trong đức tin và đức mến. Điều này được thực hiện ở tầm mức bí tích nơi việc xức bằng dầu, một nghi thức thuộc về chi tiết của phụng vụ Giáo Hội, nhất là nơi Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thêm Sức. Như Thánh Gioan viết trong Thư Thứ Nhất của mình, họ được “xức dầu từ Đấng Thánh mà có”, và việc xức dầu này “vẫn còn” nơi họ (1Jn.2:20,27). Việc xức dầu này kiến tạo nên một nguồn mạch hiểu biết: “Anh em được xức dầu từ Đấng Thánh và anh em có được mọi hiểu biết” (1Jn.2:20), để “anh em không cần ai dạy bảo anh em ... mà việc xức dầu của Người dạy cho anh em mọi sự” (1Jn.2:27). Như thế, lời Chúa Giêsu hứa với các Tông Đồ đã được nên trọn: “Các con sẽ nhận được quyền lực khi Thánh Thần đến với các con và các con sẽ là những chứng nhân của Thày” (Acts 1:8).

            Nguồn mạch của kiến thức và hiểu biết được tìm thấy nơi Thần Linh, cũng như sức mạnh cần thiết để làm chứng cho chân lý thần linh. Thần Linh còn là nguồn mạch cho “cảm nhận đức tin” siêu nhiên, một cảm nhận theo Công Đồng Chung Vaticanô II (Hiến Chế Lumen Gentium, đoạn 12), là gia sản của Dân Thiên Chúa, như Thánh Gioan viết: “Tất cả anh em đều có kiến thức” (1Jn.2:20).

            Biểu hiệu nước cũng thường được thấy trong Cựu Ước. Mang một ý nghĩa rất bao quát, nước biểu hiệu cho sự sống mà Thiên Chúa nhưng không tràn ban xuống trên thiên nhiên cũng như trên con người. Chúng ta đọc thấy điều này nơi sách tiên tri Isaia: “Ta sẽ khai nguồn những con sông trên các đỉnh cao hoang trống, cùng những suối nguồn nơi các đồng bằng bát ngát; Ta sẽ biến sa mạc trở thành ao hồ và đất khô thành các giòng suối nước” (Is.41:18). Điều này ám chỉ về đặc tính ban sự sống của nước. Vị tiên tri gán biểu hiệu này cho Thần Linh Thiên Chúa, đặt nước và Thần Linh Thiên Chúa trong một mối liên hệ song phương khi tiên tri công bố thế này: “Ta sẽ đổ nước xuống trên miền khao khát và những mạch nước trên đất khô khan; Ta sẽ đổ Thần Linh của Ta xuống trên giòng dõi các ngươi... chúng sẽ vọt lên giữa đồng xanh mơn mởn, bên cạnh những giòng nước tuôn trôi...” (Is.44:3-4). Đặc tính ban sự sống của nước biểu hiệu cho đặc tính ban sự sống của Thần Linh.

            Chưa hết, nước còn làm cho đất đai khỏi bị hạn hán (x.1Kgs.18:41-45). Nước cũng làm giãn cơn khát của con người lẫn con vật (x.Is.43:20). Khát nước giống như khát khao Thiên Chúa, như chúng ta đọc trong Thánh Vịnh: “Như nai mong tới suối nguồn, hồn tôi cũng mong Chúa, ôi Thiên Chúa. Hồn con khát Thiên Chúa, Thiên Chúa hằng sống; Bao giờ con mới được nhìn thấy Chúa nhãn tiền?” (Ps.42:2-3; đoạn khác không kém phần rõ ràng là Thánh Vịnh 63:2).

            Sau hết, nước là biểu hiệu cho việc thanh tẩy, như chúng ta đọc thấy trong sách tiên tri Ezekien: “Ta sẽ vẩy nước sạch trên các ngươi để rửa các ngươi khỏi mọi nhơ bẩn của mình, và để các ngươi khỏi mọi ngẫu tượng của mình Ta sẽ tẩy rửa các ngươi” (Ez.36:25). Vị tiên tri này, trong một thị kiến rung cảm, cũng loan báo một quyền năng ban sự sống của nước: “Rồi tôi được mang trở lại cổng đền thờ và tôi đã thấy nước chảy ra về hướng đông từ bên dưới thềm cửa đền thờ... Ngài nói cùng tôi: ‘Nước này chảy vào địa hạt đông phương, đổ xuống trên Arabah, và biến mất trong biển cả, những giòng nước mặn, những giòng nước mà nó làm cho trong lành. Nước chảy đến bất cứ nơi nào thì mọi sinh vật có khả năng sinh sôi nẩy nở sẽ sống’...” (Ez.47:1,8-9).

            Trong Tân Ước, quyền năng thanh tẩy và ban sự sống của nước được dùng cho lễ nghi làm phép rửa như đã được thực hiện bởi Gioan, vị đã làm phép rửa thống hối ở sông Dược Đăng (x.Jn.1:33). Thế nhưng, chính Chúa Giêsu là Đấng đã cho biết nước là một biểu hiệu của Chúa Thánh Thần, khi Người hô hào đám đông dân chúng vào một ngày lễ: “Ai khát hãy đến với Tôi mà uống. Ai tin Tôi thì như Thánh Kinh viết: ‘Những giòng sông chảy nước hằng sống sẽ từ bên trong họ chảy ra’”. Thánh ký còn chú giải rằng: “Người nói điều này chỉ về Thần Linh mà những ai tin Người phải lãnh nhận; dĩ nhiên là chưa có Thần Linh vì Chúa Giêsu chưa được tôn vinh” (Jn.7:37-39).

            Những lời này còn giải thích tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói cùng người phụ nữ Samaritanô về nước hằng sống, nước mà chính Người sẽ ban. Trong con người, nước này trở nên “một mạch nước vọt lên sự sống đời đời” (Jn.4:10,14).

            Đó là tất cả những diễn đạt cho chân lý Chúa Giêsu mạc khải về Chúa Thánh Thần mà “nước hằng sống” là biểu hiệu cho Ngài. Trong bí tích Rửa Tội, biểu hiệu này được chuyển thành thực tại được tái sinh trong Thánh Thần. Về điểm này có nhiều đoạn Cựu Ước khác nhau cũng hợp với nhau, như đoạn về nước mà theo lệnh truyền của Thiên Chúa, Moisen làm chảy ra từ tảng đá (x.Ex.17:5-7; Ps.78:16), và một đoạn khác về mạch suối dành cho nhà Đavít để tẩy rửa tội lỗi và các nhơ nhớp (x.Zech.13:1;14:8). Đoạn nổi nhất trong các đoạn phải kể đến những lời của Sách Khải Huyền về những con sông chảy nước sự sống trong như pha lê tuôn ra từ ngai Thiên Chúa và tòa Con Chiên. Giữa lòng công trường của thành đô và hai bên bờ của giòng sông có cây sự sống; lá của cây này giúp để chữa lành các dân nước (x.Rev.22:1-2). Theo các nhà chú giải thánh kinh, những giòng nước hằng sống và ban sự sống này biểu hiệu cho Thần Linh, như thánh chính Gioan nói đến một số lần trong Phúc Aâm của ngài (x.Jn.4:10-14,7:37-38). Trong thị kiến này nơi Sách Khải Huyền, người ta bắt gặp thấy chính Chúa Ba Ngôi. Việc nói đến vấn đề chữa lành cho các dân nước cũng đáng chú ý. Việc chữa lành này là do lá của cây, một cây được nuôi dưỡng bằng nước hằng sống và lành mạnh của Thần Linh.

            Nếu dân Thiên Chúa “uống thứ nước linh thiêng này”, như Thánh Phaolô viết, thì cũng giống như dân Yến Duyên trong sa mạc, một thứ nước được lấy “từ tảng đá là Chúa Kitô” (1Cor.10:1-4). Từ cạnh sườn của Người bị đâm thâu trên thập giá “nước và máu chảy ra” (Jn.19:34), như là một dấu hiệu cho mục đích cứu độ nhờ cái chết của Người, một cái chết mà Người chịu đựng cho phần rỗi của thế gian. Kết qủa của cái chết cứu độ này là tặng ân Thánh Linh, một tặng ân Người đã ban một cách tràn lan cho Giáo Hội của Người.

            Đúng thế, “những mạch nước hằng sống chảy ra từ bên trong” mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, trở nên nơi linh hồn con người “một mạch nước vọt lên sự sống đời đời” (Jn.4:14) như là một tặng ân bởi Chúa Thánh Thần. Tặng ân này do Đấng Ban Phát mà có, Đấng rất dễ nhận ra, theo những lời của Chúa Kitô cũng như của các vị Tông Đồ của Người, đó là Ngôi Ba trong Ba Ngôi.

 

(Bài Giáo Lý thứ 55 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 24-10-1990,

trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)