Bài 6

 Tác Động Sáng Tạo của Thần Linh Thiên Chúa

 

 

 

T

heo ngôn ngữ thánh kinh, chữ ruah được nhấn mạnh theo nghĩa là “hơi thở của Thiên Chúa”  như muốn nói lên nét tương tự giữa tác động thần linh vô hình, linh thiêng, thấu nhập và toàn năng với gió, được bắt nguồn từ tâm lý và truyền thống mà các tác giả sách thánh đã rút lấy. Nét tương tự này hiến cho chúng ta món ăn tinh thần mới mẻ. Mặc dầu có nhiều ý nghĩa khác nhau được dịch ra, từ ngữ ruah cũng luôn luôn nói lên một mãnh lực sinh động từ bên ngoài hay bên trong con người và thế giới. Kể cả khi nó không trực tiếp ám chỉ ngôi vị thần linh đi nữa, từ ngữ có dính dáng đến Thiên Chúa này - “Thần Linh (hay hơi thở) của Thiên Chúa” - cũng đã ăn sâu vào tâm trí dân Yến Duyên ý niệm về một Thiên Chúa linh thiêng, Đấng can thiệp vào lịch sử và đời sống nhân loại. Nó dọn đường cho mạc khải sau này về Chúa Thánh Thần.

            Như thế, chúng ta có thể nói rằng, ngay trong trình thuật về việc sáng tạo ở Sách Khởi Nguyên, sự hiện diện của “thần linh (hay gió) của Thiên Chúa” bấy giờ đang chuyển vận trên mặt các giòng nước, lúc đất còn vô thể mung lung và tối tăm còn đang bao trùm mặt vực thẳm (x.Gn.1:2), là một ám chỉ hết sức hùng hồn cho mãnh lực sinh động ấy. Nó cho thấy rằng hơi thở hay thần linh của Thiên Chúa đã đóng vai trò của mình trong việc tạo dựng: đó là vai trò của một quyền lực ban sự sống, cùng với “lời” là yếu tố ban cho các sự vật hữu thể và cấp trật.

            Mối liên quan giữa thần linh của Thiên Chúa và các giòng nước, những gì chúng ta thấy ngay từ ban đầu trong câu truyện tạo dựng, còn được thấy ở một thể thức khác nơi những đoạn Thánh Kinh khác nhau có phần sáng tỏ hơn nữa, vì Thần Linh tự tỏ mình ra như là một giòng nước phong phú, một nguồn mạch của sự sống mới. Trong phần hai của sách tiên tri Isaia Thiên Chúa đã hứa điều này như sau: “Vì Ta sẽ đổ nước xuống trên miền đất khát mong và những mạch nước trên mảnh đất khô cằn; Ta sẽ đổ Thần Linh của Ta xuống trên giòng dõi các ngươi, cũng như phép lành của Ta trên con cháu các ngươi. Chúng sẽ trổ sinh như cỏ xanh giữa những giòng nước, như những đám rừng bên những giòng nước chảy” (Is.44:3-4). Giòng nước mà Thiên Chúa hứa tuôn đổ xuống đây chính là Thần Linh của Ngài, Thần Linh Ngài sẽ “tuôn tràn” trên dân của Ngài. Cũng thế, tiên tri Ezekien đã loan báo là Thiên Chúa “sẽ tuôn tràn” Thần Linh của Ngài xuống trên nhà Yến Duyên” (Ez.39:29), và tiên tri Joel cũng dùng cùng một cách diễn đạt để so sánh thần linh với nước được tràn tuôn: “Ta sẽ tuôn tràn thần linh của Ta trên mọi xác thể” (Joel 3:1 theo bản văn Do Thái).

            Việc dùng biểu hiệu nước ám chỉ Thần Linh này còn được lập lại trong Tân Ước với những ý nghĩa phong phú mới. Sau này chúng ta sẽ có dịp nói về chúng.

            Trong câu truyện tạo dựng, sau khi mở đầu đề cập đến thần linh hay hơi thở của Thiên Chúa chờn vờn trên các giòng nước (Gn.1:2), chúng ta không còn thấy chữ ruah, một tiếng Do Thái chỉ thần linh. Tuy nhiên, cách thức diễn thuật việc con người được tạo dựng nên đã cho thấy việc tạo dựng con người có liên hệ với thần linh hay hơi thở của Thiên Chúa. Chúng ta đọc thấy là, sau khi lấy bùn đất mà tạo dựng nên con người, Chúa là Thiên Chúa “đã thở hơi sự sống vào mũi con người; và con người trở thành một hữu thể sống động” (Gn.2:7). Từ ngữ “hơi thở” (Do Thái ngữ là neshama) là một đồng ngữ với “gió” hay “thần linh” (ruah), như cũng thấy rõ ràng tính cách tương đương này nơi những bản văn khác. Ngoài ra, tác động “thở hơi” được gán cho Thiên Chúa trong câu truyện tạo dựng cũng được gán cho Thần Linh trong thị kiến của tiên tri Ezekien về việc hồi sinh (Ez.37:9).

            Bởi thế, Sách Thánh cho chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa, bằng hởi thở của mình hay thần linh của mình, đã can thiệp vào việc tạo dựng nên con người thành một sinh linh. Nơi con người cũng có “hơi thở của sự sống”, một hơi thở phát xuất từ “việc thở hơi” của chính Thiên Chúa. Nơi con người, cũng có một hơi thở hay một thần linh giống như hơi thở và thần linh của Thiên Chúa.

            Khi kể lại việc các thú vật được tạo thành (câu 19) trong đoạn 2, Sách Khởi Nguyên đã không hề đề cập tí nào đến mối liên hệ chặt chẽ với hơi thở của Thiên Chúa cả. Trong đoạn trước đó, chúng ta thấy rằng con người được dựng nên “theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa” (Gn.1:26-27).

            Tuy nhiên, những bản văn khác cho là cả thú vật cũng có hơi thở sống động hay gió mà chúng nhận được từ Thiên Chúa. Về phương diện này, con người phát xuất từ bàn tay Thiên Chúa xem như thuộc về cùng một khối với tất cả mọi sinh vật. Do đó, Thánh Vịnh 104 không phân biệt người và thú khi thân thưa cùng Thiên Chúa Hóa Công: “Tất cả những vật này ngước trông Chúa để Chúa ban cho chúng lương thực theo thời. Khi Chúa ban cho chúng, chúng thu góp lấy” (các câu 27-28). Thế rồi Thánh Vịnh thêm: “Khi Chúa rút hơi thở chúng lại, chúng chết đi và trở về đất bụi của mình. Khi Chúa gửi Thần Linh của Chúa tới, chúng được tạo thành; và Chúa canh tân diện mạo trái đất” (các câu 29-30). Thế nên, việc hiện hữu của các tạo vật lệ thuộc vào tác động thần-linh-thở-hơi của Thiên Chúa, Đấng chẳng những tạo dựng mà còn bảo tồn và tiếp tục canh tân dung nhan trái đất.

            Cuộc tạo dựng thứ nhất đã bị tội lỗi tàn phá. Thế nhưng, Thiên Chúa đã không mặc kệ nó bị hủy hoại, trái lại, Ngài đã sửa soạn cứu độ nó để thiết lập một “cuộc tân tạo” (x.Is.65:17; Gal.6:15; Rev.21:5). Tác động của Thần Linh Thiên Chúa đối với cuộc tân tạo này được tiên tri Ezekien nhắc đến trong lời tiên báo nổi tiếng về việc hồi sinh. Trong một thị kiến sâu đậm, tiên tri thấy trước mắt một cánh đồng bao la “đầy những xương”, và tiên tri được lệnh nói tiên tri cho những xương này mà rằng: “Oâi những xương khô, hãy nghe lời Chúa, Vậy Chúa là Thiên Chúa phán cùng các xương này là: ‘Này đây, Ta sẽ khiến cho hơi thở nhập vào các ngươi cho các ngươi được sống...’” (Ez.37:1-5). Vị tiên tri thi hành mệnh lệnh thần linh, thế rồi “có tiếng động, một tiếng răng rắc, và những khúc xương gắn liền với nhau, xương với xương” (37:7). Sau đó là gân cốt nối chúng lại, thịt đắp vào chúng và da bao bọc chúng; cuối cùng, theo lệnh của vị tiên tri, hơi thở nhập vào chúng, và chúng đã sống động, đứng trên đôi chân của mình (x.37:8-10).

            Ý nghĩa chính trong thị kiến này là cố ý loan báo về việc dân Yến Duyên phục hồi sau cuộc tàn phá và lưu đầy: “Những xương này là toàn thể nhà Yến Duyên”, Chúa phán. Dân Yến Duyên được coi như bị mất đi, không còn hy vọng gì. Thiên Chúa đã hứa với họ: “Ta sẽ đặt Thần Linh của Ta trong các ngươi và các ngươi sẽ được sống” (37:14). Tuy nhiên, theo ý nghĩa mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu, những lời tiên tri mang một ý nghĩa sâu xa hơn, đó là loan báo một cuộc phục sinh thật sự của thân xác chết chóc chúng ta nhờ tác động của Thần Linh Thiên Chúa.

            Thánh Tông Đồ Phaolô diễn tả điều chân thật của đức tin ấy bằng những lời này: “Nếu thần linh của Đấng phục sinh Chúa Giêsu từ trong kẻ chết ở trong anh em, thì Đấng phục sinh Chúa Giêsu Kitô từ trong kẻ chết cũng sẽ làm cho thân xác tử vong của anh em được sống nhờ Thần Linh mình là Đấng ở trong anh em” (Rm.8:11).

            Cuộc tân tạo đã được bắt đầu nhờ tác động của Chúa Thánh Thần nơi cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô. Trong cuộc khổ nạn của mình, Chúa Giêsu đã trọn vẹn được Chúa Thánh Thần tác động nơi nhân tính của Người (x.Heb.9:14). Nhờ đó, Người đã vượt từ sự chết đến sự sống mới (x.Rm.6:10), một sự sống mà giờ đây Người có thể thông ban cho tất cả mọi tín hữu, bằng cách truyền sang cho họ cùng một Thần Linh, trước tiên nơi bí tích rửa tội rồi tròn đầy nơi cuộc phục sinh sau hết.

            Vào tối Ngày Phục Sinh, hiện ra với các môn đệ ở nhà tiệc ly, Chúa Kitô phục sinh đã lập lại nơi các vị tác động của Thiên Chúa Hóa Công trên Adong. Thiên Chúa đã “thở hơi” trên thân xác của con người để ban cho con người sự sống. Chúa Giêsu cũng “đã thở hơi” trên các môn đệ của Người mà phán: “Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần” (Jn.20:22).

            Như thế, hơi thở nhân loại của Chúa Giêsu thể hiện một tác động thần linh mới còn diệu vợi hơn cả tác động thần linh ban đầu nữa. Nó không phải chỉ là việc tạo dựng nên một con người sống động, như trong cuộc tạo dựng ban đầu, mà là một khai mở cho con người vào sự sống thần linh.

            Bởi thế, Thánh Phaolô đã có lý thiết lập mối tương đồng và tương phản giữa Adong và Chúa Kitô, giữa cuộc tạo dựng lần đầu và cuộc tạo dựng lần cuối, khi thánh nhân viết: “Nếu có thân thể vật lý cũng có thân xác linh thiêng. Do đó mới có lời chép: ‘Adong con người đầu tiên đã trở nên một sinh linh’ (Gn.2:7), Adong cuối này đã trở nên một thần linh ban sự sống” (1Cor.15:44-45). Chúa Kitô phục sinh, Tân Adong, nhờ Chúa Thánh Thần đã được hòa nhập vào nhân tính của mình đến nỗi chính Người có thể được gọi là “thần linh”. Nhân tính của Người chẳng những chiếm hữu cho mình tầm mức viên trọn Thánh Linh, mà còn có khả năng thông truyền sự sống Thần Linh cho tất cả nhân loại. “Ai ở trong Chúa Kitô”, Thánh Phaolô viết, “người đó là một tạo vật mới” (2Cor.5:17).

            Như thế, tác động sáng tạo và canh tân của Thần Linh Thiên Chúa được hoàn toàn tỏ hiện nơi mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô. Giáo Hội kêu lên Thần Linh khi Giáo Hội nguyện cầu: “Veni Creator Spiritus”, “Xin Thần Linh Sáng Tạo hãy đến”.

           

 

(Bài Giáo Lý thứ 28 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 10-1-1990,

trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)