Bài 7

 Tác Động Hướng Dẫn của Thần Linh Thiên Chúa

 

 

C

ựu Ước đã cho chúng ta thấy những trường hợp qúi hóa về vai trò không thể chối cãi của Thần Linh Thiên Chúa - như “gió nhẹ”, “hơi thở”, “sinh lực”, được biểu hiệu nơi gió. Những trường hợp này được gặp thấy chẳng những nơi các cuốn sách tổng hợp diễn đạt cả về tôn giáo lẫn văn chương của tác giả sách thánh, thành phần tiêu biểu cho tâm lỳ lẫn ngôn từ của dân Yến Duyên, mà còn ở ngay nơi chính đời sống của cá nhân những người dẫn dắt dân trong cuộc hành trình lịch sử tiến về tương lai của lời hứa ban đấng thiên sai.

            Theo các tác giả sách thánh thì Thần Linh của Thiên Chúa là Đấng tác hành nơi các vị lãnh đạo. Thần Linh muốn thấy rằng các vị lãnh đạo này chẳng những nhân danh Thiên Chúa mà làm, lại còn thực sự làm theo đúng như ý định của Thiên Chúa nữa. Họ không được chú ý quá nhiều đến việc kiến tạo và tăng cường quyền lực riêng tư hay vương hệ của mình theo quan điểm quân chủ hay phong kiến, trái lại, họ phải nhắm đến việc thực hiện những phục vụ cao qúi cho kẻ khác, nhất là cho dân tộc của mình. Có thể nói được rằng, qua việc trung gian của những vị lãnh đạo này, Thần Linh của Thiên Chúa đã đi vào lịch sử Yến Duyên và hướng dẫn lịch sử Yến Duyên.

            Nơi câu chuyện về các tổ phụ người ta đã có thể nhận thấy rằng các vị lãnh đạo được hướng dẫn trong cuộc hành trình của họ, trong những bước tiến cũng như trong những kinh nghiệm của họ, bởi một bàn tay thần linh đang hình thành dự án của mình liên quan đến giòng dõi của họ. Một trong các vị tổ phụ này là Giuse, vị mà Thần Linh Thiên Chúa đã sống động bên trong như một thần linh khôn ngoan. Vị tổ phụ này đã được vua Pharao nhận ra, qua lời ông nói với quần thần của mình: “Chúng ta còn có thể tìm một người nào khác như hắn, một con người đầy thần linh Thiên Chúa?” (Gn.41:38). Thần linh của Thiên Chúa làm cho Giuse có khả năng cai quản xứ sở và hoàn thành những công việc phi thường, chẳng những cho gia đình của mình cũng như cho các tộc hệ gia đình mình, mà còn cho dự án của cả tương lai lịch sử Yến Duyên nữa.

            Thần linh của Thiên Chúa cũng tác động nơi Moisen nữa, vị trung gian giữa Giavê và dân. Thần linh nâng đỡ ông và dẫn dắt ông trong cuộc xuất hành mang dân Yến Duyên về quê cha đất tổ, thành một dân tộc hoàn toàn biệt lập, có khả năng hoàn thành vai trò thiên sai của mình. Khi các gia đình cắm trại trong sa mạc trải qua cơn khốn khó thì Moisen đã than van trước nhan Thiên Chúa rằng ông cảm thấy không mang nổi “gánh nặng cả đám dân này” (Num.11:14). Thiên Chúa đã truyền cho ông chọn lấy 70 người nam. Cùng với nhóm người này, ông đã thiết lập cơ cấu quản trị đầu tiên trong việc dẫn dắt những chi tộc này trong cuộc hành trình của họ, và Thiên Chúa đã báo cho ông biết rằng: “Ta cũng sẽ lấy một phần Thần Linh trên ngươi mà ban cho họ, để họ có thể chia sẻ gánh nặng dân này với ngươi, như thế ngươi sẽ không còn một thân một mình mang nó nữa” (Num.11:17). Thế là, 70 vị lão thành tụ họp lại chung quanh lều hội kiến và “Chúa đã lấy một phần thần linh nơi Moisen mà ban cho 70 vị lão thành” (Num.11:25).

            Vào cuối đời mình, Moisen đã nghĩ đến việc lưu lại cho cộng dồng này một vị lãnh đạo để “nó khỏi trở thành một đàn người thiếu vắng chủ chăn”, Chúa đã chỉ định Gioduệ thay ông; Gioduệ là “một người có thần linh” (Num.27:17-18). Moisen đã đặt “tay trên Gioduệ”, và kết qủa là cả Gioduệ nữa, cũng “đầy thần linh khôn ngoan” (Dt.34:9). Đây là những trường hợp điển hình của việc Thần Linh hiện diện và tác hành nơi đời sống của những vị chủ chăn dân Yến Duyên.

            Có những lúc tặng ân của Thần Linh cũng được ban cho một người là thành phần, tuy không thuộc thành phần lãnh đạo, được Thiên Chúa kêu gọi để làm một việc thiết yếu trong một giai đoạn và hoàn cảnh đặc biệt nào đó. Chẳng hạn, khi cần phải kiến trúc lều hội kiến và hòm giao ước, Thiên Chúa đã phán với Moisen rằng: “Này, ta đã gọi đích danh Bezalel... Ta đã làm cho hắn đầy thần linh tài khéo, thâm hiểu và kiến thức về mọi việc thủ công” (Ex.31:3; x.35:31). Hơn thế nữa, Thiên Chúa còn ban cho cả những người cộng tác làm việc với vị thủ công viên này: “Ta cũng ban cho tất cả những chuyên viên tài khéo cần thiết để làm mọi thứ như Ta đã truyền ngươi làm: đó là lều hội kiến và hòm bia” (Ex.31:6-7).

            Sách Các Quan Aùn đã trình thuật đời sống của những người trước hết được gọi là “những người hùng bất khuất”, sau đó trở thành những quan quyền cai trị những thành hay những khu vực trong thời kỳ định cư giữa giai đoạn bộ lạc và quân chủ. Theo cách sử dụng động từ shâfat, tức “xử trí”, trong những ngôn ngữ Semitic liên hệ với tiếng Do Thái, thì những người này chẳng những được coi là những quản viên công lý mà còn là những nhà lãnh đạo dân mình nữa. Họ được Thiên Chúa là Đấng thông ban cho họ thần linh của Ngài (hơi thở - ruah) cất nhắc lên để đáp lại tiếng kêu cầu của dân dâng lên Ngài trong những cơn hoạn nạn của họ. Trong Sách Các Quan Aùn có một số lần việc xuất thân của họ và cuộc chiến thắng của họ cũng được coi là một tặng ân của thần linh. Như trong trường hợp của Othniel, vị quan án cao cả đầu tiên, mà cuộc đời của ông được tóm lại như sau: “khi dân Yến Duyên kêu cầu lên Chúa, Ngài đã tiến cử cho họ một vị cứu tinh là Othniel... và ông đã giải cứu họ. Thần linh của Chúa đến trên ông và ông đã điều hành dân Yến Duyên” (Jgs.3:9-10).

            Nơi trường hợp của Gideon thì quyền lực của tác động thần linh lại được nhấn mạnh: “Thần linh Chúa bao trùm lấy Gideon” (Jgs.6:34). Với Jephthah cũng thế: “thần linh Chúa đến với Jephthah” (Jgs.11:29). Với Samson: “Thần linh Chúa bắt đầu khơi động ông” (Jgs.13:25). Trong những trường hợp này, thần linh của Thiên Chúa là Đấng ban sức mạnh phi thường, ban can đảm trong việc quyết định, và đôi khi ban cả khả năng chiến thuật, nhờ đó con người có đủ bản lãnh thi hành sứ vụ được ký thác cho họ trong việc giải thoát và lãnh đạo dân chúng.

            Đến thời lịch sử nhẩy vọt từ chế độ quan án sang vua chúa, lúc mà dân Yến Duyên xin cho được “một vị vua để cai trị chúng tôi như nơi các nước khác” (1Sam.8:5), thì Samuen, vị quan án già nua cũng là nhà giải phóng, đã làm theo để không tác hại đến cảm nhận thuộc về Thiên Chúa như một dân được tuyển chọn của dân Yến Duyên, cũng như để bảo đảm cho yếu tố trọng yếu về thần quyền, tức là yếu tố công nhận quyền hạn của Thiên Chúa trên dân. Việc xức dầu cho các vua như là một lễ nghi khai triều là dấu hiệu của một cuộc phong vương linh thiêng, một cuộc phong vương đặt quyền lực chính trị nhằm vào việc phục vụ mục tiêu tôn giáo và mục tiêu hướng về đấng thiên sai. Theo chiều hướng này, Samuen đã nói với Saulê, sau khi xức dầu cho Saulê và báo trước cho Saulê biết về việc gặp gỡ của vua ở Gibeath với một nhóm tiên tri ca hát thánh vịnh, rằng: “Thần linh của Chúa sẽ chiếm lấy ngươi và ngươi sẽ nhập bọn với họ trong trạng thái sấm ngôn của họ, rồi ngươi sẽ được đổi thành một con người khác” (1Sam.10:6). Cũng thế, khi vừa xuất hiệnù những dấu hiệu gây chiến, thì “thần linh Thiên Chúa đã chiếm cứ Saolê” (1Sam.11:16). Lời hứa bảo vệ và lời Thiên Chúa giao ước mà Samuen đã tuyên bố với Saolê đã được hiện thực nơi vua: “Thiên Chúa ở với ngươi” (1Sam.10:7). Khi thần linh Thiên Chúa rời bỏ Saolê, ông bị hoảng hốt bởi một thần dữ (x.1Sam.16:14). Bấy giờ Đavít đã nhập cuộc, được Samuen già nua thánh hiến bằng dầu, nhờ đó, “thần linh Chúa từ ngày đó chiếm cứ Đavít” (1Sam.16:13).

            Nơi Đavít, hơn cả nơi Saolê, lý tưởng về một vị vua được Chúa xức dầu được thực hiện, một khuôn mẫu cho Đức Vua Kitô Đấng Thiên Sai sau này, Đấng sẽ thực sự là vị giải phóng và cứu chuộc dân của Người. Mặc dầu các vua kế vị Đavít không đạt tới tầm vóc của vua trong việc làm hiện thực vai trò vương giả của đấng thiên sai, và không thiếu gì người trong họ lại còn lạm dụng giao ước của Giavê hứa với dân Yến Duyên nữa, thế nhưng lý tưởng về một Đức Vua Đấng Thiên Sai vẫn không mất đi. Lý tưởng này đã được dự phóng trong tương lai với một lòng mong đợi được tiếp tục khơi lên bởi những lời tiên tri loan báo.

            Tiên tri Isaia đặc biệt nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa thần linh Thiên Chúa và Đấng Thiên Sai: “Thần linh Chúa sẽ ở trên người” (Is.11:2). Đó là một thần linh sức mạnh, nhưng, trên hết, là một thần linh khôn ngoan: “một thần linh khôn ngoan và thâm hiểu, một thần linh dẫn dụ và sức mạnh, một thần linh minh luận và kính sợ Chúa”, thần linh này là Đấng sẽ điều khiển Đấng Thiên Sai tác hành theo công lý nhân danh thành phần sầu đau, nghèo khó và bị áp bức (Is.11:2-4).

            Như thế, Thánh Linh của Chúa (x.Is.42:1,61:1f,63:10-13; Ps.50,51:13; Wis.1:5,9:17), “hơi thở sự sống” (ruah) của Ngài hoạt động dọc suốt lịch sử Thánh Kinh sẽ được ban trọn vẹn cho Đấng Thiên Sai. Chính thần linh này đã thở hơi trên những giao động trước cuộc tạo dựng (x.Gn.1:2), thần linh ban sự sống cho tất cả những sinh vật (x.Ps.104:29-30,33:6; Gn.2:7; Ez.37:5-6,9-10), thần linh tiến cử những vị quan án (x.Jgs.3:10,6:34,11:29) và các vua (x.Sam.11:6), thần linh làm cho các thủ công viên làm được công tác của mình nơi cung thánh (x.Ex.31:3,35:31), thần linh ban cho tổ phụ Giuse sự khôn ngoan (x.Gn.41:38), và cho Moisen cũng như các tiên tri linh hứng (x.Num.11:17,25-26,24:2; 1Sam.23:2), cũng sẽ tràn tuôn xuống trên Đấng Thiên  Sai vô vàn tặng ân (x.Is.11:2). Đấng Thiên Sai nhờ đó sẽ có thể hoàn thành sứ vụ công lý và hòa bình của mình. Người là Đấng Thiên Chúa “đặt Thần Linh Ngài” “sẽ mang lại công lý cho các dân nước” (Is.42:1). “Người sẽ không thoái lui hay nản chí cho đến khi Người thiết lập công lý trên trái đất” (42:4).

            Người sẽ “thiết lập công lý” và giải thoát thành phần bị áp bức bằng cách nào? Phải chăng sẽ bằng sức mạnh của vũ khí như các vị quan án, theo thần linh thúc động, và như nhà Maccabê làm sau đó nhiều thế kỷ? Cựu Ước đã không trả lời dứt khoát cho vấn nạn này. Có một số đoạn đã nói đến những lần can thiệp bằng bạo lực, chẳng hạn, như bản văn của tiên tri Isaia: “Ta đã chà đạp dân mình trong cơn hận của Ta, Ta đã nghiền nát chúng trong cơn giận của Ta, và Ta để cho máu chúng loang chảy trên đất” (Is.63:6). Tuy nhiên, cũng có những đoạn lại nhấn mạnh đến việc loại trừ mọi đối chọi: “Dân nước này sẽ không vung gươm lên chống lại với dân nước kia, không còn việc thao chiến nữa” (Is.2:4).

            Câu trả lời đã được sáng tỏ khi Chúa Thánh Thần hướng dẫn Chúa Giêsu thực hiện sứ vụ của Người: theo Phúc Aâm, chúng ta biết rằng Thần Linh đã nhắc nhở Chúa Giêsu trong việc loại trừ sử dụng vũ khí và bất cứ tham vọng trần gian nào, trái lại, thực hiện cuộc chiến thắng thần linh bằng một lòng quảng đại vô hạn, khi đổ máu mình ra để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Tác động hướng dẫn của Chúa Thánh Thần được biểu lộ ra nơi đường lối dứt khoát là như thế.

 

(Bài Giáo Lý thứ 29 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 17-1-1990,

trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)