Bài 9

Thần Linh và Khôn Ngoan

 

C

ảm nghiệm những lời tiên tri trong Cựu Ước đã cho thấy mối liên lạc đặc biệt giữa lời Chúa và thần linh. Vị tiên tri nói nhân danh Chúa và bởi thần linh. Sách Thánh tự mình cũng là lời Chúa bởi Thần Linh mà có, một ghi nhận của thần linh qua các thế hệ. Cuốn sách này là thánh do bởi thần linh, Đấng làm cho nó mang lại hiệu năng nhờ lời phát biểu cũng như lời ghi chép.

            Ngay cả nơi thành phần không phải là tiên tri, thần linh cũng nhúng tay vào việc họ tuyên phán lời Chúa. Cuốn Sách Ký Sử Thứ Nhất kể lại rằng, những “kẻ anh dũng” ý thức được lòng trung thành của mình đã tham gia với Đavít. Sách viết rằng “thần linh bao phủ Amasai, vị lãnh đạo của 30 (người anh dũng)” và đã khiến ông nói cùng Đavít những lời này: “Chúng tôi thuộc về ngài... Bình an, an bình cho ngài, và bình an cho ai trợ giúp ngài; Thiên Chúa của ngài chính là Đấng cứu giúp ngài”. Và “Đavít đã tiếp nhận họ rồi cho họ làm thành phần chỉ huy đạo quân của mình” (1Chr.12:19). Một trường hợp khác còn hùng hồn hơn nữa được Cuốn Ký Sử Thứ Hai kể lại, trường hợp mà Chúa Giêsu đã nhắc đến (x.Mt.23:35; Lk.11:51). Trường hợp này xẩy ra vào lúc việc thờ phượng nơi đền thờ đang xuống dốc và dân Yến Duyên đang chiều theo chước cám dỗ tôn thờ ngẫu tượng. Bấy giờ các vị tiên tri được Thiên Chúa sai đến với dân Yến Duyên để dân này có thể trở về với Ngài không chịu nghe theo các vị, thì “lúc ấy Thần Linh Thiên Chúa chiếm cứ Zacharia, con của tư tế Jehoiada, Vị này đứng trên dân mà nói cùng họ rằng: ‘Thiên Chúa phán: Tại sao các ngươi đã lỗi đến các mệnh lệnh của Chúa, một việc lỗi lầm đã làm cho các ngươi không sao triển phát được? Tại vì các ngươi đã lìa bỏ Chúa nên Ngài đã bỏ mặc các ngươi”. Thế nhưng, họ đã âm mưu chống lại vị tiên tri, và theo lệnh vua, họ đã ném đá giết chết vị này trong nội cung đền thờ Chúa” (2Chr.24:20-21). Đấy là những trường hợp nói lên ý nghĩa về mối liên hệ giữa thần linh và lời Chúa, hiện diện nơi tâm tư và từ vựng của dân Yến Duyên.

            Còn một mối liên hệ khác tương tự như thế, đó là mối liên hệ giữa thần linh và đức khôn ngoan. Điều này được thấy trong Sách Tiên Tri Daniel, trên cửa miệng của vua Nebuchadneoãar. Trong việc kể lại giấc mơ của mình và được Daniel giải thích cho biết, vua đã nhận biết vị tiên tri như “một người có thần linh của Thiên Chúa thánh hảo” (Dan.4:5,x.4:6,15,5:11,14), tức là có thần hứng, điều mà vua pharao vào thời của mình cũng đã nhận thấy nơi Giuse qua đức khôn ngoan huấn dụ của vị tổ phụ này (x.Gn.41:38-39). Theo từ vựng dân ngoại, vua Babylon lập đi lập lại “thần linh của các thần thánh hảo”, tuy nhiên, trong phần kết thúc, vua lại nói về “vua trời” ở số ít (theo ngữ vựng và văn phạm). Dầu sao đi nữa, vua đã công nhận rằng thần linh Thiên Chúa tỏ hiện nơi Daniel, như chính vua Belshaoãar cũng công nhận: “Ta đã nghe thấy rằng thần linh của các thần thánh hảo ở nơi ngươi, do đó, ngươi có được một kiến thức tinh thông và một sự khôn ngoan phi thường” (Dan.5:14). Rồi tác giả của cuốn sách nhấn mạnh rằng “Daniel đã qua mặt tất cả những vị giám sát mình cũng như những vị thuộc quan, vì nơi Daniel có một thần linh siêu việt, và nhà vua đã nghĩ đến việc ban cho Daniel quyền bính trên toàn cõi vương quốc của vua” (Dan.6:3).

            “Sự khôn ngoan phi thường” và “thần linh siêu việt” được gán cho Daniel rất đúng. Nó chứng thực cho mối liên hệ giữa hai tính chất này nơi Do Thái giáo ở thế kỷ thứ hai trước công nguyên (lúc mà cuốn sách này được viết ra), để nâng đỡ đức tin và lòng cậy trông của những người Do Thái bị Antiochus Epiphanes bắt bớ.

            Theo Sách Khôn Ngoan, một bản văn được tìm hiểu gần như trọn vẹn trước ngưỡng cửa của Tân Ước - tức là, theo một số tác giả hiện đại, vào hạ bán thế kỷ thứ nhất trước công nguyên và vào giai đoạn Hellenistic - thì mối liên hệ giữa khôn ngoan và thần linh được nhấn mạnh đến nỗi cả hai hầu như trở thành đồng nhất. Ngay đầu sách chúng ta đã đọc thấy câu “khôn ngoan là một thần linh từ ái” (Wis.1:6). Thần linh từ ái này được hiện tỏ và thông truyền nhờ sức mạnh của tình yêu sâu xa đối với nhân loại. Thế nhưng, thần linh từ ái này không mù quáng cũng không chấp nhận sự dữ nơi con người, cho dù là sự dữ ẩn kín đi nữa. “Khôn ngoan không nhập vào một linh hồn mưu đồ gian ác, cũng không ngự trong một xác thân nặng nợ tội lỗi. Vì thánh thần của kỷ cương tránh lánh giả tưởng và rút khỏi những dẫn dụ mơ hồ... Khôn ngoan không dung thứ kẻ dùng môi miệng nói lộng ngôn, vì Thiên Chúa chứng giám thâm cung của họ, thấu suốt tâm can của họ và nghe thấu lời lẽ của họ” (Wis.1:4,6).

            Thế nên, thần linh Chúa là một thánh thần, đấng muốn thông truyền sự thánh hảo của mình ra và thực hiện phận sự giáo dục của mình: “Thánh thần là đấng dạy dỗ” (Wis.1:5). Thần linh chống lại bất công. Điều này không làm hạn hẹp tình yêu của thần linh, mà là một đòi hỏi của tình yêu này. Trong việc chống lại sự dữ, thần linh chống lại tất cả mọi khiếm khuyết, song không bao giờ để mình bị lèo lái, vì không một sự gì có thể thoát nổi thần linh, “ngay cả những lời nói kín mật đi nữa” (Wis.1:11). Thần linh “tràn lan hoàn vũ”; một thần linh toàn hiện (omnipresent). “Và vì gồm tóm mọi sự, thần linh biết điều con người nói” (Wis.1:7). Việc thần linh toàn hiện phát sinh một sự hiểu biết về tất cả mọi sự vật, kể cả những gì kín nhiệm nhất.

            Là một “thần linh từ ái”, thần linh không chỉ có ý trông coi con người mà còn làm cho họ tràn đầy tiếng nói và sự thánh thiện của Ngài. “Thiên Chúa không tạo nên sự chết, và Ngài cũng không vui mừng nơi sự hủy diệt của sinh vật. Vì Ngài hình thành mọi sự vật là để cho chúng được sống...” (Wis.1:13-14). Điều xác nhận tính chất tạo dựng tích cực này đã phản ảnh ý niệm thánh kinh về Thiên Chúa như là “Đấng hiện hữu” và là Đấng Tạo Thành toàn thể vũ trụ (x.Gn.1:1ff). Điều xác nhận này còn hiến một căn bản đạo lý cho quan niệm về triết lý và cho cả luân lý về mối liên hệ với các sự vật; hơn hết, nó gợi ý cho một luận bàn về cùng đích của con người, một luận bàn không triết lý nào có thể khai triển mà không được mạc khải thần linh hỗ trợ. Bởi thế, sau này Thánh Phaolô mới nói rằng nếu sự chết có là do tội lỗi của một người thì Đức Kitô, như một Adong mới, đã đến để cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi và giải thoát nhân loại khỏi sự chết (x.Rm.5:12-21). Thánh Tông Đồ còn thêm là Đức Kitô mang lại một sự sống mới trong Chúa Thánh Thần (x.Rm.8:1ff), khi thánh nhân gọi tên, đúng hơn, cho biết sứ mệnh của Ngôi Vị thần linh được hàm chất mầu nhiệm nơi những trang Sách Khôn Ngoan.

            Vua Solomon, người được coi như tác giả của cuốn sách này qua cách kết cấu từ chương khéo léo, vào một lúc kia, đã nói với đồng liêu của mình rằng: “Oâi các vua, hãy lắng nghe...” (Wis.6:1), bằng cách kêu mời họ nhận lấy sự khôn ngoan là cái bí mật và là tiêu chuẩn của lòng trung thành, và bằng việc cắt nghĩa “khôn ngoan là gì...” (Wis.6:22). Vua đã chúc tụng sự khôn ngoan qua một chuỗi dài về các đặc điểm của thần linh mà vua gán cho sự khôn ngoan, hầu như nhân cách hóa sự khôn ngoan này: “Thần linh ở nơi nàng, tinh thông, thánh hảo, chuyên nhất, đa diện ...” (Wis.7:22-23). Có 21 (3 lần 7) phẩm chất được kể đến, bao gồm những lời được trích một phần từ triết lý Hy Lạp và một phần từ Thánh Kinh. Sau đây là những phẩm chất quan trọng nhất:

            Thần linh “tinh thông”, tức không phải là một thôi thúc mù quáng mà là một động lực do nhận thức chân lý điều khiển. Thần linh là một thần linh “thánh hảo”, vì nó chẳng những muốn sáng soi con người mà còn làm cho họ nên thánh hảo nữa. Thần linh “chuyên nhất và đa diện”, để có thể thấu nhập vào trong mọi sự. Thần linh “tinh tế” và thấm nhập vào các thần trí. Bởi thế, hoạt động của thần linh chính yếu là nội tâm, như chính sự hiện diện của thần linh. Thần linh “toàn năng và toàn kiến”, nhưng không tạo nên một quyền lực bạo tàn và hủy diệt, vì thần linh thì “từ ái và là bạn của nhân loại”, mong sự lành cho họ và có thói quen làm họ “nên bạn hữu của Thiên Chúa”. Tình yêu nâng đỡ và hướng dẫn việc thực thi quyền năng của thần linh.

            Bởi thế, khôn ngoan có những phẩm chất của thần linh và thực thi những vai trò vốn được gán cho thần linh: “thần linh khôn ngoan và thông biết... v.v.” (Is.11:2f), vì khôn ngoan với thần linh như là một trong thẳm cung huyền nhiệm của thực tại thần linh.

            Trong số những chức năng của Thần-Linh-Khôn-Ngoan có một chức năng là làm cho ý muốn thần linh được nhận biết: “Ai đã từng biết được ý muốn của Chúa, trừ phi Chúa ban Khôn Ngoan cho và gửi thánh linh của Chúa từ trời đến cho” (Wis.9:17). Không được trợ giúp, con người không thể nào biết được ý muốn của Thiên Chúa: “Người nào biết được huấn dụ của Thiên Chúa?” (Wis.9:13). Bằng thánh linh của mình, Thiên Chúa đã tỏ ý muốn của Ngài ra, tỏ dự án của Ngài ra cho cuộc sống con người, còn sâu xa và vững chắc hơn là việc ban bố luật lệ thành văn theo ngôn ngữ loài người. Tác động từ bên trong qua tặng ân của Chúa Thánh Linh, Thiên Chúa khiến cho “những lề lối của những ai sống trên trái đất được ngay thẳng; và con người biết được điều làm hài lòng Chúa để nhờ khôn ngoan mà được cứu” (Wis.9:18). Đến đây, tác giả Sách Khôn Ngoan đã dùng 10 chương để trình thuật công việc của Thần-Linh-Khôn-Ngoan đã thực hiện nơi lịch sử, từ Adong cho tới Moisen, tới việc thiết lập giao ước với dân Yến Duyên, tới việc giải phóng, được biểu lộ qua việc liên tục chăm sóc cho dân của Thiên Chúa. Rồi tác giả kết luận: “Oâi Chúa, bằng mọi cách, Chúa đã làm cho dân Chúa lớn mạnh và vinh quang; Chúa không thôi đứng kề bên họ mọi lúc và mọi nơi...” (Wis.19:22).

            Trong phần tường thuật văn chương khôn ngoan theo lịch sử này có một đoạn văn nói về Chúa mà tác giả đã nhắc tới thần linh toàn hiện của Thiên Chúa, một thần linh yêu thương và bảo bọc cuộc sống con người. Điều này cũng bao gồm cả các địch thù của dân Thiên Chúa, nói chung, bao gồm cả thành phần vô đạo, thành phần tội nhân. Nơi cả những người này nữa, cũng có thánh linh yêu thương và sự sống: “Chúa dung tha cho tất cả mọi sự, vì chúng là của Chúa, Oâi Chúa, tình quân của các linh hồn, vì thần linh bất diệt của Chúa ở trong tất cả mọi vật” (Wis.11:26,12:1).

            “Chúa dung tha...” những địch thù của dân Yến Duyên, thành phần có thể đã bị trừng phạt còn khủng khiếp hơn là nó đã thực sự xẩy ra. Họ có thể đã bị “văng đi bởi thần linh mãnh lực của Chúa, nhưng Chúa đã xếp đặt mọi sự theo tầm vóc, vật số và trọng lượng” (Wis.11:20). Sách Khôn Ngoan chúc tụng “nét hài hòa” của Thiên Chúa dựa vào lý do sau đây: thần linh của Thiên Chúa không chỉ tác hành như một luồng gió mạnh, có thể hủy diệt tội lỗi, mà là như một thần linh khôn ngoan mong muốn sự sống để tỏ bày tình yêu của mình ra. “Thế nhưng Chúa đã xót thương tất cả, vì Chúa có thể làm được mọi sự; Chúa bỏ qua tội lỗi con người để họ ăn năn thống hối. Vì Chúa yêu thương tất cả mọi sự hiện hữu và không ghê tởm sự gì Chúa đã tạo nên; nếu Chúa ghét bỏ Chúa đã không tạo thành. Mà một vật tồn tại thế nào được nếu Chúa không ưng muốn; hay được bảo trì nếu nó không được Chúa truyền khiến” (Wis.11:23-25).

            Chúng ta tiến đến tột đỉnh của triết lý đạo đức không những của dân Yến Duyên mà của tất cả các người xưa nữa. Ở đây, truyền thống thánh kinh, như được trình bày nơi sách Khởi Nguyên, đã giải đáp được những vấn nạn lớn vốn nan giải, kể cả văn hóa Hy Lạp (từ thế kỷ thứ 4 tới 1 BC) cũng chịu. Ở đây, tình thương của Thiên Chúa đã liên kết với sự thật về việc Ngài tạo dựng nên tất cả mọi sự. Tính cách phổ quát của việc tạo dựng hàm chứa tính cách phổ quát của tình thương. Và tất cả đều bị chi phối bởi quyền lực của tình yêu vĩnh hằng Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi tạo vật của Ngài: một tình yêu mà giờ đây chúng ta nhận thấy được nơi ngôi vị của Chúa Thánh Thần.

            Sách Khôn Ngoan đã giúp chúng ta nhận thấy Thần-Linh-Tình-Yêu mà, như Khôn Ngoan, mặc lấy các phẩm chất của một ngôi vị, với những đặc tính sau đây: một thần linh biết hết mọi sự và tỏ cho con người biết những dự định của Thiên Chúa; một thần linh không thể chấp nhận sự dữ; một thần linh mà, qua môi giới của khôn ngoan, muốn đưa tất cả tới ơn cứu rỗi; một thần linh yêu thương mong muốn sự sống; một thần linh làm vũ trụ tràn đầy sự hiện diện hồng phúc của mình.

 

 

(Bài Giáo Lý thứ 33 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chia sẻ ngày Thứ Tư, 14-3-1990,

trong loạt 80 bài về chủ đề Chúa Thánh Thần)