Phụ Bản 2

 

ĐƯỢC THẦN LINH BẢO TRÌ, HÃY TRUYỀN ĐẠT HY VỌNG

 

 

(Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho Ngày Thế Giới Truyền Thông thứ 32 sẽ được cử hành vào Chúa Nhật ngày 24-5-1998, một tuần trước Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống)

 

 

Anh Chị Em thân mến,

  

1-         Trong năm thứ hai thuộc 3 năm dẫn đến Cuộc Kỷ Niệm Mừng Trọng Thể Năm 2000 này, chúng ta chú tâm đến Chúa Thánh Thần cũng như đến tác động của Ngài nơi Giáo Hội, nơi cuộc sống của chúng ta và nơi thế giới. Thần Linh là “Đấng canh giữ hy vọng nơi cung lòng nhân loại” (Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 67). Ví lý do này mà đề tài cho Ngày Thế Giới Truyền Thông thứ 32 là: “Được Thần Linh bảo trì, hãy truyền đạt hy vọng”.

            Hy vọng mà Thần Linh bảo trì nơi tín hữu trước hết là hy vọng cánh chung. Đó là hy vọng được ơn cứu độ - hy vọng nước trời, hy vọng được trọn vẹn hiệp thông với Thiên Chúa. Một niềm hy vọng như vậy, như Thư gửi giáo đoàn Do Thái diễn tả, là “một cái neo vững chắc của linh hồn, một niềm hy vọng sâu xa trong nội cung ở đằng sau bức màn, nơi Chúa Giêsu đã vì chúng ta tiên phong tiến vào” (Heb.6:19-20).

 

2-         Thế nhưng, niềm hy vọng cánh chung nơi cung lòng Kitô hữu lại liên quan mật thiết với việc tìm kiếm hạnh phúc và mãn nguyện ở đời này. Niềm hy vọng nước trời làm khơi dậy mối quan tâm đích thực đối với vấn đề an sinh của con người nam nữ trên thế gian. “Nếu có ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình thì họ là một kẻ láo khoét; vì kẻ nào không yêu thương anh em mình là những người thấy được cũng không thể nào yêu mến Thiên Chúa là Đấng họ không thấy” (1Jn.4:20). Ơn cứu độ, tức là việc Thiên Chúa chữa lành mối liên hệ giữa thần lnh và nhân trần, đi song song với việc chữa lành những mối liên hệ giữa chúng ta với nhau; nên niềm hy vọng phát xuất từ ơn cứu độ ở đây phải nhắm đến việc chữa lành kép đôi này.

            Đó là lý do tại sao, trong việc sửa soạn cho Cuộc Mừng Kỷ Niệm Long Trọng rạng đông của ngàn năm thứ ba, Kitô hữu cần phải làm mới lại niềm hy vọng của mình vào việc nước Thiên Chúa đến lần cuối, đồng thời cũng thấy được những dấu hy vọng nơi thế giới mình đang sống. Trong số những dấu hy vọng có thể kể đến: việc tiến triển của khoa học, kỹ thuật nhất là ngành y khoa để phục vụ sự sống con người, việc ý thức trách nhiệm của chúng ta đối với môi sinh hơn, những nỗ lực phục hồi hòa bình và công lý cho những nơi bị vi phạm, ước muốn hòa giải và đoàn kết giữa các dân nước, đặc biệt là mối liên hệ phức tạp giữa hai miền Nam Bắc trên thế giới. Cả trong Giáo Hội nữa cũng có những dấu hy vọng, trong đó có việc lắng nghe hơn tiếng Chúa Thánh Thần đánh động để chấp nhận những đặc sủng cũng như để phát động giáo dân, việc dấn thân sâu hơn vào công cuộc hiệp nhất Kitô giáo, và việc tăng thêm nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề đối thoại với các tôn giáo khác cũng như với nền văn hóa hiện đại (x.Tông Thư Tertio Millennio Adveniente, đoạn 46).

           

3-         Những nhà truyền thông Kitô giáo sẽ có uy tín trong việc truyền đạt hy vọng, nếu trước hết họ cảm nghiệm được niềm hy vọng nơi chính cuộc sống của mình, và họ cảm nghiệm được niềm hy vọng này chỉ khi nào họ là con người nam nữ biết cầu nguyện. Được Chúa Thánh Linh tăng sức, việc cầu nguyện làm cho chúng ta có thể “luôn luôn sẵn sàng trả lời cho mọi người muốn chất vấn ly do tại sao chúng ta hy vọng” (x.1Pt.3:15) như họ thấy nơi chúng ta. Đó là cách thức những nhà truyền thông Kitô giáo cần phải học biết để, bằng thế lực của chân lý, trình bày sứ điệp hy vọng cho con người nam nữ ở thời đại chúng ta.

 

4-         Chúng ta cũng không bao giờ đưọc quên rằng việc dùng phương tiện truyền thông xã hội để truyền đạt không phải là một hoạt động thủ lợi chỉ nhắm vào việc khích động, tranh giành hay tuyên truyền. Nó lại càng không phải là một hoạt động cho ý hệ. Có những lúc phương tiện truyền thông làm giảm giá con người xuống thành những đơn vị tiêu thụ hay những nhóm cạnh tranh lợi lộc, hoặc khôn khéo lợi dụng khán thính giả như thành phần khờ khạo để phổ biến sản phẩm hay lôi kéo chính trị; những việc làm hủy hoại cộng đồng con người. Công việc truyền thông là đem con người lại với nhau và thăng tiến cuộc sống của họ, chứ không phải là cô lập hóa họ và khai thác họ. Nếu được sử dụng xứng hợp, các phương tiện truyền thông xã hội có thể giúp vào việc tạo dựng cũng như bảo trì một cộng đồng con người trên nền tảng công bình và bác ái; có như thế chúng mới là những dấu hy vọng.

 

5-         Những phương tiện truyền thông xã hội thật sự là những tân “Công Đường” (Areopagus) trong thế giới hôm nay - một đại diễn đàn mà, với tất cả nỗ lực của mình, có thể thực hiện việc trao đổi kiến thức chân thực, những tư tưởng xây dựng và những giá trị tốt lành để kiến tạo cộng đồng nhân loại. Để được như thế, Giáo Hội cần phải nhúng tay vào việc truyền thông, không phải chỉ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để truyền bá sứ điệp Phúc Aâm, mà còn thực sự làm cho sứ điệp Phúc Aâm hội nhập vào “nền văn hóa mới” là con đẻ của những việc truyền thông tân thời theo một thứ “ngôn ngữ mới, kỹ thuật mới và tâm lý mới của chúng” (Thông Điệp Redemptoris Missio, đoạn 37).

            Những nhà truyền thông Kitô giáo cần phải được huấn luyện để làm sao cho họ có thể làm việc cách hiệu nghiệm nơi môi trường truyền thông xã hội như thế. Việc huấn luyện này phải là một huấn luyện toàn bộ: huấn luyện về những khả năng kỹ thuật; huấn luyện về đạo đức và luân lý, đặc biệt chú trọng đến những giá trị và tiêu chuẩn liên quan đến việc làm chuyên môn của mình; huấn luyện về văn hóa con người, về triết lý, lịch sử, xã hội học và thẩm mỹ học. Thế nhưng, trước hết mọi sự, phải là việc huấn luyện về đời sống nội tâm, đời sống tinh thần.

            Những nhà truyền thông Kitô giáo cần phải là những con người nam nữ cầu nguyện đầy Thần Linh, bằng cách càng ngày càng đi sâu vào việc hiệp thông với Thiên Chúa, để họ tăng triển khả năng trong việc bảo dưỡng mối hiệp thông giữa anh em đồng loại của mình. Họ phải được dạy cho biết hy vọng bởi Chúa Thánh Thần, “tác nhân chính yếu của việc tân phúc âm hóa” (Tông Thư Tertio Millennio Adveniente, đoạn 45), để họ có thể truyền đạt hy vọng cho người khác.

            Đức Trinh Nữ Maria là khuôn mẫu trọn hảo của niềm hy vọng mà những nhà truyền thông Kitô giáo tìm kiếm để khơi dậy nơi chính mình cũng như để chia sẻ với người khác. “Đức Maria đã thực hiện trọn vẹn niềm trông đợi nơi thành phần nghèo khó của Giavê, và là khuôn mẫu sáng ngời cho những ai hết lòng phó thác tin tưởng vào những lời Thiên Chúa hứa” (Tông Thư Tertio Millennio Adveniente, đoạn 48). Trong khi Giáo Hội đang hành hương tiến đến Cuộc Mừng Kỷ Niệm Long Trọng, chúng ta hãy hướng về Mẹ Maria, Đấng hết sức lắng nghe Thánh Thần, đã làm cho thế giới đi vào mầu nhiệm Nhập Thể cao cả, nguồn mạch mọi hy vọng của chúng ta.

 

Tại Điện Vatican ngày 24-1-1998,

Lễ kính Thánh Phanxicô Salêsiô.

Gioan Phaolô II

 

            (chuyển ngữ từ tuần san L’Osservatore Romano,

ấn bản Anh Ngữ, phát hành ngày 28-1-1998)