u 
 

VỊ GIÁO HOÀNG

CỦA BIẾN CỐ ĐÔNG ÂU

 

 

Camp1_03.jpg

Trước một vĩ nhân của riêng Giáo Hội Công Giáo lẫn Kitô Giáo và của chung thế giới như Đức Gioan Phaolô II, người viết cảm thấy thật là bé mọn để có thể nhận định về ngài một cách chính xác. Và qua một giáo triều dài 26 năm rưỡi (16/10/1978-2/4/2005), với đầy những hoạt động mang tính cách sáng tạo về mọi phương diện của ngài, đối nội cũng như đối ngoại, người viết lại càng cảm thấy bối rối không biết đâu là cốt lõi của giáo triều này, tức là không biết được thực sự đâu là vai trò và sứ mệnh của ngài theo Quan Phòng Thần Linh cho Thời Điểm Gioan Phaolô II. Tuy nhiên, ngay khi ngài vừa vĩnh viễn nằm xuống, người viết tự nhiên cảm thấy có một cái gì đó hết sức mãnh liệt, không thể nào không bập bẹ để bày tỏ cảm nhận về ngài, qua tác phẩm “Đức Gioan Phaolô II: Sống là Chúa Kitô – Chết là Vinh Thắng” (Cao-Bùi xuất bản 5/2005), một cảm nhận có thể được tóm gọn như sau (sách trang 265-266):

 

·        Nếu đối nội, Đức Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng được Chúa chọn để dẫn Giáo Hội tiến vào ngàn năm thứ ba Kitô giáo bằng cách bước qua ngưỡng cửa Đại Năm Thánh 2000, thì đối ngoại, Đức Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng của ‘Giáo Hội trong thế giới tân tiến’, mang ‘vui mừng và hy vọng’ là ‘Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần’ đến cho một thế giới tân tiến nhưng lại đầy lo âu và nguy biến tự diệt trong nền văn hóa sự chết, bằng cách, qua các giáo huấn đầy ‘Phúc Âm Sự Sống’ cùng với những cuộc tông du khắp nơi trong tinh thần đại kết toàn cầu, đã luôn kêu gọi con người đừng sợ mà hãy mở cửa cho Chúa Kitô, nghĩa là hãy tin vào Lòng Thương Xót Chúa, đúng như những gì ngài đã kêu gọi con người ngay khi mở màn cho giáo triều của ngài, những lời ngài đã lập lại nhân dịp mừng ngân khánh giáo hoàng 25 năm của ngài: ‘Đừng sợ tiếp đón Chúa Kitô và chấp nhận quyền bính của Người! Hôm nay đây, Tôi mạnh mẽ lập lại là: Hãy mở cửa, hãy mở rộng của cho Chúa Kitô! Hãy để cho Người hướng dẫn anh chị em! Hãy tin tưởng vào tình yêu của Người’”.

 

Ở đây, người viết chỉ xin đề cập đến khía cạnh đối ngoại của vị Giáo Hoàng này, một khía cạnh trực tiếp liên quan đến riêng Âu Châu và gián tiếp đến chung thế giới, kể từ khi Quảng Trường Thánh Phêrô đột nhiên vang tiếng súng lệnh, báo động cả một khối Đông Âu sụp đổ, sửa soạn cho một khối Âu Châu hiệp nhất.

 

Vang Tiếng Súng Lệnh

 

Đúng thế, Quảng Trường Thánh Phêrô, vào lúc 5 giờ chiều ngày 13/5/1981, ngay trước buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần, đã đột nhiên vang tiếng súng……, thật ra là mấy tiếng súng chứ không phải một, những tiếng súng vang lên chỉ cách chiếc giáo hoàng xa của Đức Gioan Phaolô II có 20 bộ (hay 6 thước), khi ngài ở trên chiếc xe này đang chạy chung quanh quảng trường ấy theo thường lệ để chào tín hữu đang qui tụ chờ ngài bấy giờ. Hậu quả là viên đạn phát ra từ nòng súng lục tự động 9 ly đã xuyên vào thân thể của vị Giáo Hoàng này, trúng bao tử của ngài, cùi trỏ bên cánh tay phải của ngài và ngón tay trỏ bên trái của ngài. Ngài đã được cấp tốc đưa vào bệnh viện, và chỉ khi tới bệnh viện ngài mới hoàn toàn bất tỉnh nhân sự. Cuộc giải phẫu cứu mạng ngài đã kéo dài 5 tiếng 20 phút, và thân thể ở vào tuổi gần 61 của ngài bấy giờ đã bị mất đi tới 60% lượng máu loang chảy trong mình. Tuy nhiên, kể từ biến cố bị ám sát hụt ấøy, sức khỏe của con người vốn yêu chuộng thể thao này đã trở nên suy kém, cho tới ngày ngài qua đời 24 năm sau bởi một cơn kịch bệnh cuối cùng, kết thúc cuộc đời gần 85 tuổi đời của ngài (18/5/1920-2/4/2005).

 

Thế rồi, ở phần phụ trương cuốn “Hồi Niệm và Căn Tính” của mình (ấn bản Anh ngữ, Rioãoli, New York, 2005), chính Đức Gioan Phaolô II đã cho biết những gì xẩy ra sau đó, sau tiếng súng nổ và sau khi ngài được đưa vào bệnh viện thế này: “Tôi đã không tỉnh dạy cho đến ngày hôm sau, vào khoảng buổi trưa” (trang 161). Cũng trong phần phụ trương này, (ở trang 163-164), ngài còn cho biết thêm về con người ra tay ám sát ngài như sau:

·        Vào khoảng Giáng Sinh năm 1983, tôi đã thăm kẻ tấn công tôi đang bị nhốt trong tù. Chúng tôi nói chuyện lâu giờ. Alì Agca, ai cũng đều biết, là một tay sát thủ chuyên nghiệp. Tức là cuộc tấn công này không phải bởi sáng kiến riêng tư của anh ta, mà là từ ý nghĩ của một người khác; một người nào đó đã sai khiến anh ta thực hiện điều này. Trong cuộc nói chuyện của chúng tôi, Alì Agca vẫn còn tỏ ra lấy làm ngạc nhiên không hiểu tại sao một cuộc cố tình ám sát như vậy mà lại có thể bất thành cho được. Anh ta đã rất ư là thận trọng xếp đặt mọi sự, chú ý tới từng chi tiết nhỏ một. Thế mà nạn nhân được nhắm tới của anh ta lại thoát chết. Làm sao có thể xấây ra như thế được cơ chứ? Cái hay là ở chỗ tình trạng bối rối của anh ta đã dẫn anh ta tới vấn đề về đạo giáo. Anh ta muốn biết về bí mật Fatima, và bí mật này thực sự là gì. Đó là mối quan tâm chính của anh ta; anh ta muốn biết điều này hơn bất cứ một cái gì khác. Có lẽ những vấn nạn dai dẳng đã cho thấy rằng anh ta đã nắm được một điều gì đó thực sự là hệ trọng. Alì Agca có lẽ đã cảm thấy được rằng có một quyền lực cao cả, vượt trên cả quyền lực của anh ta, trên cả khả năng bắn giết nữa. Bởi vậy anh ta đã bắt đầu tìm kiếm quyền lực cao cả này. Tôi hy vọng và cầu xin cho anh ta tìm thấy quyền lực cao cả ấy”. 

 

Biến cố ngày 13/5/1981 là một biến cố hết sức quan trọng, như người viết cảm nhận, có thể được gọi là “Tiếng Súng Lệnh” được trời cao báo động cho biết những gì sắp sửa xẩy ra ở Âu Châu nói riêng cũng như trên thế giới nói chung, trong lịch sử hiện đại của loài người, ở vào cuối thiên kỷ thứ hai Kitô giáo và cuối thế kỷ 20 văn minh tân tiến. Thế mà, nhiều cuốn sách nổi tiếng viết về vị Giáo Hoàng đến từ “một xứ sở xa xôi” kỳ lạ như một “dấu chỉ thời đại” này đã hoàn toàn bỏ qua, như cuốn “Witness to Hope” của tác giả George Weigel (Cliff Street Books / Harper Collins, 1999, dầy 992 trang, khổ 6 x 9 in), hay cuốn “Man of the Century” của Jonathan Kwitny (Henry Holt and Company, 1997, dầy 754 trang, khổ 6 x 9 in). Chỉ có cuốn “His Holiness” của Carl Bernstein và Marco Politi (Doubleday, 1996, dầy 582, cỡ 6 x 9 in) là đề cập đến biến cố này khá kỹ, ở những trang 293-300, và 478-483, trong đó, hai vị tác giả của cuốn sách, (trong 8 chương có 2 chương về Cộng sản: chương 5 - “Làm Rung Động Đế Quốc” và chương 7 - “Cuộc Sụp Đổ của Cộng Sản”), đã đề cập tới chẳng những chính biến cố và cuộc điều tra nội vụ, mà còn đến cả tác dụng của biến cố này nơi bản thân vị Giáo Hoàng qua việc ngài hiến dâng Nước Nga theo Bí Mật Fatima, để rồi từ đó và nhờ đó đi tới hiện tượng Đông Âu năm 1989. Tác phẩm này (ở trang 480) đã móc nối cái trùng hợp giữa việc hiến dâng Nước Nga theo Bí Mật Fatima của vị Giáo Hoàng này vào tháng 3/1984, với việc xuất hiện của vị thủ lãnh cuối cùng Cộng Sản Liên Bang Sô Viết là Mikhail Gorbachev ngay năm sau đó.

 

Chính người viết này, trong cuốn “Trái Tim Mẹ Toàn Thắng” (Cao-Bùi xuất bản 12/1992, kỷ niệm 1 năm Nước Nga trở lại, ở trang 43), cũng đã có cùng nhận định như nhị vị tác giả trên đây:

 

·        Trong thư đề ngày 21-11-1989 gửi cho nguyệt san 30 Days, chị (Lucia) viết: ‘Thế là Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã thực hiện việc hiến dâng ngày 25-3-1984. Tôi tin rằng không có trục trặc gì ở đây cả, và điều quan trọng nhất chúng ta cần nhớ về việc hiến dâng là sự hiệp thông của toàn dân Chúa, như Chúa Kitô muốn và đã xin với Cha của Người...’ (30 Days:13). ‘Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã thực hiện việc hiến dâng ngày 25-3-1984’ và ‘Thiên Chúa sẽ giữ lời của Ngài’. Nghĩa là, như Đức Mẹ nói với chị Lucia, ‘một khi yêu cầu của Mẹ được thực hiện, thì nước Nga sẽ trở lại và sẽ có hòa bình’. Quả thật, đúng một năm sau khi Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô thực hiện việc hiến dâng được Thiên Chúa chấp nhận này, thì Mikhail Gorbachev được bầu lên lãnh đạo đảng cộng sản Liên Bang Sô Viết tháng 3-1985. Để rồi từ đó, thế giới nói chung và khối cộng sản nói riêng, như đã đề cập đến ở chương một, ‘Hiện Tượng Nước Nga’, bắt đầu thay đổi cho đến năm định mệnh 1989, năm mà chị Lucia tuyên bố ‘Thiên Chúa sẽ giữ lời của Ngài’. Quả thật, ngay sau khi chị Lucia tuyên bố điều này vào ngày 1-8-1989 thì chính phủ cộng sản Ba-Lan đã bổ nhiệm một nhân vật thuộc Công Đoàn Liên Đới làm thủ tướng vào ngày 19/8/1989, đúng ngày Đức Mẹ hiện ra với ba Thiếu Nhi Fatima 72 năm về trước, 19-8-1917, tại Valinhos ...

 

Chúng ta đừng tưởng việc hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là việc dễ làm, một việc được Mẹ Maria tỏ cho 3 Thiếu Nhi Fatima (Lucia 10 tuổi, Phanxicô 9 tuổi và Giaxinta 7 tuổi) biết trong phần Bí Mật Fatima thứ 2 ngày 13/7/1917: "Mẹ sẽ đến để xin dâng hiến Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ". Giữ đúng lời hứa, vào khuya ngày 13/6/1929 ở Thành Tuy nước Tây Ban Nha, nơi chị Lucia đang tu, Đức Mẹ đã cho chị xem thấy một thị kiến “Ân Sủng và Tình Thương” rồi nói: "Đã đến lúc Thiên Chúa xin Đức Thánh Cha hiệp với tất cả các giám mục trên thế giới để hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, Ngài hứa sẽ cứu Nước Nga bằng cách này”.

 

Việc hiến dâng hết sức hệ trọng được nhắc đến 2 lần này đã được chị Lucia đệ trình lên Đức Thánh Cha Piô XII, trong bức thư đề ngày 2/12/1940 (xem Father Antonio Maria Martins, SJ, Documents on Fatima and the Memoirs of Sister Lucia, Fatima Family Apostolate, 1992, trang 347-348).

 

Tuy nhiên, từ đó, 1940, cho đến ngày 25/3/1984, tức qua gần nửa thế kỷ, việc hiến dâng có vẻ hết sức dễ dàng này vẫn chưa được thực hiện! Tại sao?

 

Theo nữ tu Lucia, vào năm 1940, trong các Thư chị gửi cho Cha Linh Hướng của mình như vào những ngày 21/1, 24/4, 15/7 và 18/8, tức vào thời điểm trước ngày chị viết Thư đệ trình Đức Thánh Cha Piô XII về điều kiện tiên quyết để Nước Nga trở lại, chị đã nói về lý do và hậu quả của việc Đức Thánh Cha không hiến dâng Nước Nga trong Thư đề ngày 18/8 như sau:

 

·        “Con nghĩ rằng Chúa lấy làm hài lòng khi biết rằng có người cố gắng làm cho Vị Đại Diện Người trên thế gian này hiện thực các ý nguyện của Người. Thế nhưng Đức Thánh Cha vẫn chưa làm điều ấy. Ngài nghi ngờ về thực tại của nó và ngài có lý của ngài. Chúa nhân lành của chúng ta có thể tỏ rõ ý định của Người ra bằng những sự lạ lùng, song Người muốn sử dụng cơ hội này để trừng phạt thế giới theo đức công minh của Người về rất nhiều tội ác của họ, cũng như để sửa soạn cho họ một cuộc hoàn toàn trở về với Người. Chứng cớ Người ban cho chúng ta là việc Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria đặc biệt bảo vệ nước Bồ Đào Nha vì nước này đã được hiến dâng cho Mẹ… Tuy nhiên, xin cha đừng quên là bao giờ có thể xin cha hãy lợi dụng hết mọi cơ hội để lập lại điều chúng ta xin Đức Thánh Cha may ra chúng ta có thể rút ngắn thời gian này lại. Con thấy thông cảm với Đức Thánh Cha và cầu xin cho ngài bằng những lời nguyện cùng với những hy sinh khiêm hèn của con”. (Sách vừa dẫn, trang 336)

 

Đúng thế, sở dĩ các vị Giáo Hoàng không làm điều này, thậm chí kể cả vị Giáo Hoàng “totus tuus” đặc biệt Thánh Mẫu Gioan Phaolô II đi nữa, bởi vì nó động tới cả Tòa Nhà Giáo Hội, đến đức tin của Giáo Hội. Ở chỗ, không thể nào một vị Giáo Hoàng mà lại đi làm theo một lời mạc khải tư (không buộc tin) như thế, một việc nếu làm mà không thực sự ứng nghiệm thì có phải là Giáo Hoàng mê tín dị đoan hay chăng, và Giáo Hội Công Giáo nói riêng và Kitô Giáo nói chung là một tổ chức hoang đường hay sao!

 

Đó là lý do, để vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo có thể thực hiện những gì mình muốn, một khi tới thời điểm của mình, “tới khi thời gian nên trọn” (Gal 4:4), Đấng Tối Cao đã phải nhúng tay một cách tỏ tường vào lịch sử nói chung, đúng như lời chị Lucia viết: “Chúa nhân lành của chúng ta có thể tỏ rõ ý định của Người ra bằng những sự lạ lùng”, qua bản thân của một cá nhân, đó là Đức Gioan Phaolô II, bằng một viên đạn được bắn ra từ nòng súng của một tay sát thủ chuyên nghiệp đứng rất gần ngài bấy giờ. Quả nhiên, cũng chỉ có cách đánh động hết sức hiệu nghiệm này, vị Giáo Hoàng của “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần” đã quyết định đáp ứng ý định của Trời Cao.

Thật thế, trong lời Giới Thiệu Bí Mật Fatima phần thứ ba được chính thức tiết lộ vào ngày 26/6/2000, Đức Tổng Giám Mục Bertone cho biết, sau khi bị ám sát trọng thương tại Quảng Trường Thánh Phêrô ngày 13/5/1981 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mới đọc phần Bí Mật Fatima thứ ba, (chứ không phải là Ngài đã đọc trước đó). Thế rồi, Ngài đã cố gắng “đáp ứng trọn vẹn những gì ‘Đức Mẹ’ yêu cầu” vào những ngày 7/6/1981 tại Đền Thờ Đức Bà Cả ở Rôma, và đã lập lại ngày 13/5/1982 ở Fatima, nhất là ngày 25/3/1984 tại Quảng Trường Thánh Phêrô, bằng việc “hiệp thông trong tinh thần với các giám mục trên thế giới được Ngài ‘kêu gọi’ trước đó để dâng hiến hết mọi con người nam nữ và tất cả mọi dân tộc cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria”.

 

Vào Thứ Tư 24/3/2004, áp ngày Lễ Mẹ Thai Lời 25/3 hằng năm, ĐTC đã dùng buổi triều kiến chung hằng tuần này đểå nhắc lại mục đích của việc Ngài tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ 20 năm trước đây, vào dịp kết thúc Năm Thánh Cứu Chuộc, 25/3/1984, Đức Thánh Cha đã nhắc lại những gì ngài đã làm như sau:

 

·        Tôi đặc biệt nhớ đến ngày 25/3 năm 1984, Năm Thánh Cứu Chuộc. Hai mươi năm đã qua đi từ ngày ở Quảng Trường Thánh Phêrô, hiệp nhất về tinh thần với tất cả các giám mục trên thế giới được ‘triệu tập’ trước đó, Tôi đã hiến dâng tất cả loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria để đáp ứng lời yêu cầu của Đức Mẹ ở Fatima”.

 

Ở đây ngài có ý nói tới vấn đề ngài đáp ứng lời yêu cầu hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Đó là lý do trong lời hiến dâng của mình bấy giờ vào ngày 25/3/1984, Đức Thánh Cha đã nói một cách khôn khéo như sau:

 

·        Chúng con hôm nay đặt mình trước nhan Mẹ trong năm mừng kỷ niệm ơn cứu rỗi. Chúng con xin hợp với tất cả mọi chủ chăn trong Giáo Hội làm thành một thân thể và một tập đoàn, đúng như ý của Chúa Kitô muốn các tông đồ hiệp nhất với thánh Phêrô. Trong mối liên kết hiệp nhất này, chúng con đọc những lời hiến dâng mà chúng con muốn bao gồm một lần nữa hy vọng của Giáo Hội cũng như lo âu đối với thế giới ngày nay. Bốn mươi năm về trước, rồi 10 năm sau đó, tôi tớ của Mẹ là Đức Giáo Hoàng Piô XII, chứng kiến cảnh khổ đau của gia đình nhân loại, đã phó thác và hiến dâng cả thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, đặc biệt là nhân dân mà Mẹ yêu thương và quan tâm cách riêng. Cũng thế giới của mọi người và mọi dân tộc này trước mắt của con hôm nay đây, con xin lập lại việc phó thác và hiến dâng mà vị tiền nhiệm của con đã thực hiện ở Tòa Thánh Phêrô: thế giới của kỷ nguyên thứ hai đang kết thúc, thế giới tân tiến, thế giới của chúng con hôm nay! Một cách đặc biệt, chúng con xin phú thác và hiến dâng cho Mẹ tất cả những người và những dân nước cần được phú thác và dâng hiến. Chúng con chạy đến với sự bảo hộ của Mẹ, Thiên Chúa Thánh Mẫu: xin đừng chê chối lời cầu xin chúng con dâng lên Mẹ trong cơn khẩn trương của chúng con”.

 

Đông Âu Sụp Đổ

 

Thật ra, về phương diện tiến trình lịch sử, đặc biệt liên quan tới chính trị, đã có ba điều lạ lùng xẩy ra, đúng hơn, ba yếu tố định đoạt trong biến cố qua đời của chế độ cộng sản ở Âu Châu này. Thứ nhất, năm 1978, vị Giáo Hoàng Rôma (Gioan-Phaolô II) được bầu lên xuất thân từ một nước cộng sản. Thứ hai, năm 1980, tổ chức Công Đoàn Balan (Solidarity) được Lech Walesa hình thành ở Ba Lan. Thứ ba, năm 1985, chính sách Cởi Mở (Glasnost) và Cải Tổ (Perestroika) được tân lãnh tụ Mikhail Gorbachev phát động ở Nga Sô.

 

Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô là yếu tố thứ nhất trong ba yếu tố định đoạt cho hiện tượng khai tử của chế độ cộng sản Âu Châu.

 

Biến cố này bắt đầu từ khi Ngài về thăm quê hương của Ngài vào ngày 2-10/6/1979. Việc Ngài được phép chính quyền cộng sản Ba- Lan cho về thăm quê hương cũng không phải là chuyện thường. Đầu tiên chính quyền Ba Lan từ chối lời xin phép của Ngài. Sau đó, chính quyền đã tự nhượng bộ vào ngày 7/5/1979, ngày kết thúc bảy ngày và bảy đêm liên tục lần chuỗi trước Mình Thánh Chúa được tổ chức ở Đền Đức Mẹ Czestochowa để cầu nguyện cho việc được phép về thăm quê hương của Đức Giáo Hoàng. Để rồi, với ảnh hưởng của Ngài, Công Đoàn Liên Đới đã được hình thành.

 

Công Đoàn Liên Đới là yếu tố thứ hai định đoạt cho hiện tượng khai tử của chế độ cộng sản Âu Châu.

 

Sự lạ thứ nhất là việc chính quyền cộng sản Ba-Lan vào năm 1980 đã công nhận Công Đoàn Liên Đới, một tổ chức bao gồm chừng 50 nghiệp đoàn của người Ba-Lan, do Lech Walesa lãnh đạo.

 

Sự lạ thứ hai là, dù bị chính quyền đàn áp vào năm 1981 và dù bị chính quyền chính thức giải tán vào tháng 10 năm 1982, Công Đoàn Liên Đới vẫn tồn tại cho đến ngày được tái công nhận là ngày 17- 4-1989. Vẫn biết, theo dư luận báo chí, Công Đoàn Liên Đới nhận được viện trợ ngầm của Mỹ, có thể nhờ đó mà tồn tại, tuy nhiên, cũng theo dư luận báo chí, sở dĩ cuộc viện trợ của Mỹ đến được tay Công Đoàn Liên Đới là vì chính phủ làm ngơ mà thôi: “dù chúng tôi không hài lòng tí nào về điều này ... Trong một vài trường hợp chúng tôi đã mhắm mắt làm ngơ, vì sợ lộ tẩy chân tướng của các tay trong do chúng tôi gài vào Công Đoàn Liên Đới này” (Nguyệt San 30 Days 3/92, trang 17).

 

Với các tay trong của chính quyền cộng sản như thế mà Công Đoàn Liên Đới vẫn tồn tại. Đó mới là sự lạ, và sự lạ là ở chỗ đó.

 

Sự lạ thứ ba là Tadeusz Mazowiecki, cố vấn của Công Đoàn Liên Đới, được bổ nhiệm làm thủ tướng vào ngày 19-8-1989, là một biến cố chưa từng có trong thế giới cộng sản, làm náo động tận nền móng tất cả chủ nghĩa cộng sản hiện đại, mở màn cho biến động Đông Âu.

 

Sự lạ thứ bốn, cũng là sự lạ chính yếu, đó là sự thành công một cách quá ư tốt đẹp của Công Đoàn Balan, một thành quả gặt hái được, như Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II viết trong thông điệp Bách Niên (Centesimus Annus) của Ngài, nhờ “chỉ sử dụng khí giới chân thật và công chính... bởi cuộc tranh đấu bất bạo động của những con người mà, trong khi nhất định không chịu nhượng bộ trước những thế lực, liên lỉ tìm kiếm những đường lối hữu hiệu để minh chứng cho sự thật” (đoạn 23).

 

Chính Lech Walesa, đương kim tổng thống Ba-Lan, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước, ngày 14/10/1991, dịp chia sẻ về chủ đề và những nguyên tắc trong thông điệp Bách Niên (Centesimus Annus) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đã phát biểu và diễn thuật về “cuộc tranh đấu bất bạo động”, “cuộc chống đối thuận hòa”, “cuộc chống đối làm sụp đổ chủ nghĩa Mát-Xít” như sau:

 

·        Hãy nhớ rằng tất cả là mười triệu người tích cực tham dự. Sự bất mãn đã bộc phát ở một mức độ ngoài dự liệu. Sau mười tám tháng chống đối chính quyền cộng sản mà không cần sô xát như tấn công ngục Bastilles, không cần dựng nên các đoạn đầu đài, không một mảnh kính bị đập bể, chúng tôi đã chiến thắng” (Nguyệt San Catholic International, Vol III, no. 1 & 2, 1/1992, trang 57).

 

Chính sách Cởi Mở và Cải Tổ của Mikhail Gorbachev là yếu tố thứ ba định đoạt cho hiện tượng khai tử của chế độ cộng sản Âu Châu.

 

Đối nội, Gorbachev chủ trương hai chính sách: Cởi Mở về tư tưởng và phát biểu và Cải Tổ về chính trị và kinh tế. Với tinh thần và đường lối này, đối ngoại, Gorbachev cũng chủ trương Cải Tổ lại tất cả, như rút quân khỏi Afghanistan, cắt giảm vũ trang nguyên tử và lực lượng quân sự, khuyến khích khối cộng sản Đông Âu cải tổ chính trị cũng như kinh tế và hứa không can thiệp vào nội bộ cải tổ của mỗi địa phương. Kết quả là những cuộc bùng nổ thực sự đã xẩy ra ở các nước cộng sản Đông Âu.

 

Khởi đầu là Ba-Lan, ngày 4 và 18 tháng 6 năm 1989, đã tổ chức bầu cử tự do, lần đầu tiên kể từ năm 1947.

 

Thứ đến là Hung Gia Lợi, ngày 10-9-1989, chính quyền cộng sản đã mở cửa biên giới cho dân Đông Đức từ ngả nước Áo trốn sang Tây Đức, và ngày 18-10-1989, đã chấp nhận hình thức bầu cử đa đảng.

 

Rồi Tây Đức, ngày 18-10-1989, đã truất phế lãnh tụ cộng sản Erich Honecker, và ngày 9-11-1989 đã mở cửa biên giới, phá đổ bức tường Bá-Linh, để cho dân tha hồ tuốn sang Tây Đức; nhất là, vào ngày 7-12-1989, đảng cộng sản Tây Đức đã tự giải thể và kêu gọi tổ chức bầu cử đa đảng vào tháng 5/1990, để rồi, kết thúc với một nước Đức thống nhất vào ngày 3/10/1990.

 

Rồi Bulgaria,ngày 10-11-1989, quyền bính trong tay nhà độc tài Todor Zhivkov sau 35 năm đã bị mất vào tay một nhà cải cách.

 

Rồi Czechoslovakia, ngày 10-12-1989, một chính quyền vừa cộng sản lẫn không cộng sản (đa số) được thành hình, dọn đường cho việc bầu cử tự do.

 

Rồi Romania, ngày 22-12-1989, lãnh tụ Nicolae Ceausescu đã hoàn toàn bất lực trong việc truyền khiến quân đội và bị tử hình ngày 25-12-1989 vì bị kết tội là kẻ thù của dân tộc.

 

Sau hết, ngay tại Liên Bang Sô Viết, tháng 3/1990, một cuộc bầu cử tự do đã được thực hiện và Gorbachev đã đắc cử tổng thống Liên Bang Sô Viết; ngày 20 và 21/8/1991, nhân cuộc nổi dậy của đảng cộng sản hôm 19-21/8/1991, ba nước cộng hòa Baltic là Estonia, Latvia và Lithunia đã tái tuyên bố độc lập (sau lần đòi độc lập thứ nhất vào tháng 3/1990), kéo theo sự thành lập của Khối Thịnh Vượng Chung vào ngày 21/12/1991 cho 11 trong 12 (trừ Georgia) nước thuộc Cộng Hòa Sô Viết.

 

Trong cuốn "Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng" của mình, (ấn bản Anh ngữ, Alfred A. Knopf, 1994), chính vị Giáo Hoàng không phải người Ý (sau 455 năm) trở thành vị thừa kế Thánh Phêrô này đã công nhận là biến cố Đông Âu sụp đổ là do Quan Phòng Thần Linh, được thể hiện nơi Biến Cố Thánh Mẫu Fatima (trang 127-134). Ngài trả lời vấn nạn “phải chăng Thiên Chúa đã nhúng tay vào việc sụp đổ của Cộng sản?” liên quan đến Fatima như sau:

 

·        "Chúng ta phải nói sao về 3 trẻ ở Fatima, những em nhỏ, ngay trước cuộc bùng nổ của Cách Mạng Tháng Mười, đột nhiên nghe thấy rằng: 'Nước Nga sẽ trở lại' và 'Cuối cùng, Trái Tim Mẹ sẽ thắng'...? Chúng không thể nào tạo ra những tiên đoán này. Chúng không biết đầy đủ về lịch sử hay địa dư, cũng không biết về những biến chuyển trong xã hội cũng như những phát triển về ý thức hệ. Thế mà, việc đã xẩy ra đúng như chúng đã nói. Có thể đây cũng là lý do tại sao mà một vị Giáo Hoàng từ 'một xứ sở xa xôi' đã được kêu gọi đến, đó có thể là lý do tại sao cần phải có một cuộc cố sát xẩy ra tại Công Trường Thánh Phêrô ngay vào ngày 13-5-1981, ngày kỷ niệm biến cố hiện ra lần thứ nhất ở Fatima - để tất cả mọi sự được trở nên thông suốt và thấu đáo, để tiếng của Thiên Chúa nói trong lịch sử loài người qua những 'dấu chỉ thời đại' có thể dễ nghe và dễ hiểu hơn" (trang 130, 131-132).

 

Trước mắt thế giới, hầu như đã trở thành một sự thật lịch sử, một sự kiện đã được những nhân vật nổi tiếng đồng thanh công nhận là chính vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã góp phần vào việc làm sụp đổ Cộng Sản Đông Âu, kể từ chuyến viếng thăm quê hương lần thứ nhất của ngài vào tháng 6/1979, một cuộc viếng thăm mà chính ngài cũng không thể ngờ được là 10 năm sau đã làm biến đổi chẳng những lịch sử Âu Châu mà cả lịch sử thế giới nữa.

 

Timothy Garton Ash, một ký giả người Anh, năm 1990 đã viết:

 

·        Chính tháng Sáu năm 1979 là khởi điểm cho cuộc kết liễu của riêng lịch sử Đông Âu... Tôi tin rằng chuyến công du đầu tiên về Ba-Lan của Đức Thánh Cha là chốt điểm của nó. Chỉ hơn một năm sau cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha là Công Đoàn Liên Đới ra đời, nếu không có cuộc viếng thăm này của Đức Thánh Cha, chưa chắc đã có Công Đoàn Liên Đới. Gương của Công Đoàn Liên Đới là một khai triển tân kỳ”. (Catholic International, Vol III, no. 1 & 2, 1/1992, trang 57).

 

Mikhail Gorbachev, nguyên lãnh tụ Cộng Sản Liên Sô, cho rằng Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã giữ một vai trò rất quan trọng trong việc Cộng Sản Đông Âu sụp đổ. Trong một bài báo được nhiều tờ báo nổi tiếng trên thế giới đăng tải vào tháng 3/1992, Gorbachev đã viết:

 

·        Những biến cố ở Đông Âu không thể nào xẩy ra nếu không có vai trò quan trọng mà Ngài (ĐTC Gioan-Phaolô II) tự biết phải đóng vai trò như thế nào trong hiện tình thế giới... Tôi vẫn tin ở tầm mức quan trọng nơi những hành động của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong những năm ấy” (Tam Cá Nguyệt San Fatima Family Messenger, 4-6/92, trang 21).

 

Tổng Thống George Bush, trong bài diễn văn cho buổi Khánh Thành Trung Tâm Văn Hóa John Paul II ở Washington DC, ngày 22/3/2001, đã có cùng một cảm nhận như sau:

 

·        “Chúng ta hãy nhớ lại cuộc thăm viếng của vị Giáo Hoàng này lần đầu tiên ở Balan năm 1979, thời điểm đức tin đã trở thành một lực lượng kháng cự và bắt đầu gây biến động đưa đến tình trạng sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản đế quốc. Vị linh mục trẻ trung, hiền lành, một thời đã bị Đảng Nazi bắt đi lao động, đã trở thành kẻ thù của chính thể chuyên chế bạo tàn và là một chứng nhân cho niềm hy vọng. Vị lãnh đạo cuối cùng của Liên Bang Sô Viết đã gọi Ngài là ‘thẩm quyền luân lý đệ nhất trên hoàn cầu’”. (L’Osservatore Romano, tuần san ấn bản Anh ngữ, 28/3/2001)

 

Lech Walesa, vị lãnh đạo Công Đoàn Balan và là cựu Tổng Thống Balan (đầu tiên sau chế độ Cộng sản ở nước này), đã nói về vị Giáo Hoàng đồng hương của mình sau khi ngài tạ thế như sau:

 

·        “Không có ngài sẽ không có vấn đề chấm dứt chủ nghĩa cộng sản, hay ít là mãi sau này và việc chấm dứt sẽ xẩy ra đẫm máu”. (Mạng điện toán toàn cầu CNN, ngày 3/4/2005)

 

 

Âu Châu Hiệp Nhất

 

Thật ra, từ sau Biến Cố Đông Âu 1989 đến nay, Âu Châu vẫn chưa hiệp nhất, cho dù ở Âu Châu đã có Khối Hiệp Nhất Âu Châu từ năm 1951. Khối Hiệp Nhất Âu Châu có lẽ đã được bắt nguồn từ tư tưởng của Victor Hugo năm 1846, tư tưởng “hình thành mối huynh đệ Âu Châu”. Tuy nhiên, mãi đến sau Thế Chiến Thứ Hai, tức vào năm 1945, Âu Châu mới thực sự áp dụng tư tưởng này, để ít là có thể tránh khỏi những cuộc xung đột xẩy ra như hai trận thế chiến trước đó thuộc tiến bán thế kỷ 20.

 

Giờ đây, Khối Hiệp Nhất Âu Châu với 25 quốc gia phần tử có một tổng số dân là 455 triệu, nhiều hơn Hoa Kỳ khoảng gấp đôi, và là khối kinh tế lớn nhất thế giới, với một tổng sản lượng lớn hơn cả của Mỹ Quốc.

 

Tuy Khối Hiệp Nhất Âu Châu được phát triển để trở thành một khối kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng, Giáo Hội Công Giáo, qua vị đương kim Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã cảnh giác việc Khối này đã gạt bỏ căn tính và ngồn gốc Kitô Giáo làm nên văn hóa và lịch sử Âu Châu trong Bản Hiến Pháp của họ. Lý do là vì Khối này, dẫn đầu là Pháp quốc, muốn dân sự (chính trị và kinh tế) hoàn toàn tách biệt khỏi tôn giáo.

 

Đồng ý là như thế. Tôn giáo và dân sự phải hoàn toàn tách biệt nhau về phương diện trách nhiệm và sứ vụ chuyên biệt của mỗi lãnh vực, để tránh khỏi những gì đáng tiếc đã xẩy ra trong quá khư. Như các hoàng đế Rôma xưa đã triệu tập các Công Đồng Chung đầu tiên của Giáo Hội, hay các vị giáo hoàng sau này đã phong vương, phong đế cho các nước thuộc thẩm quyền của mình.

 

Tuy nhiên, không phải vì thế mà hai lãnh vực này có thể hoàn toàn tách biệt nhau về khía cạnh cùng đích. Nếu con người không nguyên sống bởi bánh mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra, tức còn phải sống theo luân thường đạo lý và luân lý nữa, mới thực sự là người và nên người thế nào, bằng không con người chỉ sống để mà ăn như con vật, thì dân sự không thể thiếu tôn giáo như hồn sống của mình. Một Âu Châu càng hiệp nhất về phương diện kinh tế và chính trị càng phủ nhận căn tính Kitô Giáo của mình là một Âu Châu đang đi đến chỗ diệt vong.

 

Hiện tượng này đã xuất đầu lộ diện ngay khi Khối này có thêm 25 phần tử nữa vào tháng 5/2004. Điển hình là vấn đề bất đồng việc xài đồng Âu (eu) và việc đóng vai trò thay nhau làm chủ tịch khối. Về vấn đề sử dụng tiền euro, chỉ mới có 12 quốc gia trong 25 thuộc về “eurozone” mà thôi. Về vấn đề giữ vai trò chủ tịch, hôm Thứ Hai 21/6/2004, Đức đã cùng với Pháp đã bác bỏ việc bất cứ ứng viên nào thuộc Hiệp Vương Quốc, Ái Nhĩ Lan, Đan Mạch, Thụy Điển hay 10 tân phần tử được làm chủ tịch Ủy Ban Âu Châu tới đây.

 

Ngoài ra, vào đầu tháng 6/2004, cuộc bỏ phiếu đầu tiên khi khối này tăng thêm 10 phần tử nữa, đã cho thấy tình hình không khả quan cho lắm. Vì chỉ có 45.5%, một kỷ lục thấp nhất từ trước đến nay. Trong số 15 phần tử cữ có 49%, còn thấp hơn năm 1999 ở 49.8%. Còn ở các nước Đông Âu mới gia nhập chỉ có 26.4%. Chưa hết, bản Hiến Pháp Âu Châu đã bị chính hai quốc gia sáng lập bác bỏ qua các cuộc trưng cầu dân ý của họ, Pháp vào ngày 29/5, và Hòa Lan vào ngày 1/6/2005.

 

Bởi thế, nếu Khối Hiệp Nhất Âu Châu không mau trở về với căn gốc Kitô Giáo là những gì làm nên lịch sử và văn hóa của họ theo lời kêu gọi của Giáo Hội Công Giáo, họ sẽ không thể tiến triển về phương diện kinh tế, trái lại, lòng đạo càng sa sút, họ càng trở thành một Khối Bất Nhất Âu Châu thay vì Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Đó là chưa kể đến tình hình Hồi Giáo đang phát triển mạnh ở đây, vào một lúc nào đó, khối Hồi Giáo, qua sự quan phòng của Thiên Chúa, vì muốn thanh tẩy Âu Châu đang càng ngày càng bị tục hóa chẳng hạn, để cho Âu Châu bị Hồi Giáo xâm chiếm một cách nào đó. Cuộc nổi loạn ở Pháp, kéo dài liên tục trên 2 tuần lễ từ ngày 27/10/2005 của giới trẻ thuộc thành phần Hồi Giáo, phải chăng là một dấu chỉ thời đại cho thấy Âu Châu cần phải cấp thời hoán cải?

 

Thật vậy, một Âu Châu đã được hình thành bởi văn hóa Kitô giáo, một thứ văn hóa đã làm nền văn minh Âu Châu nói riêng và thế giới nói chung qua việc truyền bá Phúc Âm hóa từ và bởi châu lục này, cần phải trở về với căn gốc của mình, mới có thể lấy lại được uy thế cả về đạo lý lẫn chính trị và kinh tế; bằng không, không tìm Nước Chúa và sự công chính của Ngài trước, nghĩa là chỉ biết sống thuần túy bởi bánh duy vật, như thực tế đã từng và đang xẩy ra, thì Âu Châu (và cả Mỹ Châu là một tân Âu Châu nới rộng), hai châu lục được gọi là thế giới Kitô giáo, sẽ cứ quay cuồng với nền văn hóa sự chết, choáng váng với đủ mọi thứ luật rừng và quái rợ, như ly dị phá thai, triệt sinh an tử, hôn nhân đồng tính, tạo sinh sao bản v.v., chẳng khác gì một anh chàng đóng khố luân thường đạo lý và đi giầy tây văn minh vật chất vậy.

 

Đó là lý do, trong mùa hè năm 2003, tại nhà nghỉ mát của mình, ĐTC Gioan Phaolô II đã ban các bài huấn từ truyền tin Chúa Nhật liên quan đến căn gốc Kitô giáo ở Âu Châu, một vấn đề Ngài muốn dẫn giải thêm về Tông Huấn “Giáo Hội Tại Âu Châu” là văn kiện mới được Ngài ban bố trước đó ít lâu, 28/6/2003, áp lễ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô.

 

(xin xem tiếp Chương 4: Vị Giáo Hoàng về Một Âu Châu Hiệp Nhất, trang 109)

Vet8_03.jpg