x

 

CUỘC KHỦNG HOẢNG

VĂN HÓA ÂU CHÂU

 

 

 

S

au đây là nhận định của Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin Joseph Ratzinger về Cuộc Khủng Hoảng Văn Hóa Âu Châu nói riêng và của thế giới nói chung, được bày tỏ trong bài thuyết trình của ngài tại nữ đan viện Thánh Scholastica ở Subiaco, ngay trước ngày Đức Gioan Phaolô II qua đời, tức vào ngày 1/4/2005, khi ngài nhận Giải Thưởng Thánh Biển Đức về việc ngài cổ võ sự sống và gia đình ở Âu Châu.

 

Chúng ta đang sống trong một thời điểm đại hiểm nguy và đầy khả năng đối với con người và thế giới; một thời điểm tất cả chúng ta cũng nặng gánh trách nhiệm nữa. Trong thế kỷ vừa qua, các khả năng của con người cùng với việc họ thống trị trên vật chất đã phát triển ở mức độ thực sự không thể nào tưởng tượng nổi. Tuy nhiên, quyền lực của họ trong việc hành sử thế giới đã đi đến chỗ họ có thể hủy hoại tới độ có những lúc làm cho chúng ta kinh hoàng. Đó là lý do tự nhiên chúng ta nghĩ tới mối đe dọa khủng bố, một thứ chiến tranh vô biên giới hay phi biên cương bờ cõi.

 

Nỗi sợ hãi ấy đó là chẳng mấy chốc các thứ vũ khí nguyên tử hay sinh chất sẽ làm chủ tình hình không phải là những gì vô cớ, và đã là những gì cần thiết đối với các quốc gia hợp pháp trong việc chấp nhận thực hiện những hệ thống an ninh nội địa, giống như những hệ thống trước đây chỉ có ở trong tay những chế độ độc tài. Tuy nhiên, cái cảm giác vẫn còn đó, ở chỗ, thực sự tất cả những phòng hờ này vẫn chưa đủ, vì việc kiểm soát toàn cầu là những gì bất khả thành tựu và không thể nào thỏa đạt.

 

Có những điều ít thấy hơn, nhưng không phải vì thế ít quan ngại, đó là những khả năng tự mạo động mà con người đang chiếm hữu. Họ đã dò thám thấy những vực sâu thẳm của hữu thể, đã giải mã được những yếu tố về con người, và giờ đây có thể nói có khả năng kiến tạo nên chính con người mình, thành phần nhờ đó không còn vào đời như là một tặng ân của Đấng Hóa Công nữa, mà là như một sản phẩm của việc chúng ta làm, một sản phẩm mà, bởi thế, cũng được chọn lựa theo những nhu cầu khẩn cấp được chính chúng ta ấn định.

 

Như thế, ánh quang rạng ngời của việc là hình ảnh Thiên Chúa không còn chiếu tỏa trên con người nữa, một hình ảnh là những gì ban cho họ phẩm vị và tính cách bất khả vi phạm, và họ chỉ còn quyền lực theo những khả năng nhân loại của mình thôi. Họ chỉ là hình ảnh của con người – của con người nào đây?

 

Thêm vào đó còn xẩy ra những vấn đề lớn khác nữa trên thế giới, chẳng hạn như tình trạng bất quân bình trong việc phân phối các sản vật của trái đất, tình trạng gia tăng nghèo khổ, và việc càng trở nên bần cùng hóa và tình trạng hao kiệt trái đất cùng với các nguồn lợi của nó, tình trạng đói khổ, bệnh tật là những gì đang đe dọa toàn thể thế giới, và tình trạng đụng độ giữa các nền văn minh.

 

Tất cả những điều này cho thấy rằng việc gia tăng các thứ khả năng của chúng ta vẫn không tương ứng với việc phát triển khả sánh nơi năng lực về luân lý của chúng ta. Sức mạnh về luân lý không tăng triển cùng với việc phát triển về khoa học; trái lại, nó bị suy yếu đi, vì tâm thức về kỹ thuật đẩy luân lý vào lãnh vực chủ quan, trong khi chúng ta thực sự cần đến một thứ luân lý công cộng, một thứ luân lý có thể đáp ứng những mối đe dọa đang đè nén cuộc sống của tất cả chúng ta. Mối hiểm nguy thực sự và trầm trọng nhất vào những lúc này đây đúng là ở chỗ tình trạng thiếu quân bình giữa những khả năng về kỹ thuật và năng lực về luân lý.

 

Thứ an ninh chúng ta cần như điều kiện tiên quyết cho tự do của chúng ta cũng như cho phẩm giá của chúng ta, nói cho cùng, không thể xuất phát từ các hệ thống kiểm soát của kỹ thuật, mà đặc biệt xuất phát từ sức mạnh luân lý của con người: Bất cứ khi nào thiếu hụt sức mạnh về luân lý này thì quyền năng con người có được sẽ dần dần biến thành quyền năng hủy hoại.

 

Tân chủ nghĩa luân lý

 

Quả thực thứ tân chủ nghĩa luân lý ngày nay bao gồm những từ ngữ chính yếu là công lý, hòa bình và bảo trì thiên nhiên – những ngôn từ cần đến các thứ giá trị về luân lý mà chúng ta thực sự cần đến. Thế nhưng, chủ nghĩa luân lý này vẫn là những gì mơ hồ, nên hầu như không thể tránh được việc ngả theo chiều hướng của các đảng phái chính trị. Trước hết chủ nghĩa luân lý ấy là một thứ châm ngôn được ngỏ cùng các người khác, trong khi đó nhiệm vụ cá nhân trong cuộc sống thường nhật của chúng ta thì lại quá ít ỏi. Thật vậy, công lý nghĩa là gì? Ai là người định nghĩa nó đây? Những gì sẽ giúp vào việc kiến tạo nên hòa bình?

 

Qua các thập niên vừa rồi chúng ta đã thấy rõ ở các đường phố và công viên của chúng ta cách thức chủ nghĩa cầu an có thể thiên về chủ nghĩa loạn quân và khủng bố hủy hoại. Chủ nghĩa luân lý về chính trị ở thập niên 1970, các căn gốc của những gì chỉ là chết chóc, đó là một chủ nghĩa luân lý thành đạt trong việc thu hút thậm chí cả thành phần giới trẻ đầy lý tưởng. Thế nhưng, nó đã là một thứ chủ nghĩa luân lý sai đường lạc hướng, bao lâu nó hụt hẫng đi điều hay lẽ phải, và vì, nói cho cùng, nó đặt không tưởng chính trị trên phẩm giá của mỗi một con người, nó thậm chí đi đến chỗ tỏ ra khinh miệt con người nhân danh những mục tiêu cao cả. 

 

Chủ nghĩa luân lý về chính trị, như chúng ta đã sống và đang sống thứ chủ nghĩa này, không mở đường mà lại còn đi đến chỗ ngăn chặn việc phục hồi tái sinh nữa. Bởi thế, cũng đúng nữa, đối với cả một thứ Kitô giáo và một thứ thần học biến cốt lõi của sứ điệp Chúa Giêsu là “Vương Quốc của Thiên Chúa” thành “những giá trị của vương quốc này”, khi đồng hóa những giá trị ấy với những đại từ ngữ chính yếu của chủ nghĩa luân lý chính trị, cũng như khi công bố những giá trị ấy như là một thứ tổng hợp các đạo giáo.

 

Tuy nhiên, như thế thì Thiên Chúa đã bị gạt ra ngoài, bất chấp sự kiện chính Ngài là chủ thể và là căn nguyên của vương quốc Thiên Chúa. Thay vào chỗ của Ngài vẫn là những đại ngôn (và những thứ giá trị) bị lạm dụng đủ thứ.

 

Cái nhìn tóm tắt này về tình trạng thế giới dẫn chúng ta tới việc suy nghĩ đến tình trạng Kitô giáo ngày nay, từ đó, đến các nền tảng của Âu Châu; một Âu Châu đã có thời có thể nói là châu lục Kitô giáo, thế nhưng nó cũng đã là khởi điểm của thứ lý lẽ mới về khoa học cống hiến cho chúng ta những khả năng cao cả cùng với những đe dọa lớn lao. Kitô giáo thật sự không được bắt nguồn từ Âu Châu, do đó, nó không thể được liệt vào một thứ tôn giáo của người Âu Châu, thứ tôn giáo của lãnh giới văn hóa Âu Châu. Thế nhưng, Kitô giáo đã thực sự lãnh nhận ở Âu Châu tính chất văn hóa và tri thức hiệu nghiệm nhất, nhờ đó, vẫn được đồng hóa cách đặc biệt với Âu Châu.

 

Ngoài ra, thật sự là Âu Châu này, từ thời Phục Hưng (Renaissance), và hiểu cho đúng hơn nữa thì từ thời Minh Tri (Enlightenment), đã chính là thời kỳ phát triển lý lẽ khoa học, những thứ lý lẽ chẳng những ở kỷ nguyên của các khám phá dẫn đến chỗ hiệp nhất địa dư của thế giới, đến chỗ gặp gỡ giữa các châu lục và văn hóa, mà còn là những lý lẽ ngày nay, sâu xa hơn nữa nhờ nền văn hóa kỹ thuật hiện hữu bởi khoa học, in đậm nét của mình trên toàn thế giới, thậm chí, ở một nghĩa nào đó, còn làm cho thế giới thành đồng dạng nữa.

 

Một xã hội vô thần

 

Sau thứ hình thức này của lý lẽ khoa học, Âu Châu đã phát triển một thứ văn hóa, một cách mà giờ đây nhân loại không thể nào ngờ tới được trước đó, một thứ văn hóa loại trừ Thiên Chúa ra khỏi lương tâm quần chúng, một là hoàn toàn chối bỏ Ngài, hai là cho rằng việc hiện hữu của Ngài không thể chứng minh được, không chắc chắn, nên việc ấy thuộc về lãnh vực tùy nghi chọn lựa, một vấn đề dù sao cũng chẳng có liên quan gì tới đời sống của quần chúng cả.

 

Thứ lý lẽ thuần chức năng này có thể nói đã bao hàm một thứ lệch lạc của lương tâm luân lý là những gì hoàn toàn mới mẻ đối với các nền văn hóa hiện hữu cho tới nay, vì thứ lý lẽ thuần chức năng ấy cho rằng chỉ có lý lẽ mới là những gì có thể được chứng minh bằng thí nghiệm. Vì luân lý thuộc về một lãnh vực hoàn toàn khác hẳn như thế mà nó sẽ bị mất hẳn đi tính chất của mình và cần phải được nhận diện một cách khác, một cách giống như nó dầu sao cũng cần phải được công nhận rằng luân lý là những gì thiết yếu.

 

Trong một thế giới sống theo tính toán thì chính việc tính toán về các hậu quả đã quyết định những gì cần phải được hay không được coi là luân lý. Như thế, thể loại về sự thiện, như được triết gia Kant rõ ràng vạch ra cho thấy, đã biến mất hết. Không gì tự bản chất là tốt hay xấu cả, mọi sự đều lệ thuộc vào cái hậu quả được hành động tỏ cho con người thấy trước.

 

Nếu Kitô giáo, một đàng, đã tìm thấy hình thức hiệu năng nhất của mình ở Âu Châu, thì đàng khác cũng cần phải nói rằng nơi Âu Châu đã phát triển một thứ văn hóa hoàn toàn nghịch đảo sâu xa nhất, chẳng những nghịch đảo lại với Kitô giáo mà còn với các truyền thống của nhân  loại về đạo giáo và về luân lý nữa.

 

Từ đó người ta mới hiểu rằng Âu Châu đang trải qua một “cuộc thử thách đầy những căng thẳng” thực sự và thích đáng; như thế người ta cũng mới hiểu rằng châu lục của chúng ta đây cần phải đối đầu với chủ nghĩa cấp tiến của những thứ căng thẳng này. Tuy nhiên, cũng vì thế mà trước hết mới xuất phát ra cái trách nhiệm cần người Âu Châu chúng ta đảm nhận vào thời điểm lịch sử này – trong cuộc tranh luận về ý nghĩa của Âu Châu, về việc hình thành chính trị mới mẻ của nó. Đây không phải là vấn đề đấu tranh lịch sử đang diễn tiến của đạo quân hậu tập cảm thấy xót xa cho quê hương, mà là trách nhiệm cao cả đối với nhân loại ngày nay.

 

Chúng ta hãy nhìn kỹ hơn đến cái tương phản này nơi hai nền văn hóa đã làm nên tính chất của Âu Châu. Trong cuộc tranh luận về Lời Ngỏ của Bản Hiến Pháp Âu Châu, cái tương phản này có hai điểm được bàn cãi, đó là vấn đề nói đến Thiên Chúa trong Bản Hiến Pháp và vấn đề đề cập tới căn gốc Kitô giáo của Âu Châu. Nếu ở khoản 52 của Bản Hiến Pháp này các quyền lợi theo hiến pháp của các Giáo Hội được bảo đảm thì nói được là chúng ta có thể an tâm.

 

Thế nhưng, điều này có nghĩa là nơi đời sống Âu Châu, các Giáo Hội có được một chỗ đứng ở lãnh vực dấn thân của chính trị, nhưng nơi lãnh vực về nền tảng của Âu Châu, đặc tính của châu lục này không có chỗ đứng. Những lý do được viện dẫn nơi cuộc công khai tranh luận này về vấn đề “không” rõ ràng ấy là những gì nông nổi, nó cho thấy rõ ràng là thay vì nói lên cái động lực thực sự của mình thì những lý do ấy lại che giấu nó đi. Vấn đề khẳng định cho rằng việc đề cập tới căn gốc Kitô giáo của Âu Châu là những gì làm tổn thương tới các cảm quan của nhiều người không phải là Kitô hữu ở Âu Châu không phải là lý do rất chính đáng, ở chỗ, trước hết, nó liên quan tới một sự kiện lịch sử không ai có thể nghiêm chỉnh chối cãi.

 

Bình thường thì việc đề cập về lịch sử này có liên quan tới hiện tại. Việc đề cập đến những căn gốc ấy bao hàm cả việc xác định những mạch nguồn chất chứa của chiều hướng luân lý, một chiều hướng là yếu tố của căn tính Âu Châu. Ai là người sẽ bị xúc phạm đây? Căn tính của ai bị đe dọa đây?

 

Những người Hồi giáo, thành phần về vấn đề này thường muốn cho những căn tính ấy vào Bản Hiến Pháp, không cảm thấy bị đe dọa bởi những nền tảng Kitô giáo về luân lý của chúng ta, thế nhưng, nó lại bị đe dọa bởi tính chất hoài nghi của một thứ văn hóa tục hóa chối bỏ chính căn gốc của mình. Cả người anh em Do Thái của chúng ta nữa cũng không bị xúc phạm bởi việc qui chiếu về các căn gốc Kitô giáo của Âu Châu, vì những căn gốc này trở về với Núi Sinai. Chúng mang dấu hiệu của một tiếng nói đã vang lên ở ngọn núi này của Thiên Chúa và liên kết với chúng ta theo những chiều hướng hết sức sâu xa được Bản Thập Điều cống hiến cho nhân loại. Điều này cũng đúng nữa đối với việc đề cập tới Thiên Chúa, ở chỗ, việc không đề cập tới Thiên Chúa chẳng những là việc xúc phạm tới những ai thuộc về các tôn giáo khác, mà còn là một nỗ lực muốn xây dựng cộng đồng nhân loại hoàn toàn không có Thiên Chúa.

 

Những động lực liên quan đến cái “không” lưỡng diện này là những gì sâu xa hơn cả những lý do được viện dẫn người ta có thể nghĩ đến. Chúng cho rằng chỉ có thứ văn hóa thực sự của chủ nghĩa Minh Tri, một thứ văn hóa đã đạt đến mức hoàn toàn phát triển trong thời đại của chúng ta đây, mới có thể làm nên căn tính Âu Châu. Nhờ đó các nền văn hóa về tôn giáo khác nhau cùng với những quyền lợi tương xứng mới có thể đồng hiện hữu bên cạnh thứ văn hóa Minh Tri ấy, với điều kiện và ở mức độ chúng tôn trọng các qui chuẩn của văn hóa Minh Tri và phụ thuộc vào văn hóa Minh Tri.

 

 

Văn Hóa Quyền Lợi

 

Thứ văn hóa Minh Tri này thực sự là thứ văn hóa được nổi bật bởi các thứ quyền tự do; nó phát xuất từ quyền tự do như giá trị chính yếu để đo lường hết mọi sự: quyền tự do chọn lựa tôn giáo, bao gồm cả việc chọn lựa tính cách trung lập về tôn giáo; quyền tự do bày tỏ ý nghĩ của mình, miễn là nó không đặc biệt đặt vấn đề gì với chủ trương tự do ấy; việc tổ chức dân chủ của quốc gia, tức là việc kiểm soát của quốc hội đối với các cơ cấu chính quyền; việc tự do hình thành các đảng phái; việc độc lập của ngành tư pháp; và sau hết là việc bảo toàn các quyền lợi của con người và cấm tỏ ra kỳ thị. Ở đây qui định tự do này vẫn còn  ở trong tiến trình hình thành, bởi vì cũng có những quyền lợi của con người bị tương khắc, chẳng hạn như nơi trường hợp xung khắc giữa ước muốn tự do của nữ giới với quyền sống của một thai nhi.

Quan niệm về sự kỳ thị lại càng lan rộng hơn nữa, bởi thế việc ngăn cấm vấn đề kỳ thị càng ngày càng bị biến thành một thứ hạn chế quyền tự do phát biểu ý nghĩ và quyền tự do tôn giáo. Chẳng mấy chốc sẽ không thể nói rằng việc đồng tính luyến ái, như Giáo Hội Công giáo dạy, là một thứ lệch lạc khách quan nơi vấn đề cấu tạo nên cuộc sống của con người nữa. Và sự kiện Giáo Hội tin rằng mình không có quyền truyền chức linh mục nữ giới, cho tới nay, vẫn được một số người nghĩ rằng là những gì bất khả hóa giải với tinh thần của Bản Hiến Pháp Âu Châu.

 

Hiển nhiên là qui định này của nền văn hóa Minh Tri, nếu không nói một cách tuyệt đối, chất chứa những thứ giá trị quan trọng mà chúng ta, chính vì là Kitô hữu, đã không muốn và không thể chối bỏ; tuy nhiên, cũng không thể chối cãi được rằng cái quan niệm rõ ràng hay thiếu rõ ràng một cách bệnh hoạn về thứ quyền tự do là nền móng của nền văn hóa ấy vẫn không thể tránh được có những cái mâu thuẫn; và hiển nhiên cho thấy là chính vì việc sử dụng nó (một việc sử dụng dường như cấp tiến), nó đã bao hàm cả những hạn chế về quyền tự do mà thế hệ trước đây của chúng ta thậm chí cũng không thể nào tưởng tượng nổi. Một thứ ý hệ lẫn lộn về tự do dẫn đến chủ nghĩa giáo điều, một chủ nghĩa càng ngày càng tỏ ra hận thù với tự do. 

 

(Biệt chú của người dịch: về tác dụng tích cực và tiêu cực của chủ nghĩa Minh Tri được Hồng Y Ratzinger nói đến trên đây và dưới đây cũng đã được vị mà ngài sẽ trở thành người thừa nhiệm sau đó 1 tháng rưỡi, đề cập tới trong tác phẩm trăn trối của mình là “Hồi Niệm Và Căn Tính”, chương 18 về ‘Những Hoa Trái Tích Cực của Chủ Nghĩa Minh Tri’, và ở chương 2 về ‘Những Ý Hệ của Sự Dữ’, chương 7 về ‘Hướng Tới Việc Sử Dụng Chính Đáng Quyền Tự Do’, và chương 22 về ‘Nền Dân Chủ Tân Tiến’. Ở đây, trong tập sách này, chúng ta có thể xem lại tổng quan những gì về chủ nghĩa Minh Tri được vị triết gia nhân bản Gioan Phaolô II nhận định ở chương 9 về ‘Vị Giáo Hoàng về Một Âu Châu Hiệp Nhất’, nhất là trang 105-121).

 

Chắc chắn chúng ta phải chú trọng một lần nữa tới vấn đề mâu thuẫn nội tại nơi hình thức hiện thời của nền văn hóa Minh Tri. Thế nhưng, trước hết chúng ta phải diễn tả nó đã. Theo bản chất của mình, nó là một thứ văn hóa của lý trí, một thứ văn hóa cuối cùng đã hoàn toàn nhận thức được chính mình, trong việc tỏ ra hãnh diện về tính cách đại đồng cũng như trong việc cho rằng nó tự mình viên trọn, không cần đến một thứ viên trọn nào nơi các yếu tố văn hóa khác.

 

Cả hai đặc tính này được rõ ràng nhận thấy nơi vấn đề liên quan tới việc ai có thể trở thành phần tử của cộng đồng Âu Châu, nhất là trong cuộc tranh cãi về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập vào cộng đồng này. Nó là vấn đề về một quốc gia, hay đúng hơn, về một lãnh vực văn hóa không có căn gốc Kitô giáo, nhưng lại là thứ văn hóa bị ảnh hưởng bởi văn hóa Hồi giáo. Bởi thế mà Ataturk đã cố gắng biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một quốc gia trần thế, nỗ lực gieo trồng nơi lãnh thổ của người Hồi giáo tính cách thế tục là tính cách đã được chín mùi nơi thế giới Kitô giáo Âu Châu.

 

 

Văn Hóa Phổ Quát?

 

Chúng ta có thể tự hỏi mình rằng đó có phải là điều khả dĩ hay chăng? Theo luận cứ của Chủ Nghĩa Minh Tri và văn hóa trần thế của Âu Châu thì chỉ có những tiêu chuẩn và những gì chất chứa văn hóa Minh Tri mới có thể xác định được căn tính của Âu Châu, do đó, mọi quốc gia chấp nhận chuẩn mức này mới có thể thuộc về Âu Châu. Tóm lại, bất kể là loại gốc rễ nào mà thứ văn hóa tự do và dân chủ này được gieo trồng.

 

Chính vì thế mà vấn đề được khẳng định là những căn gốc không thể hợp với nền tảng của Âu Châu thì nó là vấn đề của những thứ căn gốc chết, không thuộc về căn tính hiện thời ấy. Hậu quả đó là, thứ căn tính mới này, thứ căn tính hoàn toàn được ấn định bởi nền văn hóa Minh Tri, cũng bao hàm cả vấn đề Thiên Chúa không can dự gì vào đời sống của quần chúng cũng như vào nền tảng của quốc gia cả.

 

Như thế là mọi sự trở thành hợp lý và, ở một số trường hợp còn đáng ca ngợi nữa. Thật vậy, chúng ta còn gì mong ước đẹp đẽ hơn khi thấy mọi nơi tôn trọng chế độ dân chủ và nhân quyền? Tuy nhiên, vấn đề cần phải được đặt ra ở đây là nếu thứ văn hóa Minh Tri trần tục này thực sự là văn hóa, một thứ văn hóa cuối cùng được cho là phổ quát, thì nó có phục vụ toàn thể nhân loại hay chăng; nó có phải là một thứ văn hóa hòa hợp ở mọi nơi hay chăng, cho dù ở một mảnh đất khác nhau về lịch sử và văn hóa. Và chúng ta cũng có thể tự hỏi là nó có thực sự tự mình viên trọn hay chăng, cho đến độ nó không cần đến một cội gốc nào ngoài chính mình nó.

 

Chúng ta hãy giải quyết hai vấn đề vừa được đặt ra. Đối với vấn đề thứ nhất, tức là vấn đề có hay chăng việc đạt tới một thứ triết lý phổ quát cuối cùng đã thực sự hoàn toàn hợp lý theo khoa học, một thứ triết lý mang lại lợi ích chung cho toàn thể nhân loại, chúng ta cần phải trả lời là chắc chắn chúng ta đã đạt đến những thành đạt quan trọng là những gì được cho là có giá trị đại đồng. Những thành đạt này gồm có việc ý thức rằng quốc gia không được áp đặt vấn đề tôn giáo, trái lại, tôn giáo chỉ có thể được tự do chấp nhận mà thôi; việc tôn trọng các quyền lợi căn bản của tất cả mọi con người như nhau; việc phân biệt các thứ quyền lực và việc kiểm soát của quyền lực.

 

Tuy nhiên, không được nghĩ rằng những giá trị nồng cốt ấy, những giá trị được chúng ta nhìn nhận ấy có giá trị chung, khả thi như nhau nơi hết mọi môi trường lịch sử. Không phải là tất cả mọi xã hội đều có những nhận định về xã hội học đối với một chủ nghĩa dân chủ được xây dựng trên các đảng phái, như xẩy ra ở Tây phương; bởi thế, tính cách hoàn toàn trung lập về tôn giáo của một quốc gia, ở đa số những môi trường lịch sử là những gì phải được coi là ảo tưởng.

 

Bởi thế, chúng ta tiến đến những rắc rối liên quan tới vấn đề thứ hai. Thế nhưng, trước hết chúng ta hãy làm sáng tỏ vấn đề là phải chăng những thứ triết lý Minh Tri tân thời, nói chung, cuối cùng có thể chất chứa lợi ích chung cho toàn thể nhân loại. Những thứ triết lý này có đặc tính ở sự kiện chúng là thứ triết lý thực chứng, bởi thế, chúng phản siêu hình học, đến độ, cuối cùng chúng không chấp nhận Thiên Chúa nữa. Chúng được căn cứ vào việc tự hạn chế của chủ nghĩa thực chứng hợp lý, một chủ nghĩa có thể áp dụng vào lãnh vực kỹ thuật, thế nhưng lại là một chủ nghĩa khi được tổng quát hóa bao hàm cả một con người bị què cụt. Nó thành đạt trong việc làm cho con người không còn công nhận bất cứ một đòi hỏi về luân lý nào ngoài những tính toán của họ, và như chúng ta thấy, quan niệm về tự do, một quan niệm thoạt nhìn dường như vươn ra cách vô hạn nhưng lại dẫn tới việc tự hủy tự do.

 

Các thứ triết lý thực chứng thực sự chất chứa những yếu tố quan trọng về sự thật. Tuy nhiên, những yếu tố này được căn cứ vào những hạn hẹp do lý trí áp đặt, tính chất của trường hợp chuyên biệt về văn hóa – trường hợp Tây Phương tân thời – và vì thế không phải là yếu tố quyết liệt của lý trí. Tuy nhiên, mặc dù chúng xem ra như hoàn toàn hợp lý, chúng vẫn không phải là tiếng nói của chính lý trí, song theo văn hóa được đồng hóa với hiện trạng ở Tây Phương.

 

Vì lý do ấy chúng không thể nào là thứ triết lý một ngày kia sẽ được khắp thế giới công nhận. Thế nhưng, trước hết, cần phải nói rằng, triết lý Minh Tri này cùng với văn hóa xứng hợp của nó là những gì không trọn vẹn. Nó tự ý tách lìa căn gốc lịch sử của mình khi làm cho nó bị hụt mất đi những quyền lực sản sinh ra nó, hụt hẫng đi cái hoài niệm nồng cốt về con người là những gì có thể nói, nếu thiếu vắng, lý trí sẽ bị lạc hướng.

 

 

Hiểu Biết Là Hành Động

 

Thật vậy, nguyên tắc hiện nay có giá trị, theo đó, khả năng của con người được đo lường bằng hành động của mình. Những gì con người biết phải làm ra sao thì cũng là những gì có thể được làm. Không còn vấn đề biết làm thế nào với có thể làm nữa, vì có thể phạm đến tự do, một thứ tự do là giá trị hoàn toàn tối hậu. Thế nhưng con người biết làm nhiều điều, và càng biết cách làm nhiều điều hơn nữa; và nếu cái biết cách làm này không được căn cứ vào một qui tắc luân lý thì nó trở thành, như chúng ta đã thấy, một quyền lực hủy hoại.

 

Con người biết cách tạo sinh sao bản con người, do đó họ đang làm điều ấy. Con người biết cách sử dụng con người như kho chứa cơ phận cho các người khác, nên họ đang làm điều ấy; họ làm như vậy là vì điều ấy như là một nhu cầu cấp bách của quyền tự do họ có. Con người biết cách tạo nên các loại bom nguyên tử nên họ chế tạo ra chúng, và theo cùng một nguyên tắc, họ cũng được quyền sử dụng chúng. Sau hết là việc khủng bố cũng được căn cứ vào kiểu cách con người tự mình quyết định, chứ không được căn cứ vào giáo huấn của Kinh Koran nữa.

 

Việc tách lìa thực sự của triết lý Minh Tri với các căn gốc của nó cuối cùng trở thành việc khinh miệt con người. Con người, tận cùng, không có tự do, chúng ta được thành phần phát ngôn viên của các khoa học tự nhiên cho biết như thế, hoàn toàn tương khắc với khởi điểm của toàn thể vấn đề. Con người không được nghĩ rằng họ là một cái gì đó hơn tất cả mọi sinh vật khác, và vì thế cũng cần phải được đối xử như chúng, chúng ta đã được cho biết như thế, thậm chí, bởi thành phần phát ngôn viên khá nhất về một thứ triết lý hiển nhiên tách lìa khỏi các căn gốc nơi hồi niệm về lịch sử của con người.

 

Chúng ta tự hỏi mình hai vấn đề: phải chăng triết lý duy lý (thực chứng) hoàn toàn hợp lý, nhờ đó, nó có giá trị đại đồng, và nó là thứ triết lý trọn vẹn. Phải chăng nó là thứ triết lý tự mình đầy đủ? Phải chăng nó có thể, hay nói một cách trực tiếp hơn, nó cần phải xóa bỏ đi những căn gốc lịch sử của nó đối với lãnh vực thuần quá khứ, và do đó với cả lãnh vực của những gì chỉ có thể được coi là giá trị theo chủ quan?

 

(Biệt chú của người dịch: đó là lý do tác phẩm cuối cùng của Đức Gioan Phaolô II là “Hồi Niệm và Căn Tính”, xuất bản ngày 22/2/2005, trước bài nói này của vị hồng y sẽ thừa kế ngài, rất ư là hợp thời và theo chiều hướng của vị tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI vậy).

 

Chúng ta cần phải đáp “không” đối với cả hai vấn đề này một cách dứt khoát. Thứ triết lý này không thể hiện tất cả lý trí của con người, mà chỉ một phần của lý trí thôi, và vì cái cắt xén lý trí này mà nó không thể được cho là hoàn toàn hợp lý. Đó là lý do nó không trọn vẹn, và chỉ có thể nên trọn bằng việc tái thiết lập việc liên hệ với căn gốc của nó. Một cây mất gốc sẽ khô héo thôi.

 

 

Loại Trừ Thiên Chúa

 

Khi nói như thế, người ta không chối bỏ tất cả những gì là tích cực và quan trọng của thứ triết lý ấy, thế nhưng họ muốn khẳng định việc nó cần phải làm cho nó nên trọn vẹn, làm trọn vẹn những gì nó còn hết sức thiếu sót. Nên chúng ta cần phải nói đến một lần nữa hai điểm tranh cãi ở Lời Mở Đầu Bản Hiến Pháp Âu Châu. Việc loại bỏ các căn gốc Kitô giáo chẳng những không tỏ ra cho thấy một thứ dung nhượng cao cả trong vấn đề tôn trọng tất cả mọi thứ văn hóa như nhau, không giành ân huệ cho bất cứ văn hóa nào, mà còn như tuyệt đối hóa một mẫu thức về tư tưởng và đời sống hết sức chống lại, trong số những điều khác, các thứ văn hóa theo lịch sử của nhân loại. 

 

Cái thực sự tương phản làm nên đặc tính của thế giới ngày nay này không phải là cái tương phản giữa các thứ văn hóa tôn giáo khác nhau, mà là giữa sự giải phóng cấp tiến của con người, một mặt, khỏi Thiên Chúa, khỏi căn gốc của đời sống, và mặt khác, khỏi các thứ văn hóa của những đại tôn giáo. Nếu đã xẩy ra một cuộc đụng độ của các nền văn hóa thì không phải là vì đó là cuộc đụng độ của các đại tôn giáo – những tôn giáo luôn đấu tranh chống lại nhau, nhưng cuối cùng bao giờ cũng biết sống với nhau – mà là vì đó là cuộc đụng độ giữa cuộc giải phóng cấp tiến này của con người với các thứ văn hóa đại thể của lịch sử.

 

Bởi thế, ngay cả việc loại trừ vấn đề nói tới Thiên Chúa, cũng không phải là vấn đề thể hiện một thứ dung nhượng cho thấy muốn bảo vệ các tôn giáo vô thần cùng phẩm giá của thành phần vô thần và thành phần chủ trương bất khả thần tri, trái lại đó là vấn đề biểu lộ một lương tri muốn thấy Thiên Chúa hoàn toàn bị loại trừ ra khỏi đời sống quần chúng của con người, cũng như bị xóa bỏ đi đối với lãnh vực chủ quan của những thứ văn hóa thừa thãi thuộc quá khứ.

 

Chủ nghĩa tương đối, một chủ nghĩa là khởi điểm của tất cả những vấn đề này, nhờ đó trở thành một giáo điều, một giáo điều cho rằng mình chiếm hữu được phạm vi tối hậu của lý trí, và có quyền coi tất cả những gì khác chỉ như là một thứ khấu trường của nhân loại, một khấu trường cuối cùng sẽ được thắng vượt  và có thể được tương đối hóa một cách thích đáng. Trên thực tế thì điều này có nghĩa là chúng ta cần phải có gốc rễ để tồn tại, và chúng ta không được lạc mất Thiên Chúa, nếu chúng ta không muốn phẩm giá con người bị biến mất.

 

 

Tầm Quan Trọng Vĩnh Viễn của Đức Tin Kitô Giáo

 

Phải chăng đó chỉ là một sự loại trừ của Chủ Nghĩa Minh Tri và của tính chất tân tiến? Hoàn toàn không phải thế. Từ ban đầu, Kitô giáo ý thức mình là một tôn giáo của “Lời”, một tôn giáo theo lý trí. Trước hết, nó không đồng hóa mình với những thành phần tiền hô của nó nơi các tôn giáo khác, nhưng nơi cái minh tri về triết lý làm sáng tỏ đường lối của các truyền thống trong việc tìm kiếm chân lý và hướng về sự thiện, hướng đến vị Thiên Chúa duy nhất là Đấng vượt trên tất cả mọi thần linh.

 

Vì là một tôn giáo của thành phần bị bách hại, vì là một tôn giáo đại đồng, vượt ra ngoài các quốc gia và dân tộc khác nhau, nó đã phủ nhận quốc gia quyền coi tôn giáo như là một phần của cơ cấu quốc gia, để đòi quyền tự do sống đức tin. Nó bao giờ cũng thẩm định con người, tất cả mọi người không biệt phân, đều là tạo vật và là hình ảnh của Thiên Chúa, khi loan báo cho họ, về nguyên tắc, mặc dù trong giới hạn bắt buộc của trật tự xã hội, là họ đều có phẩm vị như nhau.

 

Căn cứ vào đó thì Chủ Nghĩa Minh Tri có nguồn gốc Kitô giáo, và không phải là ngẫu nhiên mà nó đã được thực sự hoàn toàn hạ sinh từ lãnh vực đức tin Kitô giáo, bất cứ nơi nào Kitô giáo, dù không với bản chất của nó song tiếc thay, đã trở thành truyền thống và là tôn giáo của quốc gia. Mặc dù triết lý, vì là việc tìm kiếm lý lẽ – cả đức tin của chúng ta cũng thế – bao giờ cũng là một đặc quyền của Kitô giáo, nhưng tiếng nói của lý trí đã bị thuần thục hóa quá trớn.

 

Công lênh của Chủ Nghĩa Minh Tri đã và đang đặt lại những giá trị nguyên thủy này của Kitô giáo và trả về cho lý trí tiếng nói của nó. Trong hiến chế mục vụ, Về Giáo Hội trong Thế Giới Tân Tiến, Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhấn mạnh một lần nữa sự tương hợp sâu xa này giữa Kitô giáo và Chủ Nghĩa Minh Tri, tìm cách hóa giải thực sự giữa Giáo Hội và tính chất tân tiến, vì đó là một đại gia sản mà cả đôi bên đều phải cùng nhau bênh vực.

 

Bởi thế mà cả hai cần phải tham dự vào việc tự ý thức và sẵn sàng sửa chữa lấy mình. Kitô giáo luôn phải nhớ rằng nó là một tôn giáo của “Lời”. Nó là niềm tin tưởng vào “Creator Spiritus”, vào Vị Thần Linh Tạo Hóa, Đấng mọi sự nhờ Ngài được hiện hữu. Ngày nay, điều này phải thực sự là sức mạnh về triết lý của Kitô giáo, ở chỗ, một là thế giới xuất phát từ những gì là vô tri, và lý trí bởi đó chỉ là một “sản phẩm phụ”, trong trường hợp thậm chí tác hại cả đến việc phát triển của nó; hai là thế giới xuất phát từ lý trí, do đó, là tiêu chuẩn và là mục đích của nó.

 

Đức tin Kitô giáo thiên về luận cứ thứ hai trên đây, bởi thế, theo quan điểm thuần triết lý, nó thực sự có được những quân bài tốt để chơi, bất chấp sự kiện là nhiều người ngày nay chỉ coi luận cứ thứ nhất trên đây như là luận cứ tân tiến và hợp lý duy nhất trên hết mà thôi. Tuy nhiên, một thứ lý trí xuất phát từ những gì vô tri, tức là, cuối cùng, chính nó là vô tri, không đưa ra được giải quyết gì cho những vấn đề của chúng ta cả. Chỉ có thứ lý trí sáng tạo, thứ lý trí trong Vị Thiên Chúa tử giá tỏ mình ra là tình yêu mới có thể thực sự tỏ cho chúng ta thấy đường lối mà thôi. Trong cuộc đối thoại rất cần thiết giữa thành phần theo chủ nghĩa thế tục và thành phần Công giáo, Kitô hữu chúng ta cần phải rất thận trọng trong việc trung thành với chiều hướng căn bản ấy, ở chỗ sống một đức tin xuất phát từ “Lời”, từ lý trí sáng tạo, và do đó, cũng cởi mở trước tất cả những gì thực sự hữu lý.

 

 

“Như Thể Thiên Chúa Hiện Hữu”

 

Thế nhưng, đến đây, với khả năng là một tín hữu của mình, tôi xin đề nghị với thành phần theo chủ nghĩa trần thế. Vào thời điểm của Chủ Nghĩa Minh Tri đã có một nỗ lực tìm hiểu và xác định các qui chuẩn thiết yếu về luân lý, cho rằng các qui chuẩn ấy vững chắc, qui chuẩn “etsi Deus non daretur”, cho dù Thiên Chúa không hiện hữu. Trong việc chống lại những niềm tin cũng như trong cuộc khủng hoảng chập chờn về hình ảnh Thiên Chúa, đã có một nỗ lực trong việc gìn giữ các thứ giá trị thiết yếu của luân lý khỏi bị những mâu thuẫn và tìm cách làm cho chúng trở thành một chứng cớ giúp cho chúng tránh khỏi nhiều thứ chia rẽ và bất ổn của những thứ triết lý và niềm tin khác nhau. Như thế, chúng muốn bảo đảm cái căn bản của việc đồng chung sống, và nói chung, của những nền tảng của nhân loại. Vào lúc ấy, người ta đã nghĩ là có thể giữ được một phần lớn những niềm xác tín sâu xa cả thể của Kitô giáo. Thế nhưng điều này không còn xẩy ra nữa.

 

Việc tìm kiếm cho một thứ chắc chắn được tái bảo đảm như thế, một thứ chắc chắn không bị đối chọi bởi tất cả những gì là khác nhau như thế, đều không thành. Thậm chí ngay cả nỗ lực thực sự lớn lao của triết gia Kant cũng đã không thể tạo nên được thứ vững chắc chung cần thiết này. Kant đã phủ nhận rằng Thiên Chúa có thể được biết đến trong phạm vi thuần lý trí, thế nhưng đồng thời ông đã tái trình bày cho thấy Thiên Chúa, tự do và sự bất tử như là những giả thiết của lý trí thiết thực, mà thiếu thứ lý trí này, đối với ông, không thể nào có hành vi về luân lý một cách mạch lạc được.

 

Tình hình thế giới ngày nay không làm cho chúng ta nghĩ rằng có lẽ ông ta có thể đã nhận định đúng hay sao? Tôi xin diễn tả nó một cách khác thế này: Nỗ lực, được vận dụng tối đa, trong việc khiến các công vụ của con người khinh thường Thiên Chúa là những gì hoàn toàn dẫn chúng ta càng ngày càng tiến đến bờ vực thẳm, đến chỗ làm cho con người bị cô lập với thực tại. Chúng ta cần phải giữ lấy câu tâm niệm của Chủ Nghĩa Minh Tri là: Cho dù người nào không thành đạt trong việc tìm thấy cách thức chấp nhận Thiên Chúa cũng phải tìm cách sống và điều khiển cuộc đời của mình “veluti si Deus daretur”, như thể Thiên Chúa hiện hữu. Đó là lời khuyên được Pascal khuyên bạn bè của mình, thành phần không tin tưởng. Có thế, không ai bị hạn chế sống tự do của họ, nhưng tất cả mọi công việc của chúng ta được nâng đỡ và tìm được tiêu chuẩn rất cần thiết cho những công việc ấy.

 

Trước hết, những gì chúng ta đang cần vào lúc này đây của lịch sử đó là những con người, thành phần, nhờ đức tin sáng suốt và sống động của họ, làm cho Thiên Chúa trở thành khả tín trên thế giới. Chứng từ tiêu cực của thành phần Kitô hữu nói về Thiên Chúa và sống ngược với Ngài, đã làm mờ mịt đi hình ảnh của Thiên Chúa và mở đường cho tình trạng vô tín ngưỡng. Chúng ta cần đến những con người gắn chặt mắt vào Thiên Chúa, để hiểu biết con người thực sự. Chúng ta cần những con người có tri thức được ánh sáng của Thiên Chúa soi dẫn, và có trái tim được Thiên Chúa tác động, để tri thức của họ có thể nói với tri thức của kẻ khác, và để tâm can của họ có thể mở ra trước tấm lòng của những người khác.

 

Chỉ nhờ những con người được giao tiếp với Thiên Chúa ấy mà Thiên Chúa mới có thể gần gũi con người. Chúng ta cần những con người như Biển Đức thành Norcia, vị vào thời phân tán và suy đồi, đã dìm mình vào chốn hết sức cô quạnh, để, sau khi trải qua tất cả những cuộc thanh tẩy cần phải chịu, đã lại tiến vào vùng ánh sáng, đã trở lại và tìm thấy Montecasino, một thành phố trên núi, với nhiều hoang tàn đổ nát, qui tụ lại những lực lượng để làm nên một tân thế giới.

 

Nhờ thế, như Abraham, Biển Đức trở thành cha của nhiều quốc gia. Những lời huấn dụ giành cho thành phần môn đệ của mình được trình bày ở cuối bản “Luật” của ngài là những gì hướng dẫn cũng cho chúng ta thấy con đường dẫn lên cao, vượt lên trên cuộc khủng hoảng này và những tàn rụi ấy.

 

“Như có một thứ đam mê nghiệt ngã hất con người xa lìa Thiên Chúa mà đi vào hỏa ngục thế nào, cũng có một thứ đam mê lành thánh khiến con người lìa xa khỏi các tính hư tật xấu mà đến với Thiên Chúa cùng sự sống đời đời như vậy. Chính bằng thứ đam mê này mà thành phần đan sĩ cần phải hết sức say mê luyện thân để: Chớ gì họ trổi vượt hơn nhau trong việc tỏ lòng tôn kính nhau, chớ gì ngược lại họ biết hết sức nhẫn nại nâng đỡ những yếu kém về thể lý và luân lý của họ… Chớ gì họ yêu thương nhau bằng lòng cảm mến huynh đệ… Họ hãy kính sợ Thiên Chúa trong yêu thương… Hãy tuyệt đối không coi gì hơn Chúa Kitô là Đấng dẫn tất cả mọi người đến cùng sự sống trường sinh” (Chương 72)

 

(Cảm nhận của người dịch: qua những lời nói về vị Thánh đệ nhất Quan Thày Âu Châu là Biển Đức ở những đoạn cuối cùng của chương này, vị Thánh liên quan tới văn minh Âu Châu và là mẫu gương để canh tân Âu Châu này, những lời được mợt con người sau đó 1 tháng rưỡi trở thành thừa kế vị Giáo Hoàng được sai đến cho một Đông Âu sụp đổ, cho thấy dấu chỉ thời đại là vị tân Giáo Hoàng lấy danh hiệu Biển Đức XVI này được sai đến cho một Tân Âu Châu, một Âu Châu Hiệp Nhất, hiệp nhất bằng nỗ lực Kitô Giáo hiệp nhất, một nỗ lực đã được vị tân Giáo Hoàng này, ngay sau ngày được tuyển bầu 19/4/2005, minh nhiên khẳng định với hồng y đoàn ở nguyện đường Sistine là ưu tiên hàng đầu của giáo triều của ngài).

 

Sau đây là nguyên văn những lời vị Giáo Hoàng cho một tân Âu Châu này ngỏ cùng Qúi Vị Thành Viên Quốc Hội Âu Châu ở Hall of Blessing nhân dịp Những Ngày Học Hỏi Về Âu Châu 30/3/2006. Trong bài diễn từ của mình, ngài nhấn mạnh tới chẳng những tác dụng căn tính Kitô Giáo nơi văn minh Âu Châu, mà còn tới cả hoạt động của Giáo Hội trong việc xây dựng nền văn minh Âu Châu này.  

 

Trọng Kính Quí Vị Thành Viên Quốc Hội,

Quí Vị Tôn Nữ và Tôn Nam,

 

Tôi hân hạnh được tiếp đón quí vị nhân dịp Những Ngày Học Hỏi Về Âu Châu này, những ngày được Nhóm Quốc Hội của quí vị tổ chức. Các vị Giáo Hoàng Rôma bao giờ cũng đặc biệt chú trọng tới châu lục này; cuộc triều kiến hôm nay đây cũng cho thấy điều ấy, và nó diễn tiến trong một chuỗi dài những cuộc gặp gỡ giữa các vị tiền nhiệm của tôi với các phong trào chính trị theo tinh thần Kitô Giáo....

 

Hiện nay, Âu Châu cần phải giải quyết những vấn đề phức tạp có tầm vóc rất quan trọng, chẳng hạn như việc tăng trưởng và phát triển tình trạng hội nhập Âu Châu, việc gia tăng vấn đề xác định chính xác về chính sách cận thân trong Khối Hiệp Nhất và việc tranh cãi về mẫu thức về xã hội của nó. Để đạt tới những mục đích này, nó cần phải được tác động, với một lòng trung thành sáng tạo, bởi di sản Kitô Giáo là những gì đã thực hiện việc đóng góp đặc biệt vào vấn đề hình thành căn tính của châu lục đây. Bằng việc trân quí các căn gốc Kitô Giáo của mình, Âu Châu mới có thể cống hiến một hướng đi an toàn cho những chọn lựa nơi thành phần công dân và dân chúng của mình, nó mới có thể củng cố nhận thức của nó liên quan tới vấn đề thuộc về một nền văn minh chung, và nó mới có thể nuôi dưỡng việc dấn thân của tất cả mọi người hầu giải quyết những thách đố trong hiện tại cho một tương lai tốt đẹp hơn. Bởi thế, tôi ca ngợi việc Nhóm của quí vị nhìn nhận di sản Kitô Giáo của Âu Châu, một di sản cống hiến những hướng dẫn giá trị về đạo lý trong việc tìm kiếm một mẫu thức về xã hội có thể thích đáng đáp ứng với những đòi hỏi của một nền kinh tế đã được toàn cầu hóa, cũng như với những đổi thay về nhân khẩu học, bảo đảm cho tình trạng tăng trưởng và công ăn việc làm, cho việc bảo vệ gia đình, cho tình trạng bình đẳng về cơ hội giáo dục đối với giới trẻ, và cho mối quan tâm đến người nghèo.

 

Ngoài ra, việc quí vị ủng hộ di sản Kitô Giáo còn có thể góp phần một cách đặc biệt đến vấn đề đánh bại một nền văn hóa hiện nay đang khá lan tràn ở Âu Châu, một thứ văn hóa đẩy việc biểu lộ các niềm xác tín về tôn giáo của mình vào lãnh vực riêng tư và chủ quan. Các chính sách được căn cứ vào thứ văn hóa này chẳng những bao gồm việc bác bỏ vai trò công cộng của Kitô Giáo; mà còn, tổng quát loại trừ đi tính cách dính dáng với truyền thông đạo giáo của Âu Châu, một truyền thống quá rõ ràng là, bất chấp những biến dạng về hệ phái của nó, đe dọa tới chính nền dân chủ là chế độ có quyền lực là nhờ ở các thứ giá trị được truyền thống này cổ võ (cf. Evangelium Vitae, 70). Nếu truyền thống này, chính ở nơi những gì được gọi là mối hiệp nhất đa âm của nó, chuyên chở những thứ giá trị là nền tảng cho sự thiện của xã hội, thì Khối Hiệp Nhất Âu Châu chỉ có thể thăng tiến khi liên kết với nó mà thôi. Nếu chọn những gì ngược với nó hay loại bỏ nó đi, thay vì đối thoại với nó, thì đó là dấu hiệu Châu Lục này còn non dại chưa trưởng thành, nếu không muốn nói là thực sự còn yếu kém. Về khía cạnh này, người ta cần phải nhìn nhận rằng đang có một tình trạng bất khoan nhượng trần thế tỏ ra thù địch với sự khoan nhượng cũng như với nhãn quan trần thế lành mạnh về quốc gia và về xã hội. Bởi thế, tôi cảm thấy vui khi có được một bản hiệp ước hiến pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu phác họa mối liên hệ theo cơ cấu và liên tục với các cộng đồng tôn giáo, khi nhìn nhận căn tính của các cộng đồng này cùng với việc góp phần chuyên biệt của chúng. Nhất là tôi tin tưởng rằng việc áp dụng một cách hiệu nghiệm và xác đáng mối liên hệ này giờ đây sẽ được bắt đầu, với sự hợp tác của tất cả mọi phong trào chính trị, bất kể chiều hướng đảng phái. Cũng không được quên rằng, khi các Giáo Hội hay các cộng đồng giáo hội can thiệp vào cuộc tranh cãi công khai, bày tỏ những cân nhắc hay nhắc nhở những nguyên tắc khác nhau, thì điều ấy không phải là những gì tạo nên một hình thức bất dung nhượng hay là một thứ pha mình, vì những cuộc can thiệp như thế chỉ có một mục đích duy nhất là soi động lương tâm, giúp cho lương tâm có thể tác hành một cách tự do và hữu trách, theo những đòi hỏi thực sự của công lý, ngay cả khi điều này có xung khắc với những trường hợp về quyền lực và tư lợi chăng nữa.

 

Riêng với Giáo Hội Công Giáo thì việc quan tâm chính yếu của những lần Giáo Hội can thiệp vào lãnh vực quần chúng là để bảo vệ và cổ võ phẩm vị của con người, và bởi thế Giáo Hội cố ý kéo chú ý tới những nguyên tắc bất khả thương lượng. Trong số những nguyên tắc ấy, rõ ràng nhất là những nguyên tắc sau đây:

 

·        Bảo vệ sự sống ở tất cả mọi giai đoạn của nó, từ giây phút nó mới được thụ thai cho tới khi nó tự nhiên qua đi;

 

·        Nhìn nhận và cổ võ cơ cấu tự nhiên của gia đình – như mối liên kết giữa một người nam và một người nữ theo cơ cấu hôn nhân – và bảo vệ gia đình khỏi những nỗ lực làm cho nó tương đương theo pháp lý với những hình thức liên kết cấp tiến khác, những liên kết mà thực sự chỉ tác hại nó và làm cho nó trở thành bấp bênh, khi làm lu mờ đi tính chất riêng biệt của nó cũng như vai trò xã hội bất khả thay thế của nó;

 

·        Bảo vệ quyền lợi của cha mẹ trong việc giáo dục con cái của họ.

 

Những nguyên tắc này không phải là những chân lý đức tin, cho dù chúng có được đức tin làm sáng tỏ hơn và củng cố hơn; chúng là những gì được ghi khắc nơi chính bản tính con người, do đó chúng là những gì chung đối với tất cả loài người. Hoạt động của Giáo Hội trong việc phát động chúng như thế không có tính cách tôn giáo theo tính chất, mà là được ngỏ cùng tất cả mọi dân nước, bất kể họ thuộc về tôn giáo nào. Trái lại, hoạt động ấy lại càng cần thiết hơn nữa khi những nguyên tắc ấy bị chối bỏ hay hiểu lầm, vì điều này tạo nên những gì vi phạm tới sự thật về con người, tạo nên một vết thương trầm trọng cho chính công lý.

 

  

 

PP_010.jpg