y

  

CẢM NHẬN  THÁNH MẪU

 

 

Cần phải trở về với Mẹ Maria

 

 

N

gay từ khi còn là thần học gia Joseph Ratzinger, như ngài tự thú trong cuốn “Ratzinger’s Report”, (Ignatius Press, 1985), trang 105, tự bản chất ngài vốn không thiên về hay hào hứng về Thánh Mẫu cho lắm, thậm chí cả trong thời gian tham dự Công Đồng Chung Vaticanô II. Tuy nhiên, cũng chính vì nhờ tham dự Công Đồng này, trước khuynh hướng tôn tụng của Công Đồng đối với Mẹ Maria, trong một thời đại đầy những biến động về đức tin, ngài đã có được một nhận thức Thánh Mẫu rất đặc biệt đối với vai trò hết sức quan trọng và cấp thiết của Mẹ trong Giáo Hội và thế giới ngày nay. Sau đây là nguyên văn lời của ngài:

 

“Là một thần học gia trẻ ở vào thời điểm trước (cũng như trong) Công Đồng, tôi đã đặt vấn đề về một số những công thức cổ xưa, chẳng hạn như câu nổi tiếng De Maria nunquam satis, ‘nói về Mẹ Maria không bao giờ cùng’. Câu này có vẻ quá đáng đối với tôi. Bởi thế sau này tôi khó lòng mà hiểu được ý nghĩa thực sự của lời diễn tả danh tiếng khác (đang lưu hành trong Giáo Hội từ các thế kỷ đầu tiên, thời mà sau cuộc tranh cãi đáng ghi nhớ, Công Đồng Êphêsô năm 431 đã công bố Maria là Theotokos, Mẹ Thiên Chúa). Việc công bố này tức là việc nhìn nhận Đức Trinh Nữ là ‘Vị Chiến Thắng tất cả mọi lạc thuyết’. Bởi vậy, trong giai đoạn lẫn lộn này, khi mà hết mọi thứ sai lạc thực sự dường như đang áp đảo ngưỡng cửa đức tin chân thực, thì tôi mới hiểu được rằng nó không phải là vấn đề quá trớn của lòng đạo đức, mà là vấn đề của những chân lý ngày nay có hiệu lực hơn bao giờ hết”.  

 

“Phải, cần phải trở về với Mẹ Maria nếu chúng ta muốn trở lại với ‘sự thật về Chúa Giêsu Kitô’, ‘sự thật về Giáo Hội’, và ‘sự thật về con người’ là những gì được Đức Gioan Phaolô II đề ra như một chương trình thực hiện cho toàn thể Kitô Giáo vào năm 1979, thời điểm ngài khai mạc hội đồng giám mục Mỹ Châu Latinh ở Puebla. Các vị giám mục đã đáp lại dự án này của vị Giáo Hoàng ấy bằng việc bao gồm trong các bản văn kiện đầu tiên (những văn kiện đã được một số người đọc một cách thiếu sót) ước muốn và mối quan tâm nhất trí của các vị, đó là: ‘Hơn bao giờ hết Mẹ Maria cần phải trở thành một khoa sư phạm để loan báo Phúc Âm cho con người ngày nay’. Thật vậy, chính ở châu lục này là nơi lòng tôn sùng Thánh Mẫu theo truyền thống nơi dân chúng đã bị sa sút, một tình trạng trống rỗng xẩy ra được thay thế bằng những ý hệ chính trị. Nó là một hiện tượng có thể nhận thấy hầu như ở khắp nơi với một mức độ nào đó, cho thấy tầm quan trọng của một thứ lòng tôn sùng không chỉ thuần túy tôn sùng mà thôi”. (những chỗ in ngả đậm là do người dịch tự ý nhấn mạnh).

 

Đọc cuốn The Ratzinger’s Report, người viết có cảm tưởng nội dung của tác phẩm này hơi giống cuốn “Hồi Niêm và Căn Tính” của Đức Gioan Phaolô II, ở chỗ, cả hai tác phẩm đều có tính cách “ôn cố nhi tri tân”: một cuốn “ôn cố nhi tri tân” với thế giới và về thế giới, đó là cuốn của Đức Gioan Phaolô II, và một cuốn “ôn cố nhi tri tân” với Giáo Hội và về Giáo Hội. Cả hai cuốn đều là thành quả của cuộc phỏng vấn với những thức giả thời đại.

 

Thật vậy, có thể chia cuốn The Ratzinger’s Report với 13 chương (trừ chương đầu liên quan tới cá nhân Hồng Y Ratzinger, còn 12) ra làm hai phần, phần đầu gồm 6 chương có tính cách “ôn cố”, (bao gồm các chương như chương 2: Một Công Đồng Cần Phải Tái Nhận Thức, chương 3: Căn Gốc Của Cuộc Khủng Hoảng Đó Là Ý Nghĩ Về Giáo Hội, chương 4: Nơi Các Vị Linh Mục Và Giám Mục, chương 5: Những Dấu Hiệu Nguy Hiểm, chương 6: Màn Thảm Kịch Luân Lý, chương 7: Thành Phần Nữ Giới, Một Nữ Nhân), và phần sau gồm 6 chương thiên về tính cách “tri tân”, (đặc biệt là chương 8: Một Linh Đạo Cho Ngày Nay; chương 9: Phụng Vụ Giữa Cũ Và Mới, chương 12: Một Cuộc ‘Giải Phóng’; chương 13: Loan Báo Chúa Kitô Một Lần Nữa).

 

Tuy nhiên, giữa hai phần “ôn cố” và “tri tân” này, có một khoảng đặc biệt về Mẹ Maria, một khoảng như để chuyển tiếp, như để thực hiện việc “tống cựu nghinh tân”. Khoảng đặc biệt về Mẹ Maria này ở ngay trong chương cuối cùng của phần “ôn cố”, là chương thứ 7, chương về “Thành Phần Nữ Giới, Một Nữ Nhân – Women, A Woman”. Thành Phần Nữ Giới đây là thành phần cũng đang gặp khủng hoảng, (đó là lý do Hồng Y Ratzinger đã nói đến các vấn đề về họ qua những tiểu mục đặc biệt như ‘phong trào nữ giới trong tu viện’ và ‘một tương lai thiếu vắng nữ tu’), và Một Nữ Nhân đây, Một Nữ Nhân trong Thành Phần Nữ Giới đây chính là nhân vật cứu vãn tình thế, một nhân vật đã được The Ratzinger’s Report bàn đến dưới tiểu mục: ‘Một Phương Dược: Đức Maria – A Remedy: Mary’. Vị hồng y trở thành Giáo Hoàng Biển Đức XVI 20 năm sau này đã chia sẽ cảm nhận của mình về phương dược Maria là:

 

“Một phương dược chữa trị nổi tiếng này ngày nay dường như bị lu mờ đi bởi một số người Công Giáo, song lại là một phương dược thích đáng hơn bao giờ hết” (trang 104).

 

Theo Hồng Y Ratzinger thì chính Công Đồng Chung Vaticanô II đã đề cao Phương Dược Maria này:

 

“Bằng việc đưa mầu nhiệm về Mẹ Maria vào mầu nhiệm Giáo Hội, Công Đồng Chung Vaticanô II đã thực hiện một quyết định quan trọng là quyết định cần phải cống hiến một tác lực mới cho việc nghiên cứu về thần học. Trái lại, trong giai đoạn mới sau công đồng đã xẩy ra tình trạng đột ngột sa sút về chiều hướng này, hầu như là sụp đổ, mặc dù hiện nay (biệt chú: ngài nói câu này vào năm 1985, sau Công Đồng 20 năm) có một số dấu hiệu sinh động mới… (trang 104).

 

Nếu vị thế của Mẹ Maria từng là những gì thiết yếu cho tình trạng quân bình về Đức Tin, thì ngày nay, cũng như ở một số giai đoạn khác của lịch sử Giáo Hội, rất cần phải tái nhận thức vị thế này” (trang 105). 

 

Có đọc được những cảm nhận Thánh Mẫu của Hồng Y Ratzinger trên đây, chúng ta mới cảm thấy hết sức ý vị khi đọc được những cảm nhận Thánh Mẫu của ngài với tư cách là Giáo Hoàng sau đây.

 

 

Viếng Thăm: Cuộc Cung Nghinh Thánh Thể Tiên Khởi

 

Huấn Từ ngày Thứ Ba 31/5 ở Vườn Vatican Kết Thúc Tháng Hoa 2005

 

“Quí bạn thân mến, anh chị em đã vất vả đến với Hang Lộ Đức để lần hạt Mân Côi, như muốn đáp ứng lời mọi gọi của Đức Trinh Nữ này trong việc hướng tinh thần của anh chị em về Trời. Đức Mẹ đồng hành với chúng ta mọi ngày ở những lời nguyện cầu của chúng ta. Trong Năm Thánh Thể đặc biệt chúng ta đang sống đây, Mẹ Maria trước hết giúp cho tất cả chúng ta nhận thức hơn nữa bí tích Thánh Thể cao cả này.

 

“Trong bức Thông Điệp cuối cùng của mình là Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể Ecclesia de Eucharistica, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thân yêu của chúng ta đã cho thấy Mẹ như là ‘Người Nữ Thánh Thể’ suốt cuộc đời của Mẹ (khoản 53). ‘Người Nữ Thánh Thể’ suốt cuộc đời, bắt đầu với nội tâm xứng đáng của Mẹ: từ biến cố Truyền Tin, lúc Mẹ hiến mình cho mầu nhiệm Nhập Thể của Lời Thiên Chúa, cho tới Thập Tự Giá và Phục Sinh; ‘Người Nữ Thánh Thể’ ở giai đoạn sau biến cố Hiện Xuống, khi Mẹ lãnh nhận nơi Bí Tích này Thân Thể được Mẹ thụ thai và cưu mang trong lòng của Mẹ.

 

“Hôm nay, chúng ta đặc biệt dừng lại suy niệm về mầu nhiệm của việc Đức Trinh Nữ viếng thăm Thánh Isave. Mẹ Maria, cưu mang Chúa Giêsu vừa được thụ thai, đi để thăm người chị họ luống tuổi Isave của mình, người mà mọi người nói rằng son sẻ những lại được Chúa cho cưu mang sáu tháng rồi (x Lk 1:36), Mẹ là một người con gái trẻ trung nhưng Mẹ không sợ, vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ, ở trong Mẹ.

 

“Một cách nào đó chúng ta có thể nói rằng cuộc hành trình của Mẹ – chúng ta muốn nhấn mạnh trong Năm Thánh Thể này – là ‘cuộc cung nghinh Thánh Thể’ đầu tiên trong lịch sử. Mẹ Maria, Nhà Tạm sống động của Thiên Chúa hóa thành nhục thể, là Hòm Bia Giao Ước ở đó Chúa đến viếng thăm và cứu chuộc dân của Người. Việc hiện diện của Chúa Giêsu làm cho Mẹ tràn đầy Thánh Thần.

 

“Khi Mẹ tiến vào nhà của bà Isave, lời chào của Mẹ tràn đầy ân phúc: Gioan đã nhẩy mừng trong lòng mẹ của em, như thể em nhận thức được Đấng một ngày kia em loan báo cho dân Yến Duyên đã đến. Hai con trẻ hơn hở, hai bà mẹ hân hoan. Cuộc gặp gỡ này, thấm đậm niềm vui mừng của Thánh Linh, được bày tỏ ra nơi Ca Vịnh Ngợi Khen.

 

“Đây cũng không phải là niềm vui của Giáo Hội hay sao, một Giáo Hội không ngừng đón nhận Chúa Kitô nơi Thánh Thể và mang Người vào thế giới bằng chứng từ của một đức bác ái chủ động đầy tin tưởng và hy vọng? Phải, việc đón nhận Chúa Giêsu và mang Người đến cho kẻ khác thực sự là niềm vui của Kitô hữu vậy!

 

“Anh Chị Em thân mến, chúng ta hãy theo gương bắt chước Mẹ Maria, một tâm hồn sâu xa Thánh Thể, và cả cuộc sống của chúng ta có thể trở thành một bài Ca Vịnh Ngợi Khen (x Thông Điệp Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể, khoản 58), bài chúc tụng Thiên Chúa. Chớ gì điều này là ân sủng chúng ta xin Trinh Nữ Rất Thánh trong tối hôm nay ở vào lúc kết tháng Năm này. Tôi chúc lành cho tất cả mọi anh chị em”.

 

 

Ca Vịnh Ngợi Khen: Chân Dung Đức Maria

 

Bài Giảng Lễ Đức Mẹ Mông Triệu 15/8/2005

 

“Trong Phúc Âm, chúng ta đã nghe bài ca vịnh Ngợi Khen Magnificat, một bài thơ cao cả được Thánh Thần linh ứng phát xuất từ môi miệng của Mẹ Maria, thật sự là từ tâm can của Mẹ Maria. Bài ca vịnh tuyệt vời này phản ảnh toàn thể linh hồn, toàn thể con người của Mẹ Maria. Chúng ta có thể nói rằng bài thánh ca này của Mẹ là chân dung của Đức Maria, là hình ảnh thực sự nhờ đó chúng ta có thể thấy Mẹ một cách xác đáng. Tôi xin nhấn mạnh đến hai điểm trong bài đại ca vịnh này.

 

“Bài ca vịnh này được bắt đầu bằng chữ ‘Magnificat – Ngợi Khen’: Linh hồn tôi ‘magnifies – ngợi khen’ Chúa, tức là ‘tuyên xưng sự cao cả’ của Chúa. Mẹ Maria muốn Thiên Chúa cao cả trên trế giới này, cao cả trong đời sống của Mẹ và hiện diện giữa tất cả chúng ta. Mẹ không sợ là Thiên Chúa có thể là ‘một đối thủ’ trong đời sống của chúng ta, là với sự cao cả của mình Ngài xâm lấn tự do của chúng ta, xâm lấn cái khoảng đời để sống động của chúng ta. Mẹ biết rằng Thiên Chúa cao cả, chúng ta cũng cao cả nữa…..

 

“Nhận định thứ hai đó là bài thi ca của Mẹ Maria – bài Ngợi Khen – hoàn toàn là của Mẹ; song đồng thời nó cũng là một ‘tấm vải’ được thêu dệt bằng những ‘giây sợi’ của Cựu Ước, bằng những lời Chúa.

 

“Bởi thế, chúng ta có thể nói rằng Mẹ Maria ‘quen thuộc’ với lời Chúa, Mẹ sống bằng những lời của Chúa, Mẹ thấm thía những lời của Chúa. Cho đến độ Mẹ nói bằng những lời của Chúa, Mẹ nghĩ theo lời Chúa, tư tưởng của Mẹ là những tư tưởng của Chúa, những lời nói của Mẹ là những lời nói của Chúa. Mẹ được ánh sáng thần linh thấm nhập và đó là lý do tại sao Mẹ rất rạng ngời, rất thiện hảo, rất sáng chói yêu thương và thiện hảo.

 

“Mẹ sống bằng Lời Chúa, Mẹ thấm nhập Lời Chúa. Sự kiện Mẹ chìm ngập trong Lời Chúa và hoàn toàn quen thuộc với Lời Chúa, cũng phú bẩm cho Mẹ sau này cái minh tri khôn ngoan nội tâm…….

 

“Mẹ Maria được mang cả hồn lẫn xác về trời hiển vinh, rồi với Chúa và trong Chúa, Mẹ là Nữ Vương trời đất. Phải chăng Mẹ thực sự xa cách chúng ta?

 

“Ngược lại là đằng khác. Chính vì Mẹ ở với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa mà Mẹ rất gần với mỗi người chúng ta.

“Trong khi Mẹ còn sống trên thế gian này, Mẹ chỉ có thể ở gần gũi với ít người. Ở trong Thiên Chúa, Mẹ gần với mỗi người, thực sự là ‘ở trong’ tất cả chúng ta, Mẹ Maria thông phần vào mối gần gũi này của Thiên Chúa. Ở trong Thiên Chúa và ở với Thiên Chúa, Mẹ rất gần với mỗi một người chúng ta, biết được tâm can của chúng ta, có thể nghe lời nguyện cầu của chúng ta, có thể giúp chúng ta bằng sự thiện hảo từ mẫu, và đã được ban cho chúng ta, như Chúa nói, như là một ‘người mẹ’, vị chúng ta có thể chạy đến lúc nào cũng được.

 

“Mẹ luôn nghe lời chúng ta, Mẹ luôn gần gũi chúng ta, và là Mẹ của Người Con, Mẹ dự phần vào quyền năng của Người Con cũng như vào sự thiện hảo của Người. Chúng ta luôn có thể ký thác tất cả cuộc sống của chúng ta cho Người Mẹ này, vị không xa cách với mỗi một người trong chúng ta.

 

“Vào ngày lễ này, chúng ta hãy tạ ơn Chúa về tặng ân Thánh Mẫu này, và chúng ta hãy cầu cùng Mẹ Maria để giúp chúng ta thấy được con đường ngay thẳng hằng ngày. Amen”.

 

 

Maria: Cửa Ngõ Thiên Chúa Vào Trần Gian

 

Bài Giảng Giờ Kinh Phụng Vụ Tối Áp Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng 26/11/2005

 

“Chúng ta phải tự hỏi mình ‘việc Chúa đến’ có nghĩa là gì? Theo Hy ngữ có nghĩa là ‘parousia’, theo La ngữ là ‘adventus’, là ‘vọng’, là ‘đến’. ‘Việc đến’ này là thế nào? Nó có liên hệ với chúng ta hay chăng?

“Vậy để hiểu được ý nghĩa của lời này, của lời Thánh Tông Đồ nguyện cầu cho cộng đồng này và các cộng đồng trong mọi thời đại – cả cho chúng ta nữa – chúng ta cần phải nhìn đến một con người đã làm cho việc đến của Chúa được hiện thực một cách đặc biệt, đó là Trinh Nữ Maria.

 

“Mẹ Maria thuộc về thành phần dân chúng Yến Duyên, trong thời điểm Chúa Giêsu, đang hết lòng mong đợi Đấng Cứu Thế tới. Và căn cứ vào những lời lẽ và tác hành được thuật lại trong Phúc Âm, chúng ta có thể thấy được cách thức Mẹ thực sự đã sống thấm nhuần các lời tiên tri; Mẹ hoàn toàn đợi trông Chúa tới.

 

“Tuy nhiên, Mẹ đã không thể nào ngờ được việc đến này diễn ra ra sao. Có lẽ là Mẹ đã mong đợi một việc đến trong vinh quang. Lúc mà Tổng Thần Gabiên vào nhà của Mẹ và nói cho Mẹ biết rằng Chúa, Đấng Cứu Tinh, muốn mặc lấy xác thịt trong lòng Mẹ, muốn thực hiện việc Ngài đến qua Mẹ, chắc chắn đã là tất cả những gì làm cho Mẹ lại càng bàng hoàng ngỡ ngàng.

 

“Chúng ta có thể tưởng tượng ra nỗi e dè của vị Trinh Nữ này. Mẹ Maria, bằng một tác động mãnh liệt của đức tin và lòng tuân phục, đã thưa ‘xin vâng’: ‘Tôi là tôi tớ của Chúa’. Nhờ đó, Mẹ đã trở thành ‘nơi cư trú’ của Chúa, là ‘đền thờ’ thực sự trên thế giới và là ‘cửa ngõ’ Chúa tiến vào thế gian”. 

 

 

Maria: “Mẹ của Giáo Hội”

 

Bài Giảng Kỷ Niệm 40 Năm Bế Mạc Công Đồng Chung Vaticanô II 8/12/2005

 

“Tôi không thể nào quên được lúc mà khi nghe thấy những lời của ngài: ‘Mariam Sanctissimam declaramus Matrem Ecclesiae’ – ‘Chúng tôi tuyên bố Maria là Mẹ Rất Thánh của Giáo Hội’, thì các Vị Nghị Phụ liền tự động đứng lên để tỏ lòng tôn kính Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của chúng ta, Mẹ của Giáo Hội, một cử chỉ đứng lên vỗ tay hoan nghênh.

 

“Thật vậy, bằng tước hiệu này, vị Giáo Hoàng ấy đã tóm tắt giáo huấn Thánh Mẫu của Công Đồng và đã cung cấp cái mấu chốt để có thể hiểu được công đồng. Mẹ Maria chẳng những có liên hệ đặc thù với Chúa Kitô là Con Thiên Chúa, Đấng, là người, đã muốn trở nên Con của Mẹ. Vì Mẹ hoàn toàn được liên kết với Chúa Kitô mà Mẹ cũng hoàn toàn thuộc về chúng ta. Phải, chúng ta có thể nói rằng Mẹ Maria gần gũi với chúng ta hơn bất cứ một con người nào khác, vì Chúa Kitô đã trở nên con người cho tất cả mọi con người nam nữ, và toàn hữu thể của Người là ‘hữu thể cho chúng ta trên đời này’.

 

“Các Vị Giáo Phụ đã nói rằng Chúa Kitô là Đầu bất khả phân ly với Thân Thể của Người là Giáo Hội, có thể nói cùng với Giáo Hội làm thành một chủ thể sống động duy nhất. Mẹ của Đầu cũng là Mẹ của toàn Giáo Hội; có thể nói bản thân Mẹ hoàn toàn trống rỗng; Mẹ đã trọn vẹn hiến mình cho Chúa Kitô và cùng với Người hiến mình như một tặng vật cho tất cả mọi người chúng ta. Thật vậy, con người càng hiến mình thì càng là mình.

 

“Công Đồng này đã có ý nói với chúng ta là: Mẹ Maria được đan kết với đại mầu nhiệm Hội Thánh, đến nỗi Mẹ và Giáo Hội bất khả phân ly, như Mẹ và Chúa Kitô bất khả phân ly vậy. Mẹ Maria phản ảnh Giáo Hội, báo trước Giáo Hội nơi bản thân Mẹ, và trong tất cả mọi cuộc biến loạn ảnh hưởng tới một Giáo Hội chiến đấu khổ đau thì Mẹ bao giờ cũng vẫn là Ngôi Sao cứu độ. Nơi Mẹ chất chứa một tâm điểm đích thực cho chúng ta tin tưởng, dù những thứ ngoại vi của cái tâm điểm này rất thường là những gì gây tác dụng trên linh hồn của chúng ta…..

 

“Tuy nhiên, chiều kích ‘Phêrô’ của Giáo Hội lại được bao gồm trong chiều kích “Thánh Mẫu” ấy. Nơi Mẹ Maria, Vị Vô Nhiễm Tội, chúng ta thấy được yếu tính của một Giáo Hội không bị méo mó lệch lạc. Chính chúng ta phải học nơi Mẹ để trở nên ‘hồn sống của giáo hội’, như các Vị Giáo Phụ đã nói, nhờ đó, cả chúng ta nữa cũng có thể, theo lời Thánh Phaolô, tỏ mình ‘một cách tinh tuyền’ trước nhan Chúa, như Chúa muốn chúng ta như thế ngay từ thuở ban đầu (x Col 1:21; Eph 1:4).

 

“Thế nhưng, giờ đây chúng ta cần phải tự hỏi mình rằng: ‘Maria, Vị Vô Nhiễm Tội’ đây nghĩa là gì? Phải chăng tước hiệu này có một cái gì đó muốn nói cho chúng ta? Hôm nay, phụng vụ chiếu tỏ nội dung của những lời này cho chúng ta nơi hai hình ảnh lớn lao.

 

“Trước hết là trình thuật tuyệt vời về biến cố truyền tin cho Mẹ Maria là Vị Trinh Nữ Nazarét biết đến việc Đấng Thiên sai tới. Lời chào của Vị Thiên Thần được đan kết với những chi tiết của Cựu Ước, nhất là của Tiên Tri Zephaniah. Tiên tri này cho thấy rằng Mẹ Maria, người thôn nữ tầm thường xuất thân từ một giòng dõi tư tế và mang nơi mình gia sản tư tế cao cả của dân Yến Duyên, là ‘truyền nhân thánh hảo’ của dân Yến Duyên, thành phần được các tiên tri nói tới trong tất cả mọi giai đoạn thử thách và tăm tối.

 

“Nơi Mẹ hiện diện một Sion đích thực là chốn cư ngụ tinh tuyền, sống động của Thiên Chúa. Chúa cư ngụ nơi Mẹ, Ngài tìm thấy nơi Mẹ chốn nghỉ ngơi của Ngài. Mẹ là gia cư sống động của Thiên Chúa, Đấng không cư trú ở các dinh thự bằng đá nhưng ở trong lòng trí của con người sống động. Mẹ là chồi nẩy lên gốc Đavít trong một đêm đông tăm tối của lịch sử. Những lời của Thánh Vịnh đã được nên trọn nơi Mẹ: ‘Mặt đất đã sản sinh ra hoa trái của nó’ (Ps 67:7). 

 

“Mẹ là cái chồi từ đó mọc lên cây cứu chuộc và thành phần được cứu chuộc. Thiên Chúa đã không thất bại, như thể trước đây đã xẩy ra vào lúc mở màn lịch sử với Adong và Evà, hay như trong giai đoạn lưu đầy ở Babylon, và như được tái diễn vào thời của Mẹ Maria, lúc mà dân Yến Duyên đã trở thành một dân chẳng có giá gì ở trong một vùng bị chiếm cứ, với rất ít dấu hiệu cho thấy thánh đức của dân này.

 

“Thiên Chúa đã không thất bại. Trong cảnh hèn mạt của ngôi nhà ở Nazarét có một con người Yến Duyên thánh hảo, một truyền nhân tinh tuyền. Thiên Chúa đã cứu độ và đang cứu độ dân của Ngài. Từ một thân cây đổ xuống, lịch sử của Yến Duyên đã lại chiếu ngời, trở thành một quyền lực sống động hướng dẫn và thấm nhập thế giới. Mẹ Maria là nhân vật Yến Duyên thánh hảo: Mẹ thưa ‘vâng’ cùng Chúa, Mẹ hoàn toàn phó mình cho Ngài sử dụng, nhờ đó trở thành đền thờ sống động của Thiên Chúa……

 

“Một người càng gần Thiên Chúa họ càng gần với con người. Chúng ta thấy điều này nơi Mẹ Maria. Sự kiện Mẹ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa là lý do tại sao Mẹ rất gần gũi với con người. Vì thế mà Mẹ có thể là Mẹ của mọi niềm ủi an và mọi sự trợ giúp, một Người Mẹ mà bất cứ ai cũng có thể nói đến bất cứ loại nhu cầu nào về yếu đuối và tội lỗi, vì Mẹ hiểu biết mọi sự và, đối với mọi người, Mẹ là thứ quyền năng cởi mở của sự thiện hảo sáng tạo.

 

“Nơi Mẹ, Thiên Chúa đã in ấn hình ảnh của Ngài, hình ảnh của Đấng theo con chiên lạc của mình cho tới tận các đồi núi và giữa các bụi gai tội lỗi trên thế giới này, để mình bị xâu xé bởi mạo gai những tội lỗi ấy hầu vác chiên trên vai mang về nhà.

 

“Là một người mẹ xót thương, Mẹ Maria là hình ảnh tiền thân và là bức chân dung vĩnh viễn của Người Con. Như thế, chúng ta thấy rằng hình ảnh của Người Trinh Nữ Sầu Thương, của Người Mẹ, vị chia sẻ khổ đau của mình và tình yêu của mình, cũng là hình ảnh thực sự của Mẹ Vô Nhiễm. Trái tim của Mẹ đã được nới rộng bằng việc Mẹ cùng với Thiên Chúa hiện hữu và cảm nhận. Nơi Nẹ, sự thiện hảo của Thiên Chúa trở nên rất gần gũi với chúng ta.

 

“Vậy Mẹ Maria đứng trước chúng ta như một dấu hiệu của niềm ủi an, phấn chấn và hy vọng. Mẹ hướng về chúng ta mà nói: “Hãy can đảm thách thức Thiên Chúa! Hãy thử làm như thế! Đừng sợ Ngài! Hãy can đảm liều mình sống đức tin! Hãy can đảm liều mình sống thiện hảo!  Hãy can đảm liều mình sống bằng một con tim tinh tuyền! Hãy dấn thân cho Thiên Chúa thì các con sẽ thấy rằng chính nhờ làm thế mà cuộc sống của các con mới trở nên nẩy nở và nhẹ nhàng, không tẻ nhạt mà tràn đầy vô vàn những hào hứng phấn khởi, vì sự thiện hảo vô cùng của Thiên Chúa không bao giờ hao mòn!”

 

“Vào ngày lễ này đây, chúng ta hãy cảm tạ Chúa về dấu hiệu cả thể của sự thiện hảo Người đã ban cho chúng ta nơi Mẹ Maria, Mẹ của Người và Mẹ của Giáo Hội. Chúng ta hãy cầu xin Người hãy đặt Mẹ Maria trên con đường chúng ta đi như một thứ ánh sáng cũng giúp chúng ta trở thành ánh sáng và chiếu ánh sáng này vào đêm tối lịch sử. Amen”.

 

 

Maria Mang Vác Thiên Chúa là Đấng Nâng Đỡ Maria

 

Bài Giảng Chúa Nhật IV Mùa Vọng 18/12/2005 cho Giáo Xứ “Santa Maria Consolatrice” Giáo Phận Rôma

 

“Chữ thứ hai tôi muốn suy niệm là một lời khác của Thiên Thần nói: ‘Hỡi Maria, đừng sợ’. Thật vậy, Mẹ có lý để mà sợ, vì đó là một gánh rất nặng phải mang vác thế giới trên mình, là làm Mẹ của Vị Vua hoàn cầu, là làm Mẹ của Con Thiên Chúa: thật là một gánh nặng biết bao! Đó là một gánh quá nặng đối với sức chịu đựng của loài người! Thế nhưng Thiên Thần nói: ‘Đừng sợ! Phải, cô là người mang vác Thiên Chúa song Thiên Chúa lại là Đấng đỡ nâng cô. Chớ có lo sợ!’.

 

“Những lời ‘Đừng sợ’ phải là những lời sâu xa thấu nhập vào lòng Mẹ Maria. Chúng ta có thể mường tượng thấy Mẹ đã phải nghe lại những lời ấy ra sao nơi các trường hợp khác nhau bắt Mẹ phải suy nghĩ về những lời này.

 

“Vào lúc ông Simêon nói cùng Mẹ rằng: ‘Con trẻ này là mục tiêu cho nhiều người trong dân Yến Duyên sa ngã và chỗi dậy, là một dấu hiệu chống đối – và chính cô sẽ bị một lưỡi gưỡm đâm thâu’, là chính lúc Mẹ không thể nào không sợ hãi này, Mẹ Maria đã nhớ lại những lời của Thiên Thần và cảm thấy những lời ấy âm vang trong lòng Mẹ: ‘Đừng sợ, Thiên Chúa là Đấng gánh vác cô’. Thế rồi, khi xẩy ra những phản khắc chống lại Chúa Giêsu trong cuộc đời công khai của Người và khi nhiều người nói “Hắn là một thằng khùng”, thì một lần nữa lòng Mẹ lại nghĩ tới những lời của Thiên Thần ‘Đừng sợ’ để tiến bước. Sau hết, trong cuộc gặp gỡ trên đường lên đồi Canvê và sau đó ở dưới chân cậy Thập Giá, khi mà tất cả dường như bị hủy hoại, thì một lần nữa Mẹ lại nghe thấy những lời của Thiên Thần vang lên trong lòng Mẹ ‘Đừng sợ’. Bởi thế Mẹ đã can đảm đứng bên Người Con đang hấp hối của mình, và được đức tin nâng đỡ, Mẹ đã hướng tới Phục Sinh, tới Hiện Xuống, tới việc thành lập tân gia Giáo Hội”.

 

 

Mẹ Maria loan báo Ơn Cứu Chuộc

 

Bài Giảng Ngày Thế Giới Đời Tận Hiến Tu Trì 2/2/2006

 

“Con người đầu tiên được liên kết với Chúa Kitô trên con đường tuân phục, con đường chứng tỏ niềm tin và thông phần đau khổ là Maria Mẹ của Người. Bài Phúc Âm phác tả Mẹ nơi tác động hiến dâng Con của Mẹ: một việc vô tư hiến dâng liên quan tới chính bản thân Mẹ.

“Mẹ Maria là Mẹ của Đấng là ‘vinh hiển của Yến Duyên dân Người’ và là ‘ánh sáng chiếu soi Dân Ngoại’, thế nhưng, cũng là ‘dấu hiệu chống đối’ (x Lk 2:32,34). Và nơi linh hồn vô nhiễm của mình, chính Mẹ đã bị lưỡi gươm sầu thương đâm thâu, bởi thế cho thấy rằng vai trò của Mẹ nơi lịch sử cứu độ không chấm dứt ở mầu nhiệm Nhập Thể mà được hoàn tất nơi việc tham dự yêu thương lẫn sầu thương vào cuộc tử nạn và Phục Sinh của Con Mẹ.

 

“Mang Con mình lên Giêrusalem, Người Trinh Mẫu này đã hiến dâng Người lên Thiên Chúa như là một Con Chiên thực sự xóa tội trần gian. Mẹ trao Người cho ông Simêon và bà Anna như tác động loan báo ơn cứu chuộc; Mẹ trao tặng Người cho tất cả mọi người như ánh sáng cho cuộc hành trình an toàn trên con đường chân thật và yêu thương”.

 

 

Mẹ Maria Gắn Liền Với Lịch Sử Cứu Độ

 

Buổi Triều Kiến Chung hằng Tuần Thứ Tư 15/2/2006 về bài Ca Vịnh Ngợi Khen

 

“Linh hồn của lời nguyện cầu này là việc cử hành ân sủng thần linh được ban cho tâm can và cuộc đời của Mẹ Maria, biến Mẹ trở thành Mẹ của Chúa Kitô. Chúng ta thực sự nghe thấy tiếng của Vị Trinh Nữ này nói về Đấng Cứu Độ Mẹ như thế, Đấng đã làm nơi hồn xác Mẹ những điều cao trọng.

 

“Cấu trúc sâu xa nơi bài ca vịnh nguyện cầu này của Mẹ đó là lời ngợi khen chúc tụng, tri ân cảm tạ, hân hoan biết ơn. Thế nhưng, việc chứng từ cá nhân này không phải là những gì lẻ loi và tư riêng, hoàn toàn cá nhân, vì Trinh Nữ Maria ý thức rằng Mẹ có một sứ vụ cần phải thực hiện cho nhân loại, và cuộc sống của Mẹ được gắn liền với lịch sử cứu độ. Bởi thế Mẹ mới nói: ‘Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia đối với những ai kính sợ Ngài’ (câu 50). Bằng lời ca ngợi Chúa này, Vị Trinh Nữ lên tiếng thay cho tất cả mọi tạo vật được cứu chuộc sau tiếng ‘Xin Vâng’ của Mẹ, thành phần được Thiên Chúa xót thương qua hình ảnh của Chúa Giêsu do Vị Trinh Nữ này hạ sinh”.

 

 

Chiều Kích Thánh Mẫu (ân sủng, tu đức) bao gồm Chiều Kích Phêrô (quyền bính, mục vụ)

 

(Bài Giảng Thánh Lễ Đồng Tế Với Tân 15 Hồng Y Thứ Bảy ngày 25/3/2006)

 

Chúng phải được hình thành bởi Chúa Kitô, Lời nhập thể của Thiên Chúa. Chính Người là Đấng chúng ta liên lỉ chúc tụng là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Đấng mà nhờ Người ý muốn cứu độ của Thiên Chúa Ngôi Cha được hoàn tất. Tuy nhiên, ngày của mọi ngày hôm nay đây chúng ta chiêm ngưỡng khía cạnh này của mầu nhiệm ấy – khía cạnh suối nguồn thần linh tuôn chảy qua một mạch nước đặc biệt đó là Trinh Nữ Maria. Thánh Bênađô đã nói về điều này bằng hình ảnh ‘aquaeductus’ sống động (cf. "Sermo in Nativitate B.V. Mariae": PL 183, 437-448). Thế nên, khi cử hành việc nhập thể của Người Con, chúng ta không thể không tôn vinh Mẹ của Người.

 

Lời thiên thần loan báo cho Mẹ, Mẹ đã chấp nhận, và khi Mẹ đáp lại bằng tất cả tâm hồn của mình là ‘Này tôi… xin vâng như lời ngài truyền’ (Lk 1:38), thì Lời hằng hữu bắt đầu hiện hữu như là một con người trong thời gian.

 

Mầu nhiệm khôn lường này không ngừng trở thành những gì là bàng hoàng ngỡ ngàng từ đời nọ đến đời kia. Thánh Âu Quốc Tinh tưởng tượng ra một cuộc đối thoại giữa ngài và vị thiên thần Truyền Tin, khi đặt vấn đề là: ‘Ôi Thiên Thần, xin hãy nói cho tôi hay là tại sao điều này đã xẩy ra nơi Mẹ Maria?’ Câu trả lời được vị thiên sứ đáp lại chất chứa chính những lời chào kính: ‘Kính mừng đầy ơn phúc’ (x Sermo 291.6). Thật vậy, vị thiên thần, ‘khi hiện ra với Mẹ’, đã không gọi Mẹ theo tên trần gian của Mẹ là Maria, mà bằng tên thần linh của Mẹ, ‘Đầy ơn phúc – gratia plena’, một tên theo nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa là ‘yêu dấu’ (x Lk 1:28) vì Mẹ luôn được Thiên Chúa biết đến và mang dấu vết Thiên Chúa. Giáo phụ Origen đã nhận định rằng không có danh xưng nào như thế được ban cho bất cứ một con người nào, và là một danh xưng duy nhất trong toàn bộ Thánh Kinh (cf ‘In Lucam’ 6:7). 

 

Nó là một danh hiệu ở thể thụ động, thế nhưng ‘cái thụ động’ này của Mẹ Maria, Vị luôn được và đang được Chúa mãi mãi ‘yêu thương’, bao gồm việc tự do ưng thuận của Mẹ, việc đáp ứng cá nhân và nguyên vẹn của Mẹ: Khi được yêu thương, Mẹ Maria hoàn toàn chủ động, vì Mẹ chấp nhận một cách quảng đại làn sóng yêu thương của Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên Mẹ. Cả ở việc này nữa, Mẹ cũng là người môn đệ trọn hảo của Con Mẹ, Đấng hiện thực tất cả tự do của mình qua việc tuân phục Chúa Cha.

Trong bài đọc thứ hai, chúng ta nghe một đoạn tuyệt vời được tác giả của bức Thư gửi Do Thái viết khi dẫn giải Thánh Vịnh 39 theo ý nghĩa nhập thể của Chúa Kitô: “Khi Chúa Kitô vào trần gian, Người đã thưa… ‘Này Con đây, Con xin đến để làm theo ý Cha, Ôi Thiên Chúa’” (10:5-7). Trước mầu nhiệm của hai lời ‘Này con đây’ của Chúa Kitô và Vị Trinh Nữ, lời này phản ảnh trong lời kia, làm nên câu Amen duy nhất dâng lên ý muốn yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta cảm thấy đầy những ngỡ ngàng và tri ân cảm tạ, và chúng ta cúi mình xuống tôn thờ.

 

Chư huynh thân mến, thật là một ân huệ cao cả biết bao khi thực hiện việc cử hành ý nghĩa này vào Lễ Trọng Truyền Tin đây! Chúng ta có thể nhận được dồi dào ánh sáng biết bao từ mầu nhiệm này cho đời sống chúng ta làm thừa tác viên của Giáo Hội đây! Nhất là các vị tân hồng y thân mến, chư huynh có thể lãnh nhận nhiều bổ dưỡng là chừng nào cho sứ vụ làm ‘Nghị Viên’ cao cả của Vị Thừa Kế Thánh Phêrô! Cơ hội thích đáng này giúp chúng ta coi biến cố hôm nay đây, một biến cố nhấn mạnh đến nguyên tố Phêrô của Giáo Hội, theo chiều hướng của một nguyên tố khác, đó là nguyên tố Thánh Mẫu, một nguyên tố thậm chí còn quan trọng hơn nữa. Tầm vóc quan trọng của nguyên tố Thánh Mẫu trong Giáo Hội, sau công đồng chung Vaticanô II, được đề cao một cách đặc biệt bởi Vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiền nhiệm yêu dấu của tôi, hợp với khẩu hiệu của ngài ‘Totus tuus’. ..

 

Tấm hình Truyền Tin, hơn bất cứ tấm hình nào khác, giúp chúng ta thấy rõ lý do tại sao hết mọi sự trong Giáo Hội trở về với mầu nhiệm Mẹ Maria chấp nhận Lời thần linh, nhờ đó, qua tác động của Thánh Linh, giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại mới được hoàn toàn niêm ấn.

 

Hết mọi sự trong Giáo Hội, hết mọi cơ cấu và thừa tác vụ, bao gồm cả thừa tác vụ của Thánh Phêrô và của các vị thừa kế ngài, đều được ‘bao gồm’ trong áo choàng của Vị Trinh Nữ này, trong chân trời đầy ân phúc của lời Mẹ ‘xin vâng’ theo ý muốn của Thiên Chúa. Mối liên hệ này với Mẹ Maria tự nhiên khơi lên trong tất cả chúng ta một âm hưởng rất mến thương, thế nhưng, trước hết nó có một giá trị khách quan. Giữa Mẹ Maria và Giáo Hội thực sự có một mối liên hệ tự nhiên, được Công Đồng Chung Vaticanô II nhấn mạnh qua quyết định khéo léo của mình, trong việc đưa phần về Đức Trinh Nữ vào đoạn kết của hiến chế ‘Ánh Sáng Muôn Dân’ về Giáo Hội.

 

Đề tài về mối liên hệ giữa nguyên tố Phêrô và nguyên tố Thánh Mẫu cũng được thể hiện nơi biểu hiệu chiếc nhẫn mà tôi sắp sửa trao cho chư huynh. Chiếc nhẫn này luôn là dấu hiệu của hôn ước. Hầu hết tất cả chư huynh đã được một chiếc nhẫn vào ngày được tấn phong lên hàng giáo phẩm, như biểu lộ lòng trung thành và việc dấn thân của chư huynh trong vấn đề trông coi Hội Thánh là hiền thê của Chúa Kitô (x. Nghi Thức Tấn Phong Giám Mục). Chiếc nhẫn tôi trao cho chư huynh hôm nay đây, chiếc nhẫn hợp với phẩm tước hồng y, là để xác nhận và củng cố việc dấn thân ấy, việc dấn thân cũng xuất phát từ tặng ân hôn ước, từ việc nhắc nhở cho chư huynh nhớ rằng trước hết và trên hết chư huynh cần phải mật thiết kết hợp với Chúa Kitô để hoàn thành sứ vụ của chư huynh là thành phần phù rể của Giáo Hội.

Chớ gì việc chư huynh chấp nhận chiếc nhẫn này, đối với chư huynh, là việc chư huynh lập lại tiếng ‘xin vâng’ của mình, tiếng ‘này con đây’ của chư huynh, ngỏ cả cùng Chúa Giêsu là Đấng đã chọn chư huynh và ủy nhiệm chư huynh, lẫn Giáo Hội, một Giáo Hội chư huynh được kêu gọi để phục vụ bằng tình mến yêu của một người bạn đời. Bởi vậy mà hai chiều kích của Giáo Hội là Thánh Mẫu và Phêrô, gặp nhau ở giá trị cao cả của ‘đức ái’ là đức làm trọn mỗi nguyên tố. Thánh Phaolô nói rằng đức ái là đặc sủng ‘cao trọng nhất’, là ‘đường lối tuyệt hảo nhất’ (1Cor 12:31,13:13).

 

Hết mọi sự trên thế giới này sẽ qua đi. Trong cõi vĩnh hằng chỉ có tình yêu mới tồn tại mà thôi. Vì lý do này, Chư Huynh thân mến, lợi dụng dịp thuận lợi của mùa Chay này, chúng ta hãy quyết tâm bảo đảm là hết mọi sự trong đời sống riêng tư của mình, cũng như trong hoạt động của Giáo Hội chúng ta tham phần, đều được tác động bởi đức ái và dẫn tới đức ái. Cả về khía cạnh này nữa, chúng ta được chiếu soi bởi mầu nhiệm chúng ta đang cử hành hôm nay đây. Thật vậy, việc đầu tiên Mẹ Maria làm sau khi lãnh nhận sứ điệp của Thiên Thần là ‘vội vã’ lên đường tới nhà của người chị họ Isave để phục vụ người chị này (x Lk 1:39).

 

Động tác của Vị Trinh Nữ này là một động tác của đức ái chân thực, một động tác khiêm tốn và can đảm, được tác động bởi niềm tin tưởng vào lời Chúa và được Thánh Linh động viên trong lòng. Những ai yêu thương thì quên mình và dấn thân phục vụ tha nhân.

 

Ở đây chúng ta có được hình ảnh và mô phạm của Giáo Hội! Hết mọi cộng đồng giáo hội, như Người Mẹ của Chúa Kitô, đều được kêu gọi hoàn toàn quảng đại chấp nhận mầu nhiệm của Thiên Chúa là Đấng đến ngự trong Mẹ và dẫn Mẹ bước đi trên con đường yêu thương. Đó là con đường tôi đã chọn để khai triều của mình, khi mời gọi mọi người, bằng bức thông điệp đầu tiên của mình, trong việc xây dựng Giáo Hội trong đức ái như một ‘cộng đồng yêu thương’ (x Thiên Chúa Là Tình Yêu, phần 2).

 

 

Vai Trò Của Maria Trong Việc Lấy Lại Tình Trạng Quân Bình Đức Tin Công Giáo

 

Trong cuốn The Ratzinger’s Report, ở chương 7, về “Thành Phần Nữ Giới, Một Người Nữ”, ở trang 106-109, Vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI của chúng ta, khi còn là Hồng Y Ratzinger 20 năm trước đã nêu lên 6 lý do cho thấy tại sao vai trò quan trọng của Mẹ Maria trong việc làm quân bình Đức Tin Công Giáo hay để cứu vãn cuộc khủng hoảng đức tin như sau (những chỗ in ngả đậm là do người dịch cố ý nhấn mạnh):

 

1.         “Khi người ta nhìn nhận vị thế được tín điều và truyền thống qui định cho Mẹ Maria là họ đâm rễ một cách vững chắc vào khoa Kitô học đích thực. (Theo Công Đồng Chung Vaticanô II thì ‘mộ mến suy niệm về Mẹ và chiêm ngưỡng Mẹ theo chiều hướng Lời nhập thể là Giáo Hội cung kính đi sâu hơn nữa vào mầu nhiệm Nhập Thể trọng đại và càng trở nên giống như vị hôn phu của mình hơn nữa’ (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, khoản 65). Ngoài ra, chính vì việc trực tiếp phục vụ niềm tin tưởng vào Chúa Kitô, chứ không phải hoàn toàn chỉ vì lòng tôn sùng Người Mẹ này, mà Giáo Hội đã tuyên bố các tín điều Thánh Mẫu: trước hết là tín điều Mẹ trọn đời đồng trinh và vai trò Thiên Mẫu, rồi sau đó, qua một thời gian dài chín mùi và suy tư, đến những tín điều Mẹ Hoài Thai Vô Nhiễm và Mông Triệu hiển vinh thiên đình. Những tín điều này là những gì bảo vệ niềm tin nguyên tuyền nơi Đức Kitô, Đấng là Thiên Chúa thật và là người thật, Đấng có hai bản tính trong một Ngôi Vị duy nhất. Những tín điều Thánh Mẫu ấy cũng bảo đảm chiều kích cánh chung bất khả thiếu, khi cho thấy việc Mông Triệu của Mẹ Maria như là một định mệnh bất tử đang đợi chờ tất cả chúng ta. Những tín điều này cũng bảo vệ niềm tin – bị đe dọa ngày nay – nơi Thiên Chúa Hóa Công, Đấng có thể tự do nhúng tay can thiệp vào cả vấn đề thể chất (và đây là một trong những vấn đề liên quan tới ý nghĩa về sự thật trọn đời đồng trinh của Mẹ Maria, một vấn đề mà hơn bao giờ hết ngày nay không hiểu được). Sau hết, Mẹ Maria, như Công Đồng nhắc nhở: ‘đã tiến sâu vào lịch sử cứu độ,… ở chỗ các mầu nhiệm Đức Tin quan trọng nhất được liên kết và âm vang nơi bản thân Mẹ’ (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 65)”.

 

2.         “Khoa thánh mẫu học của Giáo Hội bao gồm mối liên hệ chân thực, việc hội nhập cần thiết giữa Thánh Kinh và truyền thống. Bốn tín điều Thánh Mẫu có nền tảng rõ ràng trong Thánh Kinh. Thế nhưng nền tảng này trong Thánh Kinh giống như một mầm mống mọc lên và sinh hoa kết trái trong đời sống của truyền thống, cũng như được bày tỏ thể hiện nơi phụng vụ, nơi nhận thức của thành phần tín hữu và nơi suy tư thần học theo chiều hướng của Huấn Quyền”.

 

3.         “Mẹ Maria liên kết với nhau, nơi chính bản thân của mình là một thiếu nữ Do Thái được trở nên Mẹ của Đấng Thiên Sai, một cách sống động và bất khả phân ly, thành phần Dân Chúa cả cựu lẫn tân, Dân Do Thái và Dân Kitô Giáo, hội đường và thánh đường. Mẹ thực sự là cái móc nối liên kết mà nếu thiếu vắng thì Đức Tin (như đang xẩy ra ngày nay) có nguy cơ bị mất quân bình, hoặc bằng việc bỏ Tân Ước đi lấy Cựu Ước hay bằng việc không cần đến Cựu Ước nữa. Trái lại, nơi Mẹ, chúng ta có thể sống mối hiệp nhất hoàn toàn này của Thánh Kinh”.

 

4.         “Việc tôn sùng Thánh Mẫu đúng đắn bảo đảm cho đức tin về việc đồng hiện hữu giữa ‘lý trí’ bất khả thiếu với ‘những lý lẽ của con tim’ cũng bất khả châm chước, như Pascal nói. Đối với Giáo Hội, con người không thuần lý trí cũng chẳng thuần cảm tình, họ là khối hiệp nhất của cả hai chiều kích này. Cái đầu cần phải tỏ ra sáng suốt, nhưng con tim cần phải cảm thấy nồng nàn: như thế, việc tôn sùng Mẹ Maria mới bảo đảm được chiều kích hoàn toàn nhân bản của đức tin (như Công Đồng Chung Vaticanô II thúc giục ‘một mặt tránh đi hết mọi thứ thái quá sai lầm, mặt khác tránh đi tính cách quá thiển can trong việc chiêm ngắm phẩm vị trổi vượt của Mẹ Thiên Chúa’)”.

 

5.         “Nếu sử dụng chính các mẫu thức của Công Đồng Chung Vaticanô II thì Mẹ Maria là ‘hình dạng’, ‘hình ảnh’ và ‘mẫu thức’ của Giáo Hội. Nhìn ngắm Mẹ, Giáo Hội được bảo vệ cho khỏi kiểu mẫu nam tính hóa là kiểu mẫu coi Mẹ như là một dụng cụ cho một chương trình hoạt động chính trị xã hội. Nơi Mẹ Maria, như hình dạng và nguyên mẫu của mình, Giáo Hội thấy lại được bộ mặt của mình là một Người Mẹ, và không thể thoái hóa thành tính cách phức tạp của một đảng phái, của một tổ chức hay của một nhóm áp đặt phục vụ các lợi ích của nhân loại cho dù là những lợi ích cao quí nhất. Nếu Mẹ Maria không còn chỗ đứng nơi nhiều thứ thần học và giáo hội học nữa thì lý do cũng hiển nhiên thôi, đó là vì những thứ khoa học này biến đức tin trở thành một cái gì đó trừu tượng. Và đã trừu tượng thì không cần gì đến một Người Mẹ nữa”.

 

6.         “Với thân phận của mình, một lúc vừa là Trinh Nữ vừa là Mẹ, Mẹ Maria tiếp tục chiếu tỏa trên những gì được Đấng Hóa Công ấn định cho nữ giới ở mọi thời đại, kể cả thời đại của chúng ta đây, hay nói đúng hơn, có lẽ cho chính thời đại của chúng ta, một thời đại mà, như chúng ta biết, chính bản chất của nữ tính đang bị đe dọa. Nơi tính cách trinh nguyên và vai trò làm mẹ của Người, mầu nhiệm của nữ giới có được một định mệnh rất cao cả khiến họ không thể bị phân mảnh. Mẹ Maria hiên ngang xướng lên bài ca vịnh Magnificat – Ngợi Khen, thế nhưng Mẹ cũng là một con người làm cho việc thinh lặng và ẩn dật sinh hoa kết trái. Mẹ là một con người không sợ đứng dưới Cây Thập Tự Giá cũng là vị hiện diện ở cuộc Giáo Hội được hạ sinh. Thế nhưng, Mẹ cũng là vị, như thánh ký nhấn mạnh mấy lần là ‘lưu giữ và suy niệm trong lòng’ những gì được tỏ ra cho Mẹ. Là một tạo vật can trường và tuân phục, Mẹ đã và vẫn còn là một mẫu gương cho hết mọi Kitô hữu nam nữ có thể và cần phải bắt chước noi theo”.