Viễn Ảnh

  

BÍ MẬT FATIMA

Về Vị Giáo Hoàng Cuối Cùng

 

  

N

ếu Khối Cộng Sản Đông Âu sụp đổ, nhất là “Nước Nga trở lại”, là những gì có liên hệ với Biến Cố Fatima và Bí Mật Fatima, qua sự kiện trực tiếp liên quan tới bản thân của Đức Gioan Phaolô II, thì việc Âu Châu Hiệp Nhất, để “vương quốc của Đấng Tối Cao bao trùm vương quốc của tín đồ Hồi Giáo” cũng liên quan đến Biến Cố Fatima, Bí Mật Fatima và Sứ Điệp Fatima như vậy. Bởi vì, không phải ngẫu nhiên Mẹ Maria chọn địa điểm hiện ra ở một nơi được gọi là “Fatima” (thuộc Âu Châu), tên của người con gái Giáo Tổ Hồi Giáo Mohammed. Và cũng không phải vô tình mà Mẹ Maria đã tự xưng ở Fatima ngày 13/10/1917 rằng “Ta là Đức Mẹ Mân Côi”, một tước hiệu liên quan đến biến cố quân Kitô Giáo đang yếu thế đã có thể oanh liệt toàn thắng lực lượng dũng mãnh của Hồi Giáo ở trận hải chiến Lepantô năm 1571. 

Biết đâu, Thời Điểm Fatima sẽ càng sáng tỏ vào năm 2017, dịp kỷ niệm 100 năm Biến Cố Fatima, cũng là dịp trùng hợp đúng 500 năm xuất phát Phong Trào Thệ Phản Cải Cách ở Đức, Kitô Giáo sẽ tiến đến chỗ hiệp nhất… cho một Âu Châu Hiệp Nhất, những gì đã được gói ghém nơi danh hiệu Giáo Hoàng Biển Đức XVI, một danh hiệu từ thời Giáo Hoàng Biển Đức XV (1914-1922), mở màn cho Thời Điểm Fatima.

 

Hai đoạn văn trên đây là những đoạn kết thúc của bài nhập đề “Thời Điểm Fatima” của cuốn sách này, một bài viết đã được Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ phổ biến trong số 339, Tháng 3/2006, trang 18-19. Tuy nhiên, Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ đã không cho phổ biến những chi tiết cuối cùng của bài viết, tức đã hoàn toàn bỏ đi hai đoạn trên đây. Đó là duyên do để hai đoạn này được tái xuất ở đây, mở đầu cho phần Viễn Ảnh kết thúc tập sách này.

 

Đúng thế, Thời Điểm Fatima chẳng những liên quan tới giai đoạn “thế giới sẽ được hưởng một thời gian hòa bình”, như được khai triển và chứng dẫn ở bài dẫn nhập (từ trang 9), mà còn liên quan tới vị Giáo Hoàng trong phần Bí Mật Fatima thứ ba nữa, phần bí mật của một thị kiến cho thấy vị Giáo Hoàng bị ám sát chết thật sự, chứ không thoát chết hay còn sống sót như trường hợp của Đức Gioan Phaolô II ngày 13/5/1981. Vị Giáo Hoàng này là ai? Giáo Hoàng Biển Đức XVI hay vị Giáo Hoàng thừa kế ngài?

 

(Xin xem Bí Mật Fatima phần thứ ba hay toàn bộ Bí Mật Fatima ở cuốn “Fatima: Dấu Chỉ Thời Đại” của cùng tác giả, do Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp xuất bản năm 2000)

 

Nếu, theo sấm truyền của Tiên Tri Malachy chỉ còn 2 vị giáo hoàng nữa là hết, vị đương kim Biển Đức XVI và vị sau ngài, thì tình hình cho thấy vị sau ngài sẽ chính là vị giáo hoàng của Bí Mật Fatima phần thứ ba. Bởi vì, theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, trước khi được phục sinh vinh hiển để như cô dâu trang điểm kiều diễm sẵn sàng nghênh đón chàng rể (số 1042), Giáo Hội sẽ phải trải qua vào giai đoạn cuối cùng một cuộc khổ nạn và tử nạn như Đấng Sáng Lập của mình (số 675):

 

Trước khi Chúa Kitô đến lần thứ hai, Giáo Hội phải trải qua một cuộc thử thách sau cùng, một cuộc thử thách sẽ làm lay chuyển đức tin của nhiều tín hữu (x Lk 18:8; Mt 24:12). Bách hại đi kèm theo cuộc lữ hành của Giáo Hội trên mặt đất (x Lk 21:12; Jn 15:19-20) sẽ tỏ ra cho thấy ‘mầu nhiệm của gian tà’ nơi hình thức lừa bịp về đạo giáo, ở chỗ nó cống hiến con người một giải đáp trước mắt cho những vấn nạn của họ với giá họ phải trả là chối bỏ sự thật. Cái lừa bịp về đạo giáo thượng hạng là cái lừa bịp Phản Kitô, một chủ trương ngụy kitô làm cho con người tôn vinh mình hơn Thiên Chúa và hơn Đấng Thiên Sai đến trong xác thịt của Ngài (x 2Thess 2:4-12; 1Thess 5:2-3; 2Jn 7; 1Jn 2:18,22)”. (số 675)

 

Theo lịch sử, chúng ta thấy Nhị Vị của chúng ta có ít là 5 điểm tương dị sau đây:

 

1.      Đức Gioan Phaolô II là triết gia về nhân bản ngôi vị, còn Giáo Hoàng Biển Đức XVI là một thần học gia về Giáo Hội hiệp thông (nhận định này được chứng thực qua những tâm tưởng của ngài, như trong bài ‘Khoa Giáo Hội Học Hiệp Thông của Công Đồng Chung Vaticanô II’, được phổ biến trong cuốn ‘Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Vị Giáo Hoàng của Đại Kết Kitô Giáo và Cho Một Tân Âu Châu’, Cao-Bùi 2005, phần I, chương 4, trang 62-88; cũng như trong loạt bài giáo lý vào các ngày Thứ Tư hằng tuần, bắt đầu từ ngày 15/3/2006, về chủ đề mối liên hệ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, nhất là bài thứ ba ngày 29/3/2006 về chính vấn đề hiệp thông của Giáo Hội)

 

2.      Đức Gioan Phaolô II thiên về mục vụ, còn Giáo Hoàng Biển Đức XVI thiên về giảng dạy;

 

3.      Đức Gioan Phaolô II thuộc về một quốc gia bị trị là Balan, còn Giáo Hoàng Biển Đức XVI thuộc về một quốc gia thống trị là Đức Quốc;

 

4.      Đức Gioan Phaolô II lên làm giáo hoàng khi còn trẻ với tuổi đời 58, còn Giáo Hoàng Biển Đức XVI lên làm giáo hoàng khi đã lão thành với tuổi đời 78;

 

5.      Đức Gioan Phaolô II nhận danh hiệu giáo hoàng mới mẻ hợp thời, còn Giáo Hoàng Biển Đức XVI nhận danh hiệu cổ kính xa xưa.

 

Tuy nhiên, nhị vị Giáo Hoàng của chúng ta đây đều có liên quan tới Fatima, một vị hiển nhiên và một vị mặc nhiên. Vị hiển nhiên liên quan tới Fatima đây chính là Đức Gioan Phaolô II, vì ngài chẳng những đã bị ám sát vào ngày 13/5/1981, ngày kỷ niệm Mẹ Maria hiện ra ở Fatima lần đầu tiên, mà còn sau đó đã thi hành điều trời cao yêu cầu là hiệp cùng hàng giáo phẩm trên thế giới hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Ngoài ra, chính ngài đã cho công bố Bí Mật Fatima phần thứ ba.

Còn Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã mặc nhiên liên quan tới Fatima qua các sự kiện sau đây: trước hết, ngài đã được đọc Bí Mật Fatima phần thứ ba khi mới làm Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, như ngài tiết lộ cho biết trong cuốn Ratzinger’s Report, trang 109, nhưng ngài không tiết lộ nội dung và cho biết lý do tại sao Đức Thánh Cha không tiết lộ (trang 110); sau nữa, vì chính ngài, với vai trò làm Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đã viết lời dẫn giải phần Bí Mật Fatima thứ ba này trước khi nó được chính thức công bố ngày 26/6/2000; chưa hết, vì ngài lấy danh hiệu Giáo Hoàng Biển Đức XVI giống như vị Giáo Hoàng Biển Đức XV phục vụ Giáo Hội vào Thời Điểm Fatima mở màn; sau hết, vì ngài đã có một nhận thức Thánh Mẫu (như đã được đề cập tới ở phần đầu Chương 5, Phần Hai, về Cảm Nhận Thánh Mẫu của ngài), hợp với linh cảm của chị Lucia, vị thụ khải Fatima đã viết Bí Mật Fatima và chú giải thêm là chỉ nên tiết lộ bí mật này sau năm 1960, thời điểm Công Đồng Chung Vaticanô II là công đồng chẳng những đề cao Mẹ (bằng cách giành hẳn 1 chương VIII cho Mẹ) trong Hiến Chế Tín Lý “Ánh Sáng Muôn Dân” về Giáo Hội, mà còn tuyên tụng Mẹ là Mẹ Giáo Hội khi công bố hiến chế chính yếu của công đồng này nữa.

 

Nếu Công Đồng Chung Vaticanô II, trong 16 văn kiện, có 4 văn kiện có một giá trị giáo huấn cao nhất là 4 Hiến Chế: Hiến Chế về Phụng Vụ “Thánh Công Đồng - Sacrosanctum Concilium” ban hành ngày 4/12/1963, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân – Lumen Gentium” ban hành ngày 21/11/1964, Hiến Chế về Mạc Khải “Lời Chúa - Dei Verbum” ban hành ngày 18/11/1965, và Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội “Vui Mừng Và Hy Vọng – Gaudium Et Spes” ban hành ngày 7/12/1965, thì Đức Phaolô VI liên quan tới Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân”, Đức Gioan Phaolô II liên quan tới Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội “Vui Mừng Và Hy Vọng”, và Vị Giáo Hoàng Biển Đức liên quan tới hai Hiến Chế còn lại là Hiến Chế về Phụng Vụ và Hiến Chế về Lời Chúa.

 

Đức Phaolô VI liên quan đến Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội ‘Ánh Sáng Muôn Dân’, vì ngài là vị Giáo Hoàng chủ sự Công Đồng về Giáo Hội và chính ngài ban bố hiến chế này ngày 21/11/1964; ngoài ra ngài còn ban bức thông điệp đầu tiên của ngài về ‘Giáo Hội của Người’ (Ecclesiam Suam) ngày Lễ Chúa Biến Hình 6/8/1964, và ngài cũng qua đời vào chính ngày Lễ Chúa Hiển Sáng này năm 1978.

 

Đức Gioan Phaolô II liên quan tới Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội ‘Vui Mừng Và Hy Vọng’, vì ít là 8 lý do sau đây: thứ nhất, ngài là một triết gia nhân bản; thứ hai, ngài xuất thân từ một quốc gia Balan bị trị bởi hai chế độ độc quyền ngoại bang là Nazi Đức Quốc và Cộng Sản Liên Sô thời Thế Chiến Thứ Hai; thứ ba, ngài ở trong ủy ban soạn thảo chính Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội này; thứ bốn, ngài đã kêu gọi con người trong bài giảng Lễ Đăng Quang 22/10/1978 là ‘Đừng Sợ, Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô’; thứ năm, ngài ban bố Thông Điệp ‘Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần’ ngày 4/3/1979 để cho con người thấy rằng Người đã Vị Cứu Tinh duy nhất có thể cứu họ khỏi lo âu và sợ hãi bị tự diệt; thứ sáu, ngài cử hành Đại Năm Thánh 2000 để sửa soạn cho Giáo Hội tiến vào ngàn năm thứ ba Kitô Giáo một cách ‘duc in altum – nước sâu thả lưới’ cho một mùa xuân mới của lịch sử loài người; thứ bảy, ngài tích cực hoạt động và giảng dạy cho công lý và hòa bình, nhất là thực hiện 104 chuyến tông du khắp thế giới, để củng cố đức tin Kitô Giáo, đối thoại liên tôn và cổ võ nền ‘văn hóa sự sống’ khắp nơi (thành ngữ nổi tiếng của ngài nay đã trở thành phổ thông khắp thế giới); thứ tám, ngài để lại cho thế giới tác phẩm ‘Hồi Niệm Và Căn Tính’ trước khi qua đời 1 tháng rưỡi (phát hành ngày 22/2/2005), cùng với tác phẩm ‘Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng’ năm 1994, để giúp con người giác ngộ trở về nguồn sống thần linh của mình.  

 

Sở dĩ Vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI có liên quan tới hai Hiến Chế này là vì chủ trương ưu tiên hàng đầu của giáo triều ngài là vấn đề đại kết Kitô giáo, một vấn đề lại có liên quan đến cả hai Hiến Chế Phụng Vụ lẫn Lời Chúa này: Phụng Vụ thì liên quan tới các Giáo Hội Chính Thống là những Giáo Hội Đông Phương đã tách rời Giáo Hội Công Giáo Rôma từ thế kỷ 11, năm 1054, những Giáo Hội theo những truyền thống lễ nghi phụng vụ khác nhau; Lời Chúa thì liên quan tới các cộng đồng giáo hội thuộc Phong Trào Cải Cách được Việt Nam gọi là anh chị em Tin Lành, một phong trào bắt đầu từ đầu thế kỷ 16, năm 1517, một phong trào chủ trương sola scriptura – chỉ duy có Thánh Kinh, chỉ có Lời Chúa mà thôi, ngoài ra không có Thánh Truyền hay Huấn Quyền Giáo Hội gì hết.

 

Sự kiện ngài ban hành bức Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” của mình vào Ngày Kết Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo không phải là một dấu chỉ thời đại cho thấy Kitô hữu cần phải trở về với căn tính đức ái trọn hảo, với “Thiên Chúa Là Tình Yêu” của mình mới có thể hiệp nhất nên một.

 

Nếu lời tiên đoán được gọi là sấm truyền được xuất bản từ năm 1559 của tiên tri Malachy (1095-1148), môt vị thánh tổng giám mục người Ái Nhĩ Lan, là xác thực, thì chỉ còn 3 câu nữa của vị tiên tri này cho 3 vị giáo hoàng cuối cùng mà thôi, đó là câu “mặt trời khổ ải – de labore solis”, “vinh quang Olive – Gloria Olivae” và “Phêrô người Rôma – Petrus Romanus”.

 

Nếu theo thứ tự, câu trước 3 câu cuối cùng này là “nửa vừng trăng – de medietate lunae” đã ứng nghiệm nơi Đức Gioan Phaolô I, chỉ sống có 33 ngày làm thừa kế Thánh Phêrô, thì Đức Gioan Phaolô II quả thực là “mặt trời khổ ải”, tức vừa vinh hiển rạng ngời về mọi phương diện trước thế giới, điển hình nhất qua Thánh Lễ An Táng của ngài ngày Thứ Sáu 8/2/2005, lại vừa đau khổ về phần xác sau biến cố bị ám sát ngày 13/5/1981; và Vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI là “vinh quang Olive”, vì cành cây Olive tượng trưng cho hòa bình và vị giáo hoàng này đã nhận danh hiệu giáo hoàng liên quan tới hòa bình, như ngài đã nói rõ trong Sứ Điệp gửi cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2006, một thứ hòa bình chẳng những trên thế giới mà còn nơi cả Kitô Giáo nữa, trong việc ngài đặt ưu tiên hàng đầu của giáo triều ngài là vấn đề đại kết Kitô giáo.

 

(Thật vậy, qua những dấu chỉ thời đại sau một năm của nhị vị Giáo Hoàng này, người viết ở đây đã phải điều chỉnh lại những nhận định của mình về nhị vị Giáo Hoàng của chúng ta đây liên quan tới những tiên báo của tiên tri Malachy, khác với những gì đã suy diễn trong cuốn Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Vị Giáo Hoàng Của Đại Kết Kitô Giáo và Cho Một Tân Âu Châu”, Cao-Bùi 2005, trang 200-204).

 

Sự kiện ngài ban hành bức Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” của mình vào Ngày Kết Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo không phải là một dấu chỉ thời đại cho thấy Kitô hữu cần phải trở về với căn tính đức ái trọn hảo, với “Thiên Chúa Là Tình Yêu” của mình mới có thể hiệp nhất nên một hay sao? Đúng thế, ở những lời kết buổi triều kiến chung hằng tuần Thứ Tư 18/1/2006, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã xác nhận về mối liên hệ giữa bức thông điện và thời điệp ban hành này như sau:

 

“Cũng vào ngày kết Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo này, bức thông điệp đầu tiên của tôi cuối cùng sẽ được ban hành, nhan đề như đã được biết đến, đó là ‘Deus Caritas Est - Thiên Chúa Là Tình Yêu’. Đề tài này không trực tiếp liên quan tới vấn đề đại kết, thế nhưng bố cục và bối cảnh lại là vấn đề đại kết, vì Thiên Chúa và tình yêu thương của chúng ta là điều kiện cho mối hiệp nhất của Kitô hữu. Cả hai là điều kiện cho hòa bình trên thế giới”. 

 

Trong bài giảng của mình ở Giờ Kinh Chiều, tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, vào ngày kết thúc Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo (18-25/1) hằng năm, ngỏ cùng thành phần đại kết, trong đó có phái đoàn 150 vị đại biểu các Giáo Hội và cộng đồng giáo hội Kitô Giáo, Vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI của chúng ta đã liên kết mối hiệp nhất Kitô Giáo với Tình Yêu Thiên Chúa, nội dung bức thông điệp đầu tiên của ngài, một văn kiện vừa được ban hành trước đó mấy tiếng đồng hồ. Ngài đã mời gọi mọi những ai hiện diện bấy giờ hãy nhìn “tất cả con đường đại kết theo chiều hướng của tình yêu Thiên Chúa, của thứ Tình Yêu là Thiên Chúa”, với những ý tưởng tiêu biểu như sau:

 

“Thiên Chúa là tình yêu. Tất cả đức tin của Giáo Hội được xây dựng trên tảng đá này. Đặc biệt là việc nhẫn nại tìm kiếm mối hiệp thông trọn vẹn nơi tất cả mọi thành phần Kitô hữu được xây dựng trên tảng đá ấy.

 

“Gắn mắt vào chân lý này, tột đỉnh của mạc khải thần linh, cho dù sự kiện chia sẽ vẫn còn chồng chất đau thương, thì tình trạng chia rẽ này dường như vẫn có thể vượt qua và không làm cho chúng ta nản chí.

 

Tình yêu chân chính không loại trừ đi những khác biệt hợp lý, nhưng hòa hợp chúng lại thành một mối hiệp nhất ở mức độ cao hơn, một mối hiệp nhất được áp đặt lên chúng ta từ bên ngoài, đúng hơn, nói cách khác, một mối hiệp nhất của toàn thể được hình thành từ bên trong.

 

“Nó là mầu nhiệm hiệp thông, như nó liên kết con người nam nữ lại thành một cộng đồng yêu thương và sự sống là hôn nhân thế nào, nó cũng làm cho Giáo Hội thành một cộng đồng yêu thương, cống hiến mối hiệp nhất cho một kho tàng đa dạng về các tặng ân và các truyền thống.

 

“Trong việc phục vụ cho mối hiệp nhất yêu thương này, Giáo Hội Rôma, theo Thánh Ignatiô Antiôkia diễn tả, ‘chủ sự trong đức ái’.

 

“Vị Giám Mục Rôma, một lần nữa, đặt trong tay Thiên Chúa thừa tác vụ kế vị Thánh Phêrô của mình, xin Thánh Linh soi sáng và tăng sức cho thừa tác vụ này, nhờ đó ngài luôn nuôi dưỡng mối hiệp nhất huynh đệ nơi tất cả mọi Kitô hữu”.

 

Trong Sứ Điệp gửi Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran về Giáo Hội Chính Thống Giáo Hy Lạp 27/10/2005, ngài còn nhấn mạnh đến vấn đề Đại Kết Kitô Giáo liên quan đến Vận Mệnh Âu Châu nữa, như sau:

 

“Tôi xin huynh hãy chuyển đến Đức Thượng Phụ Christodoulos là tôi lấy làm vui mừng được tiếp đón ngài ở Rôma để cùng nhau cho thấy một giai đoạn mới đạt được trên con đường hòa giải và hợp tác. Điều này chứng thực cho lòng tôi thành thật muốn phát tiển mối liên hệ mạnh mẽ hơn bao giờ hết niềm tin tưởng và tình huynh đệ giữa chúng ta trong việc cùng nhau hoạt động trong nhiều khó khăn thử thách của việc truyền bá phúc âm hóa: Đặc biệt là chúng ta có thể mạnh mẽ hơn để giúp cho các quốc gia Âu Châu tái xác nhận căn gốc Kitô giáo của họ để một lần nữa họ tìm được nhựa sống dưỡng nuôi và làm phong phú chính tương lai họ cho thiện ích của con người và toàn thể xã hội. Nó sẽ là một đường lối cùng nhau loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô cho thế giới hiện đại là thế giới rất cần đến nó. Nhờ thế, chúng ta mới đáp ứng hơn bao giờ hết niềm thiết tha ước mong của chính Chúa Kitô là: ‘Để họ được nên một’ (x Jn 17:21), cho đến ngày, thời điểm Thiên Chúa muốn và theo hướng dẫn của Thánh Linh, chúng ta có thể cử hành mối hiệp thông được trọn vẹn phục hồi”.

 

Đó là lý do, như đoạn thứ hai của phần Viễn Ảnh kết thúc tập sách này đã ngưỡng vọng:

 

“Biết đâu, Thời Điểm Fatima sẽ càng sáng tỏ vào năm 2017, dịp kỷ niệm 100 năm Biến Cố Fatima, cũng là dịp trùng hợp kỷ niệm đúng 500 năm xuất phát Phong Trào Thệ Phản Cải Cách ở Đức, Kitô Giáo sẽ tiến đến chỗ hiệp nhất… cho một Âu Châu Hiệp Nhất, những gì đã được gói ghém nơi danh hiệu Giáo Hoàng Biển Đức XVI, một danh hiệu từ thời Giáo Hoàng Biển Đức XV (1914-1922), mở màn cho Thời Điểm Fatima”.

 

Chúng ta hãy nguyện cầu và chờ đợi để thấy được những dấu chỉ thời đại hiện lên trên bầu trời lịch sử nhân loại đầy những biến động hết sức kỳ lạ và kỳ quái chưa từng thấy trên trái đất của chúng ta đây.

 

Tóm lại, sở dĩ tập sách này viết về nhị vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Biển Đức XVI, thay vì hai cuốn như năm trước, cuốn “Đức Gioan Phaolô II: Sống Là Chúa Kitô – Chết Là Vinh Thắng” và “Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Vị Giáo Hoàng Của Hiệp Nhất Kitô Giáo Và Cho Một Tân Âu Châu”, là bởi, sau một năm, người viết thấy được có một cái gì đó trùng hợp và liên tục giữa hai vị Giáo Hoàng này, như dấu chỉ thời đại cho thấy một chân trời lịch sử nhân loại sắp sửa xẩy ra, có thể tóm gọn như sau:

 

Thứ nhất, nếu Đức Gioan Phaolô II thuộc Đông Âu (ở một nước Balan bị trị bởi cả Đảng Nazi Đức Quốc lẫn Cộng Sản Liên Sô) được sai đến để làm cho Bức Tường Bá Linh ngăn cách Âu Châu sụp đổ, thì Giáo Hoàng Biển Đức XVI thuộc Tây Âu (ở một quốc gia Đức Quốc gây ra hai Thế Chiến I và II) được sai đến để tiếp tục làm cho Âu Châu hiệp nhất, một Âu Châu đang mất căn tính Kitô Giáo của mình chỉ có thể Hiệp Nhất một khi Kitô Giáo hiệp nhất ở Âu Châu, nhờ đó, Âu Châu theo Văn Hóa Kitô Giáo mới có thể “Hồi Niệm (lấy lại) Căn Tính” của mình, để trở thành một lực lượng chẳng những có thể chống lại Hiện Tượng Khủng Bố của những thành phần Hồi Giáo quá khích hiện nay chính yếu nhắm vào Tây Phương, mà còn làm cho Do Thái nhận thấy Đấng Thiên Sai của họ nơi Kitô Giáo, hầu trở về với Người là Đấng sẽ trở lại trong vinh quang để cứu độ những ai trông đợi Người và vĩnh viễn thiết lập Vương Quốc của Người trên trần gian. 

 

Thứ hai, nếu Đức Gioan Phaolô II liên quan tới Biến Cố Đông Âu nhờ lực lượng Công Đoàn Balan thế nào, thì Giáo Hoàng Biển Đức XVI cũng liên quan tới tình trạng Hiệp Nhất Âu Châu bằng lực lượng Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới ở Đức Quốc như vậy, (nơi đã xuất phát ra phong trào Thệ Phản Tin lành từ năm 1517), một lực lượng đã thực hiện bản tuyên ngôn chung với Giáo Hội Công Giáo về Tín Lý Công Chính Hóa vào ngày 31/10/1999.

 

Thứ ba, nếu chuyến tông du hồi hương Balan lần đầu tiên của Đức Gioan Phaolô II vào tháng 6/1979 là chuyến tông du lịch sử liên quan tới Biến Cố Đông Âu sụp đổ sau đó 10 năm (1989) thế nào, thì chuyến tông du hồi hương Đức Quốc đầu tiên của Giáo Hoàng Biển Đức XVI vào tháng 8/2005 cũng liên quan tới tình trạng Hiệp Nhất Âu Châu như vậy, vào thời điểm có thể vào năm 2017, thời điểm kỷ niệm đúng 500 năm phong trào Thệ Phản Tin Lành và 100 năm Biến Cố Fatima, thời điểm liên quan tới hai biến cố lịch sử trùng hợp này lại được gói ghém trong danh hiệu Giáo Hoàng Biển Đức, một danh hiệu Giáo Hoàng trở về với Thời Điểm Fatima, và là một danh hiệu Giáo Hoàng liên quan tới vị Thánh Biển Đức là đệ nhất Quan Thày của Âu Châu, vị Thánh đã khởi công phát triển văn minh Âu Châu cũng là văn minh Tây Phương.

Thứ bốn, nếu Đức Gioan Phaolô II đã thâm tín rằng việc chiến thắng của Chúa Kitô cần phải được thực hiện qua Mẹ Maria thế nào (xin xem lại trang 171-178), thì Giáo Hoàng Biển Đức XVI cũng chủ trương Mẹ Maria là phương thế cứu vãn tình hình khủng hoảng tôn giáo và văn hóa của thế giới văn minh ngày nay như vậy (cũng xin xem lại trang 297-301), và những nhận thức Thánh Mẫu này của hai vị Giáo Hoàng rất ăn khớp với những gì được Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) tiên báo trong cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria (từ đầu thế kỷ 18), ở đoạn 49, như sau:

 

·        Vào lần đến thứ hai của Chúa Giêsu Kitô, Mẹ Maria phải được Thánh Linh nhận biết và tỏ hiện để, qua Mẹ, Chúa Giêsu Kitô cũng được nhận biết, yêu mến và phục vụ”.

 

Phải, nếu việc Chúa Kitô trở lại trần gian không phải là để xóa tội trần gian như lần đầu mà là để cứu độ những ai thiết tha trông đợi Người (x Heb 9:28), thì quả thực việc Người cần phải được làm cho nhận biết và yêu mến qua Mẹ Maria đây, đã cho thấy Thời Điểm Fatima chính là Mùa Vọng Cánh Chung, và Bí Mật Fatima là Dấu Báo Cánh Chung, liên quan tới vị giáo hoàng cuối cùng. Và trước khi vị giáo hoàng cuối cùng được tiên tri Malachy tiên báo là “Phêrô người Rôma – Petrus Romanus” xuất hiện, Đấng Quan Phòng Thần Linh đã sai đến với Giáo Hội và thế giới hai vị Giáo Hoàng tiền nhiệm: Đức Gioan Phaolô II như Mặt Trời Khổ Ải, với Thông Điệp “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần”, và Biển Đức XVI như Vinh Quang Oliu, với Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu”!

 

Nếu Thông Điệp “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần” của Đức Gioan Phaolô II đã cho thấy hình ảnh con người thời đại hết sức thảm thương và đáng thương, nhưng cần phải “đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”, Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần duy nhất có thể cứu họ cho khỏi bị tự diệt, thì Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” của Giáo Hoàng Biển Đức XVI, vị trong Lễ Đăng Quang cũng kêu gọi con người “đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô” như vị Tiền Nhiệm của mình, đã cho thấy Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần là Mạc Khải Tình Yêu Thiên Chúa và là Đấng tiếp tục yêu thương phục vụ con người qua hoạt động tông đồ bác ái của Giáo Hội Nhiệm Thể của Người, một đức bác ái Người sẽ đến để phán xét chung loài người trong Ngày Chung Thẩm (x Mt 25:31-46), và là một đức bác ái làm cho Giáo Hội trở nên diễm lệ để có thể nghênh đón Vị Hôn Phu của mình khi Người đến (x Rev 21:2), nhưng lại là một đức bác ái đẫm máu đức tin trước quyền lực văn hóa sự chết – Phải chăng hình ảnh Giáo Hội sống bác ái nhưng đẫm máu đức tin cho phần rỗi nhân trần như thế đã được tiên báo trong phần thứ ba của Bí Mật Fatima, phần Bí Mật Fatima liên quan tới ngày cùng tháng tận của con người?!

 

Nếu giáo triều Đức Gioan Phaolô II rạng ngời nhất lịch sử Giáo Hội trước nhân loại như thời điểm của Chúa Kitô vinh quang tiến vào Thành Giêrusalem, và nếu giáo triều của Giáo Hoàng Biển Đức thiên về nội tâm và hiệp thông như bầu không khí của Nhà Tiệc Ly khi Chúa Kitô lập Bí Tích Thánh Thể và nguyện cầu Hiệp Nhất, thì ‘Phêrô Người Rôma’ sẽ là vị Giáo Hoàng của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, của một Chúa Kitô khổ nạn vậy. Và ‘Phêrô Người Rôma’ đây phải chăng là ám chỉ đến vị Giáo Hoàng sẽ bị tử nạn tại Rôma như vị Giáo Hoàng Đệ Nhất Phêrô ở Rôma hay chăng? Nếu thế thì Bí Mật Fatima phần thứ ba quả thực chẳng những là dấu chỉ về Vị Giáo Hoàng cuối cùng mà còn là dấu chỉ báo hiệu Chúa Kitô sắp tới trong vinh quang nữa.

 

Vì, sau Biến Cố Fatima, một biến cố chất chứa sứ điệp về Lòng Thương Xót Chúa là đến thời kỳ của chính Lòng Thương Xót Chúa. Đúng thế, Thời Điểm Fatima là Thời Điểm Thánh Mẫu mở màn cho Thời Điểm Lòng Thương Xót Chúa, ở chỗ, nếu ở Thời Điểm Fatima, thời điểm vào giữa Thế Chiến Thứ Nhất (1914-1918), Mẹ Maria đã kêu gọi loài người hãy trở về với Lòng Thương Xót Chúa khi kêu gọi 3 Thiếu Nhi Fatima bấy giờ rằng “sau mỗi một chục Kinh Mân Côi, các con hãy đọc ‘Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn’”, và trước khi hoàn toàn kết thúc Biến Cố Fatima, vào lần hiện ra cuối cùng 13/10/1917, Mẹ Maria đã thảm thiết kêu gọi chung loài người hãy trở về với Lòng Thương Xót Chúa rằng: “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”, thì Thời Điểm Lòng Thương Xót Chúa được chính thức bắt đầu vào giữa Thế Chiến I và II, tức vào quãng đời tu trì của Thánh Faustina (khấn dòng 30/4/1926), vị Tông Đồ của Lòng Thương Xót Chúa, vị đã được Chúa Giêsu (và cả Mẹ Maria) dùng để cảnh giác thế giới về việc Người đến và dấu hiệu Người đến như sau:

 

"Ngày 25/3/1936. Ban sáng, trong lúc suy niệm, tôi được bao bọc bởi việc hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa, khi tôi thấy sự cao cả khôn lường của Thiên Chúa, đồng thời cả việc Ngài hạ mình xuống với các loài tạo vật của Ngài. Bấy giờ tôi thấy Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã đã nói với tôi rằng: ‘Ôi, linh hồn trung thành đáp ứng tác động ân sủng của Ngài thì làm hài lòng Ngài biết bao. Mẹ đã ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại; còn phần con, con phải nói cho thế giới về tình thương cao cả của Người và sửa soạn thế giới cho Lần Đến Thứ Hai của Đấng sẽ đến không phải như một Đấng Cứu Thế nhân hậu nữa mà là một Thẩm Phán công minh. Ôi, khủng khiếp thay cái ngày ấy! Quyết liệt thay ngày công minh ấy, ngày giận dữ thần linh ấy. Các Thần Trời rùng mình trước ngày này. Hãy nói cho các linh hồn biết về tình thương cao cả này trong khi còn thời gian ban phát tình thương. Nếu giờ đây con câm nín thì con sẽ phải trả lẽ về rất nhiều linh hồn vào ngày kinh khiếp ấy’.” (Mẹ Maria với Chị Thánh Faustina: Nhật Ký, đoạn 635)

 

"Hãy nói cho thế giới biết về tình thương của Cha; tất cả loài người hãy nhân biết tình thương khôn dò của Cha. Đó là dấu hiệu cho ngày cùng tháng tận; sau đó sẽ là ngày của công lý” (Chúa Giêsu với chị Thánh Maria Faustina: Nhật Ký, 848)

 

"Con hãy viết xuống như sau: trước khi Cha đến như một quan phán công chính, trước hết Cha mở rộng cửa tình thương của Cha. Ai không chiu qua cửa tình thương của Cha thì phải qua cửa công lý của Cha...” (Chúa Giêsu với chị Thánh Maria Faustina: Nhật Ký, 1146)

 

“Hôm nay Cha sai con đem tình thương của Cha đến với các dân tộc trên khắp thế giới. Cha không muốn trừng phạt một nhân loại đang bị nhức nhối, mà là muốn chữa lành cho nó, ghì lấy nó vào Trái Tim Nhân Hậu của Cha. Cha sử dụng việc trừng phạt khi nào họ buộc Cha phải làm như thế mà thôi; bàn tay của Cha lưỡng lự chần chờ nắm lấy thanh gươm công lý. Trước Ngày Công Lý Cha đang ban cho họ Ngày Tình Thương” (Chúa Giêsu với chị Thánh Maria Faustina: Nhật Ký, 1588)

 

"Từ Balan sẽ phát ra một tia sáng để sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha  (Chúa Giêsu với chị Thánh Maria Faustina: Nhật Ký, 1732).

 

Riêng câu cuối cùng liên quan đến đất nước Balan là quê hương của chị thánh này, theo vị Giáo Hoàng đồng quê với chị là Đức Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng đã qua đời áp Lễ Chúa Tình Thương 2/4/2005 giải thích qua bài giảng Thánh Lễ Cung Hiến tân Đền Thờ Chúa Tình Thương ở Balan ngày Thứ Bảy 17/8/2003, thì đó là chính Lòng Thương Xót Chúa. Thế nhưng, theo người viết, như đã đề cập tới trong cuốn Hận Thù Quyết Thắng, xuất bản năm 1996, ở Chương 5, từ trang 53 đến 64, tia sáng này chính là vị Giáo Hoàng hoàn toàn bất ngờ đến từ một nước cộng sản Balan, vị Giáo Hoàng trong chuyến tông du Lebanon đã tuyên bố những lời kinh hoàng như sau:

 

Tất cả chúng ta đang sống trong Mùa Vọng của những ngày lịch sử cuối cùng, và tất cả chúng ta đang nỗ lực sửa soạn đón Chúa Kitô đến để thiết dựng vương quốc của Thiên Chúa đã được Người loan báo (ĐTCGPII tại Lebanon ngày 11/5/1997:L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 14/5/1997, trang 2).

 

Tóm lại, theo diễn tiến lịch sử của các biến cố có tính cách “dấu chỉ thời đại”, chúng ta thấy có một cái gì đó ăn khớp rất khít khao và lạ lùng với nhau như sau: Trước hết, Thời Điểm Fatima là thời điểm của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria (13/7/1917), thời điểm như Rạng Đông báo hiệu Mặt Trời Công Chính là Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần, là Lòng Thương Xót Chúa, một Lòng Xót Thương đã được chị Lucia thị kiến thấy vào đêm 13/6/1929 tại tu viện Dòng Đôrôthêu ở thành Tuy nước Tây Ban Nha. Tiếp theo là Thời Điểm Lòng Thương Xót Chúa, thời điểm mở màn với Thánh Nữ Faustina (1905-1938), người nữ tu được Chúa Giêsu dùng và chính thức vào ngày 22/2/1931 tỏ ý muốn thiết lập Lòng Thương Xót Chúa. Để rồi, Vị Giáo Hoàng đến từ Balan đã phong thánh cho vị tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa Faustina này vào ngày 30/4/2000 và cũng chính vào dịp này chính thức thiết lập Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa vào Chúa Nhật II Phục Sinh như Người yêu cầu. Chưa hết, vị Giáo Hoàng ban bố Thông Điệp “Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần” ngày 4/3/1979 này được kế vị bởi Giáo Hoàng ban hành Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” ngày 25/1/2006, như cùng nhau dẫn con người trở về với Lòng Thương Xót Chúa, vì cả hai cũng đã đồng thanh kêu gọi (22/10/1979, 24/4/2005): “Đừng sợ, Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”. Sau hết, danh hiệu của vị Giáo Hoàng của Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” giống vị Giáo Hoàng (1914-1922) từ Thời Điểm Fatima 1917 phải chăng là dấu chỉ thời đại cho thấy Bí Mật Fatima phần 3 vẫn chưa nên trọn!?!

 

 

Cùng Mẹ “Ngợi Khen Chúa” - Magnificat

Hoàn tất vào ngày Thứ Bảy Lễ Mẹ Thai Lời 25/3/2006,

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

 

PP_015.jpg