MỘT ÂU CHÂU ĐẶC THÙ

 

 

Âu Châu: hồn sống của châu lục này, liên hệ của nó với Hồi Giáo và vai trò của giáo dân Kitô hữu trong sinh hoạt xã hội

 

Vị giáo sư của Đại Học Ludwig-Maximilians ở Munich, nay đã hồi hưu, 75 tuổi, từng giữ chức bộ trưởng Giáo Dục và Văn Hóa ở Bavaria (quê hương của vị đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI) vào thời khoảng 1970-1986, và là chủ tịch của Tiểu Ban Trung Ương Công Giáo Đức Quốc vào thời khoảng 1976-1988, người đã viết khoảng 30 tác phẩm, trong đó có cuốn ‘Nền Dân Chủ trong Giáo Hội?’ (1970), một tác phẩm ông cộng tác viết với Cha Joseph Ratzinger là vị đương kim Giáo Hoàng của chúng ta hiện nay, trong cuộc phỏng vấn với tở nhật báo Avvenire, số ra ngày 5/7/2006, đã nói về hồn sống của Âu Châu, liên hệ của châu lục này với Hồi Giáo và vai trò của giáo dân Kitô hữu trong sinh hoạt xã hội, nguyên văn như sau:

 

Vấn:    Theo ông thì liệu có một thứ văn hóa Âu Châu hay chăng?

 

Đáp:   Không phải chỉ có một thứ văn hóa Âu Châu duy nhất có thể được học hiểu ở nhà trường. Cũng như  trường hợp không có một ngôn ngữ Âu Châu duy nhất, hay một lối sống duy nhất có thể tiêu biểu cho Âu Châu vậy. 

 

Tuy nhiên, vẫn có những nền tảng và nguyên tắc chung, được biểu lộ nơi những đặc thù về văn hóa của mỗi quốc gia. Và các nguyên tắc nối kết này bao gồm lề luật Rôma là những gì đưa Âu Châu đến chỗ khai triển được thứ văn hóa thực sự theo pháp lý; là niềm tin Kitô Do Thái Giáo vào một vị Thiên Chúa duy nhất, một niềm tin đã ghi dấu nơi các cơ cấu tổ chức và tư tưởng; là mô phạm của việc huấn luyện giáo dục là những gì đòi hỏi một quan niệm nào đó về con người và một đường lối đặc biệt trong việc định vị mình trước kiến thức.

 

Vấn:    Gia sản Hy La và Kitô Giáo như là những gì cấu tạo nên Âu Châu cùng với những nền tảng văn hóa của nó. Âu Châu có một thứ di sản Hồi Giáo nào mà không liên quan tới việc làm đổi thay căn tính của nó hay chăng?

 

Đáp:   Chúng ta không thể nói rằng Âu Châu chỉ có Kitô Giáo, song gia sản Hy-La-KitôGiáo đã hết sức ảnh hưởng tới hồn sống văn hóa và chính trị của nó. Việc nhập cảng một Hồi Giáo giống như được cấu trúc ở các quốc gia Ả Rập vào Âu Châu có nghĩa là dẹp đi cái Âu Châu ngày nay để tạo nên một Âu Châu khác, hoàn toàn là một châu lục khác.

 

Điều này không có nghĩa là chúng ta không thể có một Hồi Giáo Âu Châu, một Hồi Giáo được thích ứng với Âu Châu. Thế nhưng, về phần Hồi Giáo cần phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tôn trọng tính cách đa dạng của tư tưởng, và tôn trọng tính cách khác biệt giữa tôn giáo và chính trị. Thành phần trí thức thông hiểu Hồi Giáo cần phải chấp nhận việc sống niềm tin của họ với những hội đường Do Thái và các vương cung thánh đường Kitô Giáo.  Nó là một tiến trình của việc biến đổi và trưởng thành chúng ta cần phải kêu gọi tín đồ Hồi Giáo thực hiện, nếu họ muốn thuộc về Âu Châu của chúng ta đây. 

 

Vấn:    Âu Châu đã là nơi bắt nguồn chủ nghĩa độc tài chuyên chế nhất trong lịch sử loài người. Ông có nghĩ rằng người ta cũng có thể coi quan niệm tự do như là một yếu tố cấu tạo nên căn tính Âu Châu hay chăng?

 

Đáp:   Đúng thế. Tự do là một điều gì đó tiêu biểu cho Âu Châu, và tôi có thể nói tiêu biểu cho Kitô hữu. Việc góp phần của Kitô Giáo cho việc phát triển tự do cũng như dân chủ là những gì rất mạnh mẽ. Còn đối với những gì khác, như các chủ nghĩa độc tài chuyên chế trong thế kỷ 20, chủ nghĩa Cộng Sản và Phát Xít nhất là nơi hình thức xã hội quốc gia của chúng, là cái gì thay thế được thực hiện với nỗ lực dẹp bỏ tôn giáo ở Âu Châu.

Chúng là ‘những thứ tôn giáo chính trị’, được đúc nặn nên như là những tôn giáo rỗng tuyếch được tạo nên bởi việc hủy bỏ tôn giáo. Bởi thế, tôi có thể nói rằng Kitô Giáo là một thứ chủng ngừa chống lại những nỗ lực đàn áp tự do. Về vấn đề này thành phần Kitô hữu đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố tự do ở cả quốc gia tân tiến.

 

Vấn:    Đâu là mối liên hệ giữa Kitô Giáo và nền dân chủ?

 

Đáp:   Có một mối liên hệ rất chặt chẽ, và nó được bắt đầu với việc tính toán về thời gian của Kitô Giáo, một việc tính toán không phải chỉ là vấn đề đơn giản theo niên lịch, mà là những gì cho thấy một quan niệm về thế giới và về sự hiện hữu. Việc xuất hiện về một thứ niên đại Kitô Giáo là phản ảnh một thứ biến đổi về thái độ của Kitô hữu về ‘thế giới này’, ở chỗ, trong việc giao tiếp với thế giới, Kitô hữu càng nhận ra mình nơi thời điểm của mình.

 

Việc tính toán thời gian ở một viện tu thời Trung Cổ đã được biến thành trách nhiệm cá nhân và tập thể. Và điều này sau đó ảnh hưởng tới cấu trúc về tổ chức, quản trị và dân sự nơi sinh hoạt xã hội và chính trị của các cộng đồng. Đó là gốc gác của nền dân chủ tân tiến, một nền dân chủ được bắt nguồn không phải tình cờ từ Kitô Giáo. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng quốc gia tân tiến cần đến Kitô Giáo.

 

Vấn:    Thành phần Kitô hữu được kêu gọi làm những gì nơi quốc gia tân tiến?

 

Đáp:   Họ là một yếu tố nồng cốt của cả tính cách nhận định và hợp pháp của nền dân chủ. Bởi thế việc tham dự về chính trị và xã hội trở thành trách nhiệm nặng nề đối với tất cả mọi Kitô hữu, nhất là trong những thời điểm như của chúng ta đây, một thời điểm mà tất cả đều thu gọn việc trực tiếp dấn thân trước hết vào bản thân con người.

 

Để thực hiện việc làm này của mình, Kitô hữu được kêu gọi để liên kết, để tìm cách gắn bó với nhau. Không bao giờ được quên rằng một trong những yếu tố dẫn tới việc quyết tâm của chủ nghĩa Nazi ở Đức Quốc đó là tình trạng chia rẽ giữa thành phần Công Giáo và Tin Lành, thành phần không thể trở thành một lực lượng cản trở chung.

 

Vấn:    Vị luật gia Đức quốc Ernst-Wolfgang Bockenforde chủ trương rằng ‘một quốc gia tự do theo thế tục là quốc gia sống dựa vào những ngân khoản nó không thể nào nắm được trong tay’. Có thể nào một quốc gia tự mình tạo nên được cái đặc thù làm cho nó được tồn tại hay chăng?

 

Đáp:   Quốc gia có thể bảo đảm những điều kiện nhờ đó phát sinh ra những đặc tính tự do nâng đỡ nó, thế nhưng tự nó không thể nào tạo nên đặc tính ấy nhờ chính trị và việc quản trị. Vấn đề được công nhận ở đây là các chủ nghĩa độc tài chuyên chế tự chúng ấn định lấy các thứ giá trị.

 

Một quốc gia ‘thế tục’ cũng cần phải có các thứ giá trị được thành phần công dân bày tỏ. Nó sống bởi những động lực và những xiết lực là những gì được chính đức tin tôn giáo truyền đạt cho công dân của nó. Bởi thế, lý do tại sao quốc gia cần phải nhìn nhận vai trò của tôn giáo. Và ở Âu Châu điều này có nghĩa là nhìn nhận tầm quan trọng của truyền thống Do Thái Kitô Giáo.

 

Vấn:    Điều này đòi hỏi các Giáo Hội phải thực hiện một vai trò xã hội nhiều hơn nữa. Làm thế nào điều này hòa hợp với chiều hướng thế tục của quốc gia?

 

Đáp:   Cần phải phân biệt các loại cá thể. Những tác nhân về chính trị, về kinh tế, về xã hội đều là giáo dân Kitô Giáo. Họ cần phải dấn thân nơi lãnh vực xã hội tương đương với những gì họ sống trong Giáo Hội.

 

Các vị linh mục không liên hệ với chính trị, mà là với việc loan truyền Phúc Âm và cử hành các phép bí tích. Ngoài ra, Công Đồng Chung Vaticanô II đã làm sáng tỏ vấn đề với những ai còn ngờ vực, đó là không chấp nhận ‘thành phần giáo sĩ chính trị’, và nhở Chúa điều này đã đẩy lui được những xung khắc giữa Giáo Hội và quốc gia. 

 

Vấn:    Thế nhưng trong Giáo Hội có vấn đề dân chủ hay chăng?

 

Đáp:   Giáo Hội không phải là vấn đề chính trị mà là vấn đề hiệp thông. Không có vấn đề một số bên trên và một số bên dưới, nhưng trong tất cả mọi tín hữu đều có một mối liên hệ theo hàng ngang.

 

Tuy nhiên, dù không có một thứ dân chủ với những quyết định được thực hiện bởi đa số phần tử, trong Giáo Hội vẫn có các yếu tố dân chủ.

 

Từ khi có các cộng đồng Kitô Giáo tiên khởi đã có vấn đề đóng góp ý kiến chung trong Giáo Hội, một thứ phát biểu tư tưởng; và chúng ta cũng có những yếu tố dân chủ trong chính việc tuyển bầu Giáo Hoàng nữa.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 27/8/2006