Trích Ðời Thênh Thang Sống của Cao tấn Tĩnh

 

5. BÌNH AN LÀ TRÀN ĐẦY SỨC SỐNG



Nói đến bình an, tôi không thể nào quên được những ngày thảnh thơi vui sống ở Việt Nam vào thập niên 1950. Thời ấy, trong khi thế giới tân tiến bên Âu Mỹ đang tưng bừng phát triển kinh tế và kỹ nghệ từ đầu thế kỷ 19, cũng như nhộn nhịp với phương tiện truyền thông xã hội từ đầu thế kỷ 20, ở Việt Nam, cả ngoài Bắc lẫn trong Nam, đời sống vẫn còn hơn 90% dân chúng làm nghề nông, sống thật là an lành và bình dị:

Tháng Giêng (theo Âm lịch) ăn tết ở nhà,Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè.
Tháng Tư đong đậu nấu chè, Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm
(Ca Dao Việt Nam)

Cho đến đầu thập niên 1960 mà bản dân ca sau đây của nhạc sĩ Phạm Duy vẫn còn thịnh hành:

“Ai bảo chăn trâu là khổ chăn trâu sướng lắm chứ.
Ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau và miệng hát ngêu ngao.
Vui thú không quên học đâu ngồi đồi non gió mát.
Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo em đánh vần thật mau.
Chiều buông tiếng diều trên bờ đê vắng xa.
Đường về xóm nhà chữ y chữ tờ.
Lùa trâu nhốt chuồng gánh nước nữa là xong.
Khoai vùi bếp nóng ngon hơn là vàng”.

Giờ đây và ở nơi đây, giữa một xã hội kỹ nghệ hóa và thành thị hóa, trong một thế giới văn minh và kỹ thuật như Âu Mỹ này, cuộc sống dù đầy đủ tiện nghi song toàn là của nợ nần tạm bợ; dù tự do hưởng thụ mà vẫn cảm thấy thiếu thốn chưa thỏa; dù đầy đủ quyền lợi mà vẫn đầy những bất công bất mãn; dù an ninh luật pháp mà vẫn phải mua bảo hiểm đủ thứ; càng truyền thông nhanh chóng bao nhiêu tệ đoan xã hội càng lan tràn mau lẹ bấy nhiêu v.v.

Chính ở những nước có nền y khoa tối tân, có kỹ nghệ thực phẩm được nghiên cứu công phu và kiểm soát kỹ lưỡng, lại là những nước có tỉ số cao nhất thế giới bị những chứng bệnh chết người, như đông huyết mạch, đứt mạch máu, ung thư, hơn ở những nơi chỉ biết “đói ăn rau, đau uống thuốc” (Tục Ngữ Việt Nam).

Chính ở những nơi có mức sống sung túc, có đầy đủ tiện nghi và an toàn quyền sống nhất thế giới lại là những nơi con người mắc bệnh tâm thần nhiều hơn ở những nơi “trời sinh voi, trời sinh cỏ” (Tục Ngữ Việt Nam).

Chính ở những nơi được tự do luyến ái nhất thế giới, lại là những nơi con người có thai sớm nhất thế giới, phá thai và ly dị nhiều nhất thế giới, có cả một thế hệ con cái mồ côi bất đắc dĩ nhiều nhất thế giới, nhất là bị chứng Liệt Kháng (Aids) nhiều nhất thế giới, hơn những nơi “nam nữ thọ thọ bất thân” (Thành Ngữ Việt Nam).

Giữa các cuộc khủng hoảng đang như cơn lốc làm đảo lộn giá trị và cuộc sống tại thế giới Âu Mỹ này, thế giới theo văn hóa Kitô giáo, thế giới mà Giáo Hội Công Giáo Rôma đang tha thiết kêu gọi và tìm hết cách để tái Phúc Âm hóa, có một số người đang cố gắng tìm về với những phương pháp an thần của Đông Phương, được gọi là Thiền, như Yoga hay Zen. Thật ra, các phương pháp thiền này cũng có tác dụng chứ không phải là không.

Tôi không thực hành Thiền, song theo kinh nghiệm, nếu tôi biết tổ chức đời sống có thứ tự theo bậc thang giá trị chính đáng, làm việc một cách điều độ, tránh ham hố tranh giành, đi đứng một cách khoan thai, không vội vàng hấp tấp, thỉnh thoảng hay lợi dụng lúc chuyển tiếp giữa hai việc để điều hòa lại nhịp thở v.v., tâm tư của tôi tự nhiên sẽ thanh thản, năng lực sẽ dồi dào, làm việc sẽ bền bỉ hơn.

Tuy nhiên, cũng theo kinh nghiệm, những phương pháp an thần này sẽ vô hiệu nếu tôi không có sự bằng an nội tâm là tiêu đích nhắm tới của các phương pháp an thần, nhất là trong những trường hợp bất trắc xẩy ra.

Chẳng hạn, được tin người thân nhất trên đời của mình chết, liệu tôi có còn thản nhiên ngồi Thiền hay đi ngồi Thiền để chế ngự xúc động được không? Ngoài ra, những người chủ trương hiện sinh, chết là hết, có lẽ sẽ không cần Thiền hay chịu ngồi Thiền. Do đó, Thiền cũng vô hiệu và vô ích đối với họ.

Ngoài phương pháp bề ngoài để giúp con người sống bình an hơn trên đây, về tâm linh, theo khuynh hướng tự nhiên, để xa lánh mọi phiền toái thế gian, theo khuynh hướng và trào lưu ngày nay, người ta thường đóng cửa lòng mình lại, sống lẻ loi âm thầm trong căn phòng cá nhân chủ nghĩa, nơi mà họ cho là sẽ bình an nhất, sẽ không còn sợ bị ai đụng chạm và họ cũng không đụng chạm đến ai, mỗi người là một thế giới tách biệt.

Thế nhưng, thực tế lại cho thấy, xã hội nào người ta càng tôn thờ cá nhân chủ nghĩa, xã hội ấy lại càng trở nên bãi chiến
trường tranh chấp quyền lợi hơn ở đâu hết, với những cuộc xuống đường chống đối, liên miên, khắp nơi, đủ thứ.

Phải,

Bình an không phải ở chỗ xa lánh phiền toái, cũng không phải ở chỗ không có phiền hà, hay có đủ khả năng phòng thủ bất trắc, hoặc ngay cả có khả năng chịu đựng thử thách, mà ở chỗ, càng bị thử thách càng phát triển sức sống cho đến khi đạt đến tầm vóc kiện toàn của mình.

Bình an không phải ở chỗ xa lánh phiền toái.

Bởi vì, chúng ta không thể nào biết hết được chính cuộc đời của mình. Do đó, chúng ta cũng không thể nào kiểm soát và điều khiển được nó theo ý của chúng ta. Có lúc chúng ta xa lánh được phiền toái thì chúng ta có bình an, còn lúc không xa lánh được thì chúng ta lại bất an hay sao. Khi đặt mình ở thế thủ là chúng ta đã đặt mình ở trong thế bất an rồi vậy, tức
là ở trong thế luôn luôn đề phòng, trong thế nơm nớp lo sợ.

Bình an cũng không phải ở chỗ không có phiền hà.

Lịch sử đã chứng minh hoà bình thực sự không phải là vắng bóng chiến tranh. Không phải hay sao, sau hai cuộc đại chiến I (1914-1918) và II (1939-1945) là một cuộc chiến tranh lạnh xẩy ra giữa hai ý thức hệ, tư bản và cộng sản.

Ngay cả sau khi cuộc chiến tranh lạnh hầu như chấm dứt, lúc mà khối cộng sản Đông Âu tự động sụp đổ vào cuối năm 1989, nhất là sau khi chính đầu đảng cộng sản Nga Sô tự động giải thể vào ngày 25/12/1991, một cuộc chiến khác đang hình thành ở một trật tự mới.

Đó là cuộc chiến tranh kinh tế giữa ba khối: Bắc Mỹ (Mỹ, Gia-Nã-Đại và Mễ-Tây-Cơ), Thị Trường Chung Âu Châu, và Á Châu (Nhật Bản cùng với ngũ hổ là Đại Hàn, Đài Loan, Thái Lan, Mã Lai và Tân Gia Ba).

Bình an cũng không phải ở chỗ có khả năng đề phòng bất trắc.

Chính hành động đề phòng bất trắc của mình là một triệu chứng mình đang bất an. Không phải tôi có tiền mua đủ mọi thứ bảo hiểm, cho xe cộ, cho nhà cửa, cho sinh mạng, cho đồ dùng, cho nghề nghiệp v.v. mà tôi được bình an vui sống đâu. Cái làm tôi vẫn bất an là lo làm sao luôn có đủ tiền để đóng bảo hiểm, là chịu đựng những thủ tục rắc rối và mất giờ khi bất trắc xẩy ra để đòi tiền bồi thường từ các hãng bảo hiểm, và khó chịu mỗi lần tiền bảo hiểm theo giá sinh hoạt cứ tăng lên vô chừng v.v.

Vì thế giới chủ trương hòa bình là vắng bóng chiến tranh, do đó, họ thi hành chính sách cân bằng lực lượng và thi đua v trang. Thế nhưng, có vũ khí trong tay, người ta sẽ ra tay giết nhau bất cứ lúc nào. Luật cho sử dụng súng ở Mỹ để phòng thân đã trở thành tai họa tàn sát lẫn nhau không phải là một bằng chứng hùng hồn nhất hay sao!

Trong tờ Denver Post ra ngày 19/3/1990, người ta đọc thấy trong mục "Findings" nho nhỏ về dữ kiện: "Hoa Kỳ có mức độ tàn sát do giới trẻ phái nam gây ra cao hơn các nước tân tiến khác gấp từ 4 đến 5 lần".

Bình an cũng không phải ở cả chỗ có khả năng chịu đựng thử thách.Có người chết cũng không sợ, vì họ chủ trương chết là hết, như thành phần cảm tử quân bị nhồi sọ của mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam trước đây. Có người sẵn sàng chịu đấm ăn sôi, như trường hợp những kẻ phải kiêng cữ kẻo chết vì bệnh đông huyết mạch chẳng hạn. Nếu không bị bệnh, chưa chắc họ đã chịu như vậy.

Thậm chí, có những người lì lượm đến nỗi kể cả chịu khổ nhục kế để đạt cho bằng được tham vọng và mưu đồ của mình mới thôi. Phải chăng Cuộc Bão Chiến Sa Mạc (Desert Storm), từ 2/8/90 đến 27/2/91, của phe đồng minh do Mỹ lãnh đạo là cố ý ngăn chặn mưu đồ này của phe gây chiến.

Những con người tham vọng bất chấp thủ đoạn giống như những cây xương rồng xanh tươi giữa sa mạc hạn hán khô cằn nóng bỏng, đầy gai góc mà không đơm bông kết trái gì cả.

Nếu bình an không hệ tại những gì đã diễn giải ở trên, thì phải chăng "bình an chính là tràn đầy sức sống"?

Tôi có một người bạn, trong 25 năm trường, từ năm 1957 đến 1982, anh chỉ uống có 1 viên Aspirin duy nhất. Ngoài ra, anh chẳng những không có bệnh tật gì, lại còn làm việc nhiều hơn ai hết. Với sức khoẻ đặc biệt như vậy, không phải là vì anh bạn của tôi tẩm bổ hay uống cao hổ cốt hay sâm nhung gì cả, trái lại, anh ta vẫn gầy còm nhỏ con, ăn ít, ngủ ít!

Không phải cứ béo tốt mới là người khỏe mạnh. Khối gì người béo tốt, to con, lực lưỡng mà động một tí thì bệnh, hơi một
tí là mệt, làm việc chậm chạp v.v.

Khoẻ mạnh phần xác được căn cứ vào hai yếu tố, tiêu cực là không bị hay hiếm bị bệnh lặt vặt, tích cực là dồi dào và bền bỉ trong năng xuất làm việc.

Cũng thế, căn cứ vào tầm mức trưởng thành, qua những việc lánh dữ (tiêu cực) và làm lành (tích cực) của con người mà có thể thẩm định được trạng thái bình an nội tâm của họ.

Phương pháp trị bệnh chính yếu của Đông Phương là đả thông khí huyết. Vì họ cho rằng, hầu như tất cả mọi bệnh tật trong con người gây ra do sự bấn loạn hay bế tắc khí huyết. Những phương pháp như xông người hay cạo gió ở lưng khi bị cảm cúm, bắt gió ở mũi khi bị nhức đầu, hoặc nội công tâm pháp để điều dưỡng thân thể v.v. đều là những cách trị bệnh theo Đông Phương.

Cũng thế, về phương diện tâm thần, hình như một con người còn bị vướng mắc, lệ thuộc, chưa được hoàn toàn tự do xứng với thân phận có lý trí và ý chí làm người của mình, họ đang bị bệnh tật, xanh xao, ốm yếu, không làm được những việc phải tránh, phải làm, chứ chưa nói đến những gì phải chịu, cần phải đả thông nguồn mạch tự do cho họ, họ mới có thể bình an, có thể tràn đầy sức sống.

Một cơn gió mát có thể trở thành một cơn gió độc đối với một người vốn không được khỏe. Một của ăn ngon miệng cũng có thể trở thành một của độc đối với một tì vị yếu kém.

Cũng thế, đối với một con người vốn tràn đầy sức sống, vốn bằng an trong tâm hồn, thì không một thử thách nào có thể đánh gục họ, không một khổ đau nào trên đời có thể làm kiệt quệ họ.

Trái lại, nhiều khi, như lửa thử vàng, tất cả những sự dữ trên đời lại càng làm cho họ trở thành vàng ròng nhanh chóng hơn, cao qúi hơn, và càng làm nổi bật bản chất “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” (Ca Dao Việt Nam) của họ hơn.

Tầm vóc tràn đầy sức sống của con người đạt được tâm trạng bình an này phải chăng là biểu hiệu yêu thương là bản tính hoàn thiện nơi họ.