Trích Ðời Thênh Thang Sống của Cao tấn Tĩnh

 

6.YÊU THƯƠNG LÀ BẢN TÍNH HOÀN THIỆN



Phải, yêu thương là một mầu nhiệm. Người ta thường nói không ai có thể định nghĩa được tình yêu. Bởi vì, lý lẽ của tình yêu trí khôn không thể nào hiểu được. Do đó, trong đời sống, vấn đề hay được đặt ra là: Tại sao cô ấy lại có thể yêu anh chàng đó được nhỉ, hay ngược lại, tại sao anh chàng lại có thể lấy cô nàng được há?

Vâng, yêu thương tuy mầu nhiệm thật, song nó cũng rất thực tế như bản thân của mỗi người trong chúng ta.

Trước hết, chúng ta cảm được yêu thương như là một khuynh hướng qui về đối tượng tự nhiên hợp với mình.

Như qua những cảm xúc ban đầu khi vừa gặp gỡ, mà người ta hay gọi đó là tiếng sét ái tình.

Rồi qua những nhớ nhung khi cách xa nhau, “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” (Thành Ngữ Việt Nam).

Và những sướng vui khi được gần gũi nhau, bằng không,

“Người đi một nửa hồn tôi chết,
một nửa hồn kia bỗng dại khờ”
(Xuân Diệu).

Sau nữa, chúng ta còn thấy yêu thương được tỏ ra bằng những tác động tiến đến với đối tượng đã làm cho chủ thể yêu say mê.

Như hy sinh,

“Yêu nhau cởi áo cho nhau,
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay”
(Ca Dao Việt Nam);

Như chịu đựng,
“Yêu anh tâm trí hao mòn,
yêu anh đến chết vẫn còn yêu anh”
(Ca Dao Việt Nam);

Như bênh vực người mình yêu,
“yêu nhau trăm sự chẳng nề,
một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”
(Ca Dao Việt Nam);

Như sợ mất người yêu,

“Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai,
đừng hôn dù thấy đóa hoa tươi,
đừng ôm gối chiếc đêm nằm ngủ,
đừng tắm chiều nay bể lắm người.
Thế nghĩa là ghen quá đấy mà thôi.
Thế nghĩa là yêu quá mất rồi”
(Nguyễn Bính).

Yêu thương nhau say đắm như vậy, yêu thương nhau đến nỗi cuộc đời chẳng còn ý nghĩa gì nữa nếu không có người mình yêu và không lấy được người mình yêu. Thế mà, tại sao, chính những cuộc tình lý tưởng như thiên đàng ấy lại là những cuộc tình làm cho những đôi tình nhân mà nó xe duyên tình cảm, thậm chí đã kết nghĩa vợ chồng, lại bị rơi xuống tận đáy hỏa ngục của lòng ghen ghét nhau.

“Yêu nhau lắm cắn nhau đau” (Tục Ngữ Việt Nam), đến nỗi, đôi tình nhân tuyệt vời ấy, đôi vợ chồng xứng đôi vừa lứa ấy, không thể nào sống với nhau được nữa, và đã ly dị, chấm dứt cuộc tình thần tiên, để

“Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi,

Tình nghĩa đôi ta có thế thôi”.

Phải chăng, yêu thương không phải chỉ là khuynh hướng tự nhiên hướng về đối tượng hợp với mình, cũng không chỉ là tác động tự động tiến đến với đối tượng lôi kéo mình mà thôi, nó còn phải trở nên chính bản tính hoàn thiện nơi chủ thể yêu ("người yêu", khác với "người tình" là người được yêu) nữa mới được, mới chân thật, mới trọn vẹn, mới viên mãn, mới bất diệt?

Thật vậy, theo tôi,

Yêu thương chính là một Hạt Giống Thần Linh được gieo sẵn trong nhân tính (bản tính loài người) của con người, làm cho mảnh đất nhân tính trổ sinh Hoa Trái Thần Linh là chính Văn Hóa Thần Linh, kiện toàn cả con người lẫn đời sống của họ.

Để có thể đi sâu vào thực tại diệu huyền của yêu thương này, chúng ta hãy tìm hiểu ba sự kiện liên hệ đến yêu thương.

Thứ nhất, tình yêu là một hạt giống mà nhân của nó là chính Chân-Thiện-Mỹ.

Thứ hai, tình yêu chính là tác nhân xe duyên kết nghĩa cho con người.

Thứ ba, con người phải tập yêu thương, kể cả trong tình yêu thương tự nhiên đối với những người thân thiết của mình.

Tình Yêu là một hạt giống thần linh mà nhân của nó là chính Chân-Thiện-Mỹ.

Thực tế mỗi người chúng ta đều cảm nghiệm thấy ai cũng yêu thích cái đẹp. Khuynh hướng tự nhiên của phái nam hướng về phái nữ, được gọi là phái đẹp, cũng đủ thấy.

Không anh chàng nào, dù xí trai đến đâu, mà lại không ham gái đẹp. Nhiều khi bị sắc đẹp của người ta thôi miên đến nỗi, lúc may mắn đến được gần nàng để làm quen, tán tỉnh, thì lại luống cuống, nói năng cử động loạn xà ngầu, làm trò hề cho người đẹp được dịp cười ngạo nghễ!

Giả sử, như chó ngáp phải ruồi, anh chàng xí trai nào đó may mắn được người đẹp kia thương. Sau một thời gian quen nhau và gần gũi, chàng ta mới khám phá ra rằng, sở dĩ người đẹp đoái hoài đến mình là vì cô nàng, một đàng thì vừa bị người tình sở khanh cho một bụng, đàng khác lại thấy mình có sự nghiệp và tiền của.

Tuy bị chám tự ái không ít, nhưng, nghĩ lại, anh chàng xấu xí tự an ủi: mình xí trai gặp gái xí lòng không xứng đôi vừa lứa lắm sao? Nếu nàng không tà tâm như vậy thì mình đâu có vớ được nàng! Vả lại, bỏ nàng đi, sức mấy mà mình kiếm được một người đẹp khác nhu* nàng. Phần nàng, ngoài mình ra, với nhan sắc của nàng, nàng vẫn có thể kiếm được một anh chàng khác còn ngon hơn mình.

Trong thời gian "tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở" (Hồ Dzếnh) như thế, một lần kia, theo bản chất thiện tâm của mình, bất chấp nguy hiểm, anh chàng xí trai đã nhào vô can thiệp một vụ hãm hiếp hội đồng. Kết quả, anh đã bị nằm nhà thương.

Bị mất trinh bởi nhóm băng đảng này, tuy mến phục chàng, người con gái nạn nhân đáng thương lại kiều diễm này vẫn không dám ngỏ ý muốn được làm vợ chàng. Tinh ý biết được tâm sự của nàng, chàng xí trai liền bỏ người đẹp thứ nhất không tiếc xót và cưới người đẹp thứ hai lập tức.

Thế rồi, cuộc đời đâu phải chỉ đơn giản như vậy. Lấy nhau được ít lâu, một ngày kia, đi làm về, anh chồng xí trai không thấy người vợ đẹp của mình đâu nữa, ngoài bức tuyệt tình thư với vài hàng chữ như sau:

Anh.


Dù hôm nay bất đắc dĩ phải vĩnh viễn xa anh, em vẫn không bao giờ quên ơn anh, người hùng đã cứu hụt em ngày ấy. Bằng ấy tháng ngày làm vợ anh, em tưởng đã đủ để trả nợ anh tất cả ân nghĩa anh làm cho em. Hết mọi tài sản tiện nghi sang trọng anh cho em được tự do sử dụng, cùng những tháng ngày nhàn nhã ở nhà chờ anh đi làm về, đủ thấy rằng anh hết sức thương em và lo đến hạnh phúc cho em hơn cả bản thân anh. Cũng chính vì hạnh phúc anh cho em vẫn chưa đủ mà em đành phải đi tìm nó ở một người cũng có của cải và sự nghiệp như anh, lại còn tuấn tú và đào hoa hơn anh, hằng đến thăm em vào những lúc em cô đơn vắng anh ở nhà. Là người đã bỏ người tình cũ để lấy em làm vợ, em nghĩ, chắc chắn anh phải thông cảm việc làm này của em hơn ai hết.

Em, người vợ một thời của anh.

"Từ một cơn mơ" (đây là đầu đề của cuốn tiểu thuyết mà tôi có thể sẽ viết dựa theo mớ tình tiết vừa kể trên), anh chàng xí trai bấy giờ mới thực nghiệm thấy yêu thương mang mầm mống Chân-Thiện-Mỹ, hướng về và tìm kiếm Chân-Thiện-Mỹ.

Cả hai người con gái đều đẹp (mỹ), làm anh say mê. Thế nhưng, người đẹp thứ hai khá hơn người đẹp thứ nhất ở chỗ không có tà tâm lợi dụng chàng, trái lại hoàn toàn có lòng (thiện) muốn làm vợ chàng. Tuy nhiên, người đẹp có lòng làm vợ chàng ấy lại không trung thành (chân) với chàng, khi phản bội chàng để chạy theo những gì lợi hơn cho nàng.

Tình yêu là chính tác nhân (ông tơ bà nguyệt) xe duyên kết nghĩa cho con người.

Nếu đã một lần yêu, để ý một chút, chúng ta sẽ nhận thấy lời phát biểu này thật xác đáng đúng như vậy.

Vẫn biết, vì nhân trung của hạt giống yêu thương trong con người chúng ta là Chân-Thiện-Mỹ, do đó, tình yêu trong chúng ta và của chúng ta chỉ hướng về và tìm kiếm cho bằng được Chân-Thiện-Mỹ mà thôi. Có lẽ câu “yêu là cùng nhìn một hướng” là hướng này đây.

Tuy nhiên, trên thực tế, cùng là một hạt giống, song, hạt được gieo ở mảnh đất này, ở khí hậu này, ở thời điểm này, sẽ mọc lên và phát triển khác với ở mảnh đất kia, thời tiết kia, thời điểm kia. Cũng thế, nơi mỗi cá nhân, hạt giống tình yêu nẩy nở tùy môi trường của nó là bản chất của mỗi người.

Cho dù hai anh chàng kia có hội đủ mọi đòi hỏi để cua một cái là bắt được cả nắm gái, như đẹp trai, con nhà giầu, có v tầu, học giỏi. Thế nhưng, để được lọt vào mắt xanh của cùng một người đẹp đã tự nhiên thu hút được cả hai anh chàng có số đào hoa này, hai chàng còn phải lệ thuộc vào bản chất của người đẹp nữa.

Nếu người đẹp mang bản chất nghệ sĩ, thì anh chàng nào biết đánh đàn, nhảy nhót, vẽ vời, chụp ảnh v.v. hơn, chắc chắn sẽ chiếm được nàng.

Nếu người đẹp có bản chất đạo đức, thì anh chàng nào càng thông thạo đạo lý, càng hoạt động trong các hội đoàn tôn giáo, càng sống cao thượng vị tha v.v., sẽ càng được lòng nàng.

Trong cuốn sách đầu tiên của bộ Thánh Kinh Do Thái Giáo, có viết về truyện tình đầu tiên của loài người trên thế gian này như sau.

Adong là con người và cũng là người nam đầu tiên được Thiên Chúa dựng nên trên thế gian này. Thấy người nam ở một mình không tốt, Thiên Chúa đã làm cho Adong ngủ mê như chết, rồi Ngài rút xương ở cạnh sườn của Adong, đắp thịt vào, dựng nên người nữ đầu tiên là Evà. Sau đó, Thiên Chúa dẫn Evà đến cho Adong.

Lúc Evà được dựng nên, Adong đang ngủ say không biết gì hết. Thế mà, vừa thấy Evà, Adong liền nhận biết: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Từ đó, Adong đã gắn bó với Evà, trở nên một xương một thịt.

Đúng vậy, sở dĩ Adong tự nhiên yêu Evà, là vì Adong thấy nơi Evà có một cái gì của mình. Cũng thế, theo tình yêu phái tính, vào thời điểm sinh dục bắt đầu nẩy nở trên thân xác, con người tự nhiên sẽ tìm kiếm một cái gì ấy thiêu thiếu trong mình, mà chỉ gặp được nơi người tình của mình, người đang có cái mình thiếu, cái làm mình nên trọn và thỏa mãn.

Nếu chính tình yêu đã thu hút, hấp dẫn, lôi kéo và gắn bó những người có duyên với nhau lại như thế, tình yêu lại không phải là tác nhân đã xe duyên kết nghĩa cho con người hay sao.

Con người phải tập yêu thương, kể cả trong tình yêu thương tự nhiên như tình yêu thương phái tính.

Chắc bạn hơi là lạ nhíu mày thắc mắc khi đọc đến chỗ này. Tình yêu phái tính mà còn phải tập thì phải chăng là thành phần đã lạc loài mất trí, nếu không muốn nói là đã mất giống.

Đúng thế. Theo tôi, chúng ta đều thấy r điều này mà chúng ta không để ý đấy thôi.

Kinh nghiệm đã không cho chúng ta thấy đó ư, tình yêu thương nói chung, tình yêu thương phái tính nói riêng, nếu không tập luyện đàng hoàng nghiêm chỉnh, chắc chắn sẽ không hoàn toàn bền chắc, và, không nhiều thì ít, không sớm thì muộn, cũng sẽ đổ vỡ thảm thương.

Hiện tượng ly dị ngày nay là gì, nếu không phải là hiện tượng tình yêu phái tính, theo bẩm sinh vốn hoang dại như thú rừng, không được huấn luyện cho thuần thục, nên đã xẩy ra như vậy.

Công nhận, tình yêu thương phái tính không cần tập ai cũng biết yêu khi đến tuổi của mình. Vì yêu thương bộc phát từ con người như là một khuynh hướng tự nhiên hướng về người họ yêu mà họ thấy có cái gì của họ. Và, một khi đã yêu, không cần bảo, tự động ai cũng biết phải làm sao. Vì yêu thương bộc lộ nơi con người như là một tác động tự nhiên gắn bó với người họ yêu để chính họ được nên trọn và hoàn toàn thỏa mãn.

Theo khuynh hướng và tác động yêu thương tự nhiên như thế, nếu không ý tứ đề phòng, con người chỉ tìm mình hơn là yêu nhau. Ở chỗ, họ bị thúc động chạy theo khuynh hướng yêu thương tự nhiên, được tỏ ra bằng những tác hành yêu thương theo tự nhiên đòi hỏi, làm sao cho nhu cầu vốn thiếu hụt nơi phái tính của mình, cả về tâm lý cũng như sinh lý, trong họ được hoàn toàn thỏa mãn.

Do đó, nếu yêu nhau mà không cảm thấy thỏa mãn, họ sẽ không thể nào chịu đựng, và cần phải tiếp tục đi tìm thỏa mãn cho đến khi đạt được mới thôi, cho dù có phải bỏ nhau, như bỏ một món đồ chơi đã chán.

Nhìn vào xã hội ngày nay, càng tự hào văn minh khoa học bao nhiêu, về mặt tâm lý và luân lý, con người lại càng giống như một đứa trẻ con hay một người nghiện ngập bấy nhiêu.

Con người ngày nay trong tình yêu thương vợ chồng không phải giống như trẻ con hay sao, khi động một tí là giận nhau, là bỏ nhau, như bỏ một món đồ chơi đã chán.

Con người ngày nay trong tình yêu thương phái tính cũng không giống như hạng nghiền ma túy là gì, chỉ biết làm sao cho thỏa mãn cơn nghiền của mình, bất chấp thân phận và phẩm giá của mình.

Tập yêu thương là ở chỗ đó: tập làm người lớn trong tình yêu thương nhau, và tập bỏ yêu thương nhau như một cơn nghiền ma túy.

Bao giờ chúng ta, trong tình yêu thương nhau, dù là tình yêu thương nào đi nữa, biết coi mình là anh em của nhau, người yêu của nhau, mà không bắt nhau là anh em của mình, là người yêu của mình, rồi mới yêu thương họ, bấy giờ tình yêu thương của chúng ta mới trọn hảo, chân thật và bền bỉ.

Bấy giờ, tình yêu thương nơi chúng ta không còn là một khuynh hướng tự nhiên hay tác động tự nhiên nữa, mà là một bản tính thiện hảo, chỉ biết cho đi hơn là lãnh nhận.

Bấy giờ, hạt giống tình yêu được gieo trong mảnh đất nhân tính hoang dại của chúng ta sẽ nẩy mầm và phát triển thành cây nhân đức bác ái cao cả, chỉ biết phục vụ hơn là hưởng thụ.

Yêu thương khi đã trở thành một bản tính thiện hảo trong chúng ta, con tim nhỏ bé của chúng ta có thể chất chứa tất cả mọi người như một người tình duy nhất khả ái đáng qúi trọng của mình.

Con người yêu thương như bản tính trọn hảo của mình sẽ trở thành một con người quốc tế, có thể sống với mọi người và bất cứ một người nào.

Phải chăng yêu thương là bản tính hoàn thiện nơi con người nào, thì con người đó là con người hạnh phúc nhất, vì hạnh phúc là viên mãn yêu thương?